Đoàn nhà văn TPHCM đi thực tế ở Tây Nguyên, tháng 10/2019

0
459

Đoàn nhà văn Tp.HCM đi thực tế
ở Tây Nguyên, tháng 10/2019

Từ ngày 22/10 đến 29/10/2019.  Đoàn Nhà văn Tp.HCM gồm 24 hội viên tham gia  chuyến thực tế sáng tác ở Tây Nguyên qua các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
.  Nhà thơ Lê Thị Kim – Trưởng Ban Nhà văn Nữ  làm trưởng đoàn. Và các nhà thơ Trần Mai Hường, Đặng Nguyệt Anh, Trương Tuyết Mai, Lê Văn Duy, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Kao Sơn, Nguyễn Khắc Pha, Vũ Xuân Hương, Phạm Đình Phú, Bùi Phan Thảo, Võ Văn Nhơn, Tố Hoài, Thu Nguyệt, Hương Thu, Huệ Triệu, Nguyễn Thu Trân, Nguyễn Thu Phương, Khánh Hội, Võ Miên Trường, Nguyễn Minh Hồng, Phùng Hiệu, Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến, Nguyễn Thanh Hoa…
.                                                                                                   
Ảnh: Phùng Hiệu
.    Đoàn đã qua Tà Đùng, đỉnh của cao nguyên Di Linh thuộc tỉnh  Đắk Nông. Đến Buôn Đôn của thành phố Buôn Mê Thuột. Giao lưu với Trường Đại học Tây Nguyên , trường Phổ thông Hoàng Việt và một số Buôn làng của đồng bào miền núi.

Sau đây là bài ký của nhà văn Tố Hoài khi đoàn ở Đắc Nông

 

