GIẢI TRÌNH CỦA BIỂN
Chương 15
. M.v Lạch Tray cập cảng Sài Gòn trả hàng. Nó sừng sững như tòa nhà mang vẻ đẹp trầm tĩnh. Song không ai biết được những gì đang sôi động trong lòng nó.
Những chiếc cần cẩu bờ moi từng lô hàng ở các hầm hàng ra. Còn ở ngay những lối ra vào và góc khuất của cabin tàu đều có các nhân viên Hải quan đứng chốt chặn. Vòng ngoài cùng, dọc hai bên boong tàu được tăng cường bởi lực lượng biên phòng. Hầm hàng rỗng dần ra, động thái của các cơ quan chống buôn lậu thắt chặt lại. Những con mắt nghề nghiệp chống lậu như những mắt lưới ken dày kết nối chặt chẽ và bền bỉ dăng tứ phía như tấm đăng vững chắc khó lòng có những con cá con có thể vượt đăng.
Thật ra vào thập kỷ cuối của thiên niên kỷ này, hàng hóa ngoại nhập đầy ắp. Song đất nước tiến lên từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu nên hàng công nghiệp điện tử hiện đại mỗi một kí-lô tựa một kí-lô vàng. Vật dân dụng thông thường mau hỏng như ti-vi, tủ lạnh mỗi cái giá trị tương đương cơ nghiệp một hộ nông dân. Sự chênh lệch giá ở các vùng, các nước xung quanh là sự gợi ý cho một dòng hàng hóa chảy từ chỗ cao xuống chỗ trũng ấy. Có một dòng chảy từ hướng biển vào đó là những con tàu viễn dương mà Mv Lạch Tray cũng không thể ngoài vòng.
Mấy chuyến rồi, con tàu Mv Lạch Tray luôn gặp sự cố không may. Thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà đồng lương thuyền viên chỉ dừng lại mức cơ bản là may. Thuyền viên đã khai thác cái có thể của dòng chảy cũ kỹ ấy. Song việc buôn bán này dễ được coi là bất hợp pháp hay còn gọi là buôn lậu. Vì thế nó không thể có tổ chức dưới một cơ chế lãnh đạo có chi bộ Đảng và ban chỉ huy tàu là những cán bộ thay mặt nhà nước điều hành. Cho nên thực chất dòng chảy chỉ như những giọt nước mong manh tí tách và được cấp cái tên làm ăn theo kiểu “cò con”.
Cung cách “cò con” đẻ ra kiểu khai thác hàng hóa tùy tiện. Ai muốn khai thác kiểu gì tùy ý. Thông thường, khi khai thác được đầu ra, họ sẽ sẵn sàng tiếp cận khai thác nguồn hàng một cách bí mật. Sự bí mật ấy không chịu sự kiểm soát của bất cứ ai, nên có những tai họa nguy hiểm, có khi cả đến sinh mệnh con người.
Một màng lưới vững vàng của hải quan là cần thiết đảm bảo sự điều hòa và an ninh kinh tế, ngăn chặn hiểm họa có thể xảy ra.
Nhưng cuối cùng, mẻ lưới đặc quánh ấy cất lên trên tàu Lạch Tray không có được con cá nào mắc lưới, đành phải “nhả ra”, cuốn gói đi về.
Tàu Mv Lạch Tray chuyển về neo đậu trước cầu cảng Nhà Bè.
Nhìn bằng con mắt hải quan, con tàu như một con mồi lớn, có một sức hút mãnh liệt cho đối tác của nó đến tìm mồi. Đó là những kẻ “buôn lậu”, thông thường mua hàng theo từng chuyến tàu về. Còn dưới con mắt đám “buôn lậu” ấy, con tàu là một kho báu mở cửa. Nhưng đôi khi họ cũng chỉ là đám “cửu vạn” kiếm tiền từng chuyến chở thuê. Họ bất chấp dông bão, mưa sa hay nắng lửa sông sâu, nước cuốn… Nghĩa là họ coi thường tính mạng mình, đạp lên cái chết, không sợ tù đày, tự tách ngoài pháp luật để kiếm miếng ăn. Thế là họ tiếp cận con mồi bằng đủ các phương tiện, dù chỉ là cái thuyền thúng, chiếc ghe gỗ mái chèo, hay đôi khi là chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm. Và hôm nay sự hiện diện của những con mồi này bám vào đít con tàu Mv Lạch Tray như những vật thủy sinh khổng lồ, đeo bám ăn theo. Song đám thủy sinh này là một thế giới riêng, tồn tại biệt lập với vật chủ.
Sài Gòn ngả sang chiều, mùa này bầu trời thường xuống thấp. Những đám mây đen khổng lồ từ phía biển Đông đùn lên che kín một góc trời. Cũng từ biển nổi lên những cơn gió tụ thành những cơn dông cố tình đẩy đám mây đen vào thành phố. Tín hiệu bắt đầu là những làn gió báo hiệu mưa. Gió mang hơi nước mát lạnh tung tà áo, luồn khắp cơ thể con người. Tiếp theo những giọt mưa rơi rộp rộp mỗi lúc một dày. Rồi mưa xối xả trút nước xuống mặt đất. Lúc ấy, bầu trời và mặt đất đồng nhất một màu trắng xóa. Song những cơn mưa bài bản đó rất nhân ái. Nó chỉ làm những chàng trai bướng bỉnh, lì lợm hay những cô gái non tơ ngờ ngệch, đầu óc căng đầy lãng mạn không chịu trú mưa mới chịu cảnh ướt át mà thôi. Sau những cơn mưa ào ạt, trả lại bầu không khí trong lành. Trời sáng sủa. Mặt đất mởn mơ sức sống. Cây nhuộm một màu xanh thẫm lá.
Với đám thủy sinh, lòng tốt của trận mưa là cái áo giáp thần kỳ che chắn mọi con mắt dòm ngó họ. Lúc ấy, đám thủy sinh tranh thủ ăn hàng no nê ngon lành nhất. Khi đã đủ no, nó tự nhả vật chủ để lầm lũi đi trong cái áo giáp khổng lồ, giữ an toàn về bến.
Mưa mỗi lúc rào rạt hơn. Người thợ lái xuồng máy đuôi tôm chuẩn bị sớm cho cuộc hành trình. Can xăng đầy trên tay được rót vào bình xăng chiếc máy đuôi tôm. Tay rót, người làm vật chắn mưa. Một cơn gió hắt làn mưa vào mặt người lái rát rạt làm con mắt anh nhòa nhụa. Cố gắng tránh mưa, bàn chân mất đà hụt hẫng. Người lái nhảy bám vào cửa thoát hiểm phía đuôi tàu. Can xăng trong tay vuột đổ òa trên nền cửa. Điếu thuốc lá cháy dở của ai đó vứt dưới sàn chưa tắt lửa, gặp xăng đã bùng cháy. Ngọn lửa tạt vào khoang buồng máy. Một tiếng “bụp” bất ngờ phát ra, kèm hơi nóng rát làm người lái xuồng máy đuôi tôm ngã xuống sông, bất tỉnh. Cả đám thủy sinh xúm lại vớt lên xuồng nổ máy đưa đi trong mưa…
Theo phiếu yêu cầu sửa chữa một số hạng mục của Máy trưởng Vận, thợ cả Lê Thanh chuẩn bị cho thợ làm việc. Thấy Quang Tiến vẻ buồn buồn, là việc hiếm thấy nên hỏi:
– Điện trưởng ơi, có chuyện gì không vui vậy?
