ĐÊM NGÁI NGỦ
Truyện ngắn Tố Hoài
In trong tập truyện ngắn ĐÊM NGÁI NGỦ Nxb Văn Nghệ, năm 2008 và tập Ở NƠI BÃO TỐ, Nxb Thanh Niên năm 2016.
. Thế là những ngày tháng giằng lo thắc thỏm, phập phồng cũng đã vơi đi. Nhìn cu con bé bỏng bắt đầu có da thịt, Thu vui lên đôi chút. Nhớ cái ngày sắp sửa xuất ngũ, Thu phải nịt chặt bụng lại để đi xin việc làm, nghĩ mà rùng mình. Nằm trong bụng mẹ cái phòng của bé vốn chật hẹp, lại như bị trói, khác nào trong tù ngục. Ở chiến trường ác liệt, bom đạn Mỹ đã từng ập lên người vẫn không cản được bước tiến chân vì được trang bị lý tưởng cao cả trong đầu. Còn giờ đi xin việc làm, nhục hơn đi xin ăn. Cái lạnh nhạt nửa có, nửa không ở phòng nhân sự nào cũng u ám tựa hồ vào ngõ cụt, làm Thu tủi ngượng, thoái chí. Song đôi bàn chân chiến sĩ vừa ra khỏi lửa bỏng chiến tranh vẫn còn khá vững.Cô gắng bước tới cái nông trường mới thành lập ở một vùng sâu heo hút. Họ đang cần người đến. Mình đang cần việc làm.
Cu con mới ngót tám tháng trời trong bụng mẹ, nó đã đòi ra ngoài. Sau cơn lăn lộn đứt ruột vượt cạn của mẹ, thằng bé như con chuột lột đỏ hỏn, ngoi ngóp trên vũng máu, cất được tiếng khóc chào đời. Gian nan này không thể viết ra, nhưng bù lại nỗi mong chờ được mẹ tròn con vuông làm cho Thu mừng muốn khóc. Đời là thế, Thu tự an ủi “có mấy ai suôn sẻ?”. Song cô kỳ vọng ở cuộc đời. Tin cuộc đời mới phía trước trong đất nước hòa bình, cô đặt tên con là Kỳ Tân. Thu cố gắng bù lại cho con lúc hoài thai. Không có gì tốt hơn sữa mẹ. Thu gắng ăn để có sữa. Song mấy nay gạo cạn. Bạn bè, cái Thìn, cái Tuất đã dồn cho Thu hạt gạo cuối cùng. Niềm an ủi chỉ còn trông vào nguồn động lực duy nhất: tám kilô gạo tiêu chuẩn của thằng cu mỗi tháng. Mỗi hạt gạo là hạt vàng. Với mẹ đẻ, mỗi hạt gạo là hạt kim cương. Thằng cu chờ sữa mẹ hàng ngày. Mẹ nó chờ hạt gạo sắp đến. Gạo tiêu chuẩn, mỗi hạt gạo là một hạt ngọc.
Bé Hồng nghỉ hè, bồng em giúp chị gái. Từ vùng đồng bằng lên trung du nó rất chi là thích. Đồi nào cũng ngút ngát chọc trời, phủ màu xanh của sắn. Những củ sắn vùng này nhỏ nhắn, củ nào cũng bở tơi, thơm ngon mát miệng. Thế mà mỗi lần nhìn thấy chị nó ăn, cái miệng trẹo đi trẹo vô khổ sở đến nỗi nó phải quay đi để đỡ mủi lòng. Có lần bé Hồng leo lên cái đồi đã thu hoạch trụi lủi ngay sau nhà chị nó. Dưới lớp đất xốp đỏ au lưa thưa những mầm lá sắn non xanh bật lên sau những cơn mưa hè. Nó nhặt những mẩu sắn sót dưới đất đem về hì hục luộc. Nó ăn mãi mà không thấy ngán đến mang tai. Nó nảy ý định mót sắn sau khi chị nó làm về.
Hồng len lỏi như con sóc, lăng xăng hết mầm này đến mầm khác. Cái rổ trên hông nó chất sắn củ đủ các loại hình hài. Củ tròn như qủa trứng. Củ dài như rọc khoai. Củ thì vẹt lẹm. Củ thì ủng eo đã xông ra cái mùi thum thủm. Nhưng làm cho nó ham mót sắn là từ cái bụng đói đầu gối phải bò. Trẻ con mà. Chiều chiều, nó ngóng dài cái cổ ra phía ngõ. Thấy bóng chị về, nó đon đả chạy lên đồi. Có kinh nghiệm, chỉ thoáng, rổ sắn trong tay đã nặng trịch. Cắp bên hông, nó đi xiên xẹo như cái bóng thằng say rượu trước cơn gió hè phe phẩy. Gặp ai nó cũng tớn mũi lên khoe chiến công. Tới nhà bếp, gặp Nem, vợ phó giám đốc nông trường, nó xăn xoe :
– O ơi, coi ri. Cháu mót được nhiều hông?
– Ôi con ni. Mi mót ở mô mà nhiều rứa?
– Trên đồi tề, ngái hơn. Với lại cháu kinh nghiệm rồi!
– Kinh nghiệm chi mi?
Để hả nỗi giận từ bữa qua, bé Hồng cho Nem củ sắn to nguyên vẹn. Nem nướng rất công phu. Đem ăn chỉ thấy mùi thum thủm. Nem tức giận giơ thẳng cánh ném xuống đất, lấy chân dẫm lên làm Nem ngã đánh oẹt. Củ sắn không vỡ, chuồi ra, tróc vỏ trắng như nhe răng cười trêu cợt. Nem lổm ngổm bò lê. Tay xoa mông. Miệng vừa kêu đau, vừa lẩm bẩm, “tổ cha cái con xỏ lá, hắn lừa choa!”. Giờ, cơn hờn dỗi lại trào lên, manh ý nhón tay “gắp lửa…”:
– Mi ăn cắp thì có! Ai xui mi bới sắn của nông trường?
Bé Hồng ngẩn tò te, ngỡ ngàng:
– Ôi, răng o nói cháu rứa? Thiệt không?
Nem nghiến hai hàm răng, mắt mở hết cỡ to chiếm nửa cái mặt vênh váo. Tay xoa đít:
– Tao bỡn với mi đó hả?
– Nỏ phải cháu ăn cắp! – Vẻ mặt Hồng đau khổ– Cháu mót ở đồi đã thu hoạch rồi tề!
– Mót chi! Mót mà nhiều ra ri? Lại có củ to ra ri?!
Nem dậm chân đánh phịch, áp sát, thọc tay tung tóe rổ sắn trên tay bé Hồng. Rổ sắn đổ ụp. Nem bới tìm được một củ sắn nguyên vẹn nhất, to bằng quả chuối tiêu giơ quá đầu, nói như gào:
– Củ ni mần răng gọi là sót? Nỏ ăn cắp, tao chỉ mần con cho mi!
Cái Hồng tức lắm. Mặt đỏ rựng, nước mắt ràn rụa. Nó vóng cái cổ cãi:
– O nói rứa nghe nỏ lọt lỗ tai.
Mặt Nem sần lên, tím lại. Tay khua khoắng:
– A con mất dạy ni ! Mi láo. Mi thách choa hả? …
Đến giờ tan tầm, công nhân đi qua ùn lại, xầm xì. Có tiếng nói vọng vô:
– Ồi, trên đồi có mà đầy tề. Bà muốn lặt thì lên nớ mà lặt, thiếu chi!
– Vài nhãi sắn, cắp với chả trộm – Một lời khác a dua – Lắm chuyện !
– Đừng có cậy mình cậy mẩy! – Tiếng một người rống lên.
