. MÀU VẢI ÁO VESTON
. Tết Canh Thân năm 1980, nhân về Hà Nội, tôi qua làng pháo Bình Đà mua ít bánh pháo.
Chuyện, nhớ lại ngày nhận quyết định của Bộ Y tế để về dạy ở trường Đại học Y. Tôi ghé thăm người chú làm việc ở Tổng cục Dạy nghề ngay trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Chú nhòm tờ quyết định do Thứ trưởng, Giáo sư Bác sĩ Hoàng Đình Cầu ký rồi nhìn bộ quần áo sĩ quan quân đội cũ kỹ bạc màu mỏng manh tôi đang mặc, trước cái rét căm căm mà con mắt thương cảm, thành lời.
– Để chú đo vai áo cháu. Hôm nào có bộ complet vừa vừa, chú mua giúp một bộ. Quần sửa được chứ áo thì không…
– Cháu cảm ơn chú…
Lời chú làm tôi mủi lòng. Ở trường tôi, các em sinh viên ra trường, học từ Liên Xô, đông Âu về nhận công tác, em nào cũng phơi phới những bộ cánh rất modern. Ai có complet, hay bộ mode thì được cử đón khách hoặc đi lễ hội sang trọng. Còn với màu áo chiến chinh ám khói đạn lửa, tôi vẫn được quyền tự do đứng trong hàng vỗ tay hoan hô. Có lẽ thấy vẻ tôi ái ngại, chú thanh minh cho hợp với thời:
– Đó là những bộ quần áo cũ loại ra ấy mà. Cán bộ mượn mặc đi công tác nước ngoài về trả lại. Bộ mặc vừa, còn mơi mới họ mua lại. Vì thế cũng hiếm gặp dịp…
Nói thế thôi chứ trong lòng tôi cũng bừng cảm giác rân ran. Chú nhận ra nét ngồ ngộ không giấu nổi trên gương mặt niềm vui đần dại nên bồi thêm cho tràn sự sung sướng:
– Cháu có đi vừa đôi giày da của chú đây…!?
Lòng man mác, so chân. Nhận ra giày không hợp số đo. Giả vờ làm ra vẻ tự nhiên. Tôi cúi nhìn đôi giày vải cao cổ dã chiến hồi còn ở chiến trường đeo mang tới nay đã vẹt gót caochou. Hổn hển ra lời, hời hợt:
– Cảm ơn chú. Thế mà đôi này ấm lắm chú.
Chú động viên vớt vát:
– Ừ mà giày cũng dễ mua thô
Tôi nghĩ, có thể. Nhưng giá đôi giày bằng tháng lương thì lấy đâu ra. Vừa rồi, bỗng dưng xí nghiệp giày da tỉnh, nổi hứng phân cho trường mươi đôi da thuộc. Nhưng tiêu chuẩn đặt ra cho những ai về trường dạy đã lâu năm. Vài người trong khoa xì xào. Cô Minh Chiến kỹ thuật viên ngẫm thế nào mà tọc mạch:
– Khốn nỗi có người từ cõi chết trở về thì thời gian không được tính là đã sống…
Cậu Trần Cao Mô té nước đùa cợt theo cách công bằng:
– Không có bất cứ ai đem chiến trường đặt lên mâm cỗ!
Tôi ái ngại, vội bình lựng vô bổ cho không khí hài hòa:
– Tôi lại là người may mắn nhất! Chứ tiền giày mất gần tháng… chẳng lẽ… Con ăn bằng gì!
Nói thế, tôi vẫn có cách của mình. Dịp Tết này, nhất định phải tới Bình Đà mua pháo. Dư lãi, mình sẽ có cái veston cho nó lên cung bậc.
Xuống tàu hoả ở ga Si. Tôi cố sức guồng xe đạp xấp xỉ bốn chục cây số tới chợ Đô Lương cho kịp trước khi tan buổi chợ chiều. Dừng xe đạp bên cổng chợ. Treo vài bánh pháo vào đầu gậy, trương lên đầu xe. Trời mưa rắc bụi. Mảnh vải nhựa màu mật chỉ đủ che cho ba-lô pháo. Tôi kéo cổ áo luồn dưới chiếc mũ cối đội đầu cho nó ấm rồi bắt đầu rao:
– Ai pháo đây! Pháo Bình Đà đây!
Lúc này, người dân còn tin nhau hơn. Tuy nhiên lẻ tẻ cũng có thứ hàng giả. Nghĩ chuyện đó, tôi cất giọng khẳng định:
– Pháo Bình Đà thứ thiệt đây!
Mươi phút. Nửa tiếng. Chẳng ma nào ngó. Bên tai, tiếng xầm xì:
– Pháo giả đấy. Mi mua đi!
– Mi lừa choa! Biết giả mà còn xúi tau!
Cô gái đọc hình hài tôi:
– Coi dáng lão khờ khờ. Giọng thẹn lẹn. Lại mặc đồ bộ đội, có khi thiệt…
– Cả xứ Nghệ ni, đón Thủ tướng cũng đồ bộ đội. Đi hót phân tru cũng đồ bộ đội, nữa là đi buôn…
Hơi xịu buồn. Xấu hổ thực sự. Ý chí lung lay, toan hạ màn “mãi võ ” để chuồn thì có cứu tinh đến.
– Cháu về Tết khi mô? Bác ngỡ là ai!
