. CHƯƠNG 3
. CHÚ ẾCH XANH LỘT XÁC DA TRƠN
Bóng Quỳnh ập vào nỗi nhớ của Quang không rõ từ bao giờ. Có thể khoảng từ cuối kỳ học cấp 2 thì phải. Chẳng là, hồi ấy, nhiều bài văn của Quỳnh cứ được nêu gương trước lớp. Và hình như số điểm khá giỏi của Quỳnh cũng đã thu hoạch được nhiều. Bỗng có thay đổi. Thày Đặng Cường sang dạy môn Văn. Lần trả bài đầu tiên của thầy giáo mới, bài văn của Quang được chọn đọc trước lớp. Chỉ mấy phút nữa, bài làm của ai sẽ về tay người nấy rất rõ ràng không thế lẫn vào đâu. Nhưng những con mắt học trò vẫn ngáo nghến, cố tìm ra sớm nhất ai là tác giả bài văn thày đọc.
Tim Quỳnh bỗng đập rộn ràng. Giọng thầy cất lên sau lời khen bài văn khá ấy. Song Quỳnh nhận ngay ra lối hành văn kia không phải của mình thì con tim Quỳnh như rộn ràng hơn.
Ở dãy bàn thứ hai bên trái dãy bàn của Quỳnh có một gương mặt đỏ hồng như gấc khi chàng ta nhận ra bài văn ấy chính là của mình. Điều này chỉ có chàng ta biết. Quỳnh cũng chẳng biết đâu. Ba tiếng trống hết giờ đã điểm. Học sinh trong lớp ùa ra với bài văn có điểm và lời phê đỏ chói ở trong tay. Dăm ba cái đầu chụm lại trước bài văn của Quang. Song Quỳnh vẫn ngồi im thin thít giữ chỗ của mình. Chẳng ai hiểu điều gì đang xảy ra trong đầu Quỳnh cả. Quỳnh vẫn bộn rộn trong lòng vì sao lần này bài văn của mình không được là mẫu đọc trước lớp như mọi khi. Quỳnh tự nhủ lòng: Quyết tâm! Phải quyết tâm đấy nhé. Cái anh chàng kia dám nghễu nghện đứng trên đỉnh đài để bóng hình mình tự nhiên biến mất ở nơi nào? Anh chàng Quang, hình như mới lần đầu được tuyên dương bài văn trước lớp mà tụi con trai đã xúm bâu lại cả rồi. Còn mình, bao nhiêu lần tuyên dương chứ ít đâu. Thế mà bọn con trai chẳng thấy ngó ngàng. Bọn con gái mỗi lần thế, chỉ ngiêng mắt liếc qua như một lần cộng thêm vào bề dày ghen tị. Riêng có Mai cái miệng bô bô nhưng rồi cũng nhạt dần không nhắc đến. Coi như thế chỉ là chuyện đương nhiên…
. Có lẽ bắt đầu từ bài văn được tuyên dương ấy, mà Quang mới ra chuyện. Bài văn đánh dấu cái mốc ở Quang, suy nghĩ thầm, so mình với Quỳnh. Anh ta cũng tự xét nét mình đấy. Anh ta cũng hạ quyết tâm. Phải cố gắng lên chứ không được chủ quan đâu. Nếu bằng Quỳnh rồi thì cố mà vượt lên, Quang ạ. Cứ để cho Quỳnh làm Nữ Hoàng ở lớp này mãi sao?! Vậy rồi Quang so kè với Quỳnh từng bài văn một. Bỗng một ngày Quỳnh hỏi:
– Quang ơi, bạn xem xong cuốn tiểu thuyết Nàng Binodini của R. Tagore chưa? Cho Quỳnh xem nhờ chút nhé!
– Sao Quỳnh biết?- Quang giật thót, phản ứng nhanh.
– Thì Quang đọc trộm ở trong lớp. Thoàn lớp phó trông thấy nên mất điểm thi đua của tổ đấy sao!
Điều này Quang không ngạc nhiên. Bởi Quang ở trong cuộc. Song giọng nói của Quang trở nên nghiêm túc:
– Vây là mình tìm ra kẻ trộm rồi. Mình để sách trong hộc bàn. Bỗng mất. Hỏi mãi! Chẳng thằng nào chịu nhận mượn dùm! Vậy ra thằng Thoàn. Chính nó lấy của mình à?
– Đừng đổ tội cho Thoàn. Đấy là lời cảnh báo để Quang rút kinh nghiệm. Không nên xem sách trong giờ thày giảng…Nên phải cám ơn Thoàn.
– Rồi. Cám ơn Quỳnh trước đã….
Sau lần tìm thấy cuốn Nàng Binodini, bóng hình Quỳnh càng in đậm trong đầu óc Quang hơn thì phải. Hình như nó là cái cầu đã được bắc đúng vào hai mố đợi chờ. Có lần Quang gợi ý:
– Quỳnh ơi, Quang muốn nhờ Quỳnh giải thích cho Quang câu
tục ngữ này mà Quang không thể nào lý giải nổi.
– Câu gì, Quang nói thử xem sao?
Quang lúng túng. Song vốn lanh trí, Quang đã khỏa lấp được cái đuôi con chuột đang muốn thò vào hũ con con ăn vụng:
– Gái thương chồng đương đông buổi chơ…Trai thương vợ…
– Rồi. Có gì đâu. Ấy là người con gái chung thủy như đứng giữa bầy đàn ông mà vẫn nhớ về chồng…
– Không phải đâu. Họ đứng núi này trông núi khác thì có. Sự ồn ào như buổi chợ đông người chen nhau, chung đụng va chạm nàng biết chọn ai?
– Không phải thế đâu Quang.
– Nhưng nó là thế!
– Không phải.
– Thôi. Sau bữa cơm chiều nhất định phải nhờ Quỳnh tranh thủ làm sáng tỏ một chút nữa, được không?
Quỳnh nghĩ, chàng này chắc muốn đặt cái bẫy cò ke trước lối mình đi đây. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Đã thế mình từ chối luôn đi:
– Tối nay Quỳnh mắc buổi dạy bổ túc văn hóa mất rồi. Quang thử suy nghĩ lời Quỳnh vừa xong xem thế nào. Rồi khi rảnh ta thảo luận tiếp. Câu tục ngữ này không nằm trong bài học của mình mà!
Nước cờ của Quang đi vào thế bí. Một bàn thua ngiêng về phía Quang. Song Quang chẳng chịu thua đâu. Chắc sẽ có một nước cờ khác nữa?
. Buổi sáng rất sớm. Khi học sinh đang ùn vào cổng trường thì có hồi trống dài vang lên. Học sinh ngơ ngác hỏi nhau:
– Sao trống báo sớm thế nhỉ?
– Trống tập trung đấy.
– Chuyện gì thế?
– Ừ, chắc có chuyện gì mới mà quan trọng, sân trường mới sạch đến thế kia mà!?
Tiếp, những hồi còi rúc lên. Tất cả học sinh trường nhanh chóng tập hợp trước sân, thành hàng ngũ theo từng lớp của mình.
Thầy Khánh Cao, Hiệu trưởng, đứng trước học sinh toàn trường đã ngồi chỉnh tề lắng nghe. Thày nói:
– Xin giới thiệu với toàn thể các thày cô giáo, với các em, trường ta rất vinh dự được đón đồng chí Tố Hữu, nhà thơ kính mến của chúng ta về thăm và nói chuyện.
Cả sân trường bùng lên như một làn sóng vỡ tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay không ngớt. Trong mắt Quang, bác nhà thơ rất đẹp trai, vui tươi và giản dị. Chiếc áo bông màu xanh công nhân kia đã chứng minh cho hồn người trong sáng bạn bè.
Trong khoảnh khắc đợi chờ bùng nổ là sự im lặng đến không ngờ. Lời nhà thơ vang lên. Trước những gương mặt non tơ, dê non chờ bú mẹ, mắt chữ I mồm chữ O sẵn sàng cho dòng chảy trôi vào. Quang lặng đi khi nhà thơ nói về xây dựng hình tượng nhân vật trong truyện Kiều. Đoạn Nguyễn Du tả ông quan huyện Thúc bố, chễm chệ trên cao xử người con gái, bồ nhí của Thúc con đang dúm deo dưới đất. Nhà thơ nói, chỉ bằng một câu thôi mà cụ Nguyễn đã gói hết được cả cái hồn nhân vật trong đó. Nhà thơ đọc:
. Trông lên mặt sắt đen sì.
Nhà thơ lại ngắt ra từng từ một. Trông lên/ mặt sắt/ đen/…
. Ông đã phân tích giá trị từng từ. Đến từ sì cuối cùng thì Nhà thơ giơ tay phải ra, nắm bàn tay lại. Ngón trỏ duỗi thẳng như cái mũi dùi nhọn lẻm chuẩn bị chọc vào quả bóng nén hơi dường đã nghìn năm. Cánh tay ông đưa thẳng vào bọc nén tưởng tượng ngay trong tầm tay với. Mũi nhọn xuyên qua lớp vỏ dày dạn và tiếng kêu từ miệng xì ra cái hơi nghìn cân thật là dài. Cả sân trường kia như có tới nghìn quả bóng nén cũng bị xì theo, thành những tiếng cười dòn dã. Nhà thơ kết luận thế mới chết cha bọn thống trị!
Quang thích chí lắm. Chàng ngoái nhìn sang phía người con gái ngồi phía hàng đầu tìm sự hưởng ứng. Chẳng có cái gật đầu. Chờ đợi mãi Quang mới tìm được nụ cười duyên của nàng chẳng biết cho ai.
Cả trường, học sinh lớp nào đã về lớp ấy cả rồi. Cho đến tiết cuối cùng, Quang cứ thắc thỏm thán phục ý nghĩa của câu thơ mà Nhà thơ Tố Hữu lý giải ban sáng như một phát hiện gơi mở, Quang chưa có dịp nghĩ tới bao giờ. Quỳnh vô tình, vừa bước ra tới cửa lớp thì phát hiện ra gương mặt Quang đang nghĩ suy gì đó, trông sao mà ngồ ngộ. Quỳnh trêu:
– Quang nhớ gì mà mỏi mòn con mắt phương trời đăm đăm thế kia?
Ôi cái cần câu vô tình thả mà vô tình có những con cá đã bị vướng câu. Mắt Quang như sáng lên, bắt ngay vào đề:
– Chả là, chuyện nhà thơ nói về hình tượng nhân vật trong văn học ban sáng ấy mà. Quỳnh thấy hay không?
– Hay! – Quỳnh buột miệng nói như một từ cửa miệng.
– Thì ra cái hồn thơ nằm ngay trong những ngôn từ đắc địa. Sự tương tác từng con chữ tạo nên bức chân dung nhân vật, đâu có phải cần nhiều?
– Quý hồ tinh, bất quý hồ đa mà!
– Quang tâm đắc lời Tố Hữu. Chỉ từ trông lên thôi, đã miêu tả hết được thứ bậc con người. Người bị trị ngồi dưới ngước lên nhìn kẻ mặt sắt đen bên trên, lột tả đủ quyền uy thống trị.
– Đã là Nhà thơ rồi, biết sao!
Trong Quang sự cảm phục hiện ra rất rõ. Hình hài nhà thơ phải là một nhà… vĩ đại. Nhưng chàng lại muốn liên hệ tới Quỳnh.
– Quỳnh có thích trở thành nhà thơ không?
– Eo ôi! Mơ ước to lớn thế hở Quang?
– Có gì đâu. Cổ thụ cũng bắt đầu như cỏ…!
– Câu nói của Quang đã thành thơ rồi đó! Người ta nói, đẻ ra đã là nhà thơ!
– Đúng vậy. Quỳnh có bẩm sinh ấy đấy. Quang đoan chắc Quỳnh sẽ là nhà thơ lớn cho xem.
– Cám ơn Quang bởi lòng quý mến. Giá mà làm được thì sao có được độc giả?
– Chỉ cần một độc giả thôi cũng là quá đủ rồi! Tác giả trao cho ai thì kẻ ấy quả là … người diễm phúc!
Quỳnh biết mình. Lảng tránh:
– Ta về thôi chứ nhà ăn tập thể phải đợi cơm đấy.
. Quang cũng biết thừa. Chỉ là lý do vờ lảng không hơn. Ở tập thể nhà ăn, lớp của Quang và Quỳnh có mấy đứa phải đợi cơm? Bởi vì bếp ăn ấy là bếp nhà bà Huynh ở ngay xóm xế nhà thờ Đông Biên. Khoảng vài chục học sinh xa nhà, trọ học, góp gạo lại, đóng tiền ăn rồi trả công nấu hai bữa hàng ngày. Bà Huynh là người tốt bụng, thương người. Học sinh, khách hàng của bà như con, cháu. Vì thế mỗi miếng cơm ăn thường chỉn chu, nóng hổi, phần để gọn gàng. Học sinh coi bà như mẹ. Mỗi khi về trễ bà cũng chẳng cẳn rẳn trách móc bao giờ.
. Vậy mà có một ngày Quang thấy Quỳnh buồn. Quang lo lắm. Giữa đám bạn bè mà Quang vẫn buộc phải đưa lời:
– Có gì không, mà Quỳnh chẳng thể vui hơn vậy?
