B Ộ T Ứ
Truyện ngắn của HƯƠNG NHU
BỘ TỨ là truyện ngắn hay in trong tập HOA HỒNG Nxb Thanh Niên, 2012 và tập truyện ngắn chọn lọc Ở NƠI BÃO TỐ, Nxb Thanh Niên năm 2016.
Chủ đề tư tưởng truyện, chống ngạo mạn của thói “ đồng phục”. Nói như Gs Nguyễn Mạnh Thuyết “… nó đã tàn phá xã hội một thời!”. Thông qua việc xây dựng “bộ tứ” ở một trường phổ thông bé tí của một xã nhỏ nông thôn. Chỉ vì ý thức lợi ích nhóm mà hiệu phó đã dùng mọi thủ đoạn nhằm loại trừ một cô giáo có năng lực thu hút quần chúng ra khỏi “bộ tứ”. Dù cô là người vô tình mới được bầu làm Thư ký Công đoàn với lá phiếu đại hội cao tuyệt đối, nhưng lại nằm ngoài mưu toan cơ cấu của anh ta.
Nhà văn Hương Nhu xây dựng nhân vật có cá tính khá điển hình tạo từ một cơ chế xã hội. Nhân vật phản diện nhỏ nhen, lố bịch đến ngô nghê. Song không bị lên gân, cường điệu như AQ hay Chí Phèo.
Kịch tính dựng ngay từ suốt đầu câu chuyên. Liên tục thành cao trào đến nghẹt thở khi xuất hiện bức hình được vẽ bằng gạch non trên tường hố xí. Dòng chảy văn chương chuyển hướng người đọc từ nghi ngờ này sang nghi ngờ khác! Cái nút thăt òa vỡ bởi một tang chứng tin cậy, logic. Khi cho chính thủ phạm bộc lộ hành động tiếp diễn của nó.
Thường lệ, sự náo động cửa buổi sáng quanh nhà Thảo, bắt đầu bởi các loại tiếng két két… rít kít… của những chiếc xe thồ đầy các loại rau ra chợ. Tiếp theo tiếng gà gáy râm ran kéo mọi người, trong đó có Thảo ra khỏi giấc nồng. Nhưng sớm nay cô phải đi họp Công đoàn ngành Giáo dục trên huyện nên vặn đồng hồ báo thức đúng vạch con số năm mới kịp thời gian bữa sáng cho cả nhà.
Thảo vừa mới nhậm chức Thư ký Công đoàn trường. Trường có lớn gì cho cam trong cái xã bé nhỏ này. Nhưng nó cũng phải đủ lệ bộ, nhất là bộ tứ.của trường. Thảo còn nhớ lời Hiệu trưởng đến nhà nói: “ Cô Tháo ạ, hiện anh Độ mới được bổ nhiệm làm hiệu phó, nên chân Thư ký công đoàn bị khuyết. Suy đi, nghĩ lại tôi thấy cô phải giữ chức vụ này!” Thảo ngỡ ngàng: “ Thưa bác…”. Ông cố ngắt lời: “ Khoan để tôi nói hết. Vì ở cô năng lực cũng có mà uy tín với các thày cô trường ta cũng có, nên tôi thông báo để cô chuẩn bị tinh thần nhận trách nhiệm”. “Dạ thưa bác, kinh nghiệm làm cái…lãnh đạo tôi chưa có. Mà cháu bé còn quá nhỏ. Chồng bộ đội xa nhà. Một mình vật lộn với công việc đứng lớp với việc nhà vẫn không đủ thời gian…”. “ Tôi biết. Lý do của cô rất chính đáng. Nhưng mình cũng phải vì phong trào, vì trường ta mà khắc phục!”. Thảo đưa đủ mọi lý do từ chối, nhưng vì cái trường ta, cô không muốn để ông buồn nên lấp lửng “ Bác cho tôi suy nghĩ thêm”. Tuy nhiên ông ra về với tâm trạng vui vẻ và thoải mái. Thế rồi hôm bầu bán, Thảo trúng thật. Với số phiếu gần như tuyệt đối.
Vậy mà, hôm qua ông Độ, khi thấy mình đứng với cô giáo Sen, đã ngỏ mở câu quá tầm thách đố, xanh rờn hết cỡ “ Này cô Sen, có thích làm cán bộ thì phải phấn đấu, gương mẫu tốt hơn nữa đi nhé ”. Sen chẳng vừa:“ Cái mả nhà tôi, chưa phát để làm cán bộ. Mà ai nói với anh, tôi thích làm cán bộ?”. Độ cố vớt vát: “ Chẳng riêng gì cô đâu! Ối kẻ thích đấy.”. Có lẽ lời bông đùa không đúng lúc, chạm vào lòng tự trọng nên Sen tiễn Độ bằng cái nguýt dài kèm lời đầy ấn tượng:“ Sao mà có kẻ mê mẩn ham hố làm kẻ chỉ đường đến thế!”.
