. CHƯƠNG 5
. CHÚ CHIM NON TRONG VÙNG DĂNG BẪY
. Tạm biệt Quỳnh rồi, Quang lên đường ngay sáng hôm sau. Chờ xe ở bến Yên Định hàng tiếng đồng hồ không thấy tăm hơi một bóng xe khách nào. Em trai của Quang mới đèo bằng xe đạp cọc cạch lên bến xe Lạc Quần. Em trai cứ nhìn thẳng vào mặt Quang như xoi mói. Quang quay đi giấu diếm gương mặt của mình. Chú em hỏi:
– Lần này về, anh có điều gì không vui?
– Đâu có!
– Anh thật lòng đi. Mẹ dặn em, phải hỏi bằng được. Biết sự thật mẹ mới có thể an lòng.
– Không có gì lớn đâu em. Trai thời loạn mà?
– Vậy là anh đi B, hay là anh bị “faute”(4) gì? Cái lần bạn anh bị đuổi học vì lý lịch gia đình ấy, mẹ mất ăn mất ngủ hàng tháng trời, lo cho việc học của anh. Vậy không có “faute” thì có gì làm anh như là lo lắng lắm?
– Mọi sự thay đổi là một sự buồn. Nhà trường cử anh đi chiến trường. Gấp quá. Chỉ đi gặp, chia tay bè bạn mà chưa nói được với mẹ. Anh định vào tới nơi an toàn, gửi thư về trình bày và xin lỗi mẹ.
. Chiếc xe khách bé tí ước chừng ba chục chỗ ngồi chạy tới. Vậy mà cả đoàn người ô hợp ở dưới lòng đường chen chúc nhau túa lên chiếm chỗ. Quang vội vàng chạy theo. Vừa kịp bấu vào cửa xe, đu được người lên đặt một chân vào bậc cửa thì xe lăn bánh. Quang chỉ thoáng thấy em trai chới với nhìn theo với dòng nước mắt lăn dài trên má. Bánh xe nghiến xuống mặt đường đá ràn rạt, ì ạch bò đi, phả ra làm mù mịt thành cái đuôi con chồn lông kéo dài tít tắp.
Quang biên chế vào một Quân Y viện dã chiến thành lập mới toanh. Cơ sở vật chất trang bị cho chiến sĩ đi B không đủ theo cơ số. Cả Quân Y viện, có hai bộ đồ phẫu thuật mới có, cũ có. Nó được phân ra cho mỗi nhân viên một ít để trong ba lô mang vác trên vai.. Quang là một trong số bác sĩ trẻ của Quân Y viện với chuyên khoa Ngoại – Sản anh sắp xong học kỳ cuối, chuẩn bị ra trường.
Cuộc hành binh vào chiến trường miền Nam được phổ biến: đi bộ. Tuy nhiên vẫn được mở ngoặc nếu có phương tiện vận tải an toàn thì xử dụng triệt để, kịp thời chi viện chiến trường với thời gian ngắn nhất. Cung đoạn đầu, quân hành, đoàn được đi bằng xe hỏa từ Hà Nội. Con tàu như rùa bò. Nó chậm rãi rùng rục qua các đoạn cầu, đường đang khắc phục bom Mỹ bắn phá tan hoang. Dừng, khi báo động máy bay. Tránh, những con tàu ngược chiều đang lạch bạch phía trước.Vào được tới Vinh đã là đêm thứ hai. Ga Vinh chỉ còn nền đất trơ chìm sâu trong đêm tối mênh mông. Người đi dò từng bước. Nhận ra người đi trước bằng miếng lân tinh phát ra ánh sáng lạnh mù mờ đeo phía sau lưng.
Cái ngột ngạt của chiến tranh tăng lên theo chiều dài cây số. Nó luôn hiện ra rõ ngay trước mặt và bao khắp quanh mình.
Những đoạn đường trên khúc ruột miền Trung bị băm vằm khoét trũng nham nhở. Đôi đoạn, đoàn được đi bằng ô tô tải. Vẫn những chiếc xe tải Zil “Khơ”(5) và xe tải Giải Phóng hai cầu chở đoàn. Không có con xe nào còn nguyên vẹn. Nó như cụ già tần tảo. Cũng đã bị những vết thương toạc xé ghim nát thân mình. Hình hài con người trên xe như những con phỗng cũ kỹ bám đầy bụi đất đỏ bazan lắc lư, ngiêng ngả theo tiếng rú ga. Hành khách trên xe phải trả giá bằng những chất cung cấp năng lượng đã giấu kín vào trong bụng cho cuộc hành trình, bị xăm xoi nắn bóp, tống khứ ra ngoài. Mật xanh nanh vàng. Đấy là giá cả cuối cùng mà các cụ xưa tổng kết. Ra khỏi xe, không thiếu những gương mặt xanh mét, nhàu nhúa bị bôi trát khoang khủa bụi đường. Nhìn vào gương mặt Quang, y tá Phương Thảo phì cười:
– Bác sĩ Quang này. Khăn tay đây. Lau tạm mắt anh đi. Những bụi như ai buông tơ hồng trên hàng mi cong thế kia. Nó rơi vào mắt mà đau thì ngày mai sao còn hành quân được?
Quang chìa tay cầm:
– Cảm ơn đồng chí nhiều. Rất cảm ơn!
– Cảm một lần thôi đồng chí. Nhiều thế Thảo lấy gì mà đựng.
Y tá Ngọc đi bên Thảo nhải cái miệng, hùa vui:
– Cứ nhận đi-i. Không đựng hết thì chia cho Ngọc một ít.
Thảo ghé tai Ngọc thầm thì:
– Thích thì ta cho không này!
– Nhớ lấy nhé. Đòi lại tôi không trả thì đừng có mà nhè cái miệng son ra. Nó sẽ không còn tròn vo đỏ chót như trái nhót mọng nữa đâu.
Bỗng có tiếng lệnh:
– Hành quân! Tất cả các đồng chí chú ý. Đi hàng một. Cách nhau ba bước chân. Bám sát đội hình. Không đứt đoạn.
Cả đoàn người ba lô trên vai và đôi dày vải dưới chân đi hàng một. Hướng hành quân theo con đường dài không nhìn thấy điểm cùng phía trước.
