Tố Hoài – GIẢI TRÌNH CỦA BIỂN – tiểu thuyết, ch. 6 & 7

0
1574

.                      GIẢI TRÌNH CỦA BIỂN
.
.                                               Tố Hoài

      Giải trình của Biển là tiểu thuyết viết về ngành Hàng Hải trong giai đoạn Mỹ cấm vận từ sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Một giai đoạn bao cấp đất nước khó khăn, nghèo đói. Vì thế trên mỗi con tàu hầu hết mọi người đều có nhiều động tác khắc phục khó khăn ấy. Nghề hàng hải đã trở thành nghề quý báu mơ ước của nhiều thanh niên…
.   Xin giới thiệu chương 6 và 9 trong 23 chương tiểu thuyết.

.                                                    Chương 6

.    Kết quả hình ảnh cho hình ảnh tàu vosco cập cảng sài gònNhân sự Mv Lạch Tray đã có ự thay đổi vì Giám đốc Công ty Vận tải Đại Dương mới được thay. Giám đốc mới có ý định cơ cấu lại tổ chức cho có một ê-kip mạnh nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả công việc mà những đời giám đốc trước không làm được. Trần Lắm, người học cùng trường Hàng Hải Poland sau ông mấy khóa đã được tin cậy điều lên xếp chức danh trưởng phòng Nhân sự -Tiền lương.
Nghe được thông tin quá bất ngờ, thuyền trưởng Trần Lắm vui như chưa từng có bao giờ. Anh tranh thủ tới chào giám đốc mới với một cách tôn kính. Giám đốc mới vẫn mang niềm vui vẻ lâu nay:
– À à, chào thuyền trưởng, khỏe không?
– Dạ, thưa giám đốc rất khỏe ạ.
Trần Lắm yên vị rồi, giám đốc mới đưa anh tờ giấy. Ông vẫn giữ nguyên vẻ mặt vui vẻ:
– Có cái này!
Trần Lắm trịnh trọng giơ hai tay cầm tờ Công hàm phản đối của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp gửi Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Anh nhẩm đọc và hiểu Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp rất lấy làm tiếc, phản đối về việc chiếc Thương thuyền mang tên Mv Lạch Tray đã xâm phạm vùng lãnh hải Biscaya thuộc chủ quyền Cộng hòa Pháp. Bản Công hàm đã ghi được ngày giờ, đường đi và thời gian xâm nhập. Họ đã điện cảnh báo và phản đối nhưng con tàu vẫn im lặng hành trình mà tuyệt nhiên không có sự hồi đáp. Kèm theo là những tấm ảnh mà họ chụp được. Trần Lắm nhìn bức ảnh con tàu dưới tầm mưa gió và cả những ngọn sóng trắng xóa phủ lên thân tàu. Hình hài chiếc Mv Lạch Tray thì đã rõ. Chỉ cần ngiêng tấm ảnh lấy một chút ánh sáng, mũi tàu lộ rõ nét chữ tên tàu, không thể chối cãi. Trần Lắm nhớ, thời điểm ấy đúng vào ca phó ba. Thời gian anh cũng đang có mặt trên buồng lái. Lúc ấy anh chỉ chú tâm vào việc tránh bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối con tàu chứ quên việc có xâm phạm vào qui định lãnh hải của họ hay không? Đọc xong, anh ngẩn tò te và toát mồ hôi hột, vẻ xao xác như kẻ tội đồ bị bắt quả tang, không biết khuyết điểm sẽ tới mức nào, giám đốc sẽ đánh giá ra sao khi ông dành nó là ưu tiên số một trong buổi gặp gỡ đầu tiên này. Giám đốc hỏi:
– Anh thấy thế nào?
– Dạ…. thưa giám đốc, lúc ấy bão gió quá. Giám đốc xét cho, hoàn cảnh giữa cái sống và cái chết thì điều này có thể là bất khả kháng. Em cũng chẳng biết làm sao!
Không ngờ Giám đốc chỉ có lời an ủi:
– Cái nghiệp tàu bè là thế! Được rồi, cũng là bài học kinh nghiệm cho các tàu. – Ông nhìn Trần Lắm với vẻ thân thiện, hất hàm hỏi – Thế đã loáng thoáng tin gì chưa?
Trần Lắm vờ, chậm rãi:
– Thưa, chuyện Trung ương thì biết chứ chuyện cơ quan kín như bưng, làm sao biết nổi. Nhưng cũng chỉ biết tin Giám đốc mới. Vì đó là… dĩ nhiên thôi ạ.
Giám đốc đùa vui:
– Thì Trung ương có gì mới?
– Rụ, bạn nối khố vừa vào Trung ương khóa rồi. Mới gặp nhau chút chút. Cũng chỉ nói được sơ sơ về vấn đề chấn chỉnh nhân sự ấy mà!
– Ừ thôi. Chuyện lớn của các ông cốp. Còn chuyện bé của chúng mình thì như thế này. Ý định đưa ông lên làm trưởng cái phòng cũng… quan trọng đấy… ông thấy thế nào?
Trần Lắm giữ vẻ đắn đo nhưng rồi tỏ ra chấp hành:
– Thì… Giám đốc đặt đâu, em ngồi đấy thôi.
– Vậy là được. Ta có thể tiếp tục ổn định nhân sự. Cái bộ khung phải vững vàng đồng bộ mới dám nói làm gì.

