. TÌNH & LÝ
. Truyện ngắn của Hương Nhu
Lý đang loay hoay quét nhà thì có tiếng gọi í ới ngoài sân:
– Lý ơi có nhà không?
Cô quay ra mừng rỡ:
– Trời! Cơn gió lành nào đưa nàng đến đây sớm vậy?
Tình ngúng nguẩy, thanh minh văn tự:
– Nhớ thì đến thăm cậu chứ sao. Chả là thế này. Thằng cu nhà này học trên Hà Nội. Vài tháng nay chưa có tiền đóng học. Tháng này mà không có, thì nó phải bỏ xứ Hà thành hoa lệ mà về. Thương con, mình phải bán mấy con ịt đang mây mẩy lớn lấy mấy triệu đồng đóng học cho con. Chao ơi, họ mua chịu. Bao nhiêu lần rạc cẳng mới đòi được. Mừng quá. Lại tiện đường. Vào báo tin cho Lý biết đây!
– Ồi! Thật quý hóa. Nhưng mà thằng cu học năm thứ mấy rồi nhỉ?
– Năm thứ hai, Đại học Giao thông! Bằng mọi cách phải chạy tiền cho nó. Kể cả phải đi vay đi mượn, Tình a.
– Vậy mà bỏ thì có phí không?
– Trăm cái khổ, không cái khổ nào bằng cái không tiền. Ngày chúng ta học, quỹ giáo dục còn. Nay cái kho ấy bị phá toang rồi. Đi học là đi phu, gánh tiền đi đổ sông Ngô. May mà thằng cu nhà này ngoan, chịu khó học, mình còn có chỗ mà vui mà ráng sức kéo cày. Chứ như mấy trẻ bây giờ lâm vào ba cái hút hít, trộm cắp thì mình chỉ còn cách nhảy xuống sông…
– Ồi! Nhắc đến học phí mà buồn. Hiến pháp điều 59 ghi rõ bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Thế mà …
– “ Thế mà…” lâu nay đã bị bỏ quên?
Bỗng Lý ngáo nghến nhìn ra phía cổng, nơi có cái xe đạp cà tàng của Tình để đó. Tình thấy thế, được thể trêu:
– Chuyện gì đấy. Ngóng đức xã xệ về à?
– Không đâu. Ông ấy nhón bạc đi buôn lê rồi.
– Ôi còn thế nữa! Cờ bạc là bác thằng bần. Đến khi ngấp ngoải nó vần chưa tha! Mà thôi mình về đây. Phải gửi gấp tiền cho thằng cu kịp đóng học …
Hai người đi về phía chiếc xe đạp của Tình để ở đầu ngõ. Tình giật mình khi thấy gói đồ buộc sau xe đạp bị bới xổ ra. Tình hốt hoảng thất thanh:
– Sao thế này – Tình thọc tay vào cái bao xác rắn, gói tiền năm triệu đồng đã không cánh mà bay – Ối trời ơi! Chết tôi rồi. Mất hết rồi.
Mặt Tình cắt không còn hột máu. Nước mắt dàn dụa. Cô nấc lên từng tiếng hu… hu… Niềm vui bị xụp đổ vỡ vụn dưới chân. Lý nghĩ ra ngay thằng bé lêu lổng mình thấy nó vừa thoáng qua. Bởi nó có tiền sự mấy lần có tiếng lấy cắp cái này cái kia tuy cô chưa vướng phải. Lý cũng hốt hoảng theo:
– Chắc là nó. Chỉ có nó vào đây! Tình ở đây đi. Mình đi hỏi dò tìm nó cho kịp.
