Nhà thơ Lộc Bích Kiệm- đọc PHỤC SINH -thơ

0
58

.                                         Đọc tập PHỤC SINH thơ
  .                                       Nxb Hội Nhà Văn, 2018

Nhà thơ và lý luân phê bình Thạc sĩ Lộc Bích Kiệm
Giảng viên Trường Cao Đẳng Sư phạm Bắc Thái

 Tôi gặp nhà thơ Tố Hoài trong dịp cùng dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đại Lải năm 2020.

       Trại viết văn này gồm hầu hết những gương mặt nhà văn kỳ cựu, tài hoa và lãng tử. Tôi dẫu đã nghỉ hưu rồi cũng vẫn thuộc hàng em út về cả ý nghĩa tuổi đời và văn chương. Sự nhạy cảm, thấu hiểu, trân trọng nhau của các nhà văn đã khiến tất cả nhanh chóng hòa đồng, chia sẻ, khích lệ nhau trong suôt những ngày dự trại sáng tác. Những điều này còn tạo nên một trại viết thật sự ấm áp về tình người và sâu sắc về văn chương. Với tôi trại viết này thật đáng nhớ. Theo đó, tôi đã được đọc văn chương của các bậc từ những ngày trong trại và cả khi về nhà. Thế giới văn chương của tôi như được mở ra với những chân trời thơ ca còn khá mới lạ với mình: Một Mai Văn Hoan hào hoa, trữ tình, lãng mạn; Một Trần Đăng Thao dạt dào, hào sảng, tuôn trào; Một Vương Dương Linh tĩnh lặng, nắn nót mà bay bổng. Đặc biệt, với nhà thơ Tố Hoài, khi đọc tập thơ “ Phục Sinh” của anh tôi đã muốn viết ngay một điều gì đó nhưng để “chín” hơn tôi đã mang theo những suy ngẫm về nhà. Đến lúc này đây sau hai tháng kể từ ngày dự trại, nhiều lần đọc lại tập thơ cùng những ghi chép và suy ngẫm… tôi mới chính thức đặt bút viết.

       Tôi biết nhà thơ Tố Hoài viết từ khá sớm. Khi còn là học sinh – sinh viên anh đã có thơ trong các sự kiện, trên báo tường của trường. Để rồi, dẫu theo học chuyên ngành khoa học tự nhiên nhưng tố chất văn chương trong anh cứ ngày càng đậm nét.

       Thế rồi đất nước có chiến tranh và chiến tranh ngày càng ác liệt, các thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước nhau lên đường ra trận. Tố Hoài cũng tạm biệt giảng đường Trường Đại học Y khoa vào chiến trường. Anh mang theo lý tưởng, lẽ sống, hiểu biết và tâm thế của một trí thức trẻ vào quân ngũ. Đặc biệt tư chất văn chương cùng với cảm hứng thời đại đã thôi thúc anh viết. Công việc của người chiến sĩ quân y cho anh nhiều trải nghiệm và chất liệu sống. Chiến trường và sự hy sinh gian khổ của đồng đội như những chất liệu sống động để trở thành hơi thở trong thơ anh.“ Phục Sinh” – Tập thơ có đề tài và chủ đề phong phú: Có một đất nước Việt Nam tươi đẹp, có hiện thực tàn khốc của chiến tranh, có sức mạnh của tinh thần dân tộc, có lẽ sống của cả một thời đại, có cuộc trường chinh của lớp lớp tuổi trẻ lên đường đánh giặc, có tình yêu lứa đôi cùng nỗi nhớ vô tận, có khát vọng hạnh phúc cùng tinh thần lạc qua và lãng mạn cách mạng… Tất cả thể hiện qua lăng kính của thơ anh. Và, tựu trung lại, “ Phục Sinh” hàm chứa một cảm hứng thời đại, một niềm tin chiến thắng, một lẽ sống cao đẹp, một tâm thế hiên ngang, một tinh thần quả cảm của dân tộc. Theo đó hình tượng đất nước – nhân dân, người lính – người chiến sĩ là hình tượng trung tâm.

         Ở “ Phục Sinh” ta bắt gặp một thời đại, một lẽ sống, một tâm thế, một tượng đài dân tộc trong kháng chiến. Tất cả làm nên cái đa tầng đa nghĩa của hình tượng, tất cả làm nên sự đa thanh đa sắc của tâm hồn nhà thơ. Tôi thích nhất những bài thơ thuộc mảng đề tài, chủ đề này. Vậy nên tôi gọi Tố Hoài – Phục Sinh từ trong lửa đạn chiến tranh. Nếu nói một cách bản chất thì đó là sự phục sinh từ trong chính hồn thơ anh. Giữa lúc chiến tranh tàn khốc thơ anh vẫn biếc lên niềm tin và hy vọng. Những bài thơ về đề tài chiến tranh có thể được anh viết ngay trong chiến trận hoặc sau khi chiến tranh đã kết thúc, có thể được anh viết khi đang trong quân ngũ hay khi anh đã ra quân về với cuộc sống đời thường. Nhưng tất cả đều sống động, tươi rói sắc màu hiện thực. Anh viết về chiến tranh mà không kể lể, không đao to búa lớn, không lên gân lên cốt. Những bài thơ như những cánh cửa mở ra thời gian, không gian, cảnh tượng chiến tranh. Nó sát thực mà tiêu biểu, dữ dội mà bình tâm, gian lao mà vững bước. Điều đó chỉ có thể có ở một nhận thức, một tâm thế, một hồn thơ riêng ở anh. Hình ảnh Đất nước – Tổ quốc, Quê hương – Mẹ như một nền tảng xuất phát cho người chiến sĩ bước vào cuộc trường chinh. Điều kỳ lạ là dù trong hoàn cảnh đầy thách thức mà ngọn nguồn cảm xúc này trong thơ anh vô cùng dịu êm và thiêng liêng:

             Khói lam chiều thoáng hương lúa hương khoai

             Tùng tiệm giữa nồng nàn hương đất

              Vẫn sống động giữa ngàn năm ngút ngát

              Là hương đời trong mỗi sắc ngàn xanh”

                                                              Hương đất

Tạ từ lòng mẹ âm vang

Đã in từ thuở hồng hoang ân tình

Lắng trong trời đất hiện hình

Bàn chân khép nẻo lòng mình ra đi

\                                                          Tạ từ lòng mẹ.

