Tố Hoài – GIẤC HÒE HOA BỎ NGỎ – truyện ngắn

0
775

                           GIẤC HÒE HOA BỎ NGỎ

                                                            Truyến ngắn Tố Hoài

   Truyện đã in: Báo Văn Nghệ – HNV Việt Nam. Tuyển tập Truyện ngắn (1975-1995) Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh,  Tập truyện ngắn Giấc hoa hoa bỏ ngỏ…

CON TÀU AF-RIVER ĐANG NO NÊ HƠN vạn tấn hàng bách hóa, neo đậu gần doi cát ở ngã ba ranh giới ba nước(1) trên biển Baltic, chờ trả hàng cho Bỉ. Nó thở phào nhẹ nhõm vừa qua một cuộc kiểm tra của nghiệp đoàn Hàng hải Quốc tế (I.T.F)(2) bảo vệ những người lao động trên các con tàu viễn dương. Tuy nhiên dấu ấn trên những trang giấy trả lương thủy thủ bằng đô-la có đủ chữ ký thủy thủ tàu này, dẫu nét mực còn chưa ráo vẫn che được mắt I.T.F. Lương thật tháng không quá mười đô-la (quy đổi). Nhưng tiền tiêu vặt mới đáng quan tâm. Sáu chục cent Hồng-kông (0,60 HKD)(3) cho một ngày xuất dương. Quí hóa lắm. Đất nước còn nghèo, mấy người được xài ngoại tệ. Nhưng tích tiểu thành đại và chờ thời cơ đi Nhật. Bãi Honda! Không ít chàng trai mơ đến. Có thể thế, công ty Hàng hải Đại dương đã nổi như cồn. Niềm mơ ước tới háo hức này đổi thay được thợ may (Tailor) thành thợ máy (Oiler). Văn hóa lớp 7 thành lớp 10. Chạy chân boy(4), oách lắm. Gắn được cái mác viễn dương là mở ra được con đường thăm thẳm để lọt vào nhiều con mắt nai mơ màng ngơ ngác. Ôi hy vọng, ngày kia sẽ được đổi đời!
Đang mơ màng trong giấc ngủ trưa trên tàu giữa trời xanh, nước biếc thì “uỳnh” một cái, tan giấc hòe hoa. Tàu Af-River trôi neo, va gẫy chiếc cầu thang mạn phải con tàu Constantinov của công ty Biển-Đen neo đậu gần bên.
Thuyền trưởng Định bật dậy như cái lò xo bị nén, chạy vội lên buồng lái, đứng đúng vào vị trí của mình. Anh ra lệnh cho máy trưởng phát động máy. Định đã nhìn thấy hai chiếc tàu cứu hộ đang áp sát mạn tàu mình. Đó là tàu cứu hộ của Công ty Cứu hộ Hàng hải Quốc tế vẫn chốt ở cửa biển Flushing(5). Họ từ trong bờ đi ra với hơn chục hải lý. Vậy là có cả một thời gian dài theo dõi và đi ra. Chứng tỏ tàu Af-River đã trôi neo từ lâu mà nhóm trực cũng đã bỏ ca từ lâu rồi. Giữa lúc ấy, phó 2, trưởng ca trực lừ lừ ở đâu ra với bộ mặt say thuốc lào trông rất thộn và con mắt lờ đờ như xác chết trôi. Mắt Định phóng những tia chớp ném thẳng vào cái mặt thộn ấy. Nhưng anh đã kìm được vì cái lớn hơn, là nhiệm vụ của mình phải giữ lấy con tàu, giữ lấy tài sản nhà nước bằng ý thức của người thuyền trưởng mà anh đang giữ trách nhiệm nặng nề.
Từ tàu cứu hộ ép sát hai mạn tàu Af-River những chiếc loa pin cầm tay, ồn ã phát ra những lời kêu gọi cứu hộ và mệnh lệnh cho thủy thủ thao tác nghiệp vụ. Những lời này đều được vào máy ghi âm. Đồng thời với những tia chớp lóa mắt từ đèn flash của những chiếc máy ảnh ở hai con tàu cứu hộ được chớp liên hồi. Ở mạn phải tàu Af-river thủy thủ đã bắt được dây ném và buộc dây tàu cứu hộ vào cột bíc của tàu.
