Với NỖI ĐAU DA CAM,
nhà văn TỐ HOÀI nói viết văn là liệu pháp tinh thần xoa dịu nỗi đau.
HOÀI HƯƠNG
TRÒ CHUYỆN VĂN CHƯƠNG.
Tạp bút. (tr.173, Nxb Thanh Niên – 2009)
Bác sĩ Quân Y. Giảng viên Trường Đại học Y Thái Bình và Tp. Hồ Chí Minh. Nhà văn Tố Hoài dù đã đi qua chiến tranh hơn 34 năm nhưng những vết thương chiến tranh mà ông chứng kiến vẫn không khi nào thôi ám ảnh tâm trí… Và trong hơn 34 năm qua, trong ông còn nhức nhối vết thương “Da cam” mà nhiều thế hệ sau chiến tranh vẫn còn di chứng.
Không chỉ hết chiến tranh ông mới làm thơ, viết văn. Ngay từ khi còn ở chiến trường ông đã viết. Viết như một trong những phương thuốc tinh thần để xoa dịu nỗi đau của các thương binh. Khi chiến tranh kết thúc, ông lại đau nỗi đau “Da cam” mà trong đó không ít người là người thân của những thương binh- đồng đội của ông thời chiến tranh. Và có lẽ ông là một trong rất hiếm những nhà văn viết tiểu thuyết về “Da cam”.
Trò chuyện với ông về văn, đời, nghề nghiệp…và cả y đức như một cách nhìn khác về văn chương. Vì trong ông có nhiều sự “tréo ngoe” thú vị: Bác sĩ chữa bệnh, viết sách y học, Nhà văn – làm thơ, viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết, viết tiểu luận, khảo cứu… Câu hỏi ngắn để ông “mở” trái tim tâm hồn chia sẻ cùng bạn đọc.
Bác sĩ và Nhà văn có gì giống, có gì khác?
– Hai cái nghề tương đồng vì cùng phục vụ con người. Giữ cho cái đầu khỏe thì sức cũng khỏe lên và ngược lại. Hiển nhiên, bác sĩ dùng bơm tiêm và dao kéo. Sợ đấy nhưng rất nhân ái. Cầm bút viết, những dòng chảy của mực róc rách vào tâm hồn con người như những liều thuốc bác sĩ đang bơm!
Khi viết điều gì ông nghĩ đến trước tiên?
– Viết cho ai và để làm gì? Vì thế tính tư tưởng là mục đích.
Ông có nghĩ làm nhà văn khó hơn làm bác sĩ?
– Đều khó. Nhưng học thì biết. Làm nhiều thì quen. Đam mê và chăm học hỏi sẽ có kỹ năng cao. Song cả hai đều phải vì con người. Nếu không đều là nhà… đao phủ!
Nhà văn Tố Hoài quê Hải Hậu, Nam Định. Ông có mặt ở chiến trường khi cuộc chiến chống Mỹ dữ dội nhất. Là chiến sỹ quân y nhưng có lẽ trái tim ông, tâm hồn ông luôn dành một ngăn cho những rung động của vẻ đẹp văn chương. Hơn nữa có lẽ qua thực tế được chứng minh trong công việc chữa lành các vết thương của đồng đội, văn thơ như một liệu pháp tinh thần xoa dịu nỗi đau, mà không biết từ lúc nào “Bác sĩ- Nhà văn” đã song hành trong ông.
Thưa ông, ông còn nhớ tác phẩm văn chương đầu tiên của ông và nó được đón nhận như thế nào? Bắt đầu từ đâu ông quyết định sẽ trở thành nhà văn?
– Khoảng 14-15 tuổi tôi có bài thơ lục bát 8 câu tựa đề “Ông Trăng Bưởi” lần đầu tiên được đăng trên tờ báo tỉnh. Vui lắm. Bạn bè gọi diễu là nhà thơ. Vui nhưng mắc cỡ vì nghĩ, nhà thơ phải là nhà cao quý lắm! Nhưng cũng vang ngầm trong xóm, trong đơn vị… Vì công việc nhà y trong thời chiến quá bận rộn nên chỉ viết theo cảm xúc thơ. Một số in trên báo Quân khu, báo Mặt trận, tập thơ bộ đội của Tổng cục Chính trị…Viết để trang trải lòng. Chưa nhận được quyết định nào của mình để trở thành nhà văn. Tự nó đến.
