. HOA HỒNG MÙA GIÓ CHƯỚNG
Từ hôm chuyển gia đình về xóm mới, Vân buồn da diết. Thế là Vân xa tất cả những gì mấy năm qua đã gắng công vun đắp HOA HỒNG MÙA GIÓ CHƯỚNGthành kỷ niệm đầu đời. Mỗi lần đi học về, cô cứ phải ghé qua đường Ngô Tùng Châu, để được thấy ngôi nhà cũ chỉ một chút thôi cho đỡ nhớ. Mà ở ngôi nhà kia, không chỉ là ngôi nhà. Nó còn có thứ gì hơn thế nữa? Ờ nhỉ! Ở đó thời gian đã chứng kiến bao cuộc vui anh em, bạn…Có lúc vô tư buồn đến ngô nghê không rõ vì đâu. Tất cả quyện lại tạo nên nỗi nhớ nhung man mác. Thì ra nó ang áng câu thơ mình đã được nghe đâu đó: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn!
Cứ như thế. Buổi tối, hình như vào ngày cuối tuần, Vân đang học bài trong nỗi vẩn vơ mơn man buồn như thế. Bỗng có tiếng Guitar dạo lên nghe mà xao xuyến lạ. Không ghìm được nỗi lòng, Vân đứng dậy ra phía… tiếng đàn. Âm thanh như đang òa vào trước cửa. Qua khe cửa hẹp, Vân thấy nhà đối diện, dưới ánh trăng suông vằng vặc, bên gốc mận xum xuê, ba bốn thanh niên và vài thanh nữ ngồi quanh chàng trai ôm đàn hát theo khúc Thương hoài ngàn năm . rồi khúc Duyên xưa….
Vân lững thững đi vào nhà. Mà sao đêm nay…đêm thật là khó ngủ. Muốn thỏa chí tò mò, Vân dậy từ sớm lén nhìn sang phía nhà bên kia, mong manh dò hỏi bóng hình… Guitarist vô tình đã choán góc tâm hồn. Chàng ở đâu ta? Hay còn ngủ vùi trong nệm? Cho mãi tới buổi tối ấy, Vân đang ngồi với em gái Hồng, kém Vân con giáp và Ái kém Vân mười bốn tuổi thì thấy một thanh niên, rất bảnh trai, cao ráo có lẽ tới một mét bảy nhăm, với bộ sơ-vin trắng, quần xanh, vác cây Guitar bước trên hẻm nhà mình. Chàng dừng lại bên cổng rào nhà trước mặt, rồi tiếp tục bước vô như thể về nhà…? Tim Vân bỗng rộn ràng nhịp đập cùng những suy tưởng mơ hồ. Đúng người ấy rồi!? …
Tối tối, tiếng Guitar lại vọng lên réo rắt lan tỏa mãi tới xa xăm. Nó thấm tháp vào Vân như là kẻ trộm. Nó hiểu biết từng ngóc ngách đường gân thớ thịt để rồi chon chỗ nằm lỳ trong con tim khối óc của Vân. Tiếng đàn đang bổng cao như chào đón. Nó lại trầm thẳm dịu dàng năn nỉ gọi mời….
Có lẽ đến một tuần qua đi. Chiều ấy, Vân đi học về. Một thói quen mới có, cô liếc nhìn vào nhà chàng trai như hôm trước. Giật mình thấy chàng đứng ngay trước cửa. Mắt hướng về phía nhà cô như tìm kiếm, như trông chờ… Vân trở nên lúng túng muốn tránh mặt chàng. Nhưng không thể quay trở lại Vân ơi! Vân run run. Bẽn lẽn tưởng như loạng choạng, ý định quẹo lẹ về ngõ nhà mình. Chàng trai liền nở nụ cười duyên đón trước câu hỏi cũng rất là ngượng ngịu:
– Mới…đi…học về hả…?
Vân buộc phải đáp từ, rất khẽ:
– Dạ!
Bước chân Vân lẹ hơn. Lòng Vân thật thoải mái. Mà sao vẫn thấy con tim lẩy bẩy, bập bùng…
Ít ngày sau, cũng vào buổi chiều. Chàng trai ấy chủ động sang chơi bên nhà Vân có thể như là lấy cảm tình. Chàng chuyện trò với ba. Còn nàng, Vân ta nép ở nhà dưới. Tai cố lắng nghe mà con mắt thi thoảng len lén nhìn qua khe cửa nhà trên. Chàng Guitarist ấy tên Quân. Quân đang làm thợ tiện và cũng đang học trường Nguyễn Đình Chiểu.
Những ngày tiếp đó Quân sang chơi thường hơn. Mỗi ngày Quân đối với gia đình Vân tăng phần thân thiết và ngược lại. Có lúc chàng ôm cây Guitar sang gảy cho cả nhà nghe. Còn muốn dạy Vân hát nữa chứ! Lúc đầu Vân ngượng lắm. Không dám tiếp xúc. Sau quen, Vân cũng chỉ mạnh dạn lên chút ít. Nỗi nhớ cảnh cũ nhà xưa tự nhiên nguôi ngoai. Thay vào đó nỗi nhớ có chăng chỉ còn là không được nghe tiếng đàn của chàng trai mỗi tối. Hay một ngày vắng bóng chàng làm cho giấc ngủ nhiều đêm trằn trọc suy tư, thắc thỏm như thể mong chờ… Nhiều lúc Vân tự hỏi, có phải là tình yêu? Thật khó giải thích cho mình, một cô gái mới mười sáu tuổi đầu như đóa hồng nhung vừa hé nở. Những cánh hoa vừa chạm gió sương. Nhụy hoa vẫn chưa từng dạn mưa dãi nắng. Mộng mơ đang chờn vờn đung đưa ẩn hiện ở chốn xa xăm. Ôi bao nhiêu là ước vọng, bao nhiêu là dự kiến với tiền đồ trước mặt của một trò học lớp mười, ngưỡng cửa Phổ thông trung học…
Vậy là những lá thư của Quân đã bay đến tay Vân. Vân bồi hồi run rẩy cầm thư… Mấy lá rồi, với lời lẽ thật dịu dàng chân thực. Thư không vặn hỏi, không trách móc một câu làm cho Vân không thể lặng im mãi được. Những tâm tình của tình bạn chân thành trong sáng. Thư không là ngọn đèn đắp đổi tình yêu hay là chiếc cầu bắc cho lời cầu hôn đi qua dễ dãi. Song vào buổi chiều một ngày rất đẹp, những ngọn đèn trên cao đã tỏa sáng mặt đường. Vân ra tiệm mua nước đá cho ba dùng vào bữa cơm chiều trở về thì chàng đứng ngay bên chiếc cầu gần hông nhà Vân ở. Như là chặn mất đường rồi, để cố tình hỏi chuyện. Vân phát hiện ra và muốn trốn. Nhưng việc phải về nhà thì chỉ có lối độc đạo qua chỗ người ấy đứng kia. Vân đành chậc lưỡi đi đại cho rồi. Quân vui rộn ràng. Song lời thăm hỏi không đầu không cuối của Quân chẳng ăn nhập vào đâu. Đến lúc cũng phải tự trả lời cho điều vô nghĩa ấy. Chàng ta run rẩy trước câu hỏi quan trọng đã xếp sẵn trong đầu. Xóa bỏ tất cả chuyện vô nghĩa suốt nãy đến giờ:
– Vân à, em có chấp nhận tình anh không?
Sự bối rối thực sự đã chuyển sang Vân hết cỡ. Tuy Vân đã từng đoan chắc đến một ngày từ Quân sẽ có lời như vậy. Song trong vẻ vui mắc cỡ Vân nhỏ nhẹ thưa rằng:
– Vân vẫn còn nhỏ lắm. Vẫn còn đi học mà. Vân chưa nghĩ gì hết.
Nói rồi Vân bỏ chạy về nhà. Trống ngực thình thình những nhịp đập đua nhau vội vã. Vẻ mặt Vân thẫn thờ. Cô cố giấu mà không thể nào qua được mắt má. Má phát hiện ra và ngắm cô con gái má ngay từ lúc cô ghé vô nhà. Má hỏi:
– Vân! Con gái má có chuyện gì mà như người mất hồn vậy?
Vân giật mình nhận ra…mình. Cố nở nụ cười xí xóa:
- Má! Có chi đâu, má?
– Vậy mà má cứ tưởng là con gái má vừa mất cái chi nên ngơ ngẩn tiếc hoài. – Má trêu vui – Mà có mất thì cũng tìm lại được đâu. Cần thì mua cái khác…
Câu nói của má, Vân hiểu nỗi lòng má muốn chia sẻ cùng con. Thời gian qua, chiến tranh ngày càng dữ dội. Quân Giải phóng đã mở rộng vùng giải phóng xuống đồng bằng. Lính quốc gia sợ sệt, làm người dân cũng bị hoang mang đi ở. Sức mua bán thị trường sút giảm hẳn. Tiệm may với dăm ba học trò mỗi khóa của má lâu nay cũng ế ẩm. Vì vậy gia đình phải chuyển cư về đây để giảm thuế khóa và những chi phí sinh hoạt ngày thường. Ba vẫn đi làm. Nhưng nỗi lo lắng của ba đã ngụ ý từng lời “ Ba má chỉ mong các con khôn lớn, khỏe mạnh chăm chỉ học hành…” Nhưng thời chiến, tiếng súng nổ đì đẹt suốt. Bọn bạn lớp trên của Vân bỏ học nhiều. Nghe đâu đứa lên rừng. Đứa đi học kỹ nghệ… Có đứa bị bỏ lửng ở nhà….Má tiếp:
– Phận con gái là thế, con ạ. Gặp thời mới làm nên được chuyện. Chứ cứ lớn lên là chuyện chồng con. Suốt ngày bồng mang, bú mớm, như má nè…
Ôi má đã đọc hết lòng con! Vân thảng thốt:
- Má, sao?
Má nói từ lòng mình chân thực:
– Má nè. Xưa cũng bay bổng như con bây giờ đó. Nhưng khi về với ba con, thì có ước vọng nào bay nhảy nữa đâu….
Có phải tiếng Guitar của Quân mỗi chiều về với giọng trầm quyến rũ? Hay dáng người quyết đoán với những lời chân thật dễ thương? Quân chưa phải là typ người lý tưởng trong ước mơ mà mấy đứa bạn rỗi chuyện, mỗi ngày cứ đung đưa gom góp. Song Quân trong mắt mình mang tầm vóc một thanh niên tin cậy. Quân làm thợ tiện kiếm tiền, vừa học để nâng thêm văn hóa… Nhà Quân là gia đình chân chất. Song thời này, đồng tiền thu nhập không vượt lên khỏi nỗi cơ cực trong bữa ăn hàng ngày, thì việc làm của Quân không chỉ phần nào gỡ bỏ nỗi khó khăn gia cảnh mà còn thể hiện của ý chí thanh niên.
Rồi có một ngày cũng thiệt bất ngờ. Quân cầm bông hồng nhung, gói rất đẹp trong tờ giấy kiếng hoa đem đến tặng Vân. Lúc đầu Vân bỡ ngỡ. Nhưng tự lòng Vân bật ra nhớ ngày sinh nhật của mình. Ở nhà, Vân không quen làm sinh nhật. Lần đầu nhận hoa chúc mừng sinh nhật mà lại là của người mình yêu tặng. Vân xúc động vô cùng. Quân rủ Vân đi cùng bè bạn, ăn trái cây sinh nhật. Thế là Vân hứng chí đi luôn. Quân đưa đến vựa trái cây thiệt lớn. Ăn thỏa thuê rồi đi uống nước trong tiệm. Bọn bạn biết ý dành riêng cho hai đứa.
Quân vòng tay ôm trọn vòng eo Vân. Cô mắc cỡ ngả vào vai Quân trìu mến. Quân không nói được gì thêm. Hình như sự im lặng thay lời cho tất cả. Những nụ hôn đầu đời ghi nhận mối tình của họ. Bỗng nhiên Vân ngồi ngay ngắn lại hỏi:
– Vì sao Quân lại yêu em?
– Quân không biết nữa. Nhưng Vân xinh đẹp dễ thương nè. Tiếng nói dịu dàng nè. Và làm việc khéo léo nè!
– Quân có xạo không? Vì Quân có biết em làm việc lúc nào mà biết em khéo léo?