                                   VỀ MỘT VÙNG ĐẤT HỨA

.                                       Bút ký của Tố Hoài

       Chiếc xe car chở 24 nhà văn của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh hòa trong dòng xe bon bon trên quốc lộ 14 hướng về thị xã Gia Nghĩa. Tôi nhận ra gương mặt háo hức của những nhà văn đã từng lăn lộn trên chiến trường này ngót nửa thế kỷ trước. Đó là nhà văn, nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Lê Văn Duy, cựu đại tá quân y, nhà thơ, bác sĩ Phạm Đình Phú hay sau này, nhà báo, nhà thơ Bùi Phan Thảo… Tôi cũng bồi hồi khi xe mỗi lúc lăn bánh tới thị xã gần hơn.
Hiện ra trước mắt, những mái nhà tươi màu ngói đỏ, xen những ngôi nhà hình hộp ngất ngưởng mà năm chục năm xưa, khó lòng tìm thấy. Thị xã Gia Nghĩa hôm nay khang trang gấp nhiều lần. Sự thay đổi có lẽ không dừng lại ở ngôn từ thay da đổi thịt mà có thể nói ở mức hoành tráng hơn nhiều! Sự thay đổi này lớn lao làm tôi nhớ lại những ngày tháng 3 năm 1975 đã ghi vào ký ức không thể phai mờ.
Dưới thời chính quyền Việt Nam cộng hòa, thị xã Gia Nghĩa là thủ phủ của  tỉnh Quảng Đức. Từ khi toàn tỉnh Phước Long được giải phóng thì quân lực Việt Nam cộng hòa, không chỉ ở Quảng Đức mà ở cả Tây Nguyên bị rúng động. Mặt trận Dân tộc Giải phóng đang ỏ thế tiến công như vũ bão.  Sáng ngày 10 tháng Ba, Sư đoàn 10 quân Giải phóng Tây Nguyên, tấn công tuyến phòng thủ Đức Lập, chiếm căn cứ sư đoàn 23 và căn cứ Núi Lửa của địch. Cũng ngày này, ta chiếm quận lỵ Đức Lập, Đắc Săk, Đăk Song.  Cả tuyến phòng thủ phía tây nam Buôn Mê Thuột của địch hoàn toàn bị phá vỡ. Địch sợ hãi bỏ các căn cứ Đức Xuyên chạy về Đà Lạt, bị ta chặn đánh tơi bời. Huyện Đức Xuyên được giải phóng. Đến ngày 22 tháng Ba địch phải bỏ Gia Nghĩa chạy về Đà Lạt. Lại bị ta phục kích đánh chặn, địch tan tác bỏ chạy vào rừng.
Nồi vui mừng không thể nào tả xiết, ngày 23 tháng Ba năm 1975 đoàn quân Giải phóng tiến vào thị xã Gia Nghĩa dưới nền cờ xanh-đỏ sao vàng của Mặt trân Dân tộc Giải phóng rực rỡ rợp trời trong sự thanh bình cởi mở. Những nụ cười và nước mắt của niềm vui hầu như đọng mãi trên gương mặt mọi người! Cho đến giờ này nhìn Gia Nghĩa lòng tôi lại thấy vui lâng…
Ngay sau giải phóng, tháng 11 năm 1975, huyện Kiến Đức và Khiêm Đức hợp nhất thành huyện Đăk Nông cùng tỉnh Quảng Đức sáp nhập vào tỉnh Đăk lăk.
Rất tiếc là, điểm dừng của đoàn nhà văn không ở Gia Nghĩa. Xe chỉ chầm chậm cho chúng tôi “cưỡi ngựa xem hoa”. Điểm dừng theo kế hoạch, ngày đầu tiên ở Tà Đùng, nơi mà phó đoàn lo cơm áo, gạo, tiền, nhà thơ Trần Mai Hường nhấn mạnh, là điểm nhấn trong chuyến đi.
Tà Đùng với độ cao khoảng 1900 mét, có thể gọi đã nằm trên đỉnh cao nguyên,  thuộc huyện Đăk Giong của tỉnh Đăk Nông. Đứng ở nơi này, mãi, chúng tôi mới nhận ra vị trí của nó.
Dạo ấy, đã ngót nửa thế kỷ rồi, chúng tôi là những anh giải phóng quân trẻ măng, mới chỉ học xong đại học hay đang học giở dang, chưa một mảnh tình vắt vai, theo cha anh đi chống giặc ngoại xâm. Lưng gùi ba-lô, vai đeo súng đạn quân hành ba bốn tháng trời mới vào tới nơi này. Ở trong rừng bạt ngàn, thích thú tìm cây nhưng chỉ nhận ra được ít tên cây như Bạch tùng, Đinh tùng, Trà hoa vàng, Thích hoa đỏ…Nhiều khi tiếng hú não nùng của Vượn, tiếng hót của Chà vá, Cu li.. gợi nỗi nhớ nhà da diết.  Song ngay trên đầu mình, tiếng hót của Họa mi, tiếng gù của Cu gáy, tiếng ca của Chích chòe lửa làm nên bản tình ca tuyệt mỹ đã xua đi nỗi buồn và cái đói nhà nhàu xát ruột, để trở về với công việc hàng ngày.