Mải miết hành quân. Mài miệt ba ngày liền. Vừa dừng chân ở đất Bố Trạch, Quảng Bình thì được lệnh triển khai sẵn sàng cấp cứu. Ban Ngoại của Quang được triển khai hai bàn phẫu thuật. Một bàn Quang được chỉ định làm trưởng kíp.
. Đêm Quảng Bình nóng lên vì tiếng máy bay địch quần thảo trên cao. Những tiếng xe với ánh đèn gầm, rầm rì như cua bò cùng với bước quân hành rậm rịch thông đêm. Khuya rồi, nhưng Quang trằn trọc mãi. Hình ảnh Quỳnh thường trực quyện chặt trong Quang. Nhiều lúc dội lên làm con tim thình thịch. Tiếng nổ lớn. Âm vang đủ làm Quang thức tỉnh suy tư. Anh nhỏm dậy bật đèn pin. Ánh đèn lờ mờ qua lỗ giấy bịt kín chỉ đủ phát ra một đường mỏng manh ghim vào đêm tối. Hôm nay Quang không viết nhật ký. Anh cũng không cả viết thư cho Quỳnh. Vì anh cũng đã gửi tới chục lá thư về Quỳnh và phấp phỏng thời chiến, bán tín bán nghi. Liệu Quỳnh có nhận được không. Mà đêm nay, bỗng nỗi nhớ đã thành thơ. Quang lấy cây bút dắt sẵn trên áo ngực. Anh lia ngòi trên tờ giấy gấp bốn, dẫn hàng chữ hiện ra bốn câu thơ lục bát cho Quỳnh. Có tiếng lạch cạch ngoài cửa hầm:
– Đồng chí Quang.
– Có!
Quang nhoài ra ngoài hầm:
– Gác à?
Tiếng con gái thanh thoát:
– Khiếp. Làm gì mà thức khuya thế? Mời bác sĩ dậy. Có cấp cứu!
Quang gấp thư lại bỏ vào túi áo và đi nhanh tới hầm trực. Đồng chí thương binh đang được truyền dich chống choáng. Bàn chân trái thương binh bị dập nát be bét bệch bạc hết cả. Phần trên ga-rô ở cổ chân, bom cháy đen nham nhở. Nhiều vết mảnh bom li ti găm bám, toạc rách máu vẫn còn rỉ chảy.
Khám xong, Quang ra ngoài thấy tốp bộ đội cáng thương đưa đến vẫn còn chờ ở ngoài hầm. Quang hỏi:
– Đồng chí thương binh bị thương ở nơi nào đến vậy, các đồng chí?
– Bom đánh ở cầu Lý Hòa vừa xong đó.
– Có thoát khỏi không, bác sĩ ơi?
– Các đồng chí an tâm đi. Chúng tôi sẽ hết lòng cứu chữa. Đó là trách nhiệm mà! À, ngoài đó có hòm thư bưu điện không nhỉ.
– Có đó.
Quang nẩy ra ý định gửi thư cho Quỳnh:
– Tôi nhờ các đồng chí bỏ dùm lá thư được không?
Một tiếng rất trẻ, hồ hởi:
– Được chớ. Em nhận gởi cho.
Lúc ấy Quang mới ngớ ra. Những lá thư viết cũ còn trong ba lô ở hầm trú ẩn, không thể về lấy. Vì anh được phân trong kíp phẫu số 1, thường trực mổ đêm nay. Quang lấy luôn bút giấy ở túi áo ngực viết vội mấy dòng cho Quỳnh. Quang lại ngớ ra:
– Chết rồi! Không có phong bì đồng chí ạ.
Lại tiếng đồng chí cáng thương:
– Nỏ răng mô. Em có mà.
Quang đưa cho đồng chí bộ đội tờ thư gấp bốn kèm con tem quân đội có sẵn trong chiếc ví nhỏ:
– Vậy thì nhờ đồng chí viết dùm địa chỉ này Phương Quỳnh, giáo viên cấp hai xã… Tôi thành thật cám ơn đồng chí nhé!
Nói xong, anh vội chạy đến nơi rửa tay mổ. Thương binh đã được đưa vào hầm mổ tiếp tục phẫu thuật cấp cứu. Bác sĩ Quang quyết định cưa một phần ba dưới cẳng chân. Bảo tồn các vết thương bên trên vì chỉ tổn thương phần mềm. Ca phẫu thuật được coi là khá thành công. Nó cũng là ca phẫu đầu tiên đối với người phẫu thuật chính là Quang. Được gọi là thành công, nhưng Quang đã thấy toàn kíp phẫu, bộc lộ những nhược điểm cần khắc phục ngay. Quang đề nghị Viện trưởng cho rút kinh nghiệm kịp thời.
. Toàn ban triển khai khắc phục những yếu kém tồn tại. Dụng cụ phẫu được đưa ra lau chùi, thống nhất cách gọi. Toàn kíp phẫu phải đồng bộ, kịp thời, đầy đủ mới có thể dành giật với tử thần. Mới có thể đáp ứng yêu cầu trả lại sự sống và trả lại tối đa sức chiến đấu cho tiền tuyến.
Y tá Phương Thảo đang lúi húi tập thắt nút chỉ cùng trợ thủ Tùng. Thảo ngẩng lên gọi:
– Bác sĩ Quang ơi! Tôi thắt lại mũi chỉ này. Bác sĩ kiểm tra xem đã đúng chưa nhé?
– Đồng chí thắt thử tôi xem.- Nhìn y tá Thảo thực hiện thao tác, Quang nói – Đấy. Cái vòng thứ nhất bị trái tay nên nút thắt ấy không thể nào chặt được. Đồng chí xem này.
Quang cầm chỉ. Tay anh vòng qua cuốn băng cuộn thực tập. Xoáy một cái, nút thắt đã xong. Thảo cười dòn:
– Bác sĩ làm dẻo như múa thế ai mà theo kịp.
– Được rồi. Tôi làm chậm từng động tác. Đồng chí xem này.
Y tá Thảo đề nghị:
– Bác sĩ ngồi xoay lại cùng hướng với Thảo thì mới dễ xem. Chứ thế thì học trò nhận thức làm sao kịp?
Quang ngồi xoay người lại. Tay cầm chỉ hướng dẫn:
– Bắt đầu thế này… Thế. Tiếp thế này…
Xong, Quang về công việc dở của anh. Thảo lại réo:
– Bác sĩ Quang! Lại kiểm tra đi.