Chuyện đó làm Thảo nghĩ miên man tới bây giờ. Buổi họp bầu bán ấy, có làm Độ tức tối? Anh ta cảm thấy mất sĩ diện khi người mà anh giới thiệu là Khàn bị ít phiếu quá. Độ suy nghĩ đến nóng mặt bỏ cả bàn tổ tôm tối vốn thích. Anh uống liền ba ly rượu suông, tức tốc đến ngay nhà Hiệu trưởng:“…Cô Thảo năng lực đấy. Song cô ấy con cái, nhà cửa bận thế sao mà làm được?”. Vốn tính Hiệu trưởng cả nể, ông cười cười:“ Biết thế, nhưng tôi không thấy ai hơn”. Độ đưa ra đủ lý do khó khăn của Thảo. Vòng vo mãi, cuối cùng thì Độ cũng nói ra được cái lý thật lòng hơn cả: “Cô ấy làm công đoàn thì bộ tứ làm sao có sự nhất trí cao!”. Hiệu trưởng ngần ngừ một chút rồi như phân bua: “… Công đoàn ta vừa rồi chưa thật đủ mạnh. Về phía nữ giới có gì đó chưa thực sự phát huy hết năng lực. Cô Thảo có khả năng tập hợp được chi em…Mà ta cần phong trào. Trường ta đang cần cái ấy…Giờ thì bầu rồi!”. Độ cũng cố bảo vệ cái lẽ vi công của mình: “ Bầu thì có sao! Bộ tứ nhất trí cao mới là quan trọng! Phong trào cũng cần có sự nhất trí cao. Cô ấy ngoài luồng.. .thì làm sao cao được…?”
Thảo qua cổng trường để về nhà. Ở cổng đã có vài giáo viên nữ đón đợi. Thấy Thảo dừng xe, một cô giáo tới cầm ghi đông xe của cô, mừng rỡ:
– Ôi chị Thảo vào đây đã. Hôm nay trường ta có cuộc họp giáo viên bất thường. Ông Độ bảo chúng em ra đón chị ở đây.
– Mọi người đủ cả rồi. Còn chờ chị nữa thôi!
Thảo nghĩ đến cái chức vị Thư ký Công đoàn mà đắn đo. Song lại có một chút nghi ngờ:
– Cuộc họp gì mà tôi không được báo trước. Mà sao tôi trở nên quan trọng thế? Thiếu tôi không họp được à?
– Chúng em không biết. Chỉ thấy ông Độ bảo thế, chị a.
Thảo tới gần cửa, đã nghe thấy ông Độ nói to:
– Đồng chí Thảo về rồi. Mời vào họp thôi, các đồng chí.
Thảo có ngay một cảm giác cuộc họp này do ông Đô chủ trì chứ không phải Hiệu trưởng. Mà thật vậy. Ông Hiệu trưởng chỉ đứng lên giới thiệu. Thế là ông Độ vào cuộc:
– Thưa các đồng chí. Hôm nay trường ta có cuộc họp bất ngờ này là do có một sự việc thật bất ngờ xảy ra. Nếu không chấn chỉnh tư tưởng và dẹp ngay, thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến danh dự chẳng những của cá nhân mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của giáo viên rồi cả học sinh nữa…
Bỗng có tiếng xì xào:
– Có gì mà quan trọng thế không biết?
– Đề nghị các đồng chí trật tự – Độ cau có – Người nói phải có người nghe. Đây không phải là cái chợ.
Một cánh tay giơ lên:
– Tôi có ý kiến. Có chuyện gì đồng chí cứ toạc móng heo ra. Việc gì cứ vòng veo con mèo ra con chuột?
Một cánh tay nữa giơ lên. Thì ra anh Khàn. Mọi người vẫn gọi Khàn hâm. Anh đứng, lưng hơi khòng, hai tay xoa xoa vào nhau đúng như kiểu mỗi lần anh gặp cấp trên. Giọng Khàn cố vẻ hảo hớn:
– Thế này các đồng chí ạ. Buổi sáng nay, trước lúc vào giờ học đầu tiên, tôi ra nhà vệ sinh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy hình vẽ bằng gạch non trên tường. Hình vẽ ấy nội dung gì, các đồng chí biết không?…
Không biết có phải do cái giọng khàn hay cái động tác xoa tay xun xoe biểu diễn, làm cho chị em nhìn thấy ngán mà không chú ý lời Khàn hâm nên tiếng xì xào bỏ ngoài tai lời mô tả. Khàn lặng đi một chút như chờ sự im lặng. Nhưng rồi, tiếng thầm thì lại lan ra. Những cái đầu cứ chụm nhau mà khúc khích nữa chứ. Mặc. Khàn cố át cái ồn ã ấy:
– Bức vẽ rất đậm nét. Vẽ một khuôn mặt đàn ông từ vai trở lên. Với khuôn mặt vuông chữ điền rất phương phi. Hai má bự, xệ xuống. Mồm thì dề toạc ra. Nhưng hai mắt lại ti hí. Trên cái đầu ấy, đội một chồng gạch có tới mười viên…
Cả phòng họp tiếng cười òa vỡ. Các giáo viên nữ như không thể nín cười, xúm xụm với nhau mà cười. Có tiếng nói lớn:
– Vẽ bậy ra nhà vệ sinh thì có gì phải họp? Tưởng gì! Thật hâm cả lũ.