– Không có gì đâu Quang ạ.
Quang không hỏi nữa. Nhưng Quang đã thăm dò được vì sao Quỳnh buồn. Chả là Quỳnh được bầu vào ban Chấp hành Đoàn Thanh niên của trường. Song người ta cho điều tra lý lịch, thấy Quỳnh là con địa chủ thời Cải cách ruộng đất từ năm 1956 nên đã quyết định để Quỳnh ra khỏi ban. Thầy phụ trách công tác Đoàn trường là thầy giáo chủ nhiệm cũ của Quỳnh. Thầy rất quý Quỳnh nên đã hỏi như cuộc nói chuyện tình đồng chí.
– Đồng chí nói thật đi. Đồng chí có khai giấu lý lịch không?
– Thưa thày, em khai tất cả sự thật trong lý lịch rồi?
– Vậy sao người điều tra phản ảnh gia đình đồng chí địa chủ?
– Hồi cải cách ruộng đất, gia đình em bị quy là địa chủ. Sửa sai thì xuống phú nông. Nhưng bây giờ thành phần trung nông.
– Cơ cấu cán bộ là phải đảm bảo thành phần trong sạch, dù chỉ là lãnh đạo chi đoàn. Đồng chí hiểu trong sạch là gì rồi phải không?
– Thưa thầy, bố mẹ em không có nợ máu. Không có phát canh thu tô. Không mướn người làm. Nghĩa là không bóc lột. Đời sống gia đình chỉ có sống bằng nghề trị bệnh cứu người thì có gì bẩn thỉu xấu xa? Bố em hiện là Trạm trưởng Y tế xã vẫn hành nghề Đông Y như bốn mươi năm trước…
– Dù sao vẫn không là trong sạch. Cơ chế nó thế. Lãnh đạo là phải thành phần cơ bản. Đồng chí biết thế nào là cơ bản rồi chứ? Phải bần nông! Cố nông! Đồng chí ạ.
Quỳnh mím môi cười, nuốt nước miếng, để trả lại cái giọng vốn trong sáng của mình. Cô nói đĩnh đạc:
– Vâng, em hiểu rồi. Em tự giác rút khỏi ban Chấp hành …
Thày cán bộ Đoàn ngỏ một lời khen mát rượi:
– Ừ. Thế là tốt. Đồng chí làm đơn xin rút khỏi ban Chấp hành với lý do… sức khỏe(!)
Tối, Quang đi học chung cùng Quỳnh. Quang động viên:
– Đừng buồn Quỳnh ạ. Quang đã rõ hết cả.
– Có khi Quang hiểu chưa đúng mất rồi. Quỳnh có buồn là buồn cái khác cơ .
– Cái gì nào?
– Có lần Quang nói, chức vị là phù du. Chốn quan trường là
cát bụi?
– Thì nó đã đúng như thế xưa nay!
– Vậy thì, ra khỏi ban Chấp hành Đoàn, buồn làm gì cơ chứ. Buồn có chăng là buồn về cái ý thức hệ. Mầm mống của sự chia rẽ và nguyên nhân sâu sa của các mâu thuẫn là vì những cái sai lầm…
. Lúc ấy, Quang bỗng thấy trong người toát lạnh. Dòng lạnh như xối từ đầu lan xuống tận chân, vỡ ra. Hình như cái lạnh lan đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại.
Con mắt Quang muốn nhắm. Song cái máy quay đã phát động rồi nên guồng quay, sao mà dừng được. Những đoạn phim khác cứ tiếp nối nhau. Dạo ấy…
. Dạo ấy, hai kẻ… bạn học cùng lớp, ăn cùng mâm, ở cùng xóm mà ngoài đời như hai người xa lạ. Khổ cho những chàng trai mặt còn non choẹt, hiền thô mà mỗi khi đứng gần bạn gái vẫn bị họ sợ chạm vào người như sợ cọp vồ. Không ai đem rào ngăn cách mà bạn hữu coi như là công an rình kẻ trộm. Trước đám đông cứ phải e dè không dám trao nhau nửa ánh chữ yêu. Ngay cả Quang và Quỳnh kia cũng như là kẻ thường xuyên ăn vụng, sợ phải bôi hề. Đến khi đã thân nhau rồi, Quang vẫn trêu vụng:
– Này Quỳnh ơi! Chúng mình bỗng nhiên trở thành điệp viên không không thấy rồi đấy.
– Hơn cả thế. Điệp viên ấy có hai mắt thôi. Nhưng chúng ta đều trở thành điệp viên bốn mắt. Mắt sáng như thỏ đế. Tai thính như chuột đồng. Chân nhanh như vó câu… Nếu bị thất nghiệp thì chúng mình đã thành huấn luyện viên rồi. Cứ việc mở trường trinh thám, đào tạo thám tử chắc sẽ đắt hàng.
. Ôi những điệp viên không không thấy ẩn mình bí mật không biết tới bao giờ. Quang muốn phá tung trời chuyện của hai người mà Quỳnh thì cứ kỳ hẹn, Quang mà làm lộ, Quỳnh sẽ là thẩm phán chủ tọa phiên tòa phán xét và có toàn quyền kết tội cho coi. Vậy mà mình, một kẻ cứng cổ, cứng đầu đến thế vẫn phải tuân thủ lời dọa dẫm. Nghĩ cho cùng, mọi quy định mình chấp hành tuyệt đối, điệp viên mới không bị mắc phải án tội phản, tới cùng.
. Tới gần kỳ thi tốt nghiệp, trường lại xôn xao phong trào học sinh tình nguyện xung phong đi khai hoang hoặc về nông thôn góp phần sản xuất. Quang nói với Quỳnh:
– Trên Hà Nội phong trào này rầm rộ hơn. Bắt đầu là cuộc vận động hẳn hoi.
– Sao Quang biết?
– Anh con bác về thăm quê nói. Anh ấy còn đọc bài thơ có câu Xe chạy ngiêng ngiêng trèo dốc núi…nữa cơ.
– À, Quỳnh có đọc bài thơ ấy. Đọc thử Quang nghe xem có phải nó không…Đây miền Tây núi rừng giang tay đón, những con người sung sướng nhất trần gian…
– Xáo! Xáo tất.
– Sao Quang nói vậy?
– Tình yêu Tổ quốc ai chẳng có trong lòng! Nhưng xáo ngữ thường che lấp cái nhìn thực trong cuộc sống con người. Bọn con gái mà dùng hai bàn tay tiểu thư chọi sao được với cái cứng của đá? Lúc ấy, có khi chỉ đứng mà khóc gọi mẹ ơi!
Hình như câu nói của Quang đã chạm vào lòng tự trọng con gái. Quỳnh cố gắng nén tự ái đang muốn bùng lên:
– Quang hơi sa đà quá bờ miền số thực rồi Quang ạ.
– Không thể gọi là sa đà. Vì Quang không là kẻ siêu hình đâu. Là thanh niên, Quang sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng không thể chỉ lao như con thiêu thân trong ánh sáng đèn…
– Sự vận động thành chủ trương thì không thể không có lý do
của nó. Nó nằm trong phần vĩ mô mà những bộ óc vĩ đại đã nghĩ ra. Chúng ta là những con ếch đang ngồi dưới đáy giếng làm sao có thể nhìn thấu được bầu trời? Phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt…
– Mọi giá trị không có gì là tuyệt đối cả. Tuyệt đối là phủ nhận sáng tạo. Chính Karl Marx cũng trả lời con gái Gieni:“ Hãy hoài nghi tất cả!”. Hoài nghi là đắp nền cho sự khám phá. Mà khám phá ít ra cũng tìm ra cái mới trong tồn tại của cái cũ. Thực tế hơn, chính để tìm ra logic cuộc sống mà con người đang thực hiện thúc đấy tiến bộ xã hội. Chú ếch xanh ngồi dưới đáy giếng của Quỳnh kia phải lột xác tiến hóa. Phải cách mạng bộ da trơn tru ấy đi! Nhoai lên mà thở khí trời. Phải chắp đôi cánh mà bay thì mới nhìn khắp được bầu trời nó muốn!
– Hoài bão của Quang lớn đấy. Nhưng phải đi bằng hai chân trước đã. Con đại bàng kia trước khi giang cánh băng ngàn nó vẫn phải lấy đà bằng đôi chân nhỏ nhoi của nó. Vì vậy trước hết phải biết tin tưởng…
Quang vội chen lời. Tay giơ, chém thẳng xuống đất:
– Đúng! Phải có lòng tin. Nhưng lòng tin ấy phải dựa trên căn cứ khoa học. Lòng tin mù quáng thành nô lệ. Nên Albert Einstein vẫn là muôn năm.
Thâm tâm Quang không ám chỉ Quỳnh. Nhưng dù sao những ngôn từ quá trớn đã chạm vào ngưỡng tự ái mất rồi. Con mắt Quỳnh xịu xuống. Miệng hơi mím lại giữ vẻ thăng bằng. Chẳng rõ nước mắt con gái kia có chảy không mà Quỳnh lấy tay dụi mắt? Vẻ tức tối của Quỳnh hình như bị lộ ra ngoài. Thế là Quang bước đến gần Quỳnh nói nhỏ:
– Xin lỗi Quỳnh! Quang lỡ lời.
– Quang chả có lỗi gì!
Quỳnh quay mặt đi cố nén nức nở để không cho thoát ra. Song âm điệu rè rè như dây đàn chùng đã chỉ điểm cho Quang biết Quỳnh đang giận Quang đấy.
. Đã mấy tuần nay Quỳnh và Quang không có tiếng nói chung. Khoảng cách của Quang và Quỳnh mỗi khi có dịp gần nhau bị doãng ra. Khi vô tình bắt gặp con mắt của nhau thì hình như Quỳnh cúi xuống, giấu diếm như lảng tránh. Bỗng nhiên, Quang cảm thấy sợ Quỳnh ốm đang giữa kỳ chuẩn bị cho thi tốt nghiệp. Mà đời thuở từ thiên cổ tới giờ, liệu có còn lặp lại sau này nữa không, thi Tốt nghiệp Phổ thông gì mà học sinh phải thi nhiều môn đến thế! Học môn nào thi môn nấy đã đành. Học trò phải thi vấn đáp trong kỳ thi Tốt nghiệp thì chưa có một tiền lệ nào. Học sinh mê mải ngày đêm, bò ra mà học. Quang len lén đi tìm Quỳnh. Chàng ta chọn đúng vào lúc đi ăn cơm để tránh né những con mắt tinh ranh lúc nào cũng như trương ra hết cỡ thu hình từng chi tiết của những kẻ đang rập rình muốn tạo cặp đôi.
Đúng lúc ấy, Quỳnh cũng đang nghĩ về Quang. “ Anh chàng Quang liệu có được kết nạp vào Đoàn lúc này không? Mình thực sự vì Quang mà luôn luôn khơi lên điều tốt đẹp vun đắp thành tích cho Quang mỗi khi họp chi đoàn. Thế mà chàng ta lại bô bô như thuyết giảng về lòng tin mới quá quắt chứ! Rồi thì, người ta sẽ gán cho Quang đủ lý do nào là tu dưỡng tư tưởng chưa tốt, lập trường cách mạng chưa vững vàng. Nào là tự cao. Nào là đạo đức cách mạng vân vân và vân vân. Thật là hớ hênh trong phấn đấu. Dù sao Quang cũng phải vào Đoàn. Không vào Đoàn, làm sao chiếc vé lý lịch của Quang kia đảm bảo lọt bước chân vào được ngưỡng cửa trường Đại học? Quang đơn giản quá đi. Hay tính ngang bướng cố tranh giành phần thắng về mình? Cái lý của anh chàng bạch diện thư sinh là vậy chăng? Cũng đã mấy tuần không học chung, mình thấy nhớ Quang. Chính những lời tranh luận ro re róc rách của Quang lý giải cho bài tập đã cho mình cách nhớ dai hơn. Vậy mà….”.
Bỗng dưng Quang đứng ngay bên cạnh lúc nào:
– Quỳnh à? Đợi Quang cùng đi ăn cơm với nhé?
– Quỳnh đi đây. Quang đi luôn không?
– Đi!
Không muốn cho khoảng trống kéo dài trong thời cơ ít ỏi, Quang vào đề luôn:
– Quỳnh giận Quang phải không? Lần nữa cho Quang xin lỗi nhé!
Quỳnh mỉm cười xuê xoa:
– Một tí thôi. Hết lâu rồi.
– Vậy sao Quỳnh cứ như là lảng tránh Quang vậy?
– Quang nhầm rồi. Quang thì có.
Quang như cởi bỏ tấm áo giáp ai đã vô tình choàng lên vai minh:
– Ta vẫn là bạn tốt của nhau Quỳnh nhé?
– Dĩ nhiên là thế rồi! Không thể nào khác được!
– Ngoặc tay đi!
– Thì ngoặc.
Hai người vừa tới bếp ăn của lớp. Lớp trưởng Phạm Đức Ruyến thông báo:
– Chiều nay, hai giờ. Mời tất cả các bạn về hội trường của trường nghe nói chuyện. Không ai được vắng mặt đâu.