Lửa đổ thêm dầu. Cơn tam bành ùn khói. Cái mặt Nem phừng phừng quát nạt, thách thức:
– Đứa mô nói? Có giỏi nói lại choa nghe? Chúng bay hùa với bọn ăn cắp phải không?…
Biết Nem, loại người, vợ phó giám đốc nông trường ni, mọi người tự nhủ yên thân, nên kiềng mặt. Họ lảng dần, để mình Nem lải nhải. Bé Hồng lụi cụi nhặt sắn vào rổ. Xong, nó đứng dậy tấm tức với dòng nước mắt nhòe nhoẹt, len lét bước đi. Nem dạng háng. Mặt vênh. Tay chống nạnh, tay chỉ về phía con bé, chửi đổng:
– Đồ ăn cắp. Choa cho chúng bay biết tay choa!
Bữa cơm tối, Nem bỏ đọi sớm. Cơn tam bành ban chiều còn ngẹn cổ. Căm con Hồng thì chớ, uất cái đám công nhân thì nhiều. “Cả bọn dằn mặt choa răng?”. Nhìn cái nét mặt sần sượng, bì bì của vợ, hiểu có chi đó đã xảy ra, Tiểu nhẹ nhàng khơi gợi:
– Mình khó ở răng, mà ăn, uống chểnh mảng vậy?
Chờ có thế, Nem mới nhập vai:
– Ốm! Ốm chuyện chiều ni.
– Chuyện răng? – Tiểu hỏi.
– Con Hồng ăn cắp sắn. Bắt được quả tang. – Nem đổi giọng vẻ ân tình – Đã nhủ hắn bao lần. Hắn nói láo, cãi lại. Bọn công nhân đi qua lại hùa theo hắn. Thật loạn!
– Răng rứa?
– Rứa đó. Cả một bọn ăn cắp – Nem đau khổ, đem cái vỏ liêm khiết thiết tha ra, bọc vô cái trách nhiệm – Đói thật, nhưng mỗi đứa đào một rổ thì cái nông trường ni chỉ có rã đám!
Nem tỉ tê, rỉ rả. Đau cái nỗi đau nông trường mất của. Căm tức kẻ cắp nhởn nhơ. Nem tóm cái ý ác cho chồng:
– Thật loạn hết chỗ nói. Ông phải ra ngay cái lệnh cấm. Đứa mô vi phạm : phạt. Phạt đau vô! Một cân sắn, phạt ký rưỡi gạo. Thời buổi ni, có rứa chúng mới sợ. Mỗi ngày của cải nông trường bị đánh cắp, choa xót lắm.
– Ừ, để kiểm tra. Ăn cắp thì phạt. Tôi nhất trí, nhưng …
– Nỏ nhưng! – Nem cươp lời, dằn giọng, hun lửa – Ông nỏ tin răng? Bao công sức của nông trường bị mất cắp từng ngày, ông là phó giám đốc, ông chần chừ, ông nỏ sốt rọt răng?
Nem cầm tờ giấy thếp kẻ, đuồn trước mặt Tiểu như lệnh:
– Ông nỏ chịu viết thì ký vô lỗ ni(1). Tôi sẽ viết thông báo cấm. Mai dán lên bảng tin nhà ăn tập thể cho kịp.
Nem cuộn tròn tờ giấy trắng có chữ ký của Tiểu với danh nghĩa phó giám đốc nông trường, chồng Nem, ở dưới góc phải tờ giấy. Cờ đã mở, Nem phất:
– Còn chuyện con Hồng ăn cắp sắn. Ngày mai tôi gọi chú Hóa cho bảo vệ xuống xét nhà, cân đong số sắn ăn cắp, lập biên bản. Lệnh có rồi, cứ thế mà mần!
– Thì cứ nói với bảo vệ kiểm tra, răn đe để làm gương. Tôi đâu cản.
Sớm hôm sau Nem qua nhà Hóa, đội trưởng đội bảo vệ nông trường. Gặp Hóa ở lối rẽ, Nem đon đả khác thường:
– Chào đội trưởng. Anh Tiểu biểu tôi qua biểu chú sau ba giờ chiều ni cho bảo vệ xét nhà con Thu. Em hắn ăn cắp sắn nông trường chứa trong nhà.
Hóa ngỡ ngàng, bán tín bán nghi, phân vân hỏi lại:
– Nhưng hắn ăn cắp khi mô, hả chị?
– Từ lâu rồi! Tôi cản nhiều lần nhưng hắn cố tình moi sắn của nông trường.
Để lấy lòng tin, Nem chìa ra tờ giấy viết sẵn to bằng bốn bàn tay xoè, chữ to nguều ngoào như chữ mới tập viết. Đó là cái Thông báo cấm mót sắn vợ chồng Tiểu mới cho ra lò, không có ngày, tháng, địa danh. Hóa cầm tờ giấy đọc lướt:
THÔNG BÁO CẤM MÓT SẮN
Vừa rồi có một số ngài đi mót sắn và đã lợi dụng để ăn cắp sắn của nông trường. Từ nay nông trường cấm, nỏ cho ai mót sắn trên đồi của nông trường nữa. Kẻ nào vi phạm sẽ phạt 1 kg sắn bằng 1 kg rưỡi gạo.
Ai chấp hành sẽ được khen thưởng, ai nỏ chấp hành sẽ chiểu theo kỷ luật phạt nặng.
P. Giám đốc nông trường
Lê Tiểu (ký tên)
Hóa thở phào, ngẩng lên hỏi:
– Nhưng chị ơi, ở nông trường ni có thấy ai đi mót mô? Các đồi sắn, đồi mô có dấu hiệu đào bới mô mồ?
Nem nạt:
– Chú là bảo vệ, chú nỏ biết là lỗi tại chú. Chú đi mà hỏi con Thu. Hắn có xui em hắn đi ăn cắp hay không thì rõ.
– Mà chị, có bắt được hắn ăn cắp mô mồ?
Nem dằn giọng căng như sợi dây đàn:
– Chiều ni chú đem cân tới đằng nớ khắc biết. Nỏ ăn cắp, sắn mô ra chất đống đầy nhà?
Hóa thở dài, lưỡng lự :
– Nhưng mà …
Nem dọa:
– Đây là lệnh của giám đốc. Chú nỏ xem chữ ký ông Tiểu to kều dưới nớ răng? Chú muốn giữ ghế hay không thì bảo?
Hóa là đội trưởng đội bảo vệ nông trường. Anh rất nghiêm khắc với những kẻ đã phạm quy định, xâm phạm tài sản nông trường. Nhưng thực ra mấy lần tuần tra anh vẫn thấy nhóc Hồng cặm cụi đào bới trên cái đồi đã thu hoạch hết sắn. Chính anh đã chỉ cho Hồng cách chọn bới mẩu sắn còn sót lại trong lòng đất. Trước nay nông trường không có lệnh cấm mót. Nay nhìn thấy tờ thông báo, đột ngột quá, luộm thuộm, nông cạn quá, nằm ngoài quy tắc thông thường về bảo vệ. Song trước lời cảnh báo đầy nhiệt huyết của Nem anh thấy ghê ghê. Cái kiểu này nó chẳng theo luật nào mà nó là lệ, quen rồi. Vài lần, anh bị Tiểu lấy cái quyền của phó giám đốc nạt vì tội tha cho “những đứa trẻ mất dạy, thiếu ý thức làm chủ tập thể” chui qua hàng rào để vặt trái cam non làm cù, làm cầu. Chỉ vì cái ghế đội trưởng bảo vệ, thôi thì… phải nhún thế “ phó giám đốc Nem” ai mà chẳng rõ mụ lẻo mép, móc máy điêu toa. Hóa chậc lưỡi, quí ông sống lâu lên lão làng. Cứ đâu cây to đã là cổ thụ. Tránh voi chẳng xấu mặt nào !
Chiều, Thu làm về. Hóa cùng hai bảo vệ viên mang cân, rổ ập vào nhà. Họ ngó nghiêng rồi chắm mắt vào mớ sắn dúm dó như rác rưởi ở xó nhà. Một bảo vệ nói:
– Toàn những mẩu cắt đôi, cắt ba.
Bảo vệ kia nhìn vào góc nhà, Khịt khịt cái mũi:
– Mi có nghe mùi chua chua thum thủm như cứt mèo góc nớ xông ra?