Nói rồi Lý xách xe đạp, đạp như bay để lần tìm cái bóng của nó. Lý đi theo hướng vào chợ vì hôm nay chợ phiên, rất đông. Dò hỏi mấy lần người quen. Không ai trông thấy nó. Lòng cô như lửa bỏng. Chỉ lo nó chui vào đường dong ngõ hẻm nào, lì ở đó thì biết đâu mà tìm. Lý mông lung chưa biết đi tìm hướng nào. Song cô sợ nó phát hiện ra mình theo dõi nên đành làm thám tử tư. Lý nép vào góc tường chợ để có thể nhìn được rộng. Cô xụp nón xuống, che bộ mặt thám tử. Con mắt căng ra tinh ranh như mắt rắn giun. Bỗng thấy bóng nó ra khỏi cổng chợ rẽ về phía bến đò. Lý bình tĩnh áp theo ngay. May quá. Con đò quá độ lênh đênh còn chưa cập bến bên kia. Nó ngồi sát gốc cây gạo bên bờ đê lẫn sau đám người đang chờ sang đò. Lý tiến sát lại nó,. Lòng hồ hởi mà con tim bỗng đập thình thình:
– Ôi cháu. Làm bác đi tìm cháu mãi! Sao lại ngồi ở đây? Đi đón ai à?
Nó tỉnh queo trả lời rất ư tròn trĩnh:
– Cháu đi đón mấy đứa bạn cháu.
Lý cũng ngồi xuống, dùng lời lẽ phủ đầu:
– Cháu ơi, bác bảo thật cháu này. Cháu đã trót cầm xấp tiền trong bao xác rắn ở đằng sau xe đạp để ở đầu ngõ nhà bác, cháu cho bác xin lại. Bác hứa với cháu, sẽ tuyệt đối giữ bí mật cho cháu. Nếu cháu đã trót tiêu mất bao nhiêu, bác cũng không bắt đền số tiền ấy nữa. Nghe bác đi cháu.
– Bác nói hay nhỉ? Bác có trông thấy cháu lấy không mà bác đổ cho cháu?
– Có chứ! Có thấy cháu đến chỗ dựng chiếc xe, dừng lại đó, rồi không vào nhà mà bỏ đi ngay thì bác mới đi tìm cháu.
– Đứa nào đến đó, bác không nhìn thấy, mà nó lấy thì bác cũng đổ cho cháu à?
– Con mắt bác lúc nào cũng dán vào chiếc xe, có lúc nào rời đâu. Trong mươi phút đồng hồ, duy chỉ có cháu tới. Linh tính mách bảo bác ra ngay thì thấy mất, chứ lâu la gì.
– Bác nghĩ thế thì sao bác không bắt tận tay day tận trán.
– Nếu cháu không là cháu bác, bác đã tri hô và gô cổ cháu rồi chứ cần gì phải cầm tay, day trán!
– Bác đừng có mà đổ oan cho cháu. Cháu nói là cháu có đi qua chứ không tới cái xe đạp ấy làm gì! Cháu không lấy tiền của ai cả.
Có lẽ dùng tình cảm không xuôi, bởi sự lỳ lợm và kinh nghiệm đã trở thành chai sạn của nó. Lý phải chuyển hướng khác:
– Cháu nhận cháu có đi qua là đúng nhé. Và bác khẳng định chỉ có cháu chứ không thể ai khác. Nếu cháu không trả lại thì chính cháu buộc bác phải đưa cháu đến công an để họ điều tra. Mà đã đến công an thì cháu đã từng biết rồi đấy. Liệu cháu có chịu được tra khảo dành cho những kẻ ngoan cố không? Trước sau rồi cháu cũng phải trả lại số tiền ấy!
– Bác đừng có dọa cháu. Cháu đã nói là cháu không lấy. Mà sao bác cứ đổ cho cháu?
– Bác nghĩ rằng cháu là kẻ khôn ngoan. Trót lỡ rồi thì trả lại bây giờ cũng không muộn. Bác hứa sẽ thực hiện lời bác nói với cháu. Chứ trời không dung tha những kẻ đi ăn trộm, ăn cắp của người khác đâu cháu ạ.
– Cháu đã nói là cháu không lấy. Mà sao bác cứ nói nhiều thế?