Để tạm biệt con tàu, trước khi bàn giao lên bờ nhận nhiệm vụ mới, thuyền trưởng Trần Lắm cho Đại hội thuyền viên tàu. Anh mời giám đốc mới và những người liên quan tới dự như một lần tri ân. Anh định mời Rụ bạn anh tới cho biết tàu bè, nhân thể mời nhà báo tới viết bài. Nhưng Rụ bận họp kỳ họp Ban chấp hành Trung ương, còn nhà báo thì gấp quá họ không kịp sắp xếp.
Trần Lắm trịnh trọng đọc bản tổng kết chuyến đi:
“ Nhờ sự lãnh đạo rất sáng suốt, sự chỉ đạo trực tiếp kịp thời và toàn diện… nhờ sự nỗ lực phát huy tinh thần làm chủ tập thể, sự tăng cường đoàn kết nhất trí, nhờ… Do đó, tuy gặp muôn vàn khó khăn gian khổ có lúc tưởng chừng không thể nào tránh nổi, nhưng… đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.”
Sau bài tổng kết của thuyền trưởng, Giám đốc không có diễn văn, ông chỉ phát biểu tóm tắt những gì nghe được:
– Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá và kết quả của thuyền viên tàu Lạch Tray. Đặc biệt, thuyền trưởng Trần Lắm, một con người rất năng động, sáng tạo. Anh đã đưa ra sáng kiến xếp hàng tuyệt vời, thêm được lượng hàng đáng nể mà trước nay chưa có. Thuyền trưởng Lắm cũng rất thông minh phát hiện và đấu tranh giành sự ưu đãi qua kênh Suéz, giảm được chi phí hàng chục ngàn dollars mà người nước ngoài toan cố tình che giấu… Anh cũng đã chọn đường ngắn nhất nhằm rút ngắn ngày chạy tàu, giảm bớt hao phí ngày tàu…
Thuyền trưởng Trần Lắm tung hứng:
– Xin chân thành cám ơn sự quan tâm của thủ trưởng với những lời động viên thật chân tình, thật bổ ích. Xin thưa với Giám đốc, chúng tôi luôn chăm lo, tới đời sống tinh thần cho đoàn viên Công đoàn tàu. Mua sắm cả những trò chơi điện tử… phong phú thêm cho Câu lạc bộ tàu, tránh cái trò có sẵn nhàm chán và đơn điệu….
Tí ngồi ghế cử tọa, thì thầm vào tai trưởng Câu lạc bộ:
– Có không? Sao không thấy?
– Ông ấy order cái đồ chơi điện tử cho thằng con trai. Nhưng phát hiện đồ rởm, chê ỏng eo, đuồn đi đuồn lại, không thằng nào chịu ôm, đành mang về cho con chơi rồi còn gì?
Hạnh lé chậm rãi như lời tổng kết:
– Phải xem lại, khi Trần Lắm làm điều gì tốt. Phải đánh dấu hỏi, đằng sau âm mưu ấy là gì?
Quản trị trưởng thính tai nghe lỏm, na-mô hớt:
– Đùn cho Câu lạc bộ tàu rồi! Thanh toán vào tiền Công đoàn, tôi đã phải chi!

Ngồi được vào cái ghế trưởng phòng quan trọng bậc nhất, với Trần Lắm là điều bất ngờ. Nhưng anh có chỗ để tự ngắm mình. “Ta luôn luôn được thần may mắn giúp đỡ. Nhiều cái rủi hóa may. Hồi đi học vì bị đúp lớp, nhưng nhờ vậy mà có được thằng bạn Quang Tiến hộ mệnh suốt thời ngồi ghế học trò. Chiến tranh, chúng bạn phải vào nơi đạn lửa, cổ lai chinh chien kỷ nhân hồi?!(*). Còn ta? Ta may mắn được đến nơi thanh bình cơm bưng nước rót”.
Về nước, nghề Hàng hải đang hiếm người, anh như được bắc thang sẵn leo lên. Làm thuyền trưởng mấy cái tàu loanh quanh gậm nhấm một đời người chỉ áo gấm đi đêm.
Giờ đây, cái điểm tựa cuộc đời không ngờ thơm thảo quá. Làm trưởng cái phòng, không chỉ nắm đời sống vật chất thuyền viên mà nắm cả “phần hồn”. Thuyền viên phải trực tiếp sát sàn sạt, như đến với Thánh Đường và lời cầu may mang dọc cuộc làm ăn. Có kẻ nào muốn no ấm phần thân mà không tu bổ “phần hồn”?
Anh phải tận tình vực dậy vì nó là cánh tay phải của giám đốc. Đó cũng là điều anh đền ơn đáp nghĩa.
Trưởng phòng Trần Lắm luôn luôn giữ vẻ nghiêm trang. Vì thế việc thực hiện giờ giấc làm việc của nhân viên đã đuợc nghiêm túc. Thực sự trong phòng như có một sự cải cách. Phòng chia ra hai bộ phận Nhân sự và Tiền lương riêng biệt. Mỗi bên trọn một buồng nhưng được thông nhau bằng cái cửa hẹp. Trần Lắm ngồi ngay ở chỗ đó. Cái lợi thế của vị trí là dễ bề quan sát được cả hai phòng. Cũng vì thế mà dạo này việc chuyện trò đàm tiếu vô bổ trong giờ hành chính thường có trong cơ quan nhà nước cũng ít hẳn đi.
Với cán bộ phòng, anh nhớ lai lịch như nhớ mối quan hệ tình nhân. Hiểu người như hiểu tính cách từng nhân vật.
