Nguyễn Vũ Tiềm – CẦU VỒNG LƯƠNG TÂM GIỮA HOÀNG HÔN ĐỎ . (Đọc tiểu thuyết “Hoàng Hôn dát đỏ” của TỐ HOÀI

0
728

.      CẦU VỒNG LƯƠNG TÂM GIỮA HOÀNG HÔN ĐỎ

.   Đọc tiểu thuyết HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ
của TỐ HOÀI
Nxb Lao Động và Tạp chí VNQĐ – 2016.
Tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN, số 31 (4-8-2018)

.                         NGUYỄN VŨ TIỀM

 

Từ Đường Chín – Nam Lào đến 81 ngày đêm ở thành Cổ Quảng Trị, cuộc đối đầu trực tiếp ác liệt đã được mô tả trong nhiều tác phẩm. Nhưng ở tuyến hậu cần vô cùng quan trọng ra sao? Cuốn tiểu thuyết “Hoàng hôn dát đỏ” của bác sĩ quân y, nhà văn Tố Hoài phản ánh một mảng thực tế rất xuasc động về cuộc chiến tranh.
Anh là bác sĩ ở một viện quân y dã chiến thuộc Binh đoàn 70 (B70) tham dự Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào cho đến kết thúc cuộc kháng chiến.
Tuy là hậu cần, nhưng toàn miền là chiến tuyến, hiểm nguy luôn treo lơ lửng trên đầu. Máy bay OV10 soi tìm từng gốc cây tán lá chỉ điểm cho chiến hạm, máy bay Mỹ ném bom, nã pháo. Không ít bom B52 đã trúng quân y viện. Thương binh đang điều trị thành tử sĩ hoặc bị thương lần nữa; không ít bác sĩ, y tá bị thương vong. Tố Hoài sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt đó, nên từng trang viết của anh luôn rừng rực không khí mặt trận, đồng thời cảnh sinh hoạt của bác sĩ, dược sĩ, y tá…cũng hiện lên rất sinh động và vô cùng cảm động.
“ Loại vũ khí sát thương hàng loạt và vũ khí hóa học Cs, Dioxin hiểm độc nhất đã được đánh bóng bằng ngôn từ giúp canh nông diệt cỏ, Mỹ đem đến, gieo trên cơ thể nạn nhân. Vết thương không chỉ một chỗ. Nó cắt chân xé tay. Lại còn găm vào cả ruột gan, tim phổi… Nó không chỉ cắt đi xương thịt mà còn xé nát cả hồn người. Con người thành sống dở, chết dở, thân tàn, ma dại”. (tr 192)
Thương binh đưa về Quân y viện 91 đều đã mang những vết thương do các loại vũ khí trên đây gây ra và các thầy thuốc trẻ phải chữa trị trong những điều kiện hết sức thiếu thốn “bàn mổ không cao hơn nền hầm bùn lầy là mấy”, họ phải “mài dao kéo mổ bằng đá cuội” (tr 289).
“Vũ khí chống trả của người thày thuốc, không chỉ là dao, kéo, chỉ, kim… Kẻ thù còn là tử thần. Phải giành giật với tử thần bằng trí tuệ. Kỹ chiến thuật không chỉ ở bàn tay mà ở ngay con tim nhân ái. Chiến tuyến không chỉ ở trên cơ thể mỗi thương binh mà ở ngay bờ thời gian họ đang chiếm giữ. Họ giành từng khắc để kéo sự sống về cho con người”.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là bác sĩ trẻ Nguyễn Hùng, “Làm việc theo tình thương và trách nhiệm”, là điều mà anh luôn nhắc nhở bản thân mình. Cảm động nhất là bác sĩ Hùng động viên cô dược tá Hồng Vinh (người yêu của anh) chăm sóc người thương binh hoại thư sinh hơi không thể cứu chữa. Anh thương binh rất trẻ, có lúc tâm sự: “chưa biết yêu là gì”, “nụ hôn thế nào nhỉ”… Cô gần gũi chuyện trò, tâm lý để làm giảm cơn đau đớn của anh. Bác sĩ Hùng nói:
– Vậy là em đã làm được điều mong ước, giảm đi cái đau mà người thầy thuốc là anh dẫu giỏi đến đâu cũng không làm được.
Hồng Vinh được người yêu nhờ làm một việc rất tình người. Nhưng cô vẫn băn khoăn áy náy. Anh ấy sang thế giới bên kia rồi, chắc sẽ biết sự thật, liệu có trách mình “nói những điều không thật lòng” không nhỉ? Và với người yêu (là bác sĩ Hùng), “mình có lỗi không”?
