HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ – Tiểu thuyết – Tố Hoài

0
1059

.                                        HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ
.                                       
Tiểu thuyêt của Tố Hoài

                                                                                Phương Quỳnh

     Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên nó không chỉ sống động trong thế hệ ông bà, cha anh đã đi qua cuộc chiến. Sự lưu giữ được truyền sang thế hệ trẻ hôm nay.    
      Hoàng hôn dát đỏ viết về một Quân y viện dã chiến ở Mặt trận B5 (Quảng Trị) nơi mũi nhọn của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Có thể bạn đọc sẽ đồng cảm với mối tình đằm thắm, mãnh liệt đầy trắc trở của đôi chiến sĩ trai gái ở Quân Y viện dã chiến này. Chuyện từ trong cuộc chiến ác liệt diễn biến những số phận con người kéo dài cho đến cả hôm nay.    
     Cũng có lẽ từ tình yêu nảy nở trong chiến tranh, ở cả hai phía đối lập đã tạo ra những góc cạnh khác biệt trong tình yêu không biên giới. Chàng sĩ quan pháo binh cố vấn Mỹ Henri Emerson – một tù binh đa tình, thầm yêu trộm nhớ da diết cô dược tá Việt Nam ở phía đối lập, nơi anh đang điều trị trong rừng dưới tầm đạn bom khốc liệt. Phản cảnh với tình yêu an bình trọn vẹn của Bill Clinton thấp thoáng bên kia bán cầu, nơi ngọn nguồn của huỷ diệt
     Cũng có thể từ mỗi nhân vật trong từng hoàn cảnh, tâm lý đã tạo nên những gíác độ khác nhau. Song, bao trùm là tấm lòng nhân ái của con người.    
       Nhân vật có cá tính riêng không ồn ã, toát ra từ các lời thoại và hành động của nhân vật rất chân thực đời thường.Hình như cả một chuỗi kịch tính, tác giả đưa ra, luôn là chuỗi logic diễn tiến sự việc trong bối cảnh chiến tranh tới cả thời bình. Một góc nhìn mới khoa học trong cách lập luận.    
Tác giả Hoàng hôn dát đỏ là một bác sĩ. Anh chứng kiến và cảm nhận những điều đã trải để viết nên những trang sách. Cũng có thể chính anh hoá thân vào nhân vật. Nước mắt anh đã nhỏ xuống thi thể còn nóng hổi của đồng đội. Và nay, cả những giọt nước mắt rơi trên trang bản thảo của mình.
        Hoàng hôn dát đỏ còn là cuốn tiểu thuyết khoa học về y học. Nó đưa ra những thực tế mới, nhạy bén mà lâu nay trong y học vẫn còn dè dặt…
.        Nhân TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI vừa tái bản Hoàng hôn dát đỏ
.         xin trích giới thiệu chương 7 và 8 trong 19 chương của tiểu thuyết.

.                                            Chương 7

.                   A LIA – GẠO. NHỮNG GIỌT MỒ HÔI ĐÁ

       Kết quả hình ảnh cho hình ảnh bộ đội tải gạo chiến trương
.    T
hông báo đi lấy gạo. đã mấy lần hoãn đi, hoãn lại vì tắc đường hoặc vì kho gạo bị đánh phá. Hàng tuần nay gạo cạn, ăn đói. Cả thương bệnh binh lẫn nhân viên chung nồi cháo trắng vào lúc giữa chừng buổi sáng để bớt đi bữa ăn trưa. Cả bệnh viện chỉ có bữa cơm chiều. Mỗi người lưng bát. Với nồi canh lễnh loãng, thịt hộp nấu thân cây chuối già bóc vỏ.
Đơn vị huy động lực lượng nhân viên đi lấy gạo. Bệnh binh chờ ra viện cũng nằng nặc xin đi. Hạt gạo là hạt vàng. Chống giặc ngoại xâm chiến trường của ta, bộ đội còn phải chống đói như chống giặc.
.        Một hàng quân ba-lô, áo mưa, lên đường. Mưa hay bất chợt. Có gạo trên vai rồi cũng phải giữ như giữ ấn. Đêm qua trời mưa. Mặt đường chưa ráo. Cái bụng của mỗi người đi, sáng sớm chứa không hơn một bát cháo cầm chừng. Vậy mà khí thế lắm. Phải cắt đường theo lối mòn vượt dốc rất cao tránh máy bay địch. Sắp vượt qua đường tuyến. Tuần phát hiện ra cơm dư phơi trên bao nilon gạo, đơn vị bảo dưỡng đường nào đó bỏ quên. Tuần chạy đến vốc một vốc nhét đầy mồm, nhai ngấu nghiến. Cả nhóm thấy, xúm tới. Bác sĩ Nguyễn Hùng, bác sĩ Trúc Lâm cùng nhóm bác sĩ Quân y Viện 103 vào thực địa chiến trường, vừa tới. Tuần phấn khởi vời Hùng .
–    Làm miếng, anh Hùng.
Hùng nói với bác sĩ Trúc Lâm một cách thành thực:
–    Thầy ơi, mời thầy nhé?
.   Mấy bác sĩ già thấy bọn trẻ vẻ ngon lành thì chần chừ, nhường nhịn. Hùng chụm nhúm bỏ vào miệng. Chao ơi, không phải là cơm! Một thứ gạo luộc phơi héo bị mưa ướt nhoẹt. Cơm thiu thấm nước mưa, xát vào miệng nhạt thếch, mun mủn, nhao nhão, chua chua. Mùi chua và vị đắng xộc cay lên mũi. Nhận ra, Hùng chống lại phản xạ nuốt trôi không kịp. Tuần bảo:
–     Ăn đi Tú Ngọc.
Tú Ngọc đưa một nhúm lên miệng nhai. Hùng đang loay hoay tìm chỗ khạc, miệng ú ớ, tay vời ra hiệu cho Ngọc đừng ăn. Tú Ngọc chạy vội vào gốc cây nhổ phì phì. Mở bi đông nước. Một tay đưa lên miệng, một tay giơ nắm đấm dứ dứ phía Tuần:
–     Lừa người ta. Ác nhé !
Nước mắt, nước mũi Tú Ngọc ứa ra. Tuần cười hì hì. Tú Ngọc nhìn sang Hùng trách:
–     Mà anh Hùng nữa. Tệ quá. Không nói một câu.
Hùng cố gắng dừng lại, thanh minh.
–     Anh đang mải khạc. Không nói được ra lời .
Nhóm trẻ đi sau trờ tới. Mỗi đứa chụp một vốc. Nhai vẻ ngon lành. Toàn đến sau cùng. Toàn vốc nắm to nhét đầy miệng, ngồm ngoàm. Có ai đó nói giật giọng:
–     Này, có người ra bắt ăn vụng cơm kìa.
Có tiếng chêm đùa cợt :
–     Họ đến đấy !
