Tố Hoài – ƯỚC MƠ LÀM MẸ – truyên ngắn

0
1331

Truyện ngắn của Tố Hoài

                      ƯỚC MƠ LÀM MẸ                      

                                                                                                                                                                                Tặng Phạm Thị Đan

 Cúc bần thần nghĩ về những ngày mình rời ghế học trò đứng lên bục giảng. Ngày giáo sinh Phạm Thị Cúc tốt nghiệp Trường Sư phạm về phòng Giáo dục huyện, nhận công tác, Trưởng phòng Giáo dục xởi lởi hỏi:
–   Cô có ý nguyện về đâu?
Cúc vô tư trả lời:
–     Phòng phân công về đâu cũng được ạ.
Trưởng phòng mỉm cười, độ lượng:
–   Vậy cô về trường Phổ thông Nông nghiệp nhé?
Cúc hồn nhiên đáp ngay:
–   Vâng ạ.
Về rồi, cô mới hiểu ra. Trường mở trên vùng nông đơn canh, dành cho những em quá tuổi chưa được đến trường với dủ các lý do. Thời chiến, các em vừa làm vừa học. Thời gian học ít ỏi. Tuy nhiên với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, bù đắp lấp đầy những hố hổng kiến thức phổ thông và để lớp không trống chỗ. Rồi cô đươc giao trách nhiệm Hiệu phó của trường.
Cả nước khí thế hừng hực chống chiến tranh. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không Bộ Giáo dục cử thày cô giáo vào các vùng giải phóng. Đàì giáo viên, chồng cô, được cử đi. Cúc vui lắm. Nếu vậy, cô cũng có thể xin đi đươc chứ? Đàì nói:
–   Họ chẳng cho đi đâu.
–   Tại sao?
Đài đùa vui:
–   Con gái con lứa, chân yếu tay mềm…
Cúc tranh luận:
–   Nam nữ bình đẳng. Không cho phụ nữ đi là tư tưởng thủ cựu. Bây giờ ai dám chịu mang tiếng ấy nào?
Nhưng khi tới phòng Giáo dục, mới thấy có đủ lý do từ chối cô. Vòng vèo mãi, trưởng phòng mới chân tình:
–   Với trường hợp đồng chí Cúc, ý chí thì tốt rồi. Song mới kết hôn. Ai nỡ lòng nào xẻ nửa vầng trăng lúc này?
–   Nhưng hôm nay chúng tôi đều gửi đơn đi cùng. Được cùng đi thì vầng trăng vẫn tròn vạnh trên đầu!
Không đắn đo nữa. Trưởng phòng cũng không úp mở:
–   Lỡ đồng chí có mang trên đường hành quân thì mọi việc đều phải làm lại từ đầu để bổ sung sao?
Cúc tỏ rõ mình.
–   Chúng tôi cũng đã bàn đến điều này và khẳng định không có gì ảnh hưởng tới lộ trình. Đó là lời đảm bảo, quyết tâm thực hiện nguyện vọng góp vào cuộc Giải phóng dân tộc với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt! – Cúc bẽn lẽn – Việc đó chỉ đặt ra khi công việc thật ổn định.
Thế là Cúc và Đài cùng các thày cô giáo ba-lô trên vai hành quân. Đường vẫn gập ghềnh như bước chân người lính đã đi. Họ bước lên những vết bom còn nóng hổi mà sức tàn phá, hủy diệt của nó còn nguyên. Suốt dọc Trường Sơn, bắt đầu từ Quảng Trị, Cúc đã thấy rừng khác lạ. Cả thảm thực vật bị hủy hoại. Màu xanh non lưa thưa cố nhoi lên nền vàng úa ủng. Ngồi nghỉ bên cô giao liên trạc tuổi mình, Cúc hỏi:
–   Sao rất nhiều cây cổ thụ cháy đen chọc trời thế kia?