– Quan trọng vậy á?
– Quan trọng!
– Gì mà quan trọng vậy?
– Phổ biến một chủ trương lớn…
– Thảo nào…
Quang đến. Hội trường đã đầy ắp người. Thấy Quang ngáo nghến tìm chỗ, Ruyến vẫy tay cho Quang vào. Người diễn giảng chiều nay là ông Vũ Kiên, Trưởng Ty Văn hóa tỉnh và Nhà văn Chu Văn, tác giả Bão Biển, bộ tiểu thuyết viết về miền chân sóng quê mình nên Quang rất thích. Ước mơ của Quang muốn được gặp từng tác giả những cuốn sách mình đã đọc để mà hỏi han, để mà tranh luận, để mà cảm phục sự sáng tạo…
Không phải chờ lâu, ông Chu Văn xuất hiện. Ông vạm vỡ, đĩnh đạc với bộ đồng phục bình dị, đúng như sự tưởng tượng của Quang. Ông nói tiếp như minh họa lời ông Vũ Kiên về nội dung cuộc vận động học sinh học xong về nông thôn sản xuất. Họ và chính họ sẽ là lực lượng sản xuất chính, thúc đẩy xã hội Xã hội chủ nghĩa.
. Đúng thôi! Cánh đồng ruộng mênh mông phì nhiêu của Hải Hậu kia còn thiếu người làm. Vùng đất triền sông Hồng kia luôn được phù sa bồi đắp đã trở thành vựa lúa của vùng Tam Giác Vàng Bắc bộ. Nam Định có ưu thế biển, có đồng bằng, có một vùng núi non…Lại có nhà máy Dệt to nhất miền Bắc xã hội chũ nghĩa. Là cơ sở tốt cho sự phát triển cả công nghiệp lẫn nông nghiệp. Cả kinh tế lúa nước lẫn kinh tế biển trù phú nhiều loại hải sản. Thế đi lên của Nam Định không ì ạch mãi nữa. Nó sẽ được đi lên bằng bốn chân chứ không chỉ hai chân như thường có, tầm thường. Một lực lượng khả dĩ kiến thức phổ thông là vừa đủ thúc đẩy kinh tế hiện nay. Nên lớp học sinh này trở thành lực lượng đủ cho thúc đẩy phong trào năm tấn, mười tấn, kế thừa và vượt cả khuôn mẫu cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho của đại nhảy vọt Trung Hoa đại lục.
Ở phía sau chủ trương, chưa biết, bất luận là gì. Nhưng trước mắt, trong tầm nhìn, ta sẽ xây dựng đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội không xa, không cần đến mấy đời người. Lòng tin của Quỳnh và Quang háo hức như thế.
Ông Chu Văn nói hay lắm. Ông là Nhà văn với trước tác nổi tiếng Sao đổi ngôi, Cô lái đò sông Ninh, Mùa chim phượng bay về… Vì vậy ông còn nói, nhiệm vụ của tôi về đây là giao hàng mướn. Trong số các anh các chị ngồi đây tôi tin có người sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ. Tôi rất hy vọng được đọc những tác phẩm hay của các anh, các chị.
Tiếng vỗ tay rầm rầm trong hội trường nhỏ hẹp. Trong đầu Quang đã có tứ thơ. Quang đưa mắt quanh một lượt khắp hội trường rồi vội vàng viết ra tám câu thơ như là ứng khẩu chờ nhét vào tay Quỳnh khi bầy người chen nhau ra cửa.
Bàn tay Quỳnh nắm chặt mảnh giấy như giữ của, không dám xòe ra cả khi tới ngoài sân. Lòng Quỳnh thắc thỏm như có lửa. Quang gửi gì đây? Quỳnh vờ ho lên mấy tiếng rồi lẻn ra phía sau cái nhà tranh lớp Quỳnh vẫn ngồi học. Hé tờ giấy mảnh mai như chiếc khăn tay, Quỳnh vờ như lau miệng. Mà động thái như kẻ cắp, xem vụng của quý như vàng vừa trộm được. Hiện ra trước mắt Quỳnh thông điệp Quang vừa chớp trong hội trường:
. …Sẽ có thể mộng mơ mê say
. Như đã vào men ủ hôm nay.
. Chuếnh choáng với bước chân non trẻ
. Ngã ba đường, ngả nào tương lai?
Cả tập thể học sinh nhà trọ kéo về ăn cơm chiều. Họ không giải tán sau bữa cơm để về học như mọi khi. Hầu hết ở lại bàn luận, trao đổi ý kiến mình về nội dung mới toanh vừa nhập vào đầu. Mai đưa ra ý kiến trước nhất:
– Ông Chu Văn nói hay thế nhỉ. Một chủ trương mà nói như bài giảng văn ấy. Ai mà chẳng mê hồn!
Ai đó đùa cợt:
– Mai mê ông ấy rồi phải không?
Mai nguýt một cái dài:
– Ăn nói cho nghiêm chỉnh nhé. Ông ấy nhiều hơn tuổi bố mình rồi đấy.
Một giọng khác diễu:
– Ô kìa! Sao Mai cứ vơ vào thế nhỉ? Mê một nhà văn, cũng như mê một ca sĩ, hay mê một chân giày bóng đá… thế thôi. Cứ mê là quẵm được người ta đâu?
Mai nhanh trí:
– Lại hiểu lầm nữa rồi. Là Mai nói phải trân trọng như bố ấy. Cho nên lời ông nói là Mai nghe. Vì đây là chủ trương lớn tiến lên Xã hội chủ nghĩa. Cái lối lên nơi thỏa mãn nhu cầu, mình phải ra tay xây từ bây giờ.
– Ủng hộ ý kiến Mai – Một ý kiền bổ sung – Chủ trương đã có trên mặt báo. Hà Nội, các trường cấp ba đã triển khai sớm, chuẩn bị cho những chuyến đi khai hoang. Có đoàn lên miền núi Tây Bắc. Có đoàn đi tới vùng biển Quảng Ninh. Phần vĩ mô đặt ra rất toàn diện mà những viên gạch đầu tiên sẽ là chúng mình đấy. Mình không xây thì đợi đến ai xây?
Có nhiều ý kiến ủng hộ. Không có ý kiến nào phản đối cả. Nhưng ở một góc nào đó có những tiếng thở dài. Phó bí thư Chi đoàn thanh niên lớp lên tiếng trấn an:
– Đừng để cho tư tưởng ủy mị len vào chúng ta. Đó là sự hèn yếu của tư tưởng tiểu tư sản. Chúng ta những đoàn viên phải thực hiện đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
Quang nói:
– Mình nghĩ thế này, các bạn. Một chủ trương lớn đã được triển khai một cách toàn diện. Báo đăng. Cán bộ đến từng trường vận động… là việc làm đồng bộ. Không dám nói là sai. Nhưng thiết nghĩ ở mỗi nước, thời đại nào cũng cần đào tạo nhân tài. Đánh giá văn minh của một nước, người ta dựa vào trình độ văn hóa của dân chúng chứ không là dân nước ấy có ăn ngon đến mức nào?
. Quỳnh nóng lòng lo lo. Quang nói sai quan điểm thì thời cơ cho Quang vào Đoàn có khi khép lại. Mà như thế thì một cánh cửa cuộc đời coi như đóng trước mặt Quang. Việc mở ra lúc này không phải dễ dàng. Nhưng Quang dừng nói. Quỳnh phải chen ngay dàn hòa để khỏi bùng lên cuộc tranh luận đúng sai, không phải cái để học trò bàn tới.
Thầy chủ nhiệm lớp đến thăm. Cả bọn học sinh vây quanh thày. Những ý kiến đầu tiên vẫn xoay quanh cuộc vận động học sinh về nông thôn sản xuất.
– Thầy ơi, chúng em rồi sẽ đi đâu, sẽ về đâu?
– Có phải gắn liền với chủ trương này mà Bộ Giáo dục cho thi tốt nghiệp nhiều môn, nhiều đến kỷ lục thế này? Chúng em liệu có được thi vào Đại học nữa không?
– …
Một suy luận:
– Họ nhằm cho học sinh trượt nhiều không được đi học mà về vườn đấy mà!
Một ý kiến a dua:
– Trò chính trị đấy!
– Sao cậu nói thế? Sai bét cả.
– Thật đấy. Rồi họ sẽ vớt cả cho mà xem. Có thế, mới dễ động viên về vườn được chứ?
Quỳnh chen vào ý kiến của mình:
– Khi nghe rồi, chúng em rối trí hết cả lên. Sao không để cho chúng em yên tâm học đã hả thầy?
Không khí tranh luận trở nên căng thẳng. Sự im lặng băng trùm một lúc lâu. Thầy chủ nhiệm phá tan trầm lắng nặng nề ấy:
– Các em cứ nói đi. Thầy muốn nghe hết ý kiến của các em.
Mỗi người đều có ý kiến riêng. Thật là một cuộc thảo luận sôi nổi bất ngờ, bộc phát nên nói dễ hơn và được nhiều hơn. Nhiều ý kiến đối lập nhau. Mãi rồi, những câu hỏi không có gì khác lạ. Thày chủ nhiệm lắng nghe tất cả. Cuối cùng thầy nói:
– Các em có suy nghĩ là tốt. Có ý kiến đúng. Song cũng có ý kiến chưa đúng. Chủ trương lớn là thế. Nhưng nhà trường chưa nhận được Thông tư hay Chỉ thị hướng dẫn nào về việc thực hiện chủ trương này. Vì thế các em cứ nỗ lực học tập cho tốt, thi cho tốt. Đó là nhiệm vụ chính trị đặc biệt của các em.
Đêm cũng đã khuya. Mai và Quỳnh, bên nhau cùng về. Mai hỏi:
– Quỳnh thấy thế nào?
– Thế nào là thế nào cơ chứ?
– Là về hay ở?
– Thày chủ nhiệm vừa hướng dẫn rồi còn gì? Cứ thi đi đã. Đỗ thì học tiếp. Không đỗ thì về!
– Mai nghĩ rồi Quỳnh ạ. Mỗi người có con đường đi tới đích riêng không giống nhau. Mà nhà Mai thì neo người. Trước mắt, Mai về giúp gia đình đã. Vừa lao động giúp mẹ, vừa tham gia công tác xã. Mai thấy những người lãnh đạo huyện, tỉnh kia có học Đại học đâu mà cũng là Chủ tịch, là Bí thư tỉnh cả. Có người còn là đại biểu Quốc hội là Ủy viên Trung ương. Họ vẫn lãnh đạo được năm tấn, bảy tấn, kém gì đại nhảy vọt ở Trung Quốc?
Quang cũng vừa bước rảo tới và nghe được câu nói cuối của Mai. Quang nửa thật, nửa cợt:
– Nó xạo mình đấy Mai à!
– Quang chỉ có đùa được thôi!
– Nghiêm chỉnh đấy Mai. Làm gì có chuyện cấy lúa mà người nằm trên ngọn bông lúa không lọt được xuống đất? Lúa mà cấy như thế thì Học thuyết Ánh Sáng của Lư-xen-cô bị vứt vào sọt rác mất thôi. Anh họ của Quang, học ở Khu học xá Nam Ninh bên đó kể rằng, người dân nghèo đói đã đành nhưng sống thật khổ nhục. Mỗi lần cấp trung ương mà về tham quan thì cấp lãnh đạo dưới họ cho đánh lúa ruộng khác cấy dầy vào một thửa gọi là ruộng thí điểm. Mượn lợn béo của các nhà gom lại thành đàn gọi là lợn hợp tác xã điểm. Những con gà béo mượt trong những nông trang được mua từ chợ thả vào… Thôi thì đủ trò lừa dối nhau. Thành tích đã thành chủ nghĩa… mà!
Mai bực dọc:
– Lãnh đạo đâu họ có mù? Ngớ ngẩn thì làm sao lãnh đạo?
– Thì ngay ở ta thôi. Chiếc bánh nướng ba hào ở chợ, ném cho chó, chó chết. Vậy mà chiếc bánh ba hào biếu Bí thư Tỉnh ủy ăn, nó có phép thần ngon như cái bánh ba đồng. Bí thư ăn rồi tấm tắc khen: Các đồng chí thấy không? Nhờ thiên tài lãnh đạo mà lúa vụ bội thu đấy! Đời sống dân ta như thế này chả gọi sung sướng thì gọi là gì?
Quỳnh dàn hòa để lảng tránh bàn luận sa đà:
– Sắp đến ngày chúng ta xa nhau rồi. Biết khi nào gặp lại? Quỳnh cứ nghĩ thế mà bần thần hết cả người.
Mai hớn hở:
– Quỳnh đừng có dối mình. Quỳnh cầu xin cái đang nảy mầm dâm hạt trong linh tâm mình đi. Cầu được ước thấy mà. Cầu đi!
Quỳnh đấm vào lưng Mai thùm thụp:
– Cái mụ phù thủy này! Ta từng xin mụ rồi, thì nay mụ hãy im đi cho. Đã là phù thủy, có mụ nào không nhảm nhí!
– Quỳnh! Ngươi đúng là kẻ hèn nhát, sợ phù thủy một vành! Phù thủy đi guốc trong bụng ngươi rồi. Ngươi sợ bị moi ruột đứt gan phải không? Gọi chị đi, chị tha cho.
