. K ý ư c MIỀN CHÂN SÓNG
. Tiểu thuyết
. của
. HƯƠNG NHU & TỐ HOÀI
. Truyện bắt đầu từ tình yêu học trò, trong một lớp học của trường Phổ thông cấp 3 Hải Hậu (nay là trường THPT A Hải Hậu), huyện miền biển Nam Định, với một không gian chiến tranh chống Mỹ.
. Truyện còn phản ảnh một khía cạnh hiện trạng tồn tại của cuộc sống xã hội nông thôn miền Bắc:Giá trị nhỏ nhoi mà những người vợ đã được gọi là giải phóng phụ nữ
CHƯƠNG 1
TRỜI CÒN ĐỂ CÓ HÔM NAY !
Lễ đón nhận huân chương và danh hiệu anh hùng, nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ ngày thành lập Trường Phổ thông Cấp 3 Hải Hậu vừa xong. Người ùa ra, rồi tụ lại từng đám dạt về từng góc sân trường, riêng biệt.
. Ở góc phía đông sân trường, có nhóm hơn chục người. Nhiều gương mặt ngáo nghến như tìm nhau. Có mái tóc đã bạc trắng. Cũng phải thôi. Thời gian và cuộc sống dãi dầu đã làm những mái đầu kia không ai còn xanh nguyên vẹn nữa. Dưới những làn tóc ấy chứa đựng bao nhiêu vết hằn nỗi nhớ qua năm tháng gian truân pha trộn cả máu và mồ hôi. Họ trải qua một thời chiến tranh hiện đại và ác liệt. Từng trải với thời gian, lần hồi bươn chải vì cơm áo, gạo, tiền. Có gương mặt già nua mà hai hàng lợi đã chạm nhau. Móm mém giọng từng hơi, ngắt quãng. Thời gian đấy! Thời gian quả là con dao hai lưỡi. Nó cho lớn lên. Đồng thời cũng cắt đi xương thịt. Và như vậy, sự hiện diện của một cơ thể tồn tại là hậu quả của một thời gian dài, là minh chứng tội ác của nó. Trên những gương mặt ấy, những nụ cười rạng rỡ tưởng như là thỏa mãn, đều ẩn náu ít nhiều sự khổ đau, nuối tiếc. Không ít sự sám hối được che đậy bằng từ thời gian. Vậy là thời gian vẫn còn chút ích lợi cho những gì đã qua đi mà không thể nào kéo lại.
. Phất phơ vài sợi tóc che phủ trên mỗi vầng trán như được kéo rộng ra bởi sự tranh chấp của ánh nắng trời với xác thịt con người. Ta nhận ra sự thua thiệt của con người qua đấu tranh với khắc nghiệt thiên nhiên. Con người đã phải bó tay chấp nhận sự già nua ngay trên gương mặt như bãi chiến giành giật những tháng, năm.
Sự chiến thắng chỉ còn vương lại trên một vài gương mặt. Song không thấy sự kiêu căng khải hoàn trên những nếp nhăn như đã xóa được dấu vết chiến.tranh. Có thể kể, người đó là Quang! Quang ngáo nghến dõi tìm bâng quơ một bóng hình. Bỗng Quang bỏ cả đám người đang tíu tít, chạy theo một bóng phụ nữ với dáng vội vàng dắt xe đạp ra cổng.
– Quỳnh à? Đi đâu vậy? Vào trong này đã. Bạn bè ở cả đằng kia kìa!
Người phụ nữ cố tình như không nghe thấy. Chân vẫn rảo bước làm Quang cố bước theo:
– Kìa Quỳnh!
Người phụ nữ dừng lại quay về phía Quang, thản nhiên với giọng không thân không lạ:
– Anh Quang à?
Quỳnh không giấu được vẻ bối rối. Song hình như Quang còn bối rối hơn nhiều. Bởi trong Quang còn một điều làm anh bấy nay mất ăn mất ngủ.
Lần ấy, cuộc hội thảo do Bộ Y Tế triệu tập ở Hà Nội. Sau bài đọc tham luận, Quang bị đau họng đến khàn tiếng. Sắp đến giờ máy bay cất cánh về Sài Gòn, anh vội chạy ra mua thuốc. Vô tình gặp Quỳnh, Quang bỗng phát run người. Một thoáng ngờ ngợ, Quang nhận ra Quỳnh và khẳng định:
– Ôi Quỳnh! Em sao ở đây?
Quỳnh giật mình ngỡ ngàng nhận ra Quang. Quỳnh lặng đi như mắt bão để òa ập những cơn giông tố thẳm sâu. Lời cô nén trong ngẹn ngào:
– Em… em mua thuốc cho con.
– Con em bệnh sao?
Vẫn trong nỗi lòng nén giữ, câu trả lời của Quỳnh như gió thoảng qua:
– Cảm sơ sơ thôi anh!
Quang nắm giữ tay Quỳnh trong lòng tay mình. Giọng bồi hồi, nghiêm túc:
– Xin chúc mừng hạnh phúc! Mấy đứa?
Quỳnh giơ một ngón tay lên. Quang hỏi:
– Một thôi à?
– Thế thôi là đủ.
– Con em lớn chừng nào rồi?
– Con anh đấy! Nó học năm thứ nhất Đại học. Từ bé tới giờ nó chỉ xổ mũi nhức đầu qua loa! Nó chả cần biết đến bác sĩ là ai!
Nghe tiếng còi xe giục dã, Quang hướng mắt về đó. Quỳnh tặc lưỡi, buông một câu Kiều thong thả, không buồn mà cũng chẳng hẳn vui:
– Trời còn để có hôm nay!
Quang được thể, hướng về Quỳnh, tiếp nhanh:
– Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời!
. Hoa tàn mà lại thêm tươi
. Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!
Tiếng còi ô tô tuýt tuýt gọi…phân ly. Quang giơ tay ra hiệu xin thêm một phút. Anh hỏi Quỳnh giọng vồi vội:
– Điện thoại của em thế nào nhỉ?
– Em không có điện thoại.
Quang tiếp tục như một thói quen:
– Vậy số nhà?
– Nhà em làm gì có số. Anh đã biết xóm nhà Đinh rồi? Anh cứ gửi về xóm đó.
Tạm biệt Quỳnh. Quang bước nhanh về phía tiếng còi đang nóng ran chờ đi Nội Bài cho kịp chuyến bay. Lòng anh se lại. Mấy mươi năm qua đi. Gặp lại nhau không quá ba phút. Ít hơn cả mấy ngàn lần chàng Ngưu được gặp ả Chức trong năm. Bao nhiêu chuyện giữa Quang và Quỳnh. Như mớ bòng bong vo tròn, nén chặt không biết đến bao giờ gỡ ra đầu mối. Quang đã dày công tìm cái nút ấy. Nhưng mỗi lần tưởng như sắp tìm ra thì như có mối thắt vô tình khác hiện ra khỏa lấp, làm Quang thêm những mối nghi ngờ che chắn mà không thể nào tìm ra nút thật. Chiến tranh. Rồi công việc. Thời gian với Quang là sự triền miên nối tiếp không chút nghỉ ngơi thanh thản. Cho đến hôm nay gặp lại, như một kẻ vô tình….