Thường khi đến với văn chương, người ta chỉ “sở trường” một thể loại. Nhưng hình như ông không có “sở đoản”, vì ông tham gia hầu hết các thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, tiểu luận…Ông có “tham lam” quá không nếu như người ta nói “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”!
– Tôi cũng luôn nhắc mình Quý hồ tinh bất quý hồ đa! Vì thế có tới ngót nghìn bài thơ tình mà chỉ dám công bố có mấy chục. Nhưng những cảm xúc nó không muốn dừng lại ở một thể loại nào, thì viết là để tự nâng mình dậy mà đi. Mỗi loại đều có giá trị hỗ trợ nhau.
Là một bác sĩ đến với văn chương ông có tự tin không? Theo ông thể loại nào trong văn chương dễ được đón nhận nhất – Lấy từ thực tế những độc giả đầu tiên của ông là thương bệnh binh?
– Rất tự tin. Tự tin ngay từ thuở học trò ngồi trên ghế nhà trường và ngay trong khi ở quân ngũ. Chả là tôi không bao giờ thoát khỏi chân biên tập cho các tờ báo tưòng của lớp, của đơn vị suốt thời thanh niên ấy! Hì (cười).
Làm thơ, viết kịch, đóng kịch, ngâm thơ cho thương bệnh binh nghe và giao lưu với nhân dân nơi đóng quân… Có những bài thơ tôi quên, nay nghe đồng đội, bạn bè đọc lại mới nhớ thơ…mình! Vì thế thơ có thể là thể loại dễ được đón nhận.
Trong y học có rất nhiều liệu pháp để xoa dịu nỗi đau và mau lành vết thương. Ngoài những liệu pháp y học, ông còn dùng văn chương như một liệu pháp tinh thần. Nói rộng ra, theo ông văn chương có thể xem như một loại “thuốc” và khả năng của nó tới đâu?
– Văn nghệ nói chung, viết thơ, ngâm thơ, đọc thơ…tôi thường thấy ở các Quân y viện thuộc Mặt trân B5 tôi tham gia là rõ ràng nhất. Thương bệnh binh thường xuyên tham gia văn nghệ. Họ làm thơ, đọc thơ. Có cả Hội diễn Văn nghệ. Vui ấy rõ ràng là liệu pháp tinh thần nâng bước cho họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vinh quang của mình.
Đề tài “ Da cam” là đề tài không mới trong báo chí, phim ảnh, nhưng trong văn học- tiểu thuyết thì rất hiếm. Tiểu thuyết “ Công bằng & Giả trá ” của ông không những mang tính văn học mà còn như một tác phẩm có nhiều tư liệu mang sự thật về những âm mưu, thủ đoạn hủy diệt độc ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, dùng chất độc khai quang Dioxin/Da cam đã để lại di chứng “ hậu chiến” tới nhiều thế hệ không chỉ ở Việt Nam mà ở ngay chính những kẻ trực tiếp thực hiện tội ác ở Mỹ. Tác phẩm đã thực sự mang tiếng nói lương tri không còn của cá nhân tác giả mà là của những người đấu tranh cho phong trào đòi công lý cho những nạn nhân “ Da cam”. Tiểu thuyết được dịch sang tiếng Anh phát hành ngay ở Mỹ, đánh thức những người lương tri yêu hòa bình và công lý trên thế giới.
Nếu như không phải là bác sỹ quân y chứng kiến nhiều cái chết “Da cam”, nhiều bi kịch “Da cam”, nhiều số phận “Da cam” thời hậu chiến, ông có viết về đề tài này không?
– May mắn khi chưa vào chiến trường, tôi được cử sang Binh chủng Hóa học, học về vũ khí hóa học mà Mỹ sử dụng ở chiến trường Miền Nam trong đó có chất Dioxin. Rồi lại tham gia giảng ở các lớp tập huấn cho các giáo viên trong quân đội về phòng chống cấp cứu chất độc vũ khí hóa học. Vào chiến trường chúng tôi bị các chất độc hóa học của Mỹ dội lên đầu. Tôi cũng đã viết một ít trong tiểu thuyết “Hoàng Hôn Dát Đỏ”. Một số bài thơ viết về thảm họa do vũ khí hóa học của Mỹ rải xuống cũng ở thời gian này. Khi báo chí trong nước lên án mạnh mẽ bi kịch “Da cam” thì tự thúc giục tôi phải viết.