Nhà của Thu là một gian tập thể mái tranh. Vách thưng bởi tấm cót nứa. Rộng vừa đủ kê hai chỗ nằm. Một chỗ dành cho mẹ con Kỳ Tân. Chỗ kia là cái mươn ăn cơm ban ngày, kiêm cái bàn học của bé Hồng buổi tối và cũng là cái giường của nó ban đêm. Nhìn vào, dễ nhận ra người chủ nhà là cựu quân nhân chính gốc bởi cái màu xanh lá cây. Cái đọi “B 52” sứt sẹo. Cái hăng-gô mòn sơn. Cái mùng cá nhân thủng lỗ chỗ. Cái võng vải bạt sờn mép. Cái ba-lô bạc phếch chứa gia tài của mẹ con Thu. Và cả cái tã lót Kỳ Tân quấn quanh người kia, cũng chắp từ mảnh quân phục rừng rú của mẹ nó thải ra còn in lửa khói chiến trường.
Đội trưởng Hóa bước hẳn vào, ngồi ghệ đít lên cái mạ giường bằng nửa cây gỗ rừng. Anh không dõng dạc và to tiếng ra vẻ quyền uy. Với cái giọng không có gì luật pháp lắm, anh nói thủng thẳng:
– O Thu ạ. Theo lệnh cấm của phó giám đốc, chúng tôi đến kiểm tra nhà o về vụ bé Hồng đi mót sắn có bới sắn của nông trường.
Thu bối rối vì bất ngờ không rõ sự tình. “Có lẽ nào bé Hồng lại có can đảm đi ăn cắp sắn bấy ni?”. Tuy nhiên Thu vẫn từ tốn:
– Thưa các anh, em nó nỏ biết nên nó đi mót. Mà mót ở đồi đã thu hoạch. Ở nớ có cấm chi mô?
– Có người báo với phó giám đốc là Hồng bới sắn…
Trong cổ Thu, tự nhiên cuộn lên qủa bồ hòn to nút lại, khi nghe em mình có hành vi ăn cắp. Thu bực bội gọi Hồng giật giọng:
– Hồng ! Đến đây ả hỏi. Em mót sắn lỗ mô? Có bới sắn đồi mô nữa không?
– Dạ. Em chỉ mót trên đồi sau nhà ta. Mà đã hết mô mồ. Em nỏ biết đồi mô nữa.
Chưa hẳn tin em, Thu cật vấn:
– Răng có ngài nói chộ em ăn cắp?
– Em có bới sắn ở đồi mô nữa mà chộ? – Hồng chỉ tay sang phía đồi khẳng định – Chỉ có đồi ni thôi.
Thu quay sang bảo vệ:
– Xin các anh thông cảm. Em nghĩ, nó đi cho vui, chứ biết ra ri, nỏ khi mô em để nó đi. Đề nghị các anh cho điều tra, tìm bằng chứng. – Đặt niềm tin ngay thẳng vào bản chất bé Hồng, Thu qủa quyết – Nếu em nó ăn cắp, chúng em hoàn toàn chịu trách nhiệm.
– Tôi biết! – Hóa nhăn nhó – Tôi nỏ muốn mần cái trò qủy ám, ma vày ni vì vài cái nhãi sắn bỏ đi. Nhưng đây là lệnh phó giám đốc. Nỏ mần, nỏ được. Tôi thông cảm cho o, ông Tiểu có thông cảm cho tôi mô!
– Nhưng nó có ăn cắp thật không đã chứ? – Thu dè dặt vặn lại.
– Tôi nỏ biết. Đến ông Tiểu mà hỏi. Tôi phải giữ niêu cơm cho con tôi. O thông cảm cho tôi đi mồ .
Nem đã đứng trước cửa, nói như ra lệnh:
– Thế nào? Các anh đã xét kỹ chưa?
Hoá thột dạ đứng lên:
– Dạ, xét rồi ạ. Vỏn vẹn chỉ có thế.
– Cân chưa? – Nem giọng trịch thượng.
– Dạ. Giừ cân .– Hoá khép nép.
Được lệnh đội trưởng, hai nhân viên vội vàng vơ vào rổ tất cả sắn ở góc nhà rồi đeo vào cái móc cân treo, bắc lên vai. Hóa nhìn đòn cân, xướng:
– Mười hai kílô.
Nem nghển cổ cố chúi mặt vào đòn cân, kêu lên như mất trộm:
– Trời ơi! tươi(2). Tươi rồi. Kéo xịch ra.
Một bảo vệ phản ứng ngầm, nói nhát gừng, bâng quơ :
– Toàn đất với cát. Mười hai kí là phải.
Nem cố tranh phần thắng, nạt nộ:
– Cái cân có nể ai? Cân cho đúng!
Vẻ mặt hằm hằm, Nem đùng đùng lấy tay kéo qủa cân ra kêu đánh xẹt. Cán cân chúi xuống. Nhưng rồi Nem vội kéo qủa cân lại, giọng lưỡi trí trá, gian lận:
– Bớt cho nửa kí. Vậy là mười hai kí rưỡi đấy nhé. Ghi vô biên bản.
Nem móc túi lấy ra tờ giấy gấp tư viết sẵn đưa cho Hoá:
– Điền vô.
Nem lại giục:
– Đọc lại biên bản. Mọi người ký vô.
Hoá vẻ mặt tai tái đần dại, cầm tờ giấy lạnh nhạt đọc:
BIÊN BẢN
Chúng tôi gồm Trần Văn Hoá đội trưởng bảo vệ, Lê Văn Tợi bảo vệ, Ngô Văn Nghiệp bảo vệ.Cùng chứng kiến có bà Trần Thị Nem bếp trưởng kiêm quản lý bệnh xá nông trường… có đến xét nhà Vũ Thị Thu vì có em tên là Vũ Thị Hồng đã lợi dụng mót sắn để bới sắn của nông trường. Nay chúng tôi đã cân được 12 kí rưỡi sắn củ. Mỗi kí lô sắn phạt bằng một ký lô rưỡi gạo. Tổng cộng 19 kí-lô 750. Dựa theo thông báo cấm mót sắn mà phó giám đốc nông trường đã ký.
Số gạo này quản lý nhà bếp sẽ trừ vào tiêu chuẩn gạo hàng tháng của bé Kỳ Tân.
Ngày… tháng…năm 1976
Mọi người có mặt ký tên
Khi tờ biên bản đưa cho Thu ký thì cô dãy lên như đỉa phải vôi. Thu phản đối:
– Tôi nỏ ký mô. Em tôi có đi ăn cắp mô mồ. Các anh chị xem có phải sắn gốc không? Mẩu thì thối ủng. Mẩu nỏ đầu thừa thì cũng đuôi thẹo. Rứa mà gọi là củ sắn à? Răng gọi là ăn cắp? Bằng chứng mô?
Nem dẩu mỏ:
– Chúng tôi nỏ cần bằng chứng, nỏ cần biết sắn lấy ở mô. Chỉ biết đây là lệnh. Lệnh đã cấm rồi, còn mót. Dù mót cũng là phạm vào quy định của nông trường.
– Trước giừ có ai nói chi đến cấm kiếc. Các anh các chị công nhân còn bày vẽ cho cái Hồng cách mót sắn nữa là. Nỏ có lệnh cấm mô cả.
Nem quắc mắt, đẩy bộ mặt vênh về phía Thu, nạt:
– Bướng hả? Sang bên bếp nớ mà coi! Thông báo cấm mót sắn rành rành đằng nớ. Chữ ký của ông Tiểu phó giám đốc to kềnh như con lợn con ở duới. Nỏ biết chữ răng mà còn cố tình cãi lại? Phạt nặng! Muốn không?
Cố bám lấy lý, Thu nửa như cãi, nửa như van:
– Giừ mới có thông báo. Trước ni có thông thiếc chi? Tự nhiên đến xét nhà. Phạt? Gạo nỏ có! Tôi lấy chi để nuôi con hở trời?