Hai nhân viên cứu hộ nhảy vọt sang tàu Af-River hối hả chạy lên buồng lái và đặt ngay chiếc máy ghi âm trước mặt Định. Họ yêu cầu anh nói lời xin cứu hộ. Trong tay họ chiếc máy ảnh luôn ở tư thế sẵn sàng. Đèn flash cũng đã chớp sáng mấy lần.
Định bận rộn với việc chỉ huy. Anh di chuyển như con thoi từ phía này sang phía kia buồng lái để quan sát. Lúc ra mệnh lệnh lái sang phải. Lúc ra mệnh lệnh lái trái. Lúc thì, đến trực tiếp điều khiển tay chuông.
Nhân viên cứu hộ bám sát và hướng chiếc microphone trước miệng Định như hứng cơm rơi. Anh ta luôn mồm giục dã lời yêu cầu cứu hộ. Giọng anh ta mỗi lúc một căng thẳng và tần số giục dã cũng mau hơn.
Thời gian đã giúp Định lấy lại được bình tĩnh. Trong đầu anh có bao nhiêu câu hỏi mà cần có sự trả lời cân nhắc kỹ càng. Định mường tượng được sự mất mát rất to lớn trong sự cố không đáng có này. Một nửa con tàu, một nửa số hàng hóa trên tàu sẽ mất theo qui ước cứu hộ. Giá một nửa con tàu khoảng gần chục triệu đô la. Nhưng hàng hóa mà con tàu Af-River đang chở thì giá trị gấp nhiều lần hơn thế. Một câu trả lời khôn ngoan trước một áp lực không thể chối từ thật khó lựa chọn. Nó quyết định cho sự còn, mất không phải là gang tấc mà chỉ cách nhau giữa một sợi tóc, vâng, chỉ một sợi tóc mà thôi. Sự “thỉnh cầu cứu hộ” của Định là sự chấp nhận phần thua ngiêng về mình! Phải giữ cho mình thật bình tĩnh. Định chú ý vào việc chỉ huy điều khiển lái tàu. Thời gian sẽ cứu anh. Và nếu vậy, có thể thế cờ sẽ được đảo ngược. Song “cuộc chơi” không tuyên bố này không thể kéo dài. Một lời chối từ cứu hộ là không thể có lúc này.
Con tàu đã chuyển được gần vị trí tương đối an toàn. Băng máy ghi âm vẫn quay đều đều trước Định. Anh đành chấp nhận một lời nước đôi “thì các anh cứ cứu hộ đi!”. Và nhanh chóng anh hô to tiếp ngay khẩu lệnh “Stop Engine!”(6). Định vội vàng đến cần điều khiển máy, kéo tay chuông về điểm “thật chậm máy”. Nghĩa là chân vịt tàu vẫn đẩy nước đủ để lái tàu tới vị trí neo an toàn theo ý muốn. Đến lúc Định phải cố gắng thu xếp thật gọn để kết thúc sự cố trong thời gian thật ngắn và có thể mời tàu cứu hộ sớm ra đi.
Một biên bản in sẵn, nhân viên cứu hộ đưa ra yêu cầu Định ký. Nghĩa là biên bản ghi nhận qúa trình giải quyết cứu hộ tàu Af-River theo yêu cầu của chủ tàu. Định đọc nhanh một lượt và từ chối ký tên. Ngay lúc ấy một cuộc tranh cãi giữa Định và nhân viên cứu hộ về việc tàu Af-River trên thực tế có yêu cầu cứu hộ và có được thực thi cứu hộ hay không? Đó là tiền đề cho một vụ kiện trước tòa án quốc tế. Toà thụ án và thông báo xét xử năm ngày sau đó.