– Có chuyện gì đâu. Bà xã vừa điện ra nói cái hĩm bị sốt xuất huyết. Bởi quê mình đang trong vùng dịch sốt xuất huyết ý mà.
– Anh điện về nhà chưa?
– Chưa!
– Thế thì sắp có chuyến đò đại lý, anh lên bờ điện về cho chị và các cháu khỏi mong. À, anh nhớ mắc cho chiếc bóng đèn sáng chứ làm ở dưới hầm máy này hơi bị tối.
– Làm ngay bây giờ à?
– Làm ngay. Đợi 5-6 tiếng, máy nguội rồi!
– Mình mắc ở chỗ góc tầng hai kia nhé?
Tiến đem chiếc đèn cargo 500watts ra mắc vào cái chỗ anh vẫn mắc. Mắc xong anh hỏi:
– Ở vị trí này đủ sáng không? An toàn chứ?
– Tàm tạm. Cao tám chín mét, thế là được rồi.
Tiến cười vui vẻ:
– Mình đã kiểm tra tất cả các bóng đèn đều ở trạng thái sẵn sàng và chiếu sáng tốt. Mình đi chút nhé!
– Ừ, anh đi đi. Gửi lời chúc các cháu mọi sự tốt lành, chóng khỏi!
– Cám ơn các bạn!
Thợ cả Lê Thanh cùng ba thợ máy xuống buồng máy. Anh xoay chếch chiếc quạt máy dài gần một sải cánh tay làm mát ở góc buồng máy ngiêng về phía làm việc. Luồng gió xối xả vù vù như cơn dông làm tung tóc Thanh như bờm ngựa. Thanh cùng các thợ máy tháo từng con ê-cu và chi tiết máy bỏ vào đĩa dầu diézen. Nhóm thợ cần mẫn như những chú chim sâu bới tìm từng vết bẩn. Cho mãi tới khi những hạt mưa nặng chịch gõ lộp bộp dòn dã trên những tấm phên sắt che buồng máy và bầu trời buồng máy bị thu hẹp lại thì họ mới nhận ra trời đã quá chiều. Ấy vậy mà một thợ máy vẫn ngơ ngác lắng lo:
– Trời mưa mất.
Thanh cười hả hê:
– Cậu ở chỗ hà bá tới sao? Trời đang mưa còn gì!
Lúc ấy thợ máy mới rơ-tút lại lời mình:
– Anh biết vì sao em đoán đúng không? Vì luồng không khí mang hơi nước mát lạnh từ biển phả vào người nên mưa là đúng.
– Thôi, khỏi lý sự. Thu dọn, mà ngơi đi!
Thanh đã leo lên khỏi cầu thang buồng máy tới tầng hai. Ba thợ máy tiếp theo sau. Bỗng có tiếng “bụp” từ phía bánh đà máy cái cuối buồng máy ở tầng trệt. Một luồng khói nóng ào ạt tỏa vào buồng máy. Kèm theo là ánh lửa từ đó đẩy đám khói đông đặc hơi nóng phủ kín toàn buồng. Tiếng nổ lụp bụp rất nhanh của những chiếc bóng đèn chiếu sáng. Cả buồng máy trùm khói trắng. Thanh vội chạy lên mặt boong. Ba thợ máy cố nhoai lên nhưng phải nằm lệt trên mặt bong với thân hình rệu rã. Mọi người ào chạy đến nhìn đám khói đang tan. Phó nhất Đinh Bá hỏi máy nhất Hoàng Minh:
– Lâu chưa?
– Khoảng năm, sáu phút! – Hoàng Minh nhìn đồng hồ tay, khẳng định – Ừ, bảy phút là cùng!
– Cái gì mà lạ thế nhỉ? – Phó nhất vẫn vẻ bàng hoàng.
Mọi người xúm lại phía các nạn nhân. Vùng da thịt không được che đậy của ba thợ máy nằm lệt kia mang màu xam xám bong bở, có chỗ đã bị trầy da rớm máu. Máy nhất Hoàng Minh sờ vào tóc nạn nhận kêu:
– Tóc vẫn như nguyên vẹn, không bị cháy.
Phó nhất Đinh Bá cũng sờ vào cả quần của nạn nhân:
– Ồ cả vải quần cũng như không sao cả. Lạ nhỉ? Nếu bỏng lửa thì tóc tai, quần áo còn gì?
Thợ cả Lê Thanh cũng phát hiện ra da thịt mình như bị cháy. Anh lấy tay cọ khẽ lên mặt trước da đùi. Một mảng da bị bong bở đau rát. Anh nhìn vào da nơi khuỷu tay anh vừa duỗi căng ra, da cũng bị rạn nứt muốn bong. Cái đau bắt đầu thấm vào xương thịt, nhức buốt tê dại. Nhìn sang ba thợ cùng anh sửa chữa đang nhăn nhó lên kia hẳn là đau đớn lắm. Họ đã bị một sức nóng mạnh hơn anh vì họ đi sau. Cái đau của mình thế này thì các cậu ấy, hầu hết phần da thịt bị bỏng sẽ đau đớn biết chừng nào? Anh cắn răng chịu đựng. Anh dến gần những người nạn nhân đồng nghiệp. Cả sáu con mắt rất tỉnh táo nhìn về phía anh chia sẻ. Một nạn nhân than thở:
– Cái chết tiệt gì mà tai hại thế anh?
– Cố gắng nhé các em. Anh cũng đau đớn lắm!
– Không có cái đau nào so sánh được anh ạ.
Quang Tiến cũng đã về tới tàu. Anh chạy ngay tới bên những nạn nhân. Nhìn những người bạn quằn quại rên la anh đau xót lắm. Là người có tiếng bình tĩnh, thế mà nước mắt Tiến chảy ra ướt nhòe cả hai gò má. Anh cứ để vậy đem lời an ủi tới sát từng người.
Chiếc canot cứu sinh tàu đã hạ xuống. Cả tàu xúm lại nhẹ nhàng đưa các nạn nhân lên canot chở đi bệnh viện. Tiến tiễn Lê Thanh với nỗi lòng man mác. Với Thanh, Tiến không chỉ quý mến ở tay nghề bậc 7/7 mà còn kính phục bởi con người tận tụy, đức hy sinh hết lòng vì công việc vì con tàu. Cái chất con người ấy làm dòng lệ Tiến không thể nào cầm. Tiến nói trong nước mắt:
– Cầu mong anh chóng khỏi, Thanh nhé. Vạn sự an lành thuộc về anh.
Lê Thanh xúc động với lời rành mạch, rõ ràng:
– Cám ơn anh Tiến. Cám ơn anh em. Tôi sẽ ráng hết sức mình điều trị cho chóng khỏi. Xin đừng lo lắng vì tôi.
Những tiếng xì xào chuyện cháy vẫn râm ran. Vụ cháy không có mặt Tiến nên anh chỉ biết lắng nghe. Trong những âm thanh hỗn độn, thoảng vào tai, tiếng ai đó anh không nhận ra, nhưng câu nói lại rõ mồn một:
– Tại cái bóng đèn cargo treo ở đó, nóng thế, gì chả bốc cháy!
