Vài nét TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Tố Hoài giới thiệu và chú giải
. Nhà thơ Gia Môn Nguyễn Ngọc Tấn (1885-1945) sinh tại xã Hà Quang (nay là Thanh Quang, xã Hải Thanh, Hải Hậu). Ông cùng gia đình chuyển cư về xã Thanh Trà, tổng Quế Hải (nay xã Hải Quang, Hải Hậu, Nam Định).
. Thuở nhỏ, ông là một trong hai người trong vùng nổi tiếng thông minh, văn chương thi phú. Học thuộc làu trong ngày tám trang sách chữ Hán cả mặt chữ lẫn ngữ nghĩa. Tính tình phóng túng, chữ nghĩa khoáng đạt, không muốn ép buộc vào phép tắc cấm kỵ khắt khe vô lý chốn trường thi, nên chỉ đi thi lấy lệ. Ông bỏ qua mọi chen lấn chốn quan trường cát bụi hay tước vị phù du. Có thể thế ông chỉ nhận chân Đội trạm Bưu điện, cưỡi ngựa đưa thư, có điều kiện tiêu dao cùng thắng cảnh, thăm thú bạn bè thư kiếm. Nhân dân quanh vùng quí yêu trìu mến gọi ông là bác đội Tấn, bác đội Môn.
. Thơ ông, cuộc đời ông gắn liền với quê hương và con người trên mảnh đất Quế Hải bồng lai tiên cảnh. Thơ bắt nguồn từ cảm xúc thiết tha, tươi thắm. Hồn thơ và giọng điệu thơ một lòng yêu đất nước, con người. Thiên nhiên trong thơ Gia Môn giàu cảm xúc trữ tình về cái đẹp lộng lẫy, rất thực có thể nhìn thấy, sờ được, nhưng lại rất đỗi thi vị, bồng bềnh vời vợi một cảnh tiên sa.
. T.rong tác phẩm QUẾ HẢI thi tập của ông, Nhà thơ đã thành công với thể thơ dân tộc nhất là thể song thất lục bát, uyển chuyển nhẹ nhàng, giàu âm thanh tiết tấu. Ông khéo léo gieo vần ngắt nhịp, phối thanh tỏ rõ bản lĩnh tài năng điều khiển nó. Đặc biệt thể loại phú, ông đã lợi dụng đặc tính không hạn chế từ trong mỗi câu để thả sức tung hoành thả hồn vào từng con chữ. Vì thế thơ ông mang một sắc thái riêng, câu thơ mạnh mẽ, bay bổng, vang vọng:
Kèn lưu thuỷ thổi cung nam/ cung bắc/ cá dâng hoa/ nằm bên bãi/ nghe kinh,
Trống tam xuân cầm tiếng nhặt/ tiếng khoan/ chim cúng quả/ đứng ngoài cây/ lắng kệ.
Khắc hoa kỳ kế.
. Là lối tập cú đem từ đời sống thường nhật vào thơ, tạo nên sức sống dường kia cho tác phẩm:
Xót nhẽ mẹ già vò võ/ đêm bâng khuâng/ thở ngắn/ than dài,
Thương thay thân lão chơ vơ/ngày đằng đẵng/chiều trưa/ban tối.
. Không ngại gió mưa.
Hay:
Chàng đi một nước/ một trời,
Một giường/ một thiếp/ thiếp ngồi suốt đêm.
. Ôm yên gối trống.
Nhà thơ đã kết hợp hài hoà nội dung với hình thức biểu hiện. Lời thơ trang nhã, đài các. Dù lúc thâm trầm kín đáo với lời thơ trang trọng hay khi thở than trách móc, buồn tủi, tiếc nuối vẫn giữ lời dịu dàng, diễm lệ.
Buồn phận thiếp trăm đường, nghìn nỗi
Luống thương chàng trăng tối mây trưa
Thương chàng tuyết chực, sương chờ,
Thương chàng ăn gió, nằm mưa xót thầm!
. Ôm yên gối trống
Và khi hẹn hò thương nhớ khuyên răn thì lời lẽ, uyển chuyển, khoan dung.