Quân cầm đôi bàn tay Vân kéo lại, rồi đặt ngửa lòng tay trước mặt hai người:
– Thì đôi bàn tay của Vân nè, là câu trả lời trung thực nhất. Con người ta sanh ra đều có những điều định sẵn ba má phú cho. Con người này với bàn tay này thì làm sao mà vụng được?
– Nhưng Quân nè. Đời em khổ lắm đó nghe. Anh Quân mà lấy em về là vất vả đó.
– Anh hứa với Vân là, nếu em là vợ anh, anh sẽ suốt đời nô lệ vì em. Anh hứa luôn luôn cố gắng hết mình cho vợ anh sung sướng!
- Quân nói thiệt hôn?
- Anh không dối lòng mà!
- Em tin anh, Quân ạ!
- Vậy Vân có thương anh không?
- Thương!
- Thiệt không?
- Không thiệt sao lại đi với Quân như vầy nè!
Tiếng Guitar chiều nay lại rộn lên với bài ca quen thuộc. Bỗng lời ca thành sâu sắc hơn lên và quyến rũ hơn lên. Không biết Quân có chủ định không mà bài ca cứ dạo đi dạo lại mấy lần như xoáy vào lòng thương cảm. Dù Quân có tiếp theo những bản tình ca khác, thì lời ca kia, lần đầu ca lên vẫn là dấu ấn của ngàn năm ập đến với tình em. Em đã giữ gìn ủ ấm trong lòng. Mỗi khi nhớ tới anh hay bất cứ lúc nào dù vô tình có tiếng đàn khác lạ thoáng qua, thì tiếng đàn anh cứ nổi trội, lấn lướt trở về chiếm lĩnh và đầy ắp trong lòng, Quân ạ. Cứ mỗi chiều ngày cuối tuần, tiếng đàn như nhắc nhở, như mời gọi, làm nỗi lòng yêu thương được kết tụ, đong đầy.
Lần ấy, Vân đang học lớp mười một, trường Phổ thông Trung học Lê Ngọc Hân. Trên đường về thì Quân rủ ăn kem:
- Anh đi coi điểm thi vào Hải quân công xưởng.
Vân thuận miệng hỏi Quân một cách vô tư như trò cùng đi học, đi thi:
- Rồi có đậu hôn?
- Đậu rồi, Vân ạ.
Vân vui đùa trêu Quân, hỏi tiếp:
– Đậu loại nào? Đậu cây khế hay đậu vào cây thạch thảo?
- Anh đậu loại hai cơ đấy!
- Rồi anh có đi làm ở đó hôn?
- Có chứ?
– Mà sao anh Quân lại thi vô đó? Anh Quân có biết vô nơi ấy là vô gần với mũi tên hòn đạn không?
Quân hạ giọng mềm mại muốn Vân cùng cảm thông chia sẻ với nỗi lòng mình.
– Vân à. Vì anh không có đủ tiền để trốn nắng(1)!
Vân vui đùa, trêu:
– Trốn nắng mà sao sắc diện anh đỏ rựng thế kia? Em cứ nghĩ anh bị nắng hóa ra anh uống rượu à? Em chúa ghét người xỉn rượu đó nghen!
Quân giọng nghiêm chỉnh hơn:
|
– Giữa lúc chiến tranh này và kinh tế gia đình, thì đời sống gia đình đang đòi hỏi và thúc giục mạnh mẽ. Vân à. Từ ngày anh chuyển về ấp này, ít nhiều Vân cũng biết gia đình anh rồi đó. Trong khi anh đang tuổi quân dịch, việc trốn nắng là cực kỳ khó khăn. Anh biết lúc này, không ai muốn chiến tranh và thanh niên lại càng không muốn đi lính. Song anh là người có kỹ nghệ trong tay. Vì thế vô làm kỹ nghệ, vừa giải quyết được kinh tế đang lúc khó khăn, vừa giải quyết được mối lo toan trận mạc. Anh đã đăng thi, đậu rồi. Dù sao họ cũng đã nắm được ngóc ngách. Mũi tên đã bắn đi, không thể nào lấy lại…
Vân chú ý lắng nghe, cô chỉ thở dài. Chiếc kem trong tay rã tự lúc nào. Vân không thể can thiệp vào bước đi của Quân nữa. Sự việc đến thế thì biết làm sao khác được.
Chia tay nhau mà lòng Vân ngổn ngang nhiều nỗi. Quân đi vào binh xưởng nghĩa là đã nhập lính. Ở lính mà làm việc ở binh xưởng thì người lính yên ổn hơn ngoài chiến trận. Nhưng không phải là tuyệt đối khi điểm quân sự nào cũng là mục tiêu của đối phương… Mà tình yêu thì không giới hạn. Mình đã yêu rồi. Khi yêu, cái gì cũng đẹp. Trên đời đã có nhiều cuộc tình làm mờ đi suy tư sáng suốt. Có những người còn lạm dụng chữ đích thực gán ghép cho một tình yêu. Chấp nhận sai lầm một mỹ từ là chấp nhận một cuộc đời sai lầm. Còn với mình…?
Xuân Ất Mão năm 1975 trời rất trong sáng. Sau ngày ngừng bắn đón Tết, trên đường chúc Tết, Vân sực nhớ Quân sắp vào Hải quân Công xưởng. Cô hỏi:
– Quân nè, anh có nghe được tin cộng sản đã giải phóng Phước Long rồi không?
- Cũng có nghe bàn tán thế em à!
– Rồi anh có nghĩ sao về công việc của anh?
Quân nói theo suy nghĩ của mình:
– Vân à, anh rất yêu em. Chắc là em lo cho anh lắm? Nhưng anh chỉ là thợ tiện cơ khí bình thường thôi em! Nghĩa là đơn thuần bằng đôi tay của mình sản xuất ra sản phẩm. Ở đâu cũng cần đến bàn tay kỹ nghệ để đổi lấy đồng tiền cho chính mình mà em.
Suy nghĩ rồi, Vân cũng đành lòng thế. Tình huống bắt buộc Quân phải tìm công việc. Bởi vì anh có bàn tay kỹ nghệ. Ở một chỗ nào đó, người công nhân cũng phải sản xuất ra sản phẩm giúp ích cho người. Nhưng tiếng súng chiến cuộc vẫn còn. Nghe đâu trên Tây Nguyên quân Giải phóng đã mở rộng vùng giải phóng. Liên tiếp Buôn Mê Thuột thất thủ rồi đến Đông Hà, Huế… Quân đội quốc gia chạy dài vào phía thủ phủ Sài Gòn làm rúng động tới phần đất miền Tây.
Ào một cái, trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, đô thành Sài Gòn đã lọt vào tay quân Giải phóng. Và ngày Một tháng Năm cờ hai màu xanh đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay khắp cả vùng nông thôn và thành phố Mỹ Tho. Người người náo nức theo bước đoàn quân Giải phóng đi tự do trên đường mà không sợ hòn tên mũi đạn lạc vào. Vân theo đoàn người và tiện chân, cô về tận Thành Triệu, quận Trúc Giang, Thị xã Bến Tre quê cô. Vân lại trở về ngay Mỹ Tho vì lo không biết bây giờ Quân đang ở đâu?
Trở qua nhà Quân, Vân thấy như bóng Quân đang ở trong nhà. Vân mạnh dạn bước vào. Quân cũng đang phấp phỏng chờ đón Vân đến. Nhưng anh đương nhiên là lính đối lập với bên chiến thắng nên anh cũng ngóng đợi tin họ xử lý ra sao.
Sau khi nghe tiếng loa thông báo tất cả những người tham gia chính quyền, binh lính của chế độ cũ ra khai báo thì Quân đã ra điểm tập trung. Được hướng dẫn làm bản kê khai quá trình tham gia xong, người cán bộ Quân quản thấy Quân rất trẻ, mới là lính công binh xưởng chỉ mấy tháng nên nói cứ về nhà làm ăn lương thiện, bình yên. Bởi đất nước đã hòa bình rồi, mọi người đã được tự do rồi.
CHƯƠNG 2
ĐI QUA LỜI BỎ NGỎ
Cuộc sống người dân đang trở lại bình thường. Đi lại tự do. Chợ búa họp lại. Quân và Vân hàng ngày vẫn gần nhau. Quân bớt dần hồi hộp thắc thỏm lo ngai như lời đồn đại về cuộc tắm máu. Vì vậy Quân tiếp nối mạch suy nghĩ của mình:
– Vân à, chúng mình yêu nhau cả hai gia đình biết hết trọi. Bây giờ hòa bình rồi. Anh muốn sang xin phép ba má bên Vân để ba má bên anh sang xin cho chúng mình làm lễ cưới.
Vân ngần ngừ:
- Thế có hơi sớm không anh?
– Chúng mình cũng lớn cả rồi Vân à. Khi các bậc ba má cũng ngày càng già yếu. Chúng ta làm lễ cưới để lo toan cuộc sống cho nhau…
Thế là đám cưới Quân Vân thực hiện vào tháng Bảy năm 1975. Nghĩa là sau miền Nam hoàn toàn giải phóng một trăm ngày. Vân bỏ giữa chừng lớp mười hai Phổ thông Trung học, về xã Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang làm dâu từ đó.
Những ngày làm dâu mới mẻ Vân luôn ý thức mình với công việc chăm chỉ hàng ngày. Sinh ra trong gia đình được giáo dục nề nếp, cô luôn tỏ rõ công dung, ngôn, hạnh làm đầu. Mọi công việc phải làm thật khéo léo nhẹ nhàng. Mọi lời nói phải khiêm nhường nhã nhặn. Mọi đối xử phải tôn kính, bao dung. Vì thế Vân đã lãnh được ngay cảm tình của ba, má và anh em nhà chồng. Sự yêu thương luôn được đùm bọc đỡ đần khi vui buồn hay lúc khó khăn trong cuộc sống thường nhật.
Quân có nghề thợ Tiện. Anh xin vào làm việc ở xí nghiệp cơ khí tận Vĩnh Long. Hết mỗi tuần Quân mới về nhà. Được nửa năm ba má cho vợ chồng Quân ra riêng. Vân lo lắng hỏi:
– Quân ạ, em biết trước sau cũng phải chấp nhận quy trình sắp xếp mang tính xã hội ấy. Nhưng chúng ta đã chuẩn bị được gì nào, khi em đang mang bầu không thể là lao động chính?
Quân xòe hai bàn tay về phía Vân:
- Chính là ở hai bàn tay này đây em ạ.
Sau ngày cưới, cũng ngay sau cuộc chiến lớn kéo dài hai mươi năm ở miền Nam, nhưng có tới hơn ba mươi năm trên cả nước. Sức người sức của dồn cho chiến cuộc không nhỏ. Sự khôi phục kinh tế trên nền một nước nông nghiệp lạc hậu không thể giúp cho cân bằng đời sống hơn năm chục triệu dân trong một sớm một chiều.
Quốc Việt vừa ra đời. Đồng lương èo ọt của một thợ tiện cơ khí lúc này không thể trang trải cuộc sinh hoạt tối thiểu cho ba miệng ăn.. Ba má Vân thấy vậy, liền gọi Quân lại bàn tính:
– Cuộc sống của vợ chồng con lo cho bé thấy vất vả quá. Không biết rồi cháu của ngoại sẽ lớn ra sao. Má nghĩ đó là trách nhiệm của cả gia đình. Ba má có ý định thế này, con ưng thì làm. Ba má giúp vốn cho con mua cái ghe. Một vốn nữa mua hoa trái dưới miệt vườn đem lên Sài Gòn. Cách nấy có thể khả dĩ chống, trụ cái đói hiện nay.
Quân đăm chiêu suy nghĩ. Quả thế. Kinh tế mỗi năm một kém đi rõ rệt. Đói là cái đói toàn dân chứ không riêng một nhà nào. Vì thế không thể bèo nổi nước nổi Tự mình phải tìm ra cách chống, góp vào việc toàn dân chống đói. Quân nói:
– Thưa ba, thưa má. Nghề thợ tiện lúc này không phát huy được. Xí nghiệp nhỏ manh mún, không đủ công ăn việc làm. Do vậy lương công nhân không đủ cho sinh hoạt khi bé Quốc Việt đang cần phải lớn lên. Con xin thực hiên ý định ba má vạch hướng, để giải quyết khó khăn .