Quang Tiến ngoái về hướng tiếng nói. Âm vang đã lan tỏa, lụi dần. Chỉ thế cũng đủ làm Tiến giật mình.
8 giờ đúng.
Vậy là sự việc đã qua đi mười lăm tiếng đồng hồ. Đại điện của Phòng cháy Chữa cháy đã có mặt tại tàu. Đoàn khám nghiệm hiện trường đi thẳng vào buồng thuyền trưởng Phạm Hạnh. Sau gần một giờ hỏi han, trò chuyện, các nhân viên khám nghiệm cũng đã xuống hiện trường, nhòm ngó, sờ mó và ghi chép. Hai giờ đồng đồ, đoàn khám nghiệm đã thu được tất cả những gì đã thấy. Song sự nặng nề về kết luận nguyên nhân vụ cháy là sự đợi chờ, phấp phỏng… trùm lên con tàu kim loại bản chất vốn đã lạnh tanh.
Song một ngày, nghĩa là mười chín ngày sau nữa, bản “Báo cáo vụ cháy” mới được đưa xuống tàu. Thuyền trưởng Hạnh chăm chú đọc:
“… Lưới thép bầu hơi tầng một bị cháy chảy từng giọt kim loại có màu sáng. Lớp amian bao bọc ống thoát hơi bị bong tróc. Bốn két dầu ở tầng hai đang mở nắp, chỉ bị phồng rộp lớp sơn xung quanh. Còn lại các dụng cụ, vật dụng và máy tàu trong buồng máy không hư hại… Quá trình hoạt động nên máy còn nóng, dầu bốc hơi kết hợp với dầu dò rỉ của máy dầu (FO, DO, LO)(*) và hơi dầu từ khay thợ máy dùng lau chùi rửa tay, đạt tới nồng độ nguy hiểm cháy nổ. Hệ thống thông gió hoạt động kém, hơi dầu thoát ra ngoài không kịp cùng lúc mưa lớn, nắp buồng máy đóng không kín, nước mưa rơi xuống trúng bóng đèn cargo 500Watts làm nổ bóng. Hỗn hợp hơi dầu gặp nhiệt độ cao của dây tóc bóng đèn gây cháy…”
Đọc xong Hạnh thả những trang giấy xuống ngớ người suy nghĩ. Sao cái kết luận mơ hồ, thiếu khoa học thế này? Để xác định nhận xét của mình, Hạnh bấm máy điện thoại cho máy trưởng Vận đến. Vận cầm đọc hết bản “ Báo cáo vụ cháy”, ngẩng lên hỏi Hạnh:
– Anh thấy thế nào?
– Thật sơ sài. Thật yếu kém. Đầy rẫy những vô lý!
– Đúng thế! – Vận khẳng định – Họ chẳng hiểu dầu nặng(*) là cái quái gì cả. Ở buồng máy, máy cái đang hoạt động, thợ máy vẫn làm việc đều đều liên tục hàng tháng. Còn ở đây sau mười tiếng máy nghỉ mới làm việc thì hơi dầu ở đâu ra? Đem các loại dầu này ra mà châm vào lửa cũng không thể nào cháy thì làm sao có đủ cái nồng độ và nhiệt độ cháy tới to ≥220oC ở cái chỗ thợ sửa chữa vẫn làm việc bình thường?
Hạnh buồn bực tức. Tay bấm máy gọi Tiến:
– Ông đến ngay chỗ tôi!
Có tiếng gõ cửa. Tiến mở cửa bước vào. Hạnh không giữ được bình tĩnh, nên cái giọng nặng nề:
– Này, điện trưởng. Khi nước rơi vào bóng đèn vỡ thì điều gì sẽ xảy ra?
Quang Tiến ngạc nhiên. Nhưng anh hiểu ý Hạnh:
– Thì sẽ thế này anh ạ. Không khí có áp suất 780mmHg, sẽ tràn vào bóng đèn làm thay đổi áp lực nạp của nó từ 580-600mmHg. Do đó dây tóc bóng đèn sẽ đứt ngay tức khắc. Mạch điện bị ngắt. Đó là nguyên lý đảm bảo an toàn cho các bóng đèn dây tóc thắp sáng.
Máy trưởng Vận nhận xét:
– Bóng đèn cargo 500Watts ở tầng hai, nơi quy kết phát sinh cháy mà ở đó không có thiệt hại gì kể cả két dầu mở nắp không bị bốc cháy thì quả là nhận xét vu vơ…
Lời Vận như một suy diễn logic, nhưng không ngờ lại là lửa đổ thêm dầu làm Hạnh bực tức:
– Thật ngu hết chỗ nói!
Quang Tiến muốn không khí dịu lại nên gợi ý:
– Bản báo cáo thể hiện rõ sự sơ sài. Kết luận mang tính chất suy diễn biện minh vì thế thiếu khoa học, khó có thể tin cậy tìm ra một sự thật. Do đó đề nghị phải được giám định lại.
– Phải làm lại! – Hạnh đập tay vào đùi.
Quang Tiến mang bộ mặt niềm tin hy vọng:
– Có thể phải nhờ Viện Khoa học hình sự.
Vận đang đăm chiêu suy nghĩ gì đó, bỗng ngẩng lên:
– Tôi cũng thấy cần như thế.
Quang Tiến đề đạt tiếp:
– Anh Hạnh ạ. Theo tôi để có thể chuẩn bị cho việc giám định có hiệu quả, ta cần nêu mấy nội dung chính sau: một là vị trí điểm xuất phát cháy? Hai là loại chất cháy là gì? Ba là nguồn nhiệt nào gây cháy? Bốn là điều kiện và nguyên nhân nào gây ra?
– Tôi nhất trí với ông – Hạnh nói nghiêm túc hơn – Tôi nhờ điện trưởng thảo cho tôi bản đề nghị giám định càng sớm càng tốt. Nếu có thể sau đây vài tiếng ta gửi đi ngay.
– Nhất trí! – Quang Tiến vui vẻ nhận lời.
Yêu cầu của thuyền trưởng Hạnh đã được chấp nhận.
Đoàn giám định do Vô Lương, giám định viên cao cấp về cháy nổ dẫn đầu đã xuống tận buồng máy tàu Lạch Tray. Sau một ngày khai thác thực nghiệm dựng lại hiện trường, đoàn viên đang uể oải thu dọn đồ nghề thì Tiến lân la tới. Anh hỏi một nhân viên đoàn:
– Anh vui lòng cho mượn cái máy đo nồng độ hơi dầu nhá? Chúng tôi đang muốn khống chế và khắc phục sự cố bay hơi dầu ở buồng máy đây.
Nhân viên giám định thật thà:
– Rất tiếc là chúng tôi bỏ quên ở nhà.
Sợ nhân viên đoàn nói dối, Tiến tiếp cận đoàn trưởng:
– Báo cáo thủ trưởng, tôi xin mượn cái máy đo nồng độ hơi dầu một chút, xin bác cho phép ạ.
Đoàn trưởng Vô Lương hỏi nhân viên của mình:
– Máy đo nồng độ dầu đâu?