.    Cả bọn ngẩng lên. Tưởng đùa, hoá thật. Người đàn ông trung niên, mặc đồ Thanh niên Xung phong đang lừ lừ đến. Dáng anh rất hiền. Không nói. Đám người đang vốc ăn, giả vờ tản ra xa. Người đàn ông tiến gần, đi sát phía Toàn. Toàn lấy tay che miệng nuốt vội. Chùi mép xong, Toàn nói thật to, cố ý:
–     Ăn lương khô khó nuốt quá – Ngoảnh sang Tuần – Nước đâu Tuần, xin miếng.
Người đàn ông lững thững đi qua. Nhóm trẻ tụm nhau cười hô hố. Mẹt cơm bị lỗ rỗ, lẹm vẹt như bị thú rừng vầy ăn đêm còn sót lại.
.     Phải vượt qua đường tuyến và ba cái dốc dài nữa mới đến được nơi lấy gạo. Kho gạo A Lia liên tiếp bị máy bay địch quần thảo đánh bom dữ dội. Mùi gạo dập nát theo gió lan chua ủng cả phía rừng. Gạo bị tung tóe trộn mảnh bom, bùn nước, lá cây…chôn vùi dưới đất rừng. Gạo dưới chân đi mềm xốp rạn vỡ ra từng khúc ruột mềm.
Và mốc. Mốc gạo đã thành từng mảng xanh, dày.
Và chuột. Những con chuột to đùng. Dạn dĩ đến mức có thể sẵn sàng lăn xả chân người. Ngang nhiên lăng xăng tìm tòi chọn ăn gạo tốt.
.      Đồng chí bộ đội giữ kho dặn cặn kẽ tránh ùn tắc, trước khi từng người vào lấy ở vài ba hầm còn sót gạo. Bê gạo ra phải hết sức cẩn thận, nhanh tay dốc đầy từng ba-lô. Mà bao gạo nào cũng rách nát. Hầu hết đã vón cục vào nhau. Có cục mốc rêu. Nhưng thực sự chỉ gỡ bỏ những hạt không thể ăn được. Lần lượt, người cuối cùng trong đoàn đi lấy gạo, rời khỏi kho khi mặt trời đã chếch xế sang tây.
.     Đói và nắng nóng gió Lào. Chiều Quảng Trị bị nung cháy đỏ. Đồi đá vôi. Từng bước chân leo chậm chạp, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Mồ hôi đá cũng rỉ chảy từng giọt lách tách trong veo. Ai đó đã lấy nửa ống nứa nhét vào khe đá nứt Chiến sĩ trẻ xúm lại. Quên cả bụi bám nhệ nhại, xuề xòa đưa bàn tay kiên trì hứng để thấm vào cổ họng đang khát cháy khô. Hùng chờ thấy lâu, lên tiếng:
–     Đến lượt mình chưa, các đồng chí thân mến?
Ai đó khiêm nhường :
–     Đã quá một lượt rồi đó.
Hùng quay sang phía bác sĩ Trúc Lâm:
–     Thầy ơi, mời thầy!
Bác sĩ Trúc Lâm nói:
–     Các đồng chí uống trước đi.
Hùng cười vui, thúc giục:
–     Không, thầy ạ. Đến lượt ta, ta cứ uống. Nhường nhịn là bọn trẻ a-la-xô hết ngay bây giờ.
Bác sĩ Trúc Lâm cũng nhoẻn cười. Bác sĩ đưa bàn tay trắng trẻo khẽ khàng hái một chiếc lá trên tán cây là là trước mặt. Phủi cho sạch, chụm lại thành cái đài. Bác sĩ Trúc Lâm tới vòi nước. Mấy thanh niên đang xúm xụm tranh phần, nhường chỗ.
–     Thầy hứng đi thầy!
Vòi nước thiên nhiên dè sẻn đến keo kiệt. Nó làm sao đáp ứng nổi cái khát cháy họng của các chàng trai. Ai cũng thèm thuồng, tiếc rẻ.
.    Mặt trời chiều xiên khoai xua bước chân gấp gáp hơn trước khi rừng đóng cửa. Nhưng rừng sập ngay trước mặt. đen thui một tảng đá chắn khổng lồ. Bước chân mệt mỏi cố lê gót trên lối mòn. Chạm khe suối đá cạn. Một cơn gió đột ngột thổi thốc xẹt rú qua đầu. Nhận cảm quen thuộc, Nguyễn Hùng nằm rạp xuống đất, miệng hét to:
–     Nằm xuống!
Chớp lóe lòa đêm tối:
–       Uỳnh! Uỳnh uỳnh!
.     TKết quả hình ảnh cho hình ảnh máy bay mỹ đánh bom quảng trịhân thể Hùng bị nhấc lên dằn xuống, đau điếng. Anh cố nhoai vào khe hàm ếch giống cái hang sâu trước mặt. Bầu trời xụp nhanh, đen kịt mênh mang. Mặt đất rung lên, chao nghiêng. Đất đá rơi rầm rào. Thấy mấy chị em nằm phía xa sau mình, Hùng gọi to:
–   Chạy vào hang đây . Còn loạt nữa.
Bóng người nhoai trong tối về phía tiếng Hùng. Tú Ngọc hổn hển nói:
–   Nhiễu không chạy được.
Hùng nhoài ra. Hùng chỉ kịp nằm bên cạnh, đẩy Nhiễu chúi choái về phía hang hàm ếch. Họ úp mặt sát đất chờ loạt thứ hai. Chớp lại sáng loè. Ngay sau chớp là loạt tiếng nổ. Nhưng xa hơn. Hùng ôm ba-lô đầy gạo của Nhiễu trong lòng, hổn hển chạy tránh loạt bom thứ ba. Loạt thứ ba xa hơn nữa. Hùng đứng dậy lấy tay làm loa, nín giọng cho tiếng vang xa:
–       Hú ú ú……ú. Có ai việc gì không?
–       Hú ú ú……
Tiếng vọng đập vào vách đá phản hồi điệp khúc hú kéo dài hoang dã. Hùng vòng ngược phía sau. Gặp ai cũng hỏi:
–      Ai đó? Đã là người cuối cùng chưa?
–     Tôi đây. Toàn đây. Sau cùng rồi. Mải uống nước. Đau bụng. Tào Tháo đuổi không kịp…. Vậy anh em có ai việc gì không?
–     Không rõ hết. Ở đoạn này không có ai việc gì! Đưa Hùng đeo cho một đoạn.
–     Thôi, anh nặng rồi. Tôi cố được mà.
Hùng lặc lè đôi dò cố vượt lên. Đám chiến sĩ gái vừa qua bom dần quá sức nên ậm ịch đi sau. Tới lối rẽ về đơn vị, anh thấy thấp thoáng bóng người. Hùng hỏi:
–     Ai đấy?
–     Anh Hùng! Có việc chi không?
Hùng nhận ra tiếng Hồng Vinh:
–     Không! Vinh à! Đơn vị có sao không?
