.
Nhà thơ Bạch Nhật Phương
Sinh năm: 1946 tại Hà Nội
Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt
Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM
Tác phẩm đã xuất bản :
1 Thơ: Chiều không bình yên (thơ)
Dửng dưng . Xóa nợ (thơ)
2. Truyện ngắn: Những gương mặt người đời.
. NHỮNG TRANG VIẾT HỒN HẬU,
. THẤP THOÁNG BÓNG DÁNG
. CỦA MỘT NHÀ VĂN BÁC SỸ.
. Vài cảm nghĩ đọc tập truyện ngắn chọn lọc . LỜI CẦU HÔN ĐÊM GIÁNG SINH
. của Tố Hoài. Nxb THANH NIÊN, năm 2020
Nhà thơ Bạch Nhật Phương
Giảng viên trường Đại học Đà Lạt
Tập truyện ngắn LỜI CẦU HÔN ĐÊM GIÁNG SINH, của Tố Hoài mang một đặc điểm xuyên suốt, đó là sự phúc hậu và bao dung trong tính cách của hầu hết các nhân vật chính diện. Điều đáng nói là những phẩm chất tốt đẹp này được thể hiện thông qua các tình huống đời thường một cách khá tự nhiên, không hề khiên cưỡng.
Hãy bắt đầu bằng truyện LÂT LẠI TRANG HỒ SƠ RHÉSSUS. Một cô bé mồ côi mẹ, sống với cha ở một vùng quê nghèo. Cô gái vì quá yêu thương cha và không muốn “mất cha” mà vô tình trở nên ich kỷ, nhiều lần ngăn cản cha đi bước nữa. Người cha dành tất cả tình cảm cho con gái, từ chối tất cả những cơ hôi có thể mang lại hạnh phúc lứa đôi cho riêng mình; chỉ vì sợ con gái bị tổn thương khi có mẹ kế mà ông quyết sống đơn thân để nuôi dậy con ăn học đến nơi đến chốn. Mãi đến khi chính cô con gái đã khôn lớn, đã biết yêu và tự mình trải nghiệm nỗi cô đơn thì cô mới hiểu ra là mình đã làm khổ cha như thế nào “ Sự chán chường đã lên đến tột cùng. Thức tỉnh, tôi hướng nhìn về ba. Bóng hình ba thấp thoáng sau ngọn đèn liu riu giữa cô đơn bao phủ…..Ba đã cố chống chọi bằng tấm thân gầy yếu vì tôi…”
Trước khi lên thành phố để học Đại Học cô đã nói với cha “Con xin lỗi ba,….. con giữ ba như thế là quá lắm rồi, nếu ba không lấy mẹ kế thì con không đi học nữa đâu”.
Rồi ông bố lấy vơ và người mẹ kế ấy lại tự nguyện tạm ngừng sinh con để giúp chồng nuôi cô con riêng của ông học cho hết bậc Đại Học. Ấn tượng của cô về bà mẹ kế này là “Trái ngược vói mụ dì ghẻ trong cổ tich, mẹ kế tôi là người thay thế má để cùng ba lo toan, nâng từng bước tôi đi.”
Hình ảnh Ba và Mẹ kế thật tuyệt vời – hai con người tử tế và phúc hậu! Song, nếu truyện chỉ có thế thì cũng chưa có gì đáng nói. Sự phi thường của ông bố khiến ta bất ngờ là ở đoạn kết.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp, cô gái nhớ về mẹ và những bí ẩn về cái chết của mẹ, cô lật lại hồ sơ bệnh án của mẹ và biết được rằng “ Má có nhóm máu Rh(-), nhóm máu rất hiếm trong tộc Việt, tôi sinh ra may mắn vì là con đầu, các em tôi không thể tồn tại vì có nhóm Rh(+), sự éo le này đã gây ra cái chết cho má. Y học hồi ấy còn quá khó khăn. Còn mẹ kế bây gờ có nhóm máu Rh(+) giống như ba nên chẳng sợ gì”.
Cô gái yên lòng với kết luận ấy, cho đến một ngày Dì Út, người em ruột của mẹ cô, thủ thỉ bên tai cô“Con lớn rổi, con đủ hiểu, để dì nói sự thật này’’/ “Con là con riêng của má, khi lấy Ba má con đã mang bầu ba tháng. Ba con là người rộng lượng, nhân ái, thiệt lòng nhận lấy” Nghe xong cô gái thổn thức: “Òa vỡ trong tôi một thế giới khác. Một thế giới nhân hậu bao la, ủ ấm cho mầm non xanh lại”. Rồi cô ôm lấy Ba và nói trong nước mắt “Ba – thật là – vĩ đại”.