Chấp nhận phương sách đã vạch, những chuyến ghe trái cây lên Sài Gòn bắt đầu được thử nghiệm. Hiện tại là sự tiếp nối con đường trái cây miền Tây từ xưa đã làm. Ghe trái lên Sài gòn dừa, chuối, chôm chôm, theo mùa. Thời gian cho mỗi chuyến hết năm ngày. Hai ngày chạy ghe. Ba ngày đổ trái. Má trực tiếp là người chế tài cách làm ăn. Ghe trái cây chủ yếu đổ cho các vựa. Số ít còn lại bán lẻ. Ngay chuyến đầu thu hoạch, Quân rất phấn khởi. Anh sắm ngay cho con quần áo, thức ăn. Biết Vân tuy đủ sữa cho thằng Tèo, anh vẫn mua thức ăn dự trữ cho con. Quân tìm bằng được những lon sữa, dù chỉ là sữa nước, mặt hàng hiện rất hiếm trên các sạp chợ. Dĩ nhiên Quân không quên mua thức ăn Vân rất thích. Cô nhìn những túm chè bưởi, sâm bổ lượng, mà xao xuyến trong lòng:
– Anh Quân mua những thức cho con được rồi. Em lớn rồi nè. Mua quà nhiều chi vậy!
Quân ngắm nhìn Vân âu yếm:
– Anh mua chút xíu thôi có đáng là bao. Thấy em rất thích những thứ này mà!
Vân một cảm giác mát rượi trào dâng:
– Thì đương nhiên rồi. Nhưng đó là hồi bé. Còn giờ, em đã là má của cục cưng rồi nè!
Quân sát gần Vân, đưa suy nghĩ của mình bằng chất giọng rất dịu mềm:
– Nhưng cái gì mà em thích, anh đều thích cả. Em ăn ngon là anh vui. Thực ra em ăn cũng là cho con nữa. Vậy là anh mua cho cả hai má con chứ có riêng em đâu.
Cuộc sống của vợ chồng Quân lần hồi bằng việc buôn chuyến trái cây từ Bến Tre, Mỹ Tho lên Sài Gòn đã được bốn năm. Những năm này cái đói nhã nhàu trùm lên cả nước. Lượng ghe đi trái cây từ miệt vườn miền Tây lên Sài Gòn ngày càng nhiều. Hình như cái đói làm giảm sức mua của dân chúng nói chung, cũng làm giảm sức mua cả những trái cây.
Bỗng nhiên Quốc Việt nóng lạnh đùng đùng, sém 40oC. Dùng thuốc hạ sốt mà thân nhiệt chỉ giảm chút chút. Đã hai ngày con bỏ cơm, chỉ uống chút xíu nước cháo. Bé rộc rạc trông thấy. Suốt đêm Vân thức trắng cùng con. Cô lấy nước lau mình, chườm trán cho con. Dùng kèm đủ các loại hạ nhiệt dân gian… Phập phồng nhìn gương mặt bơ phờ mệt mỏi đỏ bừng trong cơn sốt của con, cô hoảng hốt gọi Quân. Nhưng Quân bây giờ đang ở xa lo việc cơm áo hàng ngày. Vân ước, nếu đổi được thì bao khổ đau, bệnh tật, đau đớn, cô xin gánh nhận hết về mình. Miễn sao cục cưng yêu quý của cô lành bệnh thoát khỏi mọi bất trắc, đớn đau.
Sáng chưa tỏ mặt người. Vân nhanh chóng đưa Tèo đi bệnh viện Mỹ Tho. Vậy mà ở đó người bệnh đã chờ sẵn để được khám bệnh đông ngịt từ bao giờ. Vân đưa bé vào phòng cấp cứu. Bác sĩ nói, mùa này là mùa của muỗi phát triển, đang trong vụ dịch sốt xuất huyết do muỗi truyền. Bé Tèo sốt như vậy là rất nặng. Những nốt lấm chấm trên da xuất hiện toàn thân sờ rộm lòng tay, bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền rất điển hình. Rất may cũng còn chưa muộn và cứu chữa kịp thời. Một ngày rồi ba ngày, bệnh của Quốc Việt thoát qua cơn nguy hiểm. Nhìn bé hốc hác mà thương. Nhưng chính người má của bé kia mới thực ốm tong teo hốc hác. Ôi lòng mẹ!
Từ sau vụ bọn Khmer đỏ Polpot cho quân đánh lén giết chóc man rợ dân tình vùng biên giới các tỉnh Tây Ninh, An Giang phía tây nam năm 1978 đến bọn lưu manh bá quyền Trung Hoa đỏ, cho quân phá rối cuộc sống dân lành miền Bắc năm 1979, thì có nhiều tin rối rắm. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, nơi có nhiều người Hoa cư trú, bỗng dưng bỏ nhà ra đi hàng loạt. Nhưng tại sao họ đi thì không có một tin tức chính thống nào xác định. Có lẽ tin ngầm từ đám người Hoa liên quan đến người Việt bị lọt ra. Ấy là bọn lưu manh cầm quyền Trung Hoa đe dọa tương lai người Hoa ở Việt Nam, nếu không về nước sẽ bị Cộng sản Việt Nam cắt cổ. Chịu cuộc tắm máu sẽ phải xảy ra. Thật là ghê tởm mưu đồ bá quyền chính trị. Ở những con người quá khích chính trị, hình như nhân tính bị bóp méo để mặc nhiên nặn ra những sinh linh chính trị quỷ quái khác, chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một nhóm người….
Trong các tin đồn đó, đặc biệt, có một tin đồn thất thiệt, tàu nước ngoài đang lênh đênh sát hải phận quốc tế ngoài biển Đông chờ rước người tị nạn Việt Nam đi Hương Cảng, Nam Dương… nếu muốn định cư ở nước thứ ba.
Ôi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, có nước nào trên thế giới này thoát khỏi kiệt quệ, đói nghèo? Dĩ nhiên cái đói đè lên đầu người dân là nặng nề nhất. Câu cổ xưa đã từng trên cửa miệng mỗi người: Dân dĩ thực vi thiên.(2) Quả thật khi cái bụng đói thì đầu gối phải bò. Tự cứu mình trước khi trời cứu!
Cũng từ đó, dòng người đi ra nước ngoài không chỉ ở miền Nam, mà lan ra cả nước. Ở các vùng Hải Phòng, Quảng Ninh không chỉ xôn xao thu ba mà là sóng ngầm chuẩn bị chuyện vượt biên vừa công khai vừa bí mật. Có lẽ, nó mênh mang quá, mờ ảo quá nên chính quyền không kiểm soát nổi. Hay là biện pháp nửa kín nửa hở của những cán bộ trung thành với đồng tiền hơn trung thành với chính phủ còn mạnh hơn cả sóng ngầm. Vì thế đã có nhiều cuộc đi thoát không quá khó khăn. Dù vô tình hay hữu ý vẫn là lời bỏ ngỏ…
Quân nghe được tin những dòng người ra đi như thế, làm anh thổn thức trong lòng. Quân suy nghĩ lung lắm. Anh đặt ra những câu hỏi. Mình làm chồng tại sao không lo được cho vợ cho con hàng ngày được chén cơm no? Tai sao con mình phải khổ hạnh trong một gia đình mà người cha không làm trọn nghĩa vụ của mình? Mình rất yêu Vân. Song Vân có lý do gì phải khổ? Mình có phải là thằng đàn ông hèn đớn trên đời này? Không! Mình đã là người chồng, người cha không có quyền làm cho vợ mình bất hạnh, không có quyền để cho con cái khổ đau trên nền đói rách! Song lúc này với Quân, lực bất tòng tâm.
|
Nghĩ mà buồn. Đôi lúc Quân đã phải vụng giải sầu bằng rượu. Lúc tỉnh dậy, anh nhìn rõ nhất những đoàn người ra đi, nghe được cả những lời bàn tán xầm xì. Người ta nói chuyện vượt biên đã đành mà công khai bàn bạc dự định ngày ra đi nữa.
Quân. nói tất cả suy nghĩ của mình. Nói cả những chuyện nghe thấy với Vân như là những lời nhằm thuyết phục. Nghe rồi Vân bình thản nói:
– Cuộc sống sẽ ngày càng đỡ khó. Chuyện kinh tế gia đình cố gắng sẽ khắc phục được mà anh?
Vô tình Vân nói ra lòng mình chân thực. Vì thế nhân đà này, Quân đưa lời phản biện thật trầm ấm nhẹ nhàng:
– Nhưng mà… anh muốn ổn định cho vợ anh no đủ. Con anh sung sướng. ..Chứ không muốn dừng lại, neo mình…
– Ở ta có nhiều người đã từng sống như vậy mà anh?
– Họ chấp nhận những gì đã có. Còn anh muốn có được một sức đẩy vươn lên.
Ngần ấy lời cũng đủ thông tin thấy được ý tứ của chồng. Nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, Vân muốn cố kết với mảnh đất sinh ra và lớn lên. Vân không muốn xa nó. Đành rằng trước mắt còn đầy những khó khăn, nghèo đói. Vì vậy, cô lại càng không muốn từ bỏ nó mà đi. Song bây giờ cô đã có chồng. Câu tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu không thoát khỏi ý nghĩ… Vân không nói gì thêm.
Mỗi lần về với vợ con, trong tâm tư thay đổi cuộc sống lại thúc giục Quân. Hình như hình ảnh hạnh phúc hiện tại mở ra một quyết tâm thực hiện.
Những lúc nhàn đàm, Quân luôn luôn nghĩ tới lời anh tâm tư với vợ. Nhiều lúc như giục giã anh. Quân muốn khẳng định mình. Nhưng bằng cách nào thì Quân còn phân vân lắm. Bỗng nhiên có tiếng thằng bạn nói bâng quơ “ Tao mà có cái ghe như mày thì tao cũng đã đi rồi!”. Quân òa vỡ. Ôi mình thật là ngớ ngẩn khi có cái đang cầm trong tay mà cứ phải đi tìm ở đẩu ở đâu. Từ đó Quân quan sát khi ghe chạy biển gió lộng, sóng to. Anh định đoạt khả năng chịu đựng của ghe. Khi tìm ra những thông số cần thiết rồi, Quân ngầm sửa sang, gia cố cho ghe vững chắc hơn. Quân quan sát cái máy đuôi tôm đẩy ghe vượt trên sóng biển. Nhưng đó chỉ là những ngày trời yên biển lặng. Còn gặp sóng to gió lớn thì làm sao vượt được đại dương? Quân dành thời gian tìm hiểu. Rồi mua cái máy Cu-le mê-đờ-in Ấn Độ có công suất lớn hơn như người ta mách bảo. Thay thế máy xong, anh cho chạy thử vào ngày xấu trời, biển động. Và Quân thấy tạm yên tâm với ghe, với máy.
Vào một ngày vui vẻ, tháng 11 năm 1980, Quân thuyết phục vợ bằng lòng yêu thương tất cả. Cái tổ ấm gia đình anh luôn mong chờ và vun đắp.
– Anh đã chuẩn bị xong khả năng vượt biển được rồi. Anh định ngày đưa mẹ con em lên đường…
Không ngỡ ngàng. Nhưg lòng Vân dâng đầy nỗi bồi hồi lo lắng. Vậy là phải xa ba má, xa Hồng và Ái rồi ư? Phải xa mái nhà, xa mảnh đất thân thuộc đã nuôi dưỡng ấp iu, cho biết yêu thương nhung nhớ…rồi ư? Vân muốn giãi bày tấm lòng mình tất cả. Nhưng lời cô lại dè dặt.
– Em suy nghĩ tới ngày này. Cả khi sóng gió lênh đênh. Nay đã đến…Phận gái phải theo chồng. Song em thương con em lắm. Tèo bốn tuổi. Ti bảy tháng tuổi, còn phải ấp iu trong lòng mẹ…. Xa cha mẹ, anh em…Ra đi em nào có yên được khi mà nỗi lo trốn tránh, trăm sự đè nặng lên đầu…Chỉ mong sao xuôi dầm mát mái…
CHƯƠNG 3
MÙA GIÓ CHƯỚNG
Đêm nguyệt tận.
Mặt đất và bầu trời đồng nhất một màu đen như mực.
