. NGƯỜI PHÁC THẢO MỘT VÙNG ĐÂT
. Tố Hoài
. Có một vùng đất màu mỡ liền một giải rộng xấp xỉ 1/5 huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là các xã Hải Quang, Hải Đông, Hải Tây, Hải Lý, Hải Chình cách nay khoảng 150 năm là vùng biển mặn…
.. In trong tập truyện ngắn
. ĐÊM NGÁI NGỦ, Nxb Văn Nghệ, 2009
. Hải phòng Hiệp quản Nguyễn Hoằng đi thẳng theo con đường mòn nối từ đê Hồng Đức ra phía biển Đông. Biển Đông Hải, con nước ròng xa bờ. Một vùng đất sình nhấp nhoáng màu nâu mênh mang tít tắp lộ ra. Lô nhô trên bãi là những chòm sú vẹt. Có những chòm cao ngất um tùm như rừng tưởng có hàng trăm tuổi. Trời lặng. Không tiếng sóng. Không gió lộng tung bờm. Vượt qua bãi cỏ dày, ông Hiệp quản vén quần móng lợn lội xuống bãi sình. Người Trương tuần đi cùng ông, ngỡ ngàng không rõ nên hỏi:
– Thưa ông, ông muốn ra…
Ông Hiệp quản chỉ về phía doi đất:
– Vâng, đúng thế.
Trương tuần ái ngại:
– Thưa ông, sình lầy rất khó đến được. Để mai kiếm một con thuyền…
Ông Hiệp quản vội ngắt lời:
– Tôi muốn ra ngay bây giờ. Chờ ngày mai, đến lúc nước lên, thuyền đi được thì liệu biết đất nó ra sao?
T hấy rõ ý định và quyết tâm của ông Hiệp quản, mọi người đều xắn quần theo. Họ dò từng bước một vừa tìm đường vừa tiến. Thấy ông Hiệp quản băng băng mở lối, người tuần gắng bước lên ngang tầm:
– Thưa ông, để con đi trước dò đường.
Ông Hiệp quản né người quay về phía trương tuần:
– Tôi đi được mà!
Mải trả lời, chân ông bước vào chỗ lầy làm ông chới với. Tay ông vươn cây kiếm dài đỡ đà. Người trương tuần kéo áo ông trợ sức. Cả đoàn người kinh nghiệm bước vững vàng hơn. Họ tới được doi đất bằng đôi chân trần lần đầu như một cuộc khám phá. Ông Hiệp quản cắm kiếm sát chân mình, cúi vốc một nắm đất đưa lên day day trong lòng tay rồi thả đất xuống. Đất quánh trong tay ông dẻo quẹo. Lớp bùn nhóng nhánh như miếng mỡ tẩm mầu rơi xuống. Ông hồ hởi:
– Các anh có biết tại sao rừng sú vẹt này sống nơi nước mặn mà lại xanh cao như thế? – Ông tự trả lời – Nhờ đất!
– Vâng ạ.
– Bẩm vâng. – Tiếng râm ran đồng tình.
– Các anh thấy đấy – Ông khoát tay – Đất màu mỡ thế này!
– Bẩm vâng – Tiếng đồng thanh hưởng ứng.
Ông lại cúi xuống vục sâu tay xuống lòng đất và đưa lên ngang tầm nhìn mà ước ao:
– Giá mà – Tiếng ông trầm, đanh như một quyết tâm – Giá mà ta có sức khoanh vùng này lại thì…vùng đất này sẽ là một cánh đồng phì nhiêu!
. Không khí như lắng lại trước một gợi mở. Mỗi người như vỡ ra một một quyết tâm to lớn mà không ai dám nghĩ để làm. Ông Hiệp quản lau tay vào lưỡi kiếm rồi ngẩng lên trời hít hơi dài thật mạnh. Bầu không khí trong lành lùa vào ông rào rạt, mơn man. Ông muốn dừng lại thật lâu để không chỉ hưởng mát lành của gió mà ông còn muốn nhận cảm phù sa của đất. Đất này nhận mỡ màu từ ngọn nguồn Tổ quốc Từ Lào Cai, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Phú Thọ… theo sông Hồng, qua Cửa Lác, Cửa Lạn, Cửa Lạt về đây. Ông nhớ, hồi còn bé tí, mỗi lần theo ông nội, cụ đồ Tú Mậu đưa môn sinh ra tham quan Cửa Lác, ông vẫn thấy sóng biển nhấp nhô ào ạt dưới chân. Thế mà cái nơi thương hải ấy nay sắp thành tang điền! Chính đứng giữa thanh thiên bạch nhật này mới cảm được sức mạnh to lớn của nước. Nước là con thuyền khẳm chở phù sa đắp bồi không mệt mỏi. Trước mặt ông là dòng sông mênh mông da diết chảy, chia cắt bãi sình thành bốn mảnh. Trước khi ra biển, nó tạo dòng xoáy hõm sâu như miệng hố khổng lồ, tưởng chừng có thể nuốt trôi cả con tàu buôn Bắc quốc…
Trời quá chiều. Mặt trời mất hút từ lúc nào, chỉ để lại màu xám nhá nhem. Đoàn người cùng ông Hiệp quản lên bờ. Bàn chân ông chạm vào cát nóng ran. Bờ cát nằm ngoài đê Hồng Đức, chạy từ Cửa Lạn đến Cửa Lác che chắn cánh đồng luá từ tổng Kiên Lao đến tổng Quần Anh. Trên bờ cát trắng, lưa thưa những mái tranh nghèo gọi là xóm, trại. Cỏ lau, cỏ lác chen nhau lấn biển thành tầng thành lớp, vó ngựa có thể khó tung bờm phi mã. Ông Hiệp quản căn dặn cắt đặt tuần phòng xong, ra về thì trăng mồng mười đã chênh chếch phía đầu.
Mấy hôm nay trong lòng ông Hải phòng Hiệp quản Nguyễn Hoằng như lửa ngún mùa hanh. Ông đã rà soát lại cả vùng bãi sình mênh mang mà ông thuộc như lòng tay để kiểm tra ý định của ông nên rất tự tin. Ông đến nhà anh cả, Chánh tổng Kiên Lao Nguyễn Phượng để trình bày và thăm dò sự đồng tình ủng hộ. Ông Tổng cả đi công cán trên phủ Xuân chưa về. Ông tạt vào nhà ông Quyền Loan, anh trai thứ hai để dãi bày thao thức lòng ông. Ông Quyền Loan nghe xong, trầm tư suy xét:
– Việc này chú nên bàn với bác Tổng cả. Bác cả là bề trên, bác mới đủ uy tín thu thập lòng người. Nhưng có điều này, chú phải để lòng tới. Bác cả là người cương trực, đã quyết là làm. Vì thế chú phải có lý lẽ đầy đủ, bác mới chịu nghe theo.