Cái Hồng mếu máo ngồi thu lu ở xó nhà như con mèo bị lỗi, uất ức rống lên. Kỳ Tân đang ngủ trên giường giật mình khóc thét. Nước tiểu nó vọt ra nền nhà và ướt hết cả cái tã dì nó vừa thay. Thu vội vàng đến ôm con rên rỉ:
– Con ơi, mẹ mần khổ con rồi. Biết mần răng hở trời. Vài cái nhãi sắn mần chi hở Hồng. Con ăn cái chi, rồi con mần răng, con ơi… hừ… ừ…
Nem bĩu môi dài dễ hàng cây số, kéo theo cái lườm đến nứt da, dằn giọng xỉ vả:
– Chời ơi với chả đất hỡi!
Rồi đột nhiên Nem quay ngoắt đến tiếp cận Thu, miệng toe toét, đổi sắc mặt nghề hơn cả kịch sĩ. Nem nhét cây bút máy Trường Sơn vào tay Thu, ve vãn với cái giọng con Cáo già đội lốt Thỏ non:
– Em ký vô. Cứ ký vô. Nỏ răng mô! Để các anh nớ khỏi mất công, mất việc. Còn có cả lãnh đạo, cả giám đốc sáng suốt soi xét. Lo chi?
Thu quay đi. Nhưng Nem đã moi được trúng cái “huyệt” kỷ luật người lính chiến trường của Thu và lạm dụng danh nghĩa Đảng để diễn xuất:
– Còn có tổ chức, có chi bộ giúp đỡ, sợ chi mồ!
Niềm tin được thổi vào cái đầu đang u u trống rỗng, Thu cố mở to mắt cho hàng lệ khô nhanh, chống lại cái hữu khuynh tiêu cực vừa che bọc, dày vò. Cái tay thì bủn rủn, nhưng Thu cố cứng rắn nhận cái bút từ tay Nem rồi ký nguềnh ngoàng vào tờ biên bản. Quăng cái bút xuống giường, Thu không nhận biết được mình vừa làm cái trò gì. Có lẽ hạt gạo cuối cùng và “cái nhục ăn cắp” mới xoáy sâu, đào khoét tâm trí Thu. Thu nằm vật ra giường, bật ra cơn nấc từng hồi như đã nén lại ngàn năm. Kỳ Tân thấu hiểu nỗi oan của mẹ, nó ré lên oặn ẹo người như con sâu phải bả. Thu quơ tay kéo con vào lòng. Thu muốn cất lên một tiếng ngọt ngào ru cho con ngủ mà không được. Cái miệng chát đắng se xắt mất rồi. Thế là gian nhà kỳ vọng một màu cây lá xanh tươi bỗng nhuốm nhàu ai oán tái tê.
Thu nhổm phắt dậy cất cao đầu quay về phía cái Hồng sợ sệt ngồi rúm ró, xụt xịt, đem hờn giận trút vào nó:
– Hồng! Ai xui mi đi ăn cắp?
– Mô, nỏ phải em ăn cắp!
– Răng họ bảo chộ mi?
– Chỉ có bà Nem vu vạ chứ ai. Mấy ngày ni em chỉ có mót trên đồi tê. Ai cấm mô?
– Hồng!
– Dạ.
– Nhà ta nỏ có loại ngài ăn cắp, nghe chưa? Nỏ thà chết đói. Còn ăn cắp là độc ác, là bẩn thỉu xấu xa, nghe chưa?
Hồng rống lên nức nở, dãi bày:
– Em nỏ ăn ca-ắp! Bà Nem vu em. Nay ả nỏ tin, em biết mần răng? – Nó hạ giọng kể lể, van Thu – Chiều qua em cãi lại bà Nem vì bà ấy đổ cho em ăn cắp. Em ức lắm. Cãi lại, hừ hừ… Bà ấy thù, dọa xét nhà. Em nỏ dám mách, sợ ả nạt, hừ … hừ … Ả tha lỗi cho em. Em đã mần mất gạo, cơm của bé… Em đấm xèm ở cái nông trường ni một giờ mô nữa. Ngài lớn toàn nạt nộ, vu oan. Trời ơi, răng em khổ ra ri! Em ước chi ông trời có mắt nhìn thấu được tim gan con ngài. Mà răng ngài bé cứ bị ngài to đè nén hãm hại ra ri, hả trời?
Hồng đứng dậy, tay với lấy cái túi vải đựng gia tài của nó vẫn treo trên cái đinh gỗ đóng ở vách nhà, trong đó chứa vài bộ quần áo cũ nhàu. Tay xếp lại. Nó sắp bước đôi chân run rẩy oán giận trở về quê. Thu nhận ra tính chân thật con trẻ và nỗi oan ức của em, đến ôm lấy bé Hồng, dịu giọng:
– Hồng. Thôi ả xin em. Em thương ả thì ở lại với ả, với bé. Em về ai trông bé cho ả đi mần? Ả còn phải đi mần mà! Em về cha mẹ biết, cha mẹ sẽ buồn hơn. Em cất túi quần áo lên đi rồi mần bữa, ả, em mình ăn đi mồ.
Hồng dùng dằng né tránh cố đi. Thu níu lại:
– Ả xin lỗi em. Ả thương em mà. Ả nóng vội nói rứa chứ ả thương em mà, Hồng!
Bé Hồng đứng lặng trân bên đứa bé, mặt cúi gằm. Nhìn bé, nấc, nấc. Thu nịnh mãi nó mới lững thững đi rửa rồi nấu ăn bữa chiều khi trời đã nhá nhem.
Hơn hai tháng nay Thu cố chạy vạy miếng ăn để lấy sữa cho con. Không còn khái niệm hạt gạo cuối cùng. Thu đến van xin Nem:
– Em xin chị chỉ trừ dần vào số gạo hàng tháng chứ chị trừ hết cả một tháng gạo ăn của bé thì con em chết mất. Kỳ Tân đã kiệt sữa rồi.
Nem nhăn nhó xót thương bằng giọng con Cáo già cởi mở ruột gan ngon ngọt của chú Thỏ non:
– Thông cảm cho chị đi! Nào chị có quyền chi mô mồ! Lệnh của giám đốc, mần răng khác được?
Hàng bữa, Hồng tranh thủ lúc em bé ngủ xuống khe bắt tép, bắt cua hoặc bứt lá rau rừng về cải thiện. Như biết lỗi, Hồng giành hết cho chị “miếng ngon” mà nó kiếm được. Sự nhường nhịn đó không thể làm căng đôi bầu vú của Thu đang xẹp dần. Mỗi khi Thu cho bú, bàn tay vắt sữa như vắt dẻ lau. Mồm bé ngậm vú mẹ mà cái má tóp lõm, cái môi dẩu dài ra. Chắc chẳng được gì cu cậu thả vú quay ra khóc nhè. Bầu vú rũ xuống dăn deo như vú lợn sề già sắp tới kỳ bán con. Ấy vậy mà Kỳ Tân cứ vồ lấy tóp tép cố chắt lấy cặn sữa cuối cùng.
Đã đến lúc nó phải nhả ra cho mẹ nó đi làm.Hồng lấy cái võng vải bộ đội túm lại làm võng bé em. Kỳ Tân như con mèo con lọt thỏm trong đó. Hồng à ơi đến mỏi mồm, đu võng đến rã rời tay mà Kỳ Tân chẳng chịu ngủ cho. Nó lấy tay vít mắt thằng bé cho ngủ. Bỏ tay ra thì mắt thao láo mở, to hơn. Cái miệng bé cứ tóp tép hoài. “Ời, em bé đói rồi”. Hồng tìm kiếm quanh quẩn cái gì đó cho bé ăn, dù biết chắc chẳng có cái gì. Cuối cùng nó cũng tìm được cái bình sữa của bé bỏ không, khô khốc từ bao giờ. Nó rửa sạch và rót nước lọc vào đó cho bé bú thay sữa. “Ầy ầy, bé bú đi. Bú đi … ầy … ”.