–   Do Mỹ đó. Máy bay C123 phun chất khai quang xuống đó. Sau đợt phun vài ngày thì lá cây úa rụng. Nhất là những lá cây to rụng ào ào hết trơ hết trọi à.
–   Vậy nó có mọc ra lá nữa không?
–   Thảm hại rứa đó. Cây lớn chết đen thui. Cây nhỏ trầy trật nhoi lên thì Mỹ lại phun tiếp. Mặt đất bị lụi tàn. Rau rừng không mọc được. Dưới suối cá ngửa bụng lềnh bềnh. Thú rừng chết dậm dụi. Chim rừng thưa thớt dần.
Cúc rùng mình:
–    Người ăn phải liệu việc gì không?
–   Chưa rõ ra răng. Ai bị phun phải thì ngứa. Có những người bị lở, từng đám sần xùi. Vậy mà hàng ngày vẫn bám đất mà ở. Chất khai quang thấm xuống chảy ra suối. Việc cứ phải tắm, phải ăn uống thứ nước ấy chứ biết lấy ở mô?
Đoàn người cứ đi. Họ đang đạp lên bom đạn, đạp lên chất hóa học khai quang mà đi như thế. Điều lớn hơn, họ đang thực hiện nhiệm vụ vì dân tộc họ. Phải đem lại quyền được học cho thế hệ trẻ con em họ. Những tương lai của đất nước họ đang cần.
Bằng đôi chân trần và đôi vai ba-lô, họ dừng ở Tây Ninh vào cuối năm 1973. Dưới mái rừng thưa m lá thấp, Cúc lại có câu hỏi tại sao? Bởi những cây to thế kia, cây nào cũng bị cắt ngang tầm. Một lần, nhân đồng chí cán bộ sở tại đến, cô được dịp muốn giải mã câu hỏi của mình. Đồng chí cán bộ trả lời:
–     Do Mỹ cả đó cô giáo. Suốt những năm 1966-67 ngụy quân mở chiến dịch Attleboro. Máy bay C123 tưới chất khai quang rụng lá hết đợt này đợt khác. Đến trận càn Junction City, Mỹ nhằm vào chiến khu C toan xóa bỏ Trung Ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Trung ương Cục. Với 53 ngày đêm(1) Mỹ huy động 30.000 lính Mỹ, 5000 lính ngụy, 300 máy bay lên thẳng, 3 phi đoàn máy bay vận tải…Trước hết dùng bom đạn có sức tàn phá rất lớn để triệt hạ rừng. Cây cối bị cứa đứt gục ngang thân từ đó. Tiếp, chúng dùng chất khai quang chà đi xát lại. Ui cha! Thiệt tàn ác. Cả vùng rộng lớn từ Cầu Đăng, Tà Xia, Lò Gò, qua Cà Tum, Sóc Mới, Rùm Đuôn đến Bản Lợi (Bình Dương) Núi Cát, Dầu Tiếng, tận Đồng Rùm, Bà Vồng…
Vậy mà hàng ngày các thày cô giáo vẫn mặc nhiên tắm giặt, ăn uống thứ nước thấm đậm đặc Dioxin từ đất chảy ra. Họ ăn thứ rau rừng thấm Dioxin òi ọt mọc lên. Ăn những con cá bị phơi nhiễm chất Dioxin thoi thóp dưới lòng con suối chảy.
Cúc được điều về vùng Phước Long. Cảnh rừng bị tàn phá cũng không kém ở đây là mấy.

2.
      Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 vợ chồng thầy cô Cúc Đài được nhận về Giáo dục thuộc tỉnh Sông Bé. Công tác tổ chức cho các lớp học thật khó khăn. Học sinh lưa thưa, ít ỏi. Cúc đi vòng vèo hàng chục cây số đường rừng để vận động, giải thích và thu gom học trò. Rồi Cúc có bầu. Công việc vẫn là công việc, cô phải hoàn thành với trách nhiệm cao. Đài rất vui. Anh nhắc nhở vợ:
–  Em phải hết sức cẩn thận. Đó là niềm hy vọng và hạnh phúc của mình.