Mai đang ríu rít trong đám bạn học, nhìn ra. Thấy Quang và Quỳnh như đang dùng dằng gần cổng, cô bèn đi nhanh tới gặp:
– Quỳnh! Vào đây một chút đi!
– Mai à. Quỳnh về chứ công việc ở nhà bận lắm!
Quang thả giọng trầm buồn níu kéo:
– Ừ công việc mỗi người ai cũng bận bịu. Đó là việc của cả đời người. Còn có được cuộc gặp lại nhau như thế này thì một đời đôi khi… chỉ có một.
– Quang nói đúng đấy Quỳnh ạ. Bạn bè chờ Quỳnh ở trong kia kìa.
Nói xong, Mai cầm guidon xe đạp của Quỳnh dắt về phía các bạn đứng xúm xụm trong sân. Thấy Quỳnh, cả đám người ùa ra, tay bắt mặt mừng:
– Quỳnh ơi, chúng tớ đang chờ cậu.
– Ôi người mẫu của chúng ta!
– Ôi Quỳnh! Không khác xưa là mấy, Quỳnh ạ.
Quỳnh hơi nhoẻn miệng:
– Chào các bạn. Các bạn khỏe chứ?
– Dĩ nhiên là khỏe rồi.
– Tới được đây là khỏe.
Tiếng cười nói ồn ào vang lên. Không một nội dung, không một chủ đề. Song câu nói nào cũng vang âm một từ sức khỏe. Thì ra với họ bây giờ sức khỏe là cần thiết nhất. Và như vậy, hóa ra nó quan trọng nhất trong cuộc đời mà nay mới được quan tâm nhiều nhất. Chuyện đang rôm rả, bỗng nhiên Quỳnh xin cáo từ:
– Bây giờ Quỳnh xin có một ý kiến với các bạn. Quỳnh có việc không thể trốn bỏ trách nhiệm. Dù việc dự lễ đón Huân chương, nhận danh hiệu Anh hùng của trường, Quỳnh không thể bỏ qua. Bây giờ…Quỳnh… phải tạm biệt các bạn thôi.
Mọi người ngơ ngác:
– Sao vậy?
– Sao thế nhỉ?
Mai lên tiếng gỡ bí cho Quỳnh:
– Quỳnh nói thật đấy. Thông cảm cho Quỳnh đi. Nó bận lắm. Không thể không về nhà ngay lúc này.
– Ồ thế? Quan trọng lắm không?
– Cấp bách lắm không?
Giọng Mai dịu xuống. Cô như mang một vẻ đau đớn mà nói riêng với bạn bè:
– Cấp bách. Chồng nó bệnh cũng nằng nặng. Có khi khó qua khỏi. Nhưng thôi, nói thế là đủ. Giành cho Quỳnh thời gian đi!
Bạn bè xúm xít bắt tay Quỳnh. Hình như nước mắt Quỳnh ứa ra. Các bạn tiễn chân Quỳnh ra tới cổng trường. Họ lại ríu rít nhắc những ngày xa. Trên gương mặt Quang như đọng nỗi suy tư buồn. Có thể là Mai nhận ra điều này nên nói riêng với Quang:
– Để cho Quỳnh về, Quang ạ. Đừng buồn. Ta gặp lại sau vậy.
Quang như bừng tỉnh đáp lời ngắt quãng:
– Không đâu Mai… Rồi chúng ta sẽ có điều kiện gặp nhau nhiều hơn nhỉ. Các bạn sẽ thông cảm cho nhau thôi mà.
– Quả đất đúng là tròn thật!
– Phải đấy! – Quang nhấn nhá thêm – Con đường nào rồi cũng tới thành Rome.
Quang dối lòng mình. Câu nói của Quỳnh hôm gặp nhau một thoáng ở Hà Nội lúc nào cũng như lửa đốt lòng Quang. Anh chạy vội theo Quỳnh vớt vát:
– Em! Con khỏe không?
– Khỏe anh ạ.
– Anh nói này. Hôm xưa em nói con của chúng mình. Thật vậy không?
Quỳnh một thoáng ngần ngừ:
– Em nói đùa vui thôi.
Như cánh cửa đóng xầm. Một vầng đen trước mặt. Đầu Quang vang váng như muốn xoay tròn… Lững thững anh bước chân trở vào với chúng bạn trong sân trường.
. Quang trở về với đêm thao thức. Đêm của Quang mang màu trắng tinh khôi. Quang mệt rã rời. Anh chỉ muốn nhắm mắt mà không tài nào nhắm được.
. Phía bên kia, trong ngôi nhà khiêm tốn nép dưới bụi tre xanh nơi xóm của Đinh, có người phụ nữ cũng đang nhuộm trắng đêm bởi có cuộn phim quay đi quay lại trong đầu. Người ấy là Quỳnh.
. Hình ảnh Trường THPT A Hải Hậu bây giờ.
. (Thời trước 1975 là nhà tranh vách đất)
. CHƯƠNG 2
. ANH NÓI THẬT LÒNG MÀ!
. Quỳnh, dáng mảnh mai. Nét duyên thầm tô thêm vẻ đẹp vốn có. Mái tóc dài và óng mượt độc tôn, Quỳnh đang chiếm giữ. Vào những xế chiều tan học, dưới ánh hoàng hôn, suối tóc ấy cứ đong đưa, đong đưa không khác nào cánh bướm vờn bay trong gió. Đôi lông mày cong dài nhờ bàn tay khéo léo của tạo hóa làm cho đôi mắt đen láy trên gương mặt thanh tú lúc nào cũng tựa như cười. Tất cả là sự hòa hợp tạo nên nét đôn hậu, dịu hiền.. Mà vẫn toát lên sắc sảo, thông minh.
. Hình như bầu trời thẳm sâu đen láy trong mắt Quỳnh kia chưa có bóng hình nguyên vẹn nào ẩn náu. Mặc dù không khó nhận ra bóng dáng vẩn vơ dạo quanh dòm ngó, đôi khi muốn thử sức với tay vào. Nhưng dụng cụ thô sơ trong những bàn tay còm cõi, đen đúa kia chưa đủ sức đào bới kho báu còn trầm trong sâu thẳm mơ hồ. Quỳnh luôn lắng nghe dù âm lượng mỏng tang với bước sóng tí teo Quỳnh tự hiệu chỉnh mình để giữ nguyên vang âm vốn có.
