Tái bản lần thứ 1
Nxb Thanh Niên, năm 2015
Cốt truyện từ Trường Phổ thông Cấp 3 Hải Hậu , Nam Định mà Quang và Quỳnh là học trò, đại diện lớp thanh niên thời ấy. Tình yêu đặt trên nền cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Thân phận nhân vật gắn liền với không gian mà thời gian kéo dài suốt cuộc chiến tới tận hòa bình. Một tình yêu đích thực đôi lứa gắn liền với tình yêu Tổ Quốc.
Giới thiệu 2 trong 17 chương, tiểu thuyết KÝ ỨC MIỀN CHÂN SÓNG.
CHƯƠNG 14
CÁNH CHIM NON THA RÁC LÀM TỔ
Chiến cuộc miền nam không còn thế yên tĩnh cài răng lược như trong những ngày trao trả tù binh nữa. Đó là sự di động của những chiếc răng có sức mạnh lan tỏa mở rộng từng vùng. Có những vùng thành huyện thành tỉnh mà ưu thế thuộc về Giải phóng quân. Vùng giải phóng thông thương dọc phía tây miền Nam, từ mũi Cà Mau đến Quảng Trị. Và hai bên vĩ tuyến 17 đã thành một giải nối liền. Sự chi viện chiến trường như nước vỡ bờ chuẩn bị cho chiến dịch mới…
Về tổ chức, các Binh đoàn được thành lập từ các Sư đoàn và Trung đoàn độc lập mà không để đơn lẻ. Nó sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, chỉ huy thống nhất kịp thời toàn diện hơn.
Sức chi viện đã bổ sung được một loạt vũ khí, khí tài phong phú và đầy đủ. Tạo ra sức mạnh lòng tin vào chiến thuật, kỹ thuật. Nâng cao tinh thần quyết tâm chiến thắng.
Quân Y viện của Quang không còn trực thuộc Mặt trận B5. Nó đã thành Quân Y viện tuyến một của một binh đoàn. Quân Y viện tuyến một phải giữ được tính năng cơ động, gọn nhẹ. Từng ban hoặc viện phải luôn luôn sẵn sàng khi cần. Phải xé lẻ chi viện cho tuyến trước ngay tiền duyên mặt trận. Chính vì tính cơ động này một số chiến sĩ tuổi già, sức khỏe yếu và cả các chiến sĩ nữ đã tham gia thời gian dài trong chiến trường cũng được chuyển về tuyến sau điều trị an dưỡng. Quân Y viện của Quang cũng nằm trong chủ trương này. Công việc của người lính luôn sẵn sàng và có lệnh là đi ngay. Vì thế chuyến tải thương chuyển ra bắc đợt này có cả nữ Y tá Phương Thảo.
Phương Thảo rất bàng hoàng khi nhận tin cô phải theo chuyến tải thương ra Bắc. Chuyện ra Bắc hay ở lại chiến trường chưa bao giờ Thảo nghĩ tới. Bởi vì cô là người năng nổ, hoạt bát, được việc. Sức khỏe Thảo đâu có đến nỗi nào? Mà sao thời gian khắc nghiệt vậy? Vài ba tiếng đồng hồ cho một lần tạm biệt chia xa với cô quả là ngắn ngủi. Cô thật sự không biết làm cái gì trước, cái gì sau và đến mức lúng túng chẳng biết làm gì. Đành rằng đời lính chiến là vô sản trừ cái đầu mình! Thảo tự hỏi điều gì đáng làm nhất lúc này? Thảo không biết hỏi ai hơn là người đưa lệnh:
– Bác sĩ Quang ơi sao tôi ra Bắc đột ngột thế?
– Chuyện chiến trường mà! Có người lính nào biết trước được điều gì! Bảo đi là đi! Bảo đánh là đánh…
– Mà sao thời gian gấp gáp làm vậy?
– Thảo à, cảm thông đi. Chiến trường, mệnh lệnh nào cũng là mệnh lệnh. Chính việc Thảo được lệnh, tôi nhận thì thời gian không dừng lại ở chỗ tôi giây phút nào cả. Thảo nhận ngay đấy.
– Bác sĩ Quang à. Tôi hỏi thật Trưởng ban nhé. Tôi có khuyết điểm gì hay phẩm chất, năng lực có gì khiếm khuyết mà lại phải đưa ra lúc này?
– Thảo ơi, chỉ là theo một chủ trương chung thôi.
Bấy lâu nay Thảo rất quý bác sĩ Quang nhưng hình như chưa có lần nào ngồi nói chuyện lâu hơn lần Thảo bị chất độc màu cam dội thẳng lên đầu. Lúc ấy, Quang đến như là thủ trưởng trực tiếp quan tâm thăm hỏi chiến sĩ lúc ốm đau bệnh tật. Thà cứ như thế cho nó xong đi. Đằng này, anh ta lại thả ra lời sao mà tha thiết thế. Xa nhà, ta là anh em. Đùm bọc, thương yêu, đoàn kết. Vui cùng chia. Buồn cùng sẻ. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ…! Bây giờ đây có con ngựa không đau mà phải rời tàu! Liệu có con ngựa nào bỏ cỏ? Chỉ có con ngựa rời tàu buồn bỏ cỏ là đã thấy ngay. Những gì là kỷ niệm chiến trường bùng lên như lửa. Không có thể nói với Ngọc, cũng chẳng kể lể với ai. Song có một người thì phải hỏi cho đến đầu đến đũa! Thảo quay lại hầm Quang lần nữa. Không thấy Quang. Nhân lượt đi, Thảo về lán trực chào tất cả. Quang ở đó. Quang đứng dậy tiễn chân Thảo. Cô nói nhỏ:
– Em xin gặp anh ít phút được không?
– Được chứ? Vào đây đi!
– Không đâu. Chuyện nói ở đây không tiện.
– Ừ, thì mời Thảo về hầm.
Hai người ngồi nói chuyện trước cửa hầm, nơi được gọi là bàn tiếp khách của Quang:
– Anh Quang ạ. Thời gian không còn nhiều nữa, anh em mình phải xa nhau. Xa cách này không biết đến bao giờ gặp lại. Có khi chỉ là lần cuối…
Quang vội ngăn:
– Đừng, đừng, Thảo! Đừng nói thế! Độc đấy.
– Không đâu. Đừng che đậy nó. Hãy để cho hình hài sự thật giữ nguyên hình. Chiến tranh còn tiếp diễn. Biết cái gì ở phía trước có thể xảy ra…
– Nhưng quả đất tròn mà, Thảo.
Thảo thấy Quang không dùng từ đồng chí. Vậy là anh ta đã bóc đi một lớp màn mỏng che đậy bấy nay. Nhưng cái từ “Thảo ạ”, “Thào này” có từ lúc nào? Hình như sau khi anh ta đi dự Hội nghị Ngoại khoa toàn quân về thì phải. Với công việc thì lầm lũi, chăm chỉ. Tính tình bỗng trầm tư, đóng kín. Mà lời thì dịu ngọt! Thật là mâu thuẫn. Mọi sự gợi mở đều được trả lời một câu như là một công thức “có gì đâu”. Mình cũng đã từ bỏ những ý nghĩ đeo bám bởi nó chẳng là gì. Nhưng trỗi dậy lòng cảm thương có lúc rộ lên ý tứ như là thương hại. Nay thì…:
– Anh Quang này, sống với anh, Thảo có lỗi với anh nhiều. Thảo thấy anh buồn mà không chia sẻ được gì. Bởi nhiều khi anh đóng kín quá.
– Ôi thế à Thảo? Anh có gì đâu!
Anh ta toan đóng cánh cửa này lại mất rồi. Nhưng ta cứ khẽ mở cho nó toang dần:
– Đấy Quang. Xa nhà, ta là anh em. Đùm bọc, thương yêu, đoàn kết. Vui cùng chia. Buồn cùng sẻ. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ…! Bây giờ đây có con ngựa không đau mà phải rời tàu buồn bỏ cỏ thì sao con ngựa khác lại đóng kín lòng?
Quang giật thót. Thì ra cái cô y tá Thảo này ghê gớm thật. Một con người không chỉ sống bằng hành động. Nội tâm sâu đọng thế là cùng. Câu mình nói có sâu sắc gì đâu mà lại có con người thuộc làu từng chữ. Mình là thằng con trai hời hợt. Quả thế. Có cái biết sơ sơ mình lờ đến vô tình. Có cái biết, lại vô tình không lắng lại. Vậy còn ở Thảo là gì?
– Thảo ạ. Ban ta vẫn dùm bọc, thương yêu đoàn kết đấy thôi.
– Đừng dối lòng mình Quang ạ. Bây giờ là lúc không thể giấu nhau. Hãy buông tha những cánh màn che khi nó vẫn khổ tâm làm cái nhiệm vụ phũ phàng. Thì dù bên trong nó là màu hồng hay màu đen đi nữa cũng đều là màu thật cả. Em không muốn cái ảo. Mang tấm áo đen mà cứ tưởng màu hồng. Em nói thẳng nhé: Lòng tốt của Quang đối với em, phía đằng sau còn có gì không?