Đọc đến đây tôi cũng muốn thốt lên MỘT ÔNG BỐ DƯỢNG THẬT LÀ QUẢ CẢM VÀ CAO THƯỢNG!
Có thể nói đây là một truyện ngắn hay, với lối viết truyền thống, không có gì hiện đại hay đột phá, nhưng vẫn đủ hấp dẫn và bất ngờ. Bắt đầu bằng sự kiện cô gái nhận bằng tốt nghiệp Đại học, rồi dòng hồi tưởng của cô quay về quá khứ, tiếp đó là những diễn tiến trải dài theo sự lớn lên của cô. Những nhân vật có liên quan đến cô lần lượt xuất hiện – Ba, Dì Út, Bác Hai, Mẹ kế – tất cả họ đều dung dị, nhân ái và luôn nghĩ cho người khác, làm những việc tốt cho người khác; mỗi người trong vai trò của mình đều góp phần tạo dựng một môi trường sống bình yên và trong lành cho cô bé. Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng tên truyện và những chi tiết tạo nên nút thắt cho mạch truyện (xoay quanh Rh nhóm máu) cho thấy tác giả đã mang kiến thức nghề nghiệp của của mình vào trang viết một cách hợp lý.
***
Câu chuyện BÔNG HỒNG KHÔNG TỚI TAY EM lại hấp dẫn người đọc ở một lẽ khác.
Từ đầu đến cuối của TN chỉ duy nhất một giọng kể và cũng là lời tự sự buồn bã của nhân vật TÔI – ấy thế mà không nhàm chán. Hơn thế, nó lại cũng gây bất ngờ cho người đọc vào hồi kết. Một chàng sinh viên đẹp trai say mê một cô bạn cùng trường xinh sắn, đoan trang và được cô đáp lại. Họ kết hôn, đêm tân hôn anh ta thực hiện một phép thử, theo một cách thức đã lỗi thời, để kiểm tra độ trong trắng của vợ, chẳng may kết quả âm tính, thế là anh ta quy kết rằng vợ đã lừa dối mình. Anh nhìn nhận “Tiếng khóc oan ức của vợ” thành ra “Nước mắt cá sấu.” Anh ta vẫn rất yêu vợ, nhưng lại nghĩ “Một thằng con trai đầy kiêu hãnh, đẹp trai, khỏe mạnh, có học, không lẽ lại hạ mình trước người con gái mình sở hữu….Có một cái gì đó tự hạ thấp mình; và chính mình sẽ là người thua cuộc”
Cô vợ, sau nhiều lần chịu đựng cảnh chồng mình “Như tảng băng giá lạnh vô hồn trước nhiều đêm em khóc” đã cảm thấy thấy bị xúc phạm, cô quyết định ly hôn. Nhân một dịp chồng đi công tác xa cô đã ra đi, để lại một tờ đơn đã ký sẵn, kèm theo lời đề nghị Tòa xử ly hôn không cần có mặt cô.
Mất vợ rồi anh ta một mặt rất luyến tiếc nhưng mặt khác vần ảo tửơng về mình, tự cho là mình đã rất vị tha và rất có lý : “Lỗi thuộc về em thì em phải nhận” / “Em để lại trong tôi sư giằng xé ngọt ngào và cay đắng”/ “Tôi bấu víu mơ hồ vào cái trong trắng in trong mấy cuốn sách Tàu đã xám màu hủ lậu”.
Một ngày kia, trong cuộc hẹn làm việc với một doanh nhân người Pháp, anh ta bất ngờ nhận ra Thắng – bạn học từ thời phổ thông, trong lúc trú mưa. Họ hỏi thăm nhau về gia cảnh và được nghe Thắng tâm sự: “ Nàng của mình thì bình dị” / “Đức hạnh, thủy chung và rất Việt Nam” .
Điều thú vị nằm ở đoạn đối thoại tiếp sau :
– Nói để cậu mừng cho, vừa rồi nàng sanh…phải mổ.
– Mổ gì? Sao phải mổ ?
Thắng ghé tai tôi cười khúc khích:
– Rạch…, rạch màng trinh!