Những tư liệu của Mỹ có trong tác phẩm là do ông khai thác từ nguồn nào? Và độ tin cậy của tư liệu là bao nhiêu %? Câu chuyện trong tiểu thuyết ông lấy nguyên mẫu từ đâu?
– Từ các website của các Hội Cựu chiến binh Mỹ, hồi ký của các quan tướng Mỹ viết ra. Sách nói về Tổng thống và lính Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Việt nam… và tin tức rải rác in trên báo chí. Tất cả các câu nói của Tổng thống, quan tướng Mỹ khi gắn vào miệng, vào tên tuổi thật viết trong tiểu thuyết là hoàn toàn có thật. Vì là tiểu thuyết nên không ghi chú cụ thể ngày tháng và địa điểm họ nói mà thôi.
Về khoa học: Cơ thể bệnh học, cơ chế bệnh lý và tác hại … trên người của Dioxin/Da cam cùng các tư liệu khoa học về chất độc Dioxin và hậu quả môi trường của nó, tham khảo từ nghiên cứu về Dioxin/Da cam của Ủy ban khoa học Nhà nước và các tài liệu nước ngoài về Dioxin/Da cam. Là tiểu thuyết khoa học, tôi đã cố gắng diễn giải, trình bày cho có logic. Mẫu nạn nhân chất độc Dioxin/Da cam không thiếu. Tôi đã gặp họ những đợt đi thực tế ở Đồng Nai và Cần Thơ.
Khi viết tiểu thuyết về “Da cam”, điều ông hy vọng nhất là gì?
– Là làm cho nhiều người còn bàng quan, thấu hiểu hiểm họa chất độc Dioxin/Da cam Mỹ đã dùng làm vũ khí hóa học rải xuống Việt Nam là một sự thật đau thương cho con người tới hôm nay mà không biết được điểm dừng. Là con người, biết chia sẻ nỗi đau này và đòi Mỹ không thể phủi tay, tiếp tục lừa dối, rũ bỏ hậu qủa do họ gây ra.
Quay trở lại chuyện văn chương. Trong sáng tác, ông có nghĩ đến kỹ thuật viết hay để cảm xúc của mình “lôi” đi trên trang viết? Trong nhiều thể loại đã viết, ông thấy khó nhất khi làm thơ, viết truyện, tiểu thuyết hay …?
– Suy nghĩ trước khi cầm bút viết điều gì, thường để cảm xúc chọn thể loại. Và khi chọn được thể lọai rồi, phải luôn đưa bút pháp của mình vào thể loại ấy. Không thể dễ dãi với chữ nghĩa. Thơ là loại khó viết nhất. Vì là thơ thì phải thơ. Còn cứ viết ra, bảo nó là thơ thì dân mình ai cũng chỉ cần nói vần là thành nhà thơ được. Văn xuôi dễ trang trải lòng mình. Nhưng là truyện (tiểu thuyết) thì phải thật là truyện, mà nhân vật là cái cột sống.
Đối với văn chương thế hệ viết trẻ, ông có nghĩ học được ở họ điều gì và điều gì ông cảm thấy khó dung hòa với họ?
– Có chứ! Mạnh dạn, luôn tìm cách để đổi mới mình. Nhưng cũng sợ: Cứ viết ra rồi gán cho nó là thơ hoặc tiểu thuyết …
Để kêt thúc cuộc trò chuyện “Bác sỹ – Nhà văn”, có ba câu hỏi vui. Vết thương dù nặng không làm ông run tay. Ông có run tay khi viết?
– Không! Uốn được lưỡi bảy lần trước khi viết thì rất tự tin khi cầm bút.
Đúng 100 từ, ông hãy nói về bản thân ông?
– Là người bình thường như mọi người. Luôn nhủ giữ tấm lòng chân thực, nhân ái, bao dung. Mỗi việc làm cũng luôn hướng về suy nghĩ giản dị ấy. Đã bước được nửa cuộc đời, vẫn ngẩng đầu bước như mọi khi và bây giờ luôn bước bằng đôi chân của mình. Vì thế mỗi bước đi tự tin hơn. Nay đất rộng, trời cao vẫn như ngày nào trong đoàn quân hành về phía trước. Xung quanh bạn bè, động lực thúc đẩy gắn bước tiếp để vượt lên. Bởi vì dừng lại là tụt về phía sau.