Quang nhanh nhẹn, mỉm cười:
– Chị phù thủy Mai ơi! Chị chỉ biết bắt nạt con gái thôi. Em xin chị vậy.
Mai quay sang Quang cười ngắt ngẻo:
– Ừ ta tha cả cho những đứa con trai hèn nhát nữa. Thế có nhân ái không?
– Nhân ai-ái! – Quỳnh gật đầu thủng thẳng nói.
. Trái đất lúc này quay nhanh hơn thì phải? Thoáng một cái, mặt trời mọc. Lại thoáng cái nữa, mặt trời lặn. Đã đến ngày ứng thí. Một đoàn sĩ tử nông thôn lếch thếch sách vở về thành Nam thi vào các trường Đại học, Chuyên nghiệp. Họ hẹn sau hai ngày thi, sẽ tập trung ở công viên thành phố, thông báo cho nhau về bài thi của họ.
Ở một chiếc ghế trong vườn hoa nằm giữa thành phố Nam Định có hai gương mặt quen nhau đã ngồi chờ sẵn. Nhưng như là họ giận nhau phải ngồi sát tận đầu hai mép ghế. Một lúc, phía lối mòn vào, một bóng dáng nhỏ thó, áo bỏ ngoài quần, mặt ngênh ngếch, con mắt lươn một mí rưỡi trương lên hết cỡ như nhìn trời, đang hướng về phía hai kẻ đang chờ. Anh ta toe toét cười nói có câu làm hai kẻ ngồi trên ghế phải giật mình:
– Tớ biết thể nào đôi Sam này cũng kéo nhau đến đây sớm nhất!
Anh chàng ngồi mép ghế đứng dậy, cố giữ vẻ tự nhiên. Nhưng màu da mặt thì hồng như bếp lửa. Mà cái ngọn của nó cứ phừng phừng bốc lên ở hai tai đủ lời tự thú, lạy ông tôi ở bụi này:
– Chúng tớ cũng vừa tới thôi mà. Vừa gặp Quỳnh ở đây.
Quỳnh quay lên phụ tòng:
– Ừ mình đến hơi sớm. Ngồi chưa nóng chỗ thì Toản tới đấy!
Anh chàng bắt ngay vào chuyện:
– Bài tốt chứ?
– Tốt thôi! – Toản thanh thản trả lời.- Thế còn Quang?
– Tàm tạm.
Toản hỏi tiếp:
– Quỳnh sao?
– Cũng tàm tạm vậy thôi.
Toản bô bô cái miệng với nụ cười thỏa mãn, đắc thắng:
– Buổi thi Vật lý, bên cạnh mình, có thí sinh tên Toàn hay Toán gì đó. Chắc lúc bí quá, hắn tiến sát bên mình xin cầu viện. Mình nghé thấy đáp số của nó khác mình. Mình kiểm tra lại, mình tin mình đúng. Làm xong bài, mình gấp bài ngồi đợi hết giờ. Về kiểm tra lại thấy cậu ấy sai bét!
Quỳnh nói nhỏ:
– Toản thi vào trường nào nhỉ?
Quang trả lời thay Toản:
– T ổng hợp, Lý.
Quỳnh động viên:
– Vậy là Toản tin tưởng được rồi!
– Chắc thắng! – Toản toe toét cười.
Cả bầy sĩ tử ùn đến che khuất kín một vùng hoa cỏ công viên. Ào ã chuyện thi cử. Ào ã ra bến ô tô về nhà. Xe ô tô dọc theo đường 21 gập ghềnh về Hải Hậu, lồng lên như giận dữ để lại cái hơi thở mù mịt tưởng rồng ẩn, giấu đuôi. Bỗng Quang đứng dậy, nhoài người về phía trước trong tư thế lắc lư, miệng gào lên một sáng kiến:
– Ta đi bộ vòng một lượt quanh huyện rồi trở về trường được không các cậu?
– Ủng hộ!
– Nhất trí!
Đến bến xe Cồn, đám trẻ ào xuống như lúc chúng lên xe. Bắt đầu từ thị trấn Cồn, cuộc du lịch lếch thếch bộ hành theo con tỉnh lộ về phía xã Hải Sơn. Tới cái cầu gỗ bắc dọc đường, một màu đen kịt. Quang hỏi:
-. Cầu này gọi là cầu gì nhỉ?
Tiếng ai đó nhanh nhảu:
– Cầu Đen!
Thấy Quang ngờ ngợ, Trần Ngọc Lâm giải thích ngay:
– Đúng đấy. Cái cầu nó đen ngay từ lúc sinh thành. Nhưng những chiến công của nó thì vô cùng thắm đỏ. Nó đã tự hủy hoại thân mình cản giặc. Chỉ trở lại mình khi đã lập chiến công. – Lâm chỉ tay về phía biển – Bên trái đây là xã Hải Cường. Nơi ấy xưa kia là biển. Bàn tay người dân Hải Hậu đã khai phá đất bồi. biến mặn chua thành ruộng vườn trù phú. Có một ông quan lớn về mua xây cơ ngơi cao đẹp nhất vùng. Nương dâu, ruộng lúa ấy đã mang tên Tham Hoánh. Người ta vẫn quen gọi là Tham Oánh đấy.
Quỳnh hồ hởi tham gia:
– Cả vùng phía tả ngạn đường này như xã Hải Cường, Hải Phú… xửa xưa là biển. Biển bồi cát thành bãi nên gọi là cồn. Tên Cồn Tròn, cồn Vành…là thế. Bàn tay và trí tuệ con người đã làm nên bờ xôi ruộng mật. Chẳng hạn, năm 1828 thời Minh Mạng, cụ Phủ Huệ, người xã Quần Anh Thượng đã đưa con cháu ra đây cùng dân khai hoang, vượt lập nên làng Quỳnh Phương. Dân vùng này, mấy đời trước từ huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Quần Phương, Quỳnh Nhai về lập ấp. Ví như Lâm, Phúc và cả Quỳnh nữa, gốc gác, họ hàng ở cả nơi cựu thổ ấy mà.
Tíu tít mỗi người một câu, kể về những vùng đất như thế thành chuyện kéo dài. Qua chợ Thượng Trại, họ rẽ vào lối xã Hải Phong hướng về huyện Trực Ninh. Chuyện đi đường không có chủ đề, không cần đầu cuối, nên dễ ào ra khối chuyện. Cũng không thành đội ngũ, không kèn, không trống mà trong lòng người đều rộn niềm vui. Ngay cả khi qua xã Trực Thắng, Vũ Ngọc Ban qua nhà cầm theo cái radio Orionton Hungarie, loa mở hết cỡ maximum niềm vui cũng chắng khác đi. Có chăng chỉ làm người bên dọc đường đi, nhầm lẫn lơ ngơ tưởng cuộc cổ động cho tối hội Chèo. Dạo ấy, cái đài như thế phải là nửa cơ nghiệp. Chỉ có được ở nhà giàu hay đương quyền lãnh đạo.
Cả bọn đã bước trên con đường 56 thuộc xã Trực Đại. Quang ngó ngiêng như phỏng đoán độ lớn con đường, rồi nói:
– Các cậu có biết con đường này có từ bao giờ không? Có từ thời Lê Thánh tôn niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Nó là con đê ngăn nước biển mang tên vua.
– Suýt soát năm thế kỷ rồi!
– Hoàn toàn đúng. Con đê Hồng Đức chạy dọc theo bờ biển từ huyện Giao Thủy qua Hải Hậu, Trực Ninh tận tới Nghĩa Hưng…
Hình như những trầm tích lịch sử đang được bọn học trò này cọ quẹt. Nó còn xa lắm mới tới được trầm tích thẳm sâu. Nhưng dù sao vẫn nâng cho những bước chân trần đang lê mòn trên mặt đất khỏe lên. Chạm vào đất xã Hải Hùng. Quỳnh nói:
– Ta đặt chân lên cựu thổ Hải Hậu rồi đó!
Quang tiếp ngay lời Quỳnh:
– Đúng rồi đấy. Đây là vùng đất cựu. Tiền khẩn vùng đất này là các cụ tổ Lê, Lại, Đỗ, Bùi… tiếp đến là các cụ tổ người họ Phạm, Nguyễn, Vũ, Trần…. Lúc đầu, khai phá các Cồn Thủ, Cồn Dâu… thì gọi là Trang. Người nhiều nơi tụ đến đất thành tên gọi Quần Phương, Quần Anh, Quần Lạc… Phía ngoài cầu Yên Định nay, khi ấy vẫn còn là biển. Dấu tích bờ biển ghi lại là dải cát kéo từ Chợ Chùa (Hải Phúc) tới trại Cỏ Dầy (Hải Hà), trại Cồn Quay (Hải Thanh), Trại Mắm (Hải Hưng)…Khoảng năm 1864, cụ Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia gọi là Quốc Tử giám Tế tửu, Tiến sĩ Đỗ Tôn Phát (1812-1893) người làng Quần Anh Hạ, đề xướng vận động người huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường. Người góp của kẻ góp công đắp đê lấn biển tạo nên các xã Hải Quang, Hải Đông, Hải Tây, Hải Lý, Hải Chính ngày nay…
Chuyện như còn muốn dài nữa nhưng đã tới gần trường. Phúc chỉ vào cái nhà còn mang nguyên dấu tích chiến tranh tàn phá, nói:
– Vậy cái Văn Đàn này là gì?
– Nó là nơi họp mặt văn nhân tựa như câu lạc bộ văn chương. Nơi đây còn là nơi tế lễ đức Khổng Tử (551-479 trCN), người đặt nền móng đạo Nho và thờ Tứ phối … Song cuối thời Pháp đô hộ, bị giặc Pháp chiếm, đóng đồn. Có chiến thắng vang lừng tiêu diệt sinh lực địch năm 1952…
. Vậy là cuộc hành trình đã thực hiện một vòng như khởi xướng. Tới trường học cũ, ngôi trường vẫn những mái nhà tranh khiêm tốn được ràng rịt bới những tấm phên tre và những cây luồng néo nịt, ghì xuống đất để chống bão. Quỳnh như mủi lòng nói:
– Ước gì mái trường kia là những mái ngói…
Trần Ngọc Lâm vốn là cán bộ chi đoàn, nở một nụ cười tươi như mở ra một tương lai trong tầm tay với:
– Trách nhiệm của chúng ta đấy. Một ngày không xa, có khi chỉ các em ta thôi, sẽ học trong những ngôi nhà khang trang, cao rộng…
Chia tay mỗi người một ngả. Ngày gặp lại đông đủ như thế này thật khó. Song ai cũng hy vọng sẽ có một ngày…
. Quang trở về những ngày với đôi vai sưng vù đến rớm máu gánh phân chuồng đổ ra từng mảnh ruộng chăm bón lúa hợp tác xã. Tối tối vẫn còn bì bõm với bèo hoa dâu ngoài ruộng. Chàng ta tự hào lắm. Bởi vì chàng đã là đoàn viên Thanh niên Lao động và luôn tâm niệm câu khẩu hiệu đã được viết trước cổng làng, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
Song nỗi khắc khoải nhớ Quỳnh không biết để vào đâu. Một chiều, khi cơn gió re tây đưa chiều về cuối buổi, Quang lén đạp xe tới thăm Quỳnh. Trong tâm tưởng Quang, Quỳnh sẽ hiện ra với dáng thanh tú, nõn nà như một nữ hoàng kiều diễm đã in thành nét đậm. Bỗng nhiên Quang nhìn hai cánh tay trần đen nhẻm của mình đang cầm guidon xe đạp, vì những ngày nắng gió phôi pha nên dừng xe lại. “ Thế này thì Quỳnh sẽ nghĩ về mình ra sao? Lúc ra đi, mình lại quên soi gương xem bản mặt mình có còn nhẵn nhụi nữa không hay bị những tia tử ngoại độc ác bóc đi từng mảng da khoang khủa, xù xì trên mặt?”. Quang sờ mặt. “Sao lại có cái gì như đinh đóng trên mặt mình thế này?”. Quang lấy đầu ngón tay gại gại. Một cục nhỏ như hạt cỏ may, tròn như cái trứng làm tổ tự bao giờ. “ Đối lập với nước da nõn nà của Quỳnh, nàng sẽ không thể tưởng tượng hết bóng dáng cột nhà cháy và nàng sẽ nghĩ ngợi như thế nào về mình nhỉ?”. Quang toan quay xe trở lại. Nhưng nỗi nhớ cứ như thúc vào con tim nảy liên hồi trong ngực. Quang nhắm mắt một cái, quay người. “Muốn thế nào cũng được!”. Đôi bàn chân Quang cứ thế miết vào pédal xe đạp mà guồng như điên. Hướng của bánh xe định sẵn đã theo chiều quay ra phía miền chân sóng. Men theo quốc lộ 21, qua tỉnh lộ đến tới con đường nhỏ làng Quỳnh lúc nào. Hai bên đường làng, bát ngát cánh đồng tràn ngập bèo dâu mới thả. Những cô thôn nữ cặm cụi từng tốp vun vun dập dập những cánh bèo lan tỏa rộng ra. Có tiếng gọi:
– Anh Quang!