Có những lúc thế giặc rất mạnh. Nhưng có thế trận lòng dân còn lớn hơn nhiều. Chúng tôi được các má người Châu Mạ, K’Ho, H’Mông… dưới chân núi Tào Dung che chở, ấp iu, nuôi nấng…  Vào những ngày sáng trời, hoa dã quỳ nở rộ như vàng trải dưới chân, nhìn lên đỉnh Tào Dung, chúng tôi chiêm ngưỡng một màu xanh ngút ngát và mơ một ngày được lên tới đỉnh.
Hai tiếng Tào Dung được nghe từ người Châu Mạ. Còn người Kinh thì cái tên Tà Đùng được nhắc nhiều hơn. Hai từ ấy có là một? Âm hưởng cứ xoáy vào tâm tư một hồn thơ mơ mộng. Tôi hỏi một già làng người Châu Mạ, tên ấy với ý nghĩa gì?  Già làng ngước lên đỉnh Tào Dung. bâng khuâng như nhớ về một thời xa lắc. Chuyện từ ông cha kể lại rằng, ngày xửa, ngày xưa, nơi đây là một vùng đất, mà tiền bối đã chứng kiến ngọn núi lửa Chư Bluk tuôn trào. Đất cát liên tiếp tung tóe, bầu trời tới hàng tháng, hàng năm  mịt mờ khói bụi. Đất đỏ đã lấp đầy những vùng đất trũng tạo nên những cánh đồng mênh mông tươi tôt.  Nhưng mỗi lần mưa xuống, cả một vùng như biển cà, con người lâm vào khổ nạn, không chỗ bấu víu nương thân. Thương dân buôn cùng cực, có già làng tên là Tang Klao Ca, vượt suối băng rừng tới gặp anh em thần Dit và thần Dri cứu giúp. Hai thần nhận lời đến thần cai quản biển cả là Cột Vồng xin vài ngọn núi về làm nơi nương tựa mỗi khi ngập lụt. Hai vị thần đã dùng dây mây kéo hai hòn núi về đặt cạnh nhau gọi là núi Cha và núi Mẹ. Dân buôn làm lễ tiệc tạ ơn mừng vui gần tới sáng. Bỗng một trận bão tuyết rơi xuống phủ khắp buôn làng. Lạ thay, đồ cúng và thức ăn cũng đều hóa đá. Nhưng rồi đêm ấy, già làng lại nhận được thần cai quản tên Siêng Rút báo mộng, do không mời thần Ba Trạ (nơi trú ngụ của loài chim phượng) nên thần đã làm bão tuyết và hóa đá trong cơn nổi giận. Một lần nữa, dân làng lại tổ chức lễ, cúng thần Ba Trạ, tạ lỗi. Từ đó trên núi cây cối xanh tươi. Đặc biệt ở núi Cha mọc nhiều cây mía to đến mấy người ôm. Người Châu Mạ gọi là B’Nâm Tào Dung, có nghĩa là núi có cây mía to.
Tôi có thể tin nguồn gốc hai tiếng Tào Dung từ truyền thuyết của người Châu Mạ. Sự biến âm gốc rất dễ xảy ra khi sự giao thoa giữa nhiều ngôn ngữ khác nhau. Và Tào Dung thành Tà Đùng là điều có thể!
Một ước mơ nho nhỏ sau gần nửa thế kỷ. Tôi cùng đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đến Tà Đùng đã quá ngọ. Mọi người xuống xe. Không ai bảo ai nhưng tiếng “ồ!” òa ra cùng lúc như tiếng reo khi trái banh trên màn ảnh nhỏ đã lọt qua khung thành đối thủ. Cứ tưởng đây là rừng hoa bát ngát. Song nhận ra ngay bởi bàn tay con người đã tạo dáng hình. Những mảnh vườn to như  nương rẫy, liên tiếp nhau thành những mảng màu hoa trắng, vàng, tím, đỏ riêng biệt. Những nương hoa này, dưới bàn tay thiết kế và chăm sóc của người phụ nữ Châu Mạ. Chị là vợ của một chiến sĩ giải phóng quân người Hà Nội. Khi anh làm xong nghĩa vụ quân sự trở về, nhớ lời thề trước cô gái đảm, anh đã tự nguyện rời Hà Nội về đây kết duyên cùng chị. Với tấm lòng yêu thiên nhiên, đất nước, bằng trí tuệ, và đôi tay cần mẫn, vợ chồng anh đã về vùng đất hứa, tạo nên một cơ ngơi khang trang và hoành tráng, một địa điểm du lịch đáng trân trọng.
Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cảnh trí thiên nhiên đang bày ra trước mắt. Những ống kính trên tay đã mở sẵn. Những ipad, iphone… màn hình như đồng loạt hướng về những vườn hoa đang khoe sắc tươi màu.
