NGUYỄN SĨ TẤN tuyển tập – Một nhân cách nhân văn

0
723

                               Vài nét TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

                                                                                         Tố Hoài giới thiệu và chú giải

           Cụ Lương Y Nguyễn Sĩ Tấn (1904-1982) người làng Quỳnh Phương, xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Xuất thân từ gia đình truyền thống Nho gia. Người thanh niên có ý chí ấy, muốn luyện rèn thành đạt nơi cửa Khổng sân Trình. Vốn là người ham hiểu biết, thanh niên Nguyễn Sĩ Tấn đã hướng vào một nghề nhân ái: nghề Y. Song trong con người đầy lãng mạn kia vừa giữ tính năng văn chương vừa chuyên sâu y lý.  Với nghề cũng là cứu cánh. Gặp hoạn nạn năm 1956, người dân làng , xã đã làm đơn minh oan để cụ sớm được về chữa bệnh cứu người.
.         Trong suốt cuộc đời của cụ đã gặp không ít sóng gió gập ghềnh một thời ngụy tề, một thời kiêu loạn. Nhưng nhờ được hun đúc từ học Đạo, học Người, thấu triết lý Nhân – Đức – Đạo – Đời. Thực hiện lẽ sống nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà nề nếp gia phong thành truyền thống từ dòng tộc, gia đình trong cộng đồng xã hội.để có tấm lòng kiên trinh ” thấu hiểu đến xanh lòng độ lượng…vịn vào tròn khuyết một niềm tin ” vượt lên trở về với chính mình, để ” định hình từ lòng tay trong sáng, bắt mạch kê đơn bốc thuốc trả ơn đời! ”  Tâm hồn lãng mạn của nhà thơ trỗi dậy. Đúng như Nhà thơ Hương Nhu, lệnh nữ của ông đã viết :
Phía sau mỗi lo toan nhọc nhằn cơm áo,
Là miệt mài với từng trang bản thảo
Đầy ngữ nghĩa, câu, từ cha mới dịch xong.
NGUYỄN Sĩ TẤN tuyển tập, thể hiện một bút lực khỏe khoắn. Nhất là lĩnh vực Hán học. Ngôn từ phong phú và đầy ắp sự lãng mạn, tung hoành với thể biền ngẫu.
.     Trong thơ dịch, (Hán sang Việt) dịch giả thể hiện sự thận trọng trong ngữ nghĩa, kỹ càng trong câu chữ và xúc tích trong hành ngôn. Vừa sát với thần thái nội dung vừa giàu tính văn chương, biền ngẫu mà sáng trong.
Trân trọng thơ của Lão y Nguyễn Sĩ Tấn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam hiện đại.
        Xin giới thiệu một vài tác phẩm văn học của cụ Lương Y

                                HÙNG VƯƠNG

Lạc Hồng(1) mười tám vị vua cha
Ngoại bốn ngàn năm Tổ Quốc ta
Đất Việt, gây đông đoàn chủng tộc
Giời Nam mở rộng cõi sơn hà.
Ông cha thần thánh xây cơ nghiệp
Con cháu Rồng Tiên(2) dựng nước nhà.
Hùng vĩ đông nam châu Đại Á
Đời đời tô điểm gấm thêm hoa.
NGUYỄN SĨ TẤN ,1943

_______
1. Dân tộc ta gốc từ hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt trong nguồn Bách Việt. Họ Hồng Bàng với 18 đời Hùng Vương (2879 -258 trCN).Đời vua Hùng18 của Lạc Việt hợp với bộ lạc Âu Việt của Thục Phán thành nước Âu-Lạc (258-179 trCN) vua là Thục Phán An Dương vương, đô Cổ Loa. Bị Huyện lệnh Triệu Đà của Tần Thủy hoàng (sau này y phục Hán) xâm lược (sau vụ Mỵ Châu-Trọng Thủy), nước ta bị rơi vào tay Trung Quốc đô hộ lần thứ nhất.