. Thơ ông biểu đạt cả ngoại hướng (extraverti) và nội hướng (intraverti). Ngoại hướng, thơ diễn đạt mảng nghi lễ, phong tục tập quán. Nội hướng, hướng tới nội tâm chủ thể, thơ mang chất trữ tình triền miên của ca khúc, chất chứa đầy nhạc điệu.
Chim, vượn cũng vui lòng đua hót véo von.
Cỏ, hoa đều mở mặt tươi cười nức nở.
. Khắc hoa kỳ kế
Ngôn ngữ thơ giàu tính sáng tạo. Các con chữ và hình ảnh được đặt cạnh nhau theo sự tương cận. Biểu đạt tính liên tục dòng cảm xúc, mạch suy nghĩ theo sự liên tưởng. Hành ngôn thơ như con thuyền chở đầy ý nghĩa hàm súc, trọn vẹn.
Giọt sương thu dạ nổi sầu lên cất giọng ca bồn ai oán lắm.
Trận gió đông hàn rê thảm xuống, đau lòng trắc Hỗ xót xa thay!
Từ đó tạo ra những đường dây ngữ nghĩa làm tăng các chiều kích của không gian thẩm mỹ.
Nếu không còn mẹ như ai
Tuỳ lòng biển rộng sông dài nước non!
. Mong cho sum họp
Chính vì vậy thơ ông sống động và mang tính hiện đại, sáng tạo, thổi hồn vào ngay cả thơ dịch:
Người xa nhau đứt ruột nhau thôi!
Gảy đàn ruột đứt dây rồi,
. Dệt gấm dâng vua.
, Thơ ông được truyền khẩu, nhiều người thuộc làu. Nhờ thế thơ lưu truyền được tới hôm nay dù sưu tầm, gom góp còn quá ít. Nhiều bài, nhiều đoạn bị mai một. Dù vậy, cũng còn là điều rất may mắn và quý giá vô cùng.
. Tựu trung, thơ Gia Môn phản ảnh tư tưởng lành mạnh, trong sáng lòng yêu đất nước, con người. Ông khai thác và phát huy sáng tạo bản sắc văn hoá dân tộc bằng chất liệu hiện thực. Thơ gắn liền với đời sống con người và phục vụ con người, vì vậy thơ ông rất dễ đi vào lòng người đọc, đã góp vào đời sống văn hoá xã hội của một vùng đất sáng, suốt một thời qua.
. Xin giới thiệu một số tác phẩm thơ dịch trong tập QUẾ HẢI thi tập của ông:
THƠ DỊCH
HỊCH TƯỚNG SĨ VĂN
Trích dịch
Kìa thử ngắm sứ nhà Mông Cổ,
Sứ vãng lai nhăng bộ xôn xao!
Cú diều uốn lưỡi thấp cao,
Bẻ bai triều bệ xiết bao nhọc nhằn.
Tuồng dê chó cậy rằng đắc thế,
Chốn triều đường ngạo nghễ vương công.
Cậy tay Tất-Liệt(1) anh hùng,
Bạc vàng biết mấy cho cùng dạ tham.
Lại ỷ thế Vân-Nam hống hách,
Đánh sang ta vét sạch của ta,
Thịt đâu hoài thịt ném ra?
Ném cho hổ đói dễ đà khỏi lo.
Nghĩ đến sự rầy rà xấu hổ,
Ngày quên ăn, đêm ngủ không an.
Vỗ mình thổn thức canh tàn,
Trạnh đau khúc dạ, chảy tràn ruột châu.
Ăn gan ấy mới hầu thoả dạ,
Uống huyết kia mới hả gan này!
Ví dù gan nát, óc lầy,
Cho đành da ngựa bọc thây cũng đành.
Hỡi chư tướng(2) cầm binh dưới trướng:
Cơm áo vua an hưởng bấy lâu,
Chưa lo, không biết âu sầu,
Hầu quân Mông Cổ không màu hổ ngươi?
Hết cờ bạc, vui chơi gà chọi,
Thôi rượu chè rồi lại hát hay.
Vợ con quấn quít đêm ngày,
Ruộng vườn chăm chút riêng tây cửa nhà.