Quang tới chỗ Thảo, nhìn Thảo làm, khen:
– Nút chỉ được rồi đấy. Nhưng làm mà phải nhớ từng động tác, chậm như rận bò, thì còn gì là thương binh. Kỹ năng đã có, nhưng cần phải kỹ xảo, đồng chí ạ.
– Rõ!
. Vượt được qua sông Bến Hải, Quân Y viện chốt ở quanh hang núi giữa rừng dày Hướng Hóa phục vụ cho Mặt trận B5. Hang núi có tên La Rường, nằm bên bờ suối nhánh con sông Sê-Bang-Hiêng, ngọn nguồn ở mãi hạ Lào. Nắng ở rừng không kèm theo gió. Nhưng có lá rợp và suối nước chảy làm cho không khí mát dịu hẳn đi.
Công việc của Quang hôm nay là đào hầm trú ẩn tránh bom. Hầm là ngôi nhà của chính mình. Nó không chỉ che mưa, che gió, canh cho giấc ngủ. Nó còn là tấm giáp che xương che thịt. Sau một ngày hết sức cố gắng tận dụng thời gian, chặt cây đào hố công việc cơ bản tạm đủ cho căn hầm. Quang nói với Tùng, y sĩ, trợ thủ chính của anh:
– Đồng chí sang giúp đồng chí Thảo chứ tôi thấy đôi bàn tay tháp ngà tháp ngọc ấy chọi với đá sao được?
– Anh sang bên đó đi. Công việc hầm hố ta còn nặng lắm đấy. Bàn tay Tùng mà kham mới có thể nhanh được.
Quang sang bên nơi Thảo và Ngọc đang đào đất. Nhìn hố đất nông choèn, Quang phì cười:
– Trời! Thế này, lỡ ra máy bay thì trú vào đâu? Tôi sang giúp một tay đây.
Quang đến cầm lấy xẻng của Thảo. Thảo giữ kéo lại:
– Cảm ơn bác sĩ. Chúng tôi đào được mà!
Ngọc hỏi:
– Bên bác sĩ xong chưa mà còn đi chi viện?
– Chưa xong nhưng đã tàm tạm.
Thảo nói:
– Vậy thì không được rồi… Thôi thế này đi, Ngọc ở nhà đào hầm với bác sĩ. Thảo sang cộng tác với anh Tùng chứ ai lại…
– Để Ngọc…
Nói xong, Ngọc vù sang chỗ Tùng đang hì hục với công việc. Thảo đắn đo:
– Bác sĩ Quang ơi. Tôi đề nghị thế này nhé. Bác sĩ chặt giúp mấy cành cây con kia. Công việc này để tôi chứ lỡ xước đôi bàn tay vàng thì tai hại đến cả…
Quang đã búi xong ống quần và tay cầm chiếc xẻng của Ngọc để lại. Anh ngắt luôn lời Thảo:
– Đồng chí an tâm đi. Bàn tay tôi chai đến như thế này – Quang xòe đôi bàn tay. Thực ra vẫn còn nhẵn bóng – Sao mà xước với phồng.
Hai người đào đất. Mỗi người hất về một phía. Họ chẳng nói chẳng rằng. Cho đến lúc Ngọc về để ăn cơm trưa mới giục:
– Ta ăn cơm thôi bác sĩ ơi! Có sức hai người cộng lại có khác. Quên cả cơm. A, sắp xong rồi. Đào thế này mới là đào.
– Công của bác sĩ Quang đấy. Thảo chỉ té nước theo mưa…
– Đâu có. Đồng chí Thảo làm quên nghỉ thì tôi phải theo.
Ngọc đắc chí cười:
– Bác sĩ mà theo Thảo thì giàu to. Số Thảo sướng lắm đấy.
Quang bây giờ mới để lộ sự bẽn lẽn. Mặt đỏ lên. Đôi bàn tay như bối rối:
– Tôi về các đồng chí nhé. Chiều tiếp tục.
Quang đi rồi, Thảo mới được thể nỏ mồm:
– Mình phải bữa phờ râu! Theo ông ấy bở hơi tai. Làm thế mà miệng như ngậm hạt thị. Không nói không rằng! Thế mà chịu được, mới kỳ. Tớ cứ mặc kệ…Người gì mà khô như củi.
– Xạo nó vừa vừa thôi. Râu không có lấy gì mà phờ. Sướng chết cha đi thì có. Nhầm rồi đấy nàng ạ. Người ướt thế, sao lại gán cho người ta khô?
– Khô chỉ chưa đến nỗi không khốc. Mở miệng ra, lúc nào cũng đồng chí với đô-ồng chi-í! Điệu đà nữa chứ!
Ngọc ngạc nhiên:
– Điệu đà á? Người ấy mà gọi điệu đà? Tớ thấy chân thực thì có chứ điệu đà gì đâu?
– Không điệu? Cái hôm thực tập kíp phẫu… Mình thử thêm tay nghề ông ấy. Vờ nhờ để xem ông ấy có thắt thạo nút chỉ không. Thế mà ông ấy như diễn xiếc trước mặt mình. Nhưng quả là cũng khéo. Thắt nút chỉ vừa đúng kỹ thuật lại vừa đẹp. Tay thì dẻo ơi là dẻo… Mà sao nhiều lúc thấy ông ấy đăm chiêu chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui…
– Thế mới chết con người ta. Biết đâu đang thả hồn vào bóng hồng nào? Hay chàng ta đang ken ngầm tấm lưới dầy để dăng… Thảo ơi, liệu hồn. Cứ chấp chới vào…
– Ngọc! Cậu làm Ma Xó được đấy. Thảo nghi lắm. Thấy nhiều lần bác sĩ Quang ghi nhật ký. Một cuốn sổ rất đẹp. Lại ép hoa, trông như cánh hoa Quỳnh ấy thì phải…Viết nhiều thư lắm. Rồi gấp lại. Thật hâm! Ở cái xứ này, bưu điện có đâu mà viết. Quân bưu thì chết dẫm ở đẩu ở đâu có thấy mặt mũi bao giờ…
– Ừ, Ngọc còn thấy ông ấy làm thơ nữa cơ… Nhưng mà, chuyện riêng, cứ thích xiên vào thì mới lạ
– Thì thôi nhé.