Cúc trong niềm vui, cô trấn an chồng:
–  Dĩ nhiên là em cố gắng giữ gìn. Anh thấy ở quê đó. Các bà bụng to vượt mặt vẫn đi gặt hái, gánh, đội, cấy lúa đấy không?
Đài nhắc lại lời bác sĩ dặn dò:
–   Em nhớ lời dặn khi lên dốc, xuống dốc đều phải tránh bước hụt chân, tay không xách nặng… rồi chứ?
–  Em nhớ rồi. Nhưng khi chưa có người thay thì mình phải làm hết trách nhiệm người cán bộ, đảng viên, người thày một cách trọn vẹn…
Song, tới một ngày, bỗng nhiên Cúc thấy đau bụng. Bác sĩ thăm bệnh bảo động thai. Nhau bong quá năm chục phần trăm. Thật khó lòng giữ lại….
Cúc đau xót phải bỏ đứa con chưa thật rõ hình hài. Nằm viện ít ngày, cô phải trở về với công việc đang đợi.
Mấy năm liền, cô không thấy có thai. Đài giục đi khám bệnh. Công việc không thể trì hoãn. Lớp học bắt đầu nề nếp. Mình bỏ đi dù thời gian không lâu cũng sẽ bị chuệch choạc. Sắp xếp lại thật khó khăn, có khi như thể từ đầu. Cúc nấn ná. Đài toét miệng nói nửa thật nửa cợt:
–   Em không cố mà đẻ, anh phải đi nhờ người khác đẻ giúp mất thôi.
Cúc không giận anh. Bởi vì Đài vẫn có khi bông đùa tương tự. Có lúc cô không hài lòng. Nhưng thấy anh chăm chút việc gia đình một cách siêng năng, cô không giận nữa. Chuyện cũng thành quen.
Đã mấy lần thăm khám. Mấy lần lên cả Sài Gòn. Tới bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Nghiệm pháp thăm dò cuối cùng, kết luận Cúc bị vô sinh thứ phát. Tiếc rằng cụ thể do đâu, lại không thể tìm ra.
Từ ngày biết Cúc khả năng khó có con, Đài buồn rười rượi. Lời anh ít ỏi hẳn đi. Cả khi vui vẫn không giải được gương mặt suy tư khắc khoải. Cúc động viên:
–   Anh ạ. Phận gái lấy chồng chẳng ai muốn thế. Song em sẽ cố chữa trị đến cùng. Bởi con cái là sơi dây hạnh phúc…
Cúc tâm lý, Đài không phản đối. Anh bù lại bằng công việc chăm chỉ. Anh thường đi về muộn với những lý do công việc cần anh, không thể nào khác được:
–   Em ạ. Anh phải tới gia đình từng trò để thăm hỏi động viên cho sĩ số lớp không thưa…
–   Ôi, em rất vui Đài ạ khi mọi trò đều đến lớp. Kết quả ấy không phủ nhận công anh.
–   Ừ… Thì anh cũng phải cố gắng hết mình.
Có lần Đài về muộn quá mà cô vẫn chờ cơm. Vừa thấy chồng về, Cúc đon đả:
–   Em lo cho anh quá. Sợ có gì bất trắc dọc đường. Em cứ định đi đón…
Đài cười xí xóa. Lời anh cởi tự đáy lòng:
–   Cám ơn em. Đừng có làm thế anh lại lo hơn. Vậy nếu vì học trò, anh phải ở lại, em có buồn lòng?
–   Em sao có thể thế được. Vì nghĩa cả, vì học trò thân yêu em sẵn sàng hết cả…!
Vậy là, công việc của Đài hình như mỗi ngày bận thêm một chút. Độ dầy lý do cao lên. Và dĩ nhiên, tần số vắng nhà, giao động tăng dần.