– Thưa vâng!
Ông Quyền Loan phân vân:
– Mà việc này tôi nghĩ trong huyện ta không đủ sức. Bác cả làm việc quan, cả phủ này biết thì sự khuyến mộ mới có chăng khả dĩ…
– Dạ, em nghe.
Cơn mưa đầu hạ ào ạt đổ, tan đi nồng oi của nắng lửa vãi xuống mấy rày. Ly trà vừa rót ra thì có tiếng ông Tổng Phượng ở đầu ngõ. Anh em đứng dậy định ra đón thì dáng quắc thước của ông Tổng đã hiện trước sân. Hai ông ra cửa, cúi chào:
– Thưa anh đã về.
– Thưa anh ạ.
– Ừ các chú. Anh vừa trên phủ về. Việc dẹp loạn mấy người lợi dụng danh Chúa làm bậy ở tổng ta đã được phủ dụ khen lao và có chỉ dụ của Vua.
Ông Quyền Loan nhìn ngỏ ý nhắc, ông Hiệp quản thưa:
– Vâng ạ!
Thực ra trong việc vua Tự Đức chỉ dụ dẹp loạn phái Cơ Đốc giáo vùng Hải Hậu – Giao Thuỷ, một số con chiên vô tội và cha cố người Việt cũng bị vạ lây. Trong những người chạy trốn liên lụy, đã được ông Hiệp quản Nguyễn Hoằng giúp đỡ, giấu kín, chở che. Ông cũng giấu cả chuyện này với anh trai ông. Ông được ông Quyền Loan đồng lòng. Ông Quyền Loan sợ anh cả biết nên vào đề ngay:
– Thưa anh Tổng. Chú Hiệp chờ anh về để thưa với anh một việc.
– Việc chi vậy?- Ông Tổng cả hối.
– Thưa anh. Mời anh xơi nước rồi em xin phép được trình anh, mạo muội của em.
– Các chú uống nước đi rồi cứ nói.
Ông Nguyễn Hoằng rụt rè:
– Thưa anh Tổng. Vừa qua em cùng đoàn hải phòng có thăm bãi biển bồi cửa Lác. Em tới tận được vùng đất xa bờ và cả vùng bòng trũng. Nhất là vùng đất dọc con sông rộng còn chìm dưới mặt nước, phù sa dày có tới hàng mấy chục phân tây. Khi tới cả vùng đất rắn dưới lòng chân, khơi lên, phù sa vẫn một màu nâu quánh như mỡ. Mười mấy năm rồi, tuần phòng, theo dõi, chỉ khi nào triều cường lớn mới ngập hết những gò đất nổi. Mỗi năm biển đã lùi dần… Ta có thể xin nhà vua để khẩn hoang khỏi phí…
Ông Tổng cả nhìn em trai một cách đăm chiêu, tưởng như ông đã nuốt từng lời. Ông biết em trai ông lắm. Một con người, thông minh, quả quyết. Từ khi lãnh Hải phòng Hiệp quản, trông coi vùng biển Lạn Hải, em ông thấu hiểu từng con sóng, ngọn gió. Lòng quả cảm đứng mũi chịu sào, vượt qua bao giông gió giữ từng thước đê, bảo toàn từng tấc đất. Ngay cả việc dẹp loạn đạo giáo ở ven biển, sự có mặt của Hiệp quản Hoằng, đã nhanh chóng đem lại bình yên cho xứ giáo. Nghe xong trình bày, ông Tổng Phượng dịu giọng nghiêm túc:
– Việc chú nói, anh cũng đã nghĩ. Song chỉ có tổng mình, mà ngay cả huyện mình thì cũng lực bất tòng tâm. Nói như thế, không có nghĩa là bỏ. Đứng về lý, việc này phải có quan đầu tỉnh đệ lên nhà vua. Tôi nhớ nhà Vua có sức rằng, “ Xã nào có ruộng đất bỏ hoang thì xin phép các quan cho người xã khác không có ruộng cày cấy…”. Ông cha ta cùng góp công khai phá đất này, nay người mỗi ngày một đông, đất sẽ mỗi ngày một chật thì việc khai khẩn mở rộng ruộng nương là việc con cháu phải làm. Công việc không thể ngày một, ngày hai, nhưng không để trễ nải. Tôi sẽ thỉnh cầu ước muốn này lên quan đầu phủ, đầu tỉnh để được soi xét…
Ông Quyền Loan tươi cười, gật đầu nói:
– Thưa anh Tổng. Chú Hiệp mấy nay nóng lòng chờ anh. Nay chú được anh Tổng chỉ giáo, chắc chú thoả lòng. Việc nhân định nhưng do cơ trời. Trời cho thì mình được.
– Từ khi cụ Hào Quận công Nguyễn Phúc Diễn ta về đây lập cư, dẹp loạn Mạc rồi ngã xuống, nằm trên mảnh đất này, đất Hà Quang đã là quê hương của dòng tộc ta. Mảnh đất Hà Quang nhìn ra biển Đông là thế lôi thiên đại tráng. Cứ mỗi độ Xuân về nguồn thiên nhiên cho dồi dào ưu đãi. Nước chở phù sa tưới lên đồng ruộng. Lúa tốt, gạo thơm, con người trí tuệ, chí khí cao đẹp, tiếng lớn vang xa…
– Thưa anh, nay cơ trời đã định, đem đất về bồi đắp mở hướng ta đi. Ta không làm là lỗi với con cháu mai sau…
Ông Chánh tổng nghiêng mình về phía ông Hiệp quản, xốn xang:
– Thật tình, tôi rất vui khi thấy chú đã cởi lòng suy tư bí bách bấy nay. Khai khẩn là công việc nặng nề, phải hiệp lực chặt chẽ, phải tốn của tốn công, phải có thần chủ uy lực. Ngần ấy thứ hợp lại mới có thể bắt đầu. Tôi sẽ đi tìm từng ấy thứ xem sao?
– Vâng ạ.