. Rừng phía nam đường Chín không đến nỗi tàn lụi cháy đen và xác xơ bóng cây non như ở phía bắc đường. Một khu rừng dày xa đường tuyến nên tiếng máy bay trinh sát OV10 trên trời chỉ nghe thấy o o. Song tiếng bom trên đường tuyến dội về thì ầm ầm suốt cả ngày. Máy bay mới đánh phá kho gạo A Lia. Một số thương binh được tải về. Kíp mổ của Quang phải liên tục từ gần nửa đêm quá sáng. Khi công việc phẫu thuật cấp cứu xong xuôi, Quang bước ra khỏi cửa hầm mấy bước thấy máy bay xẹt rít Phản xạ, Quang nằm rạp xuống để tránh bom. Nhưng không, ngay sau tiếng máy bay C123 là một làn khói ướt như sương mù trắng bay phủ theo chiều gió ngược. Quang hô:
– Địch phun chất độc hóa học. Các đồng chí dùng khăn thấm ướt bịt mũi ngay.
Thảo cũng bước ra khỏi hầm mổ sau Quang ít bước. Thấy máy bay vừa xẹt ngang qua đầu, Thảo ngửi thấy ngay mùi khó chịu khác lạ. Cô hoa mắt chuệnh choạng gục trước cửa hầm. Quang nghe tiếng xịch phía sau, anh ngoái lại thì ra Thảo. Quang chạy tới:
– Các đồng chí. Đỡ đồng chí Thảo vào buồng cấp cứu.
– Thảo ơi. Thảo à?
Tùng giật tóc mai của Thảo. Ngón cái tay Quang vẫn bấm vào huyệt nhân trung và ngón trỏ day vào thái dương Thảo. Y tá trực tiêm cho Thảo mũi thuốc trợ lực. Đưa Thảo vào tới hầm cấp cứu thì Thảo mở mắt nói rất khẽ:
– Tôi sao thế này?
– Thảo, không sao đâu. Yên tâm nghỉ ngơi là khỏe lên thôi.
Ngọc cầm ca sữa nóng đến gần Thảo. Ngọc nâng đầu Thảo dậy để ngiêng ly sữa vào miệng, nói:
– Thảo uống đi. Cố gắng một chút đi nhé.
Thảo nhấp từng ngụm. Cô đang đà tỉnh táo lên, nói với Ngọc ngồi bên:
– Đêm phẫu ba ca. Thảo đói đến cồn cào. Vì chiều mệt, ăn ít quá. Thấy bác sĩ Quang trách nhiệm đến đam mê. Mình không dám khêu gợi ăn uống. Tới gần ca phẫu cuối cùng, mình muốn đổ ngã mấy lần nhưng gắng gượng được. Bỗng ra ngoài, ánh sáng đột ngột ập vào. Hơi chất độc hóa học chết dẫm của máy bay phun xuống, xộc vào mũi làm Thảo tức thở như có ai bóp hai lá phổi. Cảm giác chóng mặt. Mắt nảy đóm hoa rồi ngã lúc nào không biết…. – Thảo ngồi nhỏm dậy – Bây giờ khỏe rồi. Mình về hầm. Còn phải hấp dụng cụ sẵn sàng cho các cuộc phẫu tới.
Ngọc khuyên:
– Nằm nghỉ đã, Thảo. Chất độc da cam diệt cỏ, rụng lá cây vừa rồi làm cho Thảo thấm mệt đấy. Chứ chất độc vũ khí hóa học Cs(6) như lần trước nó phun thì mức độ sát thương còn mệt hơn nhiều.
Ngọc đi rồi, mình Thảo nằm trong căn hầm chữ A lạnh lẽo cô đơn. Nghe Ngọc nói, Thảo cứ phân vân về chất hóa học Dioxin máy bay Mỹ rải thảm hết lớp này đè lên lớp khác làm trụi cả dải rừng già Quảng Trị. Có vào rừng mới thấy cái trống huênh hoang như bị cháy rừng. Những cây cao chết như bị thui cháy đen chĩa thẳng lên trời kêu cứu. Còn con người bị phơi nhiễm chất độc này rồi sẽ ra sao? Liệu có như cây cháy đen thui kia không? Sự tồn tại của chất độc hóa học Mỹ rải trên đất này đến bao giờ? Thời gian bán hủy của nó là bao lâu? Đang mông lung trong mớ câu hỏi chưa có giải đáp thì bác sĩ Quang đến. Anh nói với Thảo bằng niềm chia sẻ, thân thương:
– Đồng chí Thảo có đỡ chút nào không? Bây giờ Thảo về hầm rồi anh em mình chăm sóc cho an tĩnh hơn.
Chưa lần nào thấy Quang gọi Thảo chỉ có tên không. Thấy Quang chuyển cách gọi, Thảo như cởi tấm lòng.
– Cám ơn bác sĩ Quang. Tôi không sao đâu. Tôi về để hấp lại dụng cụ cho kịp thời nhiệm vụ…
– Trưởng ban đã phân công người khác rồi đồng chí ạ. Ốm tha già thải. Công việc bao giờ hết được… Đồng chí nghỉ đã…
Thảo tự nhủ, “Ông này, hay thật đấy. Lạm dụng, gọi vợ cũng bằng đồng chí có khi. Cách xưng hô có đổi chút nào đâu mà mình lại nghĩ lầm! Thôi bỏ đó. Dù sao, trong âm điệu lời nói, chàng ta không đến nỗi nào”.
Mấy ngày nay Quân Y viện chỉ nhận được những thương, bệnh binh đã được xử lý ở các bệnh xá Trung đoàn, Sư đoàn gửi tới. Vì vậy Quang tranh thủ thời gian đến thăm Thảo được nhiều hơn. Thảo đã đi làm vì khoa ngoại cũng vẫn thiếu người. Quang cùng Thảo về hầm sau khi Thảo phát thuốc cho thương bệnh binh xong. Thảo vui vẻ nói:
– Bác sĩ Quang ạ. Nhờ bác sĩ cắt thuốc của tôi đi. Tôi khỏe hẳn rồi mà.
– Thảo ạ, y lệnh ở đây là mệnh lệnh chiến trường. Nếu như được gọi là chăm sóc thì đó là trách nhiệm phải trả lại sức chiến đấu. Chiến tuyến của ta là tranh chấp với tử thần. Có sức khỏe mới chiến thắng được. Thực sự Thảo gục xuống lúc đó, tôi rất buồn và lo lắm. Tôi ân hận vì đã gây ra cho Thảo nỗi đau không đáng có này. Thảo thứ lỗi cho. Nhiệm vụ Tổ Quốc trao, ta gánh. Nhưng hoàn thành được là phải chung sức thật đều mới làm tốt được. Xa nhà, ta là anh em. Đùm bọc, thương yêu, đoàn kết. Vui cùng chia. Buồn cùng sẻ. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ là vậy!
