Linh Chi – Nghe PHẠM HOÀI PHƯƠNG “tự tình trước mùa thu”

0
765

 

 phma-hoai-phuong-1Nghe PHẠM HOÀI PHƯƠNG
“tự tình trước mùa thu”

                                                              LINH CHI
.                        Báo HẢI PHÒNG cuối tuần. Thứ Bảy, 10/09/2016


Tự tình trước mùa thu” là tập thơ của tác giả Phạm Hoài Phương, một cô giáo yêu thơ, say mê với thơ và từng có nhiều tác phẩm thơ được xuất bản gửi tới công chúng. Tập thơ này là tập thứ 5 của chị xuất bản, và là tập thơ thứ 2 chị viết riêng về mùa thu.
.       Nặng lòng với mùa thu

.      “Chắc bây giờ quê ngoại đã vào thu/ Na trong vườn gọi nhau mở mắt/ Cúc cháy mình vàng tươi một góc/ Lá sau nhà xao xác trút không thôi/ Thèm được thả mình trên thảm lá vàng rơi/ Im lặng nghe những âm thanh quê cũ/ Tiếng lách chách chim sâu đầu ngõ/ Lá đa bay chấp chóa mặt ao làng…”.


.    Đó là những câu thơ trong bài “Tự tình với mùa thu” mà Phạm Hoài Phương tặng bạn đọc yêu thơ. Nỗi nhớ quê da diết hiện lên trong thơ chị nhẹ nhàng mà đầy khắc khoải. Nỗi nhớ ấy đong được bằng những câu thơ, bằng những hình ảnh của quê hương mà chị gợi lại trong một không gian thanh bình với vườn na, luống hoa cúc, hay thảm lá vàng, những chú chim sâu, lá đa, mặt ao làng… Ở những câu thơ tiếp theo của bài thơ này, chị còn nhắc tới nhiều những âm thanh, hình ảnh mà chị nặng lòng nhớ đến mỗi lúc thu về. Tất cả hiện lên trong từng câu chữ mà chị chắt lọc từ tình yêu với quê hương:
Tiếng vo gạo cầu tre, tiếng gà vội lên chuồng/ Tiếng cá cờ quẫy mình trong vại nước/ Nghe ngai ngái mùi rơm, mùi thóc/ Mùi bồ kết thơm nồng bà hong tóc chiều qua…/ Dẫu bây giờ quê đã rất khác xưa/ Khoảng trời quen vẫn ngùi ngùi nắng ấm/ Lòng tần ngần như chiếc lá rơi chậm/ Tôi lặng thầm nhớ quê ngoại vào thu”.
Mùa thu phố Hiến. (ảnh minh họa)Ai biết Phạm Hoài Phương, đọc thơ chị sẽ nhận ra ngay quê hương Hưng Yên với nét văn hóa phố Hiến hiện lên qua từng thi ảnh. Chị nặng lòng với mùa thu, cũng là nặng lòng với quê ngoại khi thu đến. Như chị chia sẻ trong câu cuối của bài “Tự tình với mùa thu”. Và nỗi nhớ ấy, tình yêu quê hương ấy còn trải dài bằng những con chữ qua nhiều bài thơ viết tặng riêng quê
Mùa thu phố Hiến.                     hương của chị. Như trong bài “Phố Hiến” chẳng hạn: “Phố ven đê, sen thơm vào tận ngõ/ Mái ngói rêu xanh trầm tư nhà cổ/ Bờ sông Hồng mướt cỏ/ Cây gạo già cô lẻ thức trong sương/…/ Phố Hiến khiêm nhường, Phố Hiến bình yên/ Duyên dáng soi mình bên dòng sông cuộn đỏ/ Phố nhỏ, nhà cổ chưa xa đã nhớ/ Sao về, lòng cứ lặng thương…
