Louise phụng phịu nói vói mẹ:
– Chúng nó bảo con sinh ra từ chiếc ống thuỷ tinh!
– Thì có sao – Mẹ Charlicer nói – Điều đó là vinh dự đấy con!
– Con ứ thích. Sao chúng nó được mẹ chúng sinh ra?
– Một sự thật không chối bỏ, Louise – Charlicer nói – Con hãy nghe đây. Con là người đầu tiên trên thế giới này, bằng phương pháp khoa học thắp sáng lại bao niềm hy vọng đã bị dập tắt. Con phải tự hào. Vì con đem lại hạnh phúc cho ba, mẹ. Chính nhờ vậy con mới có trên đời. Vinh dự này thuộc về con đó, Louise!
Nhìn con, Charlicer thật sung sướng tự hào. Cung bậc yêu thương nâng lên, tiếp nối thời gian. Cô nhớ lại cái ngày ấy, bảy, tám năm liền niềm hy vọng có con mỗi ngày sụt lở trong cô. Charlicer buồn đến não lòng. Một hôm, Brown chồng cô đi làm về. Anh xịch ngay xe trước cổng, chạy vội vào nhà mà không cả đóng cửa xe. Anh gọi ầm ĩ. Charlicer đang ở đâu đó, buồn đến không cả trả lời. Anh chạy lại ôm Charlicer. Khác với mọi khi, chỉ quay một vòng thôi, anh thả xuống ngay. Brown chìa ra tờ báo vẫn cầm ở trong tay như một báu vật, đưa cho vợ, vui mừng, khẳng định. Chúng ta hy vọng rồi, hạnh phúc đang trở về trên tay rồi! Anh chỉ vào cái tít lớn, đọc như đã thuộc làu:
Sinh mệnh được tạo ra từ ống nghiệm
Charlicer chưa hiểu lắm. Nhưng linh cảm như mình sắp được làm mẹ sau những mòn mỏi ngóng trông, đứa con xa bỗng lại trở về. Những giọt nước mắt trong trẻo ứa ra…. Ảnh: Bác sĩ Robert Edwards cùng bà cháu Louise.Ngay hôm sau, cả hai đánh xe đi tìm tác giả của sinh mệnh siêu nhiên ấy. Giáo sư Patrick Steptoe rất thông cảm với nỗi khát khao cháy bỏng của vợ chồng cô và ông đã quyết định giúp đỡ. Ông cùng đồng sự, Bác sĩ Robert Edwards đã dùng thuốc kích thích cho trứng chín. Khi đến độ trưởng thành, trứng được hút đưa ra ngoài. Nuôi trong môi trường nhân tạo đặc biệt. Lấy tinh trùng từ Brown thụ tinh cho trứng. Trứng thụ tinh nuôi trong môi trường thích hợp để phát triển thành phôi. Đến ngày thứ sáu, phôi đã thành nhiều tế bào, ông chuyển vào tử cung của Charlicer. Dĩ nhiên, ông đã tạo cho tử cung của cô đủ điều kiện nhận phôi làm tổ. Sau mười tháng mang thai, ngày 26-7-1978 bé gái Louise Joy Brown ra đời tại bệnh viện đa khoa Oldham tây bắc nước Anh.
Bây giờ nó đã lớn ngần này, khôn ngoan và biết hỏi lại, tại sao?
Từ Louise, đánh dấu một kỹ nghệ mới. Một ngành khoa học mới. Giải thoát cho bao nhiêu nỗi bất hạnh bị tước quyền làm mẹ.
– Nhưng mẹ – Louise nói – Sao con không được sinh như chúng nó?
– Chuỵện dài lắm, Louise.
Nỗi buồn tuy đã nhẹ tênh nhưng vẫn vụt về. Ám ảnh đã đeo đẳng thành sợ hãi một thời khó có thể quên ngay. Sau đám cưới, vợ chồng Charlicer nghèo lắm. Vì thế hệ tương lai, vợ chồng cô phải hoãn lại việc sớm có con. Charlicer nói với chồng, ta hãy cố dành đến khi đủ tiền nuôi bé thì sinh. Brown cười độ lượng. Ta cố cho con học trở thành bác sĩ, chăm sóc sức khoẻ cho xóm nghèo này!