– Thảo ạ. Nếu nói rằng không thì anh xấu hổ với chính mình. Quả là những lúc rung động nhất của con tim anh trước Thảo là thật. Bức màn mỏng mảnh kia đã dệt bằng những sợi dọc lòng tin của một người con gái anh yêu cộng với những sợi ngang chiến trường khói lửa. Cũng đúng thôi, tấm màn ấy là lý trí một thời…
– Còn bây giờ, sau phũ phàng nào đã dẫn anh đến một miền không còn hoa thơm cỏ lạ? Anh giam hãm chính mình trong cái cũi tù ngục phũ phàng ấy?
– Có gì đâu em!
– Đừng đóng sập cửa lòng mình. Anh nói đi. Chúng ta thật lòng với nhau đi. Vài tiếng đồng hồ nữa, chúng ta đã phải chia tay nhau rồi. Còn gì nữa đâu mà phải dối nhau! Độc ác mà làm gì? Một kỷ niệm đầu đời em không muốn để nó chết trong tù ngục. Chia sẻ là chắp cánh cho nó sức sống mà bay để tìm nơi hạnh phúc…
Thảo đã chạm vào lòng tự ái của Quang. Lời như là con dao mổ bụng. Nó rạch hết lớp này đến lớp khác da thịt của Quang. Những đường rạch lúc đầu chỉ thấy ghê người. Nhưng rồi nó rung chuyển cả hồn Quang trở về những gì Quang đã gặp trong hạnh phúc với người anh yêu dấu nhất trên đời. Hình như là Thảo đã khơi đúng và dòng chảy đã thoát ra, tuy nó ngập ngừng:
– Có gì đâu Thảo. Chuyện cũng đã qua rồi. Anh đã yêu người con gái. Cô ấy là bạn học của anh. Bọn anh yêu rất thật lòng, Thảo ạ. Thề thốt. Bịn rịn… Như chiến tranh đã từng xé nát các cặp tình yêu. Dĩ nhiên thôi cái xuân người con gái chỉ có một thời. Bây giờ cô ấy đã có một con. Vợ chồng cô ấy hạnh phúc lắm. Cũng là điều đáng mừng cho cô ấy.
– Anh vui hay anh mừng?
Quang che chắn lòng mình bằng lời lẽ ngụy biện:
– Mình xót xa nhận về đau khổ. Nhưng người mà mình yêu thương bị dập vùi, đau khổ chẳng lẽ mình lại vui sao?
Không cần nghĩ ngợi vòng vo. Thảo đưa lời thẳng thắn:
– Em, thì thế này Quang ạ. Nếu là em, người mà em yêu bằng cả lòng mình sẽ nguyện đợi đến già, dù có phải ở giá một đời.
– Nếu có tin được, thì trên đời cũng chỉ đếm đủ đốt bàn tay.
– Vậy mà anh, Quang ạ, Em đã tự dày vò em bao đêm dài mất ngủ. Em thương anh lắm! Thương hơn cả thương nỗi lòng mình. Em quý anh lắm. Quý hơn mọi thứ trên đời. Và em đã yêu! Yêu hơn cả con tim khối óc của mình, dù một tình yêu đơn phương, quạnh quẽ.
– Không phải thế đâu Thảo. Những lúc nghĩ về em, anh phải ghìm lòng vì anh mắc cỡ với người con gái anh yêu. Những hình ảnh và tất cả những gì về người con gái ấy cứ hiện lên mồn một, kéo anh về vòng tay đang dang rộng đợi chờ. Bây giờ, anh không còn người con gái ấy nữa. Nhưng mỗi một kỷ niệm đã là những dấu đóng chặt trong lòng. Thật khó ngày một ngày hai phai nhạt. Đôi khi nghĩ về em, anh vẫn như người mắc cỡ với chính mình. Như một kẻ đang bám tay vào phản bội!
Y tá Ngọc đeo trên vai cái ba-lô của Phương Thảo đi hướng về phía hầm Quang. Tiếng của Ngọc ý ới:
– Chị Thảo ơi. Người ta đang điểm danh chị kia kìa. Ôi em biết ngay mà! Mọi sự thay đổi là một sự buồn. Nhưng quả đất tròn, chị ơi. Đôi chim dù kiếm mồi xa, có bao giờ quên tổ…Cái tổ ấm cùng nhau mới chỉ là tha rác thì dù có gặp bão tố phong ba, cái tổ ấy cũng sẽ thành tổ ấm thôi mà. Chị chuẩn bị xong cả ở đây rồi chứ? Em mang đỡ sang đây này.
Thảo như đang ở thế giới nào vừa bay tới tinh cầu này:
– Chuẩn bị cái gì cơ?
Quang vui đùa, nhại lời của Ngọc:
– Chuẩn bị tổ ấm…
Ngọc như được hưởng ứng:
– Chị Thảo nghe kìa. Bác sĩ Quang nói chị về dọn cái tổ đi để anh về cho nó ấm.
– Ôi cám ơn Ngọc quá. Ngọc đem ba-lô của Thảo đến đây rồi à?
Ngọc cố nhai lại:
– Chị nghe rõ lời anh dặn dò rồi chứ. Cứ an tâm mà về dọn tổ, chờ anh về cho ấm!
Thảo lấy khăn tay thấm nước mắt. Cô phủi nhẹ vào vai Ngọc, trách yêu:
– Ngọc chỉ có vớ vẩn. Thôi, anh Quang? Em đi nhé!
Quang nói:
– Ừ, ta cùng đi ra chỗ tập trung.
Xe chuyển bánh rồi, Quang mới thấy lòng mình xao xác, chống chếnh thiếu đi cái gì đang có. Hơn là một sự chia tay, Quang man mác buồn. Một nỗi buồn không xác định. Quang chui vào hầm và nằm khườn trên sạp tre đâu khác nằm gai. Những chiếc lá khô làm chiếu rào rạo sực lên mùi đắng đót của rừng mỗi lúc trở mình gợi mở, thoáng nhắc về buồn, vui, đau, khổ. Hình ảnh Quỳnh trở về sao mà da diết thế, Quỳnh ơi! Em còn nhớ chúng ta, những ngày cùng mâm cơm đạm bạc, góp gạo thổi chung sau buổi học ôn mệt nhọc? Ngày chân trần cùng em trên đường lầy quanh huyện. Với cái bụng trong veo lép kẹp vẫn lê bước dạo tìm một dấu ấn ngọn nguồn trầm tích quê mình? Em có biết chăng anh đã đứng hàng giờ đợi em trước cổng trường em dậy, chỉ để được nhìn em, ngắm em sau giờ đứng trên bục giảng. Lúc ấy, anh thèm được nghe tiếng em, như thèm vị hương cam Hải Cát, Hải Đường! Những giờ phút thương yêu ở miền chân sóng có còn chút đượm lại trong em? Nhưng nay còn đâu? Đêm nay em ở đâu? Đang vui trong vòng tay cái thằng được gọi là chồng mà em yêu dấu?
Quang thở dài bần thần, chuyển sang miền anh vừa chợt đến, vào buổi sớm tinh sương thấm ướt. Một miền mà Thảo vừa thả anh ở đó, ra đi. À Thảo đã đến tới đâu rồi? Bánh xe đang gập ghềnh trên dốc đồi để về nơi em xuất phát….Ôi sao thật trớ trêu, cuộc đời này có thêm một người như Thảo. Thảo yêu mình như đến thế ư? Những sự giúp đỡ của Thảo với mình cứ tưởng như đã giúp bao nhiêu đồng đội tương tự trong lúc mình bận bịu không có thời gian. Đâu ngờ còn mang niềm riêng tư trong đó? Suốt cả những ngày chiến trường cùng Thảo, cô ta là trợ thủ đắc lực, giữ cho nhịp điệu cuộc mổ thực hiện trọn vẹn, tránh được bao sai sót có thể xảy ra. Thời chiến, công việc và công việc. Thời giờ dành cho riêng tư ít ỏi quá đi. Toàn viện chấp nhận nhịp điệu khẩn trương đó. Chấp nhận gian khổ thường xuyên đó. Tất cả hăm hở cuộc chiến chống Mỹ. Quên đi những gì gọi là của riêng mình được dùng bằng câu Tất cả hy sinh cho Tổ Quốc. Quang trong dòng chảy đó. Nhiều lúc anh quên chính mình. Quên cho công việc đã đành, nhưng quên đi cả những người, đáng ra Quang phải quan tâm. Nhiều lúc Quang chỉ biết huy động cho công việc mà anh quên đi điều đáng lẽ anh phải tạo cho sức lực để thực hiện công việc đang cần. Ừ thì bảo Quỳnh xa, anh không với tới. Nhưng chính người bên cạnh, anh đâu đã biết tâm tư tình cảm của họ là gì. Thảo đã là người bị anh quên trong cái quên chung ấy. Bây giờ thì, Thảo đã xa rồi…
Bánh xe chuyển thương trong đó có Phương Thảo từ từ dừng bên bờ thượng nguồn sông Bến Hải. Mọi người xuống xe hết. Chỉ có mình Thảo ngồi trên xe đuổi theo nghĩ suy của cô. Từ khi Thảo lên xe, đầu óc Thảo đặt hết cả vào Quang. À thì ra lớp vỏ bọc mỏng mảnh đã vén lên, sau lớp màn the ấy cũng sôi động lắm. Tình yêu của Quang với cô giáo Quỳnh nào ấy thật là sâu nặng. Cái sắc của Quỳnh được mệnh danh là hoa khôi ấy đủ thành sóng làm Quang đến mức khuynh thành, đau khổ. Đau đến mức tính tình anh ta thay đổi hẳn. Khi để vuột khỏi tay thì cũng là điều dễ hiểu thôi mà. Song Quang cũng đã vượt lên trên đau khổ bằng cách lao vào công việc. Anh quên đi chính mình thì đây có phải là chàng trai dũng cảm? Hay nó đã để lộ hoàn toàn bản năng yếu đuối của thằng con trai không tự mình đứng nổi, phải tìm điểm tựa mới được yên thân? Trên đời này có cái gì không tựa vào nhau để sống? Mỗi một sinh vật kia cũng phải cộng hưởng trong một môi trường sinh thái nhất định mà. Sự mất cân bằng sinh thái là khởi đầu cho một rối loạn và khởi sự chiến tranh là thế.