Vinh hồ hởi:
–     Bom bỏ xa. Không sao cả. Trời! May quá anh!
–     Vinh ra đây làm gì vậy?
Giọng Hồng Vinh bỗng nghẹn lại:
–     Anh Hùng, đưa em đeo một đoạn!
–    Thôi! Anh còn khỏe chán. Hay em đeo giùm Ngọc đang đi phía sau? À, Nhiễu ấy, ì ạch lắm. Em đón đi!
.   Hồng Vinh đi ngược lại phía đội quân vận tải gạo. “Anh Hùng sao ấy nhỉ. Nỏ hiểu mình đi đón ai răng?”

.                                            Chương 8

.                               TÌNH YÊU TỪ CON MẮT

       Mặt trận gửi về ba tù binh . hai người Việt và một người Mỹ. Hai người Việt là lính biệt kích, nhỏ thó, đen đủi và hốc hác. Họ bị thương, bị đồng đội bỏ lại. Họ được đưa đến đây bằng cáng. Còn người tù binh Mỹ kia là cố vấn, số rất ít ỏi hiện còn trong quân đội Việt Nam Cộng hoà. Anh ta tên Henri Emerson. Henri bị bắt trong trường hợp bị bao vây. Sát thương bởi đạn pháo vào cả hai chân.
Cán bộ quân lực mặt trận, người dẫn ba tù binh tới Quân y Viện, nói với Hùng:
–   Chúng tôi đề nghị, một là chữa trị ba tù binh này khỏi càng nhanh càng tốt để đưa về tuyến sau được sớm. Hai là, không tiếp xúc với tù binh nếu thấy không cần thiết. Vì thế cần thông báo với đơn vị rõ để công tác đối xử với tù binh chiến tranh được hưởng theo Công ước Quốc tế.
–   Đồng chí yên tâm. Chúng tôi hiểu và chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường.
Có lẽ yêu cầu “một là” của quân lực thực hiện không khó. Nhưng yêu cầu “hai là”, lúc đầu giữ được đúng hai ngày. Còn sau đó như một kích thích tò mò. Tuần được cử trực tiếp săn sóc Henri. Tuần tí tởn khoe:
–      Cái thằng Mỹ có cái lông dài xoăn tròn ở trên nốt ruồi ngang dái tai trái, ngay huyệt Giáp xa ấy. Trông tếu bỏ mẹ.
Hồng Vinh , giọng cố gắng nghiêm túc:
–      Khai thác cố tật người khác, xoáy vào đấy là đẩy họ xuống vực tự ti đấy nhé.
Tuần cũng ra vẻ chối:
–      Đâu có ! Đấy là đặc điểm. Đúng không anh Hùng?
–      Ừ, đó mới chỉ là đặc điểm – Hùng diễn giải – Nhưng đặc điểm ở vị trí tai hại cũng như một cố tật.
Tuần dè môi bì tị:
–     Anh Hùng lúc nào cũng đứng về phía đồng chí Hồng Vinh. Và cố nắn về những nét không thể không chấp nhận!
–    Đồng chí Tuần tị nạnh không đúng rồi! – Vinh tranh luận – Cái gì đúng nó phải đúng. Bẻ cong sao được?
–     Cứ để cho nó cong có sao đâu?
Cả ba cười xoà và đi về phía lán Henri. Ai cũng muốn vô tình đi qua để ngó cho được con người lính ngụy có khác gì mình không. Và mặt mũi thằng Mỹ nó thế nào? Từ ngày đi chiến trường, Quân y được gọi là “hậu” cần. Không giáp mặt với quân thù, có biết mặt mũi “mô tê”, nó ra làm sao? Cho nên sự có mặt của ba nhân vật mới với hàng rào che chắn như thế, trở nên quan trọng. Hoặc giả, đơn giản như một trò giải trí của gánh sơn đông mãi võ. Nhất là khi đã xem về rồi, chiến sĩ gái nào cũng kháo nhau, trông mặt hắn buồn thỉu buồn thiu. Hồng Vinh trêu Tuần:
–      Đồng chí Tuần điều trị tù binh mà để buồn thiu thế kia. Làm sao mà chóng khỏi bệnh?
Tuần láy lại:
–     Đúng. Điều trị là phải toàn diện mới chóng khỏi. Nhưng chưa tìm được chính trị viên nên Tuần đang định sang đề nghị đồng chí đây?
–     Mình sẵn sàng đấy.
–     Thì làm công tác tư tưởng luôn đi!
Sự thách thức ấy đã hun ngọn lửa cho Hồng Vinh nóng lòng. Và mệnh đề sau của yêu cầu thứ hai đã trở thành hợp lý. Vinh tiến tới gần một tù binh đang ngồi:
–     Thế nào, các anh có thấy khỏe lên không? Có nhớ nhà không?
Người tù binh chỉ trố đôi mắt lồi đầy lòng trắng, như thiêu. Hồng Vinh hỏi lại nghiêm chỉnh:
–     Các anh đỡ mệt chưa?
–     Cảm ơn.
–     Thế quê ở đâu?
Người tù lại ngước mắt thăm dò. Anh ta mở miệng lí nhí:
–     Dạ quê ở Văn Lý ạ.
Hồng Vinh ngỡ ngàng đến hồn nhiên :
–     À, thuộc Nam Định nhỉ?
–     Dạ gốc Nam Định.
–      Vậy ra là cha mẹ quê Nam Định. Còn anh sinh trong Nam?
–     Dạ.
–     Anh bao nhiêu tuổi rồi?
–     Dạ, mười tám.
–     Mười tám?
.   “ Trạc tuổi mình, sao mà già vậy? ”. Hồng Vinh tưởng anh ta phải trạc tuổi băm. Có thể gian khổ làm khó đoán được tuổi thật con người. Khác mấy hôm trước, nay anh ta hồ hởi lên nhiều. Hỏi còn trả lời, chứ ngày đầu tới đây, mắt người tù này cứ giương lên, lừ lừ rất sợ. Cô tiếp:
–     Vậy học lớp mấy rồi?
–     Sơ học yếu lược.
Nhíu lông mày suy tư vì không rõ. Vinh hỏi Tuần:
–     Là lớp mấy vậy ta?
Tuần đang lúng túng, phỏng đoán :
–     Khoảng lớp bốn lớp năm gì đó.
Tiếng Hùng sau lưng. Anh đã đến từ lúc nào. Nghe chuyện, anh giải thích ra vẻ cặn kẽ:
–      Hệ giáo dục trong này có khác ta chút ít về tên gọi. Tương đương có thể xếp như thế này: Sơ học yếu lược bằng lớp bốn tức là hết cấp một ngoài ta. Còn tốt nghiệp Phổ thông, thì tương đương Tú tài trong này đấy. Ví dụ, các đồng chí đứng đây, toàn cô Tú, cậu Tú.
Người lính ngụy trố mắt cũng ngạc nhiên không kém. Tuần hỏi:
–     Mười tám mà mới học lớp bốn thôi à?