Kỳ Tân vớ bú lấy bú để. Nhưng nó quay ra ngay phun phì phì. “Ầy ầy, bé ngoan. Bé bú đi – ầy !”. Hồng nựng nó. Nhưng bé em cứ ngoảnh mặt đi. Nó thèm sữa cơ, chứ có thèm nước lọc đâu? Bé khóc. Hồng cũng khóc luôn. “Ước chi ông trời cho em con bình sữa để nó bú bây giừ”. Có lẽ trời cao nên nó gào to hơn để trời nghe thấy: “Lạy trời cho em con bình sữa! Trời ơi!”
Vài bữa ni, Kỳ Tân bị xì xoẹt. Thuốc y tá cấp, không thấy đỡ chút nào. Bụng bé có cái gì vần vò bên trong. “Có phải do mẹ ăn bậy, ăn bạ không con?” – Thu nhận lỗi về mình. Cô nói với Hồng : “Giừ, hai ả, em mình đưa bé đi viện”. Bệnh viện huyện cách nông trường hàng chục cây số đường rừng, đèo, suối. Mỗi một đoạn đường, chị em Thu phải dừng lại thay tã lót cho Kỳ Tân. Phải mất ba tiếng đồng hồ mới ra tới viện.
Bác sĩ khám bệnh, nói: “Nghi lồng ruột?”. Trẻ con lồng ruột được ghi nhận thuộc loại cấp cứu. Ấy thế nhưng vị bác sĩ khám xong, bé được tiêm thuốc rồi thì bỏ ra ngoài với vẻ buồn, bất lực.
Lo lắng, Thu chạy theo sau để hỏi bệnh tình của bé. Nhưng Thu chỉ nhận được cái nhíu lông mày suy tư trên gương mặt già với những đường vòng khắc khổ và con mắt hiền hậu, lắng dịu chứa sự chia sẻ cảm thông. Không đành lòng nhìn bé rên đau quằn quại, nỗi lòng làm mẹ đã thúc giục Thu gõ cửa xin cấp cứu cho con. Vị bác sĩ rầu rầu như con chim bị thương, chậm rãi, lời thê lương:
– Bệnh cháu phải chuyển lên viện tỉnh vì bệnh phải can thiệp ngoại khoa.
Thu bồn chồn lo sợ. Lồng ngực thình thình. Thu gắng bật được ra lời nhưng nó lập cập lí nhí làm sao:
– Lạy bác sĩ. Trăm lạy bác sĩ. Hãy cứu con em. Em xin để cháu lại…
Vị bác sĩ vội vàng xua tay:
– Không. Nỏ được! Ở đây nỏ có tay dao(3) – Ông vội dừng lời, đắn đo – Hay là … o có chạy mô được ít xăng?
Vậy là Thu đã hiểu tại sao bé Kỳ Tân trong tình trạng cấp cứu mà động thái dường như dừng lại ở đây. Không có tay dao? Không có essence cho xe cứu thương? Không thể có một kíp mổ ở tuyến trên xuống ứng cứu? Lỗi này không thuộc về ai?! Có chăng là lỗi tại thằng bé! Sao nó lại đau đúng vào lúc này?!
Thu chạy đôn chạy đáo nhờ cậy mua xăng. Có người xui cô đến nhờ tổ lái xe của viện. Nhưng hình như ai cũng né cô. Thu túm được vạt áo của một nhân viên trong tổ xe xin nhờ giúp đỡ. Chú lái xe quay lại nói:
– Nhà nước bao cấp xăng đến nỏ có một giọt bay hơi, lấy đâu ra mà o hỏi bỡn rứa?
Thu lẽo đẽo theo sau năn nỉ. Chú lái xe lại gắt:
– Ở cái xó xỉnh này đào mô ra xăng mà o cứ như đòi nợ là răng?
Chỉ đến khi chú lái xe trách móc: “ O nghĩ tôi tham ô được xăng nhà nước răng?” thì Thu mới giật mình nghe hai chữ “ tham ô” nó nặng nề quá, nó xấu xa quá mà cô đã vô tình áp đặt, Thu mới buông áo chú lái xe ra. Lững thững, ngơ ngác không biết về đâu. Đầu tóc rũ rượi, thân hình như chiếc lá xao xác, tươm tướp vừa qua bão tố, mưa giông.
Kỳ Tân mỗi lúc mệt thêm. Nó không khóc hét từng cơn nữa mà rên rỉ như con lợn chọc tiết sắp hết máu. Đít nó xoèn xoẹt chảy ra một thứ lày nhày màu máu cá.
Bé mang đôi môi mùa đông khô bong rồm rộp và con mắt lờ đờ mờ mỏi cầu xin. Gương mặt bềnh bệch gợn sóng lăn tăn nỗi gian lao bấy nay nó từng trải.
Chỉ có là mẹ, mới thấu hiểu hết nỗi đau và linh cảm điều gì có thể xảy ra. Thu ôm lấy con sờ tay, nắn chân, mà nỗi lòng quặn đau tụ lại. Trong cô, bồn chồn nỗi thương cảm về con từ khi cất tiếng khóc chào đón một thế giới rộng mở thênh thang đầy ắp tình người. Nào ngờ nó gặp phải bàn tay của quỷ. Nó lớn lên trong sự nhịn nhục luôn giằng xé tâm can của mẹ, bằng ân hận của dì mà cái oan trái đè nặng lên bữa ăn hằng ngày. Thu ao ước “ Giá trên cõi đời này, Kỳ Tân là đứa cuối cùng đau khổ!”. “Nhưng còn bao nhiêu kẻ đang tác oai tác quái vào đời sống con trẻ hằng ngày? Hay cứ phải thế mới là đời!?”. Thu lấy tay nâng bầu vú của mình day day cố vắt. Nhưng đôi bầu sữa ấy dăn deo, tẹp lép như cái vú lợn sề buột khung sau những ngày hạt gạo bị cướp mất trên tay. Cái đói không cho một giọt sữa nào. Thay vào đấy, là những giọt “sữa” trong vắt rỉ từ tròng mắt chảy ra.
– Thu!
Thu giật mình ngửng lên nhìn gương mặt nhân hậu đã già theo tuổi tác qua làn lệ che mờ. “Hình như…”. Cô không thể nào nhớ ngay được gương mặt quen này trong tâm trạng rối bời. Ông bỡ ngỡ:
– Cháu nỏ nhận ra ư?
– Ồi…cậu! – Thột nhớ, Thu rống lên – Cậu cứu con cháu với, cậu ơi!…
Ông nhẹ nhàng thân mật:
– Bình tĩnh, mồ? Răng mồ?
– Dạ, con cháu bị lồng rọt… Phải chuyển viện tỉnh… Nhưng xe nỏ có xăng.
– Nỏ có thật ư? – Người cậu buột miệng.
– Cháu cậy nhờ mãi mà nỏ mua được!
– Thôi được. Bình tĩnh mồ!
Chắc ông già đã hiểu được sự tình. Nói xong ông vội vã quay ra cửa.
Ông là trưởng ban Kiểm tra Huyện ủy. Ông vốn là con người cần cù, ngay thẳng, giàu lòng nhân ái, vị tha. Ông được ngồi cái ghế này đã lâu với sự tín nhiệm cao, không hơn. Ông sang bệnh viện, vô tình gặp Thu, người cháu đã từ lâu ông không gặp. Còn Thu lớn lên khi đất nước chiến tranh, cô trở thành cô bộ đội cụ Hồ vào chiến trường Quảng Trị, đánh Mỹ. Dạo ra quân, đi xin việc làm có ai đó mách tên ông. Bóng dáng ông như cánh chim hòa bình bay ngang trước mặt. Chẳng vì ông không “to” lắm, không che được, mà Thu muốn tự lo liệu cho mình. Giữa lúc Thu chới với như kẻ sắp chìm xuồng thì trời xui đất khiến, ông hiện ra như thiên thần cầm phao tới. Thu khấp khởi, bùng nhen niềm hy vọng “ăn hiền sẽ được gặp lành”. Khi dáng ông thoăn thoắt đang chìm phía hàng cây trước cửa Viện bộ thì đầu Thu mới oà vỡ “Tại sao không nhờ cậu giúp đỡ?”. Thu toan chạy theo thì bóng ông cũng khuất hẳn vào phía phòng Viện trưởng.