Điều gì ông thích nhất về lúc này?
– Ngồi trước máy tính để viết và sửa bài viết của mình.
Nhân dịp Nhà xuất bản THANH NIÊN tái bản Công bằng và Giả trá (tháng 5-2017)
xin trích giới thiệu chương 7 trong 19 chương, của tiểu thuyêt
Chương 7
CHIẾC GẬY ẢO THUẬT
. Chuông điện thoại đổ dài toan cắt đứt nụ hôn nồng nàn đang trào dâng trên đôi môi sặc sụa mùi rượu của Lyndon B. Johnson vừa tợp. Mặc nó. Ông không thể cưỡng nổi thịt da mềm mại như nhung của Light đang xiết chặt vòng. Lại tiếp hồi chuông đổ dài khẩn khoản. Lyndon nhoài người, lấy ngón trỏ ấn mạnh vào nút “off” định bịt miệng cái chuông chết tiệt kia đi. Nhưng ông đã ấn trượt. Tiện tay ông với ly rượu còn sót, tợp nốt. Tiếng chuông cứ vang lên thách thức. Cố lần nữa, Lyndon với được chiếc ống nghe. Ông định đập nát cho hả dạ. Song ý nghĩ thay đổi, ông lại đặt vào tai. Tiếng đầu máy bên kia vừa đủ nghe, thân ái:
– Lyn à?
– Lyndon đây!
– …
– Lại thằng chó ghẻ Ireland(1) đó?
Đặt phịch chiếc ống nghe xuống, mặt Lyndon bừng bừng, bối rối. Chồm dậy kéo nịt quần, Lyndon đến ngay tủ rượu. Lần này thì Lyndon rót đầy ly. Ực! Lyndon tợp một hơi. Màu vàng sánh Hennessy dính tận đáy ly. Tiếng “cạch” đáy ly chạm tới mặt bàn. Có tiếng bước chân lạo xạo tới cửa. Giọng Billie Sol Estes một trùm tài phiệt bang Texas. Hàng hoá của ông ta là súng và đạn. Lyndon lẳng lặng mở cửa đi ra.
Light vẫn nằm im. Phập phồng. Nín thở. Lắng tai. Không nghe rõ tiếng hai người. Bỗng “cộp”, tiếng của bàn tay đập bàn. Tiếp là tiếng rú dữ dằn không khác nào tiếng hú của chó sói. Đấy là tiếng giận dữ của Lyndon:
– Tao sẽ diệt con chó ghẻ ấy!
Ở một địa điểm thuận lợi tại thành phố Dallas bang Texas vừa bước vào hạ tuần tháng 11 năm 1963. Chiếc xe Limousine chở Tổng thống Huê kỳ J.F.Kennedy đang thực hiện theo đúng lịch trình. Xe lăn bánh chầm chậm chầm chậm vào đường Elm qua tòa nhà Dealey Plaza. Bỗng viên đạn ảo thuật từ tầng sáu tòa nhà đã găm đúng vào lưng Tổng thống, làm lồng ngực ông bị xé toang.
Bốn ngày sau đó, Phó Tổng Lyndon Baines Johnson tuyên thệ ngay trên chiếc phi cơ Air Force One đang trên bầu trời đất Mỹ để đương nhiên lọt vào cái ghế quyền lực cao nhất vừa trống chỗ.
Lyndon sinh ra tại một thị trấn nhỏ của bang Texas này. Là hình hài sót lại một nhà dân tuý cổ điển trên đường hoạn lộ, cố xây ngôi vị vừa giành được với quyền lực tối đa. Ông không thích lạc vào rừng từ ngữ. Ông cũng không thích lời nói suông “…đưa đất nước tiến lên(2)”. Tuyên ngôn của ông đơn giản, phải hành động!
Lyndon muốn thay đổi hẳn chiến sự ở Việt Nam như trò ảo thuật. Ông hỏi Robert Mc Namara, cha đẻ công nghệ chiến tranh:
– Tôi muốn rõ chi tiết đang diễn ra tại Nam Việt Nam?