Cúc ngày một tin tưởng Đài. Bởi vì anh biết hy sinh những gì nhỏ bé gia đình để cho việc lớn được giao. Ấy là sự nghiệp trồng người. Thôi thì biết đâu trời không cho cái này sẽ bù lại thứ kia. Vì lợi cho đời, ích cho xã hội, là nguồn động viên mình mong muốn. Đến lúc Cúc thấy cần phải cám ơn anh. Động viên anh đã san sẻ khoảng trống vắng ước mơ làm mẹ. Một chỗ dựa thiết thực khi cả hai đều xa quê, xa nhà, xa nguồn động viên cố hữu.
Khuya. Mưa dai. Đường rừng lầy lội. Đài đi dạy học về. Anh như bóng đen cô đơn lừng lững ập vào nhà. Cúc nhận ra chồng. Cô ào ra, an ủi:
–   Ôi anh yêu! Thương anh quá thế này.
Khác mọi lần, giọng anh như có suy tư, trắc trở:
–    Có gì mà đáng thương với nhớ?
Cúc dịu lại. Cô cố giải tỏa tâm tư anh:
–   Ôi không vì vợ làm sao anh phải vất vả thế!
Cúc thấy chồng dạo này chợt vui, chợt buồn. Hỏi thì anh chỉ ư hừ. Cúc hiểu. Người đàn ông thường nặng nề việc có con nối dõi. Từ đó có khi, cũng sẽ mất niềm hy vọng của gia đình. Không dễ dàng ngày một ngày hai nguôi ngoai đi được. Lúc này sự trách giận, buồn lòng sẽ như lửa đổ thêm dầu. Cúc dằn lòng mà vuốt ve, chiều chuộng.
Chiều. Cúc đợi cơm, đỏ mắt chờ chồng. Thấy bóng người, cô hí hửng chồng về. Hóa ra, em học trò. Thế cũng đỡ cô đơn. Bởi em thuộc lớp học trò đầu tiên cô dạy. Học hết cấp hai, tuổi lớn, em đi học nghề. Hiện em là cô giáo một trường mầm non. Cúc rất vui được học trò đến thăm lúc này. Cô đon đả:
–   Em lớn quá rồi a. Chững chạc ra, em ạ.
–    Dạ…
–    Công việc dạo này thế nào? Có gì mới không?
–   Dạ. thưa cô. Em cảm ơn cô.
Người học trò cứ như mắc cỡ, ngập ngừng. Mấy lần muốn nói điều gì đó. Chắc là thật khó nói. Cúc nhận biết, động viên:
–   Em có gì khó khăn lắm phải không?
–   Dạ…
–   Em nói ra đi. Chúng ta là phụ nữ cả mà!
–   Dạ…em thưa cô…
–  Cô nghe đây. Em cứ mạnh dạn nói đi
–   Dạ…cô. Em thiệt có lỗi… Dù sao…em cũng…không thể giấu mãi. Em…em đã có bầu…với…anh Đài…ba tháng!
Tim Cúc đập thình thình muốn vỡ. Cô ngồi chết lặng. Bối rối. Không nói được lời nào và chưa biết xử lý ra sao. Trò của cô cúi mặt. Thỉnh thoảng lé nhìn, thăm dò. Cúc nhìn kẻ địch tình và nén ép dòng lệ vào trong. Gương mặt cô không tỏ sự căm thù. Lời Cúc lắng lại. Đôi môi run rẩy bật ra lời sau những suy nghĩ như đã có từ lâu:
–   Em nói thật lòng đi. Cái bầu trong em là của anh Đàì thật không?
–   Dạ. Em không dám lừa cô. Tự em không dám thú tội.
–   Vậy là cô hiểu. Giá mà có anh Đài ở đây. Song cũng không cần đâu nhỉ. Em hứa đi. Em không dối lòng và sự thật có buổi thú nhận hôm nay.
–    Dạ.
