Tố Hoài – HOA CỦA RỪNG – truyện ngắn

0
1199

.                                HOA CỦA RỪNG

.                     Truyện ngắn của Tố Hoài

.   Ngày 13 tháng 3 năn 1970  Lon Nol lấy danh nghĩa Thủ tướng Campuchia phát tối hậu thư buộc Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phải rút khỏi Campuchia trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Hết thời hạn, Lon Nol tháo cáy cho Mỹ dùng không quân và pháo binh tăng cường bắn phá dữ dội dọc biên giới hai nước. Mỹ gọi cuộc tấn công này là “Hoạt động bữa ăn ”.
Chỉ năm ngày sau, ngày 18-3-1970, thừa cơ Quốc trưởng Norodom Sihanouk nghỉ dưỡng ở Paris, Lon Nol và Sisowath Sirik Matak đã ép quốc hội Campuchia bằng vũ lực, bỏ phiếu miễn nhiệm ông. Những ngày này, không còn những xe hàng viện trợ chở từ cảng Sihanouk ville qua biên giới về kho hàng trên đất Việt. Cũng không còn nườm nượp xe đò, xe đạp thồ…chở gạo cùng mắm, muối, tương cà theo đường tiểu ngạch tới chỗ chúng tôi nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc trưởng N.Sihanouk và Mặt trận Dân tộc Cứu quốc Campuchia do ông sáng lập, cuộc chiến toàn Campuchia bắt đầu. Ít ngày sau, tôi được lệnh cùng đoàn sang thị trấn Snuol, tỉnh Kratie, tiếp quản kho lương, mà quân Lon Nol bỏ chạy. Thị trấn nằm trên quốc lộ 7, gần biên giới. Ở đó có hội Việt kiều. Song tôi biết tiếng Khmer nên ở nhà người Miên. Nhà có cô con gái tên là Snuol. Snuol có nước da hơi ngăm, con mắt sắc bởi đôi lông mày rậm trên khuôn mặt trái xoan trông rất dễ thương. Hàng ngày chỉ gặp em sau bữa cơm chiều về, em mở đài đĩa cho nghe. Nét e thẹn bớt dần, em mạnh dạn chọn trái cây, đon đả mời ăn bằng được. Và như là vì tôi, tiếng Việt em sõi hơn lên. Lần nào công tác xa về, tôi cũng có bữa cơm chính tay em lo chu đáo. Thay đồ chưa kịp giặt, em đã giặt dùm, phơi phong, gấp nếp gọn gàng. Mối tình quân dân Việt-Miên đang thấm đậm thì công việc lại đưa chúng tôi về với kho hàng trong rừng sâu túp lúp trên đất Việt, bên con sông Chiêu, ngọn nguồn sông Sài Gòn. Tiễn tôi, em ríu ran mà nước mắt đỏ tròng.