. L. Johnson nghe Mc. Namara báo cáo
. tình hình Việt Nam 22-12-1964. Pht:Corbis.
– Thưa Tổng thống, phải trả cho Nam Việt Nam 18.000 mạng sống. Mỗi tháng ở đó lính Huê Kỳ có 800 người chết trận!
Không bất ngờ, Lyndon không chấp nhận sự thua trận:
– Những gì diễn biến ở Việt Nam là cực kỳ quan trọng đối với tự do của nước này. Huê Kỳ cam kết bảo vệ cho tới khi đạt được một nền hòa bình thực sự – Lyndon quay sang W. Westmoreland – Thế nào?
– Kính thưa Tổng thống -Westy ôm chặt cuốn Kinh Thánh vào lòng tiếp thêm sức mạnh – Nếu cho phép, có thể chặn đứng tiến trình thất bại ngày càng tăng vào cuối năm 1965 tới.
L.B.Johnson ngửa mặt lên trời rồi cúi ngay xuống. Bộ dạng Johnson giống một ông già đói khát. Hình như ông đang thèm khát những thứ ông thích nhất trên đời. Rượu! Dù hơi thở của ông lúc nào cũng ngai ngái mùi ester một thứ hỗn dịch của rượu với dịch dạ dày. Tuy nhiên, đệ nhất phu nhân Lady Bird Johnson tuyên báo, ông thích cả thế giới này, trong đó một nửa hơn là phụ nữ. Nghe Westy nhắc tới từ thất bại, Johnson giật mình và những con bài Domino hình thành trước mặt ông:
– Không. Không! Nếu chúng ta cho phép Việt Nam thất thủ, ngày mai chúng ta sẽ chiến đấu ở Hawaii, tuần tới, ở San Francisco!
Cuộc Chiến-tranh-đặc-biệt vẫn tiếp diễn ác liệt không có lợi cho ông. Tuy nhiên ông đồng cảm với Henry Cabot Lodge từ khi hướng đầu đạn vào anh em họ Ngô. Nhưng cũng không đem lời hạch trách Paul Hakins đã mắng nhiếc bầy đệ tử tướng tá Sài Gòn khi anh em họ Ngô bị ngã gục. Song trước tình thế này, ông có quyền nghi ngờ năng lực, kẻ dưới quyền. Ông đã từng đọc trên tờ New York Times của ký giả David Halberstam chỉ ra lỗi thua Vi-xi một cách nhục nhã, phi lý ở trận chiến Ấp Bắc hồi đầu tháng Giêng năm ngoái. Không thể để như vết dầu loang ông phải thay cả một lũ bậu xậu. Cho William C. Westmoreland, con diều hâu chính hiệu thế chân Paul Harkins vào 20 tháng 6 năm 1964 này. Ông cũng cho thay luôn ông già chính trị Henry Cabot Lodge bằng tướng Maxwell Taylor, nguyên Tham mưu trưởng liên quân, làm Sứ.
Lyndon Baines Johnson làm Tổng đạo diễn một kịch bản mới: Huê Kỳ hóa chiến tranh!
Cầm chiếc gậy ảo thuật ông bới lật, khua khoắng. Đẩy các binh chủng hải, lục, không quân… vào sâu chiến cuộc. Lùa 320 ngàn quân Hàn và xua hàng trăm ngàn lính đồng minh Úc, New Zealand, Philippines, Thailand vào ngọn lửa chiến trường, nhằm rải lửa ra miền Bắc. Bộ Tổng Tư lệnh Tham mưu liên quân Thái Bình dương cho khu trục hạm Maddox và Turnejoy áp sát bờ biển 15 hải lý, thuộc hải phận Bắc Việt để tạo một Sự-kiện-vịnh-Bắc-Bộ. Và khi hai chiếc tàu sân bay Constellation và Ticonderoga neo an toàn án ngữ biển Đông, ở Hoa Thịnh Đốn, nửa đêm mồng bốn tháng Tám năm 1964, Lyndon quần áo chỉnh tề, ngồi trước ống kính truyền hình. Vuốt làn da mặt ngược lên mái tóc mượt, tìm sự bình tĩnh. Nếp trán nhăn hơn mọi khi, tạo ra những vạch ngang tự tin. Tự tin đến run rẩy như lúc ngồi bên Lady Bird chờ đón Tổng thống(3) của mình để bình tĩnh điều khiển đường đi viên đạn của kẻ thừa hành Malcoln Makuolles tung ra đang tìm lối găm vào đối thủ bật khỏi cái ghế ước mơ, bình thường ông khó lòng đạt nổi.