Những ngày sống bên Quang, làm trợ thủ cho Quang, mình rút ra một kết luận. Nếu mình đưa dụng cụ sai trình tự mổ thì quy trình thao tác ấy cũng sẽ lúng túng dễ chừng đến sai sót. Cho nên Quang luôn luôn chọn mình là vậy chăng? Mình thuộc từng thao tác của Quang mà thật sự không hiểu lòng anh ấy. Rõ ràng Quang đang cần mình và đang hướng về mình. Kíp mổ thiếu một sự vận hành đồng bộ như bước chân tập tễnh khó lòng đến đích an toàn. Thảo đi rồi, thì tay dao của anh sẽ ra sao? Đồng đội của anh đấy, đồng đội của chúng ta đấy sẽ bị đau đớn, thiệt thòi! Không! Không! Quang phải có được đường dao thẳng thớm, dứt khoát. Bàn tay anh phải nhẹ nhàng như bàn tay Bụt và mát lành như bàn tay Thánh Kitô trước mỗi sinh linh. Ta cũng phải vì mỗi sinh linh mà phải đến với kíp mổ. Mình phải đến cho bàn tay Quang vững vàng. Cho nỗi đau thương binh, những đồng đội dũng cảm của mình không phải chịu thêm đau đớn, không phải mất mát thêm máu, thêm da…
Người chiến sĩ lái xe ô tô ngoái đầu ra ngoài cabin. Anh ta xuống xe vươn vai tìm sự thoải mái và ngước nhìn lên thùng xe:
– Đồng chí gì ơi xuống xe đi. Xuống đi cho xe chuẩn bị vượt sông.
– …
Thấy Thảo vẫn ngồi yên và cũng chẳng trả lời, đồng chí lái xe nhắc nhở:
– Này đồng chí gì không xuống thì ngồi yên mà bám cho chắc nhé. Qua suối, xe chòng chành lắm đấy.
Tiếng nói lần thứ hai, Thảo mới cảm nhận được đồng chí lái xe nhắc nhở mình nên Thảo cầm ba-lô đeo lên một vai và từ từ bước khỏi ô tô.
Con sông Bến Hải vùng thượng nguồn rất hẹp. Lòng suối chỉ một nền sỏi không rõ độ dày. Nước trong vắt có thể soi gương và dòng chảy mạnh đều như suối. Thảo cứ để quần thế lội xuống. Một cảm giác lạnh rờn rợn ập đến từ chân, lan tỏa khắp người và lan lên tận ót. Thảo không tiếp tục bước nữa dù suối chỉ sâu không thể ngập quá đầu gối. Chỉ mươi sải tay thôi là chạm vào phía bắc bờ sông, chạm vào mảnh đất Xã hội chủ nghĩa. Thảo đứng đấy như trời trồng. Xe cũng đã qua sông. Xa xa phía bắc bờ sông nối tiếp là con đường nhỏ rải đá, ô tô vẫn đi lại được. Đoàn quân đã đi xa bờ, chỉ còn lại vài người lẻ tẻ như có ý định chờ xe.
Thảo quyết định quay trở lại đơn vị, trở lại chiến trường. Thế là Thảo cứ lững thững quay ngược trở lại theo con đường mòn mà những vết xe vừa mới lăn qua.
Đoàn chiến sĩ quân Giải phóng ra Bắc trên chuyến này đã lên xe hết cả. Đồng chí lái xe nhắc nhở, như sau mỗi lần nghỉ:
– Các đồng chí kiểm xem có thiếu ai không?
Nói xong, đồng chí lái xe ập cửa cabin lại và xe tiếp tục chuyển bánh. Như vậy, danh nghĩa, xe đang lăn bánh trên mảnh đất Xã hội chủ nghĩa. Trong tâm tưởng mỗi người đều thấy an tâm hơn vì đi trên đất của mình. Tấm lòng họ cũng cởi mở hơn thì phải. Bùng lên tiếng reo hò. Và bùng lên tiếng hát trên thùng xe trần trụi. Bỗng có tiếng đập vào cabin xe, miệng toáng lên:
– Thiếu, thiếu người.
– Thiếu người rồi, đồng chí lái xe ơi!
Xe dừng lại. Đồng chí lái xe xuống khỏi cabin, cằn nhằn:
– Nhắc nhở rồi. Thiếu là sao?
Sau một lúc xôn xao kiểm người, đồng chí đoàn trưởng được giao trong chuyến đi, sờ tay vào túi đeo ngang trước bụng bằng vải bạt xanh lá cây, như chiếc túi đựng đồ của thương lái. Anh lấy ra tờ giấy, miệng nói:
– Có ai biết thiếu ai?
Một đồng chí ngồi bên lên tiếng:
– Có. Đồng chí nữ ngồi lỗ ni. Chừ nỏ trộ mô.
– Sao giờ mới nói?
– Nãy chừ mải vui. Quên!
– Tên đồng chí ấy là gì? Có biết ở đơn vị nào chuyển không?
– Nỏ biết.
– Vậy thì bây giờ các đồng chí chú ý yên lặng. Tôi điểm danh.
Điểm danh xong, đồng chí đoàn trưởng nói:
– Vậy ra… tên đồng chí ấy là Thảo. Phương Thảo. Người của Quân Y viện 19…Các đồng chí nhớ nhé!
– Rõ!
– Rõ!
Lái xe bổ sung thêm:
– Tôi thấy một đồng chí nữ ngồi mãi trên thùng trước khi vượt sông. Nhưng khi vượt thì không thấy đồng chí ấy đâu. Có thể vẫn còn ở vùng sông…
Đồng chí trưởng đoàn đề nghị
– Chúng ta quay xe lại khu vực sông Bến Hải để tìm. Có khả năng đồng chí ấy mắc vệ sinh chưa kịp lên. Cũng có thể lên cơn sốt mà ghé lại. Nhưng dù sao không thể để mất người mà không có lý do xác đáng.
Xe dừng ở bờ bắc sông Bến Hải. Các chiến sĩ trên xe, ai nấy đều lo lắng cho số phận của Thảo. Họ lang thang men theo cả các lối mòn vào rừng. Một toán có đồng chí trưởng đoàn cùng đi ngược mãi, ngược mãi theo trục đường họ đã đi. Cho tới gần trạm nghỉ dọc đường giao liên, mới thấy được bóng một nữ quân nhân ung dung đi hướng vào Nam. Tiếp cận, trưởng đoàn hồ hởi xác định:
– Đồng chí Thảo phải không? Không kịp xe à. Cho chúng tôi xin lỗi đồng chí nhá. Bây giờ may mắn quá rồi, vui quá rồi. Ta ngược ra về xe đi, đồng chí Thảo. Anh em đang chờ ở ngay bờ sông kia.
Dáng vẻ Phương Thảo không mệt mỏi lắm dù cô đi bộ dưới nắng khá lâu. Mặt đỏ cờ đỏ cẫng. Lời vẫn rắn rỏi:
– Tôi không có ra Bắc đâu. Tôi trở về đơn vị của tôi thôi.
– Ồ kìa, đồng chí Thảo. Đồng chí được đơn vị cử ra Bắc mà. Chúng tôi có bắt đồng chí ra đâu. Song bây giờ, người lính trong quân ngũ, phải chịu lệnh chỉ huy. Đó là mệnh lệnh chiến trường.
Thảo cố năn nỉ:
– Nhưng tôi xin ở lại chiến trường tiếp tục công tác. Tôi không là kẻ đào ngũ. Tôi không phải là kẻ phản bội Tổ Quốc, làm kẻ chiêu hồi…
– Nhưng thế này đồng chí ạ. Hiện đồng chí đang thuộc đường dây liên lạc chứ không còn là người của quân y viện. Lý lịch của đồng chí, chúng tôi giữ cả đây mà.
– Báo cáo đồng chí. Tôi đi vào Nam chiến đấu, cũng có cần chọn lý lịch gì đâu. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Tôi đi là như thế. Chiến tranh còn, tôi đi. Bây giờ, giữa đường, tôi mệt. Tôi xin ở lại tại trạm này rồi có xe vào, tôi tìm về đơn vị cũ của tôi.
– Họ không nhận lại đồng chí đâu.
– Quân Y viện tôi không nhận, tôi sẵn sàng đi sang đơn vị khác. Miễn là được chiến đấu, công tác ở nơi còn giặc!
Thuyết phục mãi, đồng chí trưởng đoàn đưa ra sáng kiến:
– Bây giờ thế này đồng chí Thảo ạ. Đồng chí an tâm đi. Ra binh trạm tới, tôi sẽ giao đồng chí lại để đồng chí trở lại chiến trường. Vì ở đây chỉ gọi là trạm tạm dừng chân, không có bếp nuôi quân, không có quân y chăm sóc sức khỏe, không cả chỗ ngủ. Trốn về Bắc mới khó, chứ xin trở lại chiến trường là điều đáng trân trọng. Quân đội giơ cả hai tay hoan ngênh, đồng chí..
– Nhưng tôi là chiến sĩ Giải phóng quân! Giường của tôi, mái nhà của tôi đều trong chiếc ba-lô trên vai này.
Nhìn Thảo, mồ hôi chảy ướt. Tóc bết lại trên trán. Mặt đã đỏ rảu, lộ rõ mệt nhọc. Trưởng đoàn thấy vậy nói:
– Đứng dưới nắng chang chang thế này đồng chí đã mệt rồi đấy. Tôi sẽ gọi quân y đến đưa thuốc tăng cường sức khỏe để đồng chí tiếp tục hành trình tốt hơn. Nếu ở đây lỡ gặp bất trắc gì thì lấy xe cứu thương ở đâu ra. Còn nếu đi được tới trạm thì sẽ có quân y đoàn. Đồng chí đồng ý chứ?
Lời Thảo thành khẩn, chân tình:
– Tôi không đến nỗi không đi được. Nhưng tôi có một lời đề nghị cuối cùng: Hãy để tôi lại. Tôi ở lại chiến trường miền Nam này, dù gian khổ, hy sinh. Nhưng đó là chỗ của tôi.
Đồng chí quân y hộ tống, đoàn tới hỏi Thảo:
– Đồng chí có sốt không?
– Không!
– Có đau bụng, đau đầu, ho hay có gì khác lạ trong người?
– Tôi nói là tôi chẳng sao cả.
Trưởng đoàn giải thích:
– Đồng chí thấy đấy. Ở đây mọi mệnh lệnh quân sự không có quyền quyết định cho đồng chí ở lại chiến trường. Quyền quyết định đó ít ra cũng phải là Binh Trạm. Vậy thì mời đồng chí lên xe ta tiếp tục hành quân về binh trạm mới ở Vĩnh Linh ngay kia thôi. Đồng chí lên cabin kia… Đừng làm khó cho chúng tôi, đồng chí ạ!
Ngần ngừ một lúc Thảo dõng dạc nghe lệnh:
– Rõ!
Sau năm 1973, Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam bằng ngụy quyền Sài Gòn cộng với vũ khí Mỹ tối tân và hiện đại. Song dù tối tân ghiện đại cũng không thể khuất phục được lòng người dân Việt Nam yêu Tổ Quốc. Sự hỗ trợ bằng máy bay phản lực hiện đại Mỹ và hạm pháo từ biển Thái Bình Dương chỉ chứng tỏ Mỹ không có khả năng giành ưu thế chiến trường. Trên thực tế, lực lượng quân ngụy mất dần từng phần đất lớn núi rừng. Bị co cụm lại ở từng chốt nhỏ nhoi chúng còn cố giữ.
Đột phá, giải phóng toàn tỉnh Phước Long ngày 6 tháng Giêng năm 1975. Và khi Buôn Mê Thuột thất thủ thì ngụy quyền lâm vào thế bị động hoàn toàn. Kế hoạch tùy nghi di tản là tối sách của ngụy quyền Sài Gòn lệnh cho quan lính thất trận vốn rệu rã càng hoảng sợ loang nhanh. Một làn sóng hoang mang thất trận như màn đen bao phủ lên binh lính Sài Gòn hoảng loạn, tùy nghi bỏ trốn. Thế giặc lung lay đến tận gốc. Tháng Ba với quân ngụy là tháng thảm bại với sự liên tiếp thất thủ thành Huế ngày hăm sáu và Đà Nẵng ngày hăm chín vừa rồi. Quân ngụy đành quyết tử thủ Sài Gòn. Một mặt điều binh tạo ra hàng rào thép từ xa. Cố lấy lại tư tưởng quyết chiến bằng cách tung ra dư luận về một cuộc tắm máu sẽ xảy ra tại thành đô, một khi cộng sản tràn vào.
Khí thế chiến thắng của ta, tạo ra một sức mạnh vô song. Từ ngày 28-1-1973 Quân Giải phóng có nửa đất nước phía tây. Nay lại bóc dần từng dải đất ngụy chiếm, tạo ra vùng giải phóng liền từ sông Bến Hải trở vào. Những cuộc quân hành thần tốc của các binh đoàn về phía nam ngày càng khẩn trương gấp gáp.
Quang cùng Quân Y viện của anh trong khí thế hành quân ấy. Những ngày vừa đi vừa đánh, từng vùng đất giải phóng được mở rộng dễ dàng. Nhưng ngay ở mặt trận Xuân Lộc, cửa ngõ Quốc lộ Một vào Sài Gòn như là hỏa lực cuộc chiến dồn vào đây. Theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy tiền phương, Quân Y viện của Quang phải cử kíp phẫu thuật bám sát ngay tiền duyên phục vụ cho chiến đấu. mà Quang là kíp trưởng. Mấy ngày qua, anh cùng kíp phẫu đã giải quyết nhanh chóng cấp cứu đầu tiên ngăn chặn cái chết của đồng đội có thể xảy ra để chuyển về tuyến sau.
Sự cố thủ của địch tạo ra huyết chiến ở đây không ngăn cản được sức vũ bão quân giải phóng. Chúng đã hùa dân ra tạo dựng hàng rào thịt để cản đường. Những người dân lành hôm trước bị thương cũng đã được cấp cứu tại trạm cấp cứu của Quang. Tuy vậy, bước tiến của Quân Giải phóng có bị chậm lại chứ không thể bị dừng. Hàng rào tử thủ bị phá toang. Chúng đã phải rút chạy. Kíp phẫu thuật của Quang cũng đã được lệnh xuất phát cùng binh đoàn chọc thẳng Sài thành.
Song để ngăn chặn bước tiến Quân giải phóng, ngụy quyền Sài Gòn đã cố tình tạo làn mưa bão pháo xuống vùng Xuân Lộc. Bỗng phía trước mắt Quang, qua khe cửa hầm chữ A, một em bé lơ ngơ đang bước chuệnh choạng trong khói lửa, khóc gào tìm mẹ. Xung quanh là vùng mênh mang chỉ có bão đạn, mưa bom. Tìm đâu ra mẹ của em? Hay chính làn pháo kia đã ghìm bước chân mẹ em lại vĩnh viễn chẳng bao giờ có thể đứng dậy trở về? Quang rất lo cho tính mạng của bé. Anh đã nhanh chóng nhoài người ra khỏi hầm và trườn lên mặt đường hào cứu bé. Ôm được trọn bé xuống hào, Quang xoay người để nhào tiếp xuống thì sức trái pháo nổ phía gần nơi bé khóc đã hất tung anh. Vết thương vào phần nửa người dưới của anh làm máu chảy bê bết áo, quần. Thế là nhiệm vụ của Quang phải dừng lại ở đây. Anh phải cấp cứu rồi chuyển vào một viện Quân Y để được điều trị tiếp. Vết thương mất nhiều máu làm Quang choáng váng sốt li bì. Khi mở mắt ra thì trước mặt anh cả một rừng cờ tung bay phấp phới. Sài Gòn giải phóng rồi!
Giữa niềm vui đất nước tràn ngập cờ hoa, tiếng hát tiếng cười, Quang lại nằm bẹp dí tại chỗ với những vết đau cơ thể. Hình như những lúc như thế này làm cho con người ta dễ mủi lòng thì phải. Quang nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ thày mẹ. Nhưng nỗi nhớ sâu thẳm luôn ập đến là Quỳnh. Quỳnh trong lòng Quang đã từng đâm chồi bám rễ tươi xanh. Quang đã từng tưới tắm và mong chờ cho ngày ra hoa kết trái. Nhưng bây giờ Quỳnh đang trong vòng tay hạnh phúc của người khác, thì Quang càng thấy mủi lòng hơn. Quang đã cố xua đi những hình ảnh Quỳnh khắc sâu trong con tim mình. Song thế, như lại càng khắc sâu hơn, tô cho cái sắc màu đen dù ở nhiều giác độ, vẫn đậm hơn mọi sắc màu sáng sủa. Nhiều lúc, Quang thay vào chỗ đó hình ảnh Thảo. Mà đáng tiếc, khuôn hình ấy không vừa. Quang cố ngắm nhìn, song càng nhìn càng thấy nó vênh váo. Một sắc màu bàng bạc không thể nào xóa mờ bóng hình Quỳnh lẩn vào trong máu, trong tim.
Xung quanh Quang, đồng đội đã có người được về nhà sau chiến tranh cách trở. Họ về với một cơ thể sống. Mặc dù ai đó, có người đã gửi lại chiến trường một phần xương thịt của mình. Song ở họ có nhiều hy vọng làm tiếp nhiệm vụ xây dựng gia đình, xây tổ ấm của những đôi chồng vợ và những chú chim non.