–     Dạ. Nhà em nghèo.
–     Thế còn đồng đội của anh kia?
–     Dạ. Cũng rứa.
Tuần vẫn không hết ngạc nhiên:
–     Thế chán nhỉ!
Hùng lại giải thích :
–     Ở ta, phổ cập bắt buộc. Vào tuổi học sinh, ai cũng phải học hết cấp hai. Còn ở trong đây con nhà giàu cứ học. Con nhà nghèo cứ phải bươn chải kiếm tiền, lấy gì mà học! – Hùng quay sang hỏi người tù binh – Đúng không các anh?
Người tù binh như đã bị chinh phục, hồ hởi trả lời.
–     Dạ đúng.
Lúc này, cả hai phía “đại diện” ở hai vùng khác biệt, như có sự cảm thông. Vinh hỏi người tù:
–     Anh tên chi?
–     Tên Kim. Trần Trọng Kim.
Vinh khen :
–     Một cái tên khả ái đấy chứ ?   .
–     Dạ.
–     Anh đã có vợ chưa?
–     Thưa…
Tuần nói chen.
–     Bé tí ! Vợ con gì?
Vinh chất vấn :
–     Bé sao đi được lính?   .
Người tù binh mạnh dạn giải thích:
–     Dạ, lệnh quân dịch mười tám.
–     Sao không trốn lính đi?
–     Dạ, không có tiền.
–     Trốn cũng phải mất tiền à?
–     Thưa, mất. Trốn là ẩn trong nơi kín phải có người nuôi. Bé, thường khai rút tuổi. Lớn thì khai quá tuổi quân dịch. Có khi, phải thay đổi tên, họ. Tiền, mới mua được mấy ông hương chức. Mấy ổng lơ cho. Nhà em nghèo không mần được.
.    Cả Hùng, Tuần, Vinh nhìn nhau trước một sự việc lạ lẫm. Cái sự này thì Vinh thua. Tuần cũng thua. Đến cả Hùng cũng thua luôn. Vì họ chưa nghe tới khái niệm “mua” như thế bao giờ.
Hàng ngày, người này người khác đến với Kim. Giữa họ không còn mấy điều ngần ngại. Khoảng cách được thu hẹp. Sau khi thăm khám cho tù binh xong, bác sĩ Hùng hỏi:
–   Các anh có cần gì thì cứ nói. Chúng tôi có khả năng nào đáp ứng khả năng ấy.
–   Thưa bác sĩ, em thì khỏe hơn – Kim mạnh dạn – Thằng So thì đêm nó kêu lạnh.
–   Vậy à? Để chúng tôi xem. Còn gì nữa không anh So?
–   Thưa quan bác sĩ…
Hùng muốn phì cười. Từ “quan” này với anh lạ lẫm quá. Nghe nó quan cách làm sao. Anh sửa lại:
–   Gọi bác sĩ là được rồi. Chúng tôi không danh xưng là quan, lính gì cả.
–   Dạ, thưa bác sĩ. Trước hết em xin tạ lỗi cùng bác sĩ và lời cám ơn thành thực. Bác sĩ và lính của bác sĩ đã đối xử rất nhân đạo, rất tình người. Từ cõi chết trở về, em không muốn sống. Nhưng nay nhờ có bàn tay bác sĩ cứu chữa và các anh chị lính ở đây tử tế …
–   Anh cần gì cứ nói đi. Ở Quân y viện này, chúng tôi đều là đồng đội, đồng chí. Không phân biệt quan lính gì đâu.
–   Dạ, thưa bác sĩ. thằng Kim đã nói rồi. Bây giờ em xin được ăn cơm như thằng Kim. Ăn cháo với sữa ngán lắm.
–   Được. Chuyển sang cơm, trưa nay. Nhưng cơm của chúng tôi chỉ có rau tàu bay, cây chuối, thịt hộp chạy qua. Anh có ăn được không?
–   Dạ được.
Kim chen vào:
–   Bữa trước em lén đút cho nó một miếng. Nó kêu ngon.
Bác sĩ Hùng giải thích thực tình :
–   Vì thấy anh mệt, mới dành sữa cho anh. Chứ thương bệnh binh của chúng tôi, cũng yếu mệt lắm mới được dùng. Mà gạo cũng thiếu, mấy rày cũng phải bớt bữa cơm trưa.
Kim tỏ vẻ biết điều :
–   Vậy xin qúi bác sĩ giảm bữa cơm trưa cũng được.
–   Không, không ! – Bác sĩ Hùng khẳng định – Chúng tôi có thể nhịn đói hoặc cắt giảm chứ các anh phải có bữa cơm trưa. Các anh yên tâm. Chúng tôi sẽ đáp ứng.
Chiều tối, Hồng Vinh đem chiếc vỏ chăn xuống cho tù nhân. Khi trở về tới đầu suối thì gặp Hùng.
–   Em đi đâu đó?
–   Em đưa cho tù binh cái vỏ chăn.
–   Sao hậu cần bảo không có?
–   Vỏ chăn của em.
–   Trời! – Hùng nhăn nhó – Sao em không để dùng. Rét thì sao?
–   Rét tính sau, anh!
Hùng chìa ra mảnh vải dù, màu xanh lá cây nhạt, anh cuộn trong lòng tay:
–   Hỏi hậu cần không có. Anh định đưa cho họ tấm dù pháo sáng này. Hay đổi lại đi em?
–   Đừng. Qua rồi mà. Cứ để thế!
–   Vậy em cầm cái này nhé?
Hồng Vinh tỏ ra phấn khởi, nhanh ý:
–   Cám ơn anh. Em thích cái này hơn!
–   Thích sự bất ngờ. Phải không?
–   Em thích thật mà. Rất thích! – Hồng Vinh ôm mảnh vải vào ngực – Thích bởi vì…
–   Không thể khác…?
–   Nó là của anh. Hơi hớm của anh!
Hồng Vinh ngượng nghịu. Cô muốn át mờ cái lời cảm thấy quá đà, mà người con gái không cho phép bộc lộ mình. Vinh cố nêu bật “thành tích” mảnh vải dù:
–   Nó nhẹ hơn cái chăn. Lại gọn nên chiếm chỗ ít hơn trong ba-lô này. Tiện lợi khi giặt chóng khô hơn này. Khi hành quân thay được cả lá ngụy trang này. Và nó còn đẹp nữa này !
Hùng mỉm cười, chêm:
–   Bền nữa này?
–   Vâng, của bền tại người! Em sẽ giữ làm kỷ vật chiến trường. Sẽ nói với bọn trẻ thế hệ sau, mảnh vải mỏng manh này, không chỉ che sương che nắng, mà còn che da, che thịt.
–   Ôi, em lãng mạn thật đấy!
–   Thật mà anh. Nó che mắt địch, không nhìn thấy mình thì nó không là che sự sống của mình là gì?