Cúc chìm trong lễnh loãng, trống trải. Cô cũng đã nghĩ tới có thể có một ngày như thế. Cúc cũng từng dằn vặt mình. Cô từng lặng im và âm thầm nuốt dòng lệ mặn chát Không để nỗi buồn lây lan sang Đài mà sự khát đợi, đói chờ lúc nào cũng như lửa đốt lòng. Có lúc cô gợi ý nuôi một đứa con. Mà Đài chỉ muốn đứa con nối dõi nghiệp nhà. Suy tư rất đàn ông ấy đã thúc đẩy bẩm tính giống đực là logic khó lòng tránh khỏi.
Cô học trò cũ về rồi, Cúc lại nóng lòng đợi trong mông lung. Mâm cơm từ tối qua đã nguội khô cứng lại như nỗi lòng cô lúc này. Đài về. Anh thanh thản như không có gì khác lạ. Cúc chờ anh đăng đàn trước. Song sự im lặng đã trùm tất cả làm lòi cái đuôi con chuột ăn vụng thì Cúc đành phải lật ngửa con bài:|
–    Anh Đài này.
–    Có gì không em?
–    Anh đang có chuyện vui gì phải không?
–    Đâu có?
–   Có người đến đây báo niềm vui của anh mà sao anh diễn kịch giỏi thế!
–   À chuyện ấy à. Thì em nghĩ sao?
–   Là niềm vui cho anh. Song không thể không là nỗi buồn cho người khác.
–   Nhưng cũng là việc bất đắc dĩ thôi mà!
–     Vậy là anh coi thường em. Coi thường lòng tin của mọi người vào anh rồi đấy.
–    Cô bảo sao?
Cúc nhắc lại. Đài nghe rõ. Anh toan cả vú lấp miệng em:
– Tôi nghĩ rằng khi mình chết chìm thì không nên kéo người khác chìm theo!
– Thôi được rồi. Chưa bao giờ em níu anh chìm sâu dưới nước cả. Song nếu anh muốn thì chắc là không ai níu giữ làm gì. Anh nhớ rằng anh đang phạm luật chơi! Luật Hôn nhân quy định rõ ràng. Trọng tài có quyền thổi còi, loại anh ra khỏi sân chơi trước đã. Còn cái án phạt có cho chơi tiếp không lại hoàn toàn tùy thuộc vào anh!
Mồ hôi Đài toát ra. Trước lúc này anh chỉ nghĩ làm một việc đã rồi để vợ anh chấp nhận. Cơn khát cháy cổ che lấp cả tư duy ngoài việc cần nước cho đã cơn thèm. Bây giờ Đài mới giật mình, nhận ra cách mình chơi phạm luật. Hối lỗi. Đài xuống nước nhỏ. Bởi anh đang cần danh dự. Cũng cần cơm áo gạo tiền bằng đôi bàn tay của mình khi trọng tài rất ư khắt khe với từng động tác phạm lỗi trong sân.

.    Màn đêm buông xuống. Cúc trằn trọc mất ngủ đã mấy đêm liền. Đầu nặng chịch. Con mắt cứng căng không thể nào nhắm nổi. Mệt mỏi. Cúc muốn giành lại chút thanh thản. Cô dùng mọi cách để ngủ. Cô đã dùng đến nước củ Bình vôi. Vậy mà giấc ngủ vẫn chập chờn. Những gì tai nghe mắt thấy cứ đánh thức cô, cứ lôi cô dậy. Trong cơn ngủ thiếp, Cúc ú ớ kêu. “Đừng! Đư…ừng !”. Cả không gian im lìm. Vây quanh Cúc là đám người đông ngịt. Trước cô, là nạn nhân, một phụ nữ mang bầu bị tạt nước, tay ôm mặt, quằn quại dưới mặt đường cát sỏi. Cúc đã trông thấy một người phụ nữ với bộ mặt hằm hằm tức giận, cầm cái chai nước tạt vào mặt người phụ nữ mang bầu. Hình như nước đó là acid. Chất acid đã vương vào tay Cúc rát bỏng. Cúc kêu cứu giúp người bị nạn. Nhưng chẳng có ai cứu cả. Cô càng cố gào to hơn tìm một hành động nhân ái lúc này. Tiếng ú ớ bật thành tiếng: “Cứu! Cứu …” Và Cúc òa tỉnh trong sức lực bã bời. Cô nằm lặng trên giường nhớ về cơn ác mộng. May đó chỉ là mớ. Có thể do Cúc đã được nghe người ta xui cô tạt acid để trả thù Song cô đã quyết ngăn lại. Nỗi ám ảnh thành nỗi lo, có ai đó manh động trả thù hộ. Cúc thắp đèn sáng cho đỡ cô đơn. Thì ra nốt bỏng rát, acid vương phải lúc mớ là nốt muỗi đốt trên tay vẫn còn vương vệt máu.