. Ngày giỗ tổ họ Nguyễn – Quần Anh thành ngày hội họ mạc cũng mới bắt đầu được mấy năm nay, kể từ khi Vua Nguyễn sắc phong, ghi nhận công lao, xếp vào Thượng đẳng thần. Dòng họ Nguyễn – Quần Anh bắt nguồn từ Nguyễn Kim, Thái tể Hưng Quốc công thời Lê Trang Tông. Ông tổ năm đời Nguyễn Kim là Nguyễn Trãi, phò Lê diệt giặc tàu Minh, bảo toàn đất nước. Vì thế Thái tể Nguyễn Kim muốn cứu triều Lê đang bị loạn thần Mạc Đăng Dung thoán đoạt. Tấm lòng nhân ái của ông đã bị hàng tướng nhà Mạc là hoạn quan Dương Chấp Nhất phản phúc. Nhân cơ hội này, con rể ông là Trịnh Kiểm, (chồng công nữ Ngọc Bảo) bộc lộ bản chất ti tiện, nên đã giết Lãng Quận công Nguyễn Uông, con trai trưởng của ông để đoạt quyền thừa kế.
. Thế là dòng Nguyễn Bặc đã ba lần tán loạn. Từ khi Lê Hoàn thông dâm với Dương Thị Nga (vợ Đinh Tiên Hoàng đế) giết cha con Đinh để tiếm ngôi thì Định Quốc công Nguyễn Bặc phải chạy về đất Gia Miêu, Thanh Hoá lập quê tỏ rõ trung thần. Cháu 11 đời là Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc bởi vụ họa Lệ Chi viên. Hậu duệ của họ phải ẩn tích xứ Lạn Hải. Lần này, hậu duệ của Nguyễn Phúc Thành và Phúc Đồng về Quần Anh ẩn nghiệp. Hậu duệ của Nguyễn Phúc Diễn phải giữ kín tiếng mồ mả cha ông tại xã Hà Quang. Hàng trăm năm mai danh tại Hải Hậu và sau lần Tự Đức kinh lý Bắc kỳ thì việc giỗ tổ dòng Nguyễn Bặc mới được khai thông.
Ông Chánh tổng Nguyễn Phượng về lễ tổ lần này, nghe tin Quốc tử giám Tế tửu(1), phó Dinh điền Tiến sĩ Đỗ Tôn Phát hiện đang ở Quần Anh Hạ nên ông đã đến thăm và yết kiến luôn. Họ đã biết nhau từ lâu và cũng đã hiểu rõ thân thế của nhau. Nghe tin ông Chánh tổng Kiên Lao tới, quan phó Dinh điền ra đón. Ông Tổng Phượng cúi chào:
– Xin chào quan thượng.
Quan Đỗ đến cầm tay, thân mật:
– Không dám ạ. Chào ông Chánh tổng.
Quan Đỗ cùng ông Tổng Phượng vào nhà. Hai người như lâu ngày gặp lại. Rồi ông Tổng Phượng thưa chuyện:
– Thưa quan Đỗ – Ông ngừng lại dành sự trân trọng.
– Xin ông cứ nói.
– Vâng thưa quan thượng. Bãi biển bồi ngay trước xã Hà Quang chúng tôi ước chừng hơn tám nghìn mẫu. Hiện ngoài sú vẹt đang sống, còn có rất nhiều loại cây và cỏ mọc tốt tươi. Dân chúng tôi ước ao muốn khẩn hoang…
Nghe xong, quan Đỗ rất phấn khởi:
– Ôi thưa ông Chánh tổng, thật là quý hoá. Tôi dịp này về cũng vì việc ấy đây. Từ xưa, nhà vua đã có chỉ dụ khuyến nông tịnh điền, khai hoang phục hoá. Ông Chánh tổng có ý nguyện như thế tức là lòng dân đã thuận.
– Vâng. Xin đỡ lời ông thượng. Sức lực dân quê mình nay còn hèn kém lắm, tôi e một mình không nổi. Do đó cần có sức của toàn phủ ta…
– Quan Chánh sứ và quan Tổng đốc Nam Định sẽ trình lên xin đức vua phủ dụ, việc đó không khó. Ông Chánh tổng đưa ra ý định này là chúng ta đã gặp nhau, vì là lòng dân và ý vua rồi. Nhưng phải cần có người đứng ra trông coi.
– Dạ thưa ông, tôi có người em trai, hiện là Hải phòng Hiệp quản….
Quan phó Dinh điền thú vị như bật ra điều mới mẻ:
– Ồ, ông Hiệp quản Hoằng thì tôi rất rõ. Tệ thật, thế mà tôi không có nhớ ra!
– Thưa, tôi không có ý định gợi ý gì sất. Tôi chỉ muốn thưa là, chú Hiệp quản đã khảo sát, có thảo sơ đồ và có những kế hoạch khẩn hoang muốn trình quan…
Thật tình, quan Đỗ muốn có sự thân mật hơn nên ông chứng tỏ sự hiểu biết của mình:
– Rất tốt, thưa ông Chánh tổng. Tôi hiểu lắm chứ. Tôi được nghe các cụ kể lại rằng cụ Thái bảo(2) nhà ta đi đánh trận bị thương thì về Cẩm Hà Trang. Khi mất được táng đồng quan ngọc cốt. Phần mộ cụ vẫn ở đất Hà Quang?
– Thưa vâng. Vì phải giữ kín nên phần mộ chỉ dám đắp đất tôn cao…
– Tôi hiểu – quan Đỗ trở lại công chuyện – Ông Hiệp quản là người sáng lập và có công trong việc gìn giữ an dân vùng biển. Ông Hiệp là linh hồn của vùng hải tần này đấy. Ông ấy sẽ là người dẫn đường cho đoàn vi thiềng ngày mai. Chắc ông Hiệp quản đã nhận được tờ sức. Tôi cũng muốn gặp ông ấy.
– Thưa đã. Chú ấy đang chuẩn bị việc lễ tổ nên chưa đến thăm và yết kiến quan thượng…
– Ồ vậy thì thưa ông Chánh tổng, toi cũng muốn tới dâng hương thưa ông, ta có thể cùng đi cho kịp…
Quan Phó Dinh điền thắp hương ở nhà thờ họ Nguyễn xong, muốn gặp ông Hiệp quản cần cho việc thám sát ngày mai. Cuộc gặp gỡ ngay tại nhà thờ họ Nguyễn, vì quan Đỗ muốn vậy. Quan Đỗ vào thẳng vấn đề:
– Thưa ông Hiệp quản chúng tôi cần bổ sung tờ trình lên nhà vua xin phủ dụ, ngày mai phải thám sát vùng hải tần… Mời ông dẫn đường đấy.