Phía ngoài cửa hình như có bóng người. Thoáng, Thảo thấy như là Ngọc. Thảo ơi ới:
– Ngọc à? Ngọc ơi, vào đây. Vào đi.
– Chào bác sĩ Quang. – Ngọc e dè – Thôi để bác sĩ khám cho xong. Tôi qua chút thôi vì còn bận
– Tôi cũng xong rồi đồng chí ạ. Hai đồng chí ngồi đi. Tôi còn chút công việc…
Quang đi rồi, Ngọc mới phá lên cười, điều vừa khám phá:
– Chàng và nàng tâm sự gì mà lâu đến thế? Sao con mắt như lệ ngấn vừa bị quẹt vội thế này?
Thảo giật thót người. Nhưng vốn lanh ý nên nói ngay ra được lời trí trá, giấu quanh:
– Đừng có mà gắp lửa bỏ tay người. Thiêu cháy người ta bây giờ đấy.
– Thảo sợ đến thế cơ à?
– Sợ gì! Nhưng mà bác sĩ Quang đang có cô người yêu ở nhà. Cô ấy là bạn học. Giờ đang là giáo viên.
– Thảo moi ở đâu ra mà lắm thông tin chi tiết vậy?
– Chỉ cần nhìn trên mắt con người cũng đủ đọc được. Có cái tình yêu nào mà thiên hạ không giấu ở trên mắt đâu? Thảo còn phát hiện tên nàng nữa cơ.
– Tên gì?
– Quỳnh thì phải. Chàng ta còn cầm cuốn nhật ký lên mà thơm vào cánh hoa quỳnh nữa chứ…
Ngọc cười cợt:
– Này Thảo? Ai Ma Xó hơn ai!? Chịu Thảo rồi!
Giọng Thảo trầm dịu xuống:
– Nhiều khi mình cũng thấy mình vô lý. Nhưng không thể lý giải được những điều vô lý ấy trong mình. Giá mà…
Ngọc diễu:
– Giá mà… Thảo đi làm công an hình sự. It ra cũng là thám tử tư mới phải. Sao lại bước nhầm vào cái nghề này?
Thảo cố thanh minh. Song mỗi lời lại như tự thú:
– Nhưng cứ vô tình bắt gặp. Sự việc xâu chuỗi lại thấy nó logic lắm. Mình là con người sao lại không thể nghĩ suy?
Bỗng nhiên, Ngọc nhìn Thảo như đăm chiêu, định hình:
– Yêu là chết ở trong lòng một chút là vậy đấy. Thôi thôi nàng ơi! Ta báo cho nàng biết này, nàng đang bay vào vùng dăng lưới. Ôi tấm lưới không chủ tâm dăng những chú chim non mà vô tình có chú chim non nhởn nhơ cứ muốn mình sa!
. CHƯƠNG 6
. BÀN TAY SẤP NGỬA
. Hơn một tháng Quang lên đường vào Nam chiến đấu, Quỳnh chỉ nhận được vẻn vẹn một lá thư viết vội vàng xiên xẹo trên tờ giấy cũ nhàu bé nhỏ. Quỳnh vừa sung sướng nhưng muốn dỗi hờn khi vừa cầm được lá thư. Bóc lớp phong bì gần như nhàu nhúa qua đất cát, Quỳnh thấy tủi thân. Sao chiếc bao thư lại thế này? À đang thời chiến mà! Rồi Quỳnh đọc ngấu nghiến:
. Quỳnh rất đỗi yêu thương.
Anh vẫn rất khỏe. Chỉ phải nỗi nhớ em mà muốn khóc. Anh đã gứi hơn chục lá thư về và rất đỗi mong tin em. Anh đang vội đi rửa tay để vào bàn phẫu thuật cấp cứu thương binh, em ạ. À gửi em mấy câu thơ thương nhớ:
. Anh từ đất lửa Quảng Bình
. Gửi về em cả mối tình thủy chung!
. Thương em muối biển khôn cùng,
. Nhớ em mà cả núi rừng xanh thêm!
. Hôn em tha thiết!
. Quỳnh loay hoay tìm ngày tháng gửi. Sao anh lại không ghi? Anh vẫn ở đất Bắc này sao? Bao nhiêu lá thư mình không nhận được mà sao chỉ có lá thư này? Quỳnh lật lại mặt trước phong bì. Cô phát hiện ra, đây không phải là chữ của Quang. Nó chỉ gần giống thôi. Sao anh lại không viết? Chữ viết trên phong bì chủ ý hay vô tình? Mối nghi ngờ làm Quỳnh xoi mói con dấu đóng ngay lên con tem quân đội. Ngày tháng mờ mờ ảo ảo. Quỳnh cố trương mắt thật to và ghé ra ánh sáng hữu hiệu nhất. Bất lực. Quỳnh òa khóc. Rồi Quỳnh nén lại. Nhưng tiếng nấc lại trêu ghẹo, rống to. Bỗng gai lên cảm giác nhờn nhợn trong cổ họng. Một làn hơi từ trong bụng trướng đầy gây áp lực với cô đòi được giải thoát. Quỳnh cố kìm hãm. Không được thì lơ đi. Song càng nén, làn hơi lại muốn biểu tình. Giai đoạn ban ngày vừa ngủ dậy đã muốn nhắm mắt lại, qua đi. Thì nay lại cảm thấy thèm thứ chua chua. Xưa nay mình không ưa của chua mà bây giờ nhìn khế là thèm. Có lẽ nào Quang đã để lại trong em giọt máu của anh? Quang ơi anh có biết không, giờ này em biết tính sao đây? Có lần có người trêu, tóc Quỳnh sao dựng đứng cả lên vậy? Hay là…chả lẽ…? Không biết nói thế nào, mình xấu hổ nín thinh.
. Quỳnh về nhà lúc mẹ đang chuẩn bị bữa chiều. Cô dắt xe đạp để vào nhà, xuống bếp giúp mẹ. Ngày cuối tuần nên có mặt đầy đủ cả gia đình. Mọi người vừa ngồi quây quần vui vẻ quanh mâm cơm thì mùi cá chiên xực vào mũi. Quỳnh đứng phắt dậy ôm miệng bước nhanh ra sau bếp nôn lấy nôn để. Mẹ chạy vội ra:
– Ôi con tôi sao thế? Con cảm rồi đấy mà!
