. Đọc Tiểu thuyết KÝ ỨC MIỀN CHÂN SÓNG
. của Hương Nhu+Tố Hoài
. Nxb Thanh Niên tái bản năm 2015
. Mở những trang đầu tiểu thuyết, ta gặp buổi lễ kỷ niệm năm chục năm thành lập một trường Phổ thông cấp III (bây giờ gọi là trương Trung học Phổ thông) ở một miền chân sóng, nơi mà từ đó những người bạn học và cũng là những nhân vật chính của tiểu thuyết đã mang bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò. Rồi mỗi người bước vào đường đời theo một cách riêng “Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả…- Tế Hanh”. Họ gặp lại nhau sau nửa thế kỷ đã nếm trải bao buồn vui, thăng trầm… của cuộc sống diễn ra trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (và nhiều năm sau nữa). Trong đó đôi Quang-Quỳnh là hai nhân vật trung tâm.
Hồi còn học với nhau ở năm cuối trường Phổ thông cấp II, họ đã có cảm tình với nhau, lên học cấp III thì yêu nhau. Nếu cuộc sống được yên ổn, thanh bình, rất có thể đôi trai tài gái săc này đã làm lễ cưới. Và sống một cuộc sống hạnh phúc, chồng là bác sĩ, vợ là cô giáo…
Nhưng chiến tranh…chiến tranh đã đảo lộn tất cả!
Nếu như trong thực tiễn của một cuộc chiến (và một phần thực tiễn ấy đã thấy thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học từ trước đến nay) có rất nhiều tình huống bất ngờ, đột ngột đã xảy ra thì Ký ức miền chân sóng góp vào một tình huống khác: Trước lúc xa nhau để Quang đi chiến trường – bấy giờ Quang đã là bác sĩ, Quỳnh đã là cô giáo – hai người đã để lại một sinh linh trong Quỳnh và vì cái sinh linh ấy, Quỳnh đã phải chịu đựng bao vất vả, khổ sở.
Nếu ta nhớ rằng những năm 60 của thế kỷ trước quan hệ trai gái dưới cái nhìn của xã hội còn vô cùng khắt khe, khắc ngiệt với tình trạng “ăn cơm trước kẻng”(một thành ngữ rất quen thuộc, có lẽ xuất hiện từ một đơn vị bộ đội hoặc Thanh niên xung phong nào đó) thì sẽ hình dung ra Quỳnh phải trải qua nỗi cơ cực đến mức nào – nhất là khi Quỳnh đang là một cô giáo dạy học sinh trong nhà trường…
(Vấn đề là ở chỗ Quỳnh đã can đảm để không hủy cái thai trong bụng, giữ cho được giọt máu của người mình yêu vốn kết tinh những gì say mê mãnh liệt và tốt đẹp ở tình cảm hai người).
Thế là Quỳnh ở hậu phương, Quang ở chiến trường –mỗi người có một hoàn cảnh riêng – mà xem ra người “phái yếu” là Quỳnh lại vất vả hơn, cay đắng hơn.
Và rồi…chiến tranh (lại là chiến tranh!) làm cho đôi trai gái này, đúng hơn là Quỳnh rẽ sang nẻo khác. Chỉ một cái tin vu vơ thất thiệt (mà là do người thân tình cờ nghe thấy, mà ai xác minh và xác minh làm sao được trong lúc bom rơi, đạn nổ bấy giờ). Quỳnh đã đinh ninh người yêu mình thay lòng đổi dạ.
Dường như trong những lúc thất vọng, quẫn trí, Quỳnh tìm vội cho mình một hướng đi, lấy một người chồng trước kia cũng là bạn học cùng trường nhưng vào loại lêu têu, lười biếng, ham chơi, thậm chí “đã chạm vào ngưỡng cửa lưu manh” theo cách nói của tác giả quyển sách. Với anh chồng này, Quỳnh còn chịu nhiều đắng cay khác từ việc ở nhà đến việc ở trường. Rồi anh ta chết vì mắc bệnh hiểm nghèo sau những ngày chơi bời trác táng.
Các tác giả tiểu thuyết đã để cho những nhân vật chính có hậu. Quang tìm đến thăm Quỳnh, gặp cậu con trai của hai người mà bấy lâu nay Quang chưa biết mặt. Và dù các tác giả quyển sach không nói ra nhưng người đọc tin chắc rằng, ba người ấy rồi sẽ thành một gia đình mới.
Có thể nói Ký ức miền chân sóng khá hấp dẫn.
Những sự kiện, những tình tiết, những cao trào làm cho người đọc khó mà rời nổi trang sách. Hai tác giả đã ghi được dấu ấn con người và xã hội một thời, thể hiện trong một phạm vi hiện thực khá rộng (ngoài những tình tiết đã nói ở trên). Các chương đoạn phân chia hợp lý với những tiêu đề rõ ràng, đôi khi có tính gợi mở, dễ cho người đọc khi muốn tìm đọc lại những nội dung nào đó.
Đọc Ký ức miền chân sóng những người sống vào thời bấy giờ sẽ nhớ lại những ngày không thể nào quên mà mình đã trải qua, có khi thấy cả bóng dáng mình trong đó. Còn những người sinh vào các thế hệ sau thì hiểu biết hơn, thông cảm hơn về cuộc sống, về tình cảm, về cách xử lý các quan hệ của thế hệ cha ông – mà dù cho họ có tài đến đâu, nhiều khi họ cũng không hình dung được.
Trong văn chương, nhất là với tiểu thuyết, thường rất ít khi người ta cùng viết chung một tác phẩm, ngoài những trường hợp tri âm tri kỷ. Trước Cách mạng thấy có Khái Hưng và Nhất Linh. Sau Cách mạng cũng chỉ có một vài tác giả khác. Theo tôi biết, hai tác giả của tiểu thuyết Ký ức miền chân sóng đều là người ở miền chân sóng. Những nhân vật chính trong tiểu thuyết của họ cũng là người của miền chân sóng. Chắc hai người rất tâm đắc với nhân vật của mình và gửi gắm khá nhiều tâm tư tình cảm của mình trong đó, mới cùng nhau đặt bút viết quyển sách này!
Có lúc tôi nghĩ, nếu như cuốn sách mang tên Miền chân sóng, kể cũng đủ. Thêm vào hai chữ Ký ức hình như các tác giả muốn lưu ý người đọc những con người, những sự việc ở đấy đã in trong họ vô cùng sâu đậm, họ thường ghi nhớ, không thể quên.
Người đang viết những dòng này, tự thấy có nặng về tính chất giới thiệu Ký ức miền chân sóng (với những người chưa có dịp đọc quyển sách).
Tôi vốn là đồng môn của Hương Nhu và Tố Hoài. Chúng tôi đã cùng học với nhau một trường, khác lớp. Gần sáu mươi năm, gần đây mới có dịp gặp lại nhau. Nhiều tên đất, tên người (thày giáo, bạn bè) được các tác giả giữ nguyên trong Ký ức miền chân sóng cũng đã gợi cho tôi nhiều… ký ức về ngày ấy.
Viết mấy dòng giới thiệu cũng là một cách thể hiện sự đồng cảm với các bạn văn và bạn học của mình. Cũng là một cách chúc mừng thành quả của hai bạn Hương Nhu –Tố Hoài !
Xuân Bắc 7-IX-2020
HỒNG DIỆU