– Dạ thưa quan thượng, tôi đã nhận được tờ sức cùa quan tri.
– Mời ông nhé?
– Thưa vâng.
Quan Đỗ hồ hởi kể:
– Ngày bé, khi tôi theo mẹ ra biển mỗi sớm thì biển, sóng vẫn ở dưới chân cát…
– Thưa quan thượng – Ông Hiệp quản nói – Nay chúng tôi đã nhiều lần xuống vùng đất bồi, vốc lên, những nắm đất màu tươi như mật ở trong tay…
– Lòng của các quí ông đây là tấm lòng dân quốc. Ta đang lĩnh trách nhiệm với con cháu mai sau… Vậy ngày mai mời các chư ông tới phủ tri sớm để cùng đi…
. Đứng đầu đoàn thám sát là Quốc Tử giám Tế tửu, phó Dinh điền Chánh sứ Tiến sĩ Đỗ Tôn Phát. Cùng đi có Tri huyện Hải Hậu, Chánh tổng Kiên Lao Nguyễn Phượng, Hiệp quản Nguyễn Hoằng và một số tuỳ tùng tiến về bờ biển phía đông xã Hà Quang hướng ra Cửa Lạn. Bước ngựa đi nước kiệu dừng lại bên những lùm cây xanh trên thảm cỏ non. Quan Đỗ xuống ngựa, vén quần móng ngựa, bước xăm xăm theo lối mòn ra biển. Ông Hiệp quản đưa đoàn tới doi đất khảo sát hôm rồi. Vục tay xuống lòng bãi, ông đưa nắm đất đỏ au về phía quan Đỗ:
– Thưa quan thượng, người xem, một màu đất hiếm có như thế này…
Quan Đỗ lấy tay day day nắm đất từ lòng tay ông Hiệp quản. Đất mát rượi trong tay. Ông hồ hởi đoan chắc:
– Đất mịn màng như thế này thì chỉ cần ngăn mặn thau chua dăm năm là có thể trồng luá được…
– Thưa vâng.
– Thưa vâng ạ. – Mọi người hưởng ứng.
. Mọi người cũng cúi vốc đất lên nắn bóp trong tay mình, nhận cảm. Đất mơn man hứa hẹn một sức sống manh nha. Ông Hiệp quản đưa nắm đất lên sát mặt. Ông hít hít hơi đất. Đất phả vào ông sự sinh tồn của cỏ của sự sống đang chuyển dạng hồi sinh. Ông cảm nhận đất bằng kinh nghiệm của một lão nông dày dạn. Trong lòng ông rạo rực một ngày mai của những mầm luá đang chen chúc vươn lên. Ông Tổng Phượng, tay cũng nhuốm một màu nâu tươi của đất. Ông hướng về phía quan Đỗ:
– Thưa quan thượng, thưa quan tri. Đây là đất vàng, đất bạc.
Quan Đỗ đồng tình, hồ hởi:
– Đúng! Thưa ông Chánh tổng. Trời đất đã đem vàng bạc cho ta thì ta không được phép chối từ. Cụ Nguyễn Công Trứ xưa đã có công lớn khai lập đất Tiền Hải. Còn trên mảnh đất quê ta các vị tiền bối Trần, Vũ, Phạm, Hoàng đã khai lập và tiếp là Nguyễn, Bùi, Lê, Lại, Đỗ khẩn phá mở mang, chúng ta phải ra sức tiếp nối.
Quan tri thích chí cười vang:
– Thưa quan thượng, xin mạn phép, có chí thì nên ạ. Dân thuộc bản hạ đây xin tiếp tục theo gương các bậc tiền bối để tạo ra bờ xôi ruộng mật.- Ông quay sang đám tuỳ tùng –Ông thừa, ông chưởng điền, lưu ý nơi đây có thể là một điểm mốc để lập đồ bản đấy. Liệu ta đã đi được chưa?
Ông Hiệp quản đang lúi húi trước chiếc la bàn định hướng vội quay lên:
– Thưa được ạ.
Đoàn người lên tới bờ cát. Ngay trước mặt họ, cỏ mơn mởn một màu xanh thảm trải. Vài túp lều tranh. Mấy vạt rau cải vừa nhú mầm vuông vắn. Người dân đang hì hụi đan lưới ngừng tay nghiêm trang chào đoàn đi qua. Quan Đỗ hỏi người đàn ông đang đứng chắp tay:
– Đây là xóm gì, thưa ông?
– Bẩm quan lớn, đây là xóm Trại ạ.
Ông Tổng Phượng thấy quan Đỗ ngỡ ngàng liền giải thích:
– Thưa đây gọi là Trại Cỏ Dày, thuộc xã Hà Quang. Mới đầu họ chỉ làm những túp lều trú tạm để đánh cá, quay tơ cho tiện. Dần dà họ làm nhà và rủ nhau đến…
Quan Đỗ lại hướng về phía tây:
– Kia là trại gì?
– Thưa, trại Cồn Quay.
Tri huyện đon đả:
– Cái cồn cát trắng ấy rất phẳng phiu. Người dân chài thường tới đó quay tơ, thưa quan thượng.
Ông Tổng Phượng dẫn tiếp:
– Còn phía cuối xa kia gọi là Trại Mắm.
– Ờ!- Quan Đỗ như vỡ ra trong ký ức – Trại Mắm. Ngày bé, tôi nhớ sang đó phải qua một chiếc cầu tre dài. Dòng sông nước lúc nào cũng đỏ ngàu cuồn cuộn đến chóng mặt. Mẹ tôi sợ tôi ngã nên cụ cứ cầm tay dắt đi. Tôi lại thích nắm chắc vào tay tre vịn rồi khoái chí, rung rinh đến cong cả thân cầu…
Mọi người thích thú cười vang hể hả. Đoàn người lại tiếp tục đi men theo cửa Lác ra tận sóng nước rì rào.