Với thuyền viên, anh nắm chắc từng con người, biết được những nhược điểm và hiểu ro re róc rách về từng khuyết điểm.
Việc điều động thuyền viên lên xuống tàu anh rất kiên quyết… ưu tiên cho công việc cần người và sự lựa chọn ê-kip. Nhiều thuyền viên đã cám ơn anh giúp đỡ họ. Nhưng việc đó cũng tạo ra lỗ hổng khi hàng trăm con người đang đứng ngóng chờ, với thời gian không hạn định. Với họ việc làm là cơm áo gạo tiền. Là vợ đang chờ tiền mua thuốc cho con. Con đang chờ tiền học phí… khi cả làng nước xôn xao chạy hàng ngày làm sao miếng ăn cho đủ.
Trần Lắm ngồi suy tư sau ly café còn đang nóng hổi trên bàn thì có một thuyền viên ốm eo đường đột đi vào, phớt lờ cả một hàng rào nhân viên ngồi án ngữ ở phía bàn ngoài. Vậy mà y còn rất tự nhiên kéo ghế ngồi ra chừng thân thiện lắm:
– Chào trưởng phòng. Trưởng phòng khỏe không ạ?
Trần Lắm bực mình tự hỏi, tại sao mấy nhân viên dưới quyền ngồi đực mặt ngoài kia lại không hề ngăn lại, để lọt thằng lỏi con xồng xộc vào tới tận đây? Nhìn cái gương mặt rầu rầu của y, anh chán ngấy:
– Có việc gì không?
– Thưa có! – Giọng hắn run run như thằng ốm đói – Đã mấy lần trưởng phòng nói quan tâm, nhưng giờ thì gia đình em nghèo quá!
Trưởng phòng Trần Lắm cảm nhận một cái giọng giả ngô than vãn, trông thấy ghét:
– Cả bàn dân thiên hạ đói chứ mình anh đâu?
– Vâng thưa trưởng phòng, nhưng quê nhà em cái đói triền miên. Trưởng phòng có nghe câu ca mới ở quê em không? Năm tám mươi gạo tám mươi, dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ.
– Ha..ay! Anh lấy ở đâu ra vậy?
– Thưa đi đâu cũng thấy người ta đọc thế. Lương chưa được tám mươi đồng mà gạo tám chục một ký thì biết sống bằng gì? Trong khi em lấy vợ ngoài này, hoàn toàn nhờ vào gia đình vợ. Các cụ bảo chó rúc gầm chạn, không sai!
Trần Lắm mỉm cười như thấu hiểu, cảm thông, hạ cái giọng rất mềm:
– Thôi bây giờ như thế này nhé?
– Dạ! – Li vội vàng hí hửng.
– Cậu ra ngoài kia các anh ấy giải quyết. Tôi bận chút công việc… Thông cảm đi!
– Báo cáo anh, em đã gặp các anh ấy nhiều lần, đếm quá đốt ngón tay. Cuối cùng thì họ nói phải chờ tới…. trưởng phòng!
– Thế thì cậu gặp thêm lần nữa đi!
– Dạ, em xin trình bày ngắn gọn lần cuối. Em đã về Công ty hơn bốn năm nay. Dự trữ bốn năm trời, phải lấy vợ đẻ con. Không được xuống tàu làm việc, em đã đi bốc vác, đẩy xe ba gác. Thậm chí cửu vạn cho bọn buôn… tàu. Vì em không có vốn…
– Thôi thôi, cậu im đi!
– Dạ. Vợ em mới sinh đứa thứ hai…
– Không tiền, đẻ gì mà lắm thế?
– Không may vỡ kế hoạch mà đằng vợ duy tâm… Khổ tâm lắm nên mới cầu cứu các anh cho xuống tàu làm việc như các anh em khác.
– Cậu nói nhiều quá. Tôi đã bảo ra ngoài.
– Thưa trưởng phòng, tôi thấy rằng anh em vào cơ quan cùng lúc, họ đã được đi trước vài năm. Mới đây có người mới vào, thậm chí thợ may thành thợ máy cũng được sớm xuống tàu.
– Anh hạch sách tôi đấy à?
– Tôi chỉ muốn nêu sự thật. Tôi hỏi, tôi có tội tình gì?
– Tự hỏi mình đi đã. Tự thân vận động chưa?
– Vì dự trữ lâu quá, tôi không cả có tiền ăn.
– Tôi thương anh thì ai thương tôi? – Trần Lắm sẵng giọng – Ra ngoài. Mất thời giờ quá.
– Nhưng đói nghèo mới chắp tay lạy các anh!
– Đói thì đầu gối phải bò. Há miệng chờ sung thì ai đem của đến đổ vào mồm? Thách thức hả?
“Bốp”!
Bàn tay trời giáng đã trúng mặt Trần Lắm. Trần Lắm lấy tay quệt máu ở miệng. Anh bình tĩnh chỉ vào mặt Li quát:
– Thằng điên! –Anh ngó ra gian ngoài – Thằng điên nó đánh tôi. Bảo vệ đâu trói thằng điên này đưa nó ra ngoài.
Li ngồi xụp xuống ghế cúi đầu, lặng im, ủ rũ. Người xúm lại ngơ ngác. Có tiếng gọi bảo vệ. Thấy hai bảo vệ cơ quan, Trần Lắm lệnh tiếp:
– Trói nó lại! Đưa thằng điên này vào Viện Tâm thần.