Quang dừng lại. Thì ra Quỳnh. Những tiếng cười rất rõ tiếp theo trêu Quỳnh đủ cho Quang nghe thấy:
– Chàng của mày đấy à?
Tiếng Quỳnh:
– Chỉ tếu!
– Bà con à?
Quỳnh:
– Người dưng!
Tiếng chọc rộ lên như níu kéo dồn dập, ập đổ lên Quỳnh:
– Đang đông tang thời vụ thế này mà thăm nhau thì chỉ có người dưng mới dám thôi!
Quỳnh bẽn lẽn:
– Chắc có chuyện gì mới đến gấp lúc này?
Không ngờ lời Quỳnh như cái que sắt khều lửa:
– Tự thú rồi nhé! Người dưng mà thăm nhau mới nên chuyện. Chứ họ hàng, ai mà dám đến lúc nhá nhem?
– Lên đi Quỳnh! Lên đi mà kịp về trình diện chứ trời tối xuống các cụ xem làm sao rõ mặt?
– Này! Đừng để người dưng chờ như phỗng đực thế kia!
Quỳnh, giọng thèn lẹn:
– Cho Quỳnh gặp một chút nhé, rồi làm tiếp.
– Về thì về hẳn đi. Một chút thì gặp làm gì? Sắp tối rồi! Hay có giỏi thì đứng ngay đây vừa vun bèo vừa tâm sự?
– Này, các cụ không thông qua thì cố chịu đựng mà dùng ngoại giao. Chứ đừng có đem vũ khí nước mắt ra mà đe dọa không được đâu. Cái chiến thuật cũ mèm ấy quá lạc hậu mất rồi đó nghe.
Có tiếng nói già dặn hơn vẻ như đàn chị:
– Thôi tha cho Quỳnh đi. Rồi sắp đến lượt mày đấy.
Anh chàng kia vốn được gọi là mồm mép đang bị kẹt trong thế lép cơ, phải làm con phỗng đực chết trân ở trên bờ. Quỳnh đi tới gần con phỗng đực, như đưa ếch vào giếng! Ếch mở miệng:
– Quỳnh giỏi quá nhỉ. Không ngờ đôi bàn tay tháp bút thế mà vun được cả bèo dâu.
– Mới có mấy tháng thôi đấy mà Quỳnh đã được tụi nó phong bà chúa bèo hoa dâu rồi, Quang ạ.
– Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên mà!
– Hoan hô Quang! Chú ếch xanh lột xác da trơn, đã chắp cánh bay cao, đang dòm ngó vòm trời tìm tiên nga giấu chỗ!
– Nếu tìm thấy chốn Bồng Lai mà lôi được tiên nga ra, liệu tiên nga có chịu đi không?
– Nàng Liễu (3) xưa làm vỡ chén ngọc, phải hai lần giáng thế còn chịu được. Tiên nữ mới ngấp nghé cửa Bồng, chưa được bay
nhảy một ngày thì tiên nữ nào lại không cắp nón đi theo…
Quang cười vỡ ra từng tiếng rồi hạ giọng thì thầm rất mềm:
– Đi đâu giờ?
– Ôi đến gặp người ta mà lại nói đi đâu giờ thì cái lý ấy vô đến chừng nào?
Quang đực mặt ra. Quỳnh thấy tội nghiệp cho cây si non nớt, chạm gió đã muốn gục ngã thì khi gặp phong ba rồi sẽ ra sao? Quỳnh bảo:
– Về nhà chứ còn đi đâu giờ?
Quang nhăn nhó:
– Ngại quá nhỉ. Bọn con gái dưới ruộng bèo dâu kia mà biết rõ chàng nàng thì Quỳnh chui vào cái lỗ nẻ nào?
– Chui vào trái tim con ếch xanh ngồi dưới giếng ấy chứ còn ở chỗ nào!
– Thôi. Để Quang về nhé?
Nghe mà tức điên. Giong Quỳnh như giọng tắc thở:
– Thế thì Quang về đi!
Quang nấn ná, lưỡng lự:
– Khó quá nhỉ?
– Ừ thì còn chuyện gì nữa không?
Đầu óc Quang như lú lẫn chẳng nghĩ được câu khôn ngoan hơn lời nói thật thà:
– Anh nhớ … quá Quỳnh ạ! Nhìn thấy em là vui rồi!
– Còn gì nữa?
– Thế thôi!
– Vậy xong rồi thì về đi để Quỳnh còn vui với đám bèo…
Quang lững thững dắt xe đi ngược chiều chàng đến. Đầu Quang cuống cuồng nỗi ân hận, buồn thương. “Quay lại đi! Quay xe đi, Quang!”. “ Không! Bạn gái của Quỳnh đang ngó kia.” Quang không dám cả gan ngoái đầu lại. Song may thay gặp khúc cua con đường, Quang mới lợi dụng nghé con mắt nhìn về hướng Quỳnh với bèo dâu đang dưới ruộng…
“ Không ngờ chàng Robin nhút nhát đến thế!”. “Sao Quang lại xử sự thế nhỉ?’. “ Phải thôi. Cái anh hùng của đàn ông chỉ ở nơi chiến trận, chứ đâu có ở trước mặt đàn bà…?”. “ Cũng thật vô lý khi đưa Quang về nhà. Biết nói với bố mẹ thế nào? Làm sao giải nghĩa được câu hỏi, bạn ấy là gì và đến có việc gì, khi con đang còn học nữa?”. Cái bàn cào bèo trong tay Quỳnh không tuân theo ý muốn của Quỳnh. Quỳnh muốn cho bèo toang rộng ra thì nó bướng bỉnh cứ xúm xụm lại với nhau. Quỳnh giận Quang muốn trào nước mắt. Quang đến làm chi để Quỳnh khổ thế này? Quỳnh đứng thẳng người lên muốn lấy tay lau nước mắt, nhưng lúng túng vì bàn tay còn dính bèo dâu. Một cô gái phát hiện, chọc Quỳnh:
– Các cậu trông cái Quỳnh kìa. Chàng đi mà lại để quên niềm thương trên mắt nàng kìa!
Quỳnh vờ lấy tay nâng vạt áo đưa lên đôi mắt hoe hoe, miệng vớt vát:
– Con thiêu thân bay vào mắt cay xè đây này. Chả giúp còn trêu thương với chả nhớ.
– Trời tối rồi. Ta về nấu cơm đi cho các cụ khỏi mong.
Câu nói vô tình đã giải thoát cho Quỳnh.
. Tết đến sao mà chậm trễ thế? Với Quang, ngày đông cô đơn kéo dài oằng oẵng thế mà ai cũng bảo ngày tháng mười chưa cười đã tối. Được tin nghỉ tết, Quang tranh thủ từng giây để đến với Quỳnh. Quỳnh đã ra cổng trường chờ từ lâu. Thấy Quang, Quỳnh như quên cả mọi người hiện diện. Cô ào ập lao tới người thân tưởng như ngàn năm tái hiện. Quang xoắn xít. Cái vụng về trở nên khờ dại. Mặt thuỗn ra. Chẳng nói được câu nào, ngoài đôi mắt mở to như đang dọi lửa vào Quỳnh. Một khoảnh khắc định thần, đôi Quang Quỳnh mất hút trong đám sinh viên trường Sư phạm về quê ăn Tết.
. Bóng đêm của những ngày giáp Tết đen như mực. Song đôi Sam này thì sáng trưng một một tiền đề họ đặt ra.
– Quỳnh ạ, sau này mình sẽ có căn nhà nhỏ xinh xắn. Em có thích thế không?
Quỳnh nũng nịu:
– Em thích! Em sẽ luôn được vui với mái đầu xanh lớp trẻ.
– Còn anh sẽ rất hạnh phúc đem về sức lực xóa được nỗi đau cho mỗi sinh linh.Vậy trước tiên em ước gì nào?
– Mình sẽ có hai đứa con kháu khỉnh, khỏe mạnh.
– Hai đứa thôi à? – Quang hỏi.
– Chứ mấy nữa hả anh?
Quỳnh e thẹn nép vào tấm ngực căng đầy của Quang mân mê hàng cúc áo anh, trào lên niềm hy vọng. Cho gần giao thừa, bỗng như cả hai nhớ đến bạn bè, nhớ tới Toản. Quỳnh nói:
– À, anh. Toản thế nào rồi?
– Hình như đang chờ đợi…
– Lúc nào ta đến thăm Toản một chút không anh?
– Để rồi anh sắp xếp.
Mãi trước ngày trở lại trường, Quang mới chợt nhớ lời Quỳnh nên mới thăm Toản. Vẫn vẻ niềm nở bạn bầu, Toản cầm ra chai rượu mầu hạt lựu. Quang khen:
– Sao Toản tìm đâu ra được loại rượu đẹp thế này?
– Mình cất và pha chế lấy đấy. Không được cấp thì mình phải tạo ra tiêu chuẩn của mình.
Toản rót ra hai ly đầy. Nâng một ly lên giục:
– Tết nhất, xin chúc mừng sức khỏe. Nào cạn đí!
– Xin mời!
Quang định san rượu cho Toản. Toản gạt tay giải thích:
– Rượu lành thôi mà.
– Đành thế. Nhưng Quang có biết uống rượu đâu. Chỉ chạm môi được thôi.
– Thì uống với Toản một ly cho bớt tình sầu. Cho quên đi dĩ vãng. Cho ngày xuân mãi mãi là Xuân.
Ực một cái, Toản thả cốc xuống. Mặt Toản tái đi chứ không đỏ sau hớp rượu như Quang. Để tránh cái buồn, Quang không muốn khơi chuyện niềm tin chắc thắng của Toản. Nhưng cái gì đến nó phải đến thôi mà.
Toản là học sinh khá giỏi của lớp. Nhất là môn Vật lý, Toản thường xuyên chiếm được điểm cao. Trường Đại học Tổng hợp, tân sinh viên đã nhập học lâu rồi mà Toản không thấy có giấy gọi nhập trường. Toản với tay lên kệ, lặng lẽ đưa ra tờ giấy cho Quang xem. Dạng giấy báo hâm hẩm to hơn bàn tay, in Ronéo, còn nguyên nếp gấp. Đấy là thư của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp – Hà Nội, phúc đáp thư Toản hỏi về kết quả kỳ thi của Toản vừa qua. Lời thư như công văn. Quang nhớ mãi nội dung những điều, anh cũng chưa được biết đến bao giờ:
Tiêu chuẩn nhập học trường Đại học phải được kết hợp ba điều kiện: Lý lịch trong sạch, sức khỏe tốt và kết quả bài thi đủ điểm quy định. Thiếu một trong ba điều kiện ấy, thí sinh không được nhập học.
Quang đọc rồi bần thần không dám đưa lại tờ giấy cho Toản. Khoảng không gian như trầm xuống. Niềm vui tết nhất như bị loãng ra. Toản không còn nét bình thản như lúc ban đầu. Anh nhắc lại điều anh tin tưởng:
– Bài làm thì chẳng sai sót tí nào. Sức khỏe thì giấy khám ghi loại A 100%. Chỉ còn cái lý lịch.
– Thành phần nhà Toản phú nông à?
– Bây giờ còn ai giàu với nghèo mà phú với bần. Là trung nông. Nhưng bố mình thì cứ giữ nguyên cái quan điểm thật thà của ông nông dân. Không có thóc cho cả nhà ăn thì không bán thóc như cán bộ xã ép bảo bán thóc dư. Điều gì thấy chướng tai ông thì cãi thẳng thừng. Thế là bị ghép tội phản động. Xã gọi lên chấn chỉnh thái độ, ông cãi. Cán bộ phỉnh, ông không tin. Chuyện cứ như thế kéo dài đã hàng năm. Đúng là cái miệng làm khổ cái thân. Mẹ và mình cũng đã khuyên can nhưng ông vẫn giữ cái ông cho là nghĩa lý. Toản biết nói thế nào!
Quang lúng túng với lời động viên như có, như không:
– Thôi thì ta làm tốt, sang năm thi tiếp xem sao.
Toản như thở hắt ra bao nhiêu thứ chắt chiu cô đọng lại. Gương mặt không còn tỏ rõ sự chắc thắng, không tỏ rõ mình. Con mắt anh một màu đỏ xọc, chẳng biết có phải là do rượu. Nhưng lời anh đã ngả về thê lương mà Quang chưa hề thấy ở Toản bao giờ. Vẫn như xưa, Toản không lời trách giận. Nhưng thần hồn anh xụp xuống trong suy tư sâu thẳm không đi tới tận cùng:
– Trượt chân thì lấy lại được. Trượt miệng biết đỡ làm sao, khi đã lọt vào trong tiềm thức… hệ. Toản chỉ nghĩ câu nói của Bác, mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Mà Toản thì lại rơi vào ngoại lệ, khi trong ước mong Người không loại trừ ai.