. Một ngày làm việc khẩn trương ai nấy đều thấm mệt. Tối, quan Đỗ cầm bản sơ đồ của ông Hiệp quản sang phòng Điền điạ để tấm đồ bản chính sớm được hoàn thành. Xong, ông về gặp anh em ông Hiệp quản Nguyễn Hoằng. Ông Đỗ hiểu ông Hiệp quản lắm. Ông Hiệp quản thuộc hậu duệ dòng trâm anh thế phiệt. Giữ chức Hải phòng Hiệp quản, ông là người xốc vác hết mình. Ông luôn chứng tỏ một con người thông minh quả quyết. Ông hiểu từng con sóng ngọn gió vùng hải tần này. Nốt chân ông như hàng rào an dân. Không có kẻ gian nào lọt lưới chân ông. Cái hàng rào đó là ý dân, lòng dân và từ dân đi ra. Ở đâu trên vùng đất này có mặt ông là có sự yên lành. Gặp được anh em ông Tổng Phượng, lòng quan Đỗ như mở cờ, giải được nước bước ông đang thao thức trong lòng. Quan Đỗ thăm dò:
– Việc khẩn hoang này là một việc nặng nhọc, khó khăn, tôi muốn ông Hiệp quản giúp sức ngay từ bây giờ, ông thấy thế nào?
– Thưa quan thượng, tôi xin hết lòng ạ.
– Vâng. Các chư ông thấy đó. Công việc không thể ngày một ngày hai. Cần phải có sự đồng tâm hiệp lực. Do đó cần phải khuyến mộ kẻ góp của, người góp công. Cây phải có gốc. Nhà phải có cột. Công việc cần phải có chủ soái. Vậy nên tôi mời ông Hiệp quản đứng ra trông coi quán xuyến công việc này…
Ông Hiệp quản giật thột, nghĩ ngợi rồi thưa:
– Thưa quan thượng. Xin cám ơn quan đã có lòng trông xuống. Nhưng bản hạ tài hèn sức mọn, vì thế tự thấy khó lòng đảm nhiệm công thành. Xin quan trao trọng trách lớn này cho người có tài đức hơn.
Quan Đỗ nài:
– Thưa ông, tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Cái cần ở đây là công việc. Cả cái vùng bể bồi này có chỗ nào không có bước chân ông! Ai hiểu con sóng ngọn gió bằng ông? Sự an dân và cuộc sống người dân mỗi lúc khang trang ở chốn hải tần này có bàn tay ông tạo dựng. Uy tín của ông các quan đầu tỉnh, đầu phủ đều biết. Nếu ông không chê thì ông vui lòng nhận bớt cho tôi một phần gánh nặng. Đó cũng là ý của vua và thuận lòng dân. Đức độ và tài năng của ông, tôi tin rằng sẽ khuyến mộ được nhiều người! – Quan Đỗ quay sang ông Tổng Phượng tìm sự đồng tình – Tôi nói thế có đúng không ông Chánh tổng?
Ông Tổng Phượng hắng giọng lấy sự chân tình, nhỏ nhẹ:
– Xin đỡ lời ông thượng. Lời quan là lời vàng thước ngọc. Anh em chúng tôi không biết lấy gì đền đáp. Thưa, chú Hiệp đây là người nhân ái, độ lượng. Tuy chú không màng tới vinh thân nhưng quan trên đã nhìn tới thì trộm nghĩ chú cũng không nỡ chối từ.
Ông Hiệp quản dè dặt:
– Thưa quan thượng, thưa anh Tổng. Việc là việc chung, tôi đâu dám chối từ. Nhưng lượng sức mình để không bội tín lòng tin cậy của quan thựợng. Dù gì thì gì, tôi vẫn đem hết sức mình ra để tiếp nối ý nguyện bậc tổ tiên cho nước Việt mình thêm mở mang rộng bước hùng cường…
– Thế là được rồi. Xin cám ơn tấm lòng ông Hiệp quản. Còn một việc nữa. Tôi muốn tìm thêm một người gánh vác cùng ông Hiệp quản để cho công việc tiện bề suôn sẻ. Nhờ hai ông giúp tôi.
Một thoáng im lặng qua đi. Ông Tổng Phượng suy tư nỗi đắn đo:
– Thưa ông thượng. Có anh Lý trưởng Hà Lạn, tên Đạm, là người hùng tài, đức độ…
– Ông ta quý tính thế nào?
– Thưa, Vũ Duy Đạm.
Quan Đỗ ghi tên ông Vũ Duy Đạm, Lý trưởng làng Hà Lạn vào sổ của ông.
. Ngày 29 tháng Bảy, Giáp Tý (năm 1864), một trăm mười bảy vị tiên công thuộc người huyện Hải Hậu, huyện Giao Thuỷ và huyện Trực Ninh về họp phiên đầu tiên lập ra minh ước về việc khai khẩn:
. Góp tiền cử người vào Thanh Hoá mua tre, gỗ chuẩn bị cắm kè, triệt giang và làm Hội Quán trông coi công việc.
. Đắp con đê ngự hàm cao sáu mét, mặt đê rộng bốn mét, chân đê rộng mười hai mét. Cấy vẹt thành bãi rộng sáu chục mét dọc ven chân đê ngoài để chắn sóng biển. Quật lập thành thổ trạch rộng hai mươi mét dọc chân đê phía trong đồng để giữ vững chân đê.
. Khai thông sông cũ và đào mới những con sông tưới, tiêu để trừ chua rửa mặn.
. Vượt hai mẫu (7200m2) làm thổ đền, xây từ vũ, phụng thờ Hà thần, Thổ thần. Để tự điền mười mẫu (36.000m2), bốn mùa cúng tế. Để ba mươi mẫu (108.000m2) lo việc bảo dưỡng đê điều.
. Ai trái điều lệ này sẽ phải đền trả hoặc tịch thu khẩu phần tán cấp.
Cũng trong kỳ họp này, ông Chánh tổng Nguyễn Phượng được bầu làm Giám trương. Các ông Nguyễn Hoằng và Vũ Duy Đạm được bầu làm Đốc công chinh.
. Những con thuyền chở đầy tre gỗ vượt biển Đông Hải trở về cập bến an toàn. Bờ sông Sâu bỗng rộn rã hẳn lên. Tấp nập đàn ông, đàn bà và cả những đứa trẻ cũng hùa nhau tíu tít tham gia vác tre gỗ lên bờ.