Brown là thợ lái xe lửa. Anh là người chồng tốt. Còn Charlicer làm lụng vun vén chuẩn bị cho đứa trẻ tương lai và âm thầm chờ đợi những chuyến chồng cô làm việc xa nhà. Mỗi lần Brown trở về, cô dành nhiều nhất sự yêu thương cho anh. Đấy cũng là cách bù đắp lại lúc xa vắng cô đơn. Công việc hàng ngày bề bộn quá. Charlicer phải cật lực cố xong xuôi để có thời gian xem bộ phim Tây Du ký hiếm khi phát sóng truyền hình. Đã mấy lần đang xem, cô sực nhớ ra mình quên uống thuốc ngừa thai. Cô toan chạy đi lấy uống. Nhưng cái võ công diệu nghệ, thần thánh của Tôn Khỉ níu bước chân làm cô quên đã ba lần. Bỗng rộ tiếng còi xe của Brown ngoài ngõ. Lần này anh về hơi muộn. Cô mừng rỡ và không nỡ trách chồng. Cô nhận ra có gì khang khác trên gương mặt anh. Charlicer hỏi:
– Có gì đến với anh thế, Brown?
– Vướng chút tai nạn! – Lời anh như thể hụt hơi. Nhưng không để ngắt quãng – Một con bò ở phía đường tàu. Vừa kịp phanh lại thì đầu tàu cũng vừa chạm lão khướt gối đầu lên đường tàu ngủ khò khò như chết, chẳng thèm cả giật mình.
– Maria, lạy Chúa tôi! – Charlicer nhắm mắt hét lên, xúc động – Có sao không?
– An toàn!
– May mắn! Giờ em làm món ăn chiều, mừng thoát nạn, Brown. Em cũng đói rồi.
Charlicer nhanh nhẹn vào bếp và bữa ăn ngon lành được dọn ra. Bên Charlicer, Brown hoàn hồn trở lại. Anh vui và tự nhiên rung lên một niềm yêu dấu vô bờ. Yêu đời. Yêu vợ. Yêu thêm công việc của mình.
Quá trưa hôm sau tỉnh dậy. Charlicer vội uống viên thuốc tránh thai khẩn cấp. Miệng lẩm bẩm, lạy Chúa lòng lành, đừng cho con rơi vào xác xuất ¼ (thất bại)! Cô bình thản cho tới ngày dự kiến thường kỳ. Không thấy như mọi tháng. Điều khác lạ xuất hiện trong cô. Ngực căng khó chịu. Mệt mỏi và tiểu nhiều lần. Thử Quick-stick, hai vạch hồng. Nghĩ đến trách nhiệm làm cha, mẹ chưa tròn, cô đành phải đi kế hoạch. Công việc ập lên cô như ngày nào và cô không có thời gian ngơi nghỉ. Cái xóm nghèo thiếu ăn, thiếu cả nước cho tắm rửa vệ sinh. Đúng vào dịp này, cái vòi nước máy keo kiệt chỉ rỉ ra như giọt nước mắt buồn có đến cả tuần, đã báo hại cô. Sau lần ấy, gần chục năm trời vợ chồng cô không thể có con. Bác sĩ nói, cô bị tắc ống dẫn trứng cả một đoạn dài không thể thông được. Và thế là một nỗi hối hận, một nỗi mong chờ đến cháy lòng đã thành nguội lạnh hy vọng trong cô. Cho đến sau khi Brown đem tờ báo về….
– Con có biết không – Mẹ Charlicer nói – Con cũng như các bạn. Mẹ cũng phải mang nặng đẻ đau như mẹ các bạn. Có khác gì đâu?
– Nhưng chúng bảo con là…. con không có cha(!)
– Bậy hết sức. Cha Brown đó!
– Thiệt không mẹ?
– Các bạn con không hiểu biết, Louise. Con là con của mẹ Charlicer và cha Brown. Con tin điều này chứ?
– Con tin!