Việc quân quốc ví mà biếng nhác,
Cuộc du điền đã chắc vui không?
Giặc Nguyên phỏng lại đùng đùng,
Lấy gì chống đỡ hay cùng cam tâm?
Cựa gà sắc khôn đâm giáp giặc,
Mẹo bạc gian khó đạt mưu quân.
Vợ con thêm bận vướng chân,
Ruộng vườn khôn chuộc cái thân nghìn vàng!
Đầu giặc há có vàng mua được,
Sức chó săn đuổi khước giặc sao?
Rượu ngon giặc chẳng lao đao,
Hát hay, giặc chẳng hơi nào điếc tai.
Nếu đến lúc vua, tôi mắc cạn,
Nhà các ngươi gia sản cũng tan,
Các ngươi nên phải lo toan!
Gia Môn NGUYỄN NGỌC TẤN dịch
CHỨC CẨM HỒI VĂN
. Liệt Nữ truyện: Nữ sĩ Tô Huệ tự Nhược Lan đất Thần Châu nước Tấn (265-419) làm thơ Hồi Văn dệt lên gấm dâng vua. Vua xem cảm động cho Đậu Thao chồng nàng từ lính trở về .
Quân thừa Hoàng chiếu an biên thú
Tống quân, viễn biệt hà kiều lộ
Hàm bi yếm lệ tặng quân ngôn
Mạc vong ân tình tiện trường khứ.
Hà kỳ nhất khứ âm tín đoạn
Ức thiếp bình vi xuân bất noãn
Quỳnh dao giai hạ bích đài không
San hô trướng lý hồng trần mãn.
Thứ thời đạo biệt mỗi kinh hồn
Thương tâm hà thác cánh phùng quân
Nhất tâm nguyện tác thương hải nguyệt
Nhất tâm nguyện tác lãnh đầu vân.
Lãnh vân tuế tuế phùng phu diện
Hải nguyệt niên niên chiếu đắc biên
Phi lai phi khứ đáo quân bang
Thiên lý vạn lý giao tương kiến.
Thiều thiều lộ viễn quan san cách
Hận quân tái ngoại trường vi khách
Thứ thời tương biệt lô diệp hoàng
Thủy tín ký kinh mai hoa bạch.
Bách hoa tán loạn phùng xuân tảo.
Xuân ý thôi nhàn hướng thùy đạo
Thùy dương tảo địa vị quân phan
Lạc hoa mãn địa vô nhân tảo
Đình tiền xuân thảo chính phân phương
Báo đắc tần trang hướng hoa đường
Vị quân đàn đắc Giang Nam khúc
Phụ ký tình thâm đáo Sóc Phương.
Sóc phương thiều đệ san hà việt
Vạn lý âm thư trường vạn tuyệt
Ngân trang chẩm thượng lệ triêm y
Kim lũ lạ thường hoa giai liệt
Tam xuân hồng nhạn độ giang thanh
Thử thị ly nhân đoạn trường tình
Tranh huyền vị đoạn trường tiên đoạn
Oán kết tiên thành khúc vị thành
Quân kim ức thiếp trọng như san
Thiếp diệc tư quân bất tạm nhàn
Chức tương nhất bản hiến thiên tử
Nguyện phóng nhi phu cấp báo hoàn.
Bản dịch của
. Nhà thơ Gia Môn Nguyễn Ngọc Tấn
(DỆT GẤM DÂNG VUA)
Vâng hoàng chiếu chàng đi viễn thú,
Trên hà kiều thuở nọ đưa chân.
Ngậm ngùi thiếp nói ái ân,
Không nghe lời thiếp ân cần ra đi.
Đi chẳng thấy tin gì nhắn nhủ,
Thiếp nhớ chàng sầu ủ buồng xuân.
Giường quỳnh rêu mọc xanh ngần,
Màn hồ thấp thoáng hồng trần phất phơ.
Khi tống biệt ngẩn ngơ hồn thiếp,
Biết nhờ ai mà tiếp được chàng?
Thiếp xin làm bóng trăng quang,
Thiếp xin làm áng mây vàng đầu non.