. Đê ngự hàm khai sinh vào mùa nước cạn, giữa cái giá rét của những tháng đông năm 1864. Con đê nối từ đê Hồng Đức giáp ranh hai xã Hà Quang và Hà Lạn để đi ra biển Đông. Những chiếc cọc tre goá đực đóng xuống lòng đất sâu thành hai hàng thẳng thớm. Bắt đầu là những sọt đất sét cứng như đá lấp xuống làm chân đê. Những sọt đá hộc giành ưu tiên cho những vùng sình nhất. Con đê hình như từ mặt đất vươn lên trong bàn tay cần mẫn mỗi ngày một đẫy đà to lớn. Mới chỉ năm tháng, dáng đê đã mang sức vóc của chàng trai Phù Đổng dâng trào. Song nó phải chiến đấu ngay với những cơn bão tháng bảy và sự tức giận của biển bị chặn lại đã ra sức quậy phá hàng ngày.
. Ông Nguyễn Hoằng tới chỗ con đê đêm qua bị sạt. Bàn chân trần dẫm lên nền đất gập ghềnh. Mới hôm rồi, mưa dầm, đất như khóc đòi về với nước. Vậy mà nay, cái nắng hạ mới mấy chục ngày, mặt đất đã nhe răng cười kiêu ngạo. Ông thầm cảm ơn trời thuận cho nắng sớm, cảm ơn đất mau chắc thịt khô da, cảm ơn con người đã đồng lòng hiệp lực. Tới nơi, các ông Vũ Duy Đạm, ông tú Lê Duy Trinh, ông Vũ B Ln đưa ông tới đoạn đê mới vỡ. Ông Tú Trinh nói:
– Thưa ông, đoạn cua tay áo này, đêm qua gió lộng, sóng đã đánh vượt mặt đê làm một đoạn sạt lở tới gần một đạc.
– Vâng tôi đã được loan báo nên cho thuyền chở tre đá tới kia. Ta làm nhanh, cốt sao tránh được tiết Cốc Vũ này.
Chiếc thuyền chở tre, đá vừa cập. Hai ông Đốc công cùng mấy vị chủ khẩn xuống thuyền vác những cây cọc tre đầu tiên
lên bờ. Người lái thuyền nhìn, ái ngại:
– Ấy chết! các ông để chúng con – Anh gọi – Anh em đâu, xuống chuyển tre, đá lên kè đi chứ!
– Được rồi. Cậu cứ để mặc chúng tôi – Ông Nguyễn Hoằng hồ hởi – Việc chung cả, ai làm cũng được. Các cậu cứ để chúng tôi tham gia, sớm được giờ nào hay giờ ấy.
Cọc chuyển lên được đóng ngay xuống chân đê. Những tảng đá hộc ken vào nhau chắc nịch. Sức đê trở lại vững vàng. Mồ hôi thấm ướt quần áo anh em, ướt cả lưng áo các vị tiên công. Song mọi người không ngơi tiếng cười vui rộn rã.
Ông Nguyễn Hoằng trở về, qua chỗ hợp long bị phá. Con đê lực lưỡng như bị đánh gãy sống, lưng khuỵu xuống vùi trong lòng nước kiêu căng cười tung trắng bọt. Nó như vết thương lòng ông xa xót nhiều đêm. Những hộc đá chân đê bị cuốn phăng như bức tường bong bở.Cọc kè lung lay trước bão như hàm răng sắp rụng. Nó bật bùng xói vào ông đau nhức.
. Đã chục năm ròng, không đêm nào ông ngủ trọn đêm. Nhưng chính cái đêm dài đã mở ra cho ông, người đứng mũi chịu sào một hướng đi đúng nhất. Hành trình con thuyền mà ông đang đứng mũi đã qua bao bến bãi thành công. Nay còn chặng cuối cùng rất đỗi khó khăn cần dài hơi gắng sức nên ông dồn cả sức mình vào đó. Ông thiếp đi trong đoạn đêm ngắn chủn. Dòng nước ấy lôi ông dậy. Cuốn “Tôn Tử kế binh” trên giá sách xoáy vào mắt. Ông cầm, thuận tay mở ra đọc, sự khinh thường địch đẻ ra cách đánh chủ quan. Đúng! Mấy lần hợp long, như thiếu một sự tổng lực, đồng bộ. Hàng cọc kè mỏng, đá hộc ít, độ vững kém kẻ địch dễ bề chia ra để đánh!
Sáng, đến Hội Quán bàn việc, ông lại nghe tin đồn rằng, thần Hà Bá đòi cống nạp một cô gái đồng trinh. Tin đó làm bao nhà một phen hết hồn hú vía phải giấu đi con gái. Rồi lại có tin một cô gái trinh tơ nào đó ở mạn Hà Lạn tự nguyện hiến thân xin được làm vật tế thần, làm ông thêm mệt mỏi. Việc hợp long đang được bàn thì tin báo các quan đầu tỉnh đến. Các ông vừa kịp đứng dậy đón, vó ngựa đã tới gần ngay trước cửa. Vừa xuống ngựa, quan Đỗ đã yêu cầu tóm lược những khó khăn đang gặp phải. Ông Nguyễn Hoằng thành thật:
– Thưa hai quan thượng. Đê ngăn mặn cơ bản đã lập thành. Chúng tôi cũng đã triệt hạ xong hai cửa biển. Riêng cửa vụng chính rất sâu, sóng gió dữ dằn nên hai lần hợp long thất bại. Hai lần cửa hàn khẩu bị phá toang. Cơ man phí tổn…
Nghe, quan Đào giục:
– Các ông đưa chúng tôi thị sát ngay bây giờ…
Đoàn người dừng bên bờ đê nhìn dòng nước cuộn. Những tảng phù sa trồi lên rồi bị nhấn chìm như trò chơi mãi võ tung hứng đến chóng mặt. Mũi khoan dòng xoáy xoay tròn tạo những khoảng trống thách thức muốn hút mọi người xuống chiếc hố sâu hoẳm. Hai quan thượng nhìn dòng nước xiết rồi nhìn nhau như cùng cảm nhận những nút dây bùng nhùng khó gỡ. Một cụ già lưng đeo giỏ cá tay cầm cần câu không biết vô tình hay vì hiếu kỳ mà đứng sát ngay bên quan Đỗ. Quan Đỗ nói với ông lão bằng lời trân trọng:
– Ông lão ơi, dòng nước như thế này may chăng Ngư phủ mới chịu nổi, thưa ông?
Có lẽ ông nhận ra gương mặt lắng lo của các quan nên được dịp ông đã bạo mồm:
– Thưa các quan lớn. Con xin mạo muội nghĩ là đừng có việc phải hiến thủy thần gái đẹp thì việc mới xong xuôi!
