. LÊN TỈNH
. Đọc trên facebook của nhà báo, nhà thơ Phạm Minh Mẫn truyện ngắn LÊN TỈNH.
Chúng tôi xin giới thiệu truyện ngắn của anh.
. PHẠM MINH MẪN
. Hắn mắc bệnh viêm đại tràng mãn. Căn bệnh thật khó chịu, chỉ cần sơ suất trong ăn uống là bọn trực khuẩn nổi loạn, bụng dạ sôi réo ùng ục rồi sinh tiêu chảy. Trong nhà hắn lúc nào cũng thường trực lọ thuốc becberin. Hắn chỉ là anh lính quèn phục viên về quê nên không có bảo hiểm y tế, loại thuốc đắng bọc đường rẻ tiền này dành để dùng khi cần.
Hôm nay hắn thông báo với vợ có mấy việc trên tỉnh nên phải xuất hành sớm và nhắc vợ kinh phí đi đường. Vợ hắn tuy keo xỉn nhưng thấy chồng có việc quan trọng nên mở hầu bao đưa hắn mấy trăm ngàn.
Thực ra hắn mới làm được mấy bài thơ lục bát, mục đích lên tỉnh gặp lão bạn đồng ngũ để thăm chơi và nhờ lão can thiệp để hắn được kết nạp vào Câu lạc bộ thơ của tỉnh. Từ khi có Câu lạc thơ Việt Nam, rồi các CLB Thơ cấp tỉnh, huyện, xã… thi nhau ra đời, đã có hàng ngàn Hội viên được kết nạp và góp tiền in thơ! Lão bạn hắn hay lắm, chuyển ngành có quyền to nhưng vẫn không quên bạn bè thuở hàn vi. Trước khi về hưu lão làm cái chức Chánh văn phòng gì đó ở tỉnh, thỉnh thoảng được tháp tùng lãnh đạo đi nước ngoài nên biết khối chuyện tây ta, toàn chuyện kể cứ như đùa nhưng nghe lại thích. Tỉ dụ như chuyện nhà vệ sinh hiện đại có “mắt thần” theo dõi phục vụ quý khách, cửa tự mở khi có người vào, tự xối nước khi có người đưa tay rửa rồi phả hơi nóng cho khách hơ tay và khi tiểu tiện xong vòi nước cũng tự xả… Hắn “phản biện”, vậy nếu mất điện, mắt thần bị mù thì để nhà xí thối um lên à? Đó là chuyện nhiều năm trước, bây giờ không ai còn lạ nữa.
Cưỡi chiếc xe máy cà tàng lên đến thị xã thì đã hơn 10 giờ, đói bụng hắn tạt vào một quán phở ven đường gọi một tô có đủ cả tái nạm gầu gân ăn ngon lành. Ăn xong tô phở thì lão bạn gọi điện cáo lỗi vợ ốm phải đưa đi bệnh viện. Hắn chưng hửng, thôi, dạo xe máy vài vòng thăm phố thị rồi biến…
Hắn rà xe qua mấy cơ quan, đến cổng Tỉnh ủy thì dừng lại ngắm nghía cái công trình mới được xây cất đồ sộ, sơn màu vàng, mái cong như đình làng. Hắn chẳng quen biết ai ở đây, chỉ vài lần nghe các chuyên viên của Ban Tuyên giáo về huyện thuyết trình mấy nội dung chuyên đề tư tưởng văn hóa. Hắn nhớ mãi một vị đến dự khai trương CLB thơ huyện đã nghiêm khắc phê phán quan điểm coi thường thơ Việt, lếu láo chê bai thơ ta đang trên đà lạm phát “Người người làm thơ/ Nhà nhà làm thơ/ Ta nhất định thắng/ Thơ nhất định thua…”
Đột nhiên hắn cảm thấy lâm râm đau bụng và muốn đi ngoài. Thôi chết rồi, chắc lúc nãy ăn phải miếng gầu có mùi khét do bị giữ lâu trong tủ lạnh? Nguy quá, không khéo bĩnh ra quần mất! Khốn nỗi ở phố thị không có bờ hoang bụi vắng để tạt vào “giải quyết thế sự”. Trong lúc nguy khốn, cái kỹ năng ma mãnh trong hắn bỗng trỗi dậy chỉ dẫn phương thức tồn tại. Hắn quả quyết dắt xe vào cổng Tỉnh ủy, trình chứng minh nhân dân. Anh cảnh sát hỏi hắn vào làm việc với bộ phận nào, hắn bảo có hẹn làm việc với Ban Tuyên giáo.
Mọị việc diễn ra theo hướng thuận lợi. Lên đến tầng hai hắn đảo mắt tìm và xộc luôn vào khu vực vệ sinh ốp gạch men trắng bóng, cuống quýt xả hết mọi thứ phế thải trong bụng ra. Đỡ hẳn! Hắn ngồi khá lâu và nhận xét cái khu vệ sinh quả là hiện đại, rộng rãi hơn cả căn nhà cấp 4 hắn đang ở. Hắn cười thầm nhớ chuyện lão bạn đồng ngũ phét lác rằng ở bên Nhật việc đi toa- lét còn hiện đại và “bản sắc văn hóa” hơn ta nhiều. Con dâu trước khi vào nhà vệ sinh phải vòng tay lễ phép: “Thưa cha, thưa mẹ, thưa chồng/ Con đi tháo nước trong lòng con ra!”. Còn nam giới khi vào khu vệ sinh công cộng, sau khi đứng yên vị sẽ có một bàn tay thân ái ấm áp tự kéo phéc-mơ-tuya và nhẹ nhàng… lôi “của quý” ra thao tác chỉnh sửa hướng chuẩn (mẹ khỉ, đó là cánh tay rô bốt y như tay người có điện sưởi nóng). Sau đó vang lên một bản nhạc du dương với giọng nữ thỏ thẻ : “Mời quý anh tháo nước!”. Dĩ nhiên là lời nhắc bằng tiếng nước ngoài, lão bạn tinh tướng còn tru miệng xổ ra một tràng dài tiếng Anh nhưng hắn chẳng hiểu và cũng không thích thứ tiếng ngoại lai này. Tiếng gì mà khi nói chuyện cứ gào gào như mèo gừ, còn khi hát thì gân cổ gâu gâu gâu như chó sủa… Chỉ có tiếng Việt ta là nhất, nghe véo von cứ như hát. Tuy nhiên nếu lão bạn nói thật thì hắn cũng muốn hân hạnh một lần được bàn tay ấm áp kia phục vụ. Đúng là văn minh của bọn tư bản đang giãy chết!
. Về đến nhà khá sớm, mụ vợ ra mở cổng và hỏi hắn một câu chất vấn như thường lệ:
– Hôm nay bố mày lên tỉnh làm được việc gì?
Khác với vẻ quan trọng mọi lần, hắn trả lời vợ rất thật thà:
– Có được việc quái gì đâu. Lên đến tỉnh, vào Ban Tuyên giáo ị một bãi rồi phắn!
. P M M