           Để rồi trong chiến tranh, trách nhiệm của những người con, của tuổi trẻ được đánh thức:

                Đất nước chia miền khói lửa chiến tranh

                Đã cháy lên trên từng trang sách học

                               Câu hát đợi chờ và tiếng ru bên nôi.

         Lý tưởng và lẽ sống của họ được xác định đó cũng chính là lý tưởng và lẽ sống của cả một thời đại mà sự thể hiện rõ nét nhất ở thế hệ trẻ Việt Nam. Họ sẵn sàng tiếp bước lên đường đánh giặc. Đoàn quân ấy vững vàng trong sức lực, hiên ngang trong tâm thế: “ Vững chãi Trường Sơn. Dẻo dai sức trẻ/ Nên dáng tinh khôi. Nên dáng tự hào” ( Màu xanh riêng tư). Mọi câu chuyện gia đình, cá nhân, riêng tư dẫu thiêng liêng đến mấy cũng tạm gác lại, chỉ có câu chuyện hành quân và chiến dịch mãi nối dài: “Chuyện lính trẻ của chúng tôi, khoảng trời riêng be bé…/ Chiến dịch đi. Nối tiếp những binh đoàn, nối tiếp Trường Sơn, nối tiếp chiến thắng/ Có một không gian trong bề dày trận đánh…” (Chuyện riêng ở binh đoàn). Khát vọng hòa bình cháy bỏng thôi thúc họ vượt qua hiểm nguy, niềm tin chiến thắng tạo cho họ tinh thần lạc quan tin tưởng:

                   Có một chiều dài đo được lòng tin

                   Là bom đạn chia đều ở hai đầu cách trở.

                                                         Câu hát đợi chờ.

         Họ hiểu sâu sắc rằng chỉ khi đất nước hòa bình mới có thể có hạnh phúc thực sự cho mỗi con người, mỗi lứa đôi: “Giặc phía Nam quét trước. Giặc phía Bắc dọn sau/ Vì một ngày bình yên đất nước” ( Giọt lệ niềm vui): “

                    Mỗi bước ta đi, một bước ta trao

                    Từng giọt máu tô thấm nhuần nhân ái!

                                                   Apsara – Tiếng gọi.

       Chính từ nhận thức và cái nhìn rất riêng về chiến tranh mà người trí thức trẻ có được một sự cân bằng hiếm thấy trong tinh thần, trong thơ. Hình tượng các nữ chiến sĩ được anh khắc họa:

                    Em gái giải phóng quân giữa đỉnh Trường Sơn
                    Bông sắc trắng trên nền xanh chiến sĩ
                    Búi tóc tròn và bước chân thế kỷ
                    Chí rạng ngời non nước màu xanh!
                                              Màu xanh riêng tư

                   Tiếng cười thấm vào vách đá Trường Sơn
                    Mạnh hơn hàng ngà  n tấn bom giặc Mỹ!
                                                   Tiếng cười ở tuyến lửa.

         Thế rồi, trong bom rơi đạn nổ tình yêu lứa đôi vẫn nẩy nở, ngát hương. Đám cưới được tổ chức giữa hai trận đánh. Thật không có nơi đâu con người được trân trọng đến vậy. Đầu đề bài thơ “ Không để lẫn vào bom” nghe nhẹ nhàng, bâng quơ mà đầy thách thức: “Cưới xong rồi cùng đi phá bom rơi/ Cho giai điệu tình yêu nối dài hơn nữa/ Và tràng pháo tay dài thay pháo nổ/ Âm sắc này không để lẫn vào bom”.

       “Không để lẫn vào bom”. Có lẽ không cần phải thêm lời bình nào nữa đây là bài thơ ấn tượng nhất trong tập thơ “ Phục Sinh” (Mặc dù bài thơ “ Phục Sinh” trong tập thơ là một bài khác). Chủ đề của tập thơ được bật ra rõ nét nhất từ bài thơ này. Trong chiến tranh khốc liệt, sự âm vang của lẽ sống, niềm tin, hy vọng luôn là sức mạnh thôi thúc thời đại, dân tộc, tuổi trẻ sống và chiến đấu kiên cường để có một ngày đất nước sẽ hòa bình, độc lập, tự do. Niềm tin đó đã trở thành hiện thực.

      “ Phục Sinh” là tập thơ hay của nhà thơ Tố Hoài. Ở đó chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, độc đáo về đề tài, bút pháp, hình tượng. Ở đó còn chứa đựng cả thông điệp lịch sử, thời đại của một dân tộc. Một dân tộc được phục sinh từ trong chiến tranh đạn lửa, từ trong chính sức mạnh của tâm hồn, của thi ca./.

                                               Tp. Lạng Sơn, tháng 9 – 2020

                                                     LỘC BÍCH KIỆM

BÌNH LUẬN