– Dạ…thưa, không có ạ.
Vô Lương ngớ người. Song anh tự trấn tĩnh ngay và rải chậm lời trí trá:
– Không… thể… được. Phải giữ lại thông số trên máy chứ? Dịp khác vậy.
Sau bữa cơm thân thiện, Hạnh mời trưởng đoàn về buồng mình. Anh tỏ lời cám ơn và xin ý kiến. Vô Lương nói:
– Khó có thể xác định do bóng đèn. Tiếng “bụp” đầu tiên có ở tầng hai nơi treo bóng đèn đâu? Vả lại, cái nhiệt tức thời cao đến thế chỉ trong dăm phút, không thể là dầu. Là cái gì đó không có trong danh mục trên tàu. Cái đó các anh khắc biết. – Vô Lương cười khình khịch, thách đố – Con dại, cái mang, biết sao!
Hạnh lé tái mặt. Vậy là y ám chỉ có đồ buôn lậu? Còn mình phải chịu trách nhiệm cao nhất? Hạnh hạ âm lượng:
– Dạ. Trăm sự nhờ cấp trên thôi. Các anh bảo sao chúng tôi làm vậy. Vì đó là khoa học. Thôi thì trước lạ sau quen… Chúng tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ…
Vô Lương ngắc ngư cái đầu ra vẻ nhận lời rồi chìa tay bắt:
– Thôi được. Nhất trí thế. Kết quả không ngày một ngày hai trả lời được vì phải phân tích đánh giá. Có gì các anh lên tôi. Cardvisit của tôi đây… Vậy nhé!
Qua bao nhiêu ngày chưa thể trả lời kết quả giám định. Vô Lương rất băn khoăn, nhất là mỗi khi thuyền trưởng Trần Hạnh tới gặp. Anh ta vô tư quá. Mỗi lần như thế, cái tấm quà anh ta để lại, làm Lương càng băn khoăn hơn. Kẻ chết đã chết rồi, không cứu được nữa. Song còn những kẻ đang trong dòng nước cuốn sắp chết trôi kia, dù ta ra tay cứu vớt cũng chỉ được một người… Chiếc bút bi trong tay Vô Lương lăn đi lăn lại. Bàn tay anh không xác định được viên bi sẽ lăn theo hướng nào. Anh bần thần. Đầu bút bi chấm trên giấy vạch lên những đường vạch vô hướng run rẩy lèo ngoèo. Vô Lương cúi nhìn như dán vào đường nét bút bi. Hình như nét vạch làm trang giấy nứt rẽ? Anh lấy ngón tay cạo cạo, di di trên nét vô hồn ấy. Mầu mực đen đã nhuốm nhòe nhoẹt cả trên năm đầu ngón tay anh. Tâm trạng rã rời vô hối như vừa qua trận ốm mà những con siêu vi nhỏ bé không thể thấy bằng mắt con người đã đục khoét cơ thể. Vô Lương gục đầu xuống. Mái tóc rũ rượi buông trên phần trang giấy trắng phau. Vô Lương lấy hết sức bình sinh hất cái đầu lên. Anh xòe bàn tay vuốt cái mặt mình từ trán xuống cằm. Xong rướn người ra sau ghế lấy khí thế, để có thể bắt đầu viết ra cái việc anh phải viết ra nó. Đấy là những lời kết luận của bản giám định anh giữ hoàn toàn quyền năng. Tuy nhiên việc giám định phải trả lời được bốn yêu cầu của khách hàng. Vô Lương đặt bút viết:
1.Vùng cháy đầu tiên nằm khoảng giới hạn không gian nhỏ có treo bóng đèn 500Watts đang thắp sáng.
Dừng bút lại, Vô Lương đắn đo. Có thể có bốn thằng nhìn thấy ở một nơi khác đầu tiên như bản “Báo cáo vụ cháy”. Nhưng… ba thằng đã chết rồi, còn một ngấp ngoái. Lúc hoảng hốt, làm sao nhận biết đâu là vùng cháy đầu tiên? Có thể điều này tạm ổn. Anh viết tiếp:
2. Chất cháy đầu tiên là hỗn hợp khí của hơi nhiên liệu diézen với không khí.
Đầu bút bi trong tay Vô Lương rê trên hàng chữ. Anh nghĩ, dĩ nhiên nhiên liệu phải ở thể hơi. Vô Lương đắn đo, ở điều kiện buồng máy không nóng, thợ sửa chữa làm việc được thì loại dầu nặng làm sao bay hơi được nhỉ? Anh giật mình nghĩ tới thằng điện trưởng con tàu hỏi mượn máy đo nồng độ diézen. Ừ một thằng lỏi con khá thông minh đấy. Cái máy đo nồng độ hơi dầu hôm ấy bị quên ở nhà lại hóa may. Thằng lỏi không có số liệu minh chứng. Còn nếu mình có một số liệu thật đồng nhất như nó có thì sự việc sẽ giải thích ra sao? Không có số liệu, sự mơ hồ dễ làm lòng tin mơ hồ thật giả.
Vậy còn nguồn nhiệt? Nếu điều 1 và 2 trên đây chấp nhận thì nguồn nhiệt gây ra nổ-cháy sau đây phải là điều tất nhiên. Vô Lương lại cầm bút viết :
3. Nguồn nhiệt gây ra sự nổ-cháy hỗn hợp khí của hơi nhiên liệu diézen vơi không khí chính là nhiệt độ cao trên bề mặt bóng đèn 500Watts (điện thế 220-230V) đã dùng thắp sáng.
Vô Lương thả bút xuống lấy lại sự thăng bằng. Tay cầm lấy bao thuốc lá State Express 555 màu vàng chanh đậm còn bọc nguyên si giấy bóng mà thuyền trưởng Hạnh vô tình để quên lại. Mở bao, rút một điếu, thói quen anh dộng dộng đầu file lọc rồi ngậm vào mồm. Rút chiếc bật lửa mới toanh hình thiếu nữ tân kỳ Hạnh cũng bỏ quên, anh bật đánh xòe. Thiếu nữ dạng chân. Ngọn lửa đỏ viền bóng xanh bùng lên giữa hai đùi thiếu nữ bén vào đầu điếu thuốc. Hít một hơi dài, luồng khói nhả ra từ miệng anh tạo những vòng tròn vành vạnh liên tiếp nối nhau. Cảm giác sảng khoái lan khắp cơ thể. Hình như đầu óc anh trở nên minh mẫn. Những kiến thức cháy nổ xa xăm từ ghế nhà trường trỗi dậy hiện ra đến chi tiết nhảy múa trong đầu. Vô Lương chộp lấy bút bi hì hục viết như sợ nó trôi đi bài học thuộc lòng.
4. Điều kiện, nguyên nhân dẫn đến cháy: Hỗn hợp khí của hơi nhiên liệu diézen với không khí đạt đến nồng độ nằm trong giới hạn bắt cháy từ 0,6 đến 6% thể tích và gặp nguồn nhiệt có nhiệt độ to ≥ 220oC.
Vô Lương reo lên: À! Vậy là cái thực nghiệm đo nhiệt độ bóng đèn 500Watts ở trên tàu là phù hợp. Anh viết:
Thực nghiệm thấy bề mặt bóng đèn thắp sáng đã dùng tới 255-300oC nên hỗn hợp khí này dễ dàng bốc cháy.