Thế là Định phải lao vào một việc không mong muốn qúa sức tưởng tượng của anh. Anh chuẩn bị tài liệu về các qui ước Hàng hải Quốc tế, tập hợp những chứng cứ… Tuy rất ít ỏi, nhưng những gì có được trong tay liên quan, anh cố đọc, cố ghi chép, cố nhớ và cố sắp xếp một cách biện chứng để tính thuyết phục cao. Anh đã thức trắng trọn đêm. Lúc nào thiếp đi được thì thôi, chứ chợt tỉnh là anh phải cố. Ở giữa biển rộng bao la mà lại thiếu thốn đủ điều. Cái mênh mang một màu trắng bạc của nước vào lúc chiều tà hay cái âm thanh oàm oạp của sóng lúc đêm khuya đều làm cho Định cảm thấy trống vắng cô đơn. Hay phải chăng hơn bốn chục con người trên tàu, anh là người cao tuổi nhất, cũng như tuổi nghề được tính loại thâm căn khó người giúp đỡ? Định đã gắn bó với con tàu này hàng chục năm trời. Cũng đã gặp những sự cố xảy ra. Suy cho cùng, đa phần nguyên do bởi ý thức. Cần có ý thức trách nhiệm cao. Cái khiếm khuyết của ý thức nguy hiểm không lường hết được. Sai một ly, đi một dặm. Đối với thủy thu, nhất là sĩ quan boong trong nghề nghiệp này điều cốt lõi là ý thức trách nhiệm phải luôn được nâng cao và đặt lên trên hết. Mọi thứ khác có thể tiếp sau, ngay cả sự thông minh. Chả vậy mà một thời ở trường Hàng Hải đã xếp thứ tự như thế này: sau kỳ thi giai đoạn một, anh nào “to con” được đào tạo sĩ quan boong để trở thành thuyền trưởng tương lai. Ý thức sẽ được tiếp tục rèn luyện nâng cao dần trong qúa trình công tác. Còn ai đạt điểm cao, được ưu tiên học điện hàng hải hoặc học khai thác máy tàu biển. Tuy nhiên rồi họ cũng dần trở thành điện trưởng hay máy trưởng con tàu.
Định rất tán thành với việc nhất thiết phải giáo dục nâng cao ý thức như một môn học chính ở nhà trường. Bởi cái nghiệp này nhiều khi giữa cái có và cái không, giữa cái còn và cái mất nó không xa nhau đáng kể. Nó sát gần hơn nữa, đến mức khó lòng phân biệt được ranh giới. Cái cuối cùng của nguyên do, chân thực mà xét cứ vẫn là ý thức trách nhiệm.
GDVN_2
Tấm ảnh khổ 9 x12 được chụp bằng máy ảnh Polaroid có ghi ngày giờ chụp đang trình diện trước mặt Định. Một thủy thủ của tàu anh đang giơ tay cố bắt dây ném từ tàu cứu hộ như múa võ trước cơn gió ngược làm những vạt quần áo thành một dải trắng xóa như cờ bông lau trông đến khôi hài. Lo buồn, nhưng Định cũng phải nhếch mép cười. Con mắt Định dừng lại ở ngày, giờ, phút được ghi trên tấm ảnh. Tương kế, tựu kế. Anh đứng phắt dậy, nhét tấm ảnh vào túi, ra lệnh hạ ca-nô để sang tàu Constantinov.
Tòa án mở theo đúng ngày giờ quy định.
Quan Tòa là những người Tây, mão áo tòa án chỉnh tề. Sau những thủ tục hành chính, một vị thẩm phán đọc một tờ cáo trạng rằng:
“ …Trạm cứu hộ Hàng hải Quốc tế tại Flushing theo dõi con tàu “M.V.Af-River”(7) đã hàng tiếng đồng hồ. Đã gọi VHF (8) cho tàu này nhưng đều nhận được sự im lặng. Họ nghi ngờ con tàu bị sự cố trôi neo hoặc máy tàu không còn khả năng chủ động tránh sự cố. Con tàu dần trôi khỏi vị trí an toàn đang neo đậu theo quy định, tiến sát tàu M.V. Constantinov có thể gây va chạm mất an toàn trên vùng biển thuộc phạm vi quyền lãnh hải mà công ty cứu hộ hàng hải này đang kiểm soát cứu hộ. Việc cứu hộ là cần thiết đặt ra một cách khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho M.V Af-River về sinh mệnh và vật chất; đồng thời an toàn cho công việc Hàng hải Quốc tế ở vùng biển này nói chung”.
