.
Nhà lý luận phê bình văn học BÙI VIỆT THẮNG
. Báo Văn nghệ số 35+36 (ra ngày 1-9-2018) đăng truyện ngắn Khai khẩu của Nguyễn Trường. Sau Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của báo Văn nghệ (với chùm truyện Vương quốc mộng mơ, Quà tặng tương lai và Mùa thanh long), Nguyễn Trường đã định vị trong trí nhớ độc giả ngày nay vốn thông minh, đôi chút… đỏng đảnh nhất thời. Người khó tính nhất cũng phải thừa nhận Vương quốc mộng mơ là một truyện ngắn hay, thâm hậu, đa nghĩa, có tính chất tượng trưng. Nguyễn Trường viết rất khác trước trong Khai khẩu. Có thể coi đây là một cuộc “vượt vũ môn” ngoạn mục trong nghiệp cầm bút của nhà văn. Nhưng riêng tôi thấy, còn một cái hay khác của truyện này là có cấu tứ sâu rộng. Chúng ta một thời gian dài đã sống trong những ảo tưởng, đôi khi hoang đường. Nhà văn Nguyễn Minh Châu với truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành cũng đã đi trước Nguyễn Trường hơn 30 năm khi viết về căn bệnh mộng du, huyễn hoặc, trên trời của người Việt vốn sống lâu hàng nghìn năm trong siêu hình, huyễn tưởng. “Cái đẹp chính là cuộc sống” như một tín niệm bị chúng ta bỏ qua, coi thường.
Nhưng nếu không thay đổi bút pháp, cứ ôm khư khư một “kiểu” viết, thì dễ rơi vào nhàm chán, tự dẫm lên dấu chân của mình. Nguyễn Trường, tôi nghĩ, có ý thức làm mới mình qua văn chương, qua truyện ngắn.
Nhưng không phải quyết tâm thay đổi nào cũng hiệu quả. Khai khẩu, theo tôi, vừa là truyện lịch sử (có nhân vật lịch sử – Tổng thống VNCH Ngô Dình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu,..), vừa là truyện luận đề – triết học (chân lý “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất”), vừa là truyện tâm lý (tâm trạng của Nguyễn Thành Nam – ông đạo Dừa, Diệu Thúy), vừa rất hiện đại khi mang hình hài “giễu nhại” (Nguyễn Thành Nam xúng xính trong bộ long bào của vua Minh Mạng)… Cái câu “Thế gian biến đổi vũng nên đồi” như một sự cảnh báo, cảnh tỉnh, cảnh giới đầy tính chất dự báo, tiên cảm qua cái chết có thực của những nhân vật chóp bu của chính thể VNCH (Diệm, Nhu) đã hòa quyện vào từng chi tiết, tình tiết, biến cố vừa chân xác về lịch sử, vừa có tính hư cấu của văn chương. Nhưng tựu trung lại thì, tôi thấy, Nguyễn Trường đề cao SỰ THẬT. Quyết tâm “nhúng bút vào sự thật” khi viết. Không đơn giản chỉ là dũng cảm đối diện với sự thật. Mà là tay nghề, bản lĩnh, nhân cách người cầm bút. Nguyễn Trãi từng viết “Dân là nước. Nước chở thuyền. Nước cũng lật thuyền”. Chân lý bao giờ cũng giản dị. Nên cái đúngluôn luôn có sức mạnh của sự thật.
Cái kết của truyện ngắn góp phần tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm. Khai khẩu có cái kết rất mở.
Không áp đặt, không đơn giản hóa, tác giả đưa ra ba phương án. Tùy người đọc chọn lựa (“nhân tâm tùy mạng mỡ)”. Cách kết thúc này tuân thủ nguyên tắc “đồng sáng tạo” trong nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng. Ám ảnh nghệ thuật còn đọng lại qua cấu tứ (như là tư tưởng chính), tuy không mới, nhưng triệt để và hợp thời “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất”. Đúng thế chăng (!?). Tôi nghĩ, nhiều độc giả nghĩ như tôi./.
. Bùi Việt Thắng