Một bảo vệ lấy tay đẩy đầu Li. Li đứng dậy, mặt đỏ tía tai. Nước mắt nhòe ướt từ hai tròng mắt đỏ rảu, máu ứa ra. Trần Lắm lại giục:
– Lấy xe đưa đi Viện ngay.
Li lại bị đẩy ra khỏi cửa. Anh cứ thế bước theo bàn tay bảo vệ bị đẩy về phía phòng bảo vệ ngoài cổng công ty. Li ngồi yên trên chiếc ghế đẩu, hai cánh tay đã bị buộc hờ về phía sau. Đến khi bảo vệ kéo anh lên xe để tới bệnh viện Tâm Thần thành phố thì anh mới như bừng tỉnh.
– Tôi xin lỗi các anh. Tôi không bị tâm thần. Tôi uất ức quá mới lỡ tay…
– Đi!… – Bảo vệ vừa đẩy vừa giục.
Cái lưng Li khòng khòng. Chỉ có mười đầu ngón tay đủ chạm vào nhau để vái lạy:
– Lạy các anh. Tôi không bị tâm thần. Tôi chỉ lỡ tay thôi mà. Xin các anh, xin giám đốc tha cho.
Thấy Li dùng dằng không chịu đi, bảo vệ dọa:
– Có lên xe không thì bảo?
Li cố lì lại. Tức thì một bảo vệ túm tóc giữ chặt đầu, tay kia dứ nắm đấm vào mặt. Li dúi ngửa trước cửa xe. Trần Lắm ra tận cửa xe mang hình của bộ mặt căm giận, nhưng lời anh nhỏ nhẹ, căn dặn:
– Phải có hai hộ tống. Đừng để trốn. Cầm giấy giới thiệu chưa?
– Thưa đủ rồi ạ. – Một bảo vệ nhanh nhảu trả lời.
Trần Lắm với lời tiễn biệt:
– Thôi đi nhanh đi. Nhớ cẩn thận!

.                                                        Chương 7

.  Kết quả hình ảnh cho hình ảnh tàu vosco cập cảng sài gòn Chiếc xe chở kẻ điên đã tới bệnh viện tâm thần thần thành phố. Li nhìn bao quanh một lượt những người bệnh phía bên kia hàng rào lưới kẽm. Người ngồi thu lu bất động trên ghế đá. Kẻ đi chậm chạp lờ đờ. Trông thoáng, bộ mặt nào cũng căng bóng như mặt tượng. Những con mắt lờ đờ thiếu ngủ. Những đường nét tinh tế khôn ngoan đâu mất? Li như đang đi vào cảnh tượng đầy u ám mịt mờ, một thế giới con người khác lạ. Anh rùng mình choáng váng, nhắm mắt cúi đầu. Một thứ tri giác trôi bồng bềnh trong thế giới ảo đầy hình hài những dị nhân…
Bảo vệ dắt tay anh. Li ngoan ngoãn như chú thỏ non dễ bảo. Ngồi trước bác sĩ, anh khép nép. Bác sĩ hỏi thân mật:
– Anh tên gì?
Ngượng ngùng, Li không muốn khai tên. Cảm nhận một điều sỉ nhục, nên anh chỉ cúi đầu xuống. Bảo vệ a dua:
– Tên gì khai đi để bác sĩ viết kìa?
Anh ngửng nhìn bảo vệ với con mắt mở to, tức giận. Người bác sĩ theo dõi, chờ đợi. Tình huống đã nhấn vào đầu người bác sĩ trẻ này ghi nhận một dấu hiệu tâm thần. Một chút quan sát, bác sĩ thả lời ngán ngẩm:
– Thôi được rồi!
Lúc này Li mới dám nói thật:
– Bác sĩ ơi, tôi không bị bệnh tâm thần. Tôi lỡ tay tát cán bộ một cái nên bị đưa vào đây!
Lời thành thật của Li không tháo gỡ được bệnh nghề nghiệp mà như gợi mở bác sĩ thêm một pha thử “test”:
– Anh quê ở đâu?
Li muốn giấu cả quê nên lưỡng lự, trả lời chậm rãi:
– Nghệ An.
Bảo vệ phản xạ nhanh:
– Thanh Hóa chứ?
Li lừ lừ con mắt mở to hết cỡ ném sự tức giận sang phía bảo vệ. Người bảo vệ sợ, ép sát mép ghế với tư thế chống đỡ. Miệng anh ta phun thêm dầu vào ngọn lửa nhon nhen:
– Cơn khùng lên đánh cả thủ trưởng…
– Đủ rồi! – Bác sĩ trẻ miệng nói tay cầm bút hí hoáy viết.
Không xa phía cùng trong bệnh viện, tiếng rú, tiếng hét của người bệnh đập vào tai Li. Anh nghĩ, mình vào đây cũng trở thành điên mất thôi. Lỡ ra chúng bắt ở lại thật thì đứa con gái bé bỏng ở nhà ai trông? Nó thương em bé lắm. Mỗi lần cu em khóc nó đến bên nựng cho mẹ pha sữa. Mẹ nó phải giành thời gian chăm sóc cu em bị sinh non, oe oe nay chưa đầy tháng. Xa bố, ai cho nó ăn? Đêm nay ai ru nó ngủ? Lòng thổn thức muốn rời khỏi nơi này. Anh đứng dậy lững thững ra cửa. Bảo vệ đi theo quát nhỏ:
– Đi đâu vậy?
Bác sĩ cũng viết xong, cầm tờ bệnh án trên tay:
– Đi theo tôi.