Tiếng cười vô tình làm Khàn hâm khẳng định tài phô diễn của mình. Anh cao hứng:
– Nếu dừng lại ở đó thì người ta chỉ đánh giá kẻ nào vẽ ra nó không có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch đẹp môi trường thôi. Đằng này còn sự việc tai hại đến chết người nữa. Các đồng chí có biết đấy là cái gì không? – Anh chuyển động tác, đưa tay lên vạch vào không khí – Đấy là cái mũi tên dài đâ-ậm…
Khàn dừng lại mong một sự tập trung chú ý. Nhưng chính nó vô tình phản cảm làm sự chán ngấy tăng lên:
– Gớm! – Tiếng từ cử tọa – Tả mãi. Không cần. Nói hết đi.
– Mũi tên dài- Khàn tiếp – To-o. Đậ-ậm. Kèm theo dòng chữ cũng đậm nét không kém. Độ! Hàng đi chứ!
Nét mặt Độ đang hồng hồng căm tức, lúc này tai tái hẳn. Cái miệng bặm lại làm cằm bạnh ra, gườm gườm trở về trạng thái vốn có của một kẻ nghiện rượu đi vào cơn nghiền, đậm vẻ căm tức điển hình. Không biết ông căm tức ai? Song mức độ căm tức lộ hẳn ra ngoài làm bản mặt xám xịt nâng dần tới độ xám ngoét. Mọi người nhìn ông ai cũng im cho cái vạ ấy khỏi lan tới thân mình. Và được thể Khàn hâm nhấn nhá:
– Các đồng chí thấy có tệ hại không? Làm mất danh dự của đồng chí bí thư chi bộ kiêm hiệu phó của một trường tiên tiến. Đấy có phải là hành vi thiếu văn minh, thiếu đạo đức cần phải trừng phạt không? Tôi về gọi đồng chí Đô và đồng chí hiệu trưởng ra xem. Các đồng chí ấy rất tức giận và thống nhất phải tìm cho ra thủ phạm của bức vẽ này!
– Tôi có ý kiến – Một cánh tay trẻ giơ lên. Anh là cháu ông Độ mới được nhận về trường. và anh được cử làm bí thư thanh niên. Anh nói chậm như đọc một bài học thuộc lòng chưa thuộc lắm – Tôi đồ…ồng ý với nhận xét của đồng chí Khàn. Nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh tư tưởng, không trừng phạt ngay thì e, e rằng sẽ ảnh hưởng vô cùng xấu tới uy, uy tín của đồng chí Độ, trước giáo viên, trước toàn thể học sinh, trước toàn thể phụ huynh…nữa.
– Đủ rồi đó – Lời cắt ngang đưa lời phán đoán – Trẻ con nó vẽ thì cứ ngồi đây mà bàn nhau tìm ra thủ phạm à?
Tiếng khác đồng tình:
– Đúng là trẻ trâu chui vào vẽ bậy rồi!
Ngay sau tiếng cười ồ, Độ đứng phắt dậy:
– Không phải trẻ con. Tôi khẳng định 100% là thế. Trẻ con làm sao có thể vẽ giỏi được như vậy? Bức vẽ này phải là người vẽ giỏi mới lột tả được cái nham hiểm như vậy.
Khàn muốn củng cố lời khẳng định của bí thư nên khẽ nháy Đô. Anh để tôi – Khàn đứng dậy:
– Tôi và anh Độ đã xem xét, suy nghĩ kỹ càng. Thử hỏi trong giáo viên chúng ta ai vẽ giỏi như vậy, ngoài đồng chí Thảo ra? Các đồng chí có nghĩ như vậy không?