“  Khi tàu cứu hộ đã áp sát M.V. Af-River và đưa tàu ra khỏi vị trí không an toàn thì thuyền trưởng tàu Af-River không chịu ký nhận việc cứu hộ tàu. Nghĩa là thuyền trưởng không chịu trách nhiệm thi hành “Luật cứu hộ Quốc tế về Biển”. Và như vậy, chủ tàu sẽ không chịu bồi thường về đảm bảo an toàn mà Công ty cứu hộ Hàng hải Quốc tế đã thực thi…”.
Ông Chánh án đứng lên với giọng nhỏ nhẹ hỏi rằng : “  Bên bị có nghe rõ nội dung cáo trạng đã đọc không? Tại sao không thực hiện những điều đã được ghi trong Luật định? ”.|
Lần đầu tiên trong đời, Định đứng trước tòa mà lại là Toà án Quốc tế. Ngay bản thân Định cũng không được đọc hết tất cả các tài liệu cập nhật về quy ước cứu hộ. Song có một điều cần thiết là bản thân con tàu cần được cứu hộ phải tự nó phát tín hiệu SOS hoặc thuyền trưởng phải yêu cầu bằng lời trước cơ quan hay phương tiện cứu hộ. Định cố gắng lấy lại bình tĩnh, cố không để lộ ra ngoài những gì biểu hiện của sự lo sợ. Anh dõng dạc trả lời :
–   Tôi không yêu cầu cứu hộ.
Tức thì tiếng máy ghi âm chạy rè rè được phát ra loa, quay lại đến hai lần tiếng nói của Định “thì các anh cứ cứu hộ đi”. Ngay ở góc cuối phòng, cử tọa dự thính phiên tòa vỗ tay rầm rầm ủng hộ. Vị chánh án phải rung chuông đến hai lần, tiếng vỗ tay vẫn còn lẻ tẻ, lẹt đẹt. Thẩm phán hỏi :
–     Anh có nghe rõ tiếng của anh không, Định ?
–     Có, thưa ngài – Định trả lời.
Thẩm phán : Tại sao không thực hiện luật định?
Định           : Vì đó là lời ép buộc.
Thẩm phán : Sao? Sao lại nói đó là lời ép buộc?
Định         : Xin quý Toà cho quay lại toàn bộ cuộn băng ghi từ khi đặt máy ghi âm. Chỉ có như vậy, tự nó sẽ trả lời cho câu nói của tôi.
Thẩm phán cho quay lại cuộn băng ghi âm lần nữa. Cả hội trường im phăng phắc, giành cho những tiếng rè rè từ máy ghi âm phát ra. Nổi lên trên nền âm thanh ấy là lời giục dã của nhân viên cứu hộ. Xen kẽ là những tiếng của Định. Nhưng nó không là lời xin cứu hộ mà là mệnh lệnh chỉ huy giành cho sỹ quan dưới quyền và thủ thủy lái.
Phòng xét xử trong sự chờ đợi mà áp lực lòng tin dồn cả về hai phía như một sự thách thức. Tiếng máy ghi âm qua loa phóng thanh phát ra chân thực như tất cả những gì nó đã chứng kiến. Phía bàn của luật sư bên nguyên như có sự bồn chồn, thấp thỏm. Họ đã chuẩn bị thêm những bằng chứng để chứng tỏ, Định bằng cách này hay cách khác đã thể hiện có đáp ứng thỉnh cầu. Họ đưa ra hình ảnh chàng thủy thủ tàu Af-River bắt dây ném mà họ ghi được.
Thẩm phán : Anh có thấy rõ thủy thủ của anh bắt dây không? Đây là bằng chứng yêu cầu cứu hộ.
Định : Tôi không ra lệnh cho họ bắt dây.
Thẩm phán : Vậy tại sao họ lại bắt?.