Ấy chính là tình thương với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Mỗi khi thu sang, càng thêm nặng lòng với những khung cảnh cũ. Và lại thảng thốt giật mình như tác giả ghi lại trong bài “Hồ bán nguyệt”: “Nhãn lồng đã chín đâu em/ Về lại Phố Hiến người quen đi rồi…/ Mắt đen hạt nhãn say người/ Giờ lúng liếng ngọt mãi nơi trời nào/ Đường làng bước thấp bước cao/ Bâng quơ câu hát giờ vào lãng quên…”.
     Trải lòng trong những vần thơ
.      
Tôi nhận ra nét chung của những người phụ nữ yêu thơ, đắm say với thơ, bén duyên với thơ như Phạm Hoài Phương. Họ đều là những người nặng nghĩa với cuộc đời và giàu tâm sự. Lúc buồn, lúc vui, lúc giận hờn, khi cô đơn, hạnh phúc… Tất cả được ghi lại vào thơ. Để chuyển thành vần điệu, thành hình ảnh với những nốt nhạc khi bổng, trầm, khi da diết bâng khuâng. Đó cũng là cách mà Phạm Hoài Phương ghi lại nỗi lòng mình. Trong tập “Tự tình với mùa thu”, có thể đếm được bao nhiêu lần chị xúc cảm muốn trải lòng qua những vần thơ mà chị đam mê.
Như nỗi niềm trong bài thơ 4 câu “Sóng chiều”: “Anh hệt như một chuyến đò trưa/ Lướt vội vã qua bến em sông vắng/ Phút vô tình khuấy tan yên lặng/ Tận chiều rồi mặt nước vẫn rưng rưng…”. Dường như, có giọt nước mắt cô đơn nào lặng lẽ rơi trong chiều khi buổi trưa đã trôi qua âm thầm. Chỉ có thể nhận ra khi tác giả hứng nỗi niềm ấy để lưu lại vào thơ. Và một lần khác, tâm sự lại được chị trải lòng trong “Dẫu biết rằng”: “Dẫu biết rằng chẳng còn là của nhau/ Mỗi người có riêng miền hạnh phúc/ Sao cứ muốn gặp nhau/ dù khoảnh khắc/ Tìm lại mình/ trong đáy mắt ngày xưa…”.
Cứ như vậy, từng bài thơ của Phạm Hoài Phương đến với bạn đọc nhẹ nhàng, chân thành đầy cảm xúc. Những ai cầm tập thơ của chị đều đang ngồi đối diện với tác giả, nghe chị kể về quê hương Phố Hiến, hoặc tâm sự những nỗi lòng mỗi lúc trời man mác sang thu.
Nhưng, cũng có lúc, tâm hồn của Phạm Hoài Phương trở nên trong trẻo, hồn nhiên. Đó là lúc chị viết về trẻ con, về thiếu nhi. Dù không nhiều, nhưng các bài thơ thiếu nhi của chị cũng đủ tạo nên một góc nhỏ bình yên, thánh thiện sau những nặng lòng với mùa, tâm tình với cuộc đời của Phạm Hoài Phương. Như những câu hỏi trong cụm thơ tí hon “Câu hỏi của bé”: “Bé soi mặt vào gương/ Ai giống mình như đúc?/ Tìm hoài, bé ngơ ngác/ Người trong gương đâu rồi?” (Bé soi gương). “Bé theo bà đi chợ/ Chân mỏi rã mỏi rời/ Sao không đem cái chợ/ Về cổng nhà bà ơi?” (Bé đi chợ).
Từng câu hỏi cắc cớ trong những bài thơ thiếu nhi của Phạm Hoài Phương giúp tôi nhận ra, ở đâu đó trong tâm hồn cô giáo yêu thơ Phạm Hoài Phương luôn có những khoảng trời trong trẻo. Đó cũng chính là điều kỳ diệu mà thơ tặng những người bén duyên với mình, để sau những cảm xúc bâng khuâng, chan chứa, họ lại trở về như thủa ngây thơ.
.                                                                                                                  L.C.

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN