. THÊM MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT VIẾT VỀ
. CUỘC TRỊNH – NGUYỄN PHÂN TRANH
. Đọc Tiểu thuyết KÝ TỰ CHÌM TRÊN BIA ĐÁ CỔ
. của Nhà văn TỐ HOÀI Nxb Thanh niên, năm 2009
Nhà lý luân phê bình văn học
PGS- Tiến sĩ Phạm Phú Phong Trường Đại học Huế
Cuốn tiểu thuyết ra đời sớm nhất ở nước ta là tiểu thuyết chương hồi Nam triều công nghiệp diễn chí (đầu thế kỷ XVIII) bằng chữ Hán của Nguyễn Khoa Chiêm viết về công cuộc dựng nghiệp của chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong, sau đó là biên khảo Mộng kinh sư (1971) của Phan Du, rồi đến các tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống (2002) của Nguyễn Văn Xuân, Minh sư (2010) của Thái Bá Lợi… Về nội tình của vua Lê chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài, dường như ít được quan tâm hơn, ngoài tiểu thuyết Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng đã từng được đạo diễn Hải Ninh dựng thành phim, hầu như không có tác phẩm nào nổi bật….. Trong những tác phẩm này có miêu tả chiến tranh, có nói đến phe nhóm, những thủ đoạn tranh quyền đoạt lợi, thu phục nhân tâm, nhưng thường xuất phát từ một góc nhìn, từ một phía, bên này hoặc bên kia.
Riêng tiểu thuyết Ký tự chìm trên bia đá cổ (Nxb Thanh niên, 2009) của nhà văn Tố Hoài là xuất phát từ cái nhìn ở cả hai bên, là cuốn tiểu thuyết miêu tả cuộc chiến tranh thật sự, kéo dài dai dẳng qua nhiều đời chúa, từ thời vua Lê Uy Mục và Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đến thời Lê Thần Tông và Trịnh Tráng, Nguyễn Phúc Tần.
Nói đến lịch sử là nói đến sự kiện, nhân vật và thời gian. Cả ba thành tố cốt tử ấy là sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, tiểu thuyết lịch sử cũng không là ngoại lệ. Diện mạo lịch sử và tính cách nhân vật lịch sử có thể thay đổi theo cái nhìn đồng đại đa chiều kích, đầy tính phát hiện của nhà văn, nhưng nhà văn không thể thay đổi sự thật lịch sử, thay đổi các sự kiện cũng như cột mốc thời gian diễn ra các sự kiện trong quá trình phát triển của lịch sử. Đọc tiểu thuyết Ký tự chìm trên bia đá cổ của Tố Hoài càng chứng minh điều đó. Các sự kiện và thời gian lịch sử hầu như được tác giả tôn trọng đến mức tối đa, nếu có thay đổi chỉ có đảo ngược, xoay chiều, sắp xếp lại theo yêu cầu chọn lọc – tái tạo trong hư cấu của nghệ thuật tiểu thuyết, nhà văn đã cố gắng phục dựng lại hình tượng không / thời gian nghệ thuật, phụ thuộc vào cách diễn ngôn thể hiện một tư duy tiểu thuyết linh hoạt.
Với độ dày 330 trang, Ký tự chìm trên bia đá cổ có dung lượng hiện thực khá đồ sộ, bao quát cả một thời kỳ lịch sử kéo dài mấy trăm năm. Câu chuyện bắt đầu vào thời suy vong của nhà Lê, bị Mạc Đăng Dung tranh cướp ngôi, Nguyễn Kim phò hậu duệ nhà Lê với cuộc kháng chiến trường kỳ ở chiến khu lập ở biên giới ớc bạn Lào và thu nạp Trịnh Kiểm. Sau cái chết của Nguyễn Kim và người con trai đầu Nguyễn Uông, do âm mưu của Trịnh Kiểm, người con trai thứ là Nguyễn Hoàng tìm cách lánh nạn về phương Nam và bắt đầu cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh. Không gian chiến trận dàn đều cho cả hai bên, khi thì bên này kéo quân chinh phạt bên kia, khi thì ngược lại. Đồng thời, ngay cả những quan hệ nội bộ hai bên, từ việc tranh cướp thay đổi ngôi chúa, quan hệ vua tôi đối với vua Lê, chính sách cai trị dân, chống thù trong giặc ngoài,… đều được miêu tả song song, theo từng chương, từng đoạn hoặc từng phân đoạn. Trên cái nền của bức tranh lịch sử được phác thảo vừa tổng thể vừa chi tiết, vừa chân thực vừa mang tính ước lệ ấy, mục tiêu quan trọng hàng đầu của tác giả là nhằm khắc họa hình tượng các nhân vật lịch sử / tiểu thuyết. Quan niệm về tiểu thuyết hiện đại, ngay từ công trình lý luận về thể loại đầu tiên trong văn học nước ta là Khảo về tiểu thuyết (1925), học giả Phạm Quỳnh đã cho rằng, nguyên lý của người làm ra tiểu thuyết là sáng tạo ra những nhân vật.