Định : Đó là phản xạ tự nhiên thưa quý ngài. Thưa bên nguyên, các ông thử hỏi thủy thủ của các ông trên con tàu nếu có một ca-nô nào đó không có một biểu hiện hoặc nghi ngờ đe dọa an toàn con tàu khi họ cập sát tàu ông và quăng dây ném thì thủy thủ có bắt dây không? Dĩ nhiên là có. Đó là phản xạ nghề nghiệp.
Thẩm phán : Anh có xác định rằng tàu anh ở trạng thái không an toàn không? Vì chính tàu anh đã va chạm tàu Constantinov và làm gãy cầu thang mạn phải của họ.
Định cầm sẵn trong tay chiếc đồng hồ bấm giây mà anh đã theo dõi thời gian cuộn băng ghi âm bắt đầu đặt ghi ở buồng lái tàu của anh. Anh liếc nhìn chiếc kim phút ở trong tay chỉ con số ba mươi. Anh trả lời quan tòa:
–     Thưa quý Toà. Tàu Af-River va chạm tàu Constantinov gây gãy cầu thang của họ là một sự thật không chối cãi. Nhưng tàu của tôi ngay ở thời điểm ấy đang ở trạng thái chủ động.
–     Bằng chứng? – Lời thẩm phán.
–   Xin qúy Tòa lưu ý – Định khẳng định – Ở thời điểm mà thủy thủ tàu tôi bắt dây ném như ảnh bên nguyên chụp được thì tàu Af-River đã va chạm trước lúc chụp bức ảnh này mười một phút. Khi đó thuyền trưởng Androv của tàu Constantinov đã chứng kiến chân vịt tàu Af-River đang quay. Và chỉ năm phút tiếp theo, tàu Af-River đã cách xa tàu Constantinov là một trăm mét. Tức là tàu chúng tôi đã hoàn toàn chủ động để thoát khỏi vị trí không an toàn. Một chiếc tàu cứu hộ đến sớm nhất để tung dây ném vào thời điểm ghi nhận là sáu phút sau khi tàu chúng tôi đã chủ động cách hơn một trăm mét xa tàu Constantinov. Thưa, thời điểm ấy không cần phải cứu hộ.
Thẩm phán : Vậy tại sao anh lại yêu cầu cứu hộ? Tôi có phải nhắc lại lời của anh không?
Định : Xin cám ơn quý ngài. Tôi đã nghe rõ lời tôi nói. Xin quý Tòa xét thời gian từ khi nhân viên cứu hộ đặt máy ghi âm tới khi tôi yêu cầu lời này là một thời gian dài. Vâng – Định đưa đồng hồ bấm giây lên trước mặt anh – Thưa quý ngài, phải tới ba mươi phút. Quý Toà đã nghe trong ba chục phút đó chỉ thấy lời ép nài của nhân viên cứu hộ, giọng mỗi lúc một gay gắt hơn, tần số giục dã gấp gáp hơn. Còn tôi, tôi bận mải việc chỉ huy con tàu của mình về nơi vị trí an toàn. Vâng, thưa quý ngài, cho tới khi tôi nhận lời cứu hộ là lúc con tàu đã giảm máy để neo. Thưa ngài, tôi ra lệnh ngừng máy ngay sau lời họ muốn. Xin qúy tòa ghi nhận thời điểm xảy ra sự cố được ghi trong nhật ký hàng hải của tàu Constantinov mà thuyền trưởng Androv đã xác nhận là đúng sự thật.
Thẩm phán đưa ra tờ giấy của thuyền trưởng Androv ghi diễn biến sự cố và các thời điểm quan trọng mà con tàu Af-River đã thực hiện chủ động, tự nó thoát ra khỏi vị trí không an toàn đúng như lời khai của Định.
Đọc xong giấy xác nhận của nhân chứng, ông thẩm phán đặt nhẹ tờ giấy xuống bàn. Ông nói: “Đây là chứng cứ xác nhận khách quan của nhân chứng, mà chính nhân chứng là nạn nhân của sự cố va quệt do Af-River gây ra”. Rồi ông hướng mặt về phía Định, hỏi :
–    Vậy sao anh còn yêu cầu cứu hộ làm gì, Định?