Hai mươi tám con người dồn trên chiếc ghe chở hàng bằng gỗ, cũ kỹ. Sức đẩy của chiếc máy nổ Cu-le Ấn Độ, chân vịt như bàn chân con vịt già, yếu ớt cựa quậy trên mặt sóng ngầm. Hình như càng về đêm gió càng lộng hơn. Tiếng máy gầm rít mệt nhọc, cố sức. Cái ghe chòng chành đung đưa trên ngọn sóng dâng cao rồi hạ xuống. Rắc! Rắc, rắc! Chiếc ghe như vặn mình đau đớn. Mấy chục con người ngồi dưới lòng ghe chưa một lần đi biển. Sóng xô họ như những viên bi bị đẩy xiêu vẹo, lăn từ mạn bên này sang mạn bên kia.
Vân, tay trái bồng con bé. Tay phải ôm con lớn vào lòng. Mỗi khi chiếc ghe bị đẩy trồi lên hay lọt thỏm giữa lòng con sóng thì lồng ngực Vân bị ép lại. Cô thấy đầu choáng váng. Toàn thân hụt hẫng cảm giác đang trên đà lao xuống vực. Mồ hôi vã ra. Miệng muốn ói. Một cơn sóng duềnh lên đến điểm cực. Nó đang theo đà rơi xuống. Bụng Vân thót ép lại. Ộc! Tất cả thức ăn trong bụng trôi hết cả ra ngoài. Chân tay bủn rủn. Thân mình mỏi nhừ. Vân cố giữ thằng cu bé cho chặt. Nhưng mà cánh tay rã rời yếu ớt không thể nào giữ chặt. Thằng cu lớn đang say sóng. Nó nằm xóng xoài trong lòng mẹ. Cả đám người nằm ngồi lộn xộn. Thân hình để mặc đung đưa theo con sóng gầm thét tung tóe nước lấp xấp hết cả lòng ghe.
Một loại mùi chua loẹt tanh tưởi bốc lên. Tiếp đến là mùi thối của phân ộc vào mũi! Trong bóng đêm lờ mờ, không còn tiếng cầu xin đấng cứu thế cho tai qua nạn khỏi đến bờ bến yên lành. Cũng không còn tiếng lao xao nôn ọe bởi những cơn sóng dồi ập ụa. Những bóng đen lờ mờ trong lòng ghe bị ngả đổ, rạp xuống xoang ghe.
À thì ra đang mùa gió chướng. Gió chướng miền Nam có từ tháng 10 âm lịch. Bắt đầu của một mùa khô. Gió thổi mạnh dần lên vào những tháng sắp Tết. Kéo dài, có khi hết cả mùa Xuân. Những cơn gió khô từ đông bắc tràn về se lạnh màn đêm. Gió thổi thốc cắt ngang mặt cửa sông Tiền hắt ngược mũi chiếc ghe bé nhỏ. Loay hoay gần hết một đêm chiếc ghe hình như vẫn không ra khỏi vùng hải phận. Ánh sáng lờ mờ phủ hết cả ghe. Vân cố mở mắt, nhìn qua mạn ghe chao ngiêng. Phía tay trái mũi thuyền phía chân trời một màu sáng ửng. Nhận ra ánh sáng của mặt trời, Vân được một chút yên dạ. Cái mệt bởi sóng thấm vào tận cùng cơ thể. Sự chán ngán bùng lên. Tại sao mình lại phải tự đày đọa thế này?
Phía tương lai lờ mờ không thể nào hiện ra được trước mắt Vân. Một mong ước hiện dần dưới con mắt lim dim mệt mỏi. Ước gì có con tàu đến cứu đưa ra khỏi cõi nửa sống nửa chết này! Hoặc là tàu của công an tuần tra ngoài biển đến bắt đem vào bờ cũng được….
Phía trái song song ngang chiếc ghe không xa là con tàu chở hàng vạn tấn lầm lũi lặn ngụp dưới sóng. Phía trước đang tiếp cận với chiếc ghe với con tàu nhỏ tuần tra biển mang quốc hiệu Việt Nam đang tiến gần với tư thế áp sát mạn ghe. Đã có những anh bộ đội quân hàm xanh nhảy xuống ghe hỏi chủ ghe là ai. Vân muốn nhổm đầu, mở mắt nhìn cho rõ, nghe cho rõ việc gì đang xảy ra? Song Vân cũng không thể mở mắt lâu hơn và lắng tai rõ hơn những lời phào phào:
– Bây giờ tất cả trẻ em và phụ nữ lên trên tàu cho đỡ say sóng.
Vân mừng quá. Với cô, nguyện ước trước mắt là được thoát khỏi cảnh say sóng mệt nhừ đang hành hạ thể xác con người. Và cũng ngay lời nói của anh bộ đội biên phòng là những bàn tay bồng cháu nhỏ đưa lên tàu của họ. Vân cùng với các chị em phụ nữ cũng được dìu lên.
Hình như nỗi say sóng được giải thoát. Cái mệt cũng nguôi ngoai dần tới khi con tàu cập vào bến cảng.
Cả hai mươi tám con người được đưa về trại tạm giữ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Phụ nữ và trẻ em ở riêng một nơi khác biệt với nam giới.
Tèo sức khỏe hồi phục nhanh. Nó chơi vui, nô đùa với những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. Hồn nhiên như chưa hề có điều gì vừa xảy ra với nó. Mấy chú công an cũng đã quen với những điều tương tự. Họ biết hết cả vợ chồng con cái Vân. Một lần chú hỏi:
– Cháu tên gì?
Cu Tèo trả lời:
- Việt. Cháu tên Quốc Việt!
- Ờ thế bé em tên gì?
- Em tên Quốc Nam.
Chú cười vui:
- Việt Nam! Ồ cái tên Việt và Nam, đẹp lắm!
Vân vừa ra. Cô định đưa con vào nhà. Thấy Vân chú công an nói vui:
– Ba Quân, má Dân, con là Việt Nam. Quân dân Việt Nam mà tại sao rời bỏ mà ra đi vậy?
Mỗi ngày, mỗi trại viên đều được thẩm vấn một lần. Câu hỏi đầu tiên, ai là người tổ chức? Thực ra Vân cũng không rõ ai là người đứng đầu têu tổ chức cuộc đi. Hình như là cuộc đi tương tự như thế này nhiều lắm. Mọi người đều tự nguyện hùn nhau mua thuyền, chuẩn bị ngấm ngầm cho một chuyến đi mà thôi. Đi nhằm mục đích gì? Vân nghĩ giản đơn là vì miếng ăn chưa đủ. Hiện đời sống của họ thấy ngày ngày xuống cấp. Họ muốn vươn lên, đổi đời. Đơn giản nghĩ đến nước giàu có thì mình cũng có miếng cơm khá lên. Nước nổi thì bèo nổi mà. Đôi khi chỉ mơ hồ rằng ở một nước khá giả đời sống văn minh, họ muốn được vào trong dòng chảy đó. Hoặc là đổi đời. Hoặc là có được vinh dự. Không rõ một vinh dự hão huyền…Cảm nhận trong hai mươi tám con người trên chuyến ghe vượt biển vừa qua không ai có một ý thức oán thù Tổ Quốc. Bởi nơi đó ràng rịt tổ tiên ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn. Mỗi tấc đất quý giá đã nuôi họ lớn lên, biết nghĩ suy, nhân ái và họ đều muốn trả ơn sự yêu thương ấy.
Cũng đã tới mấy tuần trở đi trở lại với câu hỏi quen thuộc và câu trả lời quen thuộc…
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến Tết Tân Dậu, năm1981. Ở phía ngoài hàng rào sơ sài kia, không khí Tết cổ truyền rậm rịch ùa vào trại. Không ai nói đến Tết cả. Nhưng trong lòng đều muốn có ngày gặp mặt gia đình bè bạn như lẽ thường tình. Bỗng cánh cửa trại tạm giam mở rộng. Tất cả phụ nữ và trẻ em được trở về nhà ăn Tết. Đó là ngày 28. Không ai nói niềm vui. Song mỗi trại viên nhìn nhau với gương mặt rạng rỡ.Vân nói với hai con:
- Ta về với ngoại để ăn Tết con ạ.
Việt tíu tít bên mẹ bên Nam:
- Má! Ba đâu không về?
Vân muốn chảy nước mắt. Nhưng dù sao niềm vui lấn lướt, nên trả lời con:
– Má con mình về trước rồi ba sẽ về sau, cùng ăn Tết với cả nhà con ạ.
Giữa đêm Giao thừa, phấp phỏng tin Quân thì thấy anh có mặt. Cả nhà nửa mừng nửa lo. Ai cũng bán tín bán nghi. Muốn Quân trả lời rõ điều phấp phỏng:
– Thế Quân về Vĩnh Kim rồi?
Quân thật thà:
– Đâu có. Trốn về mà. Bắt xe lên thẳng Sài Gòn nghe động tĩnh. Không thấy có gì thì về luôn ăn Tết với vợ con chứ đi đâu giờ?
Tết xong. Quân ở liền trong nhà đợi chờ công an về tầm nã bắt đi. Đôi lúc phải dùng rượu để ngủ, để quên nỗi lo lắng. Vân và cả nhà cùng trong nỗi phập phồng đó. Song ngày Xuân cứ trôi đi với nắng dìu dịu của xứ Dừa. Mỗi ngày thời gian Vân dành chăm chút cho Tèo và Ti là hết buổi. Chiều tối, Vân đưa hai con quanh đảo Dừa sông Tiền hong gió, ngắm trăng. Nơi đây, xưa Vân đã lớn lên trong lòng ba má. Những trái dừa xanh trĩu chít trên kia như cái máy lọc tinh chất từ đất trời luyện thành hoa thành trái thành bùi thành ngọt nuôi dưỡng con người. Vân nói:
- Vậy là ta trở về đã gần trọn mùa Xuân rồi nhỉ?
Quân với gương mặt trầm tư:
– Ừ thời gian trôi đi nhanh thật đấy. Anh định đầu tháng tới này khi vào mùa cây trái, anh lại tiếp tục những chuyến ghe lên Sài Gòn nữa.
– Má cũng muốn có anh trong những chuyến đi, Quân ạ. Má nói Quân vừa lanh lẹn vừa có kinh nghiệm, nên công việc rất mát mái xuôi chèo.
Ba má Vân cùng cả nhà hùn mua chiếc ghe lớn hơn và chắc chắn hơn chiếc ghe trước. Được vợ động viên, Quân hồ hởi xin má đi ngay chuyến tới. Quân bám ghe, bám sông biển như một người chuyên nghiệp. Anh trau chuốt chiếc ghe hàng ngày. Xăm xoi tìm ra những khiếm khuyết và gia cố kỹ càng. Nhất là Quân chăm chút cái mũi ghe. Vừa cao vừa thon gọn để vừa giảm sức cản của nước của gió vừa để che chắn nước khi nó lặn ngụp trong sóng biển .
Rồi một đêm năm 1982, bầu trời vừa quệt một màu đen như mực, đám người lại tập kết chờ ở cửa Bình Đại. Họ như những bóng đen nhỏ di động trong nền đen quánh, tụ lại như ụ cát lặng im. Trong lòng ai nấy đều thổn thức, phập phồng một nỗi đợi chờ. Trời đã rất khuya. Gió biển mỗi lúc một to lùa thốc lạnh giá vào mặt mọi người. Những bóng đen thầm thì truyền nhau lời kết thúc: Trở về chờ dịp khác. Bởi vì…
Họ hiểu. Biển đang động mạnh với những cơn sóng cấp năm cấp sáu. Thế là một chuyến nữa ra đi bị thất bại.
Từ năm 1980 đồng tiền bị mất giá. Lạm phát ngày càng lên như diều gặp gió. Giá trị đồng tiền sụt giảm hàng trăm lần và đang chuyển tới con số nghìn lần. Sự giúp đỡ lương thực của nước ngoài cũng không cung cấp đủ cho miếng ăn ngày thường. Những công nhân viên chức được cấp sổ mua lương thực mỗi người mười ba ki-lô-gam mỗi tháng cũng phải thắt lưng buộc bụng giảm một vài cân chống đói chung cả nước. Thói quen ăn gạo được thay bằng bột mì. Họ cũng vẫn phải ăn củ mì, khoai tây, thay vì ba, bốn ki-lô-gam (gạo hoặc bột mỳ) nữa. Vựa thóc Cửu Long giang và vựa Sông Hồng không đủ gạo ăn. Cái đòn gánh miền Trung, không có gì để gánh. Những hạt bo bo(3) nguyên hạt cũng chỉ cho bữa đói bữa no.