– Chào bác Khang. Cháu qua Bình Đà mua được mấy bánh pháo, dùng dư…
– À rứa! Bác sĩ mần ri, thì quý hiếm lắm…
Như lửa đốt mang tai. Lên gân. Tôi ngượng ngập nói dối:
– Tiện, đâu lãi lờ chi, bác…
– Vậy thì bác mua hai bánh…
Tôi mừng rỡ cú mở hàng dễ dãi. Tức thì mấy cô gái dõi nãy giờ, xúm lại. Mồm dẻo quẹo, tán tỉnh mua cả ba-lô pháo này. Cuối cùng, một lời ban ơn:
– Thấy ế, mua dùm một bánh…
Vài chục phút sau, một bà xồn xồn tới, nằng nặc vin giá:
– Lúc nớ cậu bán có đồng ba mà giừ cậu lên giá những đồng rưỡi?
– Dạ. Bác nãy mua là người nhà – Ngượng ngịu – Cháu vừa bán… vừa biếu, lấy vốn chứ không hào lãi nào!
– Vậy à. Rứa hai cô gái trẻ nớ cũng lấy vốn luôn?
Lại bị bóc “phốt”. Bỗng tôi khôn ngoan lên:
– Dạ, bán mở hàng mà bác!
– Kẻ mua thua người bán! Thôi, cậu bán đi
Cứng họng, tôi đành bán giá vốn. Song đã đi buôn, phải biết chai mặt. Phải bám lấy trời đất mà kiếm lãi từng xu. Tôi quyết chống chọi với mưa Đông. Lì lợm trụ được hơn tiếng đồng hồ nữa. Mùa Đông, cửa trời sập đột ngột. Trời không còn thẫn thờ phun nước nữa. Gió chuyển hướng bổ sung, nước thành tay quan tòa rạch ròi lạnh rát. Vừa thu dọn vừa tự an. Thì chí ít cũng có bánh pháo cho vợ đón Tết đỡ phải mua giá chợ trời.
. Về tới nhà, vợ hí hửng hỏi:
– Anh có chi mà ba-lô phồng thế?
. Tôi vui vẻ thật thà:
– Pháo Bình Đà đấy!
. Vợ ngệt mặt, xịu lời buông thõng:
– Tha cái của ma ấy về mần chi?
. Tôi xuống giọng:
– Mình tiện, làm chút đỡ tiền tàu xe.
– Nỏ thà anh đem vài ba đấu gạo, con đỡ được bữa cháo bo bo!
– Kinh tế cả nước khá hơn mà?!
– Anh quan liêu rứa! Nỏ nghe “Năm tám mươi, gạo tám mươi, dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ ” răng?
Tôi nhẩm tính, tháng lương của mình mua chưa được ký rưỡi gạo, rồi nói:
– Số pháo còn đem để vốn cho anh chị em ở cơ quan đỡ túi tiền cho họ.
– Anh mơ tưởng rứa? Pháo Bình Đà ế hể. Dì Yêm mua giúp một bánh chưa có tiền trả còn để mô đó! Giừ chuẩn bị, bữa mai đưa con về ngoại sớm.
. Tiu ngỉu. Xác minh lời vợ, tôi sờ thùng gạo. Những hạt Bo–bo nằm bẹp dí tận đáy thùng. Bong bở cảnh ngộ… nên buột miệng hỏi:
– Chiều nay em cho con ăn gì?
– Cháo nấu sẵn. Có chi ăn nấy.
– Đói sao con chịu nổi?
– Quen rồi!
. Vợ chồng con cái kéo nhau về tới nhà ngoại. Ngồi chưa nóng chỗ đã thấy bác Khang tới, tay cầm bọc nhỏ. Tôi hí hửng. Người quê thường thế, mua của rẻ, hay cho quà biết ơn. Tôi xăn xởi:
– Bác có gì thế kia?
. Bác xịu mặt, nghiêm túc:
– Cháu thông cảm đi. Hai bánh pháo mua cháu, đốt một, xịt nghỉn. Mai, mồng một mà xịt thì xúi cả năm. Bác trả…
– Cháu nói bác để gác bếp cho nó khô, dễ nổ…
– Ờ ờ… thì cũng mần…nhưng đặt lên rương thờ cho nó có không khí Tết. Thắp hương, nến ấm suốt à!
. Tôi móc hầu bao trả lại tiền hai bánh pháo. Bác vẻ ngần ngại, tôi nói:
– Cháu xin lỗi bác. Lỗi này tại cháu. Bác cứ nhận cho cháu được thanh thản…
. Bác Khang đi rồi, mẹ vợ tôi nói:
– Con vô ni, mẹ nhủ.
. Tôi bước chậm chạp ngồi trước mẹ:
– Con ạ. Nhà mẹ nỏ có giống con buôn
. Tôi sững sờ. Mồ hôi hột toát ra. Mẹ tiếp:
– Cái giống con buôn nỏ khi mô, nỏ buôn gian bán lận! Từ sau đừng có mần cái trò nớ. Lỗ ni, ăn ở có xóm có giềng…
. Giật mình. Chững lại, bới trong đầu, nhìn mặt sau tấm huân chương… Bần thần, nặng nề, xách pháo gác lên bếp.
. Sớm mùng một, nhà mẹ vợ tôi, pháo nổ dài nhất xóm. Xác pháo loang lổ, dù không, nó vẫn nhuốm màu máu rỉ giống mảnh vải áo veston te tua trong đầu tôi.
Bánh pháo bác Khang phải đốt sau cùng. Cũng may, nó nổ đùng đùng.
Tôi thở phào.
Mẹ vợ tôi hé nụ cười. Không rõ nụ cười mừng năm mới hay mừng bánh pháo bị trả về, vẫn nổ vang!?
. TỐ HOÀI
–