. QUÊN MẶT
.
. Truyện ngắn của Hương Nhu
1. Trống vào học đã gần hai chục phút mà lớp học ở cuối dãy nhà A vẫn ồn ào mất trật tự quá mức thế? Thầy Hiệu phó phụ trách chuyên môn vội xuống tận nơi thị sát. Một cảnh tượng lạ lùng hiện ra ngay trước mắt. Có ai kể lại thì chắc chắn thầy cho là bịa. Còn chuyện đang hiển hiện tai nghe mắt thầy kia, không biết là bịa hay thực đây!?
Hiệu phó sững người trước lớp học thày Chí. Thày mới được điều về trường. Không rõ vì sao học trò gọi thầy là Chí phèo? Hay chỉ tại ngòi bút của ông Nam Cao ghê gớm vậy?! Thày Chí lững thững đi ra. Đầu đội chiếc mũ cát màu xanh lá cây kiểu nhà binh thời chống Mỹ, quen gọi là mũ cối. Tại sao thầy đội mũ cối và đội từ lúc nào, chưa mấy ai xác định rõ. Bọn học trò khẳng định, hôm thày đang giảng bài, vài ba bạn cứ lào xào nói chuyện. Thày đang tức giận lũ học trò ma quỷ này, thì trên mái nhà tranh ọp ẹp, già nua kia rơi trúng đầu thầy vài mẩu gì đó xam xám, mềm mềm chắc là không sạch sẽ. Thầy sờ lên đầu rồi ngửi. Chắc cái mùi khó chịu xộc vào mũi. Thầy nhăn mặt chạy ra khỏi lớp. Lúc lâu thầy đội mũ cối, đi vào rồi cứ thế giảng bài. Có trò khác kể, học trò ở lớp này hay chơi trò búng phấn. Nghe tiếng lộp bôp sau lưng, thầy quay xuống. Mặt đứa nào đứa nấy lạnh như tiền. Vài lần thế. Thày tra hỏi, không đứa nào chịu khai, nhận. Mà thầy chẳng cần tìm hiểu vì sao học trò lại chỉ mất trật tự trong giờ của mình. Để khỏi phiền toái, thầy chọn chước cảnh giác cao… Từ đó, chiếc mũ cối bị dính luôn trên đầu thầy mỗi khi vào lớp này. Hiệu phó thấy lạ, hỏi:
– Sao đứng lớp mà anh lại đội mũ cối vậy?
– Anh lạ lắm à? – Chí thản nhiên – Tôi không những chỉ đội, mà còn đội mũ để giảng bài nữa đấy?
– Anh ốm à? – Hiệu phó dịu giọng – Ôi vậy sao không báo cáo tổ chuyên môn để phân công người khác?
– Hừ! Anh muốn cho tôi bị ốm lắm hả?- Chí nhếch mép- Đâu mà cứ mở cái miệng ra là nói người khác dạy thay?
– Vậy đời thuở nào, từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi mới trông thấy thầy giáo đội mũ cối đứng lớp giảng bài. Anh chiếm giải độc đắc kiểu dạy này mất thôi.
– Lúc đầu tôi cũng nghĩ như anh. Nhưng tình thế cái lớp này bắt buộc tôi phải đội. Tôi đành phải đội…
– Anh càng nói tôi càng không hiểu nổi. Tai sao lớp này lại bắt anh phải đội mũ để dạy? Vậy mà anh cũng chấp nhận à?
– Anh vào mà hỏi học sinh ấy…!
– Thôi thế này anh Chí ạ. Mình lấy của các em quá nhiều thời gian rồi. Ta để lúc khác tranh luận. Bây giờ mời anh hãy bỏ mũ ra và tiếp tục vào giờ giảng cho các em đi. Tôi thấy trên bảng mới chỉ có đầu bài thôi đấy.
Chí nổi cơn nóng giận:
– Giờ học này là của tôi. Lớp học lúc này cũng là của tôi. Tôi không khiến ông đến đây để dạy khôn…
– Không phải dạy khôn hay dại lúc này. Mà trách nhiệm tôi phải nhắc nhở, yêu cầu anh bỏ mũ kia ra và tiếp tục bài giảng.
– Tôi không bỏ mũ ra thì ông làm gì tôi? Chừng nào tổ chức của lớp này chưa ổn định.
– Quyền hạn và trách nhiệm làm thày để đâu mà anh không
làm nổi khâu tổ chức trước khi dạy?