– Chỉ có khác là, đáng lẽ con được thụ thai tự nhiên trong bụng mẹ, nhưng vòi trứng bị tắc, không có đường đi lại cho trứng thì phải đưa trứng ra ngoài. Kết phôi rồi trở về lòng mẹ, ấp ủ. Lớn lên cho tới ngày con ra đời.
– Nhưng sao mẹ lại bị tắc… không có lối đi?
– Có thể là lỗi tại mẹ. Dạo ấy, nhà ta nghèo lắm. Bệnh tật đã gây ra cho mẹ đấy. Con thương mẹ không nào?
– Thương!
– Nhiều, ít?
– Nhiều từng này này!- Louise khoát tay như ôm cả bầu trời.
– Từ niềm thương ấy, con phải hiểu là niềm tự hào vì tiến bộ khoa học. Con là đứa bé vinh dự. Người đầu tiên trên thế giới này biết tìm đường đi cho mình. Từ ống nghiệm đi ra.
– Mẹ nói con thích lắm . Con thương mẹ lắm lắm, mẹ Charlicer. Lớn lên con sẽ học làm nữ hộ sinh mẹ nhé?
– Ôi con mẹ thật ngoan. Mẹ rất vui và chúc mừng Louise của mẹ thực hiện tốt ước mơ của mình. Mẹ hy vọng thế!
Đấy là chuyện của hơn chục năm về trước khi tôi còn ở bên đất nước của Louise bé bỏng. Còn giờ cô là nữ Hộ sinh. Louise rất thích tìm hiểu về chuyện thụ thai trong ống nghiệm. Cô hiểu và giải thích lại cho các bạn. Cô nói rành rọt sự khác nhau giữa sinh sản vô tính và hữu tính. Cô sinh ra bằng phương pháp sinh sản hữu tính, gồm một trứng và một tinh trùng. Không có biến đổi gène, hay bị sự cố nhiễm sắc thể do kỹ thuật gây ra. Cô vẫn là Louise khỏe mạnh. Cười nhăn răng. Ăn hết ba cái bánh mỳ đen với hai tô bự xúp khoai tây hầm thịt. Tráng miệng một lúc hai trái táo xanh tổ bố. Có sao đâu! Louise đem chuyện quanh cái ống thuỷ tinh về nói với mẹ. Mẹ Charlicer của cô rất hài lòng về cô. Mẹ kể:
– Dạo ấy, bác sĩ làm như thế này, thế này…
– Đúng rồi mẹ ạ. Phương pháp để sinh ra con gái của mẹ đấy. Gọi là In -Vitro – Fertilisation (IVF). Thụ thai trong ống nghiệm. Sau thành công của kỹ thuật, nó trở thành hàng hoá. Một thứ hàng hoá phi vật thể. Bán kỹ thuật rất lời. Mua kỹ thuật về, khai thác, lời hơn. Dễ thành tỷ phú lắm, mẹ ơi!
– Ôi người nghèo như mẹ xưa thì sao? – Bà Charlicer thở dài ngao ngán.
– Có những phương pháp rẻ hơn. Chẳng hạn cho những người có tinh trùng yếu. Dùng phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung (Intra-Uterine Insemination : IUI) để rút ngắn đoạn đường đi và thời gian sống của tinh trùng. Còn để nâng cao chất lượng của hiệu quả thụ thai trong ống nghiệm, phải tiêm tinh trùng vào thẳng bào tương trứng đã lấy ra (Intra cytoplasmic Sperm Injection – ICSI). Nuôi cấy phôi ấy mấy ngày rồi trả lại tử cung.
Bà Charlicer rất thích khi được nghe về kỹ thuật này. Nhất là cái âm điệu nhỏ to, trầm bổng, nhí nháy của nó, câu chuyện trở nên thi vị. Con bé đến là thông minh. Nó giống cha nó như hệt. Vậy mà những đứa trẻ ngu ngơ giễu cợt làm nó mặc cảm một thời. Bỗng Louise gọi:
– Mẹ?
– Chuyện gì, Louise?