Minh đến:
–   Em tìm anh Hùng mãi.
–   À, anh định xuống chỗ tù binh. Có việc gì thế Minh?
–   Thằng Mỹ nói gì mà em không hiểu hết. Nó giơ bàn tay ra, đưa ngón trỏ lên trời rồi chúc xuống. Xong, ngón trỏ bẻ gấp lại. Lấy hai bàn tay chắn ngang song song chặt từng khúc.
–   Ta xuống đó xem sao?
Hùng và Minh đi về phía hầm tù binh Mỹ. Hùng nói với Henri Emerson:
–   Có vấn đề gì với anh vậy?
–   Dạ thưa ông. Cái hầm của tôi đây ngắn quá. Mỗi lần chạy bom, chui vào, người cứ phải cong cong và gối cứ phải chống lên không duỗi ra được.
Minh nghe Hùng nói lại, cười rũ, đọc thơ:
–     Ra thế to gan hơn béo bụng…!
Thấy Hùng và Minh cùng cười, thằng Mỹ cũng cười theo. Hùng bảo:
–   Tôi ghi nhận lời anh.
Lời yêu cầu của Henri được đáp ứng ngay. Từ khi chuyển sang hầm đủ dài, đủ rộng, nằm thoải mái hơn. Trông Henri vui lên. Anh ta muốn bắt chuyện và muốn xin sự thông cảm. Ở phía sau chiến tranh, sự căm thù nhường lại cho tình người. Vẫn chưa thể xoá nhoà máu và nước mắt. Nhưng tình người dịu lại trong từng giọt máu và nước mắt ấy. Đi thăm thương bệnh binh mình, phải đi lối qua hầm Henri Emerson, Hùng phải áp dụng vận trù. Ghé qua theo một lượt để không phải vòng lại nữa. Gặp Tú Ngọc đi đâu về, kéo theo Hồng Vinh đi kèm. Ngọc bảo:
–   Em cũng chưa biết mặt thằng Mỹ nó như thế nào?
Hùng rủ luôn:
–   Ừ vậy cùng vào xem mặt:
Thấy nhiều người đến, xem chừng Henri vui hơn. Thằng Mỹ cứ nhìn chăm chắm vào Vinh. Cô cũng liếc nhìn con mắt Henri và nhận ra điều này:
–  Cái thằng Mỹ nhìn chi mà con mắt mở ra xanh lè. Trông dài dại thế nào ấy?
–   Trông thế, chứ nó xảo quyệt lắm đấy.
Hùng quay sang Henri. Henri cười bẽn lẽn.
–   Anh phát hiện ra điều gì mới chăng, Henri?
–   Thưa ông, tôi thấy những cô gái Việt Nam rất đẹp.
Hùng nhoẻn cười, nói vui:
–   Cảm ơn. Phụ nữ không có người nào xấu!
–     Nhưng tôi thấy ở nơi này có nhiều người đẹp!
–   Ở đây có cô nào đẹp không?
–     Thưa ông, có chứ.
–     Ai vậy?
Henri bỗng thật thà bộc bạch nhận xét của mình:
–   Cái cô bác sĩ mới tới. Có một khuôn hình rất đáng yêu!
–   Ví dụ?
–   Một khuôn mặt tròn khả ái, ưa nhìn.
Hùng quay sang Hồng Vinh, nói bằng tiếng Việt:
–     Thằng Mỹ nó khen em đẹp đấy, Vinh ạ.
–   Nó xạo – Vinh đưa đẩy – Nó khen chị Tú Ngọc hoa khôi thì có. Em đẹp chi?
Tú Ngọc tặng yêu vào vai Hồng Vinh cái phẩy tay. Rồi Ngọc hướng về thằng   Mỹ nói bằng tiếng Việt:
–   Mày xạo!
Thằng Mỹ “sủa” tiếng Việt lơ lớ:
–   Chúng-tôi-không-xạo-đâu.
Cả nhóm cười ha hả. Thằng Mỹ cũng cười theo. Tú Ngọc nói nhỏ:
–   Chết rồi…. Nãy giờ, ta nói gì, nó nghe hết.
–   Không biết hết được đâu – Hùng chấn an – Chỉ vài từ thôi. Ví dụ xin ăn, giơ tay hàng… Nếu thông thạo nó chẳng lơ lớ thế.
–   Có khi nó giả vờ đấy – Vinh nói vẻ cảnh giác – Chứ nó biết cả tiếng lóng đó anh?
–   Thì như em ấy – Hùng diễn giải – Học ngoại ngữ, khi mới được dăm ba bài đã thuộc cả những câu tiếng lóng rồi. Nó khác gì mình đâu. Em thử nói câu ngoa ngữ, nó biết luôn cho xem. Nhưng ta nói thế này thì làm sao nó hiểu nổi.
Hùng toét miệng cười nhìn Henri. Henri thấy rộn trong lòng, cười tươi theo Hùng. Chắc nó không hiểu gì hơn .
Vết thương chân của Henri Emerson đã lên hạt. Cu cậu tập tễnh nhảy lò cò ra ngồi ở lán bên ngoài hầm chữ A. Henri mặc bộ quần áo bộ đội ta đến số “0” mà hai ống quyển vẫn tòi một đoạn. Tay áo vén. Tấm ngực căng đầy làm thành đường vải dúm dó cắt ngang ngực. Con người Henri Emerson hồn nhiên trở lại. Sau bữa cơm chiều vui vẻ, Henri huyên thuyên về người đẹp đã gặp, còn lõm bõm nhớ tên. Rồi Henri kêu nhức đầu choáng váng. Chỉ mấy phút sau khi nằm, cơ thể Henri run lên cầm cập.
Bác sĩ Hùng khám xong, viết giấy, đưa cho y tá Tuần:
–   Đồng chí cầm phiếu, yêu cầu bên đồng chí Trâm cho xét nghiệm máu ngay. Sau khi bên phi lâm sàng lấy máu xét nghiệm mới thực hiện tiếp y lệnh.
–   Rõ!
.      Tuần đi rồi, Henri lên cơn rét dữ hơn. Miệng luôn kêu lạnh. Hùng loay hoay không tìm đâu ra được chăn để đắp. Anh vơ cả võng, bạt trùm kín người Henri. Không tìm được thêm gì nữa mà miệng Henri cứ kêu rét liên hồi. Sốt ruột, Hùng làm cái “lò sưởi sống” ôm lấy Henri. Người Henri đỡ run. Anh ta lại kêu khát. Hùng với cái bi-đông lắc lắc. Thấy còn nước, anh đưa cho Henri. Henri ngửa cổ ực ực một hơi. Mồ hôi Henri bắt đầu vã ra.
Hoàng Trâm, trưởng ban xét nghiệm đến. Anh cầm ngón tay đeo nhẫn của Henri, lau cồn sát trùng. Cầm cây kim trong tay, nhanh như cắt, mũi kim châm vào ngón tay Henri. Máu chảy ra. Hùng hỏi:
–    Đau không?