“Ta phải nhập viện tâm thần thật rồi?”. Tức thì anh kêu toáng, xót đau, ai oán:
– Hãy tha cho tôi. Tôi không bị bệnh tâm thần. Hãy thả tôi ra! Con tôi còn bé, tôi phải chăm sóc nó. Không có tôi nó ở với ai? Con ơi…
Không ai lắng nghe Li. Tiếng kêu thất thanh của kẻ oan ức chỉ thêm củng cố chẩn đoán chắc chắn bệnh tâm thần.
– Đi! – Bảo vệ giục.
Li cứ đứng lì. Bảo vệ tức giận đẩy chúi nhào, suýt ngã. Li gượng lấy đà, bảo vệ lại đẩy tiếp cho nhanh. Li cựa quậy, vùng vằng, bảo vệ khóa tay anh lại. Tức giận với lũ xác người hồn quỷ, xử sự không phải tình người. Anh quát:
– Chúng bay mới là kẻ bệnh hoạn, kẻ tâm thần.
Li ngiêng ngó thật nhanh toan bứt chạy. Hành động này không những không cứu được anh mà nó càng thể hiện trạng thái của người bệnh tâm thần. Tới khu nhà B1, Li bị đẩy vào chiếc chuồng sắt cao hơn đầu người đã được mở cửa sẵn. Cánh cửa sắt nhanh chóng đóng sập, khóa tự động. Li như con hổ bị tách khỏi rừng, nằm bẹp, nhỏ thó như con chó sau một đêm canh gác mệt mỏi.
Choàng tỉnh dậy lúc mặt trời với cái nắng xiên khoai. Như vậy Li đã ngủ không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ và thời gian đã sang ngày khác. Vậy mà trong người vẫn thấy ngầy ngật, con mắt cứ tríu rũ, buồn ngủ. Có thể bệnh viện đã tiêm thuốc ngủ chăng chứ có bao giờ sau giấc ngủ dài mà cơ thể lại như thế này đâu. Nhớ lúc bị nhốt vào đây, trằn trọc mãi rồi thiếp đi lúc nào. Li thấy mông trái ngưa ngứa. Gãi không đã. Vạch quần xem thì thấy một nốt đỏ rẩn, ấn hơi đau. Vậy là họ đã tiêm thuốc ngủ chiều qua?
Người hộ lý mang đến một tô cháo trắng:
– Này, bây giờ ăn một chút cho đỡ đói nhé.
– Cảm ơn cô. – Li giả bộ tươi cười.
– Để tôi bón cho anh.
– Không cô ạ. Cháu tự ăn mà.
– Tôi bón cho. Anh tự ăn đổ mất!
Li chìa hai tay bưng bát cháo vững vàng từ tay hộ lý:
– Cô để mặc cháu. Cháu xin phép cô nhé.
Người hộ lý cười tin tưởng. Li húp hai hơi hết sạch tô cháo. Hộ lý vui vẻ:
– Anh ăn chút nữa nhé?
– Cảm ơn cô, cháu đủ rồi. Tối qua cháu bị tiêm thuốc ngủ mệt quá.
– Thuốc đắng giã tật. Thế mới khỏi được bệnh chứ!
– Cháu có bệnh gì đâu cô. Họ vu cho cháu bệnh tâm thần rồi đưa vào đây. Cháu có hai đứa con còn nhỏ dại ở nhà. Cháu nằm đây thì không biết con cháu sẽ ra sao?
– Thật vậy ư? – Người hộ lý ngỡ ngàng, độ lượng – Vậy thì vào cái chuồng cọp này làm gì cho khổ? – Nhưng chị thận trọng hơn – Nếu ra ngoài mà phá phách lung tung là người ta nhốt nữa đấy.
– Cô ơi cô hãy tin cháu. Cháu không phải tâm thần.
– Vậy à? … Được rồi để tôi đề nghị bác sĩ xem sao.
Có chút hồ vào người, Li thấy đỡ mệt. Tinh thần càng tỉnh táo cay đắng cuộc đời mới thấy thấm sâu hơn.
Sau giải phóng, những ngày đói khát người người dùng tem phiếu mới được mua gạo, nhu yếu phẩm, thức ăn hàng ngày. Người ta chạy chọt để được vào công ty nhà nước. Vì thế công ty vận tải Đại Dương mới nổi như cồn. Li được đào tạo ở nước ngoài cho chính cái ngành này mà không được vào ngành làm việc. Nhưng mãi rồi do thiếu họ phải nhận anh. Người mới nhận xếp ở khối thuyền viên dự trữ, nghĩa là sẵn sàng thay thế nhau để được làm việc. Nhưng đã bốn năm có dư, thay hết đợt này đến đợt khác mà chẳng đến lượt anh. Những thằng bạn cùng về có nhiều thằng học giỏi bằng anh đâu mà có đứa đã đi vài lượt, nên cửa nên nhà. Anh đi đàng hoàng quá. Cái cửa trước không giành cho anh. Trưởng phòng đã gán cho anh không chịu tự thân vận động, chỉ há miệng chờ sung nên chưa có hạt cơm bố thí. Chẳng lẽ trên đời này không còn sự công bằng nào chăng. Nếu mọi người đều chịu đi lòng vòng để tìm đến cửa sau thì xã hội này sẽ đi về đâu? Công bằng có bị đổ vỡ? Chân lý có bị mài mòn? Đang mông lung suy tư trong cái khung sắt chật hẹp thì y tá Liên đem thuốc đến:
– Bệnh nhân Li đâu? Uống thuốc.
– Cháu đây cô.