Định đã lấy được chủ động. Anh phấn chấn hẳn lên. Giọng nói của anh đĩnh đạc hơn. Lời nói thông suốt hơn. Và hình như từ ngữ tiếng Anh trong đầu anh được cởi mở. Anh nói:
–   Thưa quý tòa. Con tàu tôi năm trăm mã lực. Hai con tàu cứu hộ có gần gấp đôi công suất ấy. Phía trước con tàu là doi cát lớn. Khi chúng tôi đang cố gắng tránh xa, thì con tàu Af-River bị sức ép hai lực kèm lớn hơn, có xu thế đẩy lên cạn. Trong khi đó lời yêu cầu cứu hộ mỗi lúc giục dã như một áp lực nén ép. Nếu tôi không trả lời nhận cứu hộ để bứt hai lực ấy ra, để neo tàu lại thì có thể tàu tôi sẽ bị đẩy lên cạn. Quý ngài tưởng tượng xem con tàu Af-River giờ này sẽ thế nào?
Tức thì, ngài Chánh án đứng phắt dậy. Mặt ông đanh lại. Đầu ông ngiêng về phía nguyên đơn, ông thét lên tức giận.
–    Thật là bẩn thỉu – Ông hất hàm. Giọng ông dịu lại đôi chút – Nguyên đơn, các anh có thấy nhân chứng, vật chứng đã rõ ràng? Các anh làm sau khi M.V. Af-River đã hoàn toàn chủ động an toàn. Thuyền trưởng không yêu cầu cứu hộ thế mà các anh còn nài ép. Các anh còn có lời lẽ nào hơn thế?
Bên nguyên, người thì cúi đầu xuống. Người thì nhún vai lắc đầu “thua trận”. Song luật sư của họ còn cố moi hai mươi lăm ngàn Mỹ kim bồi thường dầu cùng các hao phí chạy tàu và theo dõi cứu hộ.
Định, dũng khí hơn lên. Anh lập luận: Tàu anh đã phải neo lại năm ngày chờ hầu kiện. Chi phí cho mỗi ngày tàu năm ngàn Mỹ kim. Xin quý toà xem xét và có những thủ tục cần thiết để được nhận lại sự thiệt hại do bên nguyên gây nên.
Trên đường về tàu, Định thấy cơ thể anh nặng nề hơn cả lúc hầu tòa. Tuy kết qủa, với anh như một “trận chiến” lớn nhất trong đời, chưa bao giờ anh mong đợi. Người ớn lạnh. Mồ hôi vã ra. Ca-nô đưa anh đã cập mạn tàu Af-River. Những cơn sóng vỗ mạn bập bềnh nhè nhẹ, nhưng Định chòng chành muốn ngã. Cố leo lên cầu thang tàu với đôi chân bủn rủn. Bàn tay muốn bám chặt dây an toàn để leo lên mà anh thấy lỏng lẻo, hững hờ. Tới được buồng riêng vừa mở được cửa, Định có cảm giác chân mình bị ướt. Thì ra từ đũng quần tới gót đã ướt từ lúc nào. Ngồi trên bồn cầu để lấy lại sự tĩnh tại, nước mắt Định tự nhiên ứa ra nhòe ướt.
     Image259987Vậy là lại đến lượt chúng tôi thở phào trút đi gánh nặng đã đè ép mấy ngày qua. Nhiều con mắt nhòa lệ không chỉ trước thắng lợi lớn lao mà Định đã giành được bằng ý thức trách nhiệm cao và cả bằng trí tuệ là cứu một bàn thua trông thấy mà còn là trả lại giấc hòe cho chúng tôi đang bỏ ngỏ.
Tố Hoài
___________
1. Ngã ba vùng biển Hà lan-Bỉ-Pháp
2..Internation Transportation Ferderation
3. Khoảng 600 đồng
4. Phục vụ viên
5. Cảng biển thuộc Hà Lan (Netherlands)
6.  Dừng mày
7.Tảu Af-River
8, Loa máy cầm tay
9. Ảnh minh họa giữa: Tàu cứu hộ cứu nạn SAR 412 theo công ước  SAR79 và ảnh dưới: sơ đồ cứu nạn cứu hộ hàng hải.

    

 

                                                                                                        

                    

BÌNH LUẬN