–     Không – Henri tỉnh táo nói.
–   Xong rồi đấy – Hoàng Trâm cầm lam kính phết máu, chao đi chao lại, xoay xoay. Mắt chăm chắm vào lam – Ba chục phút sau có kết quả.
Chưa đến ba chục phút, Thi đem kết quả tới:
–   Có ký sinh trùng sốt rét hình vành khuyên rất điển hình. Loại Plasmodium Falciparum, anh Hùng ạ.
Hùng nói với Henri:
–   Anh bị bệnh sốt rét. Tìm thấy ký sinh trùng sốt rét trong máu.
Henri so vai, lắc đầu, dề môi, ngao ngán:
–   Ôi thế à, bác sĩ. Tôi rất sợ cái bệnh nhiệt đới quỷ quái này. Nhưng chiến tranh, biết sao!
Henri Emerson bị sốt rét lần đầu. Phác đồ điều trị chung cho bệnh nhân sốt rét tiên phát, chỉ cần uống một đợt tấn công. Tiếp đó, điều trị củng cố liên tục. Tuần một lần, trong sáu tháng nếu không bị nhiễm lại, là đủ. Nhưng bác sĩ Hùng vẫn quyết định khởi đầu bằng mũi tiêm thuốc kháng sốt rét vào mông Henri để có thể cắt sốt ngay ngày mai. Thuốc lấy ra bơm tiêm rồi, khi y tá bảo Henri nằm xuống, lật mông ra thì anh ta từ chối. Y tá Minh phải ới bác sĩ Hùng:
–   Bác sĩ Hùng! Henri không chịu tiêm.
Hùng dịch lại cho Henri:
–   Y tá bảo anh muốn sống hay muốn chết vì ký sinh trùng sốt rét, Henri?
–   Muốn sống rồi! Dĩ nhiên, thưa bác sĩ .
–   Vậy thì tiêm đi! Nhanh lên nào, Henri!
–   Tôi sợ…
–   Sợ đau hả? Không đau lắm đâu! Lính chiến trường không sợ đạn bắn, lại sợ một mũi tiêm hay sao? Anh hùng gì thế?
Henri, phản ứng rất nhanh:
–   Không, không. Tôi sợ bị nhiễm khuẩn, thưa ông! Vì điều kiện vô trùng ở đây, có thể là…
Hùng giải thích ngay:
–   Đồng đội tôi vào đây, cũng môi trường này, anh biết đấy. Hàng ngày hàng trăm mũi tiêm, có sao đâu? Ngay vết thương của anh đấy, Henri, không ở phòng vô khuẩn giữa thành phố Hoa-Thịnh-Đốn, tại sao lại lành nhanh đến thế? Vậy thì không có lý do nhiễm trùng đặt ra ở đây mà từ chối y lệnh. Chiến trường, đó là mệnh lệnh. Anh hiểu ý tôi chứ?… Nằm xuống đi, Henri!
Henri từ từ nằm xuống. Đầu vẫn ngoảnh lại, để hai con mắt vào cái bơm tiêm đã đựng đầy thuốc màu vàng. Y tá Minh phải kéo quần Henri ra. Cô cắm phập mũi kim tiêm thuốc vào mông anh ta, ngập hết cả thân kim. Minh hỏi Henri:
–   Đau không?
–   Không, không.
Minh bơm một chút, ngừng lại hỏi.
–   Đau không?
–   Chưa thấy gì! – Henri trả lời.
Thấy Minh đi ra với chiếc bơm tiêm rỗng, Henri cứ nhìn theo, thầm thán phục. Mới có cơn sốt cao, chưa đến nỗi dài, cái má Henri đã hốc hác. Hùng hiểu. Henri, sống trên nhung lụa, ở đất nước giàu có và cao ngạo. Ở chiến trường, là sĩ quan cố vấn, được qúi như vàng. Đời sống thường nhật, được nịnh nọt, hầu hạ đủ đầy của ngon vật lạ. Ngay nước tắm cũng chở tận từ Hạ-Uy-Di. Cho nên một cơn sốt rét chẳng khác nào kẻ trộm tung hoành phá nát kho báu nhà giàu. Sự suy sụp nhanh chóng cơ thể Henri là điều dễ hiểu. Henri kêu mệt. Anh biết. Henri đã hai lần truyền dịch. Tuy nhiên dịch truyền đang rất hiếm. Việc truyền dịch cho đồng đội mình đôi khi cũng phải cân nhắc. Nhưng cuối cùng thì anh vẫn quyết định giành cho Henri.
.     HKết quả hình ảnh cho hình ảnh tù binh mỹ ở trường sơnành xử của bác sĩ Hùng đã làm cho Henri biến chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Lúc đầu, Henri cự tuyệt cả điều trị, thì bác sĩ Hùng làm việc như kẻ từ thiện bao hàm một ý nghĩa tình người. Đến khi Henri đã nhận thức ra, cơ thể cần sự sống thì bác sĩ Hùng xử lý vết thương như một lương y với con bệnh. Còn bây giờ, Henri như con thú rừng trở thành gia cầm, bác sĩ Hùng lại cưng chiều như một kẻ có ích. Trong khi theo dõi chai dịch truyền đang nhỏ những giọt sống tí tách thấm vào chồi non yếu ớt, Henri hỏi với suy nghĩ thành thật và gần gũi:
–   Bác sĩ được đào tạo ở Nga-Xô phải không?
–   Sao anh lại nghĩ thế?
–   Vì những động tác và tình huống bác sĩ xử trí rất thành thục!
–   Anh lầm to. Tôi được học từ Hà Nội đấy!
–   Tôi nghĩ… phải là một bác sĩ rất giỏi. Rất giàu kinh nghiệm!
–   Anh lại hiểu sai nữa rồi! Tôi không phải người giỏi nhất ở đây. Vì sao anh biết không? – Hùng ngừng lại thăm dò phản ứng của Henri. Nhưng anh ta không có câu trả lời dù chưa đúng, nên Hùng nói tiếp – Phải giành các bác sĩ ấy cho những bệnh nhân nặng hơn anh nhiều.
–   Dạ, tôi hiểu.
–   Thế thì anh đừng nghĩ, phải đào tạo ở Nga-Xô hay Anh quốc. Hay một nước nào đó mới có người giỏi. Rồi đây, dịp nào anh qua Paris, ghé thăm trường Đại học Y ở đó sẽ thấy họ đang học phương pháp mổ gan khô của Bác sĩ Tôn Thất Tùng. Chương trình đào tạo nghề Y, theo sách Giáo khoa của Bác sĩ Đặng Văn Chung. Anh biết họ là ai không, Henri? Họ là người Việt Nam!
–      Vậy thì cho tôi xin lỗi với lời thành thực, được không?
–     Dĩ nhiên được, Henri!