. Những ngày tháng Sáu với Quỳnh có bao thắc thỏm lo toan và những nhớ nhung pha trộn. Tháng Sáu, thành mốc thời gian. Cũng là dấu ấn không thể phai mờ của tuổi học trò chỉ có trôi đi mà không bao giờ quay trở lại. Vừa đây thôi, nó còn ở lòng tay Quỳnh. Có lúc bồng bềnh thanh thản êm trôi. Cũng có khi như sóng vỗ rì rầm, đẩy xô, tiếc nuối. Mà không chỉ riêng Quỳnh. Dễ tính như Mai, bạn học của Quỳnh, cũng phải thốt ra:
– Quỳnh ơi…nhiều lúc muốn đào hố chôn thật chặt nỗi niềm
để đừng bao giờ phải moi nó lên, mà chẳng được.
Quỳnh vỡ òa. Thì ra không chỉ có mình! Quỳnh mỉm cười. Được thể trêu Mai.
– Có lúc Quỳnh thấy Mai muốn tung tóe hết khỏi lòng mình cũng không xong cơ mà? –Rồi Quỳnh như một lời tự thú – Nó là cái gì nhỉ? Sờ không thấy. Nhìn không ra. Ấy thế mà làm khổ ta. Dày vò ta đến mất ăn mất ngủ!
. Vâng! Nó là kẻ thù muôn thuở của những kẻ đang si mê sắp phải chia xa, mỗi người mỗi ngả. Chẳng biết sẽ đi đâu, sẽ về đâu. Sẽ ra sao trong thời buổi chiến tranh khói lửa…
. Mỗi khi hè về, Quỳnh vẫn dành phần lớn thời gian nghỉ để đọc sách. Đọc đến nỗi, quên ăn quên ngủ. Có lần thấy Quỳnh miệt mài đọc, bố không những không nhắc nhở trách mắng gì, còn mỉm cười động viên: “Ừ. Đọc sách là con đường ngắn nhất đạt đến hiểu biết, con ạ ”. Mà thật vậy. Tục ngữ ta chả có câu gần mực thì đen gần đèn thì rạng, là gì. Quỳnh đã bắt gặp những con người mang hình hài nhân ái, nhân văn trong sách. Đôi khi họ đã là tấm gương soi cho mình vượt qua được cám dỗ tầm thường… Đang miên man suy nghĩ, Mai đến tự lúc nào:
– Quỳnh này! Cho Mai mượn cuốn truyện gì hay hay một tí đọc cho đỡ buồn.
– Mai lật gối lên mà lấy!
– Eo ôi! Sách gối đầu giường của Quỳnh á? Xem nào Ruồi Trâu này, Thép đã tôi thế đấy này…. Còn cả Những người khốn khổ bốn tập dày cộp nữa! Một đống thế này ư? Vùi đầu vào đây thì còn thời gian đâu nữa mà học với hành?
– Thì lúc nào rảnh một tý là mình tranh thủ đọc.
– Xem có quyển nào mong mỏng không?
Quỳnh hờn mát, liếc Mai, dè bỉu:
– Thế cũng gọi là đọc?
. Đọc sách và giúp đỡ bố mẹ. Đó là chu kỳ hàng ngày như cái cối xay quay thật là nhanh. Chia tay, những bạn học lớn tuổi từ giã mái trường Cấp 2 về xây dựng gia đình hoặc vào chuyên nghiệp. Xum họp lại những bạn trẻ cùng lứa, tiếp tục học Phổ thông Cấp 3 trường huyện mới mở. Trong đó có Mai. Mai nói:
– Nhớ lại những ngày ngồi trên ghế nhà trường, chúng mình là những kẻ nhút nhát và đại ngốc nghếch thế không biết!
Quỳnh đồng tình:
– Ừ! Không khác gì những thầy tu và cô mụ ở nhà thờ Thánh Kitô.
Mai vẫn theo dòng suy tư đồng điệu:
– Ai đời thuở, cùng lớp mà không dám chuyện trò với nhau. Ngồi bên nhau cũng ý tứ, giữ một khoảng cách cho cả hai khỏi chạm vào nhau!
. Ấy vậy mà cũng xẩy ra ối chuyện. Hôm ấy, mặt trời đã cất hết ánh sáng tự lúc nào. Trăng mười sáu tròn như cái đĩa, treo lơ lửng giữa bầu trời vãi ánh vàng nhạt xuống đất nước cỏ cây hoa lá. Nhìn cảnh trăng suông mới thơ mộng làm sao. Nó khêu gợi nỗi niềm thầm kín của con tim. Cơm nước xong, Quỳnh thơ thẩn ra bờ ao ngồi dưới gốc nhãn nhìn mặt nước lấp lánh ánh vàng. Lặng nghe tiếng giun dế kêu vang như bản hợp tấu du dương trầm bổng. Mai đến:
– Quỳnh có tâm sự gì thế?
Không giữ được vẻ bồn chồn, Quỳnh nói:
– Mình có cái này, lại đây mình cho xem.
Đó là phong thư không đề người gửi. Bỗng nhiên Quỳnh phát hiện nó bị nhét hờ vào kẽ cặp sách của mình. Trong bì thư là một phần tám tờ giấy thếp học trò, viết kiểu chữ ngả chắc là nhằm đánh lạc hướng. Một lối suy nghĩ của một cây si nhút nhát và đại ngốc. Mai mở ra, vẻn vẹn có chín chữ: Anh rất mong được biết ý kiến của em?
– À thế ra chàng là, là, là…
Quỳnh đấm vào lưng Mai thùm thụp:
– Là là cái con khỉ gió ấy! Mai đoán xem chữ của đứa nào đây? Mà sao lại hèn nhát thế nhỉ?
Mai lơ lửng buông lời:
– Cứ ngồi đấy mà sao với chả trăng! Giờ thì tìm anh, em biết anh đâu mà tìm rồi nhé!?
Hai đứa cầm thư, co kéo tranh nhau cười chảy ra nước mắt.
– Coi như một trò ú tim để giải trí thôi mà! Hơi đâu mà đoán già, đoán non cho mệt óc. Chúng mình về học bài thôi. Mai, toàn môn chủ lực!
– Ừ, thì về!
. Đêm càng về khuya càng tĩnh lặng. Lại gặp bài toán Hình học khó. Loay hoay mất bao nhiêu thời gian mà giải không ra. Đột nhiên Quỳnh nhớ đến Quang, một cây toán hồi cấp hai. Hôm ấy là ngày thứ Bảy tiết cuối, thầy vừa đọc đề toán dựng một tam giác cân biết đường cao và trực tâm của nó. Cả lớp cúi đầu căng thẳng. Vẫn chưa có cánh tay nào giơ lên. Chưa có gương mặt nào ngẩng lên cả. Thời gian trôi đi một lúc lâu. Thầy nói:
– Cả lớp đói rồi à? – Thầy ngừng lại chờ đợi rồi tiếp – Thôi! Nhìn cả trên bảng thầy hướng dẫn!