Chuyện vượt biên đã trở thành công khai. Từng đoàn người ra đi không chỉ ở miền Nam mà ở khắp cả nước. Những thành phố biển Hải Phòng, Hòn Gai… để lại những mảng trống dân cư trong từng xóm phố.
Việc ra đi của Quân tính ra cũng đã tới ba lần thất bại. Mỗi lần như vậy Quân nghiệm ra vì khiếm khuyết điều kiện đủ cho một chuyến đi. Lần này Quân chuẩn bị thêm chiếc La-bàn. Đang lúng túng tìm mua La-bàn thì gặp Quý. Nghe Quân nói, Quý như kẻ buồn ngủ gặp chiếu manh. Quý nói chắc như đinh:
– La-bàn thì tôi chưa biết mua được ở đâu. Nhưng việc xử dụng thì tôi thành thạo.
Quân vui, sắp vớ được vàng mười. Anh dãi lòng than thở:
– Ra biển, sóng và gió đẩy mũi ghe đi. Trời tối đen như mực, không thể nhận ra phương hướng. Ghe chạy suốt đêm mà vẫn quẩn quanh một chỗ.
Một lần nữa Quý đem đinh đóng thủng cột gỗ lim:
|
– Anh yên tâm. Việc đó có tôi thì mũi ghe luôn đi thẳng hướng của mình.
Quân thở phào nhẹ nhõm tin ở lời Quý. Anh muốn chốt số người đi cố định nên vào luôn việc:
- Thế thì nhà anh mấy người đi?
Quý nhẩm tính:
- Năm người!
Quân nói rất chân thật:
– Năm người thì quá trọng tải. Anh liệu xem chứ chỉ còn chỗ cho ba người. Bởi quá thì rất nguy hiểm tính mạng cả đoàn. Mà chúng ta cần chữ an toàn đệ nhất.
Quý năn nỉ:
- Trẻ con thôi mà, anh?
– Trẻ con càng khó khăn cho mọi phía. Vì còn kèm theo các loại đảm bảo đủ thứ sinh hoạt trên ghe.
Quý không bỏ lỡ thời cơ vì bắt được mối chắc trong tay:
- Dạ. Ba người. Chắc chắn ba người.
Quân còn chút vương vấn. Song giọng thật thân tình:
- Thế anh Quý trước làm nghề gì?
– Tôi dạy học, môn địa lý. Nhưng sau này tham gia với người nhà đi biển.
- Vậy thì sao anh biết dùng la-bàn?
Lời Quý đanh lại, trương ra cái phao bơi đúng lúc:
– Anh Quân an tâm đi. Tôi xử dụng thạo lắm mà.
Cuối cùng việc sắp xếp số người, phương tiện hàng hải đảm bảo cho chuyến đi…Quân thấy đã tạm ổn. Anh theo dõi sát xao dự báo thời tiết qua Đài tiếng nói Việt Nam và kinh nghiệm của các bậc lão ngư. Ngày ra đi được ấn định. Hôm ấy vào tháng Ba năm 1982.
Cũng phải chọn một đêm tối trời. Vân cùng Tèo và Ti với mớ đồ đoàn tối cần thiết, xẩm tối xuống chiếc Taxi (loại ghe máy nhỏ đưa rước khách trên sông rach) chạy thẳng ra hướng cồn Tân Vinh. Từ ngoài khơi không xa bờ biển, chiếc ghe dài mười ba mét của Quân đang neo đậu ngoài đó. Chỉ một lát, thuyền nhân đã tập kết đầy ghe, hai mươi tám con người trong đó có đến gần chục trẻ em.
Đêm. Bầu trời vút trên cao, nhưng ánh sao nhòe nhoẹt. Biển lặng. Ngày mai, Đài Tiếng nói Việt Nam báo vùng biển đẹp, sóng nhẹ, gió đông nam. Khoảng gần nửa đêm, máy ghe bắt đầu nổ. Chân vịt quay. Mọi người yên ổn ngồi lọn trong khoang ghe. Họ tụ lại cùng cầu xin phước lành cho chuyến đi an toàn tới bến.
Mặt trời về phía đông ửng hồng rồi nhô lên chói lọi. Nắng bắt đầu dữ dội. Nhưng gió thổi qua lòng ghe mát rượi. Lòng tin vào sự tốt lành. Có lẽ ghe đã vượt khỏi hải phận Việt Nam. Mặt biển vẫn gió nhẹ và sóng nhẹ. Song tịnh không có bóng con thuyền hay chiếc tàu nào qua lại.
Đã đến ngày thứ năm, nghĩa là chiếc ghe đã đi an toàn được năm đêm và bốn ngày thì bầu trời trước mũi ghe thấp hẳn. Cơn cúa kéo kín mịt. Gió bắt đầu nổi lên thốc tháo. Tiếp là mưa sầm sập. Sóng biển dâng lên dìm xuống. Mọi người dúm dó sợ hãi. Miệng lẩm bẩm cầu xin. Song biển không chịu tha cho. Sóng cứ đuà đỡn dằng dai, moi ruột con người. Thức ăn trong bụng ít ỏi, vậy mà vẫn bị vọt ra. Mùi chua loẹt xông lên. Miệng nôn, trôn tháo. Trẻ con khóc inh ỏi. Mùi hỗn tạp sặc sụa. Sóng không làm ói cũng phải ói ra.
Phải tới ba tiếng đồng hồ liền cơn mưa mới tạnh. Những
cơn sóng lừng xuất hiện. Bước sóng của nó rất dài nên mỗi khi chiếc ghe bị sóng đẩy lên có thể với trời thì lao tụt xuống hầm sâu trong lòng đất. Đồng thời với những chu kỳ liện tục như vậy, ngực bị nén thắt gây khó thở vô cùng. Trong đầu quay tròn chong chóng. Tai u u. Toàn thân mềm nhũn, rã rời. Ý thức con người giao phó cho trời đất. Không còn sự thích thú nào. Cũng không còn một lý tưởng nào. Trong tư duy chỉ còn lại mong mỏi được giải thoát khỏi sự tra tấn độc ác của biển cả.
Lúc đầu, Vân ôm chặt thằng Ti trong lòng. Thằng Tèo nép sát vào mẹ. Vân quàng tay giữ cho Tèo khỏi bị lúc lắc văng khỏi chỗ ngồi. Miệng Vân còn cầu xin ban cho hai con sự phúc lành lớn nhất. Bây giờ cô nằm bẹp dí dưới sàn ghe mặc cho sự đưa đẩy của sóng gió. Thằng Tèo và thằng Ti vẫn nằm bên mệt phờ, tái mét. Vân nhìn con mà thương chúng, thương mình. Tự nhiên vô nỗi mệt nhọc bệnh hoạn thế này. Cô nghĩ tới tình huống xấu nhất. Nếu không may gặp xấu hơn, cô xin gánh vác thay thế, dù cực nhọc hơn, đau khổ hơn miễn sao cho con được cứu rỗi an lành.
Một đợt liên tiếp đi qua. Lại tiếp nối đợt khác. Bốn năm ngày liền đánh vật với gập ghềnh biển cả, chiếc ghe nay cũng mệt nhừ. Nó lắc lư tấm thân rệu rã xoay tròn trong mịt mờ sóng nước không định được hướng đi. Ở trên buồng lái trung tâm thần kinh của chiếc ghe như bị trùm tấm bạt căng thẳng: Có tiếng nói của Quân:
– Anh xem dùm cái la-bàn, ta đang đi hướng nào. Thử xác định đang ở vị trí tương đối nào trên biển?
Quý lúng túng cầm la-bàn ngọ ngoạy. Kim la-bàn muốn trêu chọc Quý. Nó xoay tròn lượt này lượt khác như cười cợt. Quý lúng túng chẳng lẽ ghe đang trở ngược về hướng bắc sao? Quý ngẩng nhìn trời tìm sao, bấu víu. Nhưng mây chết tiệt kia như tảng băng mù bịt mắt anh. Cả bầu trời như úp xụp trên đầu. Không hề để lộ một chút ánh sáng nhỏ nhoi nào. Quân giục:
- Hướng nào vậy anh Quý?
Quý càng lúng túng hơn. Anh càng không dám ậm ừ, trả lời. Anh ra vẻ đang cố đăm chiêu tìm ra phương hướng. Anh nhìn về mũi ghe. Mũi ghe chìm xuống rồi nẩy lên như xoay xóa dấu vết đường đi. Quý moi ở hộc lái, lấy cái túi nilon bọc kín, trong đó có tấm bàn đồ Việt Nam và những tấm hải đồ vùng đông nam châu Á. Hình như Quân nhận ra động tác khờ khạo lấp chỗ trống vừa rồi của Quý, nên nói:
– Những tấm hải đồ quý giá lắm đấy. Bàn tay run rẩy kia dễ bị gió cướp xuống biển thì ta chỉ như thằng mù đó anh Quý.
Quý đưa cả la-bàn, cả túi nilon cho Quân. Anh ngồi xuống thay Quân cầm lái. Quân cầm la-bàn hỏi Quý:
- Anh không xác định được hướng nào sao?
Quý trả lời xuế xóa:
– Sóng quá! Tôi mờ cả mắt. Không xác định được.
Quân giữ la-bàn trong tay một lúc rồi ngẩng đầu nói:
– Cứ đi theo giác độ này thì tạt xuôi về phía bắc mất. Anh có nhớ mấy ngày rồi ta đi theo giác độ nào không?
Quý lặng im, không nói. Quân xoắn vặn:
– Anh không nhớ thì sao mà tính toán được vị trí ghe?
– …
– Vậy anh biết mũi ghe hiện đi hướng nào?
Quý cúi đầu bẽn lẽn nhỏ nhẹ:
- Không rõ!
– Không rõ mà anh cứ chạy ghe thì khác gì thằng mù sờ chân voi? Bi nhiêu sinh mệnh đang nằm trong tay anh đó! Liệu anh có xứng đáng để họ tin cậy giao tính mệnh cho anh không?
Quý đã được nghe nhiều cuộc ẩu đả trên biển cả, mất mạng như một trò chơi. Cũng đã nhiều cuộc kẻ gian lừa gạt dân lành vượt biên, mù tín vào cuộc đổi đời nơi thiên đường tưởng tượng. Dĩ nhiên ở đây có cả vợ con của Quân, không có sự lừa gạt. Nhưng trong lúc lên thác xuống ghềnh mà cãi lộn, ẩu đả thì dễ dẫn đến bất trắc khó lường. Vì thế Quý cố ghìm lại, xuống nước nhỏ cho mọi sự êm dầm mát mái. Tiếng Quân lại vang lên:
– Anh nói thực với tôi đi. Anh có biết xử dụng la-bàn và hải đồ không?
Quý sợ hãi, giọng run run, thú thực:
– Tôi cũng chỉ biết sơ sơ chứ không thành thạo.
- Vậy sao anh không nói trước với tôi?
– Anh Quân tha lỗi. Nếu nói không biết thì tìm ghe vượt đâu có dễ. Vì thế tôi đành liều.
- Anh ra ngoài đi để tôi cầm lái.
Quý lủi thủi ra khỏi vị trí cầm vô lăng nhưng anh không dám xuống khoang thuyền. Anh ngồi lỳ bên cạnh Quân, với bộ mặt nước nhỏ hối lỗi.
Quân nhìn bộ mặt Quý mà thương hại. Để xoa dịu nỗi buồn không đáng có trong lúc này, Quân hạ giọng:
– Tôi không thù anh đâu Quý ạ. Vào hoàn cảnh tôi bí quá, có khi tôi cũng liều như anh. Giá anh nói thiệt trước, tôi sẽ có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối với sinh mệnh trong tay mình. Hãy rút kinh nghiệm thôi anh.
Quý nghe mà nhẹ nhõm hẳn người. Anh thôi giữ thế thủ. Quân ôm vô lăng trong tay. Anh cố giữ vững góc độ để theo hướng tây nam. Tay ga vừa phải, để ghe vẫn tiến an toàn theo độ dạt về phía nam bán cầu mà anh hy vọng.