. CHƯƠNG 4
MIỀN CHÂN SÓNG VỢ CHỒNG CHIM TINH VỆ
Chiến tranh nổ ở miền Bắc bắt đầu được kể từ 12 giờ 25 phút ngày 5 tháng 8 năm 1964 khi giặc Mỹ dùng phản lực cơ chiến đấu, mang các loại vũ khí hiện đại cực mạnh tấn công hàng loạt vào các điểm trọng yếu như cảng Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Nghệ An) Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh)…
Và như thế các cơ quan nhà nước, nhà máy, trường học… đều phải sơ tán ra nhà dân xa thành phố. Trường của Quỳnh và trường của Quang cũng bắt đầu sơ tán ra xa. Các phương tiện vận tải bị hạn chế. Các tuyến đường giao thông ngày đêm bị bom giặc tàn phá gây khó khăn chuyến đi và tốc độ thông suốt dọc đường.
Những lần trước, sau mỗi kỳ thi hết môn học, thoắng một cái Quang đã có mặt nơi Quỳnh. Từ ngày đi sơ tán, quãng đường dài ra đã hẳn, còn phải vượt mấy quãng tàu xe. Nhiều lúc Quang thẫn thờ với bao nhiêu thời gian có thể dành ở bên Quỳnh. Quang nhớ lần vừa thi xong môn khoa học cơ bản chuyển sang y học cơ sở, Quang đã liều nhảy lên một toa đen chiếc tàu hỏa đang chuyển bánh. Người đông. Toa nào cũng người là người. Người ngồi. Người nằm. Chen chúc với hàng hóa với cả lợn gà. Quang phải đứng ngay cạnh cửa toa vừa hứng gió tránh hôi thối vừa quan sát để trốn vé tàu. Con tàu nhiều lúc chậm như rùa, lăn nghiến đường rail kèn kẹt như cóc gọi trời!
Vậy mà, có lúc cái ngủ đã ru cậu thư sinh bạch diện lúc nào. Giật mình, thì đã mất toi một đêm ròng. Không thể để phí thời giờ hơn, Quang bèn nhảy tàu ngược để kéo lại thời gian. Nhưng con tàu chết dẫm không theo ý của Quang lúc này. Bánh tàu đua nhau lăn xình xịch, vun vút tưởng như tới trăm cây số giờ làm Quang sốt ruột. Chàng ngáo nghến tìm nơi nhảy. Những dải cỏ dưới chân đường tàu mang màu xanh rất mượt. Ồ kia, một bụi cỏ dày, nếu nhảy chắc êm? Quang đu người thả tay theo hướng tàu chạy. Một cảm giác hẫng hụt rất nhanh đến với anh. Quang đã rơi tõm xuống hố ga thoát nước rất sâu của ngành hoả xa! Chiếc hố ga vuông thành sắc cạnh. Miệng hố mỗi chiều một mét xây bằng xi-măng rất chắc. Quang giật mình tỉnh ra. Ngơ ngác tự hỏi, mình sao lại ở chỗ này? Trước tiên, Quang nhìn túi áo ngực trái. Chiếc bút máy Kim Tinh đã bị gẫy vỡ. Quang cố đứng dậy bằng tấm thân tê tái và đôi chân đờ mỏi. Nhận ra sự việc, Quang lấy sức leo lên mặt hố. Một cơn gió ghẻ lạnh thổi vào mặt làm vùng gò má rát tê. Anh giơ tay thăm dò thì cánh tay như trĩu xuống. Quang đành dùng bàn tay trái sờ lên má. Một thứ nước nhơn nhớt màu hồng ngoe ngoét trên năm đầu ngón tay. Quang cứ phải ngồi vậy đợi cho đỡ mệt để đến với Quỳnh. Nhưng anh phát hiện cả hai ống quần kia ướt sũng. Chân trái một chiếc dép nhựa trắng không còn. Không thể để thế. Quang lại phải tụt xuống hố lấy bàn chân cứng mỏi khua khoắng tìm kéo dép lên. “ Quỳnh sẽ không thể vui nếu biết tin này”. “Nếu em nhìn ta lúc này chắc hẳn nỗi lo sẽ nhiều hơn niềm vui hiện diện”. Thế là Quang phải lầm lũi lê bàn chân rã rời về phía nhà ga xép đón tàu ngược cho kịp giờ học ngày mai.
Từ đó, những ngày nghỉ học kỳ, nghỉ Tết, và nghỉ hè với Quang sao xa vời vợi. Không dám nghĩ tới việc thăm thú một nơi danh lam nào hay cả đi tắm biển. Thời gian ấy giành cho ruộng đồng cho mùa lúa bội thu góp vào nuôi quân đánh Mỹ. Hoặc giả đôi khi trực trên chốt trực chiến giữ biển, giữ trời.
Quỳnh học xong Sư phạm được phân về dạy gần xã nhà. Mai, nhân tan ca trực chiến, rẽ vào trường thăm Quỳnh. Nhìn trên đầu Mai, mũ rơm to như cái nồi úp ngược, Quỳnh ngỡ ngàng:
– Ồi, ra Mai. Cứ tưởng đồng chí xã đội đến tập cho chúng mình môn quân sự.
– Mai xuống sắc lắm à?
– Đẹp lên thì có.
– Đẹp sao bằng màu áo trắng của Quỳnh kia?
– Ôi xin lỗi Mai. Vừa rồi cơn mưa dột trúng vào bị quần áo, ướt cả. Buộc phải mặc tạm. Chứ ý thức phòng không của Quỳnh cao lắm đấy!
Mai láy lời Quỳnh, đùa cợt:
– Trời đất ơi! Phòng không! Cứ phòng không mãi thì chết cha con người ta chứ còn à? Thế, anh của Quỳnh sao?
– Mai vẫn giữ cái tính hài hước tinh ranh phù thủy, không từ! À, anh Quang vẫn một nửa là vận động viên chạy bộ, một nửa ăn đong… Còn Mai, chuyện ấy?
– Quỳnh nhớ bà Công chứ? Con trai bà ấy đấy!
– À Thành phải không? Dạo ấy Thành đi Trung cấp Nông lâm, ngành nông nghiệp mà?
– Ừ đúng rồi!
– Cưới đi!
– Đi đã!
– Đi dâu?
– Bom đạn ầm ầm. Cưới với xin. Mấy đứa xóm Mai chẳng tìm hiểu yêu đương gì. Mấy anh bộ đội non về hỏi, cưới liền. Có khi một đêm không trọn. Rũ quần đi tít tắp. Thà rằng cứ nụ cứ hoa, hơn ròng thèm lạ, như già thèm cơm! Mình xin nhập ngũ đó.
Quỳnh đấm vào vai Mai. Cả hai níu nhau cười ngân ngất. Quỳnh
gỡ Mai ra nói:
– Đúng là con cháu bà Triệu Ẩu có khác! Minh thơm lây vì Mai đó, Mai ạ.
– Thôi thôi! Được làm con cháu bà Định là vinh dự lắm rồi….
Tiếng kẻng báo động. Mai vội vàng chạy trở lại nơi trực chiến. Quỳnh đứng ở cửa hầm trú ẩn nghĩ về Mai. “ Không biết rồi Mai sẽ thế nào?”
Chiến trường miền Nam chuyển sang thời kỳ ác liệt. Chiến tranh leo thang ra miền Bắc cũng ngày càng dữ dội hơn. Mỹ áp dụng kỹ thuật quân sự hiện đại bằng thử nghiệm những trái bom tối tân ác độc nhất Vì vậy sự hủy diệt của nó cũng thật tàn bạo và khủng khiếp hơn nhiều.
Ở miền Nam, những chiến dịch ruồng bố, vây ráp lớn của địch như Attleboro, Junction City…với tính quy mô quân sự được triển khai triệt để nhằm phá tan căn cứ cách mạng. Đồng thời khống chế đến phá bỏ con đường chi viện từ Bắc vào Nam. Trước tình hình đó, sự chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn thật là quan trọng, khẩn trương.Với khí thế hào hùng này đã thôi thúc ý chí nhân dân miền Bắc. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, sẵn sàng thắt lưng buộc bụng, sẵn sàng hy sinh xương máu bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Trong hàng ngũ thanh niên ấy có Mai.
Từ ngày Mai tự nguyện không thi đại học đã về lao động sản xuất tại xã. Là đoàn viên Thanh niên Lao động, Mai mong mỏi từ lâu được đem sức lực mình cống hiến vào sự nghiệp to lớn đó. Là một cán bộ xã Đoàn, Mai gương mẫu và đã viết đơn tình nguyện vào miền Nam khói lửa. Đã mấy lần xin nhập ngũ, nhưng Ban chấp hành xã Đoàn lưu lại cho công việc bề bộn của xã Đoàn. Lần này, lực lượng bổ sung cho Thanh niên Xung phong còn thiếu, nên Ban chấp hành Đoàn xã chắc không thể giữ Mai. Với Mai, đi lúc nào cũng được. Song với Thành, người yêu của Mai phụ trách khâu Kỹ thuật Nông nghiệp của xã không biết ý anh ấy thế nào? Mai lo lắng nhiều đêm. Liệu Thành có đồng ý để mình đi không? Tình yêu của mình và Thành sẽ thế nào? Nhưng rồi Mai lại nghĩ, Thành và mình đã có gì ràng buộc lắm đâu mà sợ! Tuổi trẻ mà! Thời cơ chỉ có một. Mai nhớ lời Paven Corsaghin, phải sống cho ra sống… để đến khi nào khỏi phải ân hận xót xa! Mấy bạn chi đoàn Mai cũng đã làm đơn tình nguyện đi Thanh niên Xung phong đợt này. Còn Mai… giá mà mình còn non tơ như chúng, giá mà mình chẳng gật đầu Thành…:
Tối. Cơm nước xong, Mai đi gặp Thành như đã hẹn. Không như mọi lần gặp, lần này tim Mai đập liên hồi với nỗi lo lo. Ngập ngừng mãi, Mai mới cất lời:
– Anh Thành!
– Có anh đây!
Thấy Thành vẫn giọng vui nhộn, cái ngực Mai mới bớt đi âm vang thình thịch. Mai nói:
– Anh Thành! Em quyết định đi Thanh niên Xung phong đợt này. Anh thấy thế nào?
Thành tỉnh bơ:
– Đi thì đi chứ sao.
– Mai nói nghiêm chỉnh đấy!
– Thật thế à? Mai đã quyết định dứt khoát rồi?
Mai năn nỉ:
– Anh? Việc nước mà cứ như việc nhà. Anh cứ đùa dai mãi!
– Ôi thật thế sao?
– Thật!
– Thật thì em đi!
Mai ướm thử Thành và đặt vào thế đã rồi:
– Hoan hô Thành! Vậy mà Mai cứ tưởng….
– Tưởng thế nào?
– Tưởng anh không ủng hộ.
– Cứ tưởng thế là chết nhau rồi! Làm thế sao được? Mình ở cương vị chấp hành đoàn. Mai lại là bí thư chi đoàn. Mình không gương mẫu thì ai gương mẫu đây?
Thành nhìn vào niềm vui phơi phới đang hiện trên gương mặt Mai, và xen bằng nỗi lo xa mặt cách lòng:
– Mai này! Mai đi rồi còn nhớ đến Thành nữa không? Hay xa quê rồi xa luôn cả ….?
– Ôi Thành nói gì mà kỳ vậy? Chả lẽ những ngày qua, anh chưa hiểu được Mai sao? Tuy chưa chính thức chạm ngõ, nhưng các cụ đã đồng ý cho phép chúng mình tìm hiểu, thì có gì phải băn khoăn? Hay Thành sơ Mai thay lòng đổi dạ?
– Không phải! Trăm lần không phải. Thành tin tưởng tuyệt đối ở tình yêu giữa chúng ta.
– Cám ơn Thành. Vậy thì Mai yên tâm ra đi rồi
– Nhưng Mai phải nhớ, luôn viết thư về.
– Nhớ chứ!
– Nhớ thật không? Ngoặc tay nào?
– Ngoặc thì ngoặc!
Mai đưa tay ra. Bất giác Thành kéo sát Mai, ghé hôn. Mai thẹn cúi đầu, nói:
– Thôi, thế được rồi đấy. Ai nhìn thấy, họ đồn ầm, xấu hổ chết.
– Mình yêu nhau chính đáng có gì mà phải xấu hổ?
Lại tối sau nữa, họ cùng đi về phía bờ sông nhìn ra dòng sông Cái trong xanh lững lờ đòng chảy. Bầu trời thật quang đãng. Trăng hạ huyền như một vành khăn treo lơ lửng trên không. Hằng hà ngôi sao lấp lánh như xoi mói ghen tị kẻ đang yêu. Mai rút trong túi xách tay đưa Thành chiếc khăn tay.
– Thành cầm một chiếc. Mai cầm một chiếc. Chúng ta cùng cất giữ. Khi Mai trở về, chúng mình sẽ phủ lên gối cưới.
Thành nhìn rồi tấm tắc:
– Thành nghĩ là Mai thêu mới đẹp thế!
– Được sống mãi với nhà tâm lý như thế này thì muốn sống gấp đôi bách niên giai lão, Thành ạ.
– Cám ơn em. Ta giữ kỷ niệm này thay cho lời hôn ước. Anh coi như một phần quý giá trao nhau!
Thành ôm Mai vào ngực và hôn lên mái tóc của Mai. Mai cứ để vậy. Như thể lần đầu họ mới được cơ hội gần nhau.