– Con không sao đâu mẹ. Có thể ăn phải cái gì nên thế thôi mẹ.
Mẹ đến gần nhìn chất nôn, ngỡ ngàng. Trong đầu mẹ hiện nỗi lo về cái ngày con đi chơi nhà bạn. Mẹ mở to mắt nhìn Quỳnh, phán đoán:
– Mẹ hỏi thật con. Vậy là con tắt kinh đến hai tháng rồi phải không?
– Dạ. Không mẹ ạ.
– Nào con gái. Nói thật với mẹ đi. Có gì mẹ còn tìm phương giải cứu.
– Mẹ ơi, con không sao đâu mẹ.
Trước lời dối trá, mẹ bực dọc, trách dọa:
– Chuyện lỡ vỡ lở ra thì đến bôi tro trát trấu vào cả nhà mất thôi con ạ.
– Con nói thật mà!
Mẹ nhìn vào chất nôn lần nữa rồi nhìn Quỳnh, khẳng định:
– Chất nôn này đâu có phải do ăn phải cái gì?
Quỳnh lặng nhìn vào chất nôn ít ỏi. Chỉ là những chất dãi nhớt trong veo. Tuy mạnh mồm nói với mẹ vậy song trong lòng Quỳnh nao nao ân hận vì phút dối lòng.
Mẹ không nói nữa. Lòng mẹ canh cánh nỗi lo âu. Ôi mẹ suốt đời lam lũ vất vả vì con, cho con khôn lớn. Bây giờ lại nhận ở con sự đền đáp công ơn thế này sao!? Quỳnh đưa tay ôm mặt nức nở. Quang ơi, liệu em có chịu được những ánh mắt mũi khoan hay lời cợt diễu kéo cưa của người đời không? Lúc này cái bụng còn nhỏ, còn che được. Chứ khi bụng to hơn thì biết giấu vào đâu?
Nhiều lúc nghĩ tới dư luận búa rìu, Quỳnh toan tính, hay là đoạn sản. Song nhớ tới Quang, Quỳnh vội vàng xua đuổi: Không đời nào! Không bao giờ! Dù có phải gọt đầu bôi vôi cũng không thể nào khác được. Bây giờ dù phải kỷ luật mình cũng cam lòng. Bằng giá nào cũng phải giữ cho được giọt máu của anh. Ôi hài nhi bé bỏng của mẹ. Không đời nào mẹ hủy hoại đời con. Nghĩ tới một ngày kia, đứa bé… Quỳnh có được thêm sức mạnh. để hứng chịu mọi dằn vặt khổ đau dội xuống đầu mình. Và mai này nếu như bố mẹ, anh chị em hay nhân danh đoàn thể nào can thiệp, mình cũng đành lòng chịu đựng! Bởi vì giọt máu này của người ta yêu, của người bất chấp súng đạn, bất chấp hy sinh, đang đối mặt với kẻ thù của Tổ Quốc. Đối mặt với kẻ tàn ác từng nợ máu với dân tộc, với nhân dân mình.
Nhân về nghỉ chủ nhật, Quỳnh nhất định phải thú tội với mẹ. Mẹ vốn nhân từ chắc sẽ sẵn lòng tha thứ. Nhân lúc bố còn đang đi vắng, Quỳnh chủ động tâm sự với mẹ. Quỳnh ngập ngừng:
– Mẹ ơi… con….con…
Với nhạy cảm người mẹ, vẻ mặt mẹ sa buồn. Mẹ đến gần và ngồi xuống bên con gái. Quỳnh cúi mặt thưa:
– Trước khi nói, con nghìn lần xin lỗi mẹ tha thứ cho đứa con bất hiếu này. Bởi vì con đã làm mẹ đau lòng, phải xấu hổ vì con. Nhưng mẹ, rồi mẹ sẽ hiểu chúng con. Quang là con người tử tế. Quang thật lòng yêu con. Giờ, Quang là bác sĩ quân y, đang ở chiến trường đánh giặc. Khi đất nước mình toàn thắng, anh ấy sẽ trở về với danh nghĩa là chồng của con. Chúng con sẽ hạnh phúc với nhau mẹ ạ…
Không nhìn Quỳnh. Mẹ lấy tay lau những giọt lệ đang lăn tròn trên má. Lời mẹ buồn trầm:
– Cô nói lý thuyết nghe thì hay lắm!
Nhìn mẹ, lòng Quỳnh se lại:
– Mẹ ơi con tin rằng, ở vào hoàn cảnh con, mẹ cũng sẽ xử sự như vậy phải không mẹ?
Mẹ trả lời Quỳnh bằng kinh nghiệm cuộc đời:
– Con dại lắm! Con có biết bụng dạ những thằng con trai như thế nào đâu! Con hãy nhìn bao tấn trò đời sờ sờ ra đấy. Cái Mơ con bác Cương đây này. Cũng yêu nhau ở chiến trường vào sinh ra tử đấy. Nghe lời đường mật của người yêu, trao thân gửi phận cho nó. Đến khi cái bụng to tướng, phải một mình trở về quê hương, chịu bao tiếng xấu xa tủi nhục. Mấy năm trời đằng đẵng nuôi con một mình. Đùng một cái, cái thằng gọi là người yêu ở chiến trường vác mặt về. Khốn nỗi nó không thèm đếm xỉa hỏi han hai mẹ con lấy một câu, mà còn chỉ thẳng tay vào mặt Mơ: Cô nói láo. Ai bảo tôi có con với cô? Hồi nào? Lúc nào? Ở đâu? Rồi quay lưng đi thẳng. Con Mơ chửi lại: Mày là đồ chó(!) Đồ mất dạy(!) Chỉ nói được có vậy rồi lăn đùng ra. Phải cáng vào trạm xá xã cấp cứu mãi mới tỉnh. Đau xót ê chề gấp vạn lần khi cái thằng gọi là chồng ấy chưa về. Mơ thấy không thể sống nổi ở quê, hai mẹ con đã phải bồng bế nhau lên tận mạn Hà Giang sinh sống. May mà trời còn thương đến. Nó lấy được chồng người Tày, có lòng nhân ái độ lượng vị tha. Nên hai mẹ con
mới thoát được cảnh vị kỷ, đói nghèo.