Đã tới tuần lễ trên biển cả và những ngày trước đó, Quân gần như thức trắng. Nào chuẩn bị phương tiện hàng hải, dầu mỡ, thực phẩm…Nào chọn điểm xuất phát, chọn ngày đi…Nay lại đảm bảo cho chiếc ghe chạy trên biển một cách an toàn. Quân tin ở Quý nên giao nhiệm vụ hoa tiêu. Thực ra Quân cũng không rõ hết khi đi biển cần thiết yếu gì nên dựa vào Quý để chuẩn bị cho chu tất. Chỉ có hôm lên Sài Gòn, nhờ thằng bạn là sĩ quan tàu viễn dương để liên hệ mua hải đồ thì hỏi về cách xác định vị trí tàu khi giữa biển ra sao. Quân nhớ như in giá trị từ góc của đường chân trời tới sao Polaris ta thường gọi là sao Bắc Cực (độ cao của nó) bằng vĩ độ của nơi người quan sát. Vậy muốn xác định vị trí ta đang ở vĩ độ nào thì trước hết phải định vị sao Bắc Cực. Nhưng nay bầu trời còn mịt mù lắm. Một ngôi sao cũng chưa có, tìm đâu ra sao Bắc Cực?
May thay nhũng cơn sóng lừng dường như có bớt đi. Vòm trời cao lên. Nắng ban ngày lại như đổ lửa. Ngồi ngay trên mặt nước mà tựa hồ ngồi trên đống lửa. Cái nắng xoi mói tìm kiếm loang loáng hắt nóng vào người
Thực phẩm cũng đã hết. Nước ngọt cạn. Vài ngày qua, mọi người đều ý thức dè sẻn nhưng cũng không thể nào kéo dài hơn được. Nắng như kéo nước trong người ra trả cho trời đất. Con người phải chịu khát bỏng họng. Không thể nào ngăn cản được tiếng kêu đòi nước của mấy đứa trẻ. Họ phải liều chống cái bỏng khát bằng nước mặn. Bởi vì dù có còn hơn không.
Đến gần phía xích đạo, trời về chiều thường có cơn giông gió và kèm theo những cơn mưa đổ nước. Nhưng mãi không thấy mưa đâu. Mọi người ngáo ngến đợi từng đám mây trời và ao ước có giọt rơi xuống để đỡ đi phần nào cái khát bỏng này.
Trong khi không có một giọt nước ngọt thì nước biển chảy vào ghe ào ào. Sự đe dọa cái khát bị nhòa mờ khi phải cứu ghe. Nước biển vào càng nhanh đồng nghĩa với sự đe dọa tính mệnh càng cao. Vì vậy tất cả đàn ông phải thay nhau múc nước ra ngoài.
Quân khảo sát những chỗ nghi ngờ và xử lý tạm thời những chỗ thấm rỉ. Lo. Mệt. Quân đứng lên bên vô lăng, nhướn người phóng tầm mắt ra xa. Hình như phía xa kia có cánh chim Hải Âu chao chác? Có Hải Âu nghĩa là có thể sắp tới vùng có người. Quân vừa mừng lại vừa lo. Không biết chiếc ghe đang ở vị trí nào? Nó đang nằm trên biển thuộc hải phận quốc tế, hay của nước nào? Quân ớn người rùng mình khi nhớ về bản tin, một chiếc tàu chở hơn nghìn thuyền nhân Việt Nam tị nạn dạt vào Malaysia. bị chính phủ của họ ngoảnh mặt cho đẩy tàu ra khơi mặc may rủi, mặc cho tử thần đùa dỡn. Lại một chiếc thuyền máy chở 443 thuyền nhân đến Hongkong bị cảnh sát Macao kéo ra bỏ tận khơi giữa cơn bão Hope và đã bị bão nhấn chìm không sót một người. Thật thế sao? Ôi lòng nhân loại sao lại hạ thấp đến thế này?! Quân nghĩ, nếu lỡ bị dạt thì dạt luôn đi. Đừng có vào những mảnh đất độc địa để rồi có khi phải chịu gục cúi trước hạng người vô nhân tính.
Đêm lại xuống chậm chạp. Nhưng hình như đêm mở ra bầu trời đầy tinh tú lấp lánh. Quân đứng ngay trên mũi thuyền ngẩng nhìn trời tìm chòm Tiểu Hùng tinh. Phía cực bắc của bầu trời, thấy dễ dàng chòm bảy ngôi của Đại Hùng tinh hiện ra trước mắt hình cái đấu khổng lồ. Quân đếm từ ngôi sao Bắc Đẩu đến ngôi Cự Môn (Merak), nối tiếp ngôi Tham Lang (Dubha). Sao Bắc Cực nổi lên sáng chói. Quân nhẩm tính. Kết quả cho một giác độ hẹp. Vậy là chiếc ghe của Quân đã tiến gần xích đạo hơn. Quân trở về tay lái điều chỉnh giác độ, cho mũi ghe hướng về phía nam.
Bỗng “Oạp!”
Ngay nơi nước rỉ hôm qua, lại toang ra lỗ hổng lớn Tiếng ôi ác sợ hãi dúm dó tránh đè lên nhau. Nước chảy ùn ùn từ ngã ba ván ghép mạn ghe với đáy. Qúy vội xuống lấy tay bịt lại. Từng miếng keo bong mủn vỡ toang rộng như nhét vào lòng tay Quý. Anh xé vội vạt áo vo tròn đút lại. Nhưng nước biển cố sức len theo kẽ ván thuyền ùn vào. Lòng ghe, nước dâng lên ập ụa. Tiếng khóc của con trẻ kéo theo tiếng xụt xịt của phụ nữ to dần. Quý hớt hải gọi trong nỗi nản lòng, bất lực:
- Thuyền trưởng Quân ơi, xuống mà coi đáy ghe nè!
Quân trao tay lái ghe cho người khác rồi vội vàng trườn ngay xuống lòng ghe. Bỗng chiếc máy đẩy chân vịt rên ầm ầm rồi dừng hẳn. Ghe lênh đênh trôi theo chiều gió chướng. Có lúc dòng nước biển cuộn ngược chiều làm chiếc ghe càng chòng chành đung đưa. Đầu óc mọi người xoay tròn, chóng mặt. Ộc, …ọe…Mặc cho miệng nôn trôn tháo. Ộc…ọe.. Mặc cho hôi hám ập ào lên thể xác rệu rã. Chao ơi! Lúc này, hình như không ai còn biết sợ cái chết. Sự dày vò như tra tấn kia mới là nỗi khổ đau đè nặng lên cơ thể con người. Ai cũng muốn được giải thoát khỏi sự tra tấn dã man đó. Nhìn gương mặt tái mét của thuyền nhân, Quân cố đưa lời trấn an:
– Tất cả bình tĩnh đã nào. Đàn ông tiếp tục tát nước. Còn lại từ từ chuyển về hai phía mũi và buồng lái
Nước được tát khẩn trương. Nhưng nước trong ghe không vơi đi là mấy. Gương mặt mệt mỏi lộ rõ trên các tay gầu. Sóng và gió vật lộn nhau làm chiếc ghe chao đảo. Thuyền nhân ngã dậm dụi, xô lệch. Tiếng khóc sợ hãi ré lên. Ai nấy đều ôm bọc ni-lon quần áo làm phao sẵn sàng bơi, nhìn ghe sắp đắm.
Quý mệt mỏi lắm. Anh nhoài người, tựa vào mạn ghe lấy sức. Trước tử thần đầu óc anh rối bời. Cơ sự này anh có quyền nghi ngờ Quân tham lam không chuẩn bị kỹ càng chiếc ghe, dù lời Quân đã được đảm bảo bằng tính mệnh của vợ con Quân. Vạn nhất sự cố xấu xảy ra anh sẽ tính sổ ra sao với Quân đây!
Chiếc ghe cứ trôi, không biết còn nổi nênh được bao lâu?
Bỗng Quý ngẩng lên, nheo mắt hướng về phía trời chiều:
– Thấy rồi! Thấy rồi.
Một số người như giật mình tỉnh dậy, tỉnh táo nhìn về phía ngọn khói rồi tiếp đến là ngọn lửa của một giàn khoan dầu cuối cùng ở phía bắc Indonesia. Thấp thoáng, hình như có chiếc canot. Quý cố trèo lên nóc ghe, nghến người vẫy gọi. Quân nói:
– Mọi người bình tĩnh xuống hết khoang ghe, tránh lật. Để chúng tôi đánh tín hiệu xin cứu vớt.
Mọi người làm theo lời Quân. Chiếc canot nhỏ nhận được tín hiệu tới. Nó vòng quanh một vòng rồi tung dây ném, kéo chiếc ghe về phía con tàu lớn đang đậu chờ sẵn phía xa xa . .
.
CHƯƠNG 4
ĐÊM ĐẢO RẮN
Chiếc ca.nô của dàn khoan Indonesia kéo chiếc ghe của Quân áp sát vào con tàu lớn mang tên Tegu Mulia. Chiếc thang dây từ từ thả xuống. Ai cũng muốn leo lên trước. Quân thấy thế, phải lên tiếng:
– Bà con ơi! Ta đã qua được cái chết, tạm thời tới nơi an toàn. Tất cả phải theo sự phân công. Không để ghe chìm trước khi lên khỏi tàu.
. Chiếc ghe lúc này lộ rõ đáng già nua, rệu rã. Nước biển chảy vào ghe rồ rồ. Đàn ông phải ráng hết sức mình cật lực tát nước ra khỏi ghe. Quân nhắc:
– Để trẻ em và các bà mẹ lần lượt lên trước. Đàn ông tát nước, lên sau. Tôi sẽ lên sau cùng.
Tiếng ủng hộ:
– Nhất trí theo lời anh Quân.
Các em bé đựợc thuyền viên của tàu giúp đỡ bồng lên.
Người rời hết khỏi ghe. Quân kiểm soát những gì còn sót lại trong ghe rồi leo thang dây. Thuyền nhân đứng trên mạn boong tàu lớn nhìn xuống chiếc ghe lần cuối tỏ sự cảm ơn. Chiếc ghe đã làm xong nhiệm vụ. Tự nó thấy không cần tồn tại. Nó từ từ lặn xuống biển sâu Thái Bình Dương.
Những thuyền nhân được mời nước chống khát. Tiếp, được tắm rửa đã đời. Trời ơi thú vị quá chừng. Bởi đã hơn bảy ngày bảy đêm vật vã với nắng gió và mồ hôi, bỏ quên tắm táp. Xong, thuyền nhân vào bàn ăn bữa chiều, đã soạn sẵn. Mấy ngày không nước nôi, không cơm cháo, cái đói cái khát giày vò, nay được bữa ăn “mầm đá ” nên ngon chưa từng có bao giờ! Có lẽ cái ngon còn do được giải thoát trước lưỡi hái tử thần.
Con tàu nhổ neo đưa thuyền nhân vào đất liền. Vùng biển này thuộc hải phận Indonesia. Sóng êm tựa mặt ao nên cảm tưởng như đang trong cuộc hành trình du lịch biển. Bỏ lại phía xa xa kia ngọn lửa ống khói giàn khoan dẩu lửa cột tiêu đầu tiên của hai mươi tám con người tìm đến sự hồi sinh sau những ngày tử thần thè lưỡi dài liếm láp.
Mũi tàu lớn hướng về đảo Jemayah có thị trấn Letung. Dân đảo này gọi là đảo Kuku.
Đảo Kuku cũng như đảo Galang và Batam nằm trong chuỗi một ngàn tám trăm hòn đảo phía bắc Indonesia thuộc tỉnh Riau. Quần đảo kề cận với đảo Sumatra về phía tây và trải dài tới biển Nam Hải về phía đông. Sát ngay phía nam đảo quốc Singapore và đảo Johore của Malaysia.
Quanh đảo Kuku có nhiều vực đá ngầm. Phần nổi có nhiều mỏm đá nhô ra ngoài tạo dưới biển là những hõm vụng rất sâu. Ngồi trên mỏm đá vừa hứng gió biển vừa ngắm biển xanh ngút ngát đang nuốt mặt trời mỗi buổi chiều tà. Bao quanh đảo là dải cát vàng óng ả và trên đất là cánh rừng hoang liền dải rậm rạp. Kuku là trạm chuyển tiếp. Là nơi thuyền nhân Việt Nam tị nạn đặt chân ban đầu khi Cao ủy Tị nan Liên hợp quốc (United Nations High Commission for Refugees -UNHCR) thành lập năm 1978.
Con tàu neo ngoài cách bờ khoảng ba trăm mét. Chiếc thang dây lại được thả xuống. Thuyền nhân lần lượt leo xuống các ca-nô nhỏ đưa vào bờ.