. Thầy vừa gợi ý xong phương pháp dựng. Bỗng giữa lớp có cánh tay giơ lên rất đĩnh đạc, rất tự tin, khác vẻ nhút nhát hàng ngày. Đó là Quang:
– Thưa thày. Em có phương pháp khác để giải, ạ
– Thế ư? Mời em lên bảng!
. Trong phút chốc, Quang đã dựng nhanh bài toán trên bằng phương pháp đường tròn nội tiếp. Thầy gật đầu à lên một tiếng thật vui. Cả lớp chỉ còn biết thán phục. Riêng với Quỳnh chưa hẳn thế. Hình ảnh bài văn của Quang mà thầy Đặng Cường đọc trước lớp hôm xưa vẫn còn đậm nét đây. Quỳnh chưa hẳn tâm phục. Tuy nhiên nó là động cơ thúc vào lòng quyết tâm vượt lên của Quỳnh. Hôm sau, Quỳnh đã nhờ ngay Quang giải bài toán khác. Quang đọc lướt rồi cầm bút ngắc ngư, mặt đỏ lên. “Có thế chứ. Cứ tưởng mình tuyệt vời đâu nhé!”- Quỳnh nén lại nụ cười thầm. Nhưng ngay sau giờ cơm trưa, Quang thập thò ngoài cửa nơi Quỳnh trọ. Quỳnh cố lờ quay đi như không biết có ai. Quang cứ đứng trơ biến ra con phỗng đực đợi chờ. Quỳnh giả vờ lên giường ngủ trưa, kéo tấm khăn mỏng che mặt. Quỳnh ngiêng người hé mắt nhìn ra. “ Người gì mà lì đến thế cơ chứ!?” Thấy Quang đứng lâu, Quỳnh bỗng thương thương. Cô giả vờ dậy cầm ly uống nước, hỏi bâng quơ rất khẽ: “Ai vậy?”. Quang không dám xưng tên chỉ hơi ngó cái đầu vào sắng dặng. Quỳnh vờ à lên một tiếng làm như mới phát hiện ra. Quang bước nhẹ tới khi Quỳnh ra sát cửa, mỉm cười giấu kín thỏa mãn:“ Quỳnh à. Trong ba cách giải, có một cách thứ ba tuyệt vời hơn!”. “Thế cơ?”. Quang hồn nhiên:“ Ừ, cách giải ngắn mà lại chặt chẽ!”. Lắng nghe sự diễn giải ngắn gọn của Quang xong, Quỳnh chỉ biết nói:“ Cám ơn Quang.”. Bài toán như là định mệnh…làm Quỳnh cứ mãi nghĩ về Quang. Hồi ấy, cái anh chàng cả buổi học cứ im thin thít. Chàng chú ý lắng lời thầy hay vốn thuộc dòng sống nội tâm? Dáng thì lêu nghêu. Dù chàng có trang điểm bằng bộ đồng phục màu xanh công nhân rắn rỏi vẫn không che được nét ngượng nghịu trước mặt bọn con gái mỗi lần. Bây giờ Quang khác rồi! Đĩnh đạc. Vẻ rạng ngời với đôi mắt đầy nghị lực. Nghĩa là một con người lý tưởng đấy!? Không hiểu sao, Quỳnh thấy mất tự nhiên và thèn lẹn với chính mình! Đột nhiên Quỳnh buột miệng như lạy ông tôi ở bụi này:
– Bây giờ giá có Quang thì gỡ được thế bí. Nhưng khuya quá rồi Mai nhỉ.
Mai không ngỡ ngàng nhận ra suy nghĩ bồng bềnh của Quỳnh đang nhớ về ai nên được cớ mà trêu:
– Chắc chắn là thế! Ngoài ra còn giải được cả mối tơ vò cho ai nữa là khác!
– Mai có thôi đi không? Lúc nào cậu cũng đùa cợt được. Quỳnh đang bực mình đây.
Mai nhìn Quỳnh như thấu nỗi lòng, lấy ngón tay ấn vào má phinh phính của Quỳnh:
– Đôi má ửng hồng này, vẻ mặt bối rối này của ai đây, vì ai đây!?
Không kịp để Quỳnh phản ứng ra sao. Chợt nhớ, Mai nhìn Quỳnh cười tinh nghịch:
– Sao mình mụ mẫm đến nỗi không nghĩ ra từ sớm? Quỳnh! Cái thư ấy không của Quang thì còn ai vào đây được nữa? Các cụ ngày xưa có câu Gái tham tài, trai tham sắc là gì? Đúng là một cặp uyễn ương tuyệt đẹp! Thế đấy. Chàng và nàng cứ ủm ỉm giấu cho nhau mãi.
– Chưa hẳn vậy đâu Mai ạ. – Quỳnh đánh trống lảng, kéo Mai ra khỏi ý nghĩ trêu chọc đó – Chiều nay mình từ nhà lên nhà trọ. Lại gặp một chuyện ly kỳ hơn nhiều.
– Lại còn chuyện gì nữa? Phanh phui cho hết đi rồi còn ngủ, bà tướng trời đánh ạ.
Quỳnh vừa cười vừa kể:
– Mình đang vội vàng đi vì bầu trời đang từ từ kéo màn đêm lại. Thì ngay lối ngã ba hướng về trường, đập vào mắt mình là một trái tim vẽ bằng phấn trắng tô rất đậm. Kèm mũi tên chỉ xuôi chiều vào hàng chữ: Anh đi rồi Q. đừng chờ nữa. Cậu thấy thế có phát điên người lên không?!
Mai đưa mắt liếc Quỳnh xem ý tứ nàng thế nào:
– Cái anh chàng nào cứ bám riết lấy Quỳnh thế không biết?
– Mình có cảm giác như chỉ vừa mới viết xong.
– Mai biết Quỳnh đang nghĩ tới ai rồi!?
– Cậu thì lúc nào cũng như phù thủy ấy.
Mai khẳng định:
– Nhưng phù thủy nói trúng tim đen là được chứ sao. Hay anh chàng tối thứ Bảy tuần trước đến tỏ tình với Quỳnh? – Mai thả hết hơi nén trong ngực. Lấy sự thanh thản với lời nhấm nhẳng trêu – Khốn nỗi đó lại là mối tình đơn phương không được nàng chấp nhận, nên đã để chàng rơi bao nhiêu nước mắt phải không?
– Ừ nhỉ! Cũng có thể. Mai à, hay cái anh chàng cùng đường với mình? Mà kể cũng tội nghiệp. Lần đầu tiên mình chứng kiến, người con trai khóc rưng rức trước mặt con gái. Khóc hồn nhiên như đứa trẻ. Mình vừa buồn cười nhưng cũng vừa thương thật sự.
– Vậy thì còn ai vào đấy nữa?