2. Truyền thuyết, Lạc Long Quân giống Rồng, lấy Âu Cơ nòi Tiên, đẻ 100 bọc, nở 100 người con. Sau này chia 50 người con theo mẹ lên rừng. 50 người theo cha xuống bể. Con trai cả của họ là Vua Hùng đầu tiên của nước Việt cổ.
________________________________________

                                    TRIỆU ẨU

Phải đánh vì chưng giặc đến nhà
Cờ đề chữ Triệu(1), thúc voi ra.
Thương về nòi giống vào tay địch,
Giữ lấy non sông biết mặt bà.
Tam quốc so tài âu có một,
Nhị Trưng(2) nối chí nữa là ba.
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Nức tiếng anh hùng gái Việt ta!
Nguyễn Sĩ Tấn, 1940

______
1.Triệu Thị Trinh (225-248), người Quan Yên, Thanh Hóa, với chí anh hùng:“ Tôi muốn cỡi cuồng phong, đạp bằng sóng dữ, chém kình nghê Đông Hải, đánh đuổi giặc Ngô, cởi ách nô lệ!” 19 tuổi, bà chiêu binh mộ nghĩa, lập căn cứ Phú Điền ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Năm Mậu Thìn (248), cùng với anh trai là Hào trưởng Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa. Bọn Tàu Ngô đang cai trị nước ta phải bạt vía kinh hồn, tan tành thành, ấp. Thứ sử Giao Châu là Lục Dận hoảng sợ, trốn chạy bán sống, mất dạng.
Bị phản bội, bà hy sinh trên núi Tùng sau 6 tháng chống giặc.
2. Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị khởi nghĩa chống giặc Hán năm 42, tại Phong Châu, Vĩnh Phú.
________________________________________

.             SƠN CĂN SẤM ĐỘNG

.            Văn điếu một cụ lương y

 Sơn căn sấm động, gió lay đổ gốc cam tùng,
Hải đới trào dâng, nước cuốn bạt thuyền Thiên Trúc(1).
Kiếp ký sinh tưởng lại những băn khoăn,
Đoan khởi tử mua đâu hòng vãn phục.
Nhớ cụ xưa:
Phong tư hậu phác, vóc quế, hình mai.
Đức tính ung dung, cười hoa nói ngọc.
Trước nghiên cứu hoàng kỳ học thuật, để biết điều phòng kỷ tế sinh.
Sớm theo đòi Khổng thánh chẩm trung, mong hiểu đạo quy thân bại độc.
Thuộc từng câu đại giả, sài hồ,
Nhớ từng nét sơn chi, dã cúc.
Há phải cầu thi, đỗ trọng cho danh,
Chẳng qua muốn dịch, ngưu tất phải học.
Đăng tâm khổ luyện, kể biết bao trăm,
Viễn chí song phu, tính đà mấy chục.