Bây giờ đã chễm chệ trên cái ghế đích rồi, ông có quyền nói dối …Những hành động vũ trang liên tiếp, chống các lực lượng võ trang Huê Kỳ, phải được đối phó không chỉ với sự phòng bị cảnh giác mà với sự trả lời tích cực. Sự trả lời đó đang được đưa ra khi tôi nói với quốc dân đêm nay…
. R. Mc Namara với sự kiện vịnh Bắc bộ
Hoàn thành cái cớ tạo dựng.
Một giờ sau, màn hai được vén lên ngay lúc 12 giờ 25 phút ngày 5 tháng Tám, (giờ Hà Nội). Những viên đạn và những trái bom đầu tiên từ tám phản lực cường kích của Huê Kỳ nổ trên mảnh đất Cửa Sót và Cửa Hội. Miền bắc Việt Nam phải chia lửa.
Vậy là từ khi Lyndon yên vị cầm chiếc gậy ảo thuật, ông đã hành động rất nhiều điều. Song dù đem cái nỗ lực ảo thuật cao nhất, vẫn không thể cải thiện một tình thế tốt hơn. Ông muốn trút tức giận lên đầu đối phương bằng mọi thứ mà chất Dioxin được xếp hàng đầu. Lần này ông hỏi Westmoreland, người trực tiếp chỉ huy chiến trường:
– Một năm rồi, chiến sự thay đổi được gì?
– Thưa Tổng thống – Westy vội đặt cuốn tiểu thuyết The Centurions xuống bàn, ngoáy ngón tay khẳng định – Trong năm qua chúng ta đã đẩy chiến sự leo thang với cường độ chiến tranh cao hơn. Điều này mang đến thời điểm quyết định đối với người nông dân. Họ sẽ phải chọn nếu muốn sống sót. Nếu họ ở lại sẽ có nguy cơ đối với họ… Trận đánh đang đưa ngày càng đến gần kẻ thù!
– Dù khó, chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến trình này – Lyndon trỏ vào Westy – Đạn lửa phải vào đại bản doanh Trung ương Vi-xi, tạo ra những đống tro tàn…
– Thưa Tổng thống, cuộc hành quân Junction City đang khởi động lửa…
Thực ra, từ khi thế chân Paul Harkins, Westmoreland đã đưa ra đối sách tìm và diệt. Các cuộc hành quân lớn như Attelboro, Cedar Fall, Gadsden, Tucson đã được tiến hành. Song kết quả thu chẳng là bao. Vì vậy lần này phải dùng tổng lực. Westmoreland xử dụng 9 lữ đoàn bộ binh Mỹ, một lữ đoàn thủy quân lục chiến, hơn 1000 xe tăng, xe bọc thép, 300 máy bay lên thẳng, 3 phi đoàn máy bay vận tải…
L.B.Johnson nhoài người lên bàn, giơ ngón tay cái khẳng khái:
– Hãy huy động tối đa có thể. Chất khai quang, đó là sự bức thiết quân sự!
Westmoreland nhắc lại:
– Bốn mươi lăm ngàn quân, cộng với Dự án Pink Rose, thưa Tổng thống?
– Ok! Ông đặt hiệu quả hành động đó tới đâu?
Westmoreland hồ hởi nhận định.
– Thưa ngài, nỗ lực hiện tại sẽ đặt Tổng hành dinh Mặt trận đối phương vào tình huống không thể làm gì khác trong ít nhất nửa năm!
Lyndon đòi hỏi cụ thể:
– Thời gian để đạt tới ?
Lúc này Westy lại dè dặt:
– Kính thưa Tổng thống. Những cơ may tốt nhất đi đến sự kết thúc chấp nhận được sẽ trong một thời gian hợp lý!