Dấu hiệu mở đầu cho sự bốc cháy hỗn hợp khí là xuất hiện tiếng nổ “bụp” với áp suất nổ cực đại 7,4 at (bằng 0,74 MPa) đẩy tạt nghiêng bóng đèn làm bóng đèn nứt vỡ rồi tắt lịm. Sự bắt cháy hỗn hợp khí của hơi nhiên liệu diézen diễn ra nhanh trong môi trường nhiệt độ cao…
Vô Lương dừng lại. Đọc lại đoạn này rồi tần ngần suy nghĩ, “hơi bị lý thuyết”. Song anh tự đặt ra tình huống giải thích cho mình:
Bình thường rất khó nhận biết ngọn lửa lan truyền của cháy. Sự cháy được duy trì và tiếp tục lan truyền thành ngọn lửa, chẳng hạn sẽ nhìn thấy dạng lốm đốm….
Vậy là Vô Lương thỏa hiệp với cách lý giải tù mù của mình. Anh vất cây bút bi xuống bàn đánh toẹt. Xếp lại những trang anh vừa viết nhét vào chiếc bao túi nhựa đã đề sẵn bên ngoài “Tài liệu giám định vụ cháy tàu”. Vô Lương đứng dậy vươn vai ba cái, ngáp miệng hết cỡ một cái, tiếp tục ra ngoài sân hít hít, lấy lại sự thỏa mãn.
Những trang viết của anh kia sẽ được đánh máy. Viện trưởng sẽ ký và được đóng dấu đỏ chót vào cuối góc trái, gửi trả lời cho khách hàng của anh, cho các cơ quan pháp luật liên quan làm cơ sở đánh giá.
Rồi người giữ quyền công tố đã có trong tay bản giám định làm cơ sở truy tố phạm nhân. Và Tòa án nhân dân thành phố mở phiên tòa sơ thẩm vụ “Quang Tiến và đồng bọn can tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng” .
Phiên tòa đã triệu tập đủ các thành phần liên quan tới dự, trừ Vô Lương vắng mặt không lý do.
Tới phần tranh luận, vị luật sư bảo vệ Quang Tiến đã đưa ra lý lẽ :
– Thưa quý tòa, người đại diện giữ quyền công tố đã dựa hoàn toàn vào bản giám định của ông Vô Lương. Song bản giám định ấy đã bộc lộ hoàn toàn sự thiếu thuyết phục sau:
Một là làm sai lạc sự thật đã xảy ra. Ngay ở điểm một phần kết luận, vùng cháy đầu tiên không nằm ở bóng đèn 500Watts treo ở tầng hai mà nằm ở tiếng “bụp” đầu tiên ở bánh đà cuối buồng máy tầng trệt. Người nghe thấy vẫn còn sống là thợ cả Lê Thanh.
Hai là bản giám định thiếu khoa học. Cho rằng chất cháy là hỗn hợp khí diézen với không khí, vậy nồng độ cần thiết gây cháy là bao nhiêu? Bản giám định không đưa ra được. Thực tế không thể có nồng độ diézen tới điểm cháy này. Muốn cháy phải có hai điều kiện, thứ nhất nồng độ tối thiểu phải là 0,6% thể tích không khí. Thứ hai, phải có một tác nhân cháy trước sinh nhiệt cao mới gây cháy. Để có được điều kiện thứ nhất, trên tàu phải có nhiệt to≥80oC, điều này không có ở buồng máy khi thợ sửa chữa đang làm việc bình thường. Để có được điều kiện thứ hai, thì nhiệt ở chiếc bóng đèn 500Watts không thể nào làm cháy được. Thưa quý tòa, nếu quý tòa cho phép, xin đưa ba loại dầu ấy thử đốt ngay ở đây cho mọi người chứng kiến. Nó sẽ trả lời đúng đắn nhất.
Mặt khác, hỗn hợp hơi dầu cháy trong không khí không thể trong dăm bảy phút đạt được mức nhiệt làm nóng chảy kim loại. Kim loại chảy mà đổ cho hơi dầu nặng cháy thì thật là phi lý.
Ba là, cho rằng nguồn nhiệt do bóng đèn 500Watts? Đơn giản, bóng đèn vỡ, dây tóc sẽ tự ngắt. Đó là nguyên lý an toàn để chế tạo bóng đèn. Ở đây không có đoản mạch gây hồ quang như sự thật có ở trên tàu. Kiến thức cơ bản này người có học nào cũng không thể nhầm lẫn. Vì thế áp đặt tội cho bóng đèn là sự lầm lẫn cơ bản của người kết luận giám định.
Bốn là, bản giám định đưa ra hỗn hợp diézen đạt đến nồng độ bắt cháy là 0,6 đến 6% thể tích. Tôi hoàn toàn nhất trí. Vậy tại cái bề mặt bóng đèn 500Watts ấy nồng độ đạt tới giới hạn bắt cháy chưa? Không đưa ra được số liệu thì kết luận làm sao tin cậy được? Song tôi cũng xin trả lời rằng không. Một trăm lần không trong điều kiện con tàu yên tĩnh này!
Do đó một lần nữa tôi khẳng định đây là bản giám định không khoa học nên không thuyết phục, nếu chưa nói nó giả tạo, ngụy biện. Lộ rõ điều thiếu trong sáng. Đã là người khoa học không thể tựa vào những điều không khoa học để luận tội con người. Do đó, là người bảo vệ cho thân chủ tôi, cho rằng Quang Tiến là người vô tội.
Tôi đề nghị quý tòa cho phép được điều tra giám định lại một cách khoa học, thuyết phục để tìm ra đúng sự thật, đúng người, đúng tội.
Từ các hàng ghế dự khán, đồng loạt tiếng vỗ tay nhiệt liệt rầm rầm vang dậy. Vị thẩm phán giữ chủ tọa phiên tòa đã rung hết một hồi chuông, nhưng tiếng vỗ tay không dứt. Ông đã phải đứng lên giơ chuông rung tiếp mạnh hơn. Sợ khán giả của ông không trông thấy hoặc không rõ tiếng chuông nên ông đã nhoài người về phía trước chìa chiếc chuông ra rung thật to cho mọi người nhìn rõ, nghe rõ. Ấy vậy mà tiếng vỗ tay cứ kéo dài lê thê mãi mới dứt dần như những tiếng pháo rơi cháy chậm vẫn còn lẹt đẹt.
Phiên tòa tới đây không có phần luận tội.
Sau phần nghị án, ông chủ tọa phiên tòa tuyên bố, bản án hủy bỏ, điều tra lại. Đề nghị xét xử vụ án theo trình tự luật tố tụng hình sự.
Có lẽ hiếm thấy sau một phiên tòa dân sự lại có ngay cuộc họp báo như vậy tại trụ sở Hội Nhà báo thành phố. Phóng viên của hơn chục tờ báo trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các luật sư, đại diện Viện kiểm sát, đại diện Tòa án nhân dân… có mặt đông đủ. Dưới sự chủ tọa của ông Cục phó Cục điều tra hình sự. Ông nói, như các quý vị đã chứng kiến tại phiên sơ thấm, tôi cho rằng chủ tọa phiên sơ thẩm cho điều tra lại là xác đáng. Bây giờ mới các nhà báo hỏi, các câu hỏi xoay quanh vụ án này.