Chí khoa trường toan như Tô tử(2), suy ra chẳng hợp thời cơ,
Thú giang hồ muốn học Đào nhân(3) tỉnh lại chưa yên thế cục.
Ngồi rồi đọc phú quy lai,
Sớm đã biết câu tri túc.
Điền viên lạc thú chăn nuôi đủ bát vật thập toàn,
Nghệ phố ưu du, trồng trọt cả thiên hoa, bách cốc.
Thanh nhàn thỏ lạc, sáng đi hái nụ hồng hoa,
Đủng đỉnh ác tà, chiều đến vun cây tô mộc.
Khi chuyên trà liên tử, khi thưởng rượu bồ đào,
Khi nấu gạc ban long, khi chưng rau hoạt lộc.
Khi luyện đơn lai phục âm dương,
Khi chế tễ giao gia thủy lục.
Trần châu thổ bối, dự trữ thanh tương,
Túc mễ dư lương, bổ sung thạch hộc.
Thâm canh hoài truật, dốc một lòng phục vụ sinh linh,
Sản xuất sinh quy, tìm mọi cách bảo toàn dân tộc.
Phòng phong đắc lực, chính phủ ngợi khen,
Thảo khấu lập công, nhân dân kính phục.
Thông huyên cao cả, dầy dạn tuyết sương,
Hòe quế phương phi, thấm nhuần mưa móc
Phương hương cam cúc, trước thềm rạng vẻ tam đa,
Phú quý mẫu đơn, ngoài cửa nêu gương ngũ phúc.
Bát tiên thiêm thọ, như núi càng cao,
Tam tử dưỡng thân, như nhà có nóc.
Những tưởng:
Thiên tinh rực rỡ, hồi xuân thọ thế dài lâu,
Địa cốt vững vàng, kết quả khai hoa tiếp tục.
Ai ngờ:
Giời chẳng chiều người,
Có lẽ:
Già rời cõi lộc.
Thiên niên có hạn, xuân đã qua vạn bảo khôn hồi,
Đan sa chưa thành, mạnh đã rủi thiên kim khó thục.
Khương tầm đứt mối tơ vương,
Bán hạ gặp cơn gió lốc.
Thập thần cứu trợ, hồi đầu, chẳng thấy mã đâu linh,
Tứ thánh phù trì, kết cục, còn e dương trịnh trọc.
Bồi hồi thạch lộ xe dong,
Phút chốc thiên môn ngựa giục.
Thôi từ nay:
Hổ phách tiêu hao
Trần giao kết thúc.
Mặt trận vắng một người thương nhĩ thông minh,
Đông y mất một vị bạch đầu uyên thức.
Công tác vệ sinh xã hội, bạch đồng nữ ai kẻ trông nom,
Tương lai y dược Việt Nam, trà hài nhi lấy ai giáo dục.
Kìa kinh giới, tử tô,
Kìa hoài sơn, liên nhục.
Kìa cây hạ thảo để khô,
Kìa nụ đông hoa để mốc.
Hy thiêm, ích mẫu ai nấu ra cao?
Sinh địa, sa nhân ai chưng thành thục.
Nhớ buổi hợp hoan sơ kết, kề vai đọc sách Lãn Ông(4),
Nhớ khi đô hội chuyên đề họp mặt bình thơ Đỗ Mục(5).
Hạnh nhân, cam thảo, nhớ những khi bùi ngọt thưởng chung,
Côn bố, bào y, nhớ những buổi rách lành đùm bọc.
Vườn đào vắng vẻ, nghĩ luống thương tâm,
Ngõ hạnh hắt hiu, nhìn thêm thảm mục.
Hay:
Thuốc khan ô dược, phải tìm lên Bồng Đảo(6), Thiên Thai(7)?
Vị thiếu hoàng liên, phải hỏi đến Tứ Xuyên, Ba Thục(8)?
Thôi thôi:
Suối chìm ngọc thạch, bảng lảng khôn mò,
Bể lặn kim sa, lập lờ khó xúc.
Người đi kẻ ở, mấy câu vĩnh quyết, đọc trước uy linh,
Giấy ngắn tình dài, mấy chữ nôm na, gửi lên ngọc chúc.

.                                    Lương Y NGUYỄN SỸ TẤN
_____
1. Thiên Trúc: còn gọi Tenjiku nghĩa là Mặt Trăng, tên nước Ấn Độ cổ có nước Kapilavastu (đông bắc Ấn) Nơi đức Phật Thích ca Mâu ni xuất thế
2.Tô tử: Tô Thức (1037-1101) tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha, Tiến sĩ năm 20 tuổi, nhà thơ nổi tiếng đời Tống.
3. Phạm Lãi, tướng quốc nước Việt giúp Câu Tiễn phục thù diệt Ngô năm 473trCN, ông đón Tây Thi đi Ngũ Hồ. Sống ở Tề, hiệu Đào Chu công, thành lập đội thương thuyền buôn bán khắp nơi.
4. Danh y Trần Hữu Trác (1720-1791) hiệu Hải Thương Lãn Ông. Quê gốc Mỹ Hào, Hưng Yên.
5. Đỗ Mục (803-852), còn gọi Tiểu Đỗ, nhà thơ thời vãn Đường (618-907).
6. Theo Sử ký Phong Thiền sách là nơi tiên ở còn gọi Bồng Lai, một trong ba ngọn núi (Phương Trượng, Doanh Châu) trên biển Bột Hải, Trung Hoa.
7. Theo Minh Lục, Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang, nơi Lưu Thần và Nguyễn Triệu nhân tết Đoan Ngọ đi hái thuốc đã lạc vào đó.
8. Tỉnh Tứ Xuyên và đất Ba Thục (nước Thục của Lưu Bị thời Tam quốc Ngụy- Thục -Ngô).

 

BÌNH LUẬN