– Anh uống thuốc được không?
– Được cô ạ.
Y tá Liên đưa cho Li hai viên thuốc màu xanh to bằng chiếc cúc áo sơ mi:
– Thuốc đây.
– Dạ cháu xin cô. Cô ơi cho cháu ngủ giường được không? Nhốt ở đây khó chịu quá.
– Ra ngoài liệu anh còn đi lung tung nữa không?
– Thưa không!
– Vậy thì anh uống thuốc đi.
– Lát nữa được không cô?
– Ngay bây giờ, nước đây. Uống đi đã.
Y tá Liên nhìn chằm chằm hai viên thuốc trong tay Li và dõi từng động tác của Li. Bỏ trong lòng tay, vỗ vào mồm, Li cuộn ép hai viên thuốc xuống dưới đầu lưỡi, ngoan ngoãn cầm cốc nước ngụm một ngụm to, nuốt ực, cười xòa:
– Xong rồi cô.
– Thật không? Há miệng ra xem nào.
Li há miệng. Người y tá nhòm thấy cả một khoang trống ngoe ngoét màu xanh của thuốc, nên tin.
– Thưa cô, cháu có bệnh gì đâu. Họ vu cho cháu bệnh tâm thần rồi đưa vào đây.
Y tá Liên điềm tĩnh:
– Sao có được chuyện này? Ai lại dám làm cái trò đùa với lửa?
– Cô tin cháu đi. Sự thật dài lắm. Có thể rồi cháu kể cô nghe. Cháu thương hai đứa con còn nhỏ dại ở nhà. Cháu bị nhốt ở đây thì không biết con cháu sẽ ra sao?
– Thôi được. Việc nằm giường, tôi hỏi bác sĩ mà được thì sẽ mở cửa…
– Cháu cám ơn cô nhiều lắm!
Li về tới giường mới nhả hai viên thuốc còn xanh lẹt ở dưới lưỡi ra. Li xé mảnh giấy báo cũ gói lại, đút vào túi áo.
Trằn trọc nghĩ, Li thấy chán ngán cuộc đời và muốn trốn ngay ra khỏi cái “nhà tù” này. Thực sự anh vào đây là vào “tù”. Cái nhà tù đã bị họ biến tấu. Nó chỉ khác nhà tù thực sự ở chỗ không bị đánh đập. Những cặp mắt đã lia tới, đều mang lòng thương hại, ban ơn hoặc đe nẹt. Nhưng ai đã đẩy anh vào cái nhà tù bị lợi dụng trá hình? Anh chỉ muốn đồng tiền có từ bàn tay lao động của anh. Vợ anh đói. Con anh khát. Mọi người trông chờ vào anh, chính là trông chờ vào những giọt mồ hôi anh đổ xuống. Mấy năm qua một chút đồ đạc sinh hoạt hàng ngày sắm từ tiền tiêu vặt khi học ở nước ngoài, nay đã rủ nhau rũ bỏ ra đi. Chiếc quạt tai voi cuối cùng thay bằng chiếc Sóng Biển xuất xứ từ nhà máy cơ khí Duyên Hải, là đồ second-hand bày bán ở vỉa hè để có tiền mua sữa cho con. Anh chỉ muốn được làm việc bằng sức lực và nghề nghiệp của mình. Nên nhiều lần anh đến van xin phòng Nhân sự – Tiền lương. Nhưng nó là cái cổng thật sự hẹp. Cán bộ nào cũng mang bộ mặt lạnh như tiền. Hình như đã vào đây là phải thế? Họ là người lính gác cổng, thật sự trung thành với chức nghiệp, ta nhận được ra họ, lời: chờ. Li đã gắng, song lời anh không thể nào lay chuyển sự vô cảm.
Hành động bộc phát của Li là quá sai trái. Sự việc đã đến thế này thì còn bị dìm không biết đến bao giờ. Lý do ư? Họ có thừa. Lời giải thích cho hợp lý sự việc họ cũng có thừa. Có lẽ anh phải chuyển đi công ty khác.
Từ ngày công ty Vận tải Đại Dương được đi nước ngoài chở hàng hóa thì càng nổi tiếng tăm. Công ty mang tên tây, càng nổi hơn! Thằng nào gắn được cái mác “viễn dương” thì như có trong tay cái chìa khóa vạn năng, việc mở cửa lọt vào khe cửa ngỏ của những con nai vàng ngơ ngác không khó. Chẳng vậy, thằng Tâm, thợ may quần áo hóa thành thợ máy chấm dầu. Thằng Cường lớp bảy một nét thành lớp mười. Một bữa cơm thân thiện cũng trở thành đoàn viên thanh niên Cộng sản để lọt vào Công ty. Cái nghề quý như vàng, thì vật trao đổi ít ra cũng phải bằng vàng. Mà Li thì không có!
Một màu mây xám ập vào anh. Li muốn trốn thoát cuộc đời. Nhưng hai đứa con bé nhỏ kia có tội gì? Nó sẽ không có bố và cuộc đời của nó sẽ trôi về đâu?