Thực lòng Cúc muốn Đài có được sự may mắn hơn là hận thù. Cô nén tất cả sự đau khổ để sẵn sàng làm thủ tục giải thoát cho Đài. Người phụ nữ, chồng là bức trường thành bền vững nhất. Điểm tựa ấy đổ sập thì việc trở về nhà như thể mặc nhiên.
Trước khi về Bắc, Cúc đến chào bạn học cũ, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy. Anh đưa cô đi kiểm tra tổng quát sức khỏe trước lúc lên đường. Tờ xét nghiệm sinh hóa máu, trả lời Đường huyết cao hơn hằng số bình thường. Bạn cô nghi ngờ cho xét nghiệm lại. Kết quả vẫn như thế. Với thói quen nghề nghiệp, anh nói “ Tuổi Cúc chưa nhiều mà đường huyết cao thế này là điều cần phải suy xét. Cần biết căn do. Mà nay, sát ngày Cúc về Bắc nên mình chỉ kê toa trị liệu bước đầu…”
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh mẹ bồng con3.
C
úc về dạy học tại tỉnh nhà. Nỗi đau đáu ước mơ làm mẹ xếp lại. Biết mình không bận bịu con cái Cúc dành toàn bộ thời gian cho giờ đứng lớp. Rồi Cúc được giao nhiệm vụ quản lý trường. Công việc của người Hiệu trưởng một trường điểm của tỉnh đã choán hết thời gian. Vùi vào nhiệm vụ, có lúc Cúc quên cả chính mình.
Giờ đây hưu trí, Cúc mới có dịp nhớ về thời tuổi trẻ. Phơi phới bước học trò. Vô tư bước trên bọm đạn chiến trường. Cần mẫn những năm tháng hòa bình. Vậy mà lại gập ghềnh từng bước khi buổi về già. Chuyện về chất độc Da cam, về bệnh tiểu đường dằn vặt cơ thể cô mới thấy ngán ngẩm, rùng mình!
Chất độc Dioxin Mỹ đã đem từ đất Mỹ sang đây. Bằng cách đánh tráo lòng nhân ái, với dã tâm ghê tởm nhất, sự nham hiểm độc ác kia được núp dưới chiêu bài giúp Canh nông diệt cỏ! Mỹ phủ lên lòng tin con người một lớp bụi mờ, để Mỹ dễ bôi đen, mà ngộ nhận và gán lòng tin bác ái của Đức Chúa ban.
Lúc ấy, chưa mấy ai rõ bàn tay nhân ái Mỹ màu gì. Các công ty hóa chất Mỹ Diamond Alkali, Monsanto, Dow Chemical, Hooker Chemical, Hercules Powders …Hàng ngày vẫn ầm ào vận hành hết công suất để đáp ứng theo đơn đặt hàng của Ngũ Giác Đài và thu về món lãi kếch xù béo bở. Hóa chất độc thành vũ khí hóa học. Nó theo từng đoàn tàu quân sự Mỹ chở sang miền Nam Việt Nam ưu tiên cập vào bến cảng Sài Gòn, Đà Nẵng… Có ai ngờ rằng hàng vạn thùng chất khai quang kia mang đủ màu tím, màu trắng, màu cam…lòe loẹt lại có thể hủy diệt con người. Có ai tưởng tưởng nổi chỉ cần 80g Dioxin thả vào ống nước máy đủ khả năng giết chết mười triệu người của một thành phố Mỹ. Song 170kg Dioxin nguyên chất trong bốn mươi lăm triệu lít hóa chất độc kia, Mỹ đã rải liên tục suốt chục năm trên mảnh đất nhỏ bé này thì tai hại(2) biết chừng nào?