– Ai bây giờ thì cũng goodbye thôi! Phải giành thời gian cho học tập. Sắp kỳ cuối cấp, nước ngấp nghé tới cổ rồi. Thôi chúng ta cùng ngủ đi.
Hai người chìm trong mênh mông tĩnh lặng của không gian khuya khoắt. Có chăng trong tai họ, thoảng xa, vẫn là bản hòa tấu đơn điệu dịu êm của giun dế mời kéo vào cái giấc của thiên thần.
. Cơn bão số Chín năm ấy đã đi vào lịch sử của huyện Hải Hậu. Cơn bão mạnh nhất từ nhiều năm trở lại đây. Sức tàn phá của nó thật ghê gớm. Hàng trăm mét đê biển thuộc các xã Hải Triều, Hải Hòa, Hải Lý bị sạt lở. Nước biển tràn vào làm ngập úng hàng trăm mẫu lúa đang thì con gái. Hàng trăm ngôi nhà sụp đổ. Cây cối gẫy ngổn ngang. Trong cảnh tan hoang ấy, bọn học trò trọ học của lớp 10A cũng góp một chuyện thật vui.
Hôm ấy bầu trời đang quang đãng bỗng tối đen sập xuống. Gió gào rít từng hồi. Tiếng của cây cối răng rắc mỗi khi gió giật ào qua. Những cột kèo của nhà được giằng buộc kỹ càng là thế, mà vẫn bị đung đưa kêu ken két. Mưa xối xả trút nước như cơn thác liên tục đổ làm cánh đồng xanh rờn biến thành biển nước đục ngầu. Rồi đột nhiên trời sáng ra. Mưa tạnh, gió yên. Cả khoảng không mênh mông im ắng như tờ. Lũ học sinh tưởng bão đã tan. Ai ngờ trời ngịch ngợm quá. Gió từ đâu ào ào đưa biển nước từ trên trời đổ ụp xuống. Lúc ấy Mai và Quỳnh đang trên đường tới khu tập thể ăn trưa. Hai người vừa lò dò tới cổng nhà thờ Đông Biên thì Quỳnh bị cơn gió lùa bất ngờ nhẹ nhàng nâng bổng nàng xuống giữa ruộng lúa. Hoảng hồn, Quỳnh chới với gọi Mai xuống cứu. Trong khi Mai đang bị cành phi lao gãy rơi đè lên người. Cô đang ráng sức nâng cành phi lao để lách được ra ngoài. Không kịp đắn đo, không cần xắn quần áo Mai vội vàng lội xuống. Bỗng có người kéo áo Mai lại:
– Để mình xuống đưa Quỳnh lên cho. Mai về lấy áo mưa và thay quần áo đi khỏi bị cảm đấy.
Mai mừng ríu rít:
– Ôi cám ơn Quang! Xuất hiện đúng lúc quá.
. Thế là Quang lội ào ngay xuống chỗ Quỳnh đang ướt sũng như chuột lột, lóp ngóp trong lòng ruộng nước. Nhìn suối tóc dài ôm lấy thân hình thon thả bị tung tóe, những sợi tóc dính bết trên khuôn mặt xanh mét của Quỳnh, Quang xót xa như chính mình đang bị lưỡi cưa của gió cứa tướp táp thịt da mình vậy. Quỳnh bối rối. Lần đầu với dáng tiều tụy trước mặt bạn trai, vừa ngượng ngùng vừa xấu hổ. Giá có kẽ hở nào của ruộng để giấu mình. Đằng này….Chưa biết xử lý ra sao, Quỳnh cúi mặt đứng trơ ra như Từ Hải chết đứng…Vậy mà cái thằng con trai mang dáng vẻ Robin Hoot (*) kia lại toét mồm cười được.
– Đưa tay, Quang dắt lên, không thì mưa mỗi lúc mỗi to hơn, rét chết cóng bây giờ.
Chết đuối vớ được cọc…Nhưng Quỳnh lại lí nhí trong cổ họng như nói chỉ cho riêng mình:
– Quang lên trước rồi Quỳnh lên!
Thấy Quỳnh còn ngần ngại mà mưa bão có thương đâu, vốn thông minh, Quang nhanh trí dùng đến thuật hiểm:
– Đỉa, đỉa! Ôi mấy con to quá.
Quỳnh cuống quýt chạy ngã dập dụi. Thành ra đã vô tình dun dủi, ngã dụi vào ngực Quang. Kỳ diệu. Đối với Quang, như cơ hội trời cho để Quang bầy tỏ nỗi niềm. Còn Quỳnh, mục tiêu số một là phải thoát khỏi đỉa. Bởi vì trong đầu cô đang hình dung tình huống đã được nghe. Nó mà chui vào ống quần hút máu no nê rồi ngủ lì ở chân mình, thằng lẵng như con đỉa trâu to bằng quả chuối thì khủng khiếp siết bao. Nghĩ vậy, Quỳnh run. Mặt cắt không còn hột máu. Lóp ngóp chạy. Ngã. Quang ào tới cầm tay Quỳnh dắt đi. Trong tay Quang, Quỳnh bước vững vàng hơn. Còn Quang như đăm chiêu suy tưởng, muốn ôm lấy Quỳnh để truyền thêm hơi ấm. Quang sao dám làm!? Song con mắt đắm đuối nuốt trọn hình ảnh này vào con tim đang cháy bỏng. Quang hí hửng mừng ra mặt vì chiến thắng đến trăm phần trăm với cú hích hoàn hảo. Bỗng Quang nghiêm lại. Anh ân hận chỉ vì cú dọa bất ngờ mà Quỳnh ướt át lấm lem thêm. Có phải vì thế mà Quỳnh rét run bần bật(?) Cả hai im lặng với những bước chân bì bọp lên bờ.
Mai chạy quáng quàng về nhà đã đem áo mưa ra. Vẫn thói quen đùa cợt, cười bả lả:
– Mừng anh chị với cuộc du lịch ngoạn mục sông nước đã về. Quỳnh! Quàng mảnh nilon này vào cho đỡ lạnh…
Quỳnh cũng đã hoàn hồn. Tay cầm lấy mảnh vải nhựa che mưa. Bỗng mặt nóng ran, thẹn thùng, nguýt Mai một cái dài, miệng lí nhí:
– Cám ơn Quang!
– Không có gì. Quỳnh về thay quần áo kẻo lạnh thì ốm đấy.
Mai cũng giục theo:
– Quang về thay quần áo ngay đi. Ướt hết cả rồi!