Chúng tôi đứng trên đỉnh Tà Đùng nhìn xuống một “Hạ Long” thu nhỏ mà tạo hóa đã bài trí. Lòng hồ Tà Đùng với 47 ngọn đồi nhỏ đầy cây lá xanh tươi nhấp nhô kéo từ dưới chân, trải ra mặt hồ hơn 3000 herta, tới con suối đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai. Thấp thoáng trên mặt hồ, vẫn thấy những ngư dân đánh bắt cá và nuôi cá lồng.  Xung quanh là nhưng nương cà phê, nương hồ tiêu, nương chè nối nhau dài tít tắp. Xa hơn, phía sườn núi đâu kia là những buôn làng các xã Đăk P’lao, Đăk Som. Đăk R’Măng của người Mạ, người H’Mông, người K’Ho… lấp ló tỏa khói như sương chiều.
Thực ra, nơi chúng tôi đang dừng chân rất nhỏ nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng rộng đến hàng chục ngàn herta, với độ che phủ rừng lõi chiếm quá 4/5, trong đó rừng nguyên sinh tới gần một nửa. Một vườn quốc gia giáp 7 xã, bốn huyện của hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng. Cũng đã được quy hoạch từ tháng 8 năm 2014, là khu du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng của tỉnh Đăk Nông.
Thế là đã trở về với rừng. Buổi tối, khi ngọn lửa trại bừng lên, nhiều người trong chúng tôi, nhất là các nhà văn nữ trẻ, hình như có người ăn chưa tới no đã ra sân hát hò, chụp ảnh. Chúng tôi bá vai nhau vừa đi vừa hát quanh ngọn lửa. Chúng tôi, vừa hát vừa múa vòng tròn, háo hức như cái tuổi lên chín lên mười chơi rồng rắn dưới Trăng. Cho tới khuya, ngọn lửa cùng đã tàn. Đêm cuối tháng mịt mờ, những có những ngọn đèn cảm ứng dẫn lối về phòng nghỉ.
Theo thói quen thường nhật, tôi dậy rất sớm tập thể dục và hưởng chút không khí trong lành. Mở cửa ra, một màn sương dày đặc che như bưng lấy mắt. Tôi ráng nhìn ra xa nhưng chẳng thấy gì. Song lắng nghe được tiếng con gái í ới buông tan trong lớp sương mù. Rồi một lúc không lâu, màn sương nhạt dần, để lộ ra những nàng tiên nữ. Nàng nào cũng bộ đồ lộng lẫy đủ màu xanh đỏ tím vàng lướt giữa lối vườn hoa bát ngát. Thì ra là các nàng tiên “nhà ta” đang phục kích tìm hoa. Hoa hàm tiếu ngậm sương thức nở nụ  cười với các nàng xinh đẹp. Kia, nàng Trần Mai Hường với động tác hoạt kê, nàng Thu Phương tay ống kính, tay như chỉ trỏ phân vai, rồi nàng Khánh Hội, nàng Minh Hồng, nàng Phương Lan, nàng Tô Minh Yến… nàng nào cùng đẹp như tiên vừa giáng thế.
Tôi lùi lại nhường bước các tiên nữ. Lại gặp nhà thơ, đạo diễn Lê Văn Duy lọm cọm cùng nhà thơ, nhiếp ảnh gia Kao Sơn hình như đang bở hơi tai, mà các ống kính tê-lê đã mở sẵn kịp phút giây chớp thời cơ cho được tấm hình đẹp nhất… Bởi cuộc hành trình về Buôn Mê Thuột được tiếp tục sáng nay.

                                          Tà Đùng 23-10-2019
.                                                     T. H.

                     BUÔN MÊ CÀ PHÊ

                                                Em là cô gái Cà Phê
                                 Chạm Buôn Mê đã thấy mê mẩn lòng…

Như đã hẹn từ ngày chưa xanh lá
Từ thuở nhọc nhằn lấm láp bụi thời gian
Từ trầm tích sau phun trào Chư Bluk
Em vừa về theo tiếng gọi bazan!

Tưởng chìm trong hương cà phê phảng phất
Và bồng bềnh trong đắng đót, xen cài
Em giấu tự cái ngày đặt tên cho đất
Tôi bối rối hỏi mình ai đã lạc vào ai!

Em sinh nở dưới vòm xanh cổ tích
Như mẹ ta bọc trứng nở trăm con
Mang ước hẹn ngày hội mùa tíu tít
Tà áo tươi màu và một tấm lòng son.

Là chưa muộn, phải đâu là lần cuối
Buôn Mê xanh màu lá mối tình đầu
Em trọn vẹn cho ngàn sau đắm đuối
Mà lâu giờ, ta đã thuộc về nhau!

.              Buôn Mê Thuột 25-10-2019                                              Tố Hoài

 

 

BÌNH LUẬN