Vậy là xe cứu thương của bệnh viện cũng được lăn bánh đậu xịch ngay trước cửa phòng cấp cứu. Như con chim bói cá, Thu lao ra phía cái xe để cảm nhận từ giấc mơ sang sự thật này. Hơn cả mong ước có xăng. Nay xe tự đến. Ngỡ ngàng Thu luýnh quýnh không biết phải làm gì. Chú lái xe ban chiều mở cửa xe bước ngay vào phòng cấp cứu giục:
– Bồng cháu lên xe đi.
Ôm con trong vòng tay run rẩy bởi nỗi mừng làm mấy lần Kỳ Tân muốn tuột rơi. Đôi chân chùng lại không thể bước nhanh bởi cảm giác mông mang vô cảm.
Cánh cửa xe cứu thương đóng sập. Xe nổ máy rì rì, chuyển bánh. Chiếc thùng xe như bếp lò nhóm lửa chiều hè. Miền Trung ngày này gió Lào hầm hập thổi tung ném bụi đường như bụi lò than vào thùng xe. Con đường trung du vừa thoát khỏi chiến tranh không được bảo dưỡng, sau mưa lũ kéo dài tới những ngày rang đất, mặt đường kín ổ gà, ổ trâu và những con lươn bố ngoằn ngoèo nằm ì thách đố dọc đường. Xe như ở trên trời rơi xuống xộc xệch, bò lê.
Thời gian bị kéo dài thiêu đốt chờ mong. Niềm hy vọng lúc lên xe thành nỗi phập phồng lo sợ xát muối lòng Thu. Kỳ Tân trong vòng tay mẹ lắc lư theo gập ghềnh chuyển động của xe. Mấy ngày bỏ bú những chai dịch truyền nhỏ giọt buồn tẻ không bù được cái đói dài hơn hai tháng nay. Nhìn con,Thu suy xét mông lung. “Không thể ngờ ở cái nơi xa xôi heo hút này có cả tranh quyền đoạt lợi đến tàn nhẫn thế ư?”.“Ngày ở chiến trường tù binh còn được dành cơm ăn ngon hơn cả bọn mình”. “Đồng loại mà”. “Còn ở ni, tình người có còn là tình đồng đội?”. Ôi chỉ có qủy mới biết hết được thế nào!
Đêm ập xuống từ lâu. Thu dán mắt vào con dưới ánh đèn mười hai Watts tù mù. Tất cả muộn rồi ! Kỳ Tân không còn sức để động đậy nữa. Hơi thở dần nhẹ đến mức cái má của Thu không còn nhận được cảm giác.Thu áp tai vào ngực con không tìm ra được tiếng đập sự sống trong nhạy cảm của mình. Mắt Kỳ Tân cứng đờ không nhắm được. Thu nhận ra điều không muốn có, đã xảy ra. Tiếng khóc rú lên. Thế giới u buồn đổ sập trứớc mặt.
Xe dừng lại. Cánh cửa thùng xe mở toang. Màu đêm đen ùa trùm lên ánh đèn lấp loá. Thu lấy tay vuốt mắt con. Mắt bé khép lại, đói lõm. Cái bụng lép kẹp. Chỉ vẻ mặt thanh thản lạ lùng như vừa trả xong công nợ.
Thu không còn nước mắt để khóc. Hàng răng hằn sâu bầm tím nỗi đau đọng lại trên đôi môi phôi pha.
Trong im lặng mênh mang, tiếng xe cứu thương rú ga lên dốc, ai oán, xé toang cả màn đêm ngái ngủ.
Tân Kỳ, 1976 – 2000
Tố Hoài
CHUYỆN CỦA HỒNG
Ảnh bài chỉ mang tính minh họa
Truyện ngắn Tố Hoài
1. Tiếng súng ở ĐIỆN BIÊN PHỦ kết thúc. Quê tôi, vùng địch hậu thoát khỏi vòng vây ráp, quét càn cuả mấy đồn giặc ở Đông Biên, Hải Nhuận…Bọn trẻ con chúng tôi ban ngày tự do cắp sách tới trường, tối tối tụ hội nhảy muá. Thằng Hồng, thằng Cao, thằng Đĩnh, thằng Khánh là bạn học lớp ba, lớp bốn, cùng trong đội Thiếu niên Tiền phong. Mấy hôm trước hớn hở rủ nhau mang trống ếch cà rùng cà tỏi đi đón đội về. Hôm nay thằng Cao tự dưng nảy cơn hâm thế nào, lấy tay gạt Hồng sang bên nói rất ư chao chát:
– Không chơi với con nhà địa chủ!
Tôi ngớ ra nhìn Cao rồi nhìn Hồng, nghi ngờ:
– Để cho nó chơi với! Nó có tội gì vậy?
Cao trố mắt nhìn tôi chỉ trỏ, nỏ miệng:
– Thằng địa chủ, chú phú nông, ông bần cố…
Hồng ngẩn tò te, đỏ mặt, không cãi một câu, tiu ngỉu ra đi. Tôi cũng chạnh lòng. Thằng Cao bỗng nhiên khôn thế? Như nó biết hết thế nào là địa chủ, phú nông, bần cố. Còn tôi thì mù tịt.
À, mấy hôm rồi chú tôi, sớm chưa tỏ mặt người, lẻn sang nói với bố tôi chuyện chú học tố khổ. Tôi nghe lỏm được. “Cả làng ai cũng kêu mình khổ, mình bị bóc lột. Anh đội tuyên bố như đinh đóng cột “ Phải tìm ra bằng được số địa chủ cho đủ chỉ tiêu. Ngay cả bố và chú của Hồng là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam thật đấy, nhưng đều là con địa chủ, nên đều là tay chân Quốc Dân đảng chui vào ngay từ khi Đảng còn bí mật thành lập chi bộ xã ta. Thực chất là hút máu hút mủ bóc lột sức lao động ông bà nông dân, vì vậy phải vạch mặt, loại trừ”.
Rồi tôi không thấy chú sang nói chuyện với bố như mọi sáng. Tôi hỏi Hồng, nó nói:
– Tại ông giáo, trí đấy. Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ. Trên tường cổng nhà ông Đồ Thiêm, câu khẩu hiệu mới toanh xi-cô màu gạch non đỏ quạch thấy không?
– Thế còn bố tớ?
– Hai ông đều là hương sư. Nhưng ông nhà có hơn cái sân nề, thì phú rồi!
– Cái sân cũ rồi, choe choét nốt vá như cái tã đụp…
Miệng Hồng vẫn dẻo quẹo :
– Thì nó vẫn là cái sân nề! Có thế mới phú!
Tôi cảm thấy tủi thân, vặn lại :
– Bây giờ nghèo rớt mồng tơi, lấy gì mà phú?
Hồng ra vẻ lý luận :
– Phải nã vào cái cũ ấy mới tan xác pháo trí, phú, điạ, hào… và phải phát động nông dân đòi nợ…
– Hướng vào quá khứ, pháo mới có tiếng ầm sao?
– Chẳng lẽ nã vào cái bây giờ? Cuộc kháng chiến, Tây phá, ta cũng phá. Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Người người hy sinh. Thắt lưng buộc bụng. An đói mặc rét, cốt giành hòa bình. Còn ai giàu nữa đâu mà nã?
Lúc này tôi mới ờ ờ vỡ ra:
– Ừ, pháo nhà mình, ai chẳng thích kêu to nhất!
– Nhưng cái thùng rỗng cũng kêu to.
– À, tớ nhớ, ông của Hồng cho người nghèo cả ruộng, đất. Ví như cho bà Thuật thổ cư. Cho chú Vận ruộng cày… Vậy là ai nợ?