Nói rồi, mẹ thở dài não nuột. Quỳnh lặng đi trong cái triết lý thực đời thường hiển hiện. Lòng Quỳnh se thắt nỗi đau mình và nỗi đau người. Hôm nay là Mơ. Còn hôm sau lẽ nào lại là mình? Yêu thương và khổ đau quyện chặt vậy sao? Sự thật và tráo trở lại như là bàn tay sấp ngửa vậy sao? Vị tha và đố kỵ chỉ là tấn trò dễ ăn khó bỏ vậy sao? Sinh linh bé bỏng trong bụng này ơi! Con có tội tình gì mà sự đố kỵ luôn rình rập đe dọa, chối bỏ sự sống trên đời? Có thể nào lòng vị tha hỷ xả lại khe khắt hẹp hòi luôn luôn quay mặt, nỡ đóng sập cánh cửa từ bi? Ơi lòng hỷ xả của Phật, bác ái của Chúa, lẽ công bằng của đức Thánh Allah! Hãy gieo hết thảy cho mọi sinh linh bất hạnh trên thế gian này! Lời Quỳnh là lời của khổ đau đến tận cùng thất vọng, lời của nước mắt chảy tràn mi:
– Mẹ ơi con hiểu lòng mẹ đau đớn như thế nào khi nghĩ về con. Nhiều lần con đã định giải thoát cuộc đời bằng cái chết để những rịt ràng ruột thịt khỏi phải nhục nhã, xấu hổ vì con. Đã mấy lần con đã ôm cái sinh linh bất hạnh này định chui xuống dòng sông đang cuộn chảy. Chỉ vì người trao cho con giọt máu này đang đối mặt một mất một còn trước hòn đạn mũi tên, mà rồi…
Bỗng mẹ chồm dậy ôm chầm lấy Quỳnh như sợ con gái mình làm điều dại dột:
– Ôi con gái yêu của mẹ. Đừng có dại dột như vậy. Con mà làm thế thì bố mẹ thiết sống làm gì? Con có tội với tổ tiên với trời đất, với đứa bé trong bụng kia nữa. Nó chưa được cất tiếng khóc chào đời, nhưng cũng là một kiếp người. Tại sao nó phải chết oan uổng như thế chứ?
Hai mẹ con ôm nhau cùng khóc. Mẹ nói trong nước mắt:
– Con ạ, mẹ đã tính rồi. Mẹ chưa kịp nói cho con hay. Mà thế này – Mẹ kéo khăn tay lau đôi mắt đỏ hoe nhòe nhoẹt – Nhà mình có người bà con ở trên mạn Tuyên. Mẹ định hè này đưa con lên đấy sinh nở rồi dạy học luôn ở đó là để tránh cái tai, cái tiếng.
Quỳnh như vớ được cọc:
– Ôi lòng mẹ! Nhân ái bao dung quá mẹ ơi! Con biết mẹ sẽ mở đường sống cho con. Con cũng đang muốn xin ý kiến mẹ. Nhà trường cũng có ý khuyên con. Một ngày gần đây, Quang về, con tin mọi việc sẽ được giải tỏa. Con tin mọi người sẽ cảm thông tha thứ. Mẹ ơi, con không thể chết trong đớn hèn phải không mẹ?! Con phải sống để vượt lên trong sự đợi chờ ngày anh ấy trở về…
Nhớ lời hẹn của chị Lan tổ trưởng Công đoàn trường muốn trao đổi nên Quỳnh đến trường sớm. Chiếc áo chẽn hé lộ cái eo thon mềm mại mà Quỳnh vẫn thích, nay chật mất rồi. Cô vừa may hai cái áo xẻ tà, nới ra rất rộng. Vừa ra khỏi ngõ, lối rẽ ra đường lớn cô đã thấy cặp bài trùng mẹ sề, kẻ béo, kẻ gầy đang ngồi lê mách lẻo chắn ở đó. Thấy Quỳnh mụ gầy cố nhoài cái cổ khẳng khiu ra mà dẩu mỏ:
– Chị Quỳnh may kiểu áo mới đẹp quá! Chị may ở hiệu nào chỉ cho bọn em may với.
Quỳnh miễn cưỡng trả lời qua loa:
– Ở phố ý mà. Hiệu nào cũng may được cả!
Mụ gầy nháy cho mụ béo a dua:
– Thế hả chị? Em đang muốn may một đôi giống hệt thế đây!
Quỳnh gắng bước khoan thai. Nhưng vừa tới đoạn đường ngắn vào cổng trường, cô đã thấy mụ bán hàng xách, khét tiếng chua ngoa ác ý. Sao sáng nay mụ lại đến chốn này? Trời ám ta chăng? Chờ cho Quỳnh tới gần, mụ mới cất cái giọng dấm hôi:
– Cô giáo ơi. Chị vừa mua được mớ khế ngon để nấu cá. Cô cầm mấy quả ăn cho đỡ đắng mồm đắng miệng này.
Quỳnh buộc phải trả lời cho qua chuyện:
– Em cám ơn chị. Lát nữa về em xin.
– Việc gì mà cám với bã thế. Cầm đi, chê làm gì!
Vừa lúc ấy, tùng, tùng… tùng…! Hồi trống trường giục vang gỡ thế bí cho Quỳnh. Cô bước rảo, đi ngay như có ma đuổi. Rắc sau lưng vẫn còn tiếng cười khả ố của mụ.
Chị Lan tổ trưởng Công đoàn đã có ý chờ sẵn. Chị kéo Quỳnh ra chỗ góc khuất hành lang cho dễ tiếng nhặt, tiếng khoan. Giọng mềm mại cố thân ái như rót vào tai Quỳnh:
– Em ạ. Em tin chị như chị gái của em đi! Chị thấy em phờ phạc quá. Em có ăn được không mà người gầy xanh như thế? Dù sao cũng phải ăn để bảo vệ sức khỏe, em ạ. Chị rất hiểu mối tình chung thủy trong trắng của em. Nếu em quyết giữ cái thai này lại thì theo chị, em nên làm đơn xin chuyển công tác.
– Phải đi hả chị?
– Ừ phải đi thôi. Trước hết để tránh dư luận ảnh hưởng tới tinh thần của em.
– Đi đến đâu được bây giờ chị?