Nhưng vết thương ở Quang mới tai ác làm sao. Nó chạm vào và làm nát bộ phận không hề có một ai là không muốn tránh.
Quang trở về đơn vị của mình. Anh thấy gương mặt nào cũng thoải mái rạng rỡ sức sống tươi xanh sau một đợt về nhà. Nhưng với Quang thì câu trả lời còn nhẹ hơn cả lông hồng:
– Các đồng chí cứ về thăm gia đình. Tôi sẽ sẵn sàng thay thế giữ gôn cho.
. CHƯƠNG 16
ĐỨA CON NGOÀI GIÁ THÚ
. Quang chuyển về dân sự công tác tại miền Nam đã được ngót năm nay. Một năm với anh quả là ngắn ngủi. Dĩ nhiên thời gian dài ngắn tính bằng sự cảm nhận riêng tư của mỗi con người. Mà Quang, bây giờ nó còn ngắn hơn nhiều. Thoáng một cái hết buổi có khi hết cả một ngày. Có lúc, anh vừa cầm bút hí hoày với những trang sách anh đang ôn tập, khi ngẩng lên đã quá nửa đêm. Đấy là thời gian anh dành cho kỳ thi vào cao học. Vào học rồi, Quang vẫn lầm lũi như cậu học trò trường huyện ngày xưa hay tựa như anh công chức sáng cắp ô đi tối cắp về. Đầu tập trung hết cả vào việc học hành. Vài bóng hồng bè bạn và lớp đàn em đang theo học ở mấy trường đại học trong thành phố với Quang, có chăng chỉ là những giây phút so sánh thoáng qua. Có anh bạn cùng học rất thích tính Quang nên đã trở thành thân. Anh dò dẫm thế nào mà biết được Quang chưa có vợ. Thế là anh ta giới thiệu cho Quang cô em họ rất xinh đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm. Anh ấy nói thế nào mà dẫn được đứa em đến chỗ Quang ở:
– Đây là Minh em con chú mình đó.
– Chào anh Quang ạ.
Người anh đon đả:
– Minh học năm hai Đại học Sư phạm gần đây nè.
– Chào Minh. Em đến chơi à? Có chuyện gì không em?
– Anh hai bảo đi theo ảnh sắm đồ. Ảnh nói vô thăm anh Quang chút chút.
Quang nói như nói với đứa em gái quá bé bỏng:
– Thế thì em ngồi chơi đi.
– Dạ.
Minh ngồi mãi trước ly nước lọc với cục đá lạnh nổi lềnh bềnh trong đó. Minh ngắm nhìn cục đá cứ tan dần, tan dần và lớp mồ hôi của nước lấm tấm thành giọt bám chi chít ngoài thành ly. Không có lời nào cho Minh nữa. Quang dành cả lời cho người bạn. Cho đến khi người anh thấy em gái mình chắc nóng lòng, thổn thức mới bảo:
– Em ra tiệm trước đi. Chút, anh với Quang sang bển.
– Dạ.
Minh đi rồi, người bạn hỏi:
– Được hôn?
– …
– Nó lành lắm đó. Cũng đảm đang lắm đó.
Chuyện rồi Quang cũng bỏ đó. Không thấy Quang động tĩnh gì nên cũng qua đi.
Chủ nhật. Cũng đã lâu, nay Quang mới về Quân Y viện cũ. Thấy Quang, mọi người ào đến. Đồng chí Viện phó, đồng khoa với Quang, đưa cho anh bức thư phong kín:
– Thư của Thảo đây. Hình như nó buồn lắm. Chuyện gì phải không?
– Thảo về thăm đơn vị à? Lâu chưa?
Thấy Quang tỏ vẻ ngạc nhiên, Viện phó cũng ngạc nhiên luôn:
– Này, đừng có giấu nhau đấy nhé.
Thảo về thăm lúc Quân Y viện 19 cũ của cô đang triển khai điều trị số thương bệnh binh sau chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mà cũng phải sau hơn một năm giải phóng, khó khăn lắm cô mới xin được giấy phép và lựa được thời gian nghỉ hè vì cô đang theo học Đại học Y. Xin được giấy phép khó rồi, nhưng trên đường, từ xứ Xã hội chủ nghĩa vào Nam mà ô tô vẫn phải dừng lại từng trạm chắn đường. Biết bao nhiêu trạm của trung ương, của tỉnh, của huyện và cả của xã tùy tiện thích làm trạm kiểm tra tỏ rõ uy quyền. Hoặc giả có khi chơi để cho vui. Tuy nhiên đã có người phải quay về mà không qua lọt. Các thủ tục đã chiếm nửa thời gian của Thảo. Dự kiến của Thảo vào sẽ thăm lại đơn vị cho thỏa bao ngày mong nhớ. Mình sẽ nói hết với Quang về tâm tư của mình. Mình đã là sinh viên năm thứ ba. Nghĩa là mình xin ý kiến anh sẽ học chuyên khoa nào hợp lý… Cố gắng thuyết phục anh, nếu được, sẽ đòi hỏi anh, một kế hoạch nhỏ nhoi dễ dàng chấp nhận. Có điều kiện thì đi xuống biển thăm con sóng thầm thĩ Vũng Tàu. Còn thời gian nữa thì đi lên rừng thăm Đà Lạt bạt ngàn hoa lệ. Thảo háo hức với kế hoạch và mong chờ cho chuyến xe đi nhanh chóng, an toàn. Quả thế. Thấy Thảo, mọi người xúm lại reo vui như thể ăn mừng sống lại. Sống trong tình thương đầy đặn, Thảo nhớ những ngày đạn bom ác liệt, những lúc Thảo ốm đau, những lời bên tai Xa nhà, ta là anh em. Đùm bọc, thương yêu… Bỗng Thảo thừ mặt ra, bần thần. Có một tiếng ai đó, cứu rỗi tâm hồn Thảo:
– Ôi, có khi nhắn tin cho anh Quang, anh Bình… về dịp này cho vui nhỉ?
Thảo bừng tỉnh như thảng thốt:
– Ừ nhỉ, sáng kiến hay đấy. Mà anh Quang, anh Bình, các anh ấy đi khỏi đơn vị rồi à?
– Chuyển lung tung khắp cả.
Thảo đi thẳng vào trọng tâm:
– Anh Quang, trưởng ban cũ của Thảo đó. Anh ấy giờ ở đâu?
Một giọng nữ trêu đùa:
– Của Thảo giờ chuyển sang dân sự rồi. Về bệnh viện Bình Dân thì phải.
Thảo bước tới gần, đập vào vai người vừa nói:
– Nỡm ạ. Ngọc! Khỏe ra đấy. Không bụng ỏng đít vòn nữa đâu. Vậy mà suốt nãy giờ làm người ta không nhận ra. Già rồi, mắt mũi kẻm nhẻm. Tha cho nhé.
Được một số thông tin về Quang, ngay chiều ấy, Thảo tới bệnh viện Bình Dân. Về chiều, phòng Hành chính viện trống hươ, trống hoác. Những cô y tá trẻ măng, những bà già công vụ già khọm. Không ai biết Quang của Thảo là ai. Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba. Những tin tức về Quang tắc như trong hũ nút. Không dò ra được, Thảo vẫn nán lại ở phòng khách Quân Y viện 19. Y tá Ngọc dành nửa ngày nghỉ đến với Thảo. Trông thấy vẻ mặt buồn lửng lơ của Thảo, Ngọc rất mủi lòng.
– Chị Thảo ạ. Em biết chị không vui. Nhưng biết làm sao khi mấy ngày qua, em dò tin anh Quang, hình như anh ấy đang đi học cao học.
Thảo vội vàng:
– Học ở đâu?
– Em cũng không biết nữa. Ở đây có một trường Đại học Y khoa Sài Gòn cũ nằm trên đường Hồng Bàng. Nhưng trường ấy chỉ đào tạo bậc Đại học thôi mà. Có một trường ở đâu như Đà Lạt.
– Đà Lạt xưa nay đâu có đào tạo ngành Y. Chỉ có trường Võ bị.
Như một phát hiện, Ngọc nói:
– Á à… hay anh Quang ra Hà Nội học cũng nên.
Rồi Ngọc kể lại những ngày Quân Y viện hành quân theo chiến dịch. Ngọc nói:
– Khi vào tới Xuân Lộc, thì cường độ cuộc chiến ác liệt lắm. Bọn ngụy đẩy người dân ra làm lá chắn sống cho chúng. Anh Quang cứu một em bé giữa làn bọm đạn nên mới bị thương.
– Ôi vậy à? Anh ấy bị thương vào đâu, nặng lắm không?
– Cũng khá nặng nên mới nằm viện mấy tháng trời.
Thảo chăm chú từng lời với nhạy bén nghề nghiệp:
– Anh bị thương vào đâu? Tổn thương nặng không mà?
– Ở bộ phận vùng chậu thì phải. Cái quan trọng em thấy là sau khi nằm viện về, anh ấy vẫn gầy tong teo. Tính tình thay đổi hẳn. Trầm lắng. Suốt ngày như một nhà hiền triết suy tư về điều gì quan trọng lắm nên mang gương mặt buồn, chị ạ.