– …
Bỗng có tiếng ôi ác kêu cháy. Mọi người nhớn nhác chạy về phía ngọn lửa. Nhưng ngọn lửa như kẻ háu đói tham lam, lè lưỡi liếm toi cái bếp nhà ông Lự mù, chỉ chứa chật bốn người: người ngồi nấu với vợ chồng ông đồ rau. Đội tuần tra chạy đến. Chị Lự, cái giọng vốn đơn đớt chưa hết cơn hoảng nói không ra lời. Song nghe vẫn hiểu, chị vừa chạy lên nhà lấy cái muôi quấy cháo mà nó đã cháy không kịp kêu. Chỉ có anh Phách, tổ trưởng tuần tra không chịu thế. Anh cho rằng phải có kẻ phản động nào đó đốt. Lập tức cuộc lùng xục xảy ra. Thấy người kéo đến nhà ào ào, Khánh đang luộc vụng khoai lang ở bếp, xấu hổ, nó núp luôn vào chuồng trấu. Ngọn đèn pin lia ngang mặt Khánh. Nó lấy tay che mắt nên bị lộ. Tổ trưởng Phách phát hiện ra. Như cáo vồ mồi, liền phóng lại, tóm luôn:
– Mày làm gì dưới bếp?
Khánh bẽn lẽn, nói thật:
– Đói. Luộc khoai ăn.
– Láo! Sao trốn? – Phách quát rồi xộc lại nắn túi, thấy có cái bật lửa, liền vặn vẹo – Mang bật lửa đi đốt nhà phải không?
– Đốt nhà nào? – Khánh ngớ người, mặt tái mét.
– À thằng này giỏi giả vờ à. Trói nó lại, giao cho đội – Phách ra lệnh.
Từ sau vụ đó an ninh được xiết chặt để chống bọn phản động thừa cơ phá hoại. Hồng cũng không dám ở nhà tôi về nhà khuya như mọi lần nữa. Đường làng tối đến chỉ còn bóng dân quân tuần tra và tiếng chó sủa inh trời. Tôi cứ muốn thức để được xem mặt phản động nó ra sao. Nhưng con mắt chết tiệt cứ lôi vào giấc ngủ say. Tờ mờ sáng, đang mơ mòng thì giật mình khi tiếng hét sợ của mẹ ngoài cửa. Tiếp, tiếng quát giật giọng:
– Đứng im! Chạy, ông bắn vỡ sọ! Đâu về? Nói.
Tiếng run lẩy bẩy của mẹ:
– Thưa, tôi đi… đai…ái!
Roạt, roạt! Tiếng lên đạn kèm tiếp tiếng quát nặng chịch:
– Khai! Liên lạc với bọn phản động nào về?
À ra tiếng Phách, con bà cô họ. Tiếng mẹ nghe chừng bình tĩnh hơn:
– Lạy các ông các bà nông dân, tôi đi đái thật mà. Không tin các ông thử sờ chân tôi xem, chân khô bong, nóng hôi hổi thế này. Đi xa thì nó phải ướt lạnh chứ?
Tiếng phụ nữ nhỏn nhẻn:
– Lói náo! Khai mau, không chết dờ.
À, tiếng cái Tép, một dạo nó bế em cho nhà tôi. Mẹ lý lẽ:
– Các ông các bà nghe tiếng guốc tôi đi chứ gì? Nồi bộng còn xủi bọt kia kìa!
Chắc hẳn có người sờ chân mẹ? Hay xem nồi bộng còn xủi bọt? Tiếng Phách:
– Tha cho!
– Niệu hồn – Tiếng cái Tép cố lên gân, đe nẹt.
Rút kinh nghiệm tối đến, mẹ đặt thúng tro góc nhà, để đêm khỏi phải ra ngoài, rắc rối. Tôi quen thành tật. Tối tối cứ phải tè vào đấy một lần mới đi ngủ được.
Sáng. Hồng đến nhà thật sớm rủ tôi đi học. Nó mang theo túm khoai lang luộc để ăn. Nó giở ra miệng nhai méo xệch:
– Hôm qua chị cháu đi cấy mướn được mấy bơ gạo, nhét vào cạp quần. Sợ, phải về lúc nhập nhoạng. Bị mấy ông nghi đi tiếp tế cho bọn phản động, nên hót mất. May mà mẹ cháu đi mót khoai với bà, nên sáng nay mới có cái ăn…
Nhấm thử khoai của Hồng thấy ngọt lịm, tôi hỏi:
– Khoai bỏ đường à?
– Đường đâu ra! Nhai khoai luộc ngán đến mang tai, lâu ngày nuốt sao nổi. Nhưng cái khó ló cái khôn! Mẹ cháu phải ủ trấu suốt đêm mới ngọt thế.
– Trấu đỏ suốt đêm à?
– Không. Trấu loi roi cháy, ủ lại cho nguội dần đến sáng.
– Sao nó thành đường được?
– Nhờ nhiệt độ thích hợp bột biến thành đường.
– Giống ủ kẹo mạch nha ấy à?
– Đúng rồi đó.
– Hồng ăn cơm đi. Tớ đổi cho.
Hồng cười bẽn lẽn, ngồi xuống mâm.
Chuyện chị của Hồng đi cấy mướn, mẹ đã có được bài kinh ngiệm. Ấy là chị gái tôi lấy chồng xa. Bố chồng chị là hương sư vừa qui điạ chủ lọt lưới. Mỗi lần đi bắt ốc chống đói, chị tắt ba cánh đồng rộng lẻn về xin gạo. Mẹ gói gạo vào bao nilon để chị kéo trôi sông đem về. Phòng, rủi ro bất trắc, lớ ngớ gặp mấy ông bà nông dân thì chỉ việc buông cái dây ra là khỏi vạ.
Rồi gạo cạn dần. Lúa ngoài đồng mới đang thì con gái. Mẹ nói với bố:
– Ta phải bới trộm sắn nhà mình mà ăn chứ sắp hết thóc mất rồi!
Bố ngẫm nghĩ lời anh đội răn đe, cấm không được tự tiện bới sắn, chóc ngoài vườn, giết gà lợn đang nuôi. Rồi lắc đầu:
– Họ bắt được thì còn mặt mũi nào?
– Đói đầu gối phải bò – Mẹ có cách lý giải của mẹ – Mình ăn cắp của nhà mình chứ ăn cắp nhà người ta đâu mà sợ?
Nhá nhem, tôi và Hồng hí hửng cái tư thế của kẻ đi làm việc nghĩa, tay cầm chép(1) rón rén rẽ cây sắn, chóc luồn vào giữa vườn bới trộm. Đang hì hục đào đất, Hồng ghé sát phía tôi, “suỵt”. Tôi ngẫn ngờ hỏi lại, cái gì đấy? Hồng lấy tay bịt mồm, dúi đầu tôi xuống. Thì ra có người đi qua, đứng lại xả bầu tâm sự. Hồng nằm sấp, nghé mắt nhìn, thầm thì, cái này thì đúng là của anh đội rồi. Nghe tiếng đội, tôi run không dám thở. Chắc tiếng rọ rạy bới đất vừa rồi làm anh đội nghi ngờ nên ném đất vào chỗ chúng tôi. Đất vạch một tiếng soạt dài như vỡ ra rơi rào rào trên lá, trên đầu hai kẻ trộm. Tim đập thình thịch, tôi nhổm toan chạy trốn. Hồng liền ấn cổ tôi, đau điếng. May mà anh đội tè xong, chắc nghi tiếng rột roạt của rắn rết, mèo, chuột chi đó rượt nhau nên ném đuổi đi. Vườn sắn nhà tôi lộ một khoảng trống huênh hoang cả lốt bới cũ lẫn lốt mới từ bao giờ. Tôi mách mẹ. Mẹ chau mày, thở đánh xượt, chép miệng: “Lạ thật, đã lâu lắm rồi ngay cả khi cái làng này trong vùng địch hậu có mất trộm bao giờ đâu? Mà giờ…? Thôi, một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tay mẹ vơ mấy củ sắn to, túm lại cái chiến lợi phẩm ấy để trưa Hồng tan học, mang về.