Không khí cuộc họp hình như có lắng dịu. Các con mắt đều đưa về phía thủ phạm vừa mới được xác định. Có con mắt lo toan vừa ngạc nhiên vừa ngỡ ngàng. Lại có những con mắt ngờ ngợ trước sự việc xảy ra mà kết cục đáng cho họ nghi ngờ! Hình như thời gian đang nén lại cho một sự đợi chờ, để phá bung cái màn đen đang bao phủ. Sự nặng nề đều dồn lên đầu Thảo chờ sự việc được sáng tỏ. Thảo đĩnh đạc đứng lên:
– Thưa các đồng chí. Tôi thực sự bất ngờ. Rất bất ngờ nữa là đằng khác trước sự việc rất bỉ ổi như mấy ý kiến vừa trình làng. Tuy nhiên nó mơ hồ. Tôi chưa biết bức vẽ được gọi là chân dung đồng chí Độ ở nhà vệ sinh theo đồng chí Khàn mô tả nó đẹp đến mức nào và nó giống đến mức nào, mà ai ngồi đây cũng ngỡ ngàng về nó. Tôi đề nghị trước hết, chúng tôi được ra hiện trường mới có thể biết thêm về sự thật nó ra sao?
Độ gạt đi:
– Không cần thiết phải ra nữa. Chúng tôi đã xem xét kỹ cả rồi.
– Thưa các đồng chí – Thảo khảng khái hơn – Ghép cho ai một tội gì cần phải có bằng chứng. Đó là điều tối thiểu cần của pháp luật. Ta không thể mơ hồ kéo nhau trong cái bọc ấu trĩ. Vì thế phải lấy pháp luật làm điểm tựa.
– Đúng rồi đó!
– Đúng rồi!
– Ta đi thôi!
Phòng họp nhao nhao, ồn ã. Nhất là các chị em đều muốn được nhìn rõ xem sao. Lúc ấy, ông Hiệu trưởng cất tiếng:
– Tôi đề nghị các đồng chí nên ra hiện trường cho tỏ tường.
Mọi người đứng cả lên kéo nhau ra nhà vệ sinh nơi có vẽ bức chân dung. Ai cũng buồn cười. Có người bịt mũi. Không rõ tại mùi ô uế bay ra, hay cái hình hài đặc tả dáng ông Độ hơi bị khuếch đại cho nó đủ độ đặc trưng…Còn Thảo thì ngoẹo đầu, ngoẹo cổ ngắm nghía như để tìm ra cái mới khác biệt, mà tính nghệ thuật của bàn tay giáo viên dạy họa đã trở thành chuyên nghiệp. Thảo nhếch mép cười, phán xét bức vẽ:
– Nét vẽ khờ khạo non nớt thế này mà lại khen là vẽ giỏi á? Chả lẽ nét vẽ của tôi lại ngờ nghệch thế này sao? Chắc đó chỉ là nét vẽ của một kẻ mới tập vẽ mà đồng chí Khàn cố tình thêu dệt vào cho đồng chí Độ…
Độ hậm hực phản ứng:
– Đồng chí kiêu căng sớm quá đấy! Để rồi xem.
Thảo tiến lên một bước sát bậc thềm nền hố xí. Cô vô tình nhìn xuống góc nền. Có một mẩu gạch non. Với con mắt hội họa chính trực, cô hiểu ngay, đó là cái quẹt đã quẹt ra cái hình kia của một họa sĩ bất đắc dĩ vô tình vất đó. Thảo reo lên:
– Đây rồi! Đây rồi! Các đồng chí nhìn kìa. Tang chứng đây! Thủ phạm đây rồi! – Thảo chỉ tay về phía mẩu gạch, cố nhấn mạnh khi mọi người còn ngơ ngác – Thủ phạm mà các đồng chí đang mất công nghi ngờ đi tìm đấy.
Khàn rẽ đám người định vào nơi có mẩu gạch non. Thảo nhanh ý ngăn Khàn lại:
– Không được! Không được làm mất dấu vết của tang vật. Hãy giữ nguyên hiện trạng. Khỏi phải cãi vã. Khòi phải nghi ngờ. Nó sẽ là câu trả lời chính xác nhất, trung thực nhất vạch mặt kẻ gian manh Là cái mối gỡ cho mọi sự chụp mũ, áp đặt. Tôi đề nghị bác Hiệu trưởng cho giữ nguyên si hiện trường. Xin hãy cử đồng chí Khàn cho yên tâm. Có thể thêm đồng chí bí thư thanh niên cho đủ bộ… Vì các đồng chí ấy đã có công tìm ra bức chân dung đồng chí Độ nên điều này là hợp lý. Còn tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm đi mời công an về khám nghiệm hiện trường và điều tra sự việc. Mong trả lại sự trong sáng cho người chân thực và vạch mặt kẻ gian tà. Kẻ bỉ ổi đã đang dần dần lộ diện…Vì thế mọi hành vi nhằm xóa dấu vết là đồng lõa với tội đồ với kẻ xấu, là việc làm phạm pháp.
Mọi người như không còn gì để nói nữa nên tản mạn ra về. Khàn ở lại ngó nghiêng rồi len lén vào hố xí, khẽ lấy mũi giày ẩy mẩu gạch non rơi xuống lỗ hố phân.
. HƯƠNG NHU