Ông Đốc công Nguyễn Hoằng giật mình . Ông đáp lời:
– Xin cám ơn ông. Chúng tôi xin ghi nhận lời ông.
Quan Đào hỏi:
– Lại có chuyện như thế nữa? Mà ở đâu ra?
Ông Đốc công Vũ Duy Đạm đỡ lời:
– Thưa quan thượng, chúng tôi cũng mới được nghe, nhưng không rõ từ đâu ạ.
Quan Đỗ ghé vai ông Tổng Phượng:
– Ông Giám trương, xin ông cho mời các vị chủ khẩn tới ta bàn một số việc cần cấp ngày mai.
– Thưa quan, vâng.
. Ngay sớm hôm sau, các vị chủ khẩn tề tựu đông đủ tại Hội Quán. Cuộc họp đã đưa ra nhiều những kế hiến rất hay. Quan Đỗ không bỏ sót lời nào. Quan Đào khen ngợi, động viên các thành viên khẩn hoang, rồi nhấn mạnh:
– … Cũng cần dẹp bỏ ngay tin đồn nhảm. Tôi nghĩ, đã là thần thì luôn có lòng cao thượng, nhân ái bao dung giúp đỡ con người. Không nghe tin nhảm nhí để liên luỵ đến việc an dân. Tuy nhiên, thưa các quý vị chủ khẩn, tôi cùng quan Đỗ cho rằng thần Thuỷ, Thổ nơi đây rất linh thiêng nên ta phải nhờ sự giúp đỡ của Thần.
Mọi người hoan hỉ vỗ tay tiếp nhận với lòng biết ơn. Công thành như đang ở trong tay. Ngôi đền được dựng ngay sát chân đê phía bắc bờ sông gần vị trí hợp long. Trước cửa tiền đường, sáng ngời tôn hiệu “ Đông Hải Long Vương hiển ứng tôn thần”. Người người thành kính khấu đầu tế lạy, cầu xin.
. Cuộc ra quân bắt đầu. Ai nấy nức lòng, dốc sức. Nước sông cạn. Biển đang lùi xa. Những chiếc cọc tre goá đực to chắc nịch đóng sâu vào lòng sông ken dày tạo thành những cột trụ vững chắc liên tiếp bao quanh chân đê. Ông Đốc công Nguyễn Hoằng, như vị tổng tư lệnh nghiêm trang trước ba quân. Ông mời quan Đỗ cùng ông Giám trương Nguyễn Phượng bê sọt đá đầu tiên lăn xuống hố trụ cọc tre. Tiếp là những dây chuyền đất, đá hối hả, nhịp nhàng dưới sự điều khiển của từng Đốc công đứng trước dây chuyền. Đá chèn chặt ních. Từng lớp vôi hồ chèn vào giữa những khe đá gắn tạo bức thành dày bền vững cao quá mặt nước triều. Dòng nước bướng bỉnh bấy nay đã ngoan ngoãn phục tùng sự điều khiển của con người. Nhìn nước hiền hoà chảy theo dòng, từng tốp người xúm nhau vui mừng hể hả. Ông Đốc công Nguyễn Hoằng ứa hai hàng lệ, ôm lấy ông Đốc công Đạm ngay trước mặt quan Đỗ mà rằng:
– Xin cám ơn quan thượng. Cám ơn anh em. Cám ơn ông Đốc công. Chúng ta đã chiến thắng rồi!
Quan Đỗ choàng ông Giám trương Nguyễn Phượng cùng hai ông Đốc công Nguyễn Hoằng và Vũ Duy Đạm trong vòng tay và hướng mặt về phía biển Đông.
Các đốc công Vũ Duy Đạm, Lê Duy Trinh, Vũ Bá Lân, ông Quyền Loan… và nhiều các vị khác vẫn có mặt trên đê. Đêm, những ngọn hoa đăng lấp loá trên mặt hợp long kiên nhẫn cảnh giác phòng sóng gió bất ngờ. Ông Vũ Duy Đạm đến bên ông Nguyễn Hoằng:
– Thưa ông, vậy là công việc đã khả dĩ an tâm. Anh em đã được cắt đặt trông coi tích cực. Giờ đã khuya, mời ông về nghỉ chút ạ.
– Cám ơn ông. Tôi ở lại cùng anh em, chư vị. Tôi có nằm cũng không thể ngủ được.
Trước cửa sân đền Đông Hải Long Vương, hai vị Đốc công bên ngọn đèn dầu lạc nhon nhen cháy, nhâm nhi ly trà tàu sánh trong chiếc ly mắt trâu đất nung Bát Tràng, đỏ chót. Hai ông bàn chuyện khẩn trương hoàn thành phai cống, ngăn nước biển trở vào đồng và công việc thau chua rửa mặn. Chốc chốc hai ông lại đi ra bờ hợp long. Lòng hai ông rộn ràng. Những ngôi sao đêm lấp lánh trên bầu trời xanh thẳm soi xuống những tấm lòng trong sáng.
. Những chiếc phai cống đã đóng kín cửa sông. Nước biển thua trận dàn hàng bên ngoài chân đê, mệt mỏi kêu ì oạp. Triều biển ròng, phai cống mở ra. Phù sa bị gạn hồng trên bãi, trả lại cho sông dòng nước bệch bạc chua mặn qua cửa cống ra ngoài. Biển ngậm ngùi nhận những tàn tích của mình lùi xa tít tắp. Hai năm trôi nhanh, bãi vẹt rộng bao chân đê chắn sóng lên xanh tươi đến không ngờ. Đê ngự hàm được đặt tên Đê Năm Mươi, dài 5116 mét, sừng sững trên nền thổ trạch suốt dọc chân đê rất vững chãi đủ sức chống chọi với biển cả.
Thời gian cứ lững lờ trôi, ghi nhận sự bồi đắp hàng ngày của đất. Sự phục sinh của đất bắt đầu. Trên bãi sình đang thay màu sú vẹt. Cỏ đã lên ngôi. Tiếp là những hạt từ rừng rú trôi về nảy hạt, nhú mầm. Mặt đất đã se lại.
Năm Quý Dậu (1873) Chánh sứ Dinh điền, Tiến sĩ Đỗ Tôn Phát, Tổng đốc Đào Trí cùng Bộ Hộ cho khảo khát kết quả khai khẩn được 8558 mẫu (Bắc bộ) và tâu lên Triều đình. Vua Thành Thái thuận y, ký cấp ruộng theo lệ tư điền thế nghiệp và lệ dinh điền chịu thuế.