Thảo thở dài. Cô muốn chạy đến ngay với Quang cho rõ sự thể thế nào. Mà ngày trả phép tới rồi. Nếu như ngày mốt mà đi thì, nhỡ ô tô trục trặc trên dọc đường, mình nhập học sẽ bị muộn. Thảo quyết định không đi tìm Quang nữa. Ngọc về rồi, Thảo hí hoáy viết thư gửi lại cho Quang. Thảo viết dài lắm. Cô kể hành trình đi như thế nào. Khó khăn trên dọc đường ra sao. Công phu tìm Quang như thế nào….Thảo bỗng dừng bút. Đọc lại. Cô xé đi. Viết lại. Lần này Thảo viết ngắn hơn. Cô chỉ kể nỗi lòng cô rất vui khi gặp mặt các đồng chí, cũ mới của đơn vị và thời gian không cho cô ở lại. Cô hỏi nhiều về Quang hơn. Song, Thảo không đọc nữa mà cầm giấy lên, tay với hộp quẹt bật đánh xòe, hươ tờ thư viết dở vào ngọn lửa. Cô cứ cầm thế cho tàn rơi xuống đất mới thôi.
Đêm với Thảo quả là dài. Sắp đến giờ ra ô tô về Bắc. Thảo dậy trước đồng hồ đã chỉ kim báo thức. Cô bật đèn và cầm bút viết một mạch. Xong, bỏ phong bì dán kín, gửi lại đơn vị cho Quang.
Ở Quân Y viện 19 về tới nhà Quang mới bóc thư. Một tờ giấy trắng dầy gấp hoa bao bọc. Trong cùng là lá thư rất ngắn. Nét chữ của Thảo còn in rõ trong đầu Quang. Song ở đây, những dòng thư viết vội:
Anh Quang! Vào thăm anh, tìm anh nhưng bất hạnh. Em phải về trường cho kịp ngày vào học. Những gì cần nói như em đã nói hết với anh rồi. Bây giờ chỉ cầu mong anh thật khỏe, vạn sự bình an. Anh rất hạnh phúc, điều mà em hằng cầu chúc về anh.
Địa chỉ em: Phương Thảo, Y3A, Đại học Y – Hà Nội.
Thả thư xuống, Quang thẫn thờ. Vậy là Thảo vẫn khỏe và vẫn theo được nguyện vọng của mình. Sau khi Thảo rời đơn vị ra Bắc, Quang thấy như mình thiếu vắng thứ gì. Giờ đây, lại thấy trong mình nỗi bâng khuâng ập đến. Nỗi man mác trong dòng thư ngắn ngủi đủ rung động con tim với một tình thương trào dâng, làm Quang thật mủi lòng. Thảo đến, không được gặp là nỗi buồn lưu luyến. Nhưng gặp được Thảo thì mình sẽ nói được gì khi lòng mình đã đóng khung giam trong bóng hình Quỳnh. Cũng có lúc Thảo nhập cuộc như một mảnh đời song hành cùng Quang. Song như là Quang mệt mỏi không thể nào theo được nhịp bước khỏe khoắn vô tư của Thảo đã đi về phía trước, xa xa. Cũng có lúc Thảo sống trong lòng Quang một cách thành thật vô tư. Nhưng bóng hình Quỳnh quá đậm làm cho bóng Thảo mờ nhạt dần đi. Cứ thế trôi và trôi xa mãi.
Quỳnh yêu dấu của ta. Em bây giờ ở trong vòng tay thằng đàn ông khác! Hình bóng Quỳnh hiện ra như kẻ phản bội. Trên đầu mỗi sợi tóc là một gai nhọn phù thủy ghim vào. Gương mặt Quỳnh hiện ra, rằn ri, nhợt nhạt như kẻ chết trôi, sóng xoài trong nanh vuốt quỷ. Em đã đưa ta đến miền cực lạc cũng đưa ta đến tận cùng đau khổ ta phải nếm mùi. Nếu như em chối từ tình yêu của ta. Nếu như em từ chối niềm khát vọng ta. Nếu như em không neo trong lòng ta một Quỳnh của ngàn năm trầm tích. Để rồi ta ngộ nhận em là linh hồn ta, em là của ta mãi mãi. Thì ta đâu phải là kẻ trèo cao, ngã đau cho thân phận ta bị giày vò cấu xé thế này! Mất em, ta bao đêm mất ngủ. Mất em, vết thương ta như bị khoét sâu thêm. Cho đến hôm nay Quỳnh ạ, em còn là Quỳnh yêu thương hay là quỷ dữ? Có bao nhiêu người ta gặp sau em, liệu có là quỷ dữ như em? Ta không là kẻ dễ bị sa vào bẫy tình. Cả Thảo nữa? Cả Minh nữa? Và cả những người phụ nữ hào hoa bóng bẩy đang ngiêng ánh mắt hào phóng kia có là những chiếc bẫy dăng ra với cuộc đời ta? Hãy cảnh giác và phải cảnh tỉnh trước những cạm bẫy này.
Nhưng ta là đàn ông. Ta là một con người chính trực. Ta phải trở về với chính ta cho cuộc đời này hữu ích. Một phần máu ta đã đổ xuống đất này. Một phần cơ thể ta để lại đất này. Ta xin hiến dâng cho mảnh đất này tất cả. Thì Quang ơi, hãy quên đi những gì bội bạc. Quên đi những gì ảo tưởng đã xây thành quách nguy nga trong trái tim khờ khạo và chân thật của mi. Phải thoát ra những mộng tưởng hào hoa ấy mà trở về với chính mình. Trước mắt mi kia, bao nhiêu công việc còn thiếu vắng những bàn tay dù là bé nhỏ. Hãy đến đó mà tỏ rõ sức lực. Hãy vén tay áo lên. Bám vào công việc, mà nâng lên như chính nâng cuộc đời mình dậy!
Quang choàng tỉnh như vừa qua cuộc chạy đua nước rút giành chiếc thẻ quán quân. Quang mệt mỏi quá. Anh cầm cuốn sách toán thống kê y học. Từng hàng công thức khô khốc hiện ra như nói với Quang, hãy nhìn sát vào đây, gần thêm chút nữa, kỹ thêm chút nữa. Nó sẽ bật ra những tiếng nói diệu kỳ dẫn đường cho anh tới đích.
Vậy là từ nay, không phải là bóng hình Quỳnh, cũng không là Thảo. Quang độc lập với bóng lẻ riêng mình. Anh sẽ đi bằng đôi chân mình dù cõi lòng xa xót. Phía trước anh, một con đường không riêng lẻ, nhưng tới đích, Quang có cách đi riêng.
Học xong chuyên khoa cấp hai, Quang chuyển về Viện Chuyển giao Công nghệ Y học. Anh lại phải đi sang nhiều nước để được bồi dưỡng học hỏi thêm những kỹ thuật mới các nước đang áp dụng mang tính phổ biến. Xong, anh lại phổ biến lại mang tính phổ cập chuyên khoa cho các bệnh viện miền, bệnh viện các địa phương. Hết công việc lại đến công việc. Thỉnh thoảng anh mới tranh thủ về thăm Quân Y viện cũ. Viện phó, bạn anh, thấy là gợi ý:
– Quang! Chẳng lẽ cậu quên cả lập cái tổ ấm riêng rồi sao?
Quang toe toét cười:
– Khoan, để học xong cái đã. Vội gì.
– Học tập là quyển vở không có trang cuối cùng. Để học xong thì biết đến bao giờ?
Rồi lần này, Quang được phân công theo kế hoạch chuyển giao công nghệ mổ nội soi ở một tỉnh lẻ xa thành phố. Cũng đã mấy năm anh mải mê ở nước ngoài nay mới có dịp trở lại. Tỉnh lẻ, dạo chưa xa, anh xuống sau chiến tranh. Nó lèo tèo lắm. Nay thị xã được gọi là heo hút này đã hoàn toàn khác lạ. Một số vùng đất trống hoang hóa ngoại thành nhà cao tầng đang mọc. Buôn bán sầm uất. Xe cộ tấp nập. Đặc biệt những nhà hàng sang trọng mọc lên. Có cả vũ trường. Còn khách sạn thì như những ngọn nấm khổng lồ. Họ giành cho Quang một khách sạn sang trọng bậc nhất nằm trong nội thị.
Quang vui thấy lớp bác sĩ trẻ măng xưa, nay đều đã trưởng thành. Quang là người thày đã đành. Song đồng nghiệp coi anh thân thiết như người anh. Ngay sau buổi tổng kết khóa tập huấn, chiều có liên hoan nội bộ thày trò, trong khách sạn anh ở. Bữa tiệc được đặt ra khá sang trọng. Trên bàn đã bày sẵn những chai rượu Hennessy đắt tiền và bày biện theo phong cách rất tây. Tiệc chưa vào. Đồng chí phó Giám đốc Sở Y tế đến, nhìn thì lại lắc đầu:
– Này các cậu! Sai lầm to. Tớ hỏi, tiệc đây bày đãi khách hay đãi các cậu?
– Dạ, thưa sếp, đãi khách.
– Thế thì, dẹp. Khách có biết uống bia, rượu nào đâu! Các cậu không nhớ à? Champagne! Champagne Nga là đủ.