Nhiều cánh tay giơ lên. Một phóng viên được chỉ định :
– Hiện diện có Giáo sư Tiến sĩ hóa học Gia Ngọc. Xin Giáo sư cho biết khả năng bay hơi và bốc cháy của dầu có trên tàu Mv Lạch Tray?
Giáo sư Gia Ngọc :
– Thưa quý vị. Loại dầu FO, DO, LO dùng trong máy tàu thủy là loại dầu nặng chỉ bốc hơi được ở to = 80oC. Khi bốc hơi khó đạt được nồng độ 0,6% để có thể cháy được, trừ trường hợp có một tác nhân gây cháy trước sinh nhiệt cao rồi mới cháy hơi dầu. Hơn thế nhiệt cháy hơi dầu tối đa khoảng 700oC không thể chảy kim loại.
Một phóng viên khác hỏi :
– Tôi thấy có mặt của Kỹ sư Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy bóng đèn. Xin kỹ sư cho biết khả năng cháy nổ của bóng đèn 500Watts ?
Phó Giám đốc kỹ sư Nhà máy đèn :
– Trường hợp thứ nhất, hồ quang điện làm nóng chảy phần dây tóc ở sát với đầu nối ở dây dẫn làm đứt dây tóc thì mạch điện tự ngắt. Hoặc quá nhiệt làm nứt vỡ các chi tiết thủy tinh, không khí tràn vào thay đổi áp lực bóng, dây tóc cũng tự đứt. Các trường hợp này không gây nguy hiểm cho lưới điện. Trường hợp hai, nếu hồ quang điện làm nóng chảy dây tóc gây ra nối mạch ngắn (đoản mạch) hai dây dẫn trong bóng đèn, dẫn tới dòng điện trong mạch tăng lên cực lớn gây ra sự quá nhiệt làm nóng chảy dây dẫn. Nếu mạch điện không có cầu chì thì lưới điện sẽ bốc cháy.
– Vậy xin hỏi tiếp. Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi rõ, bảng điện điều khiển cầu đóng mở, đang ở tình trạng đóng, ngắt điện. Hệ thống điện không có hiện tượng chập mạch, nghĩa là trường hợp hai như kỹ sư nói không xảy ra? Vậy biên bản ghi nước mưa chảy vào làm vỡ bóng đèn gây cháy nổ. Điều này xảy ra không?
– Không thể !- Kỹ sư giải thích tiếp – Vì nước mưa có dội vào khi đèn đang cháy vỏ thủy tinh nếu nứt vỡ, dây tóc tự cụt tức khắc!
– Nghĩa là không có tia lửa điện nào xẹt để gặp hỗn hợp hơi dầu gây cháy?
– Hoàn toàn đúng! – Vị kỹ sư khẳng định.
Một phóng viên tiếp theo :
– Thưa bác sĩ Ngô Quý, chuyên viên Pháp y. Trên cơ thể nạn nhân bị cháy, nếu bỏng do hơi dầu cháy thì sao tóc, quần áo không cháy? Da thịt bị cháy độ 2-3, sau 3-5 ngày đã ăn sâu vào đến tận xương như theo dõi của bệnh viện Chấn thương. Không thể là nhiễm trùng gây ra cái chết cho người nạn, vậy có thể là cháy hơi dầu được không?
Bác sĩ Ngô Quý :
– Thưa có số chi tiết quan trọng: Vụ cháy xảy ra sau một tiếng “bụp”. Trong thời gian năm phút nhiệt tức thời rất cao. Nếu chi tiết chính xác thì đây là chân dung điển hình của vụ cháy hóa chất! Có thể nói rõ thêm, loại hóa chất thể đặc háo Oxy, dễ bắt cháy. Trong chiến tranh, các mảnh bom lân tinh của Mỹ thả, trúng vào da thịt người thì vẫn tiếp tục cháy. Nếu có chứng cứ sống là nạn nhân của vụ cháy sẽ xác định được tác nhân gây bỏng, thì tìm được tác nhân gây ra vụ cháy. Rất tiếc là người điều tra ban đầu không cho yêu cầu nên vắng tiếng nói của pháp y.
Nhiều phóng viên giơ tay. Các câu hỏi được đặt ra và có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
– Nhân viên khám nghiệm hiện trường đã làm đúng theo quy định hướng dẫn của Bộ chưa?
– Xét toàn bộ nội dung đã có thì chưa!
– Có thể tin kết luận cháy hơi dầu mà các két dầu mở nắp sát vị trí sinh ra cháy lại không bị cháy dầu không?
– Sự việc đã gần rõ ràng cho việc xác định không phải do bóng đèn và không phải do hỗn hợp khí dầu. Người giữ quyền công tố không hiểu khoa học hay cứ có con dấu đỏ bên cạnh thì phải tựa vào nó?
Không gian bỗng chùng xuống. Không có ai phát biểu trả lời. Ông chủ tọa đáp :
– Câu trả lời này giành cho người giữ quyền công tố. Nhưng chúng tôi biết, đồng chí Thứ trưởng Minh Tâm đã cho hoãn công bố bản giám định này vào giờ chót tối qua!
Cả hội trường vỗ tay râm ran. Lại có câu hỏi tiếp.
– Khi khoa học được sáng tỏ, những ai làm sai trái khi điều tra có cần xin đính chính trên các thông tin đại chúng?
Cả phòng xôn xao. Có tiếng nói có, có tiếng nói không. Không có cuộc giơ tay biểu quyết nên không rõ ý kiến ngiêng về phía nào. Ông chủ tọa lại có lời xếp đặt:
– Vâng, không ai có ý kiến giải đáp câu hỏi này, thì câu hỏi sẽ giành cho những bản báo cáo phạm vào khuyết điểm thiếu khoa học hoặc làm sai lệch sự thật.
Cuối cùng một văn bản họp báo đưa ra kiến nghị trưng tập một Hội đồng khoa học rộng rãi để đánh giá khoa học về vụ cháy tàu.
. Chương 16
. Trần Lắm cầm tờ quyêt định điều động anh về công tác tại phòng Kinh tế Đối ngoại Tổng Công ty. Buổi chiều ngày thứ hai văn phòng Đối ngoại chỉ còn có Đăng Hạ trực. Trần Lắm gõ cửa rồi bước vào phòng. Đăng Hạ ngước nhìn ra cửa, đon đả:
– Ồ ! Chào anh Trần Lắm!
– Chào Đăng Hạ.
– Biết tin anh về phòng, mọi người chờ anh mãi.
Trần Lắm thanh minh:
– Cám ơn em. Sáng, anh còn tới Công ty có công việc cuối cùng ở đó. Khỏe không em?
Đăng Hạ tới bàn khách rót nước:
– Anh coi đó. Em có khỏe không?
– Em giỏi thật đấy. Vẫn giữ được nét thiên thần. Cái bí quyết nào cho em được thế ? Bọn con trai các anh đến thèm khát.
– Anh xạo em rồi. Nhưng em bật mí nhé. Em phải cám ơn Jean Fonda(*) đã trao bửu bối cho em!