Vậy là từ tháng 2 năm1969, đã hơn năm trời, Mỹ dùng B52 quần thảo nhưng vùng biên Mỏ Vẹt và Móc Câu này vẫn được coi là “Thánh địa” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nên ngày 22-4-1970, Richard Nixon triệu tập “Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ” quyết định tấn công trên bộ hòng “chộp” cơ quan chỉ huy ta.
Ngày 30-4-1970, chúng huy động mười vạn quân gồm nửa Mỹ, nửa quân lực Sài Gòn thực hiện cái gọi là «Chiến dịch Campuchia».
Bộ phận căn cứ kho hàng, một Cánh thuộc Đoàn 50, Hậu cần Miền được lệnh sơ tán. Ban chỉ huy Cánh tổ chức di dời xong ngay đêm trước khi địch đổ bộ. Số quân ở lại giữ cứ gồm tôi, và ba đồng chí nữa. Tờ mờ sáng, pháo địch dồn dập đổ đạn vào căn cứ, dọn bãi. Gần nửa tiếng, tiếp là trực thăng Mỹ có phản lực hộ tống gầm xé bầu trời, dùng đạn cối, đại liên bắn phá vào nơi chúng nghi ngờ rồi đổ quân. Một khoảng lặng trùm lên cánh rừng, nặng nề và ghê rợn. Lợi dụng, chúng tôi vọt ra khỏi hầm, chạy men con suối cạn. Đạn chiu chíu, găm tứ tung, chặn lối. Tiếng loa chiêu hồi lảnh lót nhét vào lỗ tai: “Hỡi các anh em Việt cộng. Các anh đang ở trong vòng vây. Hạ súng đầu hàng, về với chính nghĩa quốc gia sẽ được đối đãi tử tế. Nếu không sẽ bị tiêu diệt… ”. Chúng tôi bị vây thật rồi! Ba chiếc xe tanz địch quây trước mặt. Sau mỗi chiếc, bọn lính bu theo lồm cồm như kiến càng tranh mật. Tôi, Ly và Hạ nép sát bên bờ. Quyết không để rơi vào tay địch, nòng súng nhằm thẳng vào đám lính lố nhố. Đồng loạt, xả liên hồi hết ba băng đạn AK. Hạ rút chốt quả lựu đạn khói ném về phía địch. Tiếp đến Ly và cuối cùng là tôi. Nhờ làn lựu khói che chắn, cả ba rẽ trái theo lòng suối bổ nhào xuống dòng sông Chiêu đang cuộn chảy, lẩn vào những đám bèo lục bình dập dềnh trôi san sát. Có lẽ, trôi khá lâu, cả ba táp vào bờ, nhoai lên nằm lịm trong bụi cây rừng dày xin xít bên bờ sông, không dấu chân người. Tiếng súng địch thưa dần vào cuối chiều, không chát chúa, song vẫn rõ tiếng nổ địch phá kho hầm và lợn kêu eng éc.
Tối, nhá nhem. Lấn cấn, không rõ Đạo ra sao? Song cả ba quyết định cắt rừng đi về hướng tây bắc. Không có lối mòn. Gai cây rừng chằng chịt đâm xước cả mặt mũi chân tay. Sờ bả vai trái, tôi thấy đau rát. Máu thấm đã khô, chỗ áo thủng rách cứng lại, hóa ra mảnh đạn đã sượt từ lúc nào. Người như phù sũng, đau nhừ. Hạ và Ly cũng thế. Chúng tôi phải nằm nghỉ lại trong rừng, lấy sức. Khát khô họng, có nước suối cạn. Nhưng cái đói cồn cào, thì có lúc như nát ruột. Chờ tối hôm sau, quyết vượt đường 7 để sang đất Campuchia. Pháo sáng như treo trên màn trời. Mà xe tanz tuần tra trên đường 7, liên tục. Cả ba vừa bò tới mép đường thì chiếc tanz lăn xích tới. Hú vía, toát mồ hôi hột, nép mép đường bất động dưới làn lá ngụy trang. Xích tanz sát sạt người. Thót tim. Bánh xích nghiền mặt đường răng rắc, tưởng xương ai đang gẫy… May, có mảng mây đen trôi chụp bóng. Cả ba lom khom vụt qua mặt đường, rẽ cỏ nhoai vào vùng cây cao khuất. Vượt rừng dưới ánh pháo sáng. Bò qua trảng cỏ, bám bìa đồi đi trong đêm. Thấp thoáng xa có ánh đèn lờ mờ như là một sóc nhỏ. Tôi liều mạng mò vào xin ăn. Cô gái Miên trùm khăn, ngẩn người, không nói không rằng, chỉ vào bếp có nồi cơm nguội đặt bên hũ mắm bồ hóc. Lót dạ rồi, ra rừng chia nhau làm tổ ngủ, tránh biệt kích và… “em?!”. Muỗi rừng như ong bầu vỡ tổ bâu kín da thịt, không cho chợp mắt lúc nào. Trời lộ sáng. Tôi phát hiện có bóng người gùi giỏ ngáo nghến với tiếng Việt, gọi gọn lỏn, “anh”. Nhận ra dáng cô gái tối qua, hướng rẽ về phía tôi. Cô xáp lại, khẽ khàng: “Không nhận ra em sao? Snuol nè!”. “Ôi Snuol!” Cô gái đã in vào tâm trí bấy nay mà tôi luôn mong có ngày gặp lại. Em ôm chầm, cứ thế, nước mắt nhỏ xuống mặt tôi. “Sao em đến được đây?”. “Em đi theo vệt sương tan và lá cây rừng”. Em kể, bom Mỹ đánh tan nát thị trấn của em. Nhà nhà sơ tán hết. Gia đình em lánh về sóc này. Em như lớn hơn lên, nước da dạn dĩ hơn lên. Em băng vết thương cho tôi. Thay tấm áo quân phục tôi để quên ngày trước ở nhà em. Em như bông hoa rừng lộng lẫy, xoắn xít tỏa hương, níu kéo… Cho tới khi tỏ mặt trời, sương đã tan hết, tôi vời Ly, Hạ lại ăn cơm cá kho và mắm bồ hóc em đem. No bụng, chúng tôi tạm biệt em để đi tiếp.
Có lẽ cũng đã xa đường 7. Ly vừa lò dò ra lối mòn mấy bước thì bị một kẻ đeo lá ngụy trang xông ra ôm chặt khự. Ly ú ớ dãy dụa. Tôi giật mình, biệt kích?! Khẽ lên đạn, đưa súng vào tầm ngắm, viên đạn sẵn sàng vọt khỏi nòng. Song họ rời nhau ra. Lại ôm nhau thân thiện. Hóa ra Lành, bảo vệ đồng chí Tư Xuân, Cánh phó, trở về cứ, nắm tình hình.
Chúng tôi cùng quay lại cứ, lúc gần sáng. Cả cánh rừng tan nát. Hầm to, kho, lán họp…đều bị phá sập. Một khoảnh đất thối hoăng bởi đầu, lòng, lông lá lợn gà từng đống. Bỗng pháo dồn dập câu tới. Tất cả lao vội xuống hầm. Thì ra địch đã gài lại “cây nhiệt đới” ghi, phát âm. Từ đây, nói với nhau phải dùng động tác tay hoặc thì thầm ở nơi có thể. Rồi rất sớm, các loại máy bay trực thăng “cá rô” “cá lẹp”… như ruồi nhặng ào tới rợp trời. Từ chiếc máy bay “bà già” vọng rõ mồn một:“ Hỡi anh Thi, Ly, Hạ cùng các chiến hữu. Tôi là Đạo đồng đội của các anh đây. Tôi đã phục thiện về với chính nghìa quốc gia, được đối xử rất tử tế. Tôi kêu gọi các chiến hữu hãy buông súng đầu hàng… ” À ra vậy. Đạo đã bị địch bắt. Không rõ bị ép hay tự nguyện chiêu hồi?
Trực thăng sà sát, như là mặt đất của nó, nhìn rõ cả phi công. Có chiếc lọt vào vòng ngắm AK của tôi. Ngón tay trỏ đặt vào cò súng. Nấc siết chỉ nhích nửa ly. Nghĩ thế nào tôi hỏi anh Tư, tôi bắn nhá? Anh nghiêm mặt:“Không được bắn! Cậu muốn giết anh em sao? Đây là lệnh!”. Mà quả vậy, chúng tôi chỉ có sáu người. Trong tình huống này phải bảo tồn lực lượng theo đúng nhiệm vụ được giao.
Sau bảy tuần càn quét, cái « Chiến dịch Campuchia » của địch bị hạ màn.