Hình như Lý sắp bất lực. Song cô đoan chắc tiền còn trong túi nó. Chẳng lẽ mình khám nó sao? Nó 14-15 tuổi vị thành niên, nhưng sức nó khỏe thế kia lỡ nó dẩy một cái mình ngã lăn chiêng và nó bỏ chạy…Hoặc giả cứ dùng dằng như thế này, nó không nghe mà bỏ đi thì mình cứ lẽo đẽo theo xin nó trả cho à? Thật là tiến thoái lưỡng nan. Lý thở dài toan đứng lên thì có chú bộ đội chờ qua đò đã đứng ngay bên cạnh, dáng vẻ thật oai vệ. Chú bộ đội nói với nó:
– Này chú nhóc. Tớ đã nghe hết sự việc ăn cắp tiền của chú. Thật ra chú giấu đầu hở đuôi rồi! Cái mặt tái mét của chú kia, cái giọng gian manh của chú kia đã lộ chân tướng ăn cắp tiền rồi đấy. lại còn luôn luôn cúi xuống chỗ bụng phồng phồng nữa. có phải chú giấu tiền ở đó không? Chú trả đi. Trả đi cho êm chuyện. – Nắm tay anh dứ dứ – Chứ quả đấm thôi sơn này không nể chú mày đâu!
– Tôi có lấy đâu mà trả? – Nó cứ ngồi yên một chỗ, cúi đầu cãi – Sao lại đổ vấy cho tôi?
– Không lấy à?
Chú bộ đội cầm cổ áo nó xốc kéo đứng lên. Ồ, bọc tiền từ bụng nó theo ống quần, rơi ngay dưới chân nó. Chú bộ đội dõng dạc:
– Cái gì đây?
– Tiền!
– Của ai?
– Của tôi.
– Mày lấy đâu ra?
– Mẹ cho đi may quần áo.
– Mày bảo mẹ mày cho đúng thế không?
– Đúng!
– Đúng thì mày hãy trả lời tiếp. Trong này có bao nhiêu tiền? Có những loại tiền nào?
– Mẹ tôi cho tôi mà! Tôi chỉ biết cầm…
– Mày không trả lời được mày có bao nhiêu tiền, tức là mày đi ăn cắp của người khác. Tao sẽ lôi mày vào công an giam ở đó. Rồi sẽ gọi mẹ mày ra để hỏi xem mẹ mày có cho thật không? Có thì cho mày bao nhiêu? Chuyện này rồi cả làng cả xã sẽ biết mày là thằng ăn cắp! Rõ chứ?
Chú bộ đội cầm tay nó:
– Đi! Vào đồn công an.
Lúc này nó mới mở mồm xin tha:
– Chú tha cho cháu. Cháu xin chú…
– Vậy mày hãy thú tội đi! Tiền này mẹ mày cho hay mày lấy cắp?
– Cháu trót dại lấy trong túi xác rắn buộc ở sau xe.
– Vậy là mày nhận lấy cắp tiền của bác mày…
Chú bộ đội liền cầm sấp tiền còn bọc nguyên trong túi nilon giơ lên mừng vui nói với mọi người:
– Bà con ơi! Thằng này đã nhận lấy cắp tiền của bác nó. Nay xin trao lại cho người mất cắp – Anh quay lại nói với nó – Còn mày hãy coi đây là bài học cuối cùng. Nếu muốn nên người.
Mọi người hiếu kỳ, chứng kiến đều ồ lên, vỗ tay. Lý bước sát nó, an ủi:
– Bây giờ tìm được tiền rồi. Bác tha thứ cho cháu. Và sẽ giữ lời hứa. Nhưng cháu cũng phải hứa với bác từ nay chấm dứt việc ăn cắp…Giờ thì bác cháu ta về.