Tố Hoài đã tự khẳng định sức sống nghệ thuật tiểu thuyết của mình bằng thế giới hình tượng nhân vật. Anh đã làm tốt điều này bằng nghệ thuật hư cấu hết sức tinh tế, có chiều sâu tư tưởng. Cố ý nghệ thuật của anh thể hiện rõ, bắt đầu từ mỗi chương sách, đều có lời đề từ được trích từ câu nói, ý nghĩ hoặc miêu tả về một nhân vật, thể hiện thái độ, bản lĩnh làm nên bản chất, tính cách và mục tiêu suốt đời nhân vật ấy theo đuổi.
Mỗi chương là một nhân vật, xen kẻ và luân phiên ở phía bên này hoặc phía bên kia, mười chương là mười gương mặt, mười tính cách nhân vật trọng tâm tương đối hoàn chỉnh. Chỉ cần đọc lời đề từ được đặt ở đầu mỗi chương, là có thể nhận ra ngay hình tượng / tính cách của từng nhân vật: đối với Thái úy Nguyễn Văn Lang thì “Ta vì sơn hà lập chúa mà phù, vì xã tắc này lấy dòng Lê mà trợ” (tr.7); với con người hèn hạ đầu hàng giặc nhưng lòng đầy phản trắc “khi quyền bính có trong tay” như Mạc Đăng Dung thì hèn mọn trước ngoại bang “Xin cắn cỏ thiên lạy vạn lạy đức quan Tổng đốc. Chúng con chỉ dám muốn xin được ban chính sóc, cho ấn chương và cẩn thận che chở giữ gìn” (tr.43); với một bậc tôi trung như Nguyễn Kim thì “Là tướng của triều phải biết giữ nước, là tôi của vua phải biết trung quân. Ta thờ vua để giữ nước chứ không phải giữ vua” (tr.71); với kẻ tráo trở nham hiểm và đầy thủ đoạn như Trịnh Kiểm thì “Ta cũng từ kẻ chăn ngựa chiến của Ninh Bang hầu họ Mạc ra đi. Có lẽ nào xác thịt ta chịu nằm trong bàn tay bạo tàn tương tự” (tr.111); con
người hành động có tầm nhìn xa rộng đối với đất nước như Nguyễn Hoàng thì “Hành động ta hôm nay không vì ta mà vì ngàn năm sơn hà xã tắc, vì một giống nòi Đại Việt mãi mãi trường tồn… Sự thật này muôn đời con cháu sẽ hiểu ta hơn” (tr.138); con người nhẫn tâm, độc ác như Trịnh Tùng thì “Vừa thấy mặt con trai, Trịnh Tùng trừng mắt chỉ tay quát: Bớ tên tặc tử loạn thần kia, ngươi sao đáng được tha tội? Quân đâu, trói nó lại chặt chân!” (tr.161); với một dũng tướng, giàu đức hy sinh, hết lòng vì dân vì nước như Nguyễn Phúc Diễn thì “Hiển nhiên vết thương máu chảy phải đau, nhưng chỉ đau có một mình ta. Cái đau dân nước kia còn có biết bao người” (tr.179); đối với kẻ bạo tàn, hoang dâm vô độ như Trịnh Tráng thì “Trời đã cho ta gặp nàng thì ta… không thể nào cưỡng lại. Thề…có đất trời, ta sẽ yêu nàng mãi mãi và… mãi mãi yêu nàng” (tr.230); với con người thao lược và bao dung, độ lượng như Nguyễn Phúc Nguyên thì “Trước Phật ta ngộ ra nhiều điều phải làm cho nhân gian này bớt đi đau khổ. Mỗi việc ta làm được cho dân sinh, lòng ta bớt được nỗi đau”(tr.249); với con người mưu lược tài trí nhưng cũng đa tình, đa đoan cũng có lúc lụy vì tình như Nguyễn Phúc Tần thì “Lẽ nào ta vì một người đàn bà mà cơ đồ vương bá bao công xây dựng cùng máu người dân đỗ xuống sẽ bị tan tành?” (tr.296). Nhân vật trung tâm là sự gối đầu, xen kẻ và xuyên thấm nhiều hình tượng các chúa trong suốt chiều dài lịch sử nổi rõ hình tượng chúa Nguyễn chăm lo mở cõi về phương Nam và giữ vững sơn hà, xã tắc, bên cạch một chúa Trịnh tranh quyền đoạt lợi, thao túng vua Lê, bóc lột thuế khóa, hà hiếp dân lành.