– Đến một huyện khác. Càng xa, càng hay cho em! Sau nữa bớt sự ảnh hưởng tới thành tích của trường và Công đoàn đang phấn đấu.
Quỳnh òa vỡ sự thật cay đắng đang hiển hiện trước mặt mà tổ trưởng Công đoàn làm đại diện, phỉnh phờ:
– Ôi chị, em cám ơn lời khuyên thành thực của chị. Phải chăng vì thành tích chung mà chị có lời này?
Lan cúi mặt lặng im. Rồi không ngần ngại ngẩng lên bộc bạch:
– Cả hai em ạ.
– Vậy thì mai em sẽ làm theo.
Lan ngó quanh một lượt, rút khăn tay đưa cho Quỳnh. Động tác thậm thụt khó lòng giấu được mờ ám mỗi lúc lộ thêm:
– Em lau nước mắt đi. Đừng để ai nhìn thấy.
– Vâng, em cám ơn chị.đã quan tâm.
Đêm xuống. Cái màn mênh mang đen ấy rất nặng nề. Quỳnh đã nhủ mình rằng không được khóc. Đôi lúc hàm răng cắn chặt, rít lên đến tê dại cho nước mắt không trào mà tự nó cứ chảy đầm đìa. Cứ tưởng rằng chỉ có chị Lan mang chức vị bé tí đến đặt vấn đề cho nó nhẹ nhàng. Vậy mà, ngay tối ấy và mấy ngày sau nữa, sự việc cứ tương tự nối nhau. Nào danh nghĩa tổ phụ nữ, nào danh nghĩa tổ chuyên môn…che đậy cho cái mũi khoan sắc nhọn khoét thẳng khoan sâu đến cùng tận nỗi đau làm Quỳnh không thể nào chiu nổi.
Nó là cái gì quan trọng, phải cấp tập, phải hoắt nhọn đến thế? Mỗi lời khuyên kia, cuối cùng gút lại chính vì thành tích của trường này! Cái thành tích đại trà, xưa nay đã được tính bằng con số chín chín, một trăm. Nó lẩn sâu vào danh từ ba, bốn tốt.
Chao ôi! Chỉ tiêu bên trên dội xuống bằng những con số tưởng tượng. Nó là cái đinh, ghim sâu vào ý thức lãnh đạo. Bên dưới lại đề vượt chỉ tiêu, là gánh nặng khôn lường đè lên vai người làm thày. Ảo vọng con số, vô tình được làm thước đo đánh giá người thày tốt. Cũng vô tình thành cơ hội tăng lương. Trò phải được lên lớp trăm phần trăm đã khó. Đến quá nửa khá giỏi hoặc hơn thì lấy đâu ra? Song con số lại là chiếc khăn lau làm sáng mặt lãnh đạo của trường, của phòng, của ty, của bộ. Nên chỉ tiêu không đạt đủ, thì …ép.(!) Thế là người làm thày phải nhắm mắt cất cái đức làm thày sang một bên để tự giác dối mình. Gượng gạo cầm cây bút đen nâng điểm, cố tạo ra chiếc khăn lau thành tích!
Chao ôi trò bị lừa một cách vô tư. Thật đau lòng khi phụ huynh vỗ tay vui mừng trước cái thành tích ấy mà không tỏ hết sự thật thế nào. Cả dân tộc này hí hửng tự hào với thành tích ảo. Sự hủy hoại tri thức ngày càng dày lên. Sự băng hoại lòng tin ngày càng lan rộng. Tội ấy tại đâu? Người ta rất dễ bỏ qua! Thành tích thành chủ nghĩa ngự trị thì dối trá lan truyền thế hệ. Người lãnh đạo nơm nớp sợ khuyết điểm ảnh hưởng đến thành tich ngành mình, đơn vị mình, nên muốn che kín. Không đủ sức che thì thẳng tay bài thải con người. Ôi giá trị con người vốn đã mỏng manh, sao càng bé con nhỏ nhoi làm vậy?
Trong Quỳnh rối bời một suy tưởng. Quỳnh định hình lại. Suy cho cùng, độc ác sẵn nằm trong cái ảo. Hiệu trưởng có lúc nào nghĩ tới cái ác ấy sâu sa? Trưởng ty liệu có lúc nào nghi ngờ là con số ảo? Trước thực tế ấy, có thể nào mình bỏ nghề để như kẻ đồng lõa? Không! Con người là hạt bụi lấp lánh tâm hồn!
Quỳnh muốn tìm điểm tựa cho ý chí mình. Điểm tựa vũng chãi nhất cho Quỳnh hiện giờ là hình hài giọt máu của Quang trong bụng Quỳnh đây. Cô lấy tay xoa bụng: Con ơi có hiểu lòng mẹ không con? Chỉ có con mới là chỗ dựa đích thực cho mẹ lúc này! Khổ mấy mẹ cũng chịu được. Đói khát mấy mẹ cũng cam lòng. Mẹ sẽ vượt lên đạp trên những cay độc, tàn ác để đi. Mẹ xin lỗi con! Mẹ vô tình, trong lúc yếu hèn đã lê bước tìm lối thoát ích kỷ cho mình! Quang ơi hãy tha lỗi cho em trong khổ đau quằn quại, cô đơn bên bờ vực thắm. Đã có ý định xóa bỏ giọt máu mà anh yêu thương ký thác! Em sẽ giữ gìn bảo vệ giọt máu ấy. Sinh thành dưỡng dục để khi anh trở về em sẽ không ân hận, tủi lòng!
Quỳnh thiêm thiếp trong mệt mỏi rã rời. Bao những dồn nén chồng lên, tụt xuống bồng bềnh trôi trong đầu óc bối rối. Hiển hiện ngay trước mắt, ông già đầu tóc bạc phơ, khoác tấm áo từ bi rộng rãi, tay gậy trúc lời nhẹ nhàng êm ái khuyên lơn: Con tưởng chết mà gỡ được tủi nhục ư? Tiếng xấu sẽ bị nhân đôi con ạ. Con phải sống vì mọi người thân yêu của con! Đừng ích kỷ! Phải vượt lên bão tố cuộc đời để sống, để làm lại. Có vậy con mới làm cho mọi người hiểu được con và cảm phục con.
. Quỳnh bừng tỉnh hẳn cho tới ngày mới đã sang trang….
.HƯƠNG NHU & TỐ HOÀI