– Chuyện này nữa. Mẹ biết không. Khoa học về thụ thai trong ống nghiệm ngày càng tiến bộ. Không những thế, nó còn được rộng mở trên toàn thế giới.
– Đúng rồi. Khoa học phải là tài sản chung của nhân loại. Người làm khoa học là người phải có lòng nhân ái, vị tha. Khoa học về con người phải đem lợi ích đến cho con người. Nhất là những người còn nghèo.
– Vậy mẹ có biết Việt Nam không?
– Việt Nam? Việt Nam? Biết, biết!
– Việt Nam có… à có ai…? – Louise cười ngặt ngẽo trước sự đãng trí của mẹ.
– Ờ. Mẹ nhớ ra rồi! Có Lê Bá Khánh Trình….đúng không?
– Đúng. Còn có Đặng Thái Sơn. Mẹ đã nghe tiếng Piano của Đặng rồi đó!
– Nhớ rồi. Nhưng giờ thì sao?
– Giờ thì con thông báo cho mẹ tin này. Ở một thành phố lớn bên đó có bệnh viện phụ sản mang tên vợ vua hay mẹ vua gì đó cũng đã áp dụng thành công phương pháp tích cực cho những trường hợp thật khó khăn.
Louise đưa cả tờ báo có hình hai em bé, một trai một gái vừa mới ra đời được in trên trang nhất. Louise, giải thích:
– Đây là phương pháp hút tinh trùng ở mào tinh rồi tiêm vào bào tương trứng (MESA-ICSI). Áp dụng cho các trường hợp tinh trùng không có đường ra hoặc vì lý do nào đó bị hư, không đủ chất lượng khi xuất ra ngoài. Ca thành công của họ vào ngày nào nhỉ. … À, ngày 6 – 11- 2002 vừa rồi!
– Thế con sưu tầm ở đâu mà có được báo in bằng tiếng nước ngoài thế?
– Thời đại thông tin mà mẹ. Con sưu tập được từ Trung tâm Truyền thông Quốc tế.
– Mà con kiếm gì nhiều vậy?
– Là con muốn hiểu sâu về nó. Về cái mà con đã sinh ra như thế nào? Biết đâu, con sẽ trở thành Kỹ thuật viên ống nghiệm!
– Thì con đang là y tá đó!
– Chưa đủ hiểu đâu mẹ. Con muốn được theo bác sĩ Handyside!
– Alan Handyside, bác sĩ bệnh viện Hammer Smith ở London, nhà ảo thuật vĩ đại ấy à?
– Đúng vậy mẹ! Vào mùa Xuân năm 1990, Handyside đã khám phá ra cách chẩn đoán giới tính của phôi chỉ 3 ngày sau khi thụ tinh trong ống nghiệm. Từ đó, thành công xa hơn nữa, là loại bỏ được bệnh di truyền do bất thường về gène ngay giai đoạn phôi mới chỉ từ 4-8 tế bào mà thời gian công việc chỉ mất 6-8 giờ.
– Vậy rồi phương pháp này có ảnh hưởng gì tới đứa trẻ sau này không?
– Không, mẹ ạ. Đã có trên 10 phụ nữ được chọn phôi. Bé sinh ra và lớn lên hoàn toàn bình thường. Alan cũng đang đi tới xác định loại trừ bệnh do nhiễm sắc thể hay trên ADN nữa! Như vậy, không chỉ là việc lựa chọn giới tính tuyệt đối mà chọn lựa được cả những đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh!
– Thật là những điều kỳ diệu!
Chuông điện thoại reo. Louise cầm máy. Tiếng nói phía đầu máy, làm Louise cười như lắc nẻ. Cô nói, đón mình ở đây.
Bà Charlicer thắc thỏm hỏi con:
– Con chuẩn bị đi à?
– Vâng. Tới chúc mừng một bé vừa ra đời từ ống nghiệm.
– Ra thế ! Cho mẹ gửi nụ hôn tới bé yêu!
Trên môi bà Charlicer đang nở nụ cười thanh thản.
Ảnh: Bác sĩ R.Edwards cùng vợ chồng Louise.
TỐ HOAI