Đại diện ban tiếp tân liếm môi cười, vẻ thèm thuồng, tiếc rẻ:
– Nhưng Hennessy, chút chút thôi, sếp?
Phó Giám đốc phảy tay:
– Không nét-sy nét-siệc chi hết. Tất cả chỉ là vui. Tôi đã nói Champagne là Champagne tất. Thế mới quý chứ.
Thế là, trên bàn được bày những chai Champagne Nga chưa đến 12 độ cồn thay cho những chai rượu Hennessy 43%vol nặng ký. Lúc Quang đã ngà ngà rồi thì trong đám bác sĩ thực khách học trò vừa học có người đưa sáng kiến, thầm thì:
– Đưa thầy đi tăng-hai đi? Ôkê?
– Ôkê! Ôkê!}
Thực khách thứ nhất đến:
– Thưa thầy. Em là học trò cũ của thầy. Nhờ có thầy truyền kỹ thuật đến nay tay nghề em đã vững. Lâu lắm rồi mong mỏi được thầy truyền tiếp cho chúng em mà nay mới may mắn được gặp lại. Em xin được chúc thầy, cô sức khỏe, hạnh phúc và xin phép được cụng với thầy một ly ạ.
– Cám ơn, xin chúc mừng anh.
Quang cụng ly. Mạnh dạn tợp hết nửa ly. Học sinh của anh chỉ ực một cái, ly cạn. Anh ta năn nỉ:
– Thưa thầy 100% chứ ạ. Em xin tiếp ly khác để thầy cạn ly ạ.
Champagne đầy ly rồi, anh ta hô:
– Một, hai, ba: Dzô!
– Dzô! – Đồng thanh hưởng ứng.
Lại một thực khách, học trò khác:
– Thưa thầy, em là học trò mới. Em rất vui mừng được học thầy. Tuy nhiên đã được biết tiếng thầy và mong mỏi gặp thầy từ lâu. Lần này nhận từ thầy kiến thức mới, em xin hứa sẽ cố gắng phát huy áp dụng trong trị liệu để xứng đáng là học trò của thầy. Em xin phép được cụng với thầy một ly.
– Cám ơn anh. Nhưng tôi cứ thế này thì chết mất. Tôi còn muốn gặp các anh nữa cơ mà!
– Dạ. Em chỉ dám xin thầy 50% thôi ạ.
Người thứ ba, rồi người thứ tư…Học trò nào cũng muốn cụng với thầy một ly mà Quang thì tửu lượng có được là bao. Thầy cả nể lắm. Rượu đã quá rồi, ngưỡng rượu trong người nào cũng bị xóa sổ. Phó Giám đốc Sở thấy con mắt thầy Quang lờ đờ nên bảo đám bác sĩ dưới quyền ông:
– Các cậu thế là được rồi đấy. Ép là hại nhau chứ chẳng ích gì. Để thầy tỉnh, mai còn biết đường về chứ phải nằm bệnh viện nữa hay sao?
Người chủ xị xun xoe:
– Dạ. thưa sếp. Có xí xị thôi. Chúng em đã chuẩn bị người phục vụ phòng rồi ạ.
Quang không tự về phòng được. Phải có người dìu anh. Phó Giám đốc Sở tiễn Quang đến tận phòng. Anh nắm tay Quang. Nhưng Quang chỉ giơ được bàn tay mềm nhũn cho phó Giám đốc đung đưa. Tửu lượng anh quá kém. Ngay cả Champagne đã được pha với soda rồi đấy mà cũng làm môi anh tê tê, bì bì. Không còn nhận biết cảm giác rượu hay là nước lã. Việc uống nữa hay thôi, rượu hay nước lã cũng như nhau cả. Bụng Quang xuất hiện những cơn quặn đầy hơi bí bách. Thức ăn trong bụng cứ muốn đòi vọt ra ngoài. Buồn nôn. Đầu nằng nặng, nhức. Vỏ não Quang trong tình trạng thoát ức chế. Có chăng Quang chỉ mơ màng một ý thức, cái mồm mình đừng có phát ra lời, vì nó bị rượu bóp méo mó, lè nhè, tiếng thầy sẽ biến ra thằng. Con mắt anh cố mở để gật đầu khi các thực khách trong bữa rượu đến chia tay.
Đêm. Phòng của Quang trong khách sạn còn có một cô gái được đám thực khách kia thuê phục vụ cho anh. Quang nằm vật vạ như kẻ chết trôi. Mệt lả. Bơ phờ. Cô gái được dăn dò nhiệm vụ giúp đỡ Quang khi anh cần uống nước. Hay nếu bị nôn ói gì thì thu dọn vệ sinh. Thay quần áo. Nếu có thấy bất trắc thì gọi SOS cho khách sạn. Hoặc giả giúp bất cứ điều gì Quang cần.
Sau một đêm vật vã với tửu thần Lưu Linh, Quang tỉnh hẳn. Anh giật thót khi thấy mình nằm trên giường chỉ trơ cái quần lót và tấm chăn rất mỏng trên người. Hoảng vì sự khác lạ này, anh nhỏm dậy nhìn quanh. Ngay ở cuối giường nằm, một cô gái trẻ trung, chỉ che chiếc áo vú nhỏ xíu và thứ quần lót mỏng tang co ro ngủ. Thấy động, cô uể oải vặn mình mở mắt. Quang hỏi:
– Sao cô lại ở đây?
Cô gái nhoẻn cười, nói rất tự tin:
– Ủa, đêm qua em phục vụ anh suốt đêm mà! Mấy ảnh bạn anh nói em đến đó.
Quang ngáo nghến tìm quần áo. Không thấy đâu. Anh hỏi:
– Thế quần áo tôi mặc, ai để đâu mất rồi?
– Em treo trỏng. Toilet đó anh. Bữa đêm qua anh ói hết trọi ra giường chiếu, vô cả quần áo. Nhớp. Em lột bỏ đó. Mèng ơi! Đêm, cưng nóng lạnh quá chừng. Rung lên. Em phải nằm ủ ấm cho cưng đó. Lúc cưng ôm ghì lấy em. Eo ôi, mùi rượu vẫn còn sực vào mắt em cay sè à. Giờ em lấy đồ cưng thay nghen?
Cô gái vừa nói vừa mở tủ rất tự nhiên, đem chiếc Samsonite(1) của Quang ra. Cô lấy bộ áo quần nguyên nếp gấp, õng ẹo đưa trước mặt Quang:
– Bộ ni được không cưng?
– Quang trố mắt ngạc nhiên trước những động tác lạ lẫm anh chưa bắt gặp bao giờ. Cô gái nói tiếp:
– Hay cưng!? Em đưa đi rửa chút chút cho đỡ dơ rồi em bận cho nghen.
Quang bẽn lẽn cầm lấy bộ quần áo của mình từ tay cô gái rồi tự vào trong phòng tắm. Tắm xong, anh ra ngoài thì có tiếng còi ô tô dưới sân vọng lên. Quang vội vàng hỏi cô gái:
– Trả tiền phòng sao nhỉ?
– Cưng có boa(2) cho em thì boa luôn đi. Chứ tiền phòng có người thanh toán rồi cưng.
Quang mở ví định trả công cô gái đã tự nguyện giúp anh đêm qua. Nhưng không thấy tiền. Tập danh thiếp trong ví như mỏng đi. Bàn tay Quang sờ hết túi áo ngực đến túi quần mà chẳng có hào nào đáng giá, rơi rớt trong đó cả. Vừa lúc ấy, người lái xe của Sở Y tế lên gõ cửa phòng mang đỡ đồ cho anh xuống xe. Quang nói với người phụ nữ lời trầm buồn:
– Cô tha lỗi cho tôi nhé. Tôi tìm tiền để boa mà không biết rơi hết ở chỗ nào rồi.
Cô gái hầu phòng giọng xởi lởi:
– Rồi! Lần sau cưng nhớ boa thêm cho em là được mà.
Quang bước ra cửa với gương mặt thườn thượt, nửa như mắc cỡ, nửa vương vấn nghi ngờ. Sao lại có chuyện tày trời xảy ra với mình như một trò ú tim vậy…?
Những chuyện tương tự, Quang được nghe người này người khác kể đã từ lâu. Nhưng anh đều không tham gia ý kiến vì mình chưa đụng tới bao giờ. Không ngờ, lại bắt gặp nó ở tỉnh lẻ như thần thoại chứ không phải ở nơi phồn hoa đô thị. Rồi chuyện đó cũng qua đi. Quang chỉ biết rút kinh nghiệm cho mình đừng cả nể mà quá chén. Dễ rơi vào những cái bẫy vô hồn đùa cợt. Đôi khi Quang cảm nhận như mình đang tu tới chín bậc thềm chính quả. Phật tại tâm. Với anh lòng từ bi hỉ xả đang ngấm vào máu thịt. Tuy nhiên muốn làm được, anh vẫn tâm niệm câu châm ngôn, hãy hoài nghi tất cả.
Quang đang chuẩn bị cho bài tham luận trong một hội nghị Chuyển giao Công nghệ mới về Y học mở ở Hà Nội cũng sắp tới gần. Vài hôm nay anh không đến Viện làm việc ở la-bô (laboratory).
Bữa nay anh đến Viện rất sớm. Người bảo vệ thấy Quang tới cổng, lựa lúc xuống xe tới gần:
– Bác sĩ có khách người nhà đến thăm đợi từ vài bữa trước.