Mây năm tháng chàng còn trông tỏ,
Trăng tư, rằm soi rõ dường kia?
Bên chàng bay lại bay đi,
Ngoài nghìn muôn dặm ta thì thấy nhau.
Đường thăm thẳm ngàn dâu xa cách,
Giận rằng chàng làm khách ải xa.
Chàng đi lau mới vàng hoa,
Bây giờ mai đã trắng ra mấy lần!
Trăm hoa chửa gặp xuân, xơ xác,
Giục lòng nhau ngơ ngác cả người.
Cành dương(2) thiếp đã vơi rồi,
Đầy thềm hoa rụng ai người quét đây?
Nhìn hoa cỏ thân này tươi tốt,
Bước lên nhà nhắp một cây đàn,
Vì chàng gảy khúc Giang Nam(3),
Tình thâm xin gửi đến làng Sóc Phương(4).
Sóc phương cách xa đường non nước,
Muôn dặm mong tin tức tuyệt vời.
Gối sầu giọt lệ chia đôi,
Xiêm nghê áo vũ ta thời rẽ tan.
Nghe hồng nhạn(5) độ giang tiếng hót
Người xa nhau đứt ruột nhau thôi!
Gảy đàn ruột đứt dây rồi,
Đàn chưa nên khúc oán thời đã nên.
Chàng nhớ thiếp ngoài miền non núi,
Thiếp thương chàng nhiều nỗi cay chua,
Dệt nên bức gấm dâng vua,
Tha chàng về kíp để cho thiếp mừng!
G.M.N.N.T.
_______
1. Khảo dị: Theo Hồ Đắc Duy bài thơ của Tô Huệ từ đời nhà Tần? (Song vùng đất Sóc Phương có trong thơ mới từ Hán Vũ đế (141-87 trCN)!)
2. Cành dương: Tích Bá cầu chiết liễu: cành liễu tặng tiễn nhau. Thơ Vương Duy: Tiễn Nguyên nhị đi sứ Tây An: “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, tây xuất Dương Quan vô cố nhân”– Mời người uống cạn thêm chén, về phía tây khỏi ải Dương Quan (Đôn Hoàng, Cam Túc) sẽ không còn bạn cũ. Bài thơ được phổ nhạc hát khi tiễn biệt. Nên Dương quan cũng chỉ sự tiễn biệt.
3. Một điệu hát tình tên Vọng Giang Nam. Bài điền từ: “Mạc phan ngã, phan ngã thái tâm thiên. Ngã thị Khúc giang lâm trì liễu, giá nhân chiết liễu ná nhân phan. Ân ái nhất thời gian”- Đừng níu áo em, níu thế làm em xiêu lòng. Em như cây liễu bên bờ sông Khúc, người này bẻ xong lại người khác níu. Ái ân cũng chỉ một thời.
4. Sóc Phương: vùng đất Hán Vũ đế thu được từ người Khunnu (Mông Cổ) phía nam sa mạc Gobi và đặt thành quận. Chỉ biên ải phía bắc thuộc Ninh Hạ, Thiểm Tây.
5. Kinh Thi, thiên Tiểu Nhã: “Hồng nhạn vu phi, ai minh ngao ngao”- Chim Hồng, Nhạn nháo nhác bay kêu ai oán bi thương.
T H I Ế T Dĩ
Thiết dĩ, nhân sinh tại thế, do như diệp mộng hoa hồng,
Minh lý đại hạn đáo lai, cáp tựa triều tương hiểu lộ.
Ngã Phật thân trường trượng lục, tịch duyệt song lâm,
Lão Quân đan luyện cửu hoàn, chung quy thệ thủy.
Ta bát bách niên chi Bành Tổ,
Thán tứ bát tuế chi Nhan Hồi.
Tuy nhiên lão thiểu bất đồng,
Nhiệm lại tử sinh bình đẳng.
Hoảng như:
Tam hoàng thọ mệnh khởi miễn luân hồi,
Ngũ đế thánh quân nan lưu bất tử.
Thần Nông diệu dược, bất y hạn tận chi nhân,
Biển Thước linh đan, mạc cứu số chung chi sĩ.