Lý rối rít cám ơn chú bộ đội rồi co cẳng đạp xe như điên về nhà nơi Tình đang như lửa cháy bừng bừng. Tình vẫn đứng ở đó. Tay vịn vào chiếc guidon xe đạp. Mặt tái mét. Hai mắt đỏ mọng. Với nỗi lo như chui vào ngõ cụt lần mò mãi chẳng biết đường ra. Lý ùa về, đưa cho Tình gói tiền. Tay cầm gói tiền mà hồn Tình như đang say trong cõi mơ. Gói tiền thì lặng im. Còn con mắt Tình đăm chiêu vào nỗi sung sướng vô cùng của Lý. Lý kể say sưa và Tình đang bay trong mây mang mang với làn nước mắt chảy rơi lã chã. Bỗng cả hai giật mình khi thấy chồng của Lý đứng sau lưng nghe chuyện từ bao giờ mà hai người không biết. Chồng Lý với vẻ mặt hầm hè:
– Hừ, cô được lắm! Giỏi lắm. Cô đã xử sự với thằng cháu tôi thật tuyệt rồi. Bây giờ tôi hỏi cô, nó ở đâu? Nó có về cùng cô không hay nó sợ mà bỏ nhà đi mất? Đấy là chưa kể tình huống xấu có thể xảy ra. Nó nhảy xuống sông chẳng hạn? Lúc đó cô nói với bố mẹ nó như thế nào? Cô lấy người đâu ra mà đền cho bố mẹ nó đây?
Lý như bị xô nước lạnh đổ ụp từ đầu tới chân làm cả thân người ướt át buốt tê. Tấm thân như bị nhiễm lạnh bủn rủn. Cô vừa là kẻ chiến thắng. Sức mạnh chiến thắng từ đỉnh cao chót vót hun hút bị vèo xuống vực thăm thẳm, đến cái lá mỏng tang nào cũng phải tan tành. Cô bây giờ hoàn toàn thành kẻ chiến bại. Lý ngớ ra. Rõ nó về cùng mình mà sao giờ lại chưa thấy? Thì đúng! Đồng tiền không thể mua được con người. Nhưng con người tồn tại nhờ nhân cách hay tồn tại như sự thô thiển một đơn vị con người? Nó còn vị thành niên. Nhưng nó đủ trí lực để suy nghĩ về hành động nó làm! Nó cũng đủ sức lực để đáp trả vũ lực tấn công nó. Kẻ tội đồ lợi dụng khe hở của pháp luật ngạo nghễ cười vang chiến thắng trước quan tòa về hành vi giết người cướp của…Nghĩ rồi, Lý thấy rùng mình của một kẻ thua cuộc. Cô cô đơn đi tìm sự công bằng. Song hiển hiện trong cô chỉ là một phụ nữ nhỏ nhoi mỏng mảnh trước sức mạnh của người chồng, khi mà luật pháp cũng còn những kẽ hở bảo vệ mơ hồ… Thế là cô phải quay đầu xe lại đi tìm kẻ tội đồ mà cô đang ở chỗ thế chân nó. Tình cũng vội vã cỡi lên chiếc xe đạp cà tàng của mình lẽo đẽo theo sau Lý. Nước mắt cô chưa thể tạm dừng. Cô nói trong nỗi lòng ân hận:
– Lý ơi, mình có lỗi với Lý. Chính mình đã gây thảm họa cho Lý rồi. Tại mình tất cả. Lý ơi!
Lý cắm cổ đạp miết. Trong đầu bập bùng nhiều câu hỏi tại sao? Và luẩn quẩn trong đáp án yếm thế: tại mình!
Song, bóng nó đang hiện ra ở trước mặt Lý kia. Lý mừng quá. Hơn vớ được vàng ròng trong tay. Còn nó chẳng sao cả. Nét mặt vẫn tỉnh queo vênh lên như chưa có việc gì xảy ra với nó. Hình như nó được một thế giới ngầm ủng hộ. Tình nhìn nó rồi thở phào. Cô nói với Lý một điều từ cõi lòng chua chát:
– Một sự việc, hai góc nhìn đối lập. Biết ai là kẻ chiến thắng lúc này?
. Hương Nhu