Không nhiều thời gian chuẩn bị. Vài ngày sau Mai đã lên đường. Thời chiến mà. Cái gì cũng gấp gáp. Cái gì cũng rất giản đơn.
Mai được bổ sung vào tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thuộc đất lửa Quảng Trị. Khi còn ngoài Bắc, Mai không thể tưởng tượng chiến tranh lại ác liệt đến thế. Bởi những chiến thắng tiêu diệt mấy trăm tên giặc, bắn rơi mấy chục máy bay, bắt được mấy chục giặc lái…niềm vui chiến thắng đã che lấp những tưởng tượng đến khó khăn gian khổ, hy sinh. Nhưng chỉ cần đặt chân vào đất Quảng Trị, thì cuộc chiến hiện nguyên hình của tàn ác, của chết chóc, hy sinh. Sự ngộ nhận kia đã bị tiêu tan. Mai nhận ra, chiến thắng không chỉ tính bằng con số. Con số đã được mã hóa bằng xương, bằng máu, bằng sự mất mát đớn đau của mỗi con người! Sự sống không dễ dãi mơn mởn xanh bằng chính sức lực của mình. Nó còn phụ thuộc vào đường đi của viên đạn, của mỗi trái bom rơi xuống nơi nào và hầm hố che chắn dưới lòng đất ra sao.
Mùa Xuân qua đi. Bầu trời cũng bớt đi ảm đạm. Giặc Mỹ co cụm lại. Nhưng một cuộc khủng bố mới với những người lộ diện trong cuộc Tấn công và Nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân ở những thành phố lớn bắt đầu. Quân Giải phóng phải rút ra xa và sâu phía rừng hơn để củng cố lực lượng. Những đoàn quân hùng hậu từ miền Bắc vượt thượng nguồn sông Bến Hải vào Nam. Con đường mòn huyết mạch Hồ Chí Minh đẻ nhánh thành hàng chục con đường, kín đáo để hàng ngày dẫn bộ đội đi vào. Công việc của Mai hàng ngày cùng đảm bảo cung đường mình mới mở. Giặc phá ta đắp. Bom giặc lấp ta đào. Không chỉ thế, giặc Mỹ còn thả xuống những trái bom nổ chậm vùi sâu trong lòng đất nổ bất cứ lúc nào. Nhiệm vụ của Đội đảm bảo cung đường là phải đếm được bom rơi và đánh dấu. Những tử thần giấu mặt ấy ngày càng nhiều và như thách đố với sự sống. Cuộc sống đời thường của mỗi người giấu vào mỗi công việc. Không có thời gian cho riêng mình. Không có thời gian ngơi nghỉ. Đâu cần thanh niên có thật đúng trong lúc này. Sức khỏe con người là quan trọng mà ý chí con người lúc này cần thiết hơn. Không ngày nào không thấy máu chảy. Mỗi ngày họ lại tiễn đồng đội ra đi bằng sự đau buồn chia sẻ khôn cùng. Mọi câu nói quyết tâm không chỉ là khẩu hiệu ghi lòng mà nó được tôi bằng máu hồng và lửa đỏ ấy thành tinh thần sắt đá. Con người lúc này luôn ý thức đánh thắng mà không hề có đánh đổi. Những bàn tay mềm mại kia đã từng xẻ núi ngăn sông, nay lại làm tung những trái bom gang thép. Mọi sự chiến thắng của họ bằng lòng tin và lòng yêu Tổ Quốc vô bờ. Mỗi thớ thịt họ, mỗi đường gân họ đã được kết tụ của ngàn năm sông núi, nước non mà ông cha truyền nhau giao cho chính họ.
Chính sự điên cuồng của giặc Mỹ sau cuộc Tấn công và Nổi dậy năm 1968, đã đòi hỏi cần có thêm sức con người, có thêm một cộng đồng ý chí. Ở các trường Đại học, nhất là sinh viên các trường Y, trường Giao thông…. lần lượt bổ sung thêm lực lượng. Quang của Quỳnh cũng trong số được ưu tiên đi trước.
Nhận được giấy báo bổ sung cho chiến trường, chỉ còn thời gian rất hẹp cho Quang về thăm gia đình trước khi rời trường. Quang đi thẳng từ nơi trường sơ tán để đến với Quỳnh.
– Anh yêu! Sao anh được về giữa kỳ giữa buổi thế này?
– Một diễm phúc đấy em yêu ạ. Nhớ em quá thì tranh thủ về không quá ba ngày.
– Ba ngày thôi à? Thôi thế cũng là đủ Quang ạ. Thời gian bây giờ với anh là dành cho học tập, cho kỳ thi mãn khóa. Cũng phải cần giữ gìn sức khỏe. Em có được ít thuốc bổ đây này.
– Thuốc bắc? – Quang cầm gói thuốc lên hít hít mùi thơm.
– Đúng rồi đó. Bố dành mãi mới được các vị bắc. Và em để dành anh. Em định sẽ cô thành cao để anh dùng cho tiện.
– Em yêu! Anh yêu em vô ngần em ạ.
– Em biết rồi!
– Biết là biết sao?
– Là tình yêu kết bằng linh hồn, bằng máu thịt mà hai con tim hằng ngày cung cấp. Là nỗi nhớ niềm thương. Là lòng tin nhất mực.
Quang cố tạo ra một tâm lý yêu thương đồng cảm, để cho Quỳnh bớt đi đột ngột, bớt đi lắng lo, điều Quang sẽ phải nói ra.
– À em yêu của anh ơi! – Quang nhìn gian buồng mái tranh vách đất dành cho hai cô giáo – Có nhà riêng một nửa … mà cũng đẹp đấy chứ?
– Anh về hôm nay mái mới che được mặt trời. Còn mấy hôm trước mưa ơi là mưa ướt hết áo quần. Mai sang chơi nó phải nhắc nhở ý thức phòng không đấy.
– Anh gửi lời thăm Mai.
– Nó đi Thanh niên Xung phong mấy tháng nay rồi. Mẹ Mai nói thư về, Mai viết trong đó chiến tranh ác liệt lắm.
– Ý chí Mai vĩ đại đấy. Một con người hành động. Suy nghĩ là làm. Nói là làm ngay bằng được.
– Cũng là…cá tính mà.
– Một cá tính rất tốt. ..- Vẻ lưỡng lự băn khoăn, Quang chen lời
thăm dò – Em à, ta mai đi tắm biển được không?
Quỳnh ngước nhìn Quang tỏ vẻ đồng tình:
– Ngày mai? À mai em chỉ có hai tiết đầu. Chuẩn bị chiều ta đi nhé anh.
Con đường ra biển Hải Thịnh không xa. Song đường đất sau cơn mưa nhớp nháp bê bết dính. Quang đèo Quỳnh bằng xe đạp Thống Nhất không lấy gì làm mới của Quỳnh. Quang tránh những vũng nước trâu đằm như đánh đu trên mặt đường. Rồi cũng tới chân sóng biển. Quang thả xe nằm trên bãi cát.
Biển Hải Thịnh chiều nay xanh đến thế. Sóng không gào thét dữ dội. Từng đợt con sóng rủ nhau xô bờ chào mời rồi ra xa mãi. Bầu trời được dát màu vàng lẫn đỏ mênh mang tạo nên ráng chiều rất riêng của biển. Nó như tấm rèm cuộn sâu dưới biển tạo khoảng vô tận mây nước một màu. Hai kẻ yêu đương như hai đứa trẻ thi cùng các chú dã tràng xây lâu đài trên cát. Những con còng còng đủ mọi màu xanh, đỏ, xám tranh thủ bò tới bò lui kiếm mồi. Rồi lại vội vàng nhanh nhanh trốn sóng dưới lâu đài cát của mình. Bãi cát phẳng lỳ dưới chân. Họ đi bên nhau, tay trong tay. Thỉnh thoảng Quỳnh nép vào người Quang như sợ có ai lấy mất của mình.
Đã mấy lần Quang muốn trong lúc vui hãy rủ rỉ báo tin anh đi chiến trường. Song Quang không muốn cắt niềm vui ríu rít như con trẻ của Quỳnh. Anh phải dừng lại.
Trời xâm xẩm. Gió biển thổi mát hơn thì phải. Cũng đã tới lúc Quang không thể giấu hơn được nữa, nên nói ra sự thật. Thấy Quỳnh thẫn thờ, Quang hỏi:
– Có đột ngột quá không em?
– Em cũng ngờ ngợ vì hoài nghi tất cả nhưng không tiện nói ra. Vậy có thật không anh?
– Chuyện này không thể nào đùa dỡn được. Anh biết xa nhau là buồn. Nhưng trai thời chiến biết làm sao?
– Đành thế, anh. Nhưng mà, sự chia xa này khác biệt. Em sờ sợ khi nhớ câu thơ của Vương Hàn: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!
Quang lấy ngón tay âu yếm đặt lên môi Quỳnh:
– Câu thơ xưa cũ quá rồi em. Nó không đúng với bây giờ. Với tình yêu chúng ta, anh nhất định sẽ trở về cùng em!
Quỳnh ngẩng nhìn Quang âu yếm:
– Em nghe anh, Quang ạ, dù lòng em vẫn chưa thể vơi buồn!
– Anh hy vọng biển sẽ giải tỏa được nỗi buồn này.
Bỗng Quỳnh se thắt lòng nói trong nước mắt:
– Anh vào trong đó nhớ viết thư ngay cho em nhé. Đừng để em chờ lâu.
– Anh nhớ em nhiều mà.
– Nhớ thật không?
– Anh nói thật lòng đấy! Không những vào đấy viết thư cho em, mà ngay trên đường đi anh cũng viết mà.
– Em tin ở anh, ở tình yêu của chúng mình.
Nước mắt Quỳnh nhòa phủ cả hai má hồng hào. Quang rút khăn tay thấm cho Quỳnh. Cô thấy tủi thân nức nở hơn. Trong khoảng lặng im, bốn con mắt cùng hướng vào những con dã tràng xây lâu đài ngay trên miền chân sóng. Tuy trong đầu mỗi người vẫn theo đuổi suy tư. Quỳnh hỏi:
– Anh có thương con dã tràng kia không?
Quang nhỏ nhẹ:
– Anh không những thương mà còn thương nhiều hơn nữa!
– Nó có đòi được viên ngọc mà Long vương đang cố giữ không anh? Và có biết khi xây xong thì sóng phá ngay không nhỉ?
– Long vương tham lam nên nó mới phải tiếp tục xây đường đòi lại. Cuộc đối kháng đã thành bản năng đặc thù của sự sống rồi em ạ.
– Ý chí thật lớn lao. Tiếc rằng nó quá bé nhỏ …
– Ôi tình thương của em bao la quá, em yêu! Ta lên bờ đi em. Nghỉ một lát cho đỡ mệt.
Hai kẻ yêu đương dắt tay nhau lên bờ. Để lại sau lưng miền chân sóng òa ập vào bờ rồi lại lui ra hết đợt này đến đợt khác tiếp nhau. Quang không kìm lòng được, cứ ôm chặt Quỳnh vào lòng. Hai trái tim rạo rực xót xa dưới cả rừng phi lao đang lao xao như cũng muốn nói với họ rằng chúng tôi rất thương cảm với tình yêu của hai bạn. Hãy yêu nhau đi! Yêu cho hết mình! Mai sẽ phải chia xa rồi đấy. Quang nói:
– Để anh trải mảnh nilon cho sạch, ta nghỉ chút nhé em.
– Anh yêu! Đừng bao giờ quên em nhé.
– Anh yêu em thật lòng mà. Yêu tới đầu bạc răng long.
– Anh mà bỏ em thì em chỉ có một con đường chết nữa thôi.
Quang khẽ lấy ngón trỏ đặt lên môi Quỳnh:
– Suỵt!… Không được nói thế đâu em!
Quỳnh đã nằm trọn trong vòng tay của Quang. Ôi vị ngọt tình yêu chớm chạm. Có ngôn từ nào diễn tả nổi không? Chỉ những nụ hôn ào ạt xuống trán, xuống má xuống khắp làn da mềm mượt đón chờ là lời chân thực nhất. Mặt trời đóng cửa từ lúc nào. Xung quanh họ chỉ còn mênh mông đất trời hòa quyện với tiếng sóng xô bờ giữ nhịp cho bản tình ca phi lao diễn tấu hòa nhập tâm hồn. Quang kéo Quỳnh và ôm chặt nàng nằm sát nữa bên mình. Đơn vị thời gian lúc này với Quang không tính bằng giây bằng phút mà nó ào đến bằng những luồng thác tình yêu đổ tận, dâng lên òa ập trong Quang ngập ngụa. Tất cả chỉ còn lại có em:
– Ôi thiên thần bé nhỏ. Tình yêu của anh! Em là nửa trái tim anh, nửa cuộc đời anh! Ta sẽ dành cho nhau tất cả nhé em!
Con mắt Quỳnh lim dim, lơ mơ đang trong suy tưởng, chỉ khẽ gật đầu. Hai làn da cọ xát. Hai cơ thể hòa cùng là một. Giọng Quang
run rẩy:
– Em yêu! Ta dành cho nhau điều quý nhất em nhé?
