Phạm Minh Mẫn – “THƯ RÁC” CỦA THÚY VÂN – Phiếm đàm

0
749

                                                    “THƯ RÁC” CỦA THÚY VÂN
(Phiếm đàm)

                                                                                                 PHẠM MINH MẪN

        “Tiện thiếp tên là Vương Thúy Vân, người Trung Quốc, sống thời Gia Tĩnh, triều Minh, thứ nữ của Vương viên ngoại, chị gái là Vương Thúy Kiều, em trai út là Vương Quan. Tiện thiếp có một nỗi ấm ức không thể giãi bày cùng ai, đành phải dùng máy tính cõi âm gửi “i meo” theo đường tâm linh để các tao nhân mặc khách, các quan huynh văn hóa nghiên cứu xem xét. Chẳng phải tiện thiếp khiếu nại gì, chỉ mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của hậu thế mà thôi.
Số là vừa qua thi sĩ họ Vương (người đương thời gọi là nhà thơ Vương Trọng) có sáng tác một bài thơ nhan đề “Mô típ Thúy Vân” làm thiên hạ hiểu một cách tai hại về tiện thiếp. Thậm chí có người còn viết lời bình trên báo khen bài thơ hết lời, không chỉ chê bai phẩm hạnh của tiện thiếp mà còn mượn chữ, đánh giá tiện thiếp là hình mẫu, là kẻ củng cố vững chắc chế độ phong kiến. Tiện thiếp tài học kém chị Thúy Kiều, không có ý định tranh luận về học thuật, xin chép lại bài thơ trên với vài lời tự biện.
Mô típ Thúy Vân
              Người đầy đặn, má bầu bánh đúc
              Cần chi hẹn hò, cần chi thề thốt
              Không thích đàn, chẳng để ý đến thơ
              Chẳng yêu đương cũng lấy được chồng
              Đặt mình xuống biết chi trời đất
             Ngáy thường nhiều hơn những giấc mơ
             Ta lạc lõng trong cuộc đời trần tục
             Thi ca ơi, người phù phiếm vô ngần
             Nhà có chuyện, như người ngoài cuộc
             Trong cuộc sống phố phường ta gặp
             Vẫn ăn no ngủ kĩ như không Vắng Thúy Kiều và chen chúc Thúy Vân
Tiện thiếp người phương Bắc, sống cách đây hơn nửa thiên niên kỉ. Nhờ có thi sỹ Nguyễn Du, với thiên tài bẩm sinh, đã “Việt hóa” tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân từ chữ Hán thành tập thơ chữ Nôm “Đoạn trường tân thanh”, còn gọi là Truyện Kiều. Với Truyện Kiều, thi sỹ Nguyễn Du không chỉ mang vinh quang về cho đất nước một kiệt tác văn chương bất hủ của lịch sử thơ ca Việt Nam tự cổ chí kim mà còn làm cho thế giới biết đến gia cảnh của tiện thiếp, đặc biệt là cuộc đời chìm nổi của chị Thúy Kiều “qua 3254 câu thơ lục bát sáng tạo thiên tài, vừa giàu tính nhân văn vừa tuyệt vời về nghệ thuật” (Sách GK). Cũng xin đôi lời phi lộ, nhờ Truyện Kiều mà tiện thiếp biết thêm tiếng Việt nhưng nói năng có lúc chen lẫn cổ kim, mong các thi sỹ cùng quan huynh văn hóa lượng thứ…
Đọc hai khổ thơ đầu của nhà thơ họ Vương (chắc trên 500 năm trước cũng có dây mơ rễ má với tiện thiếp), chính bản thân Thúy Vân cũng không thể nhận ra mình. Từ vị trí á hậu, bỗng dưng tiện thiếp bị biến thành một con tiện nhân! Ả “Thúy Vân” trong bài thơ chỉ là một con bé cục mịch, thô vụng “má bầu bánh đúc’, không thích cầm, kỳ, thi, họa, nói chung là chẳng có lấy một chút tài sắc. Còn tâm tính thì như kẻ dở hơi, vô tư đến mức…vô tâm “ngáy thường nhiều hơn những giấc mơ”, “nhà có chuyện như người ngoài cuộc/ vẫn ăn no ngủ kỹ như không”. Tiện thiếp đâu phải là mẫu người “có tâm hồn ăn uống” như thế? Những ai yêu mến Truyện Kiều đều biết, ngay trong phần đầu (câu 15 đên 24), Nguyễn thi sỹ đã mô tả chị em tiện thiếp đều rất đẹp: Đầu lòng hai ả Tố Nga/ Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân/ mai cốt cách, tuyết tinh thần/ mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười… Tiện thiếp cũng rất hãnh diện khi được Nguyễn tiên sinh đặc tả: Vân xem trang trọng khác vời/ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ hoa cười ngọc thốt đoan trang/ mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Cả khi nhà cửa sa sút vì bị thằng bán tơ “xưng xuất” vu cáo, tiện thiếp phải đi may thuê, viết mướn mà ngày lên xe hoa với chàng Kim, Nguyễn thi sỹ cũng phải tấm tắc: “ Người yểu điệu, kẻ văn chương/ trai tài gái sắc, xuân đương vừa thì”. Khuôn trăng đầy đặn (vẻ mặt đẹp phúc hậu của tiện thiếp) không thể và không nên hiểu là “người đầy đặn, má bầu bánh đúc”. Nói đến chữ “càng”, phải công nhận Nguyễn tiên sinh sử dụng rất tài tình. Vì ưu ái chị Thúy Kiều nên thi sỹ “bắt” tiện thiếp làm “quân xanh” để dùng phép so sánh “Kiều càng sắc sảo mặn mà/ so bề tài sắc lại là phần hơn”. Nhưng rõ ràng tiện thiếp cũng đẹp“sắc sảo, mặn mà” như ai, chị Thúy Kiều chỉ “càng sắc sảo mặn mà” hơn mà thôi! Dù có “e lệ nép vào dưới hoa”, tiện thiếp cũng muốn hỏi các huynh rằng Thúy Vân thiếp có đẹp và phúc hậu không? Và nhân danh sự yểu điệu thục nữ, tiện thiếp rụt rè… phản đối việc bêu riếu cái đẹp!
Về tài năng, tiện thiếp không phải “không biết đàn”, cũng không phải “chẳng để ý đến thơ”. Nói chung, gia tư tiện thiếp tuy “thường thường bậc trung” nhưng song thân đều cho chị em tiện thiếp được học hành theo khuôn mẫu tiểu thư khuê các, biết đủ cả đủ cả cầm, kì, thi, họa. Tuy nhiên tài năng của tiện thiếp không thể sánh bằng chị Thúy Kiều, chị ấy vừa biết chơi đàn vừa biết “khúc nhà tay lựa nên xoang”, thời nay gọi là sáng tác âm nhạc… Sở dĩ thiên hạ không thấy thiếp đàn ca là vì Nguyễn thi sỹ đã không cho tiện thiếp có cơ hội thể hiện. Thi sỹ Vương nếu thấy hơn 3 ngàn câu lục bát Truyện Kiều có câu nào, ý nào Nguyễn tiên sinh chê tiện thiếp không biết đàn hoặc không thích thi ca hãy chỉ cho tiện thiếp?
Về phẩm hạnh cũng như tình cảm lứa đôi, tiện thiếp thấy mình cũng chẳng có gì khuất tất. Tiện thiếp công nhận sự dũng cảm của chị Thúy Kiều khi “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến với người yêu, tự mình quyết định hạnh phúc của mình. Thời của tiện thiếp, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó mà hành động như thế là cấp tiến lắm! Ngay cả việc lớn tày đình là bán mình chuộc cha, lỗi duyên với chàng Kim chị ấy cũng tự ý quyết định. Còn tiện thiếp có làm được như chị ấy hay không thì quả khó nói, phải hỏi Nguyễn tiên sinh vì thi sỹ không chịu kể về tiện thiếp. Theo tiện thiếp, ít ra thì Nguyễn tiên sinh cũng nên cho em gái can ngăn hoặc góp ý đôi điều, kể cả việc bán mình thay chị dù biết chắc rằng Thúy Kiều không bao giờ chấp nhận. Chị Thúy Kiều mới gặp chàng Kim Trọng, tức chồng của tiện thiếp sau này mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e…”. Chị ấy là người tài hoa, rất hiếu đễ và chung tình nhưng cũng quá nhạy cảm. Lần đi hội đạp thanh, khi thấy chị ấy than khóc trước mộ nàng ca nhi Đạm Tiên, tiện thiếp có góp ý “… chị cũng nực cười/ khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Vậy mà có người nói tiện thiếp vô tâm, không biết đồng cảm! Riêng tiện thiếp thì cho rằng đồng cảm là một chuyện, còn bỗng dưng vật vã, “mê mẩn tâm thần”,“ủ dột nét hoa” một cách quá đáng mới là rất không bình thường! Chuyện phận cải duyên kim, đem “duyên chị buộc vào duyên em” cũng là do chị Thúy Kiều dằn lòng quyết định,“cậy em, em có chịu lời/ ngồi lên cho chi lạy rồi sẽ thưa”, tiện thiếp chỉ nghe