Chi tiết này đã tác động mạnh mẽ đến nỗi đau của anh ta – cái nhân vật “Tôi” ấy đã liên tưởng đến cảnh tượng vợ mình trong ngày cưới và bất ngờ nhận ra chân tướng của sự việc [“Tôi đã mất nàng của tôi vì đã quá quan trọng về… “Nó” ].
Anh ta hẹn sẽ đến bệnh viện chúc mừng vợ Thắng. Một bó hoa hồng thật đẹp trên tay, tìm đến đúng phòng, đúng số giường và sự thật lại tiếp tục dáng thẳng vào anh ta bằng một nhát búa khốc liệt: “Người sản phụ giật mình quay đầu ra và chống tay ngồi dậy; con mắt to, hàng my cong quyến rũ, nhìn tôi trân trân rồi cúi xuống. Tôi quá bất ngờ, bủn rủn, thẫn thờ….Bó hoa trên tay rơi xuống sàn nhà.” / “Em đã trở về cùng ký ức sâu thẳm, hiện ra bằng da, bằng thịt” …….Tôi quay ra bằng bước chân hối lỗi, với con tim tù ngục từ em. Đến giờ tôi mới hiểu hết sự nhỏ nhen của mình, vậy mà cứ tưởng mình đầy lòng vị tha…..Cái hiểu biết nghèo nàn, bảo thủ đã đẩy người ta đến chỗ độc ác. Ôi thà không biết còn hơn biết mù mờ ”
Tác giả đã rất tỉnh táo khi để anh ta tự trách móc bản thân như vậy, rõ ràng chính anh đã khiến cho cuộc sống của mình trở nên nghiệt ngã, u uất. Còn về phía người vợ, cô ấy chỉ phải sống trong tủi hờn khi còn ở bên anh ta – rời xa anh ta rồi cô ấy đã tìm được hạnh phúc. Mà cứ giả thiết rằng cô ấy không gắn bó với một người đàn ông nào khác đi chăng nữa thì việc ra đi của cô vẫn cứ là một cuộc tự giải thoát đẹp đẽ và thông minh! Phụ nữ luôn biết tự chăm sóc mình, hơn thế, những phụ nữ có trí tuệ và tinh tế, lại thêm có chút nhan sắc – như nhân vật nữ trong truyện ngắn này – thì cần gỉ phải bấu víu vào một người đàn ông không xứng đáng! Đàn ông nhiều người cứ tự cho mình là chu đáo và cao thượng, nhưng lại chẳng mấy quan tâm đến đời sống tinh thần của vợ, hoặc không đủ nhân ái và sự tinh tế để thấu hiểu những cảm xúc nội tâm và những ước muốn sâu xa của người phụ nữ đang sống cạnh mình. Họ tự cho mình cái quyền khi thích thì nâng niu, khi phật ý thì kẻ cả, trịch thượng và đổ lỗi. Thậm chí, nhiều ông còn ảo tưởng rằng không có họ thì các bà các cô sẽ ủ dột, cô đơn. Do vậy họ chắc mẩm rằng các bà các cô sẽ chẳng bao giờ giám từ bỏ họ (!) Thật là một sự ngộ nhận nực cười và tai hại !
Nhân vật TÔI trong câu truyện này đã từng ngộ nhận như thế, nhưng thật mừng là cuối cùng đã thức tỉnh! Dù đã quá muộn cho cuộc tình này, nhưng vẫn rất cần cho anh ta trong những mối quan hệ khác !
Tố Hoài đã tỏ ra công bằng và thấu hiểu trong cách nhìn nhận về phụ nữ – không chỉ riêng trong truyện ngắn này mà trong những truyện ngắn khác cũng vậy. Điều này tưởng như đơn giản, nhưng không đâu! Chỉ khi có sự trân trọng tự trong tâm thì người cầm bút mới cho ra được những trang viết lịch thiệp với phụ nữ như vậy. Chỉ có một tâm hồn thực sự cao thượng thì người đàn ông mới có thể dệt nên những trang đời hạnh phúc cho người bạn đời của mình mà thôi!