– Tôi hiểu việc tôi làm. Ông đừng có vênh mặt lên nữa. Đủ rồi đấy. Ông đi khỏi nơi đây cho tôi nhờ!
Học trò trong lớp lắng nghe hai người tranh luận ngoài cửa.Bỗng có hai nghịch tử chỉ kém nhất quỷ nhì ma, ngồi ở bàn đầu, thầm thì đố nhau búng phấn vào khe cửa. Kết quả một xạ thủ búng trúng chiếc mũ cối…kêu đánh rộp. Thày Chí hớt hải nghiêng đầu. Do né quá đà, bị va vào cửa. Loạng choạng, mũ cối rơi xuống đất. Thầy vơ vội mũ chụp lên đầu. Tiếng cười ồ vang cả lớp, ồn ã, lao nhao khiến cơn bốc hỏa của thày như bị đổ thêm dầu. Tức giận, giọng thầy căng thẳng hơn:
– Ông có biến đi ngay không còn bảo? Vì ông mà chúng nó ném đá vào đầu tôi cũng nên. Ông còn léng phéng ở đây tôi ném vỡ đầu ông bây giờ…
– Nhưng anh làm gì mà để học trò ném anh chứ? Bây giờ tôi yêu cầu anh vào lớp giảng bài đi, sẽ êm hết mọi chuyện.
Nói xong, Hiệu phó quay gót bước. Chí tức điên, liền tháo dép ném vuốt theo, nói:
– Làm gì này! – Có lẽ do ném trượt nên Chí cuống cuồng cho khí thế, vơ đất sỏi ném theo, miệng nói – Vào lớp này!
Hiệu phó thấy đất rào rào phía sau mình, quay lại nhìn. Tình thế, buộc anh phải dịu lại. Vì nó không đúng tư cách và vi phạm quy chế hiện hành… nên anh vẫn thẳng bước.
2. Về tới văn phòng, hiệu phó ngồi thừ trên ghế. Không khí lễnh loãng buồn ập đến lay nỗi suy tư. Khi Chí được điều về đây, nghe láng máng, anh ta có cá tính khật khưỡng. Tuy vậy nghĩ lại, trường còn thiếu giáo viên. Mà người đời thường thêu dệt. Tam nhân thành hổ mà. Cho nên chuyện chắc không dễ xảy ra thường ngày. Nhưng hôm nay mắt không thể tin, tai không thể nghe, thì nó vẫn là một sự thật hiển nhiên. Xâu chuỗi việc Chí làm thày, năng lực yếu đã bị phụ huynh học sinh xin chuyển con học lớp khác. Chí không biết hay cố tình không muốn biết? Song trong hành xử Chí cứ kiểu phát triển tùy tiện chứ không tuân theo sự tu dưỡng nghề mà mình đã được đào tạo. Hình như…anh ta bị quên vị trí của mình.
Người thầy đâu chỉ dạy học sinh viết chữ, biết làm phép tính toán? Mà còn có nhiệm vụ giáo dục các em nhân cách làm người, trong phạm trù đạo đức với trách nhiệm của một con người. Thật đau lòng năm chục học trò lớp của Chí, học được gì ở người thầy đang dậy dỗ nó? Lâu nay bài học đạo đức bị bỏ ngỏ. Thậm chí tiết học đạo đức bị thay bằng giờ chữa bài tập của môn học khác. Đạo đức không được coi là môn học chính, không kiểm tra, nên không cần học thuộc. Không học kỹ nên không nhớ mà làm.
Là Hiệu phó…mình sẽ giải quyết được đến đâu? Đầu anh ong ong, muốn vỡ tung ra. Bỗng thấy mặt mình rồm rộm. Anh bật dậy tới bồn rửa mặt. Nhìn tấm gương treo trước mặt, anh định soi mặt mình. Nhưng tấm gương lớn bị hơi nước làm ố mờ, nhòe nhoẹt. Mờ thế này soi rõ sao được vết nhơ? Đã mấy lần định thay, song ngân sách thiếu, nên cứ để vậy.
Đành người này soi mặt người kia. Người nào cũng có vết… cả. Trừ mặt mình, không thấy.
Bản mặt mình, cũng đã vài lần được soi, nhưng ít khi nhìn kỹ. Lại không thường xuyên soi nên bị quên.
Cũng như bài học kia không thi. Học qua loa thì không thể
nhớ. Mà không nhớ thì sao có thể làm…
. H.N.