Quỳnh hổn hển từng lời ngắt quãng:
– Thì em đang dành cho anh đây mà!
Quang mạnh dạn cúi xuống hôn vào ngực vào bụng Quỳnh. Chiếc cằm Quang hóa bàn tay thiên thần đẩy dần tấm lót mỏng manh duy nhất còn sót lại trên người Quỳnh. Cô co người như chống đỡ lại điều sắp tới có thể xảy ra:
– Anh yêu! Anh làm gì vậy? Đừng. Đừng mà anh. Không được đâu anh!
Người Quang như tấm linh hồn phủ kín cả Quỳnh. Cô dãy dụa như muốn tránh xa vũng lầy mà không bước nổi chân, phải víu bám để cho khỏi trượt. Song bản năng bẩm sinh đã vượt quá giới hạn. Quỳnh cố chối bỏ trong giọng yếu ớt của kẻ cuối cùng thua trận:
– Em sợ lắm. Ta dành cho nhau khi anh trở về đi anh!
– Anh yêu em mà! Anh rất yêu em Quỳnh ạ!
Mọi kìm nén bây giờ đã bị bùng nổ, phá toang. Quỳnh choàng tay ghì chặt Quang vào người, tràn ngập niềm sung sướng đê mê. Thoáng hiện trong đầu óc Quỳnh định nghĩa về hạnh phúc. Hạnh phúc là điều rất cụ thể có thể cầm nắm, sờ mó được, chứ không là ảo ảnh mơ hồ với những lý lẽ rắc rối che đậy bằng từ ngữ mỹ miều. Ấy vậy mà cơ thể Quỳnh lại co cứng run rẩy. Mãi, mãi cho đến khi sự thỏa mãn dằng níu để buông thả mềm mại mới thôi. Quỳnh cảm như mệt mỏi lả đi và thiêm thiếp lúc nào.
Quang ngả đầu vào vai Quỳnh tay ôm như sợ trong giấc ngủ bị mất nàng. Quỳnh choàng dậy trong cơn mơ màng vừa chợp mắt. Cô sợ cái gì đó không thể định hình nên không dám ngủ. Đúng hơn, trong tâm khảm, cô muốn canh giấc ngủ cho Quang. Càng không muốn trời mau sáng, vì sẽ mang mang nỗi lo không được nằm bên nhau, không được trao cho nhau tất cả.
Ôi hạnh phúc mới đẹp đẽ làm sao mà cũng đau khổ làm sao.
Mình là mãi mãi của anh. Mãi mãi thuộc về anh. Vậy là từ nay mình không là thiếu nữ nữa. Quỳnh vuốt nhẹ mái tóc dày lòa xòa trên trán Quang nhưng lại sợ Quang thức giấc. Phải chia tay với Quang là điều không thể chịu đựng nổi. Chia tay trong lúc tình yêu cuồng nhiệt thế này ư? Ôi chiến tranh! Chiến tranh đã kéo Quang của ta ra khỏi lòng tay lúc này ư? Ta căm giận và nguyền rủa! Bỗng Quỳnh sực nhớ có lần Quang hỏi: Em có biết tại sao người ta nói trai thời loạn không? Và không để mình trả lời, Quang đã diễn giải. Ngay từ xưa mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm ai là người đi tiên phong đánh giặc? Những chàng trai! Chiến tranh đã sản sinh ra bao anh hùng trí dũng song toàn giữ gìn đất nước, chứng minh cho tấm kiên trung! Thế sao anh không nhắc tới bà Trưng, bà Triệu, rồi nay như Út Tịch, Ba Định, Nguyễn Thị Bình… Ôi em yêu của anh! Anh hiểu em rồi! Như vậy nghĩa là chúng ta rất tự hào truyền thống yêu nước của dân tộc, cho nên anh có ra đi đánh giặc cũng là nối tiếp truyền thống đó. Vậy là anh rất yên tâm ra đi rồi, em yêu ạ.
Bỗng Quang hé mắt. Mở đầu với giọng âu yếm yêu thương:
– Em yêu! Đêm, em ngủ được không?
– Mình đang sống trên cõi thiên đường thật anh ạ!
Quang mỉm cười thỏa mãn nhận ra dáng thiên thần. Quỳnh nũng nịu nhìn Quang đắm đuối. Quang cao hứng:
– Ôi nàng tiên giáng thế của anh!
Nàng tiên cúi xuống áp má vào má Đồng Tử đang sóng soài dưới đất. Vòng tay Đồng Tử níu nàng tiên rất chặt, cố tận hưởng mùi thơm da thịt mềm mát tỏa ra. Nàng nói:
– Anh yêu! Ta dậy được chưa?
– Một tí nữa em!
Chiều Quang, Quỳnh gắng giữ nguyên tư thế cho chàng thụ cảm hết thi vị tình yêu. Quỳnh cười trêu:
– Đã đủ chưa nào?
– Xíu nữa thôi mà.
– Chao ôi! Anh tham lam quá, anh yêu ạ. Tí xíu của anh tính bằng giờ hay tính bằng ngày? Em mỏi quá rồi này!
Quang vội vàng nhỏm dậy xuýt xoa:
– Thương em quá em ơi! Anh quá vô tình chứ không hề có ý thức ích kỷ đâu em!
Hai người dắt tay nhau ra bãi biển. Tâm hồn hòa vào không khí trong lành. Sự phấn chấn rộng mở giữa bầu trời chung mặt biển. Ở phía đông, màu hồng dần dần lộ ra như tấm lưới vớt mặt trời to như chiếc nong đỏ thắm, vừa ngụp lặn từ trong thắm đằm của nước đi lên. Rồi cả quầng đỏ ấy tỏa ra, dát sắc màu lên ngực biển phập phồng. Tạo ra từng đợt sóng lóng lánh xô bờ ghim vào bờ cát. Những làn gió xao động mang theo hơi mát lành tung bờm tóc hai kẻ đồng tình thêm niềm sảng khoái. Quỳnh nói như reo:
– Vợ chồng hải âu đang vờn trên sóng đẹp quá, anh kìa!
– Phần thưởng của trời đất ban cho chúng mình đấy em.
– Ước gì đôi hải âu ta cũng chắp cánh bay đua trên mặt sóng.
– Thế em có biết nguồn gốc về chim hải âu từ đâu không?
Quỳnh nũng nịu nép vào Quang:
– Em chưa biết!
– Ừ, ngày xửa ngày xưa, xa lắc xa lơ với chúng ta cơ em ạ. Khoảng ngót năm nghìn năm trước, công chúa Nữ Oa con vua Viêm đế Thần Nông dạo chơi trên biển Đông đã bị sóng đánh chìm. Nàng tức giận lắm, bèn hóa thành chim Tinh Vệ, còn có tên gọi Hải Âu. Chim vợ gọi Oan Cầm. Chim chồng gọi Hải Yến. Vợ chồng Tinh Vệ ngày ngày miệt mài bay lên núi phía tây quắp từng viên đá nhỏ ra lấp biển Đông trả thù cho hả dạ.
– Anh yêu của em, cái gì anh cũng biết.- Quỳnh lấy ngón trỏ chỉ vào đầu Quang – Cái đầu này trở thành bác học lúc nào không hay đây! Nhưng anh, em không là chim hải âu đâu. Cuộc đời sao mà khổ hạnh, gian nan làm vậy?
Quang ôm ghì lấy Quỳnh, đặt lên môi Quỳnh nụ hôn bỏng cháy. Thời gian lúc này sao trôi đi nhanh thế, khác gì vó câu qua song cửa. Chỉ còn một ngày một đêm nữa, mình phải xa anh rồi! Cũng con đường này mà sao bây giờ ngắn ngủi vậy? Có gì kỷ vật cho anh đây? Mình nên đến nhà anh chơi không? Thật là ngớ ngẩn. Thật là vô lý. Lòng tự trọng của mình để đâu? Mình là con gái cơ mà! Bao nhiêu nghĩ suy, bao câu hỏi đan xen rối bời trong đầu. Quỳnh trở nên đăm chiêu.
– Em mơ màng gì mà như người mất hồn vậy?
Quỳnh giật mình, xua ý nghĩ mông lung:
– Bây giờ em về. Chiều anh lại đón em?
– Anh về sửa soạn và chào tạm biệt xóm giềng kẻo hết thời gian.
Trong sự miễn cưỡng phải chia tay, Quỳnh buồn muốn khóc:
– Anh về …!
Quỳnh vừa bước tới cửa nhà thì gặp mẹ. Vẻ mặt mẹ thân thương nhưng âm điệu nặng nề:
– Quỳnh! Con ngủ đêm ngủ hôm ở đâu mà tận bây giờ mới về? Miệng dân sóng bể con ạ! Mọi người mà biết họ đồn đại rầm lên thì khổ một đời con. Con chim có cái lông, con người có cái tiếng! Làm thân con gái phải biết giữ gìn.
Chột dạ, nhưng Quỳnh vẫn nói cứng:
– Con ở nhà bạn con mẹ ạ – Cô cười xí xóa – Bố đâu rồi mẹ?
– Bố trực Trạm chưa về.
– Còn cơm không mẹ? Con ăn một chút.
Giọng mẹ thương cảm:
– Còn đó. Có cá kho. Cơm mẹ vừa nấu sáng nay đấy.
Quỳnh bưng nồi cơm ra ăn ngấu nghiến. Xong, nằm trên giường. Nhắm mắt. Thực tình Quỳnh có ngủ được đâu. Quỳnh phấp phỏng trước những gì đích thực đã xảy ra như giấc chiêm bao. Lẫn lộn một cảm giác sung sướng, một cảm giác lo sợ.
Ừ nhỉ, sao lúc Quang ôm ghì mình, mọi sự cắn rứt lương tâm.ý thức giữ mình nó im bặt và chạy trốn đi đâu thế không biết. Để cảm giác đê mê đến cuồng loạn như điện giật cứ lan tỏa, cuồn cuộn dâng trào phủ lên toàn thân đi đến tận cùng sâu thẳm, khỏa lấp cả cái đau…tê dại. Nghĩ lại, Quỳnh tự nhiên bàng hoàng run rấy trỗi dậy tình yêu ngọt lịm, khát khao. Song hình như nó lại bị nhấn chìm ngay bởi nỗi lo lắng lớn hơn đang dâng lên ăm ắp. Bất giác Quỳnh thấy âm ỉ đau khắp cả người, nhất là cặp dò như đi ăn mượn.
Tối đã nhá nhem. Quang đang chờ ngoài đầu ngõ nhà Quỳnh. Cả hai dắt nhau ra ngồi trên triền cỏ bờ sông Cái. Một khoảng bao la tình yêu lại trở về….
– Quỳnh à! Anh có cái này tặng em. Đây là cuốn nhật ký anh viết. Nó ghi nhận tình yêu của chúng ta.
– Ôi em thích quá!
– Em giữ nó nhé.- Quang lật những trang sau – Còn đây là thơ, anh viết về em và viết cho riêng em.
– Em đọc một bài, anh nhé.
Quỳnh đọc luôn một hơi vì đã thuộc lòng:
Trái tim em bởi rất người,
. Nên mới có kẻ thích ngồi ở trong!
. Cái tình đến thật mênh mông,
. Chỉ sinh sản hạt máu hồng thiện, chân.
. Nên ta là kẻ tù nhân.
. Một đời xin được giam cầm tim em!
Ôi một mũi tên vu vơ mà vô tình có kẻ chết chìm!
– Vì yêu em thật lòng nên nó ra thơ, em ạ!
– Em giữ báu vật này như giữ con tim mình.
Quỳnh mở gói nhỏ được bọc sẵn trong tay:
– Em có cuốn sổ, tặng anh. Trang đầu em ướp cánh hoa Quỳnh. Anh ghi nhật ký vào cuốn sổ này anh nhé. Là em sẽ luôn luôn ở bên anh suốt cuộc hành trình. Dù gian nan vất vả. dù bom đạn chông gai
Phía biển, từ chân trời xa, mây đen ùn lên như vũ khí đồng lõa với chiến tranh đang ập đến toan chia rẽ hai kẻ đồng hành. Bất chấp kẻ thù, những nụ hôn nồng nàn vẫn rải đều trên làn da mềm mại. Quỳnh gượng gỡ:
– Ta về nhé anh! Không thì lại bị mưa ướt hết bây giờ.
Nói rồi Quỳnh bỗng gục vào vai Quang òa khóc. Tiếng nức nở níu kéo chân Quang. Chàng phải gắng hết ý chí đàn ông:
– Đừng khóc trước lúc anh ra đi, mà em. Hãy để giành cho ngày gặp lại – Quỳnh muốn ghìm lòng mà nước mắt cứ ứa trào, ướt cả ngực áo Quang – Ôi em làm cho anh thương em nhiều quá
– Nhớ viết thư về cho em nhé, nghe anh!
– Anh nhớ!
– Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!
– Anh nhớ!
Quỳnh nói trong tiếng nấc hờn:
– Anh có nhớ lời em dặn đâu mà?
– Anh nhớ tất cả lời em rồi, em yêu ạ!
Đôi tay Quỳnh vịn đỡ vào Quang tưởng khó lòng buông ra được..
. Tố Hoài. Hương Nhu