Nhân vật tiểu thuyết của Tố Hoài là nhân vật lịch sử, được nhà văn nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau, trên căn bản vẫn là nghệ thuật của văn xuôi tự sự: miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động để nhằm bộc lộ tính cách, những con người có đời sống thực, sống động vốn có trong cuộc sống. Nguyễn Kim một lòng vì đất nước, cứu giúp hậu duệ nhà Lê “chính là gìn giữ cho non sông đất nước và trả nghĩa cho vua” (tr.72); đối với thuộc hạ thì “ta cũng như các ngươi, vì nhân nghĩa đồng lòng thì sẽ cùng ta, huynh đệ tương thân, bằng hữu tương ái. Phải cùng chung lưng đấu cật, dãi gió dầm sương, nằm gai nếm mật” (tr.78); thậm chí, ông còn là người gương mẫu và kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường sinh thái, khi “đưa ra các quy định bảo vệ rừng rất chặt chẽ” (tr.79), khuyên mọi người “nên gắng nuôi những con gia cầm, gia súc” (tr.81) để cải thiện bữa ăn, tránh sát hại muôn thú ngoài rừng. Ngược lại, Mạc Đăng Dung thì cùng với đoàn tùy tùng gồm “bốn mươi con người khí thế oanh liệt xưa kia cởi trần, buộc dây vào cổ nối vào nhau như xích, đi chân đất, tay cầm thước thành hàng đôi run như cầy sấy. Đoàn người dừng trước cửa mạc phủ, tất cả quỳ gối, hai tay bám đất làm chân bò vào” (tr.97) cúi lạy trước mặt Tổng đốc nước Tàu là Cừu Loan ở bắc ải Nam Quan, dâng biểu xin hàng, cùng với vàng bạc châu báu và đất đai. Cái hành động bán nước, diệt vua, sát hại dân lành ấy đã bị Nguyễn Uông lên án qui vào mấy trọng tội: “Một là, Mạc làm tôi mà lại giết vua cướp ngôi ấy là kẻ nghịch thần. Hai là, lấy đất châu Vĩnh An dâng nộp cho giặc khác nào Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh dâng đất Cổ Lâu cho nhà Minh. Ta là một nước độc lập, vua Lê đã cắt đặt cai quản đất ấy bấy nay, dâng đất cho ngoại bang, vô luận biện minh nào cũng vẫn là phản quốc. Ba là, làm vua mà tự trói mình, phục lạy kẻ thù cầu xin làm tôi đòi để được chức An Nam Đô Thống sứ, thì thật là kẻ vô liêm! Con người và nhân phẩm ấy, thiết nghĩ không còn gì để nói” (tr.99). Nguyễn Hoàng thì sau khi giết Lập Bạo, đánh tan sáu mươi chiến thuyền của quân Mạc trên sông Thạch Hãn rồi “sai cấp đất quốc khố Cồn Tiên (…), cấp lương thực nửa năm trời cho tới khi mùa màng cây cối thu hoạch” cho đoàn quân đối phương thua trận, ở lại làm ăn lương thiện. “Ở chỗ nào và lúc nào cũng phải là người lương thiện. Bản thân ta cũng không muốn đánh nhau. Nhưng vì bàn dân thiên hạ còn phải máu chảy đầu rơi vì quân ngụy tặc. Làm tướng ta không thể ngồi yên. Ta phải làm cho đến khi toàn dân yên ấm ta mới an lòng” (tr.156). Hoặc nội tâm giằn vặt, đau đớn khó nguôi ngoi khi Nguyễn Hoàng đành lòng để con trai Nguyễn Phúc Hải và cháu nội Nguyễn Phúc Hắc ở lại làm con tin ở phủ Trịnh: “Bấy nay thời nào cũng thế, đi sứ là đi vào chỗ lầm than, bụi bặm. Đi làm con tin là bước vào cửa tử thần. Vũ khí của họ là trí óc. Loại vũ khí không được phép có một vết hoen rỉ bất cứ lúc nào. Đạn dược của họ là lời nói mà đường đi của viên đạn phải minh mẫn không thể sai đường. Song ông là con nhà võ…”(tr.214)… Nhà tiểu thuyết là nhà ảo thuật về chi tiết. Sự giàu có về chi tiết và nghệ thuật biến ảo của các chi tiết sẽ giúp cho việc tạo ấn tượng và sức sống của các hình tượng