Thời gian bán hủy (half-life) của nó chẳng rõ bao lâu. Mà thực tế sức hủy diệt thật là ghê gớm. Nó tựa như chuỗi bắn phá dây chuyền của hạt nhân nguyên tử. Song sự nguy hiểm âm ỉ gấp trăm lần bom nguyên tử Mỹ rải xuống Hiroshima và Nagasaki hồi Thế chiến II trên đất Nhật Hoàng. Nó luồn lách đến từng ADN gây đột biến di truyền tới thế hệ con, cháu, chắt, chút… chưa rõ điểm dừng.
Thời kỳ ra đời của vũ khí hóa học Da cam/Dioxin, chưa mấy ai rõ tính cực kỳ độc hại của nó, trừ các nhà khoa học. Nhưng Nhà Trắng dùng sức mạnh USdollars lấp liếm. Giấu nhẹm tác hại của chất độc khi Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy bật đèn xanh bằng quyết định Operation Trail Dust(3) ký ngày 20-11-1961, áp dụng loại vũ khí hóa học này vào chiến tranh Việt Nam. Mỹ không ngần ngại lừa dối binh lính và cả đồng minh của họ. Bí mật quân sự được tuyệt đối đến mức nội dung tờ phụ trương hướng dẫn phun chất độc trong kế hoạch Pink Rose được định từ Ngũ Giác Đài: “Không gây hại cho con người cũng như động vật”.
Như vậy đồng nghĩa với việc Nhà Trắng bỏ rơi quân lính và quân đồng minh của họ phơi nhiễm chất Da cam/Dioxin. Tuy nhiên họ hiểu rằng, số ít sĩ quan Mỹ đi vào vùng rải thảm với thời gian rất ngắn. Và cuộc sống thường nhật rất ít phụ thuộc vào sản phẩm từ xứ sở ô nhiễm này. Đến nước tắm cũng chở tận từ Hạ-Uy-Di(4) mang tới nữa là! Cho đến khi cả một bầy lính Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam về Mỹ, nảy sinh bao nhiêu thứ bệnh lạ nặng nề dẫn tới cái chết thì sự thật mới được khui ra. Bằng các phương pháp khoa học hiện đại, các nhà khoa học phi Chính phủ Mỹ đã tìm ra tác hại nguy hiểm của nó. Bệnh căn tiểu đường (Type2 Diabetes), bệnh vô sinh (Unusual births), dị tật sơ sinh…nằm trong mười bảy thứ bệnh tìm thấy do Da cam/Dioxin gây nên. Tổng thống Mỹ Bill Clinton, ngày 28 tháng 5 năm 1996 đọc bản tuyên bố thừa nhận và đền bù, chữa trị cho người bị phơi nhiễm chất độc này.
Lính Mỹ tiếp xúc với chất độc ít thế đã mắc bệnh. Còn Cúc trải qua thời gian dài phơi nhiễm chất độc Dioxin. Bởi cô và đồng nghiệp đã sống và làm việc trong vùng ô nhiễm ấy. Sự cảm nhiễm nhiều hay ít, phụ thuộc vào mỗi cá thể. Với Cúc thời gian như thế, điều kiện như thế sinh bệnh là lẽ thường tình. Song lòng hăng say với công việc, đã che khuất những đau đớn hàng ngày. Trách nhiệm vì lớp con em, đã bỏ quên những dấu hiệu bệnh tật. Cho đến giờ, tấm thân cô đơn trước thời gian quật quã, nỗi đau như dồn tụ, bật ra. Ước mơ làm mẹ mới thấm vào tận chân tơ kẽ tóc.