Tần Thủy hoàng di sơn tắc hải, mệnh táng sa kỳ,
Sở bá vương khí lực bạt sơn, Ô giang tự vẫn.
Tề Cảnh công thiên tứ phì mã, chung thành uổng hố lư diêm,
Hán Hàn Tín thập đại công lao, cự bảo trường sinh tại thế.
Mạnh Thường quân tam thiên kiếm khách, cá cá thân vong,
Khổng Phu Tử thất thập nhị hiền, nhân nhân hà tại.
Khan thay Chu, Tần, Hán, Ngụy lâu đài không tỏa ư hoang giai,
Khá thương Tấn, Tống, Tề, Lương quan quách tận trai ư khoáng dã.
Cổ thánh, tiền hiền:
Dã tằng đôi kim tích ngọc, dã tằng y tử yêu hoàng,
Dã tằng đoạt lợi tranh danh, dã tằng giốc giao đấu võ.
Ô hô: Nhân sinh cáp tự thủy đông lưu
Chí dũng anh hùng sung đấu ngưu
Tam thốn khí tồn thiên ban dụng
Nhất đán vô thường vạn sự hưu.
THIẾT DĨ
Bản dịch của Nhà thơ
Gia Môn Nguyễn Ngọc Tấn
Nay trộm nghĩ đời người được mấy, rườm rà như hoa đỏ lá tươi.
Thơm thung trưa tuyết, sớm sương, đại hạn đến mới tan tác ráng.
Đức Phật trước mình vàng trượng sáu, rừng song lâm tịch duyệt(1) ấy lên tiên.
Đức Lão quân(2) luyện thuốc sống lâu, sông thệ thuỷ(3) chung quy là mãn kiếp.
Cụ Bành Tổ(4) sống tám trăm năm chẵn, thác cũng nên than.
Thày Nhan Hồi(5) tuổi mới ba hai, chết còn đáng tiếc.
Dẫu khác nhau một sắp trẻ già,
Bởi ai cũng một lần sinh duyệt.
Đến ba đời Hoàng là thọ, kiếp luân hồi, ai tránh khỏi đâu,
Kể năm đời đế là vua, lúc hạn đáo kia thời cũng chết.
Vua Thần Nông(6) phép màu rót rượu, mà khôn cứu cho những kẻ mênh chung.
Ông Biển Thước(7) hay thuốc vô cùng, mà chẳng chữa được bao người số hết!
Tần Thuỷ Hoàng(8) phá rừng lấp bể, đem mình chôn bãi cát cũng thương thay,
Sở Bá Vương xách vạc cất non, tự vẫn xuống sông Ô(9) càng thảm thiết.
Tề Cảnh Công(10) nghìn xe ngựa béo, mà thành ra uổng mạng chốn mơ diêm.
Hán Hàn Tín mười trận công lao, cũng chẳng hưởng trường sinh nơi đế khuyết(11).
Mạnh Thường Quân(12) ba nghìn kiếm khách,…
Đức Khổng tử bảy mươi hai đại kiệt, người người thế nay đâu không biết.
Chua xót thay Chu, Tần, Hán, Nguỵ lâu đài…
Thảm hại thay Tấn, Tống ,Tề, Lương, quan quách, đem chôn nơi đất sét.
Xưa Thánh hiền ai cũng thế thôi,
Cuộc sinh tử kể làm sao xiết.
Cũng có kẻ thanh danh cuống lưỡi
Người giàu có, giành vàng trữ ngọc, buông tay xuôi nên chữ vô thường,
Cũng có người đấu vũ, chọi văn nhắm mắt lại nên câu vĩnh quyết.
Than ôi:
Người đời như thể nước sông xuôi
Chí khí sung lên đến tận trời
Còn thở còn dùng thân với thế
Tắt hơi muôn dặm thế là thôi!
. Gia Môn N.N.T.
______
1. Đức Phật viên tịch 480 trCN dưới gốc Bồ Đề rừng Koucinagara.