Thuyền nhân được chia về các lán gọi là barrack. Mỗi barrack có bốn dãy sạp. Mỗi dãy sạp cho hai mươi nhăm thuyền nhân làm giường nghỉ.
Sau đợt vật vã với sóng gió, đói khát ai cũng muốn được nghỉ ngơi ngay. Bởi trên gương mặt mỗi người không ai không hốc hác, rệu rã, bơ phờ. Trẻ con đứa nào cũng ốm đi, khác lạ. Nhưng đứa nào cũng mang dáng hồn nhiên, lanh lẹ hơn người lớn.
Vợ chồng Vân loay hoay dọn chỗ nghỉ và chon cho hai con chỗ thoáng mát. Có tiếng loa thông báo những người mới đến ổn định chỗ nghỉ ngơi rồi cử người đem giấy tờ tùy thân kê khai lĩnh lương thực, thực phẩm cho một kỳ ăn.
Những người trong diện vội vã đi ngay. Họ mang về túi lớn hay bé tùy mỗi gia đình nhiều người hay ít. Trong túi đó có gạo. muối, cá khô, thịt hộp và một ít rau cho năm ngày ăn. Mới đến, vì nhịn đói mấy ngày, nên nay ai cũng đều ăn trả bữa. Ăn nhiều và rất ngon. Dù bữa ăn dưới cái nóng như rang và mồ hôi đầm đìa như tắm. Thành thử những thức ăn đó không đủ ngày quy định. Ai cũng thấy mình đói và thèm ăn. Song ở đây không có hàng quán. Không có dân cư. Bao quanh là khu rừng rậm bạt ngàn những cây không biết tên, lạ hoắc chằng chịt.cả lối đi.
Cứ hai dãy nhà ở, chung nhau một vòi nước ngọt dùng để nấu cơm và rửa chén.
Lỡ ai ốm đau, thì gói thuốc dự trữ cá nhân nếu còn, sẽ đem ra cứu mệnh. Có một cháu bé chưa đầy mười tháng tuổi bị bệnh. Có lẽ cháu bị nhiễm khi còn ở nhà(?). Trên đường đi gập ghềnh gian khổ, vì thế bệnh cháu nặng thêm. Cơn sốt từ ở dưới ghe. Lên được bờ, khắp mình mẩy cháu xuất hiện những đốm xuất huyết dày đặc. Thuốc thang dự trữ cần thiết dùng hết cho cháu. Song con bệnh ngày càng nặng, cơ thể suy kiệt xấu đi mà nghe đâu mãi ở Galang mới có nhà thương. Tới Kuku được mười lăm ngày, cháu phải nằm lại yên nghỉ vĩnh hằng trên đất đảo này.
Cứ sau đơt mấy ngày, con tàu lớn lại cập cảng đưa một số thuyền nhân lên đảo. Trong đợt này là những thuyền nhân kém may mắn hơn. Nghe trên chiếc ghe chở hai mươi sáu người giữa đường gặp bão sóng bị chết máy nên phải lênh đênh ngoài biển cả. Chịu mưa nắng đói khát ba mươi hai ngày liền. Khi được vớt vào, còn mười bốn người, thân tàn ma dại như thế kia. Mười hai con người xấu số đã phải gửi xác nơi biển cả mênh mang. Nghe đâu một số người ở barrach khác xì xầm, ghe đó có người ăn thịt người. Song có lẽ ai cũng không muốn biết cặn kẽ nên cũng chỉ dừng lại đó mà thôi
Thuyền nhân tị nạn trên đảo Kuku vơi ít đi vì đợt này được chuyển người thường xuyên hơn về đảo Galang. Những người còn lại ngày ngày cũng chỉ loay hoay với bữa ăn, phấp phỏng nỗi trông ngóng đợi chờ cơ hội chuyển đi. Rồi sau một tháng, trong chuyến ba trăm thuyền nhân được đưa về đảo Galang có vợ chồng con cái của Vân. Tới được đảo Galang mất hai mươi giờ tàu chạy.
Galang là hòn đảo lớn hơn đảo Kuku. Đảo còn có tên đảo Rắn. Nguyên là vào Đại chiến Thế giới II năm 1939-45 Mỹ đã mượn đảo làm nhà tù giam các tù binh Nhật Bản và các tù binh phe tả chiến. Để chống lại sự vượt ngục trốn trại của các tù binh, họ đã cho nuôi nhiều loại rắn độc thả trong rừng hoang và phao tin tới tù binh nhằm dọa trốn. Mà thực chất đảo Rắn cũng là khu rừng hoang hóa rậm rạp rất ít thổ dân Nam Dương trú ngụ. Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc mượn đất Rắn để dựng trại chứa thuyền nhân tị nạn sau chiến cuộc ở Việt Nam. Trại chính thức mở cửa từ năm 1979.
Khu trại tị nạn trên đảo Rắn có diện tích mười sáu ki-lô-mét vuông, chiếm khoảng hai mươi phần trăm diện tích của đảo. Trại được chia thành ba khu gọi là Galang1, 2, 3.
Galang1 nằm tiếp ngay sau cầu cảng Jetty Galang để chứa những thuyền nhân mới chuyển từ Kuku về. Nó được chia thành bốn khu mà ở đây gọi là Zones. Khởi đầu Zone3 được lập để chứa Asylumseekers(4) và những người chờ thanh lọc. Nhưng khi số người tăng vọt thì Cao ủy Tị nan cho mở thêm các Zone1, 2 và 4. Ở Galang1 cũng cho dựng kèm theo các cơ sở phục vụ cộng đồng như nhà thương, trường học, bót cảnh sát. Sau này có cả chùa Quán Thế Âm
Nối giữa Galang1 và 2 là Galang3. Đó là nơi an nghỉ cuối cùng của năm trăm lẻ ba người xấu số. Họ là những người già ốm chết, là những người mắc bệnh bị chết ở nhà thương và cả những trẻ em sơ sinh chết yểu…
|
Con tàu Tegu Mulia cập cầu Jety Galang khi trời đã về chiều. Qua khỏi cầu tàu là trại tị nạn dành cho người Khmer. Người Khmer ở đây rất ít và trong số họ rất ít người được tiếp tục đi sang nước thứ ba. Đa phần họ bị trả về đất nước Campuchia của họ.
Thuyền nhân đi tiếp đến cửa trại có biển đề
“ Ex Camp Việtnam ”.
Vào trại, thuyền nhân .chia về các barrack. Barrack là những dãy nhà dài làm bằng gỗ rừng và mái lợp tole. Mỗi barrack cũng chia thành bốn dãy sạp nghỉ và mỗi sạp chứa hai mươi lăm người. Vợ chồng Vân đưa được hai con vào tới barrack chưa yên ổn thì đã có rất nhiều người Việt đến thăm. Sao mà người Việt ở đâu ra đông đến thế. Họ hỏi về tình hình đất nước. Hỏi về những người vừa đến quê quán ở đâu. Mục đích tìm xem có ai là người thân quen của họ.
Đây là trại tị nạn lớn nhất Đông Nam Á. Là nơi dừng chân của 120.000 thuyến nhân tị nạn (và hơn thế nữa) trong những thập niên tám mươi và rải rác tới nửa đầu thập niên chín mươi sau cuộc thất thủ của Việt Nam cộng hòa ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Thuyền nhân trên đảo Rắn phải tuân thủ những quy định ngiêm ngặt. Giờ tự do được xác lập ngoài giờ giới ngiêm ban đêm bằng hai hồi còi hú dài vào sáu giờ sáng và mười hai giờ đêm hàng ngày. Mỗi tuần được đi tắm biển một lần vào ngày thứ Bảy. Cứ năm ngày một lần lĩnh lương thực và thực phẩm cho một đợt ăn uống.
Chuyện của mỗi ngày được lặp đi lặp lại như nhau. Mở mắt là luồng thông tin nhét vào tai được phát ra từ phòng thông tin của trại. Mọi người cố lắng nghe tên mình. Bởi đó là nỗi mong chờ được nhắc đến. Nào là thông tin gọi tên đi sơ vấn. Nào thông tin việc mình có thư bảo đảm hay thư con Ó, loại thư từ nhà hay ở nước ngoài gửi tiền cho mình, lĩnh tiền phụ cấp cao ủy….Đấy là những tin vui vẻ.
Nhưng sau này, khi làn thuyền nhân tị nạn đến quá đông thì Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc lại đề ra cái tiêu chuẩn tị nạn được gọi là luật. Mỗi lần tin sáng như vậy lại là nỗi ám ảnh của nhiều người. Những người ra đi chỉ vì nghe theo lời thêu dệt hoa mỹ về một thế giới thiên đường đầy hương thơm trái ngọt ở một xứ mơ tưởng hão huyền. Hoặc là những người có liên quan tới thành phần trong chính quyền dân sự, binh lính Cộng hòa Việt Nam. Hoặc những người tham gia cộng tác với Mỹ trước 30-4-1975. Song lúc ra đi không chuẩn bị kịp giấy tờ xác nhận làm tùy thân hoặc giả, bị mất khi vượt biển… Một khi họ không còn có gì làm bằng chứng mà luật tị nạn do Cao ủy Tị nan mới đề ra thì sẽ nhận được tờ thanh lọc. Người nhận tờ The Screening of UNHCR – bức màn thanh lọc ấy, hình ảnh mờ ám tự nhiên trùm lên cơ thể họ. Tự sát là bức hình luôn luôn đe dọa số phận tang thương của những thuyền nhân đang tị nạn trên xứ sở này.
Thuyền nhân Việt không muốn nghe loa phóng thanh nữa. Bắt đầu từ đó là những người chán ngán bỏ ăn đến tuyệt thực luôn. Ở đâu đó đã có những hành động phản đối gay gắt tuyệt vong. Có người tự thiêu. Có người tự đâm bụng. Có người thắt cổ…kết liễu cuộc đời kém may mắn của mình trên hòn đảo cay độc này.
Một không khí ảm đạm bỗng choàng lên hòn đảo xanh tươi như đêm đen tội lỗi. Những suy nghĩ ban ngày bị khỏa lấp nhiều chuyện kể cả miếng ăn. Nhưng đêm, khi màn đen sập cửa sau hồi còi giới nghiêm thì những suy tư cuộc đời lại hiện về, trào lên những khổ đau, đắng cay tủi nhục. Những tưởng ra đi là sẽ đến con đường ấm no tươi sáng. Nhưng cái ba-ri-e luật Tị nạn của UNHCR như hai gọng kìm đã và đang từ từ quặp vào ai đó, thì nỗi tang thương sẽ phải xảy ra. Sau mỗi đêm đen trên đảo Rắn người ta lại nghe được tin buồn với người ra đi trên con đường cuối cuộc đời là như thế.
Phong trào phản đối ngày càng lan rộng và nó đã dẫn đến biểu tình. Hãng Reuters, ghi nhận:“ Ngày 23 tháng 4 năm 1994 khoảng 500 thuyền nhân tại Galang biểu tình phản đối luật cưỡng bức hồi hương, trong đó có 79 người tuyệt thực phải đi nhà thương chữa trị ”
Đời sống thuyền nhân tị nạn ở hòn đảo Rắn hoàn toàn phụ thuộc vào túi lương thực và thực phẩm Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc phát mỗi năm ngày một lần. Thực ra, các thức ăn cung cấp chủ yếu là gạo hẩm, cá biển muối khô rất măn và một hộp nhỏ thịt hộp, một ít rau. Từng ấy dù dè sẻn cũng không thể nào đủ cho một kỳ ăn nếu như không muốn nói, ăn no một chút thì phải chịu đói những ngày cuối kỳ. Với những con cá muối mặn chát tê lưỡi kia, nhiều người phải vứt bỏ. Song có người sáng kiến ngâm thối, đổ ra ruộng bón rau. Nhiều người đến trước đã tìm cách khai hoang một vài vạt đất rộng bằng vài manh chiếu thành ruộng, rồi gieo trên đó một vài loại rau. Rau muống là loại dễ trồng và ăn ngay nên được ưu tiên trên nhiều vạt ruộng. Những người nào trồng được, mới cải thiện được bữa ăn
Tuy nhiên những gia đình có người nước ngoài giúp đỡ tiền, họ đã cố gắng mở hàng bán cháo, bán bánh mì thịt hay xôi… Đó cũng chỉ là cách làm manh mún ít vốn, ít nguyên liệu mà khách hàng cũng không thể nhiều hơn. Nó lèo tèo tạm bợ nhiếu hơn tính thương nghiệp lãi lời.