Người bác sĩ bạn cô đến thăm. Anh lè lưỡi lắc đầu trước sự phi thường chịu đựng của cô:
–   Bệnh tiểu đường và vô sinh vô căn của Cúc có thể là do chất Da cam đấy. Cúc thử đi khám bệnh xem sao?
Cúc hỏi lại:
–    Ở đâu xác nhận được căn nguyên này?
– Việt Nam không có phương tiện định lượng tồn lưu chất Dioxin trong cơ thể. Nhưmg, – Người bạn nói như khẳng định – thời gian và hoàn cảnh sống của Cúc ở vùng mà chất Da cam/Dioxin đậm đặc như thế thì cho phép nghĩ tới căn do bệnh tật bởi nó gây ra là điều có thể không lầm.
Cúc ngậm ngùi tư lự:
–   Bây giờ mới có chuyện đền bù. Khi đi chống giặc có ai nghĩ tới việc về hưởng lộc. Do vậy mấy ai giữ được giấy tờ chứng minh cho từng bước mình đi?
Người bạn bác sĩ an ủi, gợi mở:
–   Nó đã thành chủ trương mang cấp nhà nước. Đã có Thông báo số 196 của Văn phòng Chính phủ, Công báo Quyết định số 09/2008 của Bộ Y tế….về vấn đề này. Trong lý lịch khai xưa ấy. Lúc đó con người rất chân thực. Con dấu đóng vào lý lịch cũng rất vô tư! Ta lật những trang chân thực vô tư ấy, xem sao?

.    Cúc nhớ ra trong từng trang lý lịch mình có những con dấu xác nhận bước đi của mình. Cúc vui lên một chút. Cô đi tới nơi quản lý hồ sơ, giấy tờ của cô. Lần giở những trang lý lịch ố vàng, những con dấu vẫn còn nguyên đỏ chót như reo vui, như thể là người xa lâu ngày gặp lại.
,     Nhưng cái ba-ri-e chắn ngay ở lối vào khi Cúc vừa chạm tới. Đại diện cho lớp viên chức mẫn cán bây giờ, phủ nhận những con dấu cũ kỹ ấy. Những con dấu của một thời máu lửa đã qua đi. Mỗi dấu ấn ghi lại, không chỉ đổi bằng mồ hôi, và nước mắt. Mà có khi phải đánh đổi bằng xương, bằng thịt, bằng tính mạng của cả cuộc đời!
Cúc cứ trình bày. Người viên chức cứ nghe một cách vô cảm! Họ đưa ra những câu giải thích theo ý họ. Cái lý phải, bao giờ cũng thuộc kẻ giữ quyền.
Cúc ra về với hai bàn tay trắng trơn của kẻ cô đơn lạnh giá. Cô cố bỏ ngoài tai những lời đồn đại nhớp nhơ, phải đổi giá bằng tiền triệu nếu muốn có được giấy trợ cấp phơi nhiễm Da cam. Bởi vì Cúc muốn để lòng thanh thản vốn giản đơn như cỏ xanh nguôi ngoai trước trời cao thăm thẳm.
Song Cúc bung lung, băn khoăn, không thể không nghĩ suy về cái nghề công chức. Làm việc cứ như thế, như thế…. Như là khoét sâu vào chân bức tường cao, lâu ngày sẽ mục ruỗng. Bức thành kia liệu có thể vững vàng?
.                Nam Định, rét nàng Bân, 2013
.                               
TỐ HOÀI
____________
1. Trận càn Junction City từ 22 tháng 2 đến 15-4-1967

2. Hủy hoại 12 triệu herta đất và rừng Việt Nam
3. Tên chiến dịch phun hoá chất ở Việt Nam
4. Hawaii.

BÌNH LUẬN