Với thương binh phải cưa tay, cắt chân, Nguyễn Hùng luôn cân nhắc, dành cho phần còn lại sau này còn ích lợi. Tuy mới ra trường, nhưng Nguyễn Hùng chịu khó học hỏi. Nhiều sáng kiến xử lý các tình huống, trị liệu rất táo bạo và hiệu quả. Ngay cả khi có mặt bác sĩ viện phó nhắc, vết thương đại tràng kín, phải đưa ra ngoài ổ bụng: “ hãy theo sách, kinh điển đấy”; nhưng vết thương nhỏ không có biểu hiện nhiễm trùng đáng ngại, anh quyết định khâu kín ổ bụng, mà không làm hậu môn giả, gây tổn thương thêm cho cơ thể thương binh. Kết quả tốt, thành công “ngoài sách vở”. Anh được báo cáo điển hình ở hội nghị chuyên môn ngành quân y.
Các chiến sĩ quân y giành giật tính mạng con người từ tay tử thần chỉ trong tích tắc:
“Hùng bước vội vào lán. Chai thanh huyết ngưng chảy khi khóa dây chuyền vẫn mở. Bắt mạch. Bàn tay thương binh ấm nhưng không thấy mạch đâu. Nghe tim. Tiếng tim chuyền qua ống nghe yếu ớt, thoi thóp, lưa thưa. Hùng giục y tá Tuần:
– Tiêm một ống Lobéline rồi dùng bộ trợ hô hấp.
Hùng quỳ gối kẹp ngang bụng thương binh. Hai tay đều đều tạo nhịp. Tuần chụp ống thở vào miệng thương binh, tiếp tục trợ thở. Dấu hiệu hồi sinh bắt đầu. Những giọt dịch truyền nhỏ giọt. Hùng ra lệnh:
– Tiếp một ống Ouabaine trợ tim.
Thương binh hé mắt, cử động”.
Nhanh chóng trả lại sức khỏe cho bộ đội, trả lại sức chiến đấu cho mặt trận là điều các y, bác sĩ tâm nguyện và luôn làm tốt nhiệm vụ này.
Vào điều trị tại quân y viện còn có hai tù binh thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa và một cố vấn pháo binh Mỹ. Họ bị đồng đội bỏ lại khi phải tháo chạy khỏi Đường 9 – Nam Lào. Quân y viện thực hiện đúng Công ước Quốc tế về tù binh. Cứu chữa vết thương cho họ với tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái. Ba tù binh được chứng kiến sự tận tình cứu chữa của quân y quân Giải Phóng. Henri Emerson trong cơn sốt rét, anh ta được bác sĩ Hùng đắp lên người bằng mấy tấm mền, mùng. Cơn rét vẫn rung bần bật. Không còn cách nào khác, bác sĩ Hùng đành nằm ôm Emerson lấy hơi ấm của mình phủ lên người lính Mỹ. Tình tiết này góp vào sự cảm hóa Emerson. Họ cảm phục; nhưng rất sợ bom pháo của Mỹ nã vào mình. Họ nguyền rủa cái thằng OV10 không ngớt rình mò trên đầu.
Emerson là một sĩ quan Mỹ đa tình đã thầm yêu Hồng Vinh. Anh bộc lộ tình cảm đơn phương theo kiểu rất “Mỹ”. Tuy không được chấp nhận, vẫn kín đáo không giấu lòng, bằng cách viết địa chỉ của con gái mình cùng lời nhắn “ba vẫn còn sống” đưa cho Hồng Vinh. Chắc anh chả hy vọng gì mẩu giấy đến được tay con gái. Vậy mà Hồng Vinh gửi mẩu giấy ấy tới được Hòa kỳ qua người quen bên Pháp. Vài dòng tin ngắn ngủi này đã tiếp sức cho phong trào phản chiến ở Mỹ. Bạn bè Emerson trong đó có Bill Clinton, đi đầu trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
Cuốn tiểu thuyết có nhiều trang máu lửa. Lại cũng không ít trang mô tả đời thường. Cảnh thanh niên nam nữ sinh hoạt, yêu đương. Không né tránh những cảnh ngộ buồn vui. Cả những biểu hiện hẹp hòi, hèn nhát tự thương, hay toan trốn chạy…
Tính chân thực đến trần trụi không tô vẽ, khiến “Hoàng hôn dát đỏ” cuốn hút chinh phục cảm tình người đọc. Viện trưởng Đức cùng cánh nam giới ra suối “tắm tiên”. Đang bơi lội vui vẻ thì bom dập lên đồi 325. Một loạt bom trúng quân y viện. Họ chạy lên bờ suối thì quần áo bị bom thổi bay đi hết. Mỗi người đành bẻ cành lá che chỗ kín lom khom chạy về hầm, mặc quần áo rồi ra cứu chữa đồng đội.