2. Lão Quân: Lão Tử. Tên Lý Nhĩ hiệu Lão Đam người huyện Khổ, nước Sở thời Xuân Thu viết Đạo Đức Kinh với triết lý “vô vi”. Trang Tử phát triển thành triết học với Nam Hoa Kinh. Trương Lăng đời Đông Hán tôn thành Đạo Giáo ở Tứ Xuyên. Rồi Đạo Giáo bị chia thành Phái thuyết thần tiên tu luyện, luyện đan trường sinh bất tử và phái thuyết pháp thuật trừ ma quỷ.
3.Thệ thuỷ: Luận ngữ, Không Tử (551-479trCN) tự Trọng Ni, người Trâu Ấp nước Lỗ (thuộc Sơn Đông) người sáng lập Nho phái cuối Xuân Thu. Một lần dạo bên bờ sông chốc chốc dừng lại nhìn nước chảy. Có người hỏi, thấy kỳ thú gì ở dòng nước? Khổng đáp “Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ…”- Nước chảy (thệ) không ngừng (không trở lại) suốt ngày đêm ra biển, đạo lý Thánh hiền cũng chảy vào con người ta như thế….
4. Banh Tổ: Thần Tiên truyện, hậu duệ vua Chuyên Húc họ Tiên tên Khanh, tự Bành Tổ. Được vua Nghiêu phong đất Bình Thành. làm quan Đại phu nhưng không ham công danh phú quý. Ông sống từ triều Đại Hạ qua Thượng Ân đến cuối đời Ân đã 787 tuổi vẫn rất khỏe.
5. Nhan Hồi: tức Nhan Uyên, một trong 4 trò giỏi của Khổng Tử (Nhan Uyên, Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư).
6. Thần Nông: thuộc thời Tam Hoàng (Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông 2500 trCN) họ Khương, gọi Viêm đế dạy cách làm ruộng.
7. Biển Thước họ Tần, tên Việt Nhân, huyện Trịnh, quận Bột Hải đời Chiến Quốc. Ông được dị khách Trương Tang Quân bày cho các cấm phương (bài thuốc quí) rồi biến mất. Chỉ 30 ngày sau làm theo sách, ông đã nhìn thấy bệnh người. Sau này Thái y nhà Tần là Lý Hồ ghen tài mà hãm hại.
8. Tần Doanh Chính con Lã Bất Vi và Chu Cơ thái hậu. Chính đã diệt Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề 221trCN, thành bá chủ. Tạo một chế độ hà khắc, độc ác. Y nghe Lý Tư cho đốt sách, chôn nhà nho. Y chết ở Sa Khâu khi hành quân tới Bình Đài, Hà Bắc. Xác để thối trong xe. Đến đời cháu là Tần Tử Anh đầu hàng Lưu Bang (206 trCN), nhưng bị Hạng Vũ giết.
9. Nói Tây Sở Bá vương Hạng Vũ làm giặc, có sức khỏe phi thường. Cùng giặc Lưu Bang quay hướng bắc trước Sở Hoài vương kết nghĩa anh em. Cùng trở giáo tranh nhau quyền bá. Song bị giặc Lưu Bang đánh bại ở Cai Hạ (202trCN). giặc Hạng thua chạy tới sông Ô, An Huy thì tự vẫn. Còn giặc Lưu được làm vua lập nhà Hán (206trCN-292sauCN).
10. Tề Cảnh công đi thuyền trên sông Hoàng Hà, bị cá sấu nuốt con ngựa tứ mã bên trái. Nhờ người đánh xe ngựa Cổ Dạ Tử bơi đuổi giết cá cứu vua.
11. Hàn Tín quê Hoài Âm, nước Sở, đầu quân cho Hạng Vũ. Vì Hạng thiếu nhân đức nên về giúp Lưu Bang. Công lớn lập nên nhà Hán, được Hán Cao tổ Lưu Bang phong Sở vương. Song bị Lã Trĩ vợ cả Lưu Bang vu mưu phản. Năm 201trCN, Hàn Tín bị bắt khi Lưu gọi về họp ở đất Trần. Bị trói sau xe Lưu Bang giải về Trường An xử tử, Hàn Tín nói:“Quả nhược nhân ngôn: Giảo thỏ tử, lương cẩu phanh. Cao điểu tận, lương cung tàng. Địch quốc phá, mưu thần vong. Thiên hạ dĩ định, ngã cố dương phanh!”- Quả như lời, thỏ khôn chết thì chó săn bị thịt. Chim bị bắn hết thì cung vất xó. Nước địch tan, mưu thần tàn.Nay bình được thiên hạ, ta bị giết,cũng là lẽ đương nhiên thôi!
