Hương Nhu -GỌI HỒN VỀ CÕI NHỚ

0
610

.    HƯƠNG NHU, GỌI HỒN VỀ CÕI NHỚ

.                                                    Hải Anh

.   Mượn ý nhà thơ Hoài Nam đề từ, để có vài lời về sử dụng ngôn từ trong thơ Hương Nhu qua con mắt bạn bè. Trong cả ba tập thơ Vòng tay thời gian, Mùa hoa xoan đến và tập HOÀNG HÔN XANH, rất nhiều bài thơ khá hay, biểu đạt cả về tứ và thẩm mỹ thơ.
.    Nhà thơ Trần Quang Dực:“ Thơ hay là ngôn tại ý ngoại. Thơ Hương Nhu coi trọng tu từ, giàu hình ảnh…diễn đạt được nhiều cung bậc tình cảm.” Cảm với bài thơ Hoa Lan, anh đã viết: Thời gian ủ mối thương thầm/ Hoa lan ủ chữ nên vần thơ hay. Vâng, ngôn ngữ thơ khái quát và đa chiều. Ngôn ngoại là thế. Những con chữ phải được ủ mầm bám rễ mới đủ sức khai hoa, kết trái…
.    Nhà thơ Phương Quang với góc nhìn qua bài Hoa nở bao dung:“ Khi từng khúc từng nhôi mơ ước đổi đời bị vỡ lở ra, những cô gái “phận hẩm xứ xa” ấy mới thấy bầu trời tè thấp trên đầu chật chội như tấm áo tư do đang mặc. Ước mơ vời vợi thẳm xa. Bước đi không hề bằng phẳng và cái lạnh cõi lòng giá buốt từng bước chân đi. Người con gái ấy chỉ còn nước mắt. Những đám mây mịt mờ thấm đẫm nỗi niềm rung mềm vạt cỏ. Thì lời gọi tha thiết tình người nhẹ nhàng như người chị gái nhủ em về. Cấu trúc bài thơ khá chặt chẽ. Hình tượng độc đáo, đủ cho người đọc vỡ ra một chân lý cuộc sống, cuộc đời như hoa nở trên cái gốc của mình. Bước theo mơ ước viển vông, bay bằng đôi cánh chắp hững hờ thì sẽ luôn vỡ mộng…”
.   Với mảng thơ tình, Hoài Nam gọi Hương Nhu là gạo cội thơ tình. Những tứ thơ gọi hồn ai trở về cõi nhớ! Chị rất thú vị với “Cái tứ thơ về tháng ba rất riêng một vùng quê, thật tuyệt vời, dễ khắc vào lòng độc giả.”
.   Bài thơ Nhành xuân muộn khá đạt cả ý lẫn từ. Sự u mặc của ngôn từ mê hoặc người đọc. Con người khi vào giấc mơ thì cái suy tư, cái cõi nhớ chỉ là vô thức trong các điểm cảnh tỉnh. Và nhà thơ tự cho bóng hình của “người tôi yêu” đang xuất hiện trong đó, trong cõi mơ hồ. Tác giả đặt cạnh nhau hai hình ảnh thực/mơ. Loài trai biển ôm đớn đau tạo ngọc/ Ta phù du tìm kếm một bóng hình. Những viên ngọc rất thực với “người tôi yêu” trong phù du là sự đối lập đồng nhất của phạm trù “Yêu”. Thật u mặc. Thật bồng bềnh. Nhưng nó được gợi mở ở hai câu tiếp theo. Một thoáng vô tình cho tím sầu đông cuối lá bừng dậy một mùa xuân sung mãn trên nhành yêu yếu ớt, thật da diết thật mãnh liệt mở ra yêu thương đến tận cùng sâu thẳm …”cuộn vào anh cho ta ngọt môi tìm“!
.    Với bạn Phạm Hồng Quảng, một nhà luật, thường quen với các từ thân chủ, cáo trạng, năng lực hành vi… đến với thơ Hương Nhu, đã xoa xuýt:“ Hình như suối nguồn tâm hồn thơ Hương Nhu ngôn từ phong phú, mỗi bài mỗi vẻ..”
.   Bài thơ Lời heo may, lợi dụng vần lục bát dễ thấm lòng người, Hương Nhu đã vượt qua sự khó tính, dễ dãi làm bạn đọc ngỡ ngàng  bằng những ngôn từ “nhãn tự”.
.   Mà sao cái nắng chiều nay
Hong lên ấm áp của ngày Xuân non.
.   Lục trong từng sợi nắng còn
Bới tung từng lọn mây hờn dỗi trôi.
.    Sự sáng tạo của nhà thơ là đem ngôn từ đặt đúng vào vị trí. Một bài quý hồ vài ba câu. Một câu quý hồ một từ đắc địa. Nhà thơ Trần Quang Dực rất ưng ý từ “đằm” trong Gương mặt tháng Giêng đã thốt lên:“ Đào hoa là số thế nào/ Mà đằm trong rét mà hao tổn tình. Câu thơ đằm trong gió lạnh …hay quá bạn ạ.”
.    Sao lại trôi, bài thơ khá tâm trạng. Với góc nhìn đa chiều, nhiều bạn đọc tranh luận tạo ra một niềm hứng khởi mới, sôi nổi, có ý kiến trái chiều. Cũng đúng thôi, một tác phẩm văn học được công bố, nó không chỉ còn là của riêng tác giả. Đã là của công chúng, nó được quyền phán xét. Nhà thơ Tố Hoài cho rằng: “Người cầm bút chuyên nghiệp cũng như người thợ mộc nhìn khúc gỗ định được hình hài sản phẩm. Cái hồn thơ trong nhà thơ dễ tạo ra chiều kích sản phẩm của mình. Cái tủ buffée đẹp từ bàn tay thợ. Bài thơ hay từ dung năng trí tuệ nhà thơ.

.                             Hải Anh

BÌNH LUẬN