Có cặp đôi bén duyên nhau. Có đám cưới được tổ chức tại mặt trận (y tá Kinh và Mão). Còn có cả đố kỵ. Vì không nghe lời Đẳng trưởng ban dược để yêu một đồng chí đảng viên, Hồng Vinh bị Đẳng tìm cách đẩy đi để cách ly với bác sĩ Hùng. Trả đũa Hùng bằng cách cắt xén vô hối số thuốc điều trị thương bệnh binh chỉ vì đó là y lệnh của bác sĩ Hùng:
“Y tá Minh đem thuốc về nói như khóc:
– Em nói đừng có cắt kháng sinh, điều trị phải có liều lượng, phác đồ. Cắt giữa chừng giữa buổi thế này không những giết người bệnh mà còn nuôi bệnh. Em chỉ còn thiếu chưa vái lạy, nhưng ông ấy sắt đá lắm, vô cảm lắm”.
Cái cơ chế xin cho từ hậu phương lan ra cả tiền phương. Nhưng hiện tượng tiêu cực này cũng nhanh chóng được giải quyết. Dẫu có tị hiềm đố kỵ, song trước trách nhiệm, trước sinh mệnh đồng đội, họ đều dẹp bỏ cá nhân để cùng chung vai hoàn thành nhiệm vụ của quân y viện.
Tả đêm chiến tranh, Tố Hoài có những đoạn rất ấn tượng: “Đêm không là ánh vàng rơi bao phủ. Không là một màu đen che kín không gian mà là đêm với tiếng nổ và ánh sáng xé trời! Quảng Trị được treo vào bầu trời bởi đinh ghim pháo sáng”. Tả tâm trạng yêu đương: “Hồng Vinh nhẩm lại vị tình yêu. Nó không ngọt nữa. Chỉ thấy vị chát còn lại, mỗi khi gió lùa càng thêm giá buốt”.
Xây dựng các tuyến nhân vật để khắc họa nội dung là cốt lõi của nghệ thuật tiểu thuyết. Điều này được Tố Hoài chăm chút khá công phu. Các nhân vật chính, phụ đều thể hiện rõ tính cách khó lẫn với nhau. Bác sĩ Nguyễn Hùng thông minh. Làm việc say mê có lúc mệt quá ngất xỉu. Anh thẳng thắn, quyết đoán. Song rất tinh tế trong ứng xử. Dược sĩ Đẳng hẹp hòi đố kỵ. Nói năng rề rà. Luôn kèm từ “trực tiếp” cho “quan trọng” hóa vấn đề. Anh ta rất sợ cấp trên. Éo le thay, đặc điểm này lại là cánh cửa để ngoi lên chức vụ cao hơn: chức viện phó!
Các cô y tá xinh đẹp, giữa núi rừng khiến các anh lính trẻ đi qua không thể không ngoái lại nhìn. Mỗi cô một sở thích riêng, mơ ước riêng.
Diễn biến của tiểu thuyết với những kịch tính hợp lý đã lôi cuốn và chinh phục người đọc. Song trên hết, tác giả tập trung nêu bật tình yêu tổ quốc cao cả thiêng liêng. Tình đồng đội gắn bó keo sơn của những thanh niên nam nữ phơi phới mười tám đôi mươi. Họ giúp nhau trong khó khăn thiếu thốn. Khẩu phần ăn, có lúc họ phải nhịn dành cho thương bệnh binh “Trên mặt đất, các loại cây có thể làm rau đã hết thì mò xuống lòng suối. Rau chảy, tóc tiên, rong suối… giống loại cây mẹ đã từng nấu cho lợn ăn. Lợn ăn được, ta cũng ăn được! Mùi canh xông lên chẳng khác nào mùi cám lợn, cứ nạp vào để có năng lượng cho một động cơ” (tr72).
Dẫu pháo đài bay gào rú trên đầu, đạn bom rơi xung quanh, nhưng họ vẫn bình thản mổ xẻ điều trị cho thương bệnh binh. Họ coi thường cái chết đến lạ lùng. Có thể không ít bạn trẻ ngày nay đọc đến đây cho là cường điệu chăng, nhưng không phải. Nếu không có những con người quả cảm quên mình như thế làm sao chúng ta có thể chiến thắng một đối thủ khổng lồ?
Với tiểu thuyết này, Tố Hoài đã khắc họa được những nét đẹp chân thực như một cầu vồng lương tâm giữa Hoàng hôn dát đỏ!
.                                                                   NVT

BÌNH LUẬN