– Hèn nào!
– Nhưng em thương cô ấy quá. Từ khi trao cho em rồi cô ấy yếu đi. Suy cho cùng, con người ta cái cần đầu tiên là sức khỏe. Khỏe đã. Có sức mới rải thảm được cho mình. Rải rồi, từ từ mà bước phải không anh?
– Em! Anh có cảm tưởng trong em chứa đựng hai con người. Mỗi con người ấy chứa đựng một quốc gia. Cái lý của em đậm tính phương tây. Logic như một chân lý. Đấy, em được học ngoại ngữ bài bản từ ở nước ngoài có lợi thế là vậy. Chứ anh dạo ấy cắm cúi học để lấy cái nghề. Ngoại ngữ với bọn anh đơn thuần là con thuyền chuyển tải dụng cụ đồ nghề. Bản chất trong lòng nó không chủ tâm chứa đựng kim cương hay đá quý, không mang được hết những giá trị thẩm mỹ văn hóa quốc gia. Anh thua em ở chỗ này.
– Anh à. Ta về đây để làm việc. Mỗi người có một thế mạnh riêng. Em nghĩ, anh em mình biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, bổ sung lẫn nhau, được thế là điều quý nhất.
Trần Lắm cười đắc chí. Anh đưa tay, bắt tay Đăng Hạ:
– Ok! Anh nhất trí với em.
– Ok! Cảm ơn anh.
Những ngày tiếp theo với Trần Lắm là những ngày tự tìm hiểu công việc, sau khi trưởng phòng của anh gặp gỡ nói khái quát tầm công việc vĩ mô của phòng. Do đó anh được ngồi lại nghiên cứu những văn bản then chốt chủ đạo công tác của phòng. Vốn là người làm công việc quản lý nên anh đến nhiệm sở rất đúng giờ, ra về cũng thật nghiêm túc.
Chiếc bàn Trần Lắm ngồi làm việc đối diện với bàn của Đăng Hạ. Trên bàn Trần Lắm đặt sơ sài tập giấy mỏng mảnh đính đinh ghim. Còn bàn Đăng Hạ từng tập sách bìa cứng dày cộm. Trước mặt cô là tập bản dịch văn bản chi chít những dấu ghi chú đỏ tươi. Mỗi lần Trần Lắm ngẩng lên lấy lại sự thanh thản thì con mắt anh lại bắt gặp một mỹ nhân trực diện, không thấp thoáng ẩn hiện, không bao giờ lẩn tránh. Điều đương nhiên ấy làm anh đỡ bối rối, đỡ mệt óc hơn nhiều. Nhưng không biết tự bao giờ, anh cứ nhìn lâu vào cái màu đỏ, anh lại thèm hút thuốc. Cái cuốn sách trên cùng ở chồng sách trước mặt Đăng Hạ có cái bìa dày đỏ chót như màu cuốn tuyển của Mao đập vào mắt Trần Lắm làm anh không cưỡng nổi cơn ghiền. Trần Lắm đã ý định quyết tâm bỏ thuốc lá. Đến ngồi ở cái phòng này có máy lạnh, không được hút thuốc củng cố quyết tâm cho anh. Song tệ hại thay cái màu đỏ chót vô tình ấy cứ khơi gợi và anh đã phải ra ngoài. Đăng Hạ thấy anh đi ra nhiều lần. Có lần cô thấy anh chỉ thấp thoáng ngoài cửa. Lúc anh vào, thoáng qua cô nhận ra mùi thuốc lá vương theo. Đăng Hạ hít hít rồi cất tiếng, tuy vẫn cúi mặt như làm thinh:
– Thơm quá.
Trần Lắm cười:
– Em lại trêu anh rồi.
Lúc này Đăng Hạ mới bỏ bút và ngẩng lên:
– Anh! Thơm thật đấy mà.
– Phòng có điều hòa nên anh phải ra ngoài, em ạ.
Đăng Hạ gợi ý cởi trói cho anh:
– Thì khi nào chỉ có hai, anh và em thôi, anh cứ hút. Em được thơm lây.
– Em không hút à?
– Em thôi lâu rồi!
– Em thật thiên thần! Nhưng người khác vào sẽ khó chịu.
– Thì em phải chấp nhận thiệt thòi.
– Ok. Cảm ơn em.
Có tiếng gõ cửa. Trần Lắm ra mở. Người trước mặt anh là Hạnh lé. Trần Lắm hồ hởi đưa tay ra bắt:
– Ôi Hạnh. Lên bao giờ thế ? Vào đây.
Cả hai vào ngồi ở bàn tiếp khách. Đăng Hạ pha trà mới, đưa đến. Trần Lắm giới thiệu :
– Đây là Hạnh, thuyền trưởng tàu Lạch Tray, tân phó Giám đốc công ty. Còn đây là Đăng Hạ, chuyên viên phòng Đối ngoại.
– Chào anh Hạnh. Em được biết tên anh từ lâu. Bây giờ mới hân hạnh được gặp.
– Chào cô Hạ. Hôm nay có công chuyện lên đây, nhân tiện vào thăm anh Trần Lắm, thuyền trưởng cũ của tôi và thăm phòng ta.
– Cám ơn tân phó Giám đốc.- Đăng Hạ nhoẻn cười- Các anh ngồi uống nước đi, em đang mải dịch gấp cho kịp hẹn.
Đăng Hạ yên vị, Trần Lắm mới ghé sát Hạnh hỏi nhỏ:
– Giải quyết tai nạn đến đâu rồi?
Không ngờ Trần Lắm cũng tò mò chẳng kém mấy anh nhà báo. Nhờ thế Hạnh nhập đề một cách dễ dàng:
– Báo chí rùm beng quá anh, chứ không thì xong rồi.
– Nhưng qua được là các cậu quá giỏi. Mình phục.
– Phải bôi thật trơn. Nó không cho pháp y là may.
– Lôi thôi nó cho đào bới xác.
– Một năm rồi còn gì! Không biết pháp y về xương thì sao nhỉ ? – Hạnh lo lắng, thở dài.
– Chứng cứ rõ rành. Sao che được mắt mấy nhà khoa học?
– Chuyện này thật vô tình. Có chăng thì hậu quả do chuyến trước mà thủ phạm chỉ là thằng Kiệt quái. Nó bị nạn trước khi tài sản của nó trả về cát bụi. Nghe đâu mấy con thủy sinh bám phía đuôi tàu đánh rớt xăng bắt phải mồi thuốc lá… Một thằng bị toi. Bọn thủy sinh vội vã chạy xuồng biến dạng…
– Bọn nào vậy?
– Có biết chúng ở đâu!
– Thế sao nổ?
– Anh có nhớ cái cửa thoát hiểm phía cuối buồng máy?
– Có.
– Chắc nó giấu ở phía ấy…
– …Phừ… rừ.. – Trần Lắm thở một hơi dài ngao ngán.