Tiếp sau 30-4-1975, cứ tưởng đất nước hòa bình vĩnh viễn. Cuối năm 1978 tôi trong quân đoàn Giải phóng, một lần nữa giải thoát Campuchia khỏi ách diệt chủng Polpot, Ieng Sari, Khieu Samphan…Tan giặc, tôi có dịp trở lại thị trấn Snuol tìm em. Thị trấn khác xa lần đầu tôi đặt chân tới. Nhà phố chỉ còn là những túp lụp xụp. Tôi cố nán để dò tìm. Mãi cũng tới cái sóc như là tôi đã đến đêm xưa. Người phụ nữ, lớn tuổi hơn Snuol một chút, chị nói là bà con với em. “ Hình như Snuol lấy chồng người Việt, Quân Giải phóng. Cô ấy có một đứa con trai. Con trai cô bị bọn Polpot tung lên trời như trò chơi rồi ngắm bắn. Snuol đau buồn vô kể. Sau đó cũng bị bọn Polpot đập chết ”. Chị đưa cho tôi kỷ vật, tấm hình lính Polpot giương súng ngắm bắn đứa bé đang bị tung lên lưng chừng trời. Nhìn hình, tự nhiên tôi bấm đốt tay, tuổi bé cũng trạc thời gian lúc tôi gặp em. Không biết tấm ảnh ấy có phải hình con trai của Snuol bị hành hình không? Tôi hỏi, chị lấy ở đâu ra tấm hình này? Chị nói:“ Ở trong túi áo của Snuol khi cô ấy chết. Xác bị bọn Polpot vùi chung với cả đám người chúng đập chết ”. Lòng tôi chùng lại, xa xót. Tôi đến chỗ mồ chôn tập thể. Một ụ đất to, đầy cỏ xanh rờn. Tìm hái hoa rừng, tôi xếp thành vòng quanh mộ. Mặc niệm, tưởng nhớ về Snuol. Máu của em thấm nhuộm xanh rừng, cho hoa rừng nở rực cho tự do đất nước, cho mối tình Việt-Miên tươi thắm, trường tồn.
Nước mắt ào ra, tôi cứ để lã chã rơi cho vơi đi mất mát.

BÌNH LUẬN