– Họ đâu rồi?
– Dạ, ngồi trong phòng chờ.
Quang rất ngạc nhiên. Anh chưa bao giờ có khách tới thăm mà lại không biết nhà, phải chờ đợi cách ngày. Quang thong thả đưa xe vào nhà xe. Xong, anh ra ngay hỏi xem là ai mà lại xưng người nhà của mình? Quang bước vào cửa, nhòm thấy một phụ nữ vẫn còn trẻ trung lắm. Cô ta bồng đứa trẻ chắc chưa đầy năm, nhăn nheo lọt thỏm trong lòng với chiếc bình sữa cũ kỹ đang đút vào miệng đứa trẻ. Người mẹ cúi nhìn con chăm chú, nựng:
– Co-on… con ngoan của má. Bú đi con. Bú đi nào. Rồi ba về, con gặp ba con nghen. Ngoan nào, ngoan…
Những âm thanh thân thiết ập vào tai Quang. Anh thấy người lạ, đang định quay ra thì người phụ nữ ngẩng lên. Con mắt sản phụ như dán vào bóng người trước mặt mình để định hình. Hình như ngỡ ngàng, mất bình tĩnh, cô ta giọng run run, rất khẽ:
– Anh Quang.
Quang cứ đứng thế. Ngỡ ngàng không kém. Cũng chẳng nói năng gì. Người sản phụ lên tiếng tiếp:
– Anh Quang? Không nhận ra em ư?
Quang từ từ tiến vào hẳn trong phòng. Vẫn im lặng bởi anh chưa nhận ra đó là ai. Tiếng nói của người phụ nữ lại tiếp tục với giọng nghẹn ngào như khóc:
– Lẽ nào anh không nhận ra má con em? Em, Dung nè. Anh ngồi xuống đó rồi em nói nghe nè.- Quang ngồi xuống ghế nên giọng cô chủ động hơn – Anh Quang còn nhớ cái đêm em phục vụ anh bị xỉn ở khách sạn… dưới tỉnh… đó không?
Quang cố nhớ lại đêm say rượu duy nhất từ trước tới nay. Cái đêm để anh có lời thề với chính mình, không bao giờ bị say như thế nữa. Song sự gì đã sảy ra đêm hôm ấy thì Quang không hề biết. Ngay đến cả dược mặt người phụ nữ kia chỉ gặp trong chốc lát khoảng ba chục phút vào buổi sáng sớm trước khi xe đến đón anh, trở về thành phố, thì anh cũng không nhớ một tí nào. Hình như là, dạo ấy, cô ta mập hơn, trắng trẻo cơ. Còn bây giờ trước Quang là một phụ nữ có nước da xàm xạm, ôm ốm. Hay là cô ta mải nuôi con? Nhưng đang thời cho con bú mà bộ ngực lép kẹp thế, thì lấy sữa đâu ra? Cũng có thể là cô ta mất sữa ngay từ khi sinh nở? Nhưng đứa bé kia thì sao? Nó không chịu bú sữa bình? Nó ăn bằng gì? Chén cháo lỏng đối với nó hàng ngày đã quen với nó rồi ư? Sao trong lòng mẹ với tiếng ru ời mà nó cứ ưỡn người, khóc rên như người xa lạ, như đòi mẹ là sao? Bao nhiêu câu hỏi về hình hài sản phụ hiện trước nhà tâm lý y học, làm cho anh không khỏi suy nghĩ mông lung. Thấy Quang cứ trầm tư ngồi nhìn bé mà không nói năng gì như kẻ mộng du, Dung đã đánh thức anh dậy:
– Anh Quang nè.
Quang giật mình:
– Cô nói đi.
– Em nói nghen. Con anh đó. – Người phụ nữ nhìn Quang rồi lấy khăn lau chấm nước mắt. Giọng trầm nhẹ khàn khàn như vừa khóc – Đêm hôm đó, em tiếp anh rồi em về quê với má vì bả cũng yếu lắm rồi. Em bặt kinh từ đó. Em cũng không biết em có bầu. Nhưng khi biết thì bầu đã hơn ba tháng. Bác sĩ bệnh viện tỉnh từ chối đoạn sản. Em về sợ ấp, khóm rầy la. Nhưng má bảo thôi cứ để. Dù sao nó cũng là giọt máu của con. Em khổ sở lắm. Nhưng nghĩ anh là người đàng hoàng, nên em giữ cái bầu lại. May ra sau này gặp anh, còn nhớ tới em mà thương con thì hồng phúc nhà em to lớn lắm. Vì thế, em quên đi nhọc nhằn dư luận, miệng thế ì xèo, bôi bác. Em cố giữ bầu cho anh. Ở miệt quê hẻo lánh, anh biết rồi đó, không có cả cái ăn. Nhưng má vì cái bầu, bả đã dành cho em tất cả. Nay bé đã ra đời được như vầy cũng là may mắn lắm. Em không muốn phiền tới anh Quang đâu. Em chỉ muốn sau này con anh lớn lên em mới cho nhận. Lúc ấy anh giúp con được gì thì chắc cũng chưa muộn.
Quang nghĩ, mình cũng có con được sao? Điều mà đôi khi mình đã định đánh đổi cuộc đời. Song nghĩ cho cùng, con người là vốn quý. Mình thế vào đó là hãy quên đi tất cả cho công việc đã trở thành đam mê. Công việc đã bớt đi nỗi đau. Trả lại nguyên lành cho mỗi con người, trả nụ cười hạnh phúc cho mỗi một đời người. Và nhiều khi, thấy mình rất hạnh phúc. Bây giờ mình lại có con nữa ư? Nếu sự thật là vậy, thì đúng, hạnh phúc đã đến với mình. Nó bất ngờ quá. Nó vô tình quá.
Quang nghi ngờ chính mình. Bao nhiêu thứ trên đời này cứ tưởng có mà lại là không. Lại có thứ cứ tưởng không mà nó đến một cách ngẫu nhiên như có bàn tay diệu kỳ xếp đặt. Quang cố tưởng tượng đêm hôm ấy nó như thế nào? Sao lại không thể nào nhớ ra nữa nhỉ? Mình thiếp đi trong cái mệt bã bời vì thần men nhập vào quá chén. Mình không có một cảm giác gì về dấu ấn của tình dục là sao? Lúc tắm táp trước khi lên xe, hình như trong mình chỉ còn lại cảm giác xấu hổ bẽ bàng bởi tư duy cổ hủ cằn cỗi ngự trị. Rồi mình ra đi. Rồi mình quên hết. Rồi bây giờ… một đứa trẻ hiển hiện! Là con của thằng đàn ông trước tình huống vô tình như thế hay sao?
Quang nói với mẹ con Dung:
– Chờ tôi một tí.
– Dạ.
Quang đi vào phòng làm việc ở Viện. Sắp xếp công việc tạm rồi anh ra vời taxi. Mời hai mẹ con Dung lên xe.
– Ủa, anh Quang. Anh đưa hai má con em đi đâu vầy nè?
– Đi khám bệnh cho bé. Xong, ta đi ăn sáng luôn thể.
Taxi chở ba người đến phòng xét nghiệm ADN. Người bác sĩ phòng xét nghiệm nhận ra Quang. Song kinh nghiệm nghề nghiệp chỉ cho họ biết rằng, không nên hỏi han. Càng không tay bắt mặt mừng. Vì nhiều khi khách hàng mắc cỡ. Vì sự thật hiển nhiên của khoa học chứng minh. Quang nói tự nhiên:
– Đây là con tôi. Tôi muốn test ADN tìm mối quan hệ giữa tôi và bé. Thưa, kết quả bao giờ có thể nhận được?
– Sau khoảng nửa tháng. Chúng tôi sẽ ghi ngày tới nhận kết quả vào phiếu hẹn.
Xong, Quang đưa hai mẹ con Dung đi ăn sáng. Anh nói:
– Cô Dung ạ. Tôi hiện không có sẵn tiền trong túi. Vậy cô cầm tạm mươi triệu này tôi vừa giật nóng được. Cô đem về để mua sữa cho con. Nếu có thể được thì cô Dung dành ra một ít mua thức ăn bồi dưỡng cho mình. Tôi thấy cô ốm hơn ngày xưa thì phải?
– Dạ. Má con em cám ơn anh Quang. Em sẽ nghe lời anh dặn.
– Cô Dung an tâm đi. Đừng nghĩ ngợi gì. Nhất định tôi sẽ tới thăm má con cô một ngày sớm nhất. Vậy địa chỉ của Dung thế nào?
– Dạ…
Không thấy Dung nói tiếp, Quang giục:
– Dạ là sao? Tôi hứa sẽ tới thăm gia đình và thăm má con Dung mà. Tôi phải có trách nhiệm gửi tiền…. Ở xóm, xã nào nhỉ? Tôi ghi đây này.
– Thưa ở khóm….
Ghi xong xuôi địa chỉ, Quang đưa hai mẹ con Dung ra bến xe mua vé ô tô. Xếp chỗ cho mẹ con trên xe. Anh dặn dò việc an toàn đi đứng, lên xuống xe rồi mới quay về cơ quan làm việc.
TỐ HOÀI & HƯƠNG NHU