Chỉ có thời gian chứng kiến lòng Quỳnh, in đậm bóng dáng chàng Robin Hoot dũng cảm, cao thượng. Và ngay cả ngoại hình, Quang, cũng nằm trong ý tưởng…Vậy mà trước đây sao mình không để ý tới nhỉ. Có vẻ còn thờ ơ nữa là khác. Nếu Quang không học giỏi? Nếu Quang không cứu mình trong trận bão? Nếu không có những bài toán khó? Nếu Quang?…Và nếu!…Ôi bao nhiêu chữ nếu được đặt ra chiếm ngự hết cả con tim khối óc. Sự thật có trong cõi lòng Quỳnh, mỗi khi nhắc tới tên Quang, thì trào lên thứ cảm tình thân thương khó tả. Không phải là ruột thịt! Hình như cao hơn một chút tình cảm bạn bè! Nó rất khó diễn tả như thứ linh cảm liên quan tới mọi tế bào trong cơ thể. Vì thế, ý nghĩ vừa chạm tới Quang thôi thì trong Quỳnh râm ran như nỗi khát khao chiếm lĩnh tới cả phần hồn! Hay là tình yêu?! Phải chăng đó là tình yêu? Tình yêu là như thế sao? Quỳnh lấy hai tay úp vào mặt mình cười thầm. Mặt bỗng bừng lên như lửa đốt. Kỳ lạ quá! Niềm vui nhẹ nhàng mà bất tận…
Mùa ôn thi đã đến. Bầu trời tháng Sáu cao vòi vọi không một gợn mây. Mặt trời như thiêu như đốt vãi nóng xuống. Mặt đất lúc nào cũng bỏng rát. Ngột ngạt. Cá tôm ngoài ruộng cũng không chịu nổi cái nóng, mệt nhoài lơ ngơ bơi đuối dần, ngửa trắng bụng đầy đồng. Mặt người nhễ nhại thứ mồ hôi phả mùi ngai ngái đến khó chịu. Vậy mà cả lũ học trò cuối cấp cứ phải chúi đầu trên những trang giấy hẩm sì, nhàu cũ ôn bài cho kỳ thi tốt nghiệp. Quỳnh đang nằm vùi, thoát ra âm điệu mệt mỏi:
– Mai ơi mình đang đau đầu quá. Không đi học được. Mai xin phép hộ mình với nhớ.
Mai cười mỉm. Liếc Quỳnh. Khẽ lắc đầu. Trêu:
– Ốm thật hay ốm nhớ đấy?
Quỳnh năn nỉ, thanh minh:
– Mai có thôi đi không? Mình đau đầu thật đấy mà!
– Được rồi! Quỳnh cứ an tâm ngủ đi một giấc là hết đau đầu ngay thôi.
– Quỳnh mong thế!
Mai cố tình vặn vẹo:
– Ngủ thật chứ đừng có ngủ mong! Mong thì sao mà ngủ?
– Quỳnh chịu thua Mai rồi đấy!
– Ừ chịu thua rồi thì ngủ đi – Mai thủng thẳng cố lèo thêm câu nữa – Chắc hôm nay mình sẽ phải học gấp đôi cho cả phần Quỳnh nữa chăng!?
Mai bước nhanh ra khỏi cửa, thoăn thoắt tới trường. Biết tin Quỳnh ốm, Quang như bị thiêu đốt trong lòng. Tâm trí rối bời rộn lên bao câu hỏi. Không biết vì sao Quỳnh ốm. Nặng hay nhẹ? Hết tiết học, cả lớp ùa ra về. Bỗng Quang giật thót đứng lên theo như ai lấy mất linh hồn. Quang đi như chạy đến nhà Quỳnh trước cả Mai một lúc lâu.
– Quỳnh ốm sao vậy? Đã uống thuốc gì chưa? Quỳnh đã ăn uống gì chưa? Để Quang đi mua bát phở về ăn rồi uống thuốc nhé!
Quang rót lời êm ái nhỏ nhẹ vào tai Quỳnh gợi khơi cái tâm lý mệt mỏi cô đơn làm cô muốn rơi nước mắt. Cơn đau như bỗng bãng mất đi. Đầu Quỳnh nhẹ nhõm, thanh thản. Giọng Quỳnh trở về âm sắc xúc cảm đặn đầy:
– Cảm ơn Quang. Quỳnh ngủ được một giấc nên hết đau đầu rồi.
Quang cũng hồ hởi hơn:
– Quỳnh làm Quang sợ quá.
Vừa lúc Mai về. Mai không cần nhìn Quang mà miệng mỉm cười nói bâng quơ:
– Đúng. Nhanh hơn cả điện! – Mai vờ quay sang Quang – Ờ Quang à? Quang về lấy xe đi rồi ta lai Quỳnh đi bệnh viện ngay không có, đau đến vỡ đầu rồi đấy! Mình thu xếp nhé?
Quỳnh nghển cổ nói với Mai:
– Quỳnh bảo là Quỳnh khỏi rồi!
Mai dỡn:
– Vậy ra Quang đem thuốc tiên đến đấy!? Hay cơn gió nồm nam ào về cứu Quỳnh khỏi cơn đau đầu mà nhanh vậy?
Cả ba khúc khích cười. Quang đỏ mặt thanh minh:
– Con bệnh của Quỳnh sợ Mai đấy! Vì thế phải ba chân bốn cẳng mau mau thoát khỏi đầu Quỳnh! – Quang đánh trống lảng – Thôi chúng ta đi ăn cơm rồi đem cơm về cho Quỳnh nhé.
. Buổi học tan. Bọn con trai bao giờ cũng chen nhau ra trước. Quỳnh không muốn cảnh xô đẩy nên tha thẩn ngồi lại xếp sách vở cẩn thận. Cô thấy có mảnh giấy vo tròn trong ngăn bàn. Lại một trò ú tim nào nữa đây? Quỳnh mở ra. Giật mình. Không dám xem hết ở lớp. Ngay cả trên đường đã vắng teo cũng không dám mở, sợ một ánh mắt rình mò. Tới nhà. Lòng thắc thỏm. Mở nhanh: “ Tối nay mình ôn vật lý tại nhà Dòng nhé?”. Vậy là Quỳnh sẽ lại được ngồi bên Quang, người con trai đầu tiên mà Quỳnh vừa phục, vừa ngưỡng mộ, biết ơn. Lại còn cả thân thương nữa chứ! Dạo này mình sao thế nhỉ? Mỗi ngày không thấy bóng dáng Quang, không nghe được âm thanh giọng Quang thì cảm thấy bâng khuâng, nhơ nhớ rồi phấp phỏng buồn. Thật vô lý! Sao lại nhớ người dưng thế này? Quỳnh lấy tay vo đầu mình để xua đi ý nghĩ không lấy gì làm lợi cho mùa thi cử.
Trời vừa xâm xẩm. Quỳnh thẩn tha tới nơi hẹn. Ngồi học bên nhau mà vẫn một khoảng cách nhất định. Quang không một lời buông lơi, làm Quỳnh yên dạ. Cây đèn hoa kỳ leo lắt cháy ngăn cách giữa hai quyển sách giáo khoa chứng kiến cho sự thẳng ngay của họ.