***
Câu chuyện thứ ba, LỜI PHÍA SAU TRÁI TIM bắt đầu bằng một truyện tình của tuổi học trò – nhút nhát, dại khờ, trong sáng và quá nhiều e ngại, bởi thế mà bất thành ! Ho chờ đợi nhau trong khẵc khoải, nhưng lại chẳng ai dám tiến tới. Đây là tâm trạng của người con trai:
“Khánh đạp xe về nhà, gió phơn phớt đầu đông đưa những hạt mưa ly ti se lạnh luồn vào da thịt. Phía trước, một bóng dáng nữ sinh lụi cụi sửa xe. Nhận ra Hương, tự nhiên lòng Khánh ấm lên, nhưng lời thì bỗng biến mất …” / “Khánh xao xuyến quá, bồng bềnh một khám phá đơn sơ mà mênh mông vô tận . Nhưng Hương vô tình quá, em quá e thẹn, ngượng ngùng …”
Về phía người con gái, khi biết mẹ có ý định gả cô cho một cậu trai cùng làng khác, lòng cô rối bời nhớ đến chàng trai mà cô đã thầm yêu:
“Hương giật mình, trố mắt nhìn mẹ hết sức ngạc nhiên. Trong đầu cô thoáng qua hình ảnh những chàng trai quý mến. Khánh là người cô chấm nét son đậm nhất.” / “Thế là cô nghĩ ngay đến cái ngày xe đạp bị hỏng. Cả đoạn đường song song bên nhau mà Khánh vô tư đến không ngờ. Hương tạo cho Khánh thờigian mà Khánh để phí… Hương muốn nói ra điều muốn nói, nhưng con gái ai lại bộc lộ ” /“Khánh ơi anh ở đâu, có đến ngay với Hương được không. EM muốn hỏi anh một câu thôi…nếu như em rẽ về hướng khác. Nếu như em phải qua đò !”
Lúc đó Khánh đã không xuất hiện, câu hỏi của Hương không có lời đáp, vì thế mà “Cô tặc lưỡi bước qua ngưỡng cửa cuộc đời…mặc cánh bèo trôi”!
Tin Hương sắp lấy chồng đến với Khánh còn “Mạnh hơn tiếng sét ngang tai.’’ “Hôm ấy trời đầy mây u uất…, em có nghĩ đến ta ?”.
Ngày Hương lên xe hoa “Khánh vùi đầu vào đống chăn, nằm liệt, không cần biết đến cơm” suốt ba ngày liền.
Thật chẳng may cho Hương, cuộc hôn nhân của cô quá bất hạnh, chồng cô là kẻ đã bê tha, rượu chè, cờ bạc; lại còn vũ phu thô lỗ; họ đã ly hôn.
Lại cũng thật không may cho Khánh, anh bị bỏng nặng trong một lần làm nhiệm vụ cứu hỏa và phải cấp cứu.
Thế rồi, như định mênh, Hương gặp lại Khánh, chăm sóc cho anh trong những ngày anh nằm viện. “Đặt niềm tin vào Hương, Khánh không còn là cậu học trò nhút nhát, thụ động..”/ “Đêm buông, thầm kín che chở. Làn gió thoáng mát, dục dã lùa qua khe cửa, sau cơn mưa bầu không khí trong lành. Hương ngồi bên, canh cho anh giấc ngủ. Bàn tay hai người vô tình chạm nhau. Khánh giữ chặt tay Hương trong tay mình…nghẹn ngào cố thoát ra triếng nói thầm từ con tim:
– Em !
– Dạ !
– Anh yêu em!
– Dạ !”
Tình yêu tưởng đã mất lại quay về, hạnh phúc trở lại với đôi bạn thật giản dị.
Câu chuyện cũng kết thúc ở đây. Nhưng có lẽ, cái hay trong bút pháp của tác giả thể hiện ở đoạn văn đặc tả tính cách của một một nhân vật vắng mặt – chồng Hương – cùng với tình trạng hôn nhân của cô: “Hương không thể giấu mẹ những vết đau thịt da rớm máu chỉ vì cô phát hiện ra những cuộc cờ bạc đỏ đen…” / Một bầy dị hợm chui trong căn nhà đổ nát, quanh đĩa bạc. Một cái đầu gà luộc, buộc sợi dây lủng lẳng đựng trong chén muối ớt. Con bạc uống hết ly rượu thì cầm cái đầu gà lên, mút đánh chụt rồi thả xuống đánh bài tiếp…” / “Cánh tay Hương vẫn còn phù nề tê dại từ khi đỡ khúc gỗ từ tay vũ phu nện xuống”.
Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ để người đọc hình dung đầy đủ, rõ ràng về một kẻ chẳng ra gì, không đáng để Hương gắn kết. Từ đó, người đọc – cũng như tác giả – đồng tình với việc ly hôn của cô. “Không thể dung hòa khi lời nói chỉ bằng bạo lực. Không thể đồng điệu khi mỗi tâm hồn chỉ là nô lệ của nhau. Sống một ngày đã khó, làm sao sống cả một đời” / “…Hai tính cách đối lập không thể đồng nhất. Cố tình pha trộn là vô tình hủy hoại nhân phẩm …”.
Tôi thích đoạn văn trên vì nó thể hiện một quan niệm ứng xử của tác giả mà tôi rất tâm đắc. Người ngoài cuộc đừng quá định kiến, người trong cuộc đừng quá ngại ngần khi quyết định ly hôn; bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, đây là giải pháp duy nhất
Toàn tập truyện, có tới 1/3, Tố Hoài viết về đề tình yêu và các mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình, số còn lại anh viết về nhiều lĩnh vực khác nhau.
NĂNG LỰC HÀNH VI phản ánh một thực trạng không hẳn là phổ biến, nhưng cũng không phải là hiếm gặp, đó là sự bất hiếu đến mức nhẫn tâm của con cái và nỗi khổ tâm cùng sự bất lực của các bậc cha mẹ. Nhân vật BỊ CÁO, cũng chính là người cha bất hạnh vì bị chính con mình kiện ra tòa; ông vẫn giữ được cách ứng xử rất chừng mực và độ lượng; có lẽ vì thế mà cuối cùng đứa con đã có phần hối hận.
QUA MIỀN KHÔNG GIỚI TÍNH lại đề cập đến một hiện tượng bất ổn đang xuất hiện ngày càng nhiều, đó là nhóm người theo xu hướng tình dục đồng tính. Nỗi khổ tâm và bất bình cua người phụ nữ có chồng và con trai là Gay; sự giảng xé nội tâm của hai người đàn ông trong cuộc đa đặt ra cho cộng đồng nhiều vấn đề cần giải quyết.
GIẤC HÒE HOA BỎ NGỎ kể về những nỗ lực phi thường của thuyền trưởng Định trong hai cuộc đấu tranh liên tiếp. Trước tiên là anh phải chỉ huy đoàn thủy thủ sao để có thể đưa con tàu của anh thoát khỏi vùng nguy hiểm do va trạm với một con tầu khác. Sau đó là cuộc đấu trí gay cấn với bên nguyên trước tòa án quốc tế trong một vụ kiện mà phần thắng chỉ “mong manh như sợi tóc”, nhưng lại rất cần phải thắng cuộc –bởi, nếu thua là mất một khối lớn tài sản quốc gia cộng với việc đẩy hơn 40 thủy thủ trên tầu vào cảnh đói nghèo. Trong cả hai cuộc đấu tranh mất còn ấy, ĐỊNH hiện diện đầy thông minh và bản lĩnh. Người đọc dõi theo mọi diễn biến với sự hồi hộp và hy vọng , cùng với sự cảm mến dành cho Định. Lời kết của tác giả cũng là tâm trạng của người đọc “Vậy là đến lượt chúng tôi thở phào trút đi gánh nặng. Nhiều con mắt ứa lệ trước thắng lợi mà Định đã dành được bằng trí tuệ và ý thứ trách nhiệm …”
Tạc vào lòng bạn đọc hình ảnh một thuyền trửơng vừa bình dị vừa cao cả chính là thành công của tác giả trong truyện ngắn này.
. ***
Mỗi câu chuyện là một mảnh hiện thực xã hội được phản ánh, đan xen vào trong đó là những chi tiết có liên quan đến những kiến thức về Y SINH HỌC hoặc những con người đang làm việc tận tụy trong các cơ sở y tế. Chính điều này đã tạo nên dấu ấn nghề nghiệp của một nhà văn bác sỹ. Cũng chí điều này tạo nên những nét đẹp riêng cho các trang văn của Tố Hoài.
Ngoài những gì đã được nói đến trên đây còn có rất nhiều điều đáng bàn, nhưng người viết bài này tự thấy nên dừng bút ở đây để bạn đọc không bị ngán vì “phải ăn mãi một món với số lượng nhiều hơn mức cần thiết “.
Tp. HCM, tháng 7, 2020
B. N. P.