Anh choàng dậy. Ánh trăng rọi vào anh như mời gọi. Ngắm trăng chán rồi ra ngoài ngắm trời. Trời yên tĩnh quá. Những cơn gió thoảng mát rượi. Phía xa thấp thoáng mấy tà áo trắng phất phơ của y bác sĩ trực như nốt chấm phá hời hợt trong cái không gian phẳng lặng giữa đêm. Li đi về phía hố tiểu lộ thiên sát bên tường bao quanh bệnh viện. Quan sát Li quyết định trốn viện. Li nhảy lên bức tường hố tiểu nhẹ nhàng. Lấy đà nhún, tay bấu được vào thành tường. Nhưng ngón tay chạm phải mảnh sành cắm bảo vệ làm đau nhói đến tận cẳng tay. Không để lỡ đà, Li co bàn chân đạp mạnh vào tường, rướn người trèo tới đỉnh. Thả người rơi sát chân tường. Lóp ngóp đứng dậy, Li men chân tường, qua bờ ruộng trống lên đường. Đường tịnh không một bóng người. Tắt Ngõ Cấm, Li thong thả về nhà. Có lẽ đã tới ba giờ sáng.
Dừng trước cửa buồng vợ chờ cơ hội để gọi. Tiếng thằng cu con ọ ẹ trở mình. Li gõ nhẹ cộc cộc vào cánh cửa rồi cất tiếng phào phào:
– Em ơi, anh đây.
Lén con, chị lò dò mở cửa giọng không mấy nhẹ nhàng:
– Anh đâu mà giờ này mới về?
– Có chút công chuyện giờ mới xong.
– Chuyện gì thì gì chứ, bỏ đi mấy ngày không thèm nói năng với vợ con được một câu sao?
– Anh có chuyện bất ngờ. Mà nó lại rắc rối không thể nào về ngay được.
– Không về thì nhắn – Chị vẫn cố chấp – Một lời cũng tiếc sao?
– Không có ai để nhắn chứ anh …
Vợ anh cướp lời:
– Mải với chai rượu…
– Anh có bao giờ nhậu nhẹt gì.
– Thì gái. Không say rượu thì say gái.
Li lại gần vợ, dàn hòa:
– Em đừng nghĩ thế. Nghỉ thôi. Cả xóm thức dậy bây giờ.
Vợ anh bật công tắc đèn. Anh sáng òa ngập cả gian buồng. Nhìn bộ mặt gầy rộc lấm lem, quần áo nhầu nát bẩn thỉu, mùi chua mồ hôi, mùi hăng hăng mốc meo và ngai ngái của cỏ phả vào cô. Cô trố mắt ngỡ ngàng:
– Sao thế này?
Anh vội vàng trấn an:
– Không sao cả.
– Không sao? Sao ở trên trời ấy. Chuyện gì mà anh lại ra thế? Anh nói thật đi!
– Không có chuyện gì cả. Em an tâm đđi.
– Tôi làm sao mà yên tâm được hả trời!
Cô cảm thấy như bị mắc lừa trước chứng cớ rành rành mà chồng vẫn cố tình lấp liếm. Lòng tin bị xúc phạm. Sự hờn giận bùng lên. Tủi hổ, cô ôm mặt sụt sịt:
– Anh lừa dối mẹ con tôi!
Li ngồi sát lại gần vợ hơn, tỏ vẻ biết điều:
– Xin mình! Tôi không có sao cả. Mình bình tĩnh lại đi. Tôi không bao giờ lừa dối mẹ con.
Nghĩ đến nỗi thao thức trong thời gian anh mất tích không hề một bóng chim tăm cá, cô không thể nguôi ngoai. Cái hàm răng vẫn còn sin sít tuy âm lượng như có điều chỉnh nhỏ đi:
– Không lừa thì cơ sự gì? Đánh nhau? Ăn trộm hay ăn cướp? Hay bị thằng chồng con nào đuổi bắt? Có gan ăn cắp có gan chịu đòn! Còn gì mà xấu hổ được nữa ư?
– Không có chuyện đó. Tôi van mình.
Nhìn cơ thể thiểu não của chồng, cô xót xa như chính mình đang bị. Nhưng vì sao đến nông nỗi này thì chồng lại quanh co. Điên cái nỗi chẳng nói ra để sẻ chia, bù đắp. Hai cái điên cộng lại, lòng yêu thương bị đảo chiều:
– Cái bàn tay rớm máu kia nó thật thà hơn anh. Nó nói thay anh đấy. Càng cố chùi càng lòi đuôi chuột. Miệng con vẹt thường hay dạy đời chân thực là thế.
Lời giận hờn như lửa bén, tướp táp cay sè lỗ mũi. Anh mím môi cố lấy sức ghìm nén, tìm một hơi thở thanh bình. Li nuốt nước bọt đánh ực. Nhưng sức nóng vẫn đủ làm vẩn đục khuấy động lòng anh. Li không còn hoàn toàn bình tĩnh:
– Cô im đi! Tôi khổ lắm rồi!
– Thì tôi sướng lắm phỏng? Cái ăn không đủ no. Cái mặc không đủ ấm. Tôi tần tảo nhọc nhằn cho ai, hở trời?
Vợ anh gục xuống gối, nức từng cơn. Nước mắt giàn dụa ướt cả mặt gối. Nhìn vợ, Li thấy thương vợ quá, ân hận quá. Anh quên cả thay đồ, đến bên giường ngồi sát, tay đặt lên bả vai cô, mong dành về cảm tình để nói lời thành thật:
– Mình này…
Vợ anh co người lại. Tay anh tuột xuống eo. Chị dãy nảy hất tay anh ra. Hình như lúc này chưa phải lúc để giải trình. Thoái chí, Li buồn đứng dậy sang chiếc giường nhỏ trống không, đối diện, ngả lưng. Cơ thể bây giờ cái mệt mới thấm tháp. Cơ bắp bị dằng kéo, khớp gối như nêm chèn. Cái đầu u u tê tái như đá đeo. Anh rối tri không nhận ra được đường đi. Nhắm mắt lại. Phía trước là một mớ bùng nhùng xám xịt, đen quặm. Li sợ. Mở mắt ra, một màu trắng mịt mùng nhòe nhoẹt bao phủ cả tâm trí quay cuồng không định hướng. Li ngồi dậy. Vợ hiện diện như nắm giẻ lau sắp vứt bỏ bị ném vào tận góc giường.