Pink Rose, với bomb xăng thành quả cầu lửa
Trên thực tế chiến trường, với giải pháp Huê Kỳ, bom nhiều hơn nữa, đạn cối nhiều hơn nữa, Napalm nhiều hơn nữa… Junction City áp dụng công nghệ chiến tranh hiện đại và tập trung lính Mỹ, tạo gọng kìm ba phía cả từ Cambodia và từ bầu trời với những máy bay trực thăng Huey trang bị hàng tá rốc-két, của Air Cav (Sư đoàn Kỵ binh bay số 1). Máy bay lên thẳng khổng lồ Chinook CH-47 tiếp tế trọng pháo và đạn dược trên không cùng các phương tiện tối tân nhất. Lửa Napalm cùng chất da cam không ngừng bốc cháy ngày đêm trên những cánh rừng tây-nam từ Cầu Đăng, Tà Xia, Lò Gò, qua Cà Tum, Sóc Mới, Rùm Đuôn đến Bản Lợi (Bình Dương) Núi Cát, Dầu Tiếng, tận Đồng Rùm, Bà Vồng…. Chất Dioxin cháy tạo ra độc lực tối đa để độc chất rót lên đầu Vi-xi với hiệu quả cao nhất. Hòng xóa sổ chiến khu Dương Minh Châu…. Đồng thời thực hiện âm mưu hủy hoại lâu dài các thế hệ đối phương.
Thế nhưng năm mươi mốt ngày đêm với Junction City, không chỉ có kẻ thù của ông, mà lửa độc táp cả vào lính Huê Kỳ. Chất da cam/Dioxin thành sức mạnh tiếp tục, không ngừng đổ cả lên đầu bạn đồng minh Úc, New Zealand, Nam Hàn, Philippines, Thailand….
Thảm thực vật miền Nam Việt Nam, từ bờ sông Bến Hải đến rừng đước Cà Mau đã trơ cành, trụi lá. Không thỏa mãn. Không lấp đủ dã tâm. Máy bay trinh sát OV-10 suốt ngày vo vo lưng chừng trời, vạch vòi từng vết chân trên đường mòn dưới tầm lá non thoi thóp nhú. Một hợp đồng mới được ký kết. Các nhà máy hóa . Junction City thảm cảnh rừng Tây Ninh Pht: Corbis
chất Huê Kỳ hối hả bốn mùa thời vụ tiếp tục sản xuất chất màu cam. Món lời béo bở, tuy giới hạn trên một thị trường vô nhị, nhưng thời gian sản xuất lại vô hạn không rõ điểm dừng. Tàu vận tải hải quân no nê những thùng phuy đai xanh, đai vàng… mang ký hiệu dangerous, tấp nập cập cảng Sài Gòn, Đà Nẵng. Phi cơ chuyên dụng C123, trực thăng H-34, UH-1… cất cánh như chuồn chuồn báo mưa, rầm rĩ trên các phi trường.
Lyndon ngồi trong phòng Bầu Dục Nhà Trắng. Ông đọc trong cả mớ tài liệu mơ hồ ngái ngủ ấy, vẫn còn có người thấu tận tâm địa ông như Thượng nghị sĩ Wagne Morse cầm lá phiếu chống lại nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.
Nhóm các nhà Khoa học Mỹ (FAS) do Tiến sĩ Arthur W.Galston người phát minh ra chất diệt cỏ đã tuyên bố: “…FAS thúc giục Tổng thống tuyên bố cấm khai chiến bằng các loại vũ khí hóa sinh học. Ngưng sản xuất các loại vũ khí sinh học…”. 129 người tại Viện Hàn lâm Khoa học, yêu cầu chấm dứt ngay hành động hủy diệt môi sinh tại Việt Nam. Thư của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Huê Kỳ (AAAS) vạch ra tác hại chất khai quang. 5000 tên tuổi và chữ ký phản đối của các nhà khoa học trên thế giới cùng mười bảy nhà khoa học đoạt giải Nobel… là những mũi dao khoét thủng tấm màn che đậy dã tâm và nhấn sâu vào dư luận. Ông đã tìm cách vãn hồi trong mấy đêm liền mất ngủ. Ông không quan tâm hàng triệu dân Việt có quằn quại dưới độc chất hay không. Chính ông đang giãy dụa đánh tráo tội lỗi, đánh đồng đạo đức giữa kẻ gây tội với nạn nhân của nó. Ông gọi ngay cho Ngũ Giác Đài trước buổi ăn sáng. Gợi ý cử một đoàn khoa học quân sự, thay mặt Chinh phủ Huê Kỳ sang ngay miền Nam Việt Nam, để tạo dư luận trấn an.