Câu chuyện đang vui giữa hai người, mang nặng tình cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Với Hùng, anh thấp thỏm muốn đi. Nhìn ra lối mòn, thấy Vinh đang qua ngang, Hùng vụm hai tay làm loa đưa lên miệng:
–   Đồng chí Vinh!
Vinh ngoảnh bước lại phía Hùng:
–   Có chi vậy anh Hùng?
–   Có đấy! Nhờ Hồng Vinh một chút được không?
–   Anh nói đi!
–   Đồng chí Tuần trực ở đây. Lại phải trông coi cả mấy lán bên kia nữa. Chờ lâu quá. Vinh ở đây trông dùm chai dịch truyền. Mình đi gọi Tuần sang liền. Vinh vào đây. Quan sát giọt nhỏ. Thỉnh thoảng hỏi Henri. Thấy có gì khác lạ thì khoá nút điều chỉnh lại, rồi gọi nhé. Hùng ở phòng trực.
Hồng Vinh kỳ hẹn:
–   Anh nói đồng chí Tuần phải đến ngay đấy.
Từ khi Hồng Vinh đến, Henri vui vẻ ra mặt. Anh ta mỉm cười. Nụ cười kiểu cách, rất duyên. Rồi vận dụng hết khả năng, diễn đạt bằng tiếng Việt:
–   Chào-cô-Vinh!
Vinh giật mình, ngạc nhiên:
–  Sao biết tên tôi?
–   Bác-sĩ-Hùng-vừa-gọi-đó! Cô-có-khỏe-không?
Hồng Vinh nở nụ cười rất tự nhiên. Cô trả lời bằng tiếng Anh, một lời cửa miệng:
–     Khỏe. Cảm ơn.
–   Hồng-Vinh. Một- cái- tên-rất- đẹp!
–   Thì như mọi cái tên khác để gọi như Henri, chẳng hạn.
–   Không… Nó-ý-nghĩa-lắm. Hồng-là-màu-đỏ. Vinh -là-tên-một–thành-phố. Còn-có-nghĩa, vinh-quang!
–   Sao biết nhiều thế, Henri? Ai nói cho biết vậy?
–   Tự-tôi-nghĩ-thôi.
.      Vinh đứng cạnh chai dịch truyền miệng nói, mắt vẫn chăm chắm vào những giọt đang nhỏ. Còn con mắt nẩy lửa của Henry dọi vào gương mặt trắng hồng bấy lâu nay đã làm anh ta bị hút hồn. Henri khẽ nâng bàn tay Hồng Vinh. Cảm nhận yêu thương và bản năng đàn ông trỗi dậy. Tiếp dòng suy nghĩ trân trọng kiểu Tây, anh nhích khẽ bàn tay Vinh đưa về phía miệng để hôn. Lâng lâng cảm giác, bàn tay Vinh mơn man gió cuốn, lụa chà. Cô toan rụt tay lại. Song sự cố gắng này bị che lấp bởi sự chú ý với trách nhiệm cao vào những giọt rơi, nên không nhận ra ngón tay đang nằm trọn trong lòng tay thân ái của Henri. Chỉ khi cái bộ ria mép rậm rạp kia chạm vào, ngưa ngứa, thì Hồng Vinh mới ngoảnh đầu nhìn xem tay mình vì sao lại thế. Giật thót, cô rút mạnh bàn tay ra khỏi lòng tay Henri. Hồng Vinh chạy vụt ra ngoài. Không một tiếng kêu. Không thèm ngoái lại. Tai nhận cảm xa xăm, ù đặc. Văng vẳng đâu đó một thứ âm gọi hồn :
–     Ai..lớp… viu..iu..iu !
Tuần lững thững rẽ vào lối lán hầm. Gặp Vinh đang đi ra. Tuần đùa:
–   Đổi ca nhé?
Hồng Vinh trả lời gọn lỏn :
–   Trả đấy!
Tuần vừa đi vừa ngoái lại nhìn dáng thoăn thoắt của Hồng Vinh không giống mọi ngày. Anh cũng phát hiện ra bộ mặt nghền nghệt, thẫn thờ, tiếc nuối của Henri. Tuần hỏi ngay :
–   Có cái gì với anh thế , Henri?
–   Tôi buồn!
Giọng Tuần lại vui vẻ :
–   Nhớ nhà hả?
–   Không.
–   Vậy nó là cái gì?
–   Ngôn ngữ… Tôi không có đủ vốn liếng tiếng Việt chuyển tải lòng mình!
–   Ừ, cũng thiệt thòi đấy. Nhưng một tấm lòng chân thực, sẽ có ngôn ngữ của con tim!
–   Tuần chỉ cho tôi, người Việt tỏ tình với nhau bằng gì?
–   Bằng đủ các ngôn ngữ.
–   Ví dụ?
–   Bằng lời. Bằng thư. Bằng ánh mắt. Bằng sự quan tâm hàng ngày tới công việc, sức khỏe của nhau…
–   Có bằng vật chất không?
–   Rất ít. Có chăng, đấy chỉ là sự ghi nhận thường có sau hai trái tim đã có sự giao thoa. Vật chất nằm ngoài khái niệm chinh phục thông thường. Vì thế, chinh phục con tim chỉ bằng vật chất thì không thể khuất phục!
Henri ngẫm nghĩ. Một lát anh nói :
–   Pascal(1) nói, tình yêu là sự tiếp xúc giữa hai làn da!
Tuần phản ứng nhanh :
–   Nó đúng. Nhưng không phải hoàn toàn!
–   Vậy ở người Việt là gì?
–   Chẳng hạn bằng ánh mắt.
–   Vậy thì tôi đã có nhận định sai lầm về cô gái Việt.
Tuần cười nói hồn nhiên :
–   Sao lãng mạn thế, Henri?
–   Không ! Đồng chí Tuần. Ơ, xin lỗi, y tá Tuần. Tôi yêu một cô gái Việt. Yêu đến day dứt con tim. Nhưng không biết ngỏ lời bằng cách nào. Tôi đã bỏ ngoài ánh mắt và dùng hành động miêu tả tình yêu trân trọng. Cô ấy đã bỏ đi. Bỏ đi có là phản đối không? – Henri rất buồn. Lời anh ta chậm rãi hẳn đi.
–   Chưa hẳn thế – Tuần giải đáp – Có thể đó chỉ là biểu hiện chưa có sự đồng cảm mà thôi. Người con gái Việt không vồ vập. Họ yêu đấy. Nhưng có thể im lặng. Hoặc là khiêm tốn nhún nhường. Thậm chí, đưa ra lời chối từ tự trọng.
Henri thở dài, lo lắng. Tuần động viên:
–   Bây giờ yêu đương gì. Chiến tranh mà!
–   Nghĩa là sao hả Tuần?
–   Là hết chiến tranh rồi mới tính chuyện hôn nhân.
–   Không. Không đâu, Tuần – Henri sôi nổi – Tình yêu và chiến tranh riêng rẽ nhau. Chiến tranh là chiến tranh. Tình yêu là tình yêu! Hôn nhân là chuyện tiếp nối mang tính sinh vật!