12. Tên Điền Văn nước Tề thời Chiến Quốc. Từng làm Thừa tướng nước Tần nhưng bị dèm pha nên phải trốn về. Là người nổi tiếng nghĩa hiệp. Đãi khách thường xuyên có lúc ba ngàn người. Ngay cả khi sai Phùng Huyên đi đòi nợ ở đất Tiết, Phùng đã đốt tất cả các giấy tờ khế ước con nợ mà không đòi một cắc nào, ông nghe cũng chỉ ừ mà không nói gì.
TƯỜNG PHÙ
Kinh nhà Phật.
Xét trong cõi trăm năm bóng sáng
Bóng trần hoàn thấp thoáng đưa thoi.
Cái thân tứ đại ở đời
Há rằng giữ mãi lâu dài hay sao?
Ngày sáu khắc cần lao khoăng khoắc
Đêm năm canh nghiệp thức mơ màng
Tính lành chẳng biết rõ ràng
Lục căn(1) dông dữ gian tham của trời.
Nào những bậc trên đời danh vọng
Ý tham lam sao chẳng biết thôi
Thở ra mới biết hết hơi
Ngày nay chẳng giữ mai thời khổ duyên!
*
Nào những kẻ đoạt quyền, bạo độc
Chẳng qua như giấc mộng mà thôi
Những ai giàu có hơn người
Vô thường hai chữ mà soi rành rành.
Cũng có kẻ cậy mình cậy mẩy
Khinh người hiền để sẩy thành không.
Kẻ khoe khôn khéo vô cùng
Nhưng mà rút lại lòng không thực thà.
Nên đến nỗi kẻ già người trẻ,
Khói lửa tan thời dễ tan luôn!
Cuộc đời giấc mộng nước non
Anh hùng mấy cũng hao mòn còn đâu!
Râu xanh biếc bạc đầu đã chán
Xa mừng ra, khách vắng lại vào.
Rõ là máu loãng một bào,
Quanh năm khổ luyến biết bao ân tình.
Lúc bảy thước hài hình xương trắng
Ay còn tham sao chẳng biết thôi
Thở ra mới biết hết hơi
Ngày nay chẳng giữ mai thời khổ duyên!
Nước sông Ái giờ lên sôi nổi
Lửa nhà oan ngày lại nấu nung.
Lưới trời tránh khỏi được không?
Chỉ vì trước chẳng có công làm lành.
Vua Diêm La chiếu danh sai tróc
Tôi tướng công bỏ ngục không tha.
Ngoảnh trông thân thích vắng xa
Cúi đầu nghiệp báo thân đà phải mang.
Quân ngục tốt, quỷ vương chửi mắng
Núi gươm đao mưa nắng tồi tàn
Dầu sôi là ngục, nóng ran
Hoặc là dậu săt vây toàn xung quanh.
Vạc dầu ấy nghìn sinh muôn tử
Một nhát dao chém bể làm đôi
Đói ăn sắt nóng, thương ôi
Khat uống đồng đúc, vậy thời thảm thay!
Can chịu khổ tối ngày khủng khiếp
Lại 500 loài kiếp chưa thôi.
Bao giờ tội nghiệp đủ rồi
Lại còn vào bước luân hồi đi quanh.
Nhân thân cũ tan tành mất hết
Đổi thịt da làm kiếp móng cùng.
Đầu, răng, thân lại mọc trong
Miệng hầm sắt lửa, lạnh lùng yên da.
Lưỡi cũng để người ta ăn đấy
Mạng kia đem giả mấy nợ nần.
Một đời chém giêt khổ thân
Gặp cơn thăng hỏa trăm phần thương thay.
Oan khiên đã không ai nhủ rút
Tội bao nhiêu phải chuốc bấy nhiêu.