. Trải qua những ngày khổ ải, gội nắng dầm sương, quật quã với sóng gió, ngót hai chục năm lớp tiên công cũng đã điểm bạc mái đầu. Ông Đốc công Nguyễn Hoằng từ tuổi nhi bất hoặc, đã sang quá tuổi nhi nhĩ thuận. Sức lực ông cũng không thể dầm mưa dãi nắng mãi được tuy lòng nhi tòng tâm sở dục(*), không bao giờ muốn rời mảnh đất thân yêu dường như ông đã dành cho nó cả cuộc đời mình. Tre già măng mọc. Vậy là con cháu trẻ trung với sức bật mạnh hơn lại tiếp nối. Ông Nguyễn Nghị và Nguyễn Viết Cừ được bầu đảm nhiệm Đốc công hậu khẩn. Những bước chân con cháu tiếp bước vững vàng trên con đường ông cha đã xây nền đổ móng.
Trên từng khoảnh bãi bồi, hai bên bờ sông Hải Hậu, từng tốp người cần mẫn bám đất từ sáng tới chiều. Nước ngọt chở phù sa ngày ngày ùa ập vào đồng ngập mát dưới chân. Con sông nhỏ thông với sông Sâu được nạo vét, đặt tên là sông Nghinh Cam. Còn con sông rộng mênh mang hay quậy phá xưa kia gọi là sông Hải Hậu. Mảnh đất phì nhiêu, rộng chừng một cây số kẹp giữa hai con sông Sâu và sông Hải Hậu rất bằng phẳng. Đã có những dòng kênh đào song song, cách nhau chừng năm trăm mét nối hai con sông đó. Men dòng kênh là những con đường như nét kẻ bàn cờ. Những nếp nhà tranh mọc lên lưa thưa bên những vạt rau xanh vào kỳ trổ lá. Khói bếp lam chiều đã toả. Từng đàn trâu, bò cúi đầu thi nhau gặm cỏ. Đâu đó tiếng gà gáy vang núp sau bóng tre xanh những buổi trưa hè. Không xa, những khoảnh ruộng đã hình thành và lúa cũng bắt đầu rộng loang màu xanh bao phủ.
. Hai mươi mốt năm thời gian một vùng đất, không thấm vào đâu, nhưng với một đời người thì vời vợi một quãng hành trình xa thẳm. Song ông cha, con cháu với lòng nồng nàn yêu đất nước, ruộng đồng, họ đã quên đi ngày tháng.
. Năm 1885 công việc khai hoang phục hoá hoàn thành. Quan Đỗ trở về. Bảy mươi ba tuổi, dáng Người vẫn mang hơi hớm sức trai. Nhìn đồng ruộng bao la, ngút ngát một màu xanh của luá, Người trầm ngâm nhớ cái ngày hơn hai mươi năm về trước, những mái đầu kia xanh tơ là vậy. Họ đã góp công góp sức một lòng một dạ chung tay vượt bao gian truân vất vả, vượt lên sóng gió bão bùng, vượt thời gian và vượt cả chính mình. Nay họ đã nhường màu xanh cho đồng ruộng nhận về mình sự phôi pha của nắng, gió, của màu sương muối biển. Bỗng quan Chánh sứ Dinh điền sờ lên mái tóc mình. Vâng, trên mái tóc đó có nhiều sợi trắng cho đồng đất Hải Hậu này! Ông Giám trương Nguyễn Phượng, các ông cựu Đốc công Nguyễn Hoằng, Vũ Duy Đạm, các ông Đốc công hậu khẩn Nguyễn Nghị, Nguyễn Viết Cừ và các chư vị tiên công khai khẩn, cũ, mới, mái đầu xanh quanh mái đầu bạc tề tựu về đây làm lòng ông tràn ngập một mùa hoa Xuân nở.
. Hôm nay, bắt đầu từ cái ngày hôm qua, từ nét vạch đầu tiên tay ông phác thảo. Màu xanh mơn man kia gọi tứ. Ông nhẩm lại câu thơ cuối cùng. Bỗng ông Giám trương Nguyễn Phượng hồ hởi:
– Thưa quan thượng, xin Người cho một áng thơ?
Bắt được trúng ý, quan Đỗ vui vẻ:
– Tôi cũng vừa nghĩ xong ông ạ.
– Xin quan thượng cho anh, em, con, cháu ở đây thưởng thức được không ạ?
– Thưa quan, chúng con muốn được nghe lắm ạ!
– Thưa quan, mời quan đọc ạ! – Người nhao nhao hưởng ứng, đồng tình.
Mọi người quây quần quanh quan Đỗ, im lặng và chờ đợi. Hồi hộp, Người cũng lắng lại lấy khí thế. Một chất giọng hào sảng cất lên.
– Vậy tôi xin đọc:
. Bể mới lên nương, đất chửa nhuần,
. Thau chua rửa mặn mấy gian truân.
. Đường cày Xuân muộn sương mưa tưới,
. Khoảnh ruộng bồi non, cấy gặt dần.
. Bò sớm đi về sao điểm tóc,
. Bữa chiều về đã khói chen chân.
. Những mong mưa nắng sao cho thuận,
. Non thẳm đêm đêm ngắm bóng vân!
Bọn thanh niên ùa lại công kênh quan Đỗ. Ông chung chao trong lòng tay lớp trẻ, lòng vững tin yêu. Các cụ già tranh thủ xin chép bài thơ.
Câu thơ của Người còn đó. Nó mãi mãi vang trong lòng người dân Hải Hậu. Song điều lớn hơn là sự tồn tại và kết tụ muôn đời lòng biết ơn với người khai khẩn mở mang cho bờ xôi ruộng mật, cho sự tồn tại lên xanh tươi thắm hôm nay!
. TỐ HOÀI
_____
1. Quốc tử giám Tế tửu:: Hiệu trưởng trường Quốc tử giám
2. Thái bảo? là ột trong 4 tước hiệu lớn nhất trong triều đình cũ
* Tứ thập nhi bất hoặc:tuổi 40 không bị mê hoặc.
Lục thập, nhi nhĩ thuận: tuổi 60, tai phân biệt được phải trái.
Thất thập, nhi tòng tâm sở dục: tuổi 70, làm theo lòng mình muốn.