chứ đâu đã thuận tình? Đến khi gia cảnh nhà thiếp tan nát, tiện thiếp và Vương Quan “đều là sa sút khó khăn/ may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”, chàng Kim thụ tang cha xong về thấy mất người yêu, đau nỗi biệt ly “vật mình vẫy gió, tuôn mưa”, song thân thiếp sợ chàng dại dột liều thân mới động viên và quyết định xe duyên cho đôi lứa. Những gì cần phải làm cho gia đình, cho chàng Kim và cho cả chị Thúy Kiều tiện thiếp đều đã làm, kể cả khi “tàng tàng chén cúc dở say”, thiếp thật tình “giãi bày” muốn hai người nối lại mối duyên xưa ngày tái hợp! Độc giả cao minh hãy đặt mình vào hoàn cảnh của tiện thiếp, chỉ cho thiếp phải xử sự thế nào cho đúng phận làm con, làm em và làm vợ? Ai chê tiện thiếp là thụ động, không biết “mình vì mọi người”, không chịu chia sẻ nỗi đoạn trường với chị gái là oan cho tiện thiếp lắm. Tiện thiếp luôn ao ước cuộc đời này không có cảnh người tài sắc như chị Thúy Kiều bị vùi dập đoạn trường và càng ao ước có nhiều, rất nhiều phụ nữ xinh đẹp, phúc hậu được sống yên ấm hạnh phúc như tiện thiếp. Chắc nhiều đấng phu quân cũng mong có một mô típ người vợ như thế? Có lẽ do Nguyễn tiên sinh đã “đầu tư” quá nhiều khi viết về chị Thúy Kiều, chỉ dành cho tiện thiếp vài dòng sơ sài nên bị người đời hiểu nhầm chăng?
Thư đã dài nhưng ý chưa cạn. Tiện thiếp xin nói thêm, trong khổ 3 của bài thơ và cả cái nhan đề, thi sỹ Vương Trọng đã rất bất công khi đưa ra cái “mô típ Thúy Vân” nào đó lạ hoắc và cho rằng Thúy Vân thiếp là hình ảnh đối lập với chị Thúy Kiều, đang sống “chen chúc” đầy phố phường! Chắc chắn thi sỹ Nguyễn Du không hề quan niệm như vậy. Và cho dù ngoài đời có nhiều phụ nữ thô vụng và vô tâm như cái cô “Thúy Vân B” kia đang sống “chen chúc” thì thi ca, với sứ mệnh cao cả vì cái chân, thiện, mỹ, sẽ không bao giờ bị coi là phù phiếm cả. Điều này thì tiện thiếp không tự tin lắm, phải đi hỏi chị Thúy Kiều thôi. Công nhận chị ấy cái gì cũng biết!
Lời quê chắp nhặt dông dài, nếu có điều gì thô thiển xin các quan huynh hai chữ đại xá.
Thứ nữ Vương Thúy Vân ”
Ghi chú: Người công bố “thư rác” của nàng Thúy Vân vốn có quen biết nhà thơ Vương Trọng, không những thế còn hân hạnh được hầu cờ vị đại tá vốn là cử nhân toán. Ông là nhà thơ có tài của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời chống Mỹ cánh lính trẻ đã từng ngâm nga những vần thơ hào sảng của ông: “Ôi tuổi thơ ta nằm trên võng gai/ Đi đánh Mỹ giờ ta nằm võng bạt/ Xưa tiếng mẹ ru trùm lên luồng gió mát/ Nay Trường Sơn xanh bóng chở che ta” (Nằm võng). Vương Trọng cũng rất nổi tiếng với những câu thơ khiến ta day dứt “Ngẩng trời cao, cúi đất dày/ Bàn tay lại nắm bàn tay của mình/ Một vùng trời đất rộng thênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề…” (Bên mộ cụ Nguyễn Du), hoặc đậm sự trải nghiệm “Những bố mẹ ở hai bờ chia cắt/ Phút giây thôi nghe tiếng khóc con mình” ngày “bố mẹ bận ra tòa” (Hai chị em) v.v… Tuy nhiên, đọc bài thơ “Môt típ Thúy Vân” của ông, suy ngẫm kĩ mới thấy nàng Thúy Vân tội nghiệp không phải không có lý. Bài thơ tuy có cái tứ khá hay, viết rất kỹ thuật, phê phán những phụ nữ vô cảm, vô tâm trước hy sinh mất của người thân… Chỉ tiếc cảm xúc của tác giả bị lệch pha và ông đã quá vội vàng dựng lên một hình ảnh Thúy Vân rất khiên cưỡng, xa lạ với nhân vật Thúy Vân trong Truyện Kiều… Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin cáo lỗi nhà thơ Vương Trọng khi đưa “thư rác” này lên báo để độc giả quan tâm chia sẻ nỗi niềm với nàng Thúy Vân…
P.M.M.

BÌNH LUẬN