– Anh Lắm ạ. Anh đi tàu, là người rất hiểu cái nghiệp tàu bè, anh lại chính ở cái tàu đó nên rõ ngóc ngách có thể đi guốc trong tim thủy thủ của anh. Vì thế không thể giấu anh được. An cây nào rào cây ấy. Thôi thì phải lấy cái quyền lợi cho đa số thuyền viên làm quyền lợi công ty, cho nên tôi trình bày sự thật. Tôi biết anh với Quang Tiến là bạn từ tấm bé. Tôi cũng thương anh ấy lắm. Song nghĩ tới quyền lợi công ty, đành để cho pháp luật điều tra, kết luận theo cách họ làm.
Trần Lắm chau mày, giọng nặng nề, dồn trọng âm vào điều anh muốn nói:
– Để cậu trốn tù…ù chứ gì?
Hạnh lắc cái đầu. Anh bỗng giật mình hối hận nói ra sự thật với Trần Lắm. Thôi thì đã vào trò chơi, anh lật ngửa ván bài. Tuy nhiên Hạnh vẫn giữ một cái thế dụ hổ ly sơn.
– Bây giờ anh kết án gì, em cũng phải chịu. Song nghĩ cho cùng, anh là người may mắn nhất vì đã bước đi trước một bước. Nếu sự việc vô tình này xẩy ra lúc anh đương là thuyền trưởng như em thì sẽ thế nào? Cái số phận nỗi oan trái ấy khó tỏ cùng ai, phải không anh?
– Hèm… ! –Trần Lắm hắng giọng.
Phạm Hạnh nhìn thẳng vào Trần Lắm:
– Vì thế em lên xin ý kiến anh một phương án khả dĩ nhất cho sự vụ này đỡ tổn hại nhất tới công ty, và đỡ thiệt thòi cho nhiều người nhất…
– Nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra, luận cứ của họ không thể nào bác bỏ. Điều ta muốn khác đi chỉ đánh lừa được con nít chứ nói dối sao được dư luận? Giữ được như bản giám định là khó, thật khó.
– Thật khó. – Phạm Hạnh trầm tư – Nhưng phải cố mà lo thôi anh. Biết sao được.
– Quang Tiến thì sao?
– Anh ấy chân thực quá. Thương anh ấy lắm nhưng ai thương mình?
– Tôi hỏi là chính Tiến có biết cái chất có thể là Fluen ấy cháy không?
– Em nghĩ là không! Vì anh ấy không có mặt lúc cháy. Khi anh ấy về tàu, hiện trường có còn như cũ nữa đâu!
– Vậy là các cậu cố tình đổ cho Tiến à?
– Không, không! Làm gì có chuyện đó. Chỉ có là phải tự thân vận động, cứu mình trước khi trời cứu. Mình phải thật khách quan để giành cho sự điều tra, giám định của bên pháp luật.
– Vậy thì…các cậu muốn gì ở mình?
– Anh ạ. Không có yêu cầu gì lớn với anh. Chỉ có là ta giữ thái độ thật khách quan để giành quyền cho pháp luật mà thôi. Em nghĩ mọi sự gợi ý khác đi của người trong cuộc e là sẽ bất lợi cho công ty.
Trần Lắm như kẻ thú tội:
– Thôi được rồi. Tôi hiểu, tôi đang ngồi ở chỗ nào.
– Vậy xin cám ơn và nhờ sự tin cậy của anh!
Hạnh về rồi, Trần Lắm mới có thời gian nghĩ ngợi. Cho đến giờ phút này Hạnh đã là phó giám đốc công ty. Còn mình chỉ là một trưởng phòng của công ty ra đi. Vì thế anh đã trả lời Hạnh như một lời sám hối.
Chưa được dăm tháng, Trần Lắm nhận quyết định giữ chức phó Phòng Đối ngoại Tổng công ty, trước cả hy vọng. Nhưng tác động nào để cái chức vị này đến sớm thì cứ lởn vởn thành vòng suy diễn. Chiếc bàn anh ngồi vẫn đối điện với bàn Đăng Hạ. Cái ghế ngồi vẫn ấp iu anh như mấy tháng trước đây. Và ngay cả Đăng Hạ thái độ đáng có cũng không có gì thay đổi trong mối quan hệ như những nhân viên khác trong phòng. Điều đó đủ cho kinh nghiệm Trần Lắm phán đoán tại sao và nó có mối liên hệ gì với nhau? Đắn đo mãi, Trần Lắm mới gợi ý:
– Đăng Hạ, anh mời em đi uống nước được không?
– Được chứ anh. Nhưng mà lúc này không thể.
– Tiếc nhỉ!
– Vậy là dùng café rửa chức phải không? Phải thế thì em đi!
– Cám ơn em. Cũng có ý nghĩa là như vậy.
Âm thanh êm dịu bản Sonate Anh Trăng của Beethoven đã đưa Đăng Hạ về miền cỏ xanh bát ngát dịu mát, cái nơi huyền ảo cô từng đến phía trời tây. Ngả lưng mềm mại trên chiếc ghế nilon, Đăng Hạ lim dim thả hồn theo từng nốt nhạc. Đôi lúc cái mũi cơn cớn hít hít mùi thuốc lá. Cô cứ nằm thế, cho đến khi Trần Lắm không thể chờ đợi được hơn nữa, anh mới lựa lời:
– Em!
– Có em đây!
– Đăng Hạ à!
– Anh nói đi.
– Em hút thuốc nhé?
– Cái gì em đã bỏ thì không bao giờ bám vào nó nữa!
– Nhưng có Dunhill xanh đây mà!
– Đừng dụ em nữa, em không rồi mà.
– Vậy anh hỏi này, từ xưa tới nay, phòng Đối ngoại không có chức phó phòng mà sao nay lại đẻ ra cái chức ấy?
Đăng Hạ tỉnh bơ:
– Em muốn thế !
Trần Lắm giật mình, hỏi lại:
– Em muốn?
– Vâ…âng!
Trần Lắm chưa thể tin ở tai mình. Song anh thả ra cái niềm vui của kẻ vừa biết ơn vừa đùa cợt thăm dò:
– Cám ơn em này. Ta cụng ly.
Đăng Hạ uể oải ngồi dậy cầm ly café, cụng chát vào chiếc ly trong tay Trần Lắm. Buông ly xuống, Đăng Hạ lại ngả lưng. Con mắt lại lim dim buông hồn theo tiếng nhạc:
– Em muốn kê cho anh cái bệ đấy. Muốn nhảy xa, bệ xuất phát phải chắc. Mà cũng phải thôi, để một trưởng phòng một công ty lên làm nhân viên sao mà coi được!?
Trần Lắm lâm vào thế bị động như con mồi bùng nhùng trong bẫy màng nhện. Anh không dám kéo ngả cái ghế của mình để nằm song song như ý định nữa. Trần Lắm rít thuốc liên tục và nhấm café cũng liên tục. Anh cứ ngồi như lúc ban đầu, bối rối không nói được lời. Bản Sonate Anh Trăng tới nốt nhạc cuối cùng, Đăng Hạ nhổm dậy hỏi:
– Ta về được chưa anh?
– Tùy em!
– Chỉ vậy thôi thì ta để dành thời gian khác nghe anh?
Cái bối rối của Trần Lắm chưa thể tan biến. Đăng Hạ luôn đưa ra tình huống bất ngờ anh không hóa giải kịp, thành ra các động tác thụ động chỉ như lễ tiết xã giao.
– Cám ơn em dành cho anh cuộc gặp hôm nay!
. Tố Hoài