–   Này Henri! Có thể anh có một khái niệm chưa hoàn chỉnh. Trước hết, giới hạn ở tình yêu đôi lứa nhé. Đồng ý không?
–   Đồng ý.
–   Vậy nếu chiến tranh cứ tồn tại, đạn bom cứ dội lên đầu thì tình yêu có tồn tại không? Và còn đâu là hạnh phúc! Vậy thì muốn có tình yêu và hạnh phúc phải tiêu diệt chiến tranh đã! Chiến tranh và tình yêu, đứng về chính diện, nó có sự đối lập. Tiêu diệt chiến tranh, tình yêu hạnh phúc mới vững được.
–   Nhưng chiến tranh không có nghĩa là tình yêu không nảy nở?
–   Tôi không phủ nhận khía cạnh đó. Một mầm cây bị tàn phá, có còn xanh tươi như vốn nó có không? Đấy, tình yêu và chiến tranh sẽ như vậy đấy.
Henri nhíu mày, suy tư. Tuần thột nhớ câu nói đang hoàn chỉnh thức trên điểm cảnh tỉnh của anh:
–    Henri! Chắc anh nhớ câu nói của Blaise Pascal: Tình yêu và hạnh phúc như hình với bóng. Biết bảo vệ, hạnh phúc sẽ thành sự thật. Còn không, hạnh phúc chỉ là một hình ảnh ảo không bao giờ có. Hoàn toàn đúng trong hoàn cảnh chúng tôi! Phải bảo vệ chứ! Vì thế mà phải biệt hy sinh! Các anh đâu có biết cả bọn con gái, con trai chúng tôi đều phải gác sách, đèn đi vào chỗ gian khổ thế này, bảo vệ cái mình muốn, rất đời thường.
Henri đang vỡ ra điều gì đó trong đầu. Anh nhớ về bạn bè chăng? Có thể!
–   Tôi có thằng bạn, thằng Bill, đang ở bên nước tôi. Nó phản đối chiến tranh. Và thằng nữa, thằng Ronald. Tội nghiệp, nó xung quân chỉ vì muốn kiếm tiền nuôi mẹ. Nghĩ lời Tuần, tôi nhớ tới chúng. Có thể Bill đúng.
–   Thế còn anh, Henri?
–   Vì tôi thích kỹ thuật. Lại muốn có việc làm. Bắn súng cũng là một nghề phải không, Tuần?
–   Thì cứ gọi là một nghề đi.
–   Học xong Trường Kỹ thuật Quân sự Pháo binh, tôi bị bổ sung sang đây.
Tuần nói một cách nghiêm túc :
–   Đất nước các anh từ hồi ông Washington đến nay không bị một viên đạn ngoại bang tàn phá. Làm giàu là việc không khó.
–   Anh hiểu đất nước Mỹ lắm – Henri tự hào – Anh có biết ông Franklin(2) có mặt trên khắp thế giới không?
–   Điều đó chỉ có thể nói lên được nước Mỹ có nền kinh tế mạnh. Chứ không nói được sức mạnh của nước Mỹ. Nhưng ở đất nước giàu có chưa đủ, còn muốn đem kỹ thuật quân sự và bom đạn vãi trên các nước khác là sao? Ôi ngôn từ của lòng tham vô đáy mang hồn của quỷ Sa Tăng!
Henri lẩm bẩm, ngậm ngùi :
–   Rồi! Bill vẫn đúng!
Tuần hỏi :
–   Nó là thằng nào?
Henri nói như một niềm tự hào:
–   Bạn tôi, Bill Clinton. Thằng bạn cùng học hồi phổ thông. Sau này cùng tán gái ở Trường Luật Yale. Nó yêu Hillari Diane Rodham, một cô gái xinh đẹp, tự tin. Quê gốc Chicago. Tôi yêu Betsy, cô gái sống nội tâm, rắn rỏi.
–   Anh thấy đó. Bọn thanh niên các anh phơi phới đi học, đi yêu. Còn bọn tôi phải nén lại, để đi chống chiến tranh.
Dù nhỏ như mũi kim, đủ làm quả bóng xì hơi. Những gì chứa chất trong con người Henri được gợi mở, phô bày. Sự hối hận không thể nén lòng :
–   Rồi Betsy có thai. Tôi muốn bỏ cái mầm non ấy có thể đỡ vướng víu cho cả hai người. Cô ấy phản đối quyết liệt. Betsy nói, nếu cần, em sẽ làm như Bill ấy. Bill chống quân dịch. Còn tôi thì không thể. Tôi vừa hoàn tất khoá huấn luyện Binh khí Kỹ thuật Pháo binh. Con đường binh nghiệp đã trói buộc vào tôi. Tôi đã đi những bước sai lầm…
Tuần không chịu quan sát. Anh đang bận mải thực hiện chức trách nghiệp vụ. Tuần cứ nói theo thói quen dòng chảy:
–   Hồng Vinh đấy. Đáng lẽ cô ấy học Đại học Y. Ra trường làm bác sĩ. Nhưng phải nhập ngũ vào Trường Sơn đánh giặc.
–   Ồ, Hồng-Vinh, một-cô-gái-xinh-xắn!
Tuần đồng tình, tự hào:
–     Đúng. Cô ấy có cái duyên thầm.
Henri khai thác suy tư đã có từ lâu:
–   Phải nhìn lâu mới khám phá ra được những tiềm ẩn đến kỳ diệu trong khuôn hình ấy. Một sức sống đang vươn về tương lai. Chứa đựng trong cái chất phác là sự thông minh. Và cái đẹp luôn luôn chinh phục. Cái răng khểnh mới thú vị làm sao!
–     Anh thích hàm có răng khểnh à, Henri?
–     Còn nhiều hơn thế! Nhưng cô ấy không rõ được điều đó!
–     Con gái Việt có danh dự riêng. Tự họ không đi xin tình yêu.
–     Nhưng họ không phản đối chứ, Tuần?
–     Không. Sự im lặng có thể là đồng ý.
–     Vậy thì tôi hiểu, Tuần ạ. Anh giống như một chàng Viking(3) hóm hỉnh mà con mắt lại của Newton(4) – Henri nhẩm lại – “Im lặng có thể là đồng ý!”
.     Henri ngửa cổ ra sau, lẩm bẩm như cầu Chúa. “ I love you, I like you, I need…”.
.     Nhưng Tuần lại hiểu, Henri đang nhớ đến vợ ở phía bên kia đại dương xa thẳm.
.                                                                                                              TỐ HOÀI

____________
1.Blaise Pascal (1623-1662)  Nhà Toán học, Vật lý học, Triết học Cơ Đốc giáo, Người Pháp
2.Hình trên tờ 100USD
3.Người Bắc Âu
4.Isaac Newton (1642-1727 )
5. Ảnh chỉ mang tính minh họa.                                    

BÌNH LUẬN