nghệ thuật được lâu bền. Nhân vật phụ chỉ đi qua vài trang sách là Phạm thị, vợ của phiến quân Ngô Đình Hàm, bị Trịnh Tráng giết, bắt đem về làm hầu thiếp với bao nhiêu lời thề thốt đắm say “ta thề có trời đất ta sẽ yêu nàng mãi mãi”, nhưng Trịnh chúa đã có người khác thay thế, tác giả đặc tả gương mặt tàn tạ của mỹ nhân tỉ mỉ một cách chi tiết, chính xác và đầy cảm giác: “Sáng sáng dậy, sờ trên cánh mũi rồm rộm như cát bụi li ti tưởng chừng vừa qua cơn giông gió trên bãi sa mạc khô cằn” (tr.239)…
Tiểu thuyết của Tố Hoài trải dọc theo một chặng đường lịch sử khá dài, lại xuyên qua một không gian địa lý tỏa rộng từ Bắc vào Trung, đòi hỏi người viết không chỉ đọc nhiều, đi nhiều, lăn lộn và suy ngẫm nhiều; không chỉ đòi hỏi những tri thức về lịch sử mà còn phải am hiểu tường tận về thổ ngơi, núi sông, cây cỏ của nhiều vùng đất. Có thể nói, nhiều người sinh ra và lớn lên tại bản địa, chưa chắc đã biết thổ ngơi, cây cỏ ở miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An, thời tiết và mưa gió, sinh hoạt đời sống ở vùng sông, biển miền Trung, hoặc quãng cách giữa sông Gianh và sông Thạch Hãn, giữa làng Quảng Yên và phủ Kim Long… Biết một cách chính xác và đem hong phơi thành câu chữ một cách tự tin như nhà văn Tố Hoài, là điều đáng ghi nhận. Đọc lời tựa ngắn gọn chỉ vừa hai trang sách, trong đó tác giả có kể rằng khi con cháu đi tìm mộ tổ, đào “được một tấm bia trong lòng trầm tích mà ký tự đã nhấn sâu nhạt nhòa thời gian những biến động lịch sử / Ký tự chìm như cuốn gia phả giữ nhiều bí ẩn. Lần theo những ký tự ấy tìm ra điều ngay cả chính sử cũng không ghi những sự thật còn đang ẩn tích trong lòng đất” (tr.6). Đó chỉ là cách nói của nhà văn, là nghệ thuật dẫn truyện của nhà tiểu thuyết. Còn thực tế ngoài đời, Tố Hoài là hậu duệ của họ Nguyễn, cái nhánh còn lại ở Đông Đô hoặc bị đưa ra làm con tin thuở Nguyễn Hoàng còn thần phục vua Lê và họ Trịnh. Biết vậy mới thấy việc khát khao tìm kiếm, phát hiện và diễn ngôn bằng tiểu thuyết của nhà văn là lẽ cố nhiên, không chỉ là thiên chức, là phép hành nghiệp của nhà văn, mà còn là nỗi lòng đau đáu đối với tổ tông, là phép hành xử của một trí thức, một văn nhân có bản lĩnh văn hóa và tài năng.
Tuy nhiên, những cố gắng của Tố Hoài vẫn còn để lộ một vài nhược điểm cố hữu về cảm quan lịch sử có tính chất thiên kiến, theo một khuôn mẫu có sẵn đối với giai đoạn này: chúa họ Trịnh nào cũng xấu, không có một ngoại lệ, không có một vị chúa có một điểm tốt nào đó thể hiện tài thao lượt, có tấm lòng nghĩ đến non sông, tại sao họ đủ mạnh để khống chế vua Lê và cai trị muôn dân một nửa đất nước trong một giai đoạn lịch sử dài suốt mấy trăm năm? Hơn nữa, tại sao lại dừng lại một cách đột ngột ở giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Tần? Nếu Ký tự chìm trên bia đá cổ chỉ ghi đến đó, thì thiết tưởng, tác giả cũng phải nói rõ để người đọc khỏi mong đợi!
Dẫu sao thì nhà văn Tố Hoài cũng đã cho người đọc thêm một lần sống với thế giới hình tượng nhân vật trong một giai đoạn lịch sử dài còn nhiều khuất lấp của lịch sử và cái kết thúc còn bỏ ngỏ kia có thể là dụng ý nghệ thuật của tác giả, để người đọc còn có cơ hội để chờ đợi một tác phẩm mới ghi tiếp những Ký tự chìm trên bia đá cổ.
. Phạm Phú Phong