Bỗng một ngày, đội báo sáng mai đi đấu địa chủ, nhưng nhắc phải đi cả nhà. Mẹ xịu buồn. Còn tôi khấp khởi nghĩ, nhà mình sắp được tố khổ rồi! Nhà mình cũng từng phải ăn chóc luộc thay cơm. Mình cũng phải nhịn đói đi học đấy chứ? Đội sáng suốt thật! Mình sắp được xếp vào hàng ngũ ông bà nông dân rồi! Thoát được tiếng xấu xa địa chủ rồi! Tôi hí hửng báo tin cho Hồng. Nó bảo:
– Nhà cháu cũng được báo.
Có lẽ nào lại thế? Nó làm tôi tưng hửng nên tôi vặn lại:
– Thế đấu điạ chủ nào?
– Cháu không rõ. Chờ mai.
Mở mắt. Nắng đổ lửa. Trống phách khua um. Cờ quạt, khẩu hiệu rợp trời cùng người ùn về sân vận động xã.
Khoảng bảy giờ hơn, người ta dẫn ra một lão già khụ khị bị trói giật cánh khỉ. Thân hình lão gầy ốm tong teo. Mặt mũi rộc rạc dăn deo dúm dó. Bước chân rệu rã của kẻ bị bỏ đói khát lâu ngày cà nhắc theo vòng tay khí thế của hai dân quân lực lưỡng đẩy đi. Kẻ khó bị lôi lên ụ đầu đài đất mới đắp vội, cao chừng ngót bốn chục phân tây. Bị dựng đứng, nhưng cái đầu oặt oẹo rũ xuống lộ quầng trán hói lơ phơ mấy sợi tóc đã bạc lâu ngày không được tắm gội bị dính bệt xuống da đầu.
Đó là hình hài địa chủ sắp bị đấu tố!
Bao nhiêu người tố khổ, bấy nhiêu câu mở đầu:
– Mày có biết tao là ai không?
– Ụm… ụ… oé …
Không phân biệt được tiếng điạ chủ hay tiếng rít cuả loa phóng thanh.
Địa chủ muốn ngẩng đầu. Nhưng cái hơi hớm đói khát kia không còn đủ sức. Tiếng loa vọng ra giọng run rẩy bất ngờ tưạ học bài chưa thuộc:
– Mày hiếp tao…mấy lần mà mày có…biết không?
Không rõ điạ chủ nhẫn nại cúi đầu, hay cái tai già nua hễnh hãng. Song nắm tay người đấu vung lên chĩa thẳng vào điạ chủ nặng giọng căm thù, mà lời thì nhớ lộn:
– Mày bắt tao ăn no nứt bụng để tao phải làm việc cho nhiều, sao mày ác vậy?
Tiếng khóc của ngưới tố khổ thì rất rõ. Nó tức tưởi, sột xoẹt vào loa phóng thanh. Tức thì tiếng hô vang lên: Đả đảo tên địa chủ cường hào đại gian đại ác…. Sân bãi như sóng dậy đồng thanh: đả đảo, đả đảo, đả đảo…. dài mãi muốn không có tận cùng. Chỉ tắt được cái ồn ã khi nào tiếng loa anh Tản, anh đội to nhất xã đang ngồi ghế quan toà, vọng ra.
Cho mãi chiều, cái nắng vãi lửa lì lợm không chịu buông tha đày đọa cả hai phía thì anh đội mới cho lôi địa chủ ra pháp trường. Địa chủ như đã chết rồi, nên phải kẹp vào hai cái cọc tre cắm song song trên bờ ruộng giáp con sông Tân Khai chảy ra sông Hải Hậu. Cái dáng như bỗng cao lên. Lồng ngực vươn ra. Đầu ngửng. Mắt dõi nhìn mọi người lần cuối.
Hai loạt đạn nổ đinh tai. Máu phọt loang lồng ngực.
Song dáng đứng như trơ gan cùng trời đất.
Hồng ôm lấy tôi, khóc rú chứng kiến cái chết ngột ngạt của ông nội nó. Lúc ấy tôi vênh mặt muốn đẩy nó ra để không dính vào địa chủ. Rồi lại quay nhìn thương nó, thương mình vẫn ngồi trong đám người… được ưu tiên gần khán đài để nhìn cho tỏ tường cái chết. Mẹ tôi với tay ôm lấy Hồng, an ủi: “Nín đi cháu! Cái gì rồi cũng qua đi. Chỉ cái bước chân mình là còn lại nên phải vững vàng…”
2. Đùng một cái, lệnh sửa sai.
Các anh đội cũ đi. Các anh đội khác về thay…
Nhưng lần này ai cũng được đi họp…
Một tối, tôi cùng Hồng, Cao, Đĩnh… chơi với nhau ở sân đình làng. Có cả Khánh nữa, vô tội, được thả sau ngót một năm cấm cố ở nhà pha xã. Bỗng có tiếng ôi ác chỗ người lớn đang họp ở trong đình. Ngọn đèn dầu tù mù hắt ra thứ ánh sáng leo lút, bị phụt tắt. Tiếng ồn ã kêu la như đang vỡ ra giữa cục đen đêm đặc quánh nén dồn:
– Rạch miệng nó ra! Ra…ạch!
– Ối giời ơi! Cứu tôi vơi! Đừng rạch miệng tôi!
– Ai bảo mày nói điêu?
– Tại họ xui!
– Đưá nào xui?
– Anh đội!
– Phải rạch tới mang tai cho nó hết nói điêu!
– Ra… ạch..! Ra..ạch!
– Hu…hu…Xin các ông các ba-à tha cho con! Hu…hu…
– Muốn ăn cơm hay ăn…..cứt, có đây, chúng tao cho ăn?
– Hu…hu… ăn cơm!
– Còn nói điêu nữa không?
– Hu…hu.. Tại anh đội bắt nói chứ con không tự bịa ra!
— Được. Tha cho nó!
– ….
Hồng quay sang tôi, giọng buồn chua xót:
– Oán trả oán ấy mà!
Ở cái làng bé tẹo này mọi việc không giấu được ai. Bước một bước, chạm mặt nhau, việc nhỏ to ai cũng tỏ tường như việc nhà mình. Vì thế nếu có lập ra tòa án cũng thừa.
3. Trong nhà Hồng hương trầm tỏa ra nghi ngút. Người đông ngòn. Thế mà nó cứ cố kéo tôi vào bằng được. Có mấy người là lạ không ở làng này. Nhưng mấy dược mặt ấy mang máng trong đầu tôi chập chờn ẩn hiện. Hồng như đọc được suy tư tôi, nó hỏi:
– Chú có biết ai đó không?
– Hình như là…
Mãi không nhớ ra. Hồng trỏ:
– Chú Thông, người mặc áo trắng ấy. Người kia là chú Mai… đều là đồng chí hồi bí mật với bố cháu. Các chú làm việc ở Hà Nội về viếng ông cháu.
– Ờ ờ!.. Thế bố với chú của Hồng vẫn còn là Đảng viên Đảng ta à?
– Sao lại không? Sửa sai rồi!
Bật bung trong trí nhớ cái thời hai năm bốn tháng, từ năm 1952-1954. Quê tôi giáp vùng tề ngụy nên thường xuyên bị càn quét. Một lần, quá nửa đêm, ông nội của Hồng đưa người Cách Mạng ấy nhờ bố tôi giấu hộ, vì được mật báo sẽ có lính bót Hải Nhuận khám nhà ông. Người cán bộ ấy có lần ông giấu ngay dưới hầm bí mật trong nhà. Khi bọn địch ập tới thì cái cót thóc to tổ bố quây vừa xong đã chắn kín cửa hầm. Người Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam kia nữa, một trong số những người ông đã cứu thoát khỏi bị loang máu ngực. Hai con trai ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương kỳ cựu hồi bí mật cho cơ sở cách mạng ở cái làng này không bao giờ bị vỡ…
Tôi thắp nén hương trầm vái hương hồn ông. Khói hương tỏa lan phập phồng cuộn tròn trên tấm di ảnh, một màu máu loang trước ngực như con dấu tươi hồng.
Tố Hoài