Thuyền nhân tị nạn vượt biển trong hoàn cảnh thật khó khăn nên chuyến đi không thể nào đầy đủ và toại nguyện được. Những thứ mang theo người phải thật gọn nhẹ. Nhưng thực ra sau hành trình gian khổ, thì những thứ đó có bao giờ còn nguyên vẹn được đâu. Cố gắng giữ vài bộ quần áo là may mắn lắm rồi.
Vân nhìn Tèo và Ti chơi với nhau ngoan quá mà thương. Cô trào nước mắt. Đáng lẽ ra ở tuổi đang lớn thế này, nó phải được ăn, được ngủ thoải mái hơn nhiều. Nhìn cái miệng uể oải nhai cơm và những cái lắc đầu không ăn của hai thằng con trai bé bỏng Vân rất đau lòng. Song trong hoàn cảnh, vợ chồng cô đã dành tất cả cho con dù chỉ là chút thịt hộp hạn định. Dành cả hộp thịt nhỏ nhoi hàng tuần cấp cho Quân sau mỗi tuần đi làm thiện nguyện, là việc vác gạo, vác đồ, phục vụ cộng đồng … Vân ước ao bát canh chua bông so đũa ngày xưa.
Ờ, Vân ra đi được một năm rồi nhỉ.
|
Dạo ấy là mùa gió chướng. Mùa của người lớn đi săn cá bông lau ở các cửa sông Tiền, sông Hậu. Tìm hang bắt cá trê trắng hoặc tát đìa bắt tép nấu canh chua. Cũng là mùa của những đứa trẻ con chờ cái gật đầu của người lớn để trèo cây thi nhau hái bông so đũa. So đũa, còn gọi Điền thanh hoa lớn, họ Đậu(5). Những bông so đũa nở trắng trên bờ kênh, trắng ngõ vườn nhà. Những cánh hoa vẫn trắng cong hình trăng khuyết kết từng đôi đung đưa trước gió như đang thổi vào hồn Vân. Cô nhớ khi hái bông so đũa về, bỏ phần đài hoa, sợi nhụy đang ươm vàng phấn, rồi đem nấu cá, hoặc tép với me, với trái xoài non hay với trái bần… Canh chua so đũa đã thành món ăn không thể thiếu vào mùa gió chướng se se cùng cái Tết Nguyên Đán cận kề. Nó thành đặc sản khó có thể phai mờ trong ký ức mỗi người miền tây xa xứ. Giá mà có được bát canh chan cho chúng nó thì miếng cơm của chúng không thể khó khăn dằng dai như bò nhai rơm thế kia. Là má, Vân phải làm gì khắc phục bữa ăn cho con đang tuổi sức ăn, sức lớn? Vân nói với chồng:
– Quân à, trong túi em còn sót một chỉ vàng. Bác Yên chuẩn bị chuyển sang Galang2 nên cũng muốn sang cái món bán cháo gà của bác. Em định vợ chồng mình thế chỗ xem sao?
– Ồ, vui quá .Quán ấy à. Thuận lợi đấy. Nhưng một chỉ vàng làm sao sang quán? Mà em có biết nấu cháo không?
– Biết chút chút. Nhưng bác ấy hướng dẫn cách nấu thì những chén cháo em nấu sẽ là món hàng chứ không thể kém hơn khi nấu ở nhà! Còn thiếu thì bác ấy nói cho mượn ít ngày. Con bác ấy từ Mỹ gửi tiền về. Ở đây chẳng có gì để bác xài..
.
Quán hàng của vợ chồng Vân nằm ngay trong barrack, một địa điểm thuận lợi. Những ngày đầu vào công việc mới mẻ Vân rất vất vả. Chuẩn bị cho bữa sáng hôm sau có khi gà phải mua ở chợ Galang của dân bản địa từ trưa và làm từ tối xong xuôi trước giờ giới nghiêm. Sáng khi tiếng còi báo hết giờ giới nghiêm thì phải bật ngay dậy. Nhanh chóng chuẩn bị kịp cho khách dùng bữa sáng.
Thằng Tèo cũng đã bảy tám tuổi, nhiều lúc cũng thức luôn. Đôi khi nó đỡ đần một vài công việc vặt. Còn thằng Ti cũng biết điều lắm. Nó chạy nhảy tung tăng không khóc nhè, không vòi má, biết dành thời gian cho má bán hàng. Công việc ngày đầu là thế. Nhưng rồi cũng quen đi. Do yêu cầu của khách ăn, vợ chồng Vân mở bán thêm loại bánh mì kẹp thịt. Kiểu ăn giống ở Việt Nam, mà cũng chỉ có khách hàng Việt nên cũng dễ làm. Mỗi buổi chiều Quân đến lò bánh mì gần chợ Galang đem về ủ vào giấy bọc nilon cho nóng. Thức ăn làm sẵn, sớm chỉ đem lên bếp lò chiên nóng kẹp vào bánh cho khách.
Song từ khi vợ chồng Vân thêm món xôi nước, thì cô phải dậy từ sớm hông xôi, nấu bánh. Những thứ này đều kiểu ăn ở quê nhà .
Từ dạo vợ chồng cô sang được quán đến nay, bữa ăn của Tèo và Ti được cải thiện. Nhìn chúng khỏe ra, chịu được cái nóng vùng cận xích đạo.
Thằng Tèo đã cắp sách tới trường. Trường học nằm trong khu Galang2 dành cho học tiếng Anh-Mỹ. Những người sắp định cư ở Mỹ thường theo học tiếng ở đây. Họ học tập để hiểu biết phong tục, luật pháp… Mỹ, mà hòa nhập với cộng đồng.
Mấy nay người Vân thấy uể oái, kém ăn và hơi mền mệt. Vân nhận ra mình đã mang bầu. Quân nói:
– Biết em mang bầu anh mừng lắm. Nhưng lại rất lo. Lo là điều kiện sống quá khắt khe khắc nghiệt, ảnh hưởng tới sức khỏe của em, đến sự phát triển của con.
Vân nũng nịu:
– Em cũng lường được điều ấy. Giọt máu của chúng mình giọt nào cũng đều thương, đều quý. Sự thương yêu rất mực của anh làm cho mẹ con em vượt lên mọi khổ cực mà sống mà lớn lên anh ạ.
– Thời tiết cực nhọc, công việc vất vả. Hay là ta dẹp bỏ?
– Công việc đã quen rồi anh. Chúng ta vừa làm vừa thay cho tập thể dục có chi đâu!
– Em yêu. Em nói thế làm sao anh bỏ công việc được mà phải cố gắng đến cùng. Bởi anh rất yêu em. Em và con là tất cả trên cõi đời này…
Công việc của vợ chồng Quân đều đều như vậy. Chuyện thông báo của đại diện Cục Quản lý và Tư vấn nhập cư Úc không có gì vướng mắc chỉ chờ đợi passport của Sứ quán Úc tại Jakarta nữa là có câu trả lời chắc chắn mà thôi.
Đã đến ngày tháng sinh nở. Vân lo lắng lắm. Nhưng ở nơi đây, nhà thương cũng vẫn đỡ sanh cho nhiều trường hợp rồi. Nhà thương được Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc cho dựng đồng bộ với các cơ sở hạ tầng từ năm 1978. Được điều hành bởi các giới y tế người Indonesia. Theo thống kê của Cao ủy Tị nan Liên hợp quốc (Flight from Indonesia 1997, có tới hai ngàn trẻ em con thuyền nhân Việt Nam tị nạn, sanh ở đây).
Lần này Vân sanh rất mau và rất dễ. Một thằng cu nữa. Vân vui mừng hỏi chồng:
– Anh đặt tên con là gì?
– Là Quốc Hùng, em nhé?
– Một cái tên ý nghĩa đấy anh à.
– Ừ ba, má nó dũng cảm không sợ gian khổ khó khăn để sanh ra nó thì nó phải mang dòng máu anh hùng!
Vân sanh nở, công việc còn lại đổ lên đầu Quân hết. Đúng là công việc nặng nhọc như chăm vợ sanh. Vậy mà ngày nào cũng như ngày nào Quân vẫn nai lưng làm một cách hồ hởi, vinh dự và phấn chấn trong lòng. Mỗi ngày Vân nhìn công việc vừa bán hàng, vừa nuôi vợ sanh, Vân thương chồng lắm. Cô bàn với Quân nhờ một người giúp việc trông con. Thế là chỉ 10 ngày sau sanh, Vân đã có mặt đứng bán ở quán hàng. Vân chỉ như là người vắng mặt sau đợt picnic vừa về.
Ngày mong ngóng trông chờ sắp đến. Sau những lần sơ vấn, được hướng dẫn của đại diện Cục Quản lý và Tư vấn nhập cư Úc, nay vợ chồng con cái của cô được Bộ Nhập cư và Quốc tịch Úc (DIAC) có giấy tiếp nhận. Cả gia đình cô chuyển sang chờ ở Galang2.
Khu Galang2 cách Galang1 khoảng ba cây số. Lúc đầu, thiết lập cho những người đã được thanh lọc chờ định cư ở Mỹ. Trại được dựng khang trang hơn. Những barrack nằm dọc theo bờ suối. Được núp dưới các bóng cây nên mát mẻ hơn nhiều. Nối các barrack với nhau là những chiếc cầu khỉ bằng gỗ trông thiệt ngộ nghĩnh. Thuyền nhân thường gọi nó là thủ đô của Galang. Bởi vì nơi đây có đặt văn phòng cơ quan điều hành trại, trung tâm truyền tin, bưu điện, nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm và sau này có cả rạp ciné… Đặc biệt nhất là các hàng quán được mở ra ngày càng nhiều và tu bổ bắt mắt hơn.
Song đối với vợ chồng Vân, chuyển sang ở Galang2 lại vướng một khó khăn. Bởi nơi đây chính thức là trạm trung chuyển chuẩn bị sang một nước thứ ba. Thời gian dừng chân cũng không lâu la là mấy. Quốc Hùng mới được hơn một tháng tuổi. Cái quán ở Galang1 bấy nay đã giúp đỡ bữa đói bữa no cho vợ chồng cô. Đã tạo được nền nếp công việc suôn sẻ hàng ngày. Vì vậy, Vân chưa muốn sang lại quán. Vân muốn giữ nó cho đến ngày rời khỏi đảo; cái ngày chưa đoan chắc lâu, mau. Thế là vợ chồng cô lại phải lục tục dậy từ sớm chuẩn bị cho công việc bán hàng sớm mai. Chiều tối dọn cho xong để về Galang2 trước giờ giới nghiêm.
Vân kiếm ở đâu được chai rượu ngoại. Vì lâu nay Quân đã tự kiềm chế uống rượu. Anh vui đùa hỏi:
– Sao lại có chuyện lạ lùng này?
– Anh thấy hôn? Rượu để chúc mừng …ngày mới đó!
– Vậy là anh được thả sức uống phải hôn?
– Vui thôi! Người anh hùng không bao giờ để xỉn…Và em luôn trân trong những người như thế!
Quân phấn khởi nhắc lại lời Vân hôm xưa:
– Ừa! Anh vẫn luôn nhớ lời chúa, ghét xỉn rượu mà!
Ngày mới ấy là Vân học thêm Anh ngữ để hiểu biết về nước Úc. Trước kia, trong mắt Vân, Úc là đảo lớn Liên bang với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi hết sức đa dạng, chiếm trọn một châu lục ở nam bán cầu. Với diện tích 7.686.850km2 mà số người chưa đến hai chục triệu. Mật độ chưa đến 2,4 người/km2. Nay không những cô biết thêm về đời sống văn hóa, phong tục tập quán…đa sắc tộc Úc mà còn hiểu Commonwealth of Australia là một nước có nền công nghiệp tiên tiến. Cùng với nền nông nghiệp đa dạng lúa mì, lúa mạch, mía và ngành chăn nuôi phong phú…
Từ năm 1983, Đảng Lao động, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Bob Hawke, đã đẩy mạnh đổi mới và hiện đại hóa nền kinh tế. Chú trọng cải tổ chính sách công nghiệp. Thực hiện tư nhân hóa. Tiến tới thành một quốc gia toàn cầu hóa .
TỐ HOÀI