– Tối nay chúng mình ôn hai chương đầu nhé?
Quỳnh gật đầu. Hai cái đầu chụm dưới ngọn đèn dầu tù mù. Miệng lẩm nhẩm. Có khi lặng lẽ dành cho dòng chảy của mực sột soạt trên trang giấy. Những con số hiện ra, những công thức, định luật…được thâu tóm.
Bỗng có cơn gió cô đơn lạc qua. Quỳnh giật mình ngó ra ngoài. Bầu trời đen như mực tàu. Quỳnh nhỏ nhẹ:
– Hôm nay dừng ở đây thôi Quang ạ. Chứ ngồi lâu có ai hiểu chúng ta chỉ ngồi học cho đâu? Vả lại mai còn lên lớp sớm cơ mà!
– Ừ ta về – Quang mở cặp lấy ra gói nhỏ giấy báo tròn dài – Có cái này, chắc là Quỳnh thích.
Quỳnh mở giấy. Một đóa hồng nhung thơm phức lộ ra:
– Ôi quý thế. Kiếm đâu ra được vậy Quang?
– Quang qua, thấy cái bình trắng xinh, bỗng nhiên hoa bị bỏ quên mà thương nó quá, nên nhờ Quỳnh cầm đỡ, cắm dùm.
Quỳnh nhoẻn cười thú vị:
– Cám ơn Quang nhiều.
. Những lần học chung, Quỳnh thấy thật sự kết quả tốt lên. Quỳnh cảm phục cách nhớ cặn kẽ đến từng chi tiết của Quang. Có lẽ vậy, chẳng bài toán khó nào Quang chịu bó tay. Những ân cần cùng vốn kiến thức vững vàng của Quang đã giúp Quỳnh nhớ thêm sâu sắc. Nó tự lý giải cho Quỳnh tại sao việc nhớ bài học cặn kẽ, lâu hơn. Quỳnh đã mất dần đi những e dè. Quỳnh lâng lâng trào dâng niềm vui thanh thản. Quang như đã thành thần tượng không có địch thủ. Ngày lại ngày, Quang cứ đẹp dần lên trong tâm trí và choán ngự khoảng chông chênh trong khối óc Quỳnh. Quỳnh tự cười thầm. Hôm nào mình còn ghét cay ghét đắng, phải đưa ra ánh mắt khinh bỉ bất cứ đứa con gái nào cứ xưng anh anh, em em với bọn con trai cùng trang lứa. Bây giờ xét lại mình, Quỳnh thấy xấu hổ. Lòng kiêu sa của mình bị bỏ xó đâu rồi? Sao dẫm lên lòng tự trọng mà đi vậy? Nếu mà, lỡ bọn con gái nghe thấy mình xưng hô anh, em với Quang, chắc bọn nó sẽ phỉ nhổ vào mặt cho mà xem. Chỉ biết sách mình thì gấp mà sách người khác thì mở.
Quỳnh nghĩ, bấy nay Quang đã giành tình cảm cho mình thật trong sáng, lành mạnh. Chính vì vậy Quỳnh đã chấp nhận tình cảm ấy. Và thấy có trách nhiệm phải trân trọng, như nuôi dưỡng con tim khối óc của mình. Có lẽ chăng, tình yêu làm Quang nở rộ nhiều tài vặt. Ngoài khiếu làm thơ mê mẩn lòng bạn bè, còn cây Guitar mỗi khi trong tay Quang nữa chứ? Nếu ai được lần thấy Quang ôm cây đàn thả hồn vào năm ngón mượt mà, với ca khúc trữ tình nào đó thì có thể sẽ bị tiếng đàn ấy hớp hồn khó lòng thả nổi. Thì Quang đang ôm cây Guitar trên sân khấu, liên hoan cuối năm của trường trước mắt mình kia. Mai trêu:
– Quỳnh lên tặng hoa cho chàng đi kìa!
Quỳnh đỏ mặt. Dù ở chàng, nàng, sợi dây liên lạc bền dai nhưng sự bí mật vẫn cố giữ hờ. Quỳnh cứ để thản nhiên mặc ý.
– Tặng cái con khỉ gió ấy. Cậu lên mà tặng.
– Eo ô-ôi! Mình mà lên tặng hoa cho chàng á? – Mai liếc Quỳnh – Thì hẳn có kẻ nhảy xuống sông Yên Định mà tự vẫn mất!
– Thôi, van cậu. Chúng nó nghe thấy thì không chỉ có tiếng Guitar mà cả thanh la, chiêng trống rùm beng lên bây giờ!
Mai ghé sát vào tai Quỳnh thì thào:
– Thế thì chắp tay vào, lạy chị ạ. Chị sẽ tha cho!
Quỳnh miễn cưỡng chắp tay, lý nhí không thành tiếng. Rồi cả hai bấm tay nhau khúc khích.
. Sau một tuần căng thẳng học, chiều thứ bảy hầu hết ai cũng nhanh chân về nhà xả hơi và nhận viện trợ. Quỳnh được bố lên huyện họp ghé vào thăm con gái rượu, nên không phải gập gợi về như mọi khi. Quang bỗng dưng nán lại, nói sẽ về ngày chủ nhật. Chắc là chàng đã biết nàng ở lại? Thế là cuộc hẹn lại thỏa khát khao. Nơi góc trong bờ hồ huyện ủy, có đôi trai gái tự tình. Họ hướng mặt ra làn nước mát trong, thơ mộng. Hồ được viền một hàng liễu xen nhãn mơn mởn vươn xanh. Cơn gió thoảng đong đưa trong màn đêm tĩnh lặng. Thời gian dần trôi chờ đợi sự đăng đàn. Nhưng sự im lặng cứ nhường nhau nói trước. Quang không chịu nổi thời gian quý giá bị bỏ rơi phí phạng nên khai hỏa:
– Quỳnh sướng thật đấy! Được bố cưng chiều nên không phải về.
– Ai bảo thế? – Quỳnh thanh minh – Chẳng qua, cụ đi họp rẽ vào thăm con thôi chứ!
– À ra vậy?
– Chả là thế này. Quỳnh là con gái út. Các anh các chị đã trưởng thành cả rồi. Anh cả đi bộ đội ở Quảng Bình. Chị Thi đang học Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị ít được về. Bố phải thường xuyên gửi tiếp viện lên. Bố lại là Trạm trưởng Y tế xã bận bịu suốt ngày nên bao công việc nhà dồn lên vai mẹ.…
Tự nhiên Quỳnh như thấy mắc cỡ một cảm giác nói hết phần người khác. Còn Quang nghe say sưa như nuốt từng lời. Từng âm điệu giọng nói có sức truyền cảm lạ… Lựa cơ hội quãng ngừng, Quang chen:
– Quỳnh ơi! Sau này thi vào làm phát thanh viên của đài Tiếng nói Việt Nam được đấy!
– Quang nói gì cơ?