Lyndon đập nắm đấm tay trái xuống bàn thật mạnh. Nhưng rồi ông lại lấy tay úp vào trán đang đẫm mồ hôi. Ông liếc nhìn những chữ ký trên trang giấy còn đặt trên bàn. Mỗi chữ như mũi tên sắp bật lẫy đang chĩa vào ông. Quay mặt đi vì cái đầu choáng váng. Hàng ngàn mũi tên ấy vẫn nhận ra, đuổi theo. Ông như kẻ cắp đang nằm bẹp chịu trận dưới bàn tay khổng lồ.
. Biểu tình ở Anh chống vũ khí hóa học
. trong chiến tranh Việt Nam.Photo: Corbis
Song ý chí của Tổng thống đã thắng. Lyndon B. Johnson đứng thẳng dậy như kẻ vừa bật trệch đường gôn muốn bật bù ngay đường khác. Cầm máy đàm trong bàn tay run mỏi, phone cho Ngũ Giác Đài. Ông nhận ra tiếng Bộ trưởng Robert Mc Namara:
– Ông Bộ trưởng! Hãy cho tôi biết chiến sự Việt Nam đang tiếp diễn ra sao?
– Thưa Tổng thống. Cái chết của lính Huê Kỳ tại chiến trường 1000 mỗi tháng.Cái này ở đâu ra vậy?
– Thưa, con số thống kê chưa đầy đủ ở chiến trường.
– Kính thưa Tổng thống. Có trong các báo cáo và giác thư. Nhưng người ta không nhấn mạnh…
. Lính Mỹ trở về trong những chiếc quan tài
. từ chiến trường miền Nam Việt Nam
Lyndon không buồn. Đối mặt với cái chết gia tăng, ông lợi dụng ngay nó làm lý do để cuộc chiến tiếp diễn:
– Chiến cuộc đang diễn ra ở Việt Nam cực kỳ quan trọng tới an ninh Huê Kỳ. Chúng ta sẽ chiến thắng trong sự nghiệp mà con cái họ đã bỏ mình vì nó – Trở lại mánh khoé ảo thuật, tung chất da cam chiến lược, ông dịu giọng như một thày tu giảng đạo – Vậy chiến dịch Ruộng Đồng ra sao rồi?
– Thưa Tổng thống, Ranch Hand đã có tiến bộ lớn và tiếp tục tiến bộ… – Robert ngập ngừng – Tuy nhiên hậu quả của nó là việc khó lường hết…
– Tôi không muốn đánh giá về hậu quả, Robert!- Tổng thống dồn âm lượng vào trọng tâm câu hỏi – Tôi muốn nhìn nhận như một vũ khí chiến lược. Vì vậy điều tôi thực sự quan tâm là mục đích.
– Thưa Tổng thống. Tôi lưu ý lời nhắc nhở của ngài. Nhưng dù sao chúng ta đã sai trái, sai trái khủng khiếp!
– Ừ…m!
– … Hôm nay tôi không tìm được từ nào để mô tả sự trăn trở trong lòng tôi…- Robert băn khoăn.
. L.Johnson và Mc Namara ở phòng Bầu Dục
– Vậy thì từ lý do ông, yêu cầu Bộ Quốc phòng cử một nhóm khoa học quân sự tới đó nghiên cứu độc chất có thật không hay chỉ là sự thất bại về chiến thuật, nên phải nhờ dư luận ủng hộ?
Cuộc thoại giữa Lyndon và Robert không thể dài hơn. Song dù sao Robert muốn có cái nhìn từ Ngũ Giác Đài.
Một đoàn khoa học quân sự Huê Kỳ, do Tiến sĩ Fred, Trưởng đoàn sang thực địa, nghiên cứu về độc tính hóa chất khai quang lên môi trường miền Nam Việt Nam.
. TỐ HOÀI
1.. Cố hương Tổng thống J.F.Kennedy.
2. Lời Tổng thống J.F.Kennedy.
3. Tổng thống J.F.Kennedy.
|