Cái ngày xưa vợ đâu có như thế! Một con người dễ cảm thông tha thứ. Tính bao dung ấy đã cải tạo được thói quen tật xấu ở ta. Đến như thuốc lá cũng bỏ được, điều bao lần ta thất bại. Không công ăn việc làm, lòng ta như lửa đốt. Vợ như cái điều hòa nhiệt, cáng đáng bao nhọc nhằn để ta ấm lại lòng tin con người. Bây giờ vợ rúm ró co ro, tong teo trong cô đơn, tủi hận. Vì đâu ra nông nỗi này? Vì ta!
Đứa con bé bỏng sóng xoài bên đụn tã. Đáng lẽ lúc này nó phải được ủ ấm trong vòng tay mẹ. Nhưng mảnh hài nhi suy dinh dưỡng kia chơ vơ dãy dụa chơi vơi. Vì sao con ta bị đọa đày? Vì ta! Ta là kẻ tội đồ không có bản án nào có thể giành cho lời tha thứ!
Nhưng ta, trong tâm trí, tất cả vì vợ vì con. Ta, kẻ đói khát xin ăn. Nỗi tủi nhục nhất trên đời là ăn bám. Không! Ta không xin miếng ăn sẵn có của bất cứ ai. Sức dài vai rộng miếng ăn của ta phải từ mồ hôi nước mắt của chính mình. Ta chỉ muốn được làm việc. Không làm việc là một nỗi đau. Nhưng nỗi đau nhất lại là quyền lao động bị tước đoạt.
Song ai đã ngăn đường chặn lối, tước đoạt của ta? Cái cơ chế tổ chức yêu quái kia, tay phải nó chặn người ngay, tay trái giữ quyền ban ơn mở cái rào chắn qua cửa hẹp cho kẻ thấp hèn chịu cúi cổ luồn qua. Nếu chỉ biết ngẩng đầu, có khi nào lọt được?
Ôi cái thế gian này chỗ nào dành cho lòng ngay thẳng? Ta bỗng hóa kẻ sống thừa! Đã bị loại khỏi hiện hữu với không gian bao quanh u ám mịt mù. Ta đã gõ cửa bao lần, nhưng những trái tim kia đã hóa đá tự bao giờ. Ta mở toang phá bỏ sự u tối, thì chính ta đã bị cầm “tù”! Lẽ công bằng cũng bị khóa kín. Phải đấu tranh, dù phải đánh đổi cuộc đời. Con sáo sậu kia, nó biết cấu cổ trong lồng giành sự sống cho đồng loại ngoài trời mới sải cánh bay cao!
Li cởi cái thắt lưng bằng da bò, lấy tay giựt, giựt. Cái thắt lưng này chịu đựng được sức nặng hơn nửa tạ mà Li mới chỉ hơn bốn chục kí-lô. Nghé mắt lên cái đinh thuyền đóng ở cái cột thường treo mũ, Li đứng dậy lấy tay lắc lắc. Nó còn rất vững. Nhòm xuống chân giường, cái ghế xổm vợ anh vẫn ngồi để nhặt rau để đó.
Vợ anh chắc là mệt lắm. Vừa bị đột ngột chấn thương tinh thần, mệt thiếp đi. Li tắt ngọn đèn sáng chói. Cả gian buồng tối thui. Li sờ xoạng ngoắc cái đầu thắt lưng vào ổ khóa rồi luồn qua đầu. Lóng ngóng, cái thắt lưng rơi xuống đất. Khóa thắt lưng chạm chiếc ghế ngay dưới chân anh đánh “xoẻng” . Li dừng lại nghe ngóng. Hình như tiếng thở của vợ anh nín lại. Anh khuỵu chân nhẹ nhàng sờ lôi chiếc thắt lưng tròng tiếp vào cổ mình, trèo lên cái ghế, kiễng chân, mắc cái thắt lưng vào cái đinh thuyền. Xong, Li xoay người về phía ngoài lấy chân hẩy cái ghế ra. Ngón chân Li lơ lửng đung đưa sát ngay trên mặt đất nền nhà….
Vợ Li tỉnh dậy. Cô dụi mắt một cái như bật nhớ ra, cô ôm chầm lấy con đang nằm trống hơ trống hớt. Tay bé đút vào miệng mút mút. Nước miếng đã thấm ướt nhoèn cả tất tay. Cô vội vạch vú cho con bú. Xoay người ra cô mới nhớ đến chồng. Vừa liếc mắt sang bức tường dọc, hình Li như dán vào tường, đầu rũ xuống. Mặt phị ra tím lim. Cô ôi ác thất thanh. Người chạy đến đẩy cửa vào, đưa Li xuống làm hô hấp nhân tạo. Nước tiểu Li đã thấm hết ra quần.
Người y tá phường, cùng dãy nhà tập thể, chạy vào. Anh lấy tay bóp mắt Li. Thả tay ra, anh buồn bã:
– Mắt mèo rồi. Anh ấy đã đi xa….

.                                                                       Tố Hoài

BÌNH LUẬN