– Thật đấy Quỳnh ạ. Giọng của Quỳnh không kém gì giọng Kim Tiến.
Quỳnh cười ngả ngiêng. Quang ngơ ngác:
– Quỳnh cười gì vậy?
– Vì một câu nói xa lạ quá thôi mà!
Quang hiểu ra, thanh minh:
– Quang không đánh bóng Quỳnh đâu!
– Ừ! Chỉ cho Quỳnh đi tàu bay giấy đấy thôi!
Quang hạ giọng âu yếm:
– Quang nói thật lòng đấy! Anh nói thật lòng mà! Hoàn cảnh Quang cũng tương tự thế. Bố của Quang là nhà giáo. Mẹ làm nghề thuốc gia truyền. Quang muốn thi vào Tổng hợp Văn. Nhưng mẹ bảo, mẹ muốn con thành bác sĩ cơ. Mẹ lý giải, trước hết chữa bệnh cho mình, gia đình mình. Tiếp là giúp đỡ bà con lối xóm. Mẹ nhìn Quang nhận ra con ngoan ngoãn nghe lời, mẹ mới đưa thêm lý lẽ của mẹ: Một cái nghề rất tình người, con ạ. Cái nghề chỉ dành cho con người nhân ái và có nhân ái mới làm được…
– Vậy nếu không, họ sẽ thành gì?
Quang nói rất nhanh, rất nghiêm túc:
– Đao phủ!
– Vậy á?
– Đúng như vậy đấy, Quỳnh ạ.
– Ôi nhân ái quá bác sĩ của tôi ơi!
Phá tan cái tĩnh lặng của khoảng không mênh mông trên bầu trời, là tiếng máy bay. Quỳnh liên hệ ngay tới chàng chiến binh mang phù hiệu quân y. Quỳnh tiếp tục thả âm điệu ngây thơ trong trắng:
– Nếu chiến tranh chưa chấm dứt, bác sĩ còn cứu chữa cho thương bệnh binh thoát khỏi lưỡi hái của con quỷ chiến tranh từ ngoại quốc đem vào…
– Ôi Quỳnh nói hay quá! Còn Quỳnh?
– Quỳnh ước mơ trở thành cô giáo dạy văn để neo vào lòng các em những nét hay nét đẹp của đất nước mình. Những tấm lòng quả cảm, nhân ái của dân tộc mình. Thổi vào hồn các em những áng hùng văn trác việt…các tác phẩm văn chương sẽ sống cùng năm tháng.
– Ôi Quỳnh nói nữa đi! Quang đang muốn nghe… Có điều chắc chắn ước mơ của Quỳnh sẽ thành sự thật.
– Mà trong quá trình giảng dạy, Quỳnh sẽ tích lũy kinh nghiệm, tích lũy vốn sống để viết giữ lại. Nó sẽ là báu vật cho con cháu đời sau. Của cải làm ra nhiều mấy chăng nữa ăn rồi cũng hết. Miệng ăn núi lở mà. Chỉ có kiến thức thành sách vở thì sống mãi muôn đời.
Bất chợt cơn gió góa bụa lùa qua làm cành liễu đung đưa vướng vào mái tóc Quỳnh. Rất tự nhiên, Quang giơ tay gỡ cành liễu. Quỳnh lấy tay khẽ gạt tay Quang ra! Như thời cơ đến, Quang chộp bàn tay Quỳnh mà cô không tài nào gỡ nổi. Nếu không phải là Quang, thì Quỳnh đã toáng lên mà chạy biến. Nhưng là Quang cơ mà! Mặc dù chưa ai nói với ai cái lời muôn thuở. Song ánh mắt nụ cười họ đã giành cho nhau tất cả. Cho nên Quỳnh cứ để yên bàn tay trong lòng tay ấy. Xung quanh hoàn toàn vô nghĩa với họ. Chỉ còn hai người ngồi sát lại nhau với hai con tim rộn rã. Quang hổn hển:
– Cho Quang hôn lên trán Quỳnh, nụ hôn tình bạn cao quí giành cho nhau nhé?
Quỳnh thay cho câu trả lời bằng khẽ gật đầu. Nụ hôn nồng nàn trên trán Quỳnh. Quỳnh giật người ra xa. Quang vội nói:
– Chúng ta vẫn thân thiết quý mến nhau phải không?
Quỳnh lại khẽ gật đầu lần nữa. Thế là vừa nhanh vừa mạnh hơn bao giờ. Đôi môi Quang đã tìm được đôi môi Quỳnh vừa nồng nàn vừa cháy bỏng….Quỳnh gạt Quang ra:
– Chỉ bắt nạt Quỳnh thôi.
– Quang yêu Quỳnh thật lòng mà!
– Quỳnh bắt đền Quang đấy!
– Được rồi để đền em cả trái tim, cả cuộc đời anh…
. Nghe giọng mềm mại ấm áp, Quỳnh ngượng ngùng e thẹn. Cảm giác là lạ mênh mang tràn bao khắp người. Quỳnh đứng dậy định bỏ đi. Quang nhanh hơn nắm được tay Quỳnh kéo lại làm Quỳnh ngã vào ngực Quang. Anh ôm chặt lấy Quỳnh như sợ nàng biến mất. Quang lấy tay khẽ nâng cằm Quỳnh lên đặt nụ hôn dài đắm đuối …
Trời về khuya cái lạnh òa tới. Bầu trời cuồn cuộn màn đen ngòm tạo nên lòng chảo mênh mông muốn úp sập lên đầu họ. Gió từ miền chân sóng biển nổi lên phả mát lạnh vào mặt mỗi lúc một nhiều. Quang ngước lên nhìn trời, nói:
– Có lẽ trời sắp mưa?
– Thôi ta về đi!
Quang nửa muốn níu kéo, nửa lại đồng tình:
– Chắc trời chẳng mưa đâu! Nhưng lỡ mà Quỳnh bị ướt sẽ cảm lạnh mất thôi.
Trước sự đe doạ của trời cao đang cố tình dòm ngó trên đầu, họ đành phải chia tay nhau như chạy trốn. Quang đưa Quỳnh đến tận ngõ nhà Quỳnh trọ.
. Những buổi tối ôn thi với nhau rồi cũng qua đi. Những tối bên bờ hồ tâm sự rồi cũng qua đi. Kỳ thi tốt nghiệp ào đến rồi cũng ào qua như lúc nó đến vậy.
Quang vào học Đại học Y. Còn Quỳnh vào học trường Cao đẳng Sư phạm như ý muốn. Ban Sinh Hóa còn thiếu sinh viên. Nhà trường phân ban và khuyên Quỳnh học ban ấy.
. T.H. & H.N.
—-
.* Chàng trai tài ba, nghĩa hiệp trong truyện dân gian Anh, thời vua Richard.
Ảnh tư liệu của trường THPT A Hải Hậu