Bây giờ hối hận những điều,
Mới đi theo học trăm chiều được đâu.
Sao bằng trước mau mau hướng thiện
Phải thừa đương cho đến khi già,
Đành rằng thỏ lạc âu ca
Thở sinh không quá qua là chẳng nên.
Gia Môn NGUYỄN NGỌC TẤN dịch
______
1. Lục căn
SÁNG SOI HẬU THẾ
Văn khấn cụ Nguyễn Phúc Diễn*
Cung duy thần tổ:
Nết đất thông minh,
Tư trời tuấn tú.
Hùng tài thao lược, chí khuông quân giúp nước phù đời,
Vùng vẫy kinh luân, tài xuất chúng hay văn mạnh vũ.
Linh tích tới nay,
Anh hùng tự cổ.
Trải mấy Hoàng triều khen thưởng, vẻ vang mũ áo cân đai,
Lại nhiều dân xã phụng thờ(2) rực rỡ từ đường miếu vũ.
Phúc để cháu con,
Ơn nhờ tiên tổ.
Hiệp kỉnh
Cao tằng tổ khảo tỷ liệt vị:
Nhân nghĩa nền xưa
Phong lưu dấu cũ.
Mưu bày đặt khai cơ lập nghiệp, mở mang thiên bách điền trù,
Chí lo toan ích nước lợi dân, giữ vững giang sơn vũ trụ.
Nay có bờ xôi ruộng mật, cũng nhờ công đắp đập ngăn bờ,
Khi trông đồng rộng bãi dài, càng nhớ lúc bắc cầu đặt mố.
Huân lao kia to tựa núi sông,
Ân đức ấy khắp cùng cây cỏ.
Công cao đức trọng, đối tam quang rực rỡ vẻ long chương,
Con lắm cháu nhiều, truyền bách thế rườm rà phượng vũ(3).
Nhân ngày hoá nhật, trong buổi khai Xuân,
Đặt bày lễ bạc kính dâng, cúi lậy tổ tiên xét tỏ.
Nguyện xin thấu đến lòng thành,
Cầu ước ban cho phúc tộ.
Phụ truyền tử kế, vững bền giữ mực gia phong,
Bĩ cực thái lai, vui vẻ theo nền dân chủ.
Dưới trên ghi nhớ, chữ hiếu trung khắc để bên lòng,
Sau trước noi theo, gương đạo lý sáng soi hậu thế.
Họ hàng nối dõi bước vinh hoa,
Con cháu đều nhờ ơn phúc tổ.
Gia Môn NGUYỄN NGỌC TẤN dịch
__
*.Thái úy Hào Quận công, Nguyễn Phúc Diễn, con thứ tư Nguyễn Hoàng Ông là Thượng tướng Trấn Sơn Nam hạ (1592-1597) nay là Nam Định khi Nguyễn Hoàng ở Bắc Hà 1592-1600. Ông lấy vợ tại đây và thành tổ dòng hậu duệ Nguyễn Phúc sau này. Năm Đinh Tỵ (1597), ông đánh tàn quân giặc Mạc ở Kim Thành Hải Dương, bị thương, về Cẩm Hà trang ít ngày thì mất. Tương truyền, trên đường về, chờ cáng ở một quán nước bên đường. Bà hàng nước cứ lén nhìn vết thương trên cánh tay sưng vù của ông và tỏ ra thương xót. Thấy thế ông hỏi: “Thưa bà, vết thương này liệu có sao không?”. Bà hàng nước xuýt xoa: “Dạ thưa tướng quân, chỉ có thánh thần thì mới không sao ạ”. Ông cười nói: “Tôi chỉ là người trần nhưng chẳng sao đâu bà ạ!”. Vì vết thương quá nặng, ông mất, vua Lê Thế Tông ban táng “Đồng quan ngọc cốt”. Đến triều Nguyễn gia phong Thượng đẳng thần, gia tặng Thái Bảo Thắng Quốc công.
2. Nhiều làng thuộc các xã Hải Thanh, Hải Hà… thờ làm Thành hòang.
3. Long chương: rồng bay. Phượng vũ: phượng múa.