Ký ức MIỀN CHÂN SÓNG – Tiểu thuyết ch, 13 & 14 – Hương Nhu .Tố Hoài

0
727

KY-UC-MIEN-CHAN-SONGKY-UC-MIEN-CHAN-SONGKý ức MIỀN CHÂN SÓNG

.                Tiểu thuyết
của
.        Hương Nhu & Tố Hoài

.        CHƯƠNG 13

.                                                   SỰ CHUYỂN DẠNG SINH VẬT

.      Quỳnh đang say sưa giảng bài, cô cảm thấy cơn nóng bừng bắt đầu từ mặt rồi nhanh chóng lan khắp cơ thể. Nhưng tận trong nội tạng lại gai gai lạnh. Quỳnh gắng gượng để giữ thăng bằng đến hết giờ cho bài giảng chu toàn. Về đến nhà, Quỳnh để cả quần áo lăn trên giường. Và cơn sốt đã thực sự đến với cô. Uống thuốc hạ sốt không thuyên giảm. Những cơn âm ỉ đau bụng bắt đầu dội lên làm Quỳnh buồn ói. Quỳnh ngậm miệng lại nén thật chặt cái hơi xuống. Nhưng nó bùng lên đòi tháo ra ngoài. Bỗng ộc. Từ trong miệng thoát ra thứ chất toàn nhớt dãi, lẫn chút máu hồng. Quỳnh từ trưa đến giờ đã được miếng cơm nào vào bụng. Cũng tưởng chẳng còn gì để nó nôn ra nữa. Nhưng vừa lúc Trường Sơn đến bên mẹ thì cơn đau bụng lại quằn lên làm Quỳnh không thể giữ nổi cơn nôn. Cô quay đầu thõng xuống đất mặc nôn tùy tiện. Máu từ miệng chảy tung tóe xuống đất làm Trường Sơn sợ hãi, mếu máo chạy sang phòng các bác, các cô, vừa khóc vừa gọi:
– Các cô ơi! Mẹ cháu bị chảy hết máu rồi! Mẹ cháu chết rồi các cô ơi, hu.. hu…
Nghe tiếng Trường Sơn, các cô giáo, thày giáo ùa sang. Quỳnh vẫn thõng đầu ra ngoài bạ giường, tóc tai rũ rượi. Mọi người vây quanh nâng cơ thể hầm hầm nóng như cục than cời cho ngay ngắn trên giường. Một giáo viên khơi đúng ý mọi người:
– Chúng ta phải chuyển cô Quỳnh xuống ngay trạm xá thôi.
Vậy là tập thể giáo viên xúm xụm làm cáng đưa Quỳnh đến trạm xá xã. Cơn sốt li bì kéo dài suốt đêm tới sáng mới dịu đi. Tấm thân Quỳnh dính đét xuống giường trong trạng thái lơ mơ bã bời thiêm thiếp. Mãi cho đến gần trưa, Quỳnh hé mắt ra đã thấy mấy bác phụ huynh học sinh, vây quanh cô. Tiếng reo khẽ bên tai:
– A, cô giáo đã tỉnh rồi.
– Vậy à? Ôi cầu trời khấn Phật cho cô giáo tai qua nạn khỏi, trở về an toàn khỏe mạnh.
– Cho cô ăn chút sữa đi.
Y sĩ trạm xá đến:
– Thưa các bác. Xin các bác dãn ra cho thoáng. Cô giáo cần được an tĩnh và không được nói nhiều. Lỡ bị lại thì nặng lắm.
Nghe lời y sĩ, mọi người đã dãn ra, dành cho mẹ ở lại cùng Quỳnh. Mẹ ghé sát tai Quỳnh hỏi nhỏ:
– Con thấy người thế nào?
– Con đỡ mệt rồi mẹ ạ.
Chiều tối, không khí dịu hẳn đi. Quỳnh muốn ngồi dậy một chút vì nằm suốt, đã thấy đau cả sống lưng. Mẹ vui lên khi thần sắc Quỳnh cũng đỡ đi bệch bạc. Có tiếng ồn ào rậm rịch xa xa phía sau trạm xá. Rồi một đứa trẻ chạy ào vào trước cửa hổn hển nói như là nó mới phát hiện ra điều mới lạ:
– Ở ngoài kia vừa có đám đánh nhau. Chú Đinh giật được cái đài chạy mất hút.
Mắt Quỳnh hoa lên và tim lại đập thình thình. Quỳnh vừa nằm xuống thì anh trai của cô tới thăm. Mẹ hỏi con trai:
– Bọn trẻ ngoài kia nói, thằng Đinh đánh nhau với ai. Mà sao lại giật đài của người ta rồi biến đi đâu. Như là kẻ cướp ngày vậy?
Muốn tránh cho em gái khỏi nghĩ suy thêm mệt, người anh trai nói lảng:
– Có gì đâu mẹ. Cái đài Standa của con ấy mà.
Mẹ thở dài đánh thượt, lặng im. Mẹ cũng đã nghe cả chuyện khác nữa cơ. Nhưng mẹ là mẹ của các con trai cũng như gái, dâu cũng như rể, nên biết nói thế nào.
– Nhưng lại cướp giật là sao?
– Chú Đinh nói giúp con xin làm đăng ký cái đài để được mua pin nghe đài và bảo vệ quyền sở hữu ấy mà. Cả năm nay, chú ấy không làm được nên con lấy lại không làm nữa vì mua ngoài cũng được. Nhưng chú ấy cứ khăng khăng giữ cái đài vin vào cớ chưa làm xong giấy tờ nên không chịu trả. Không đưa, thì chú ấy giật lấy rồi bỏ chạy đi đâu không rõ….Thôi thì anh em, để tính sau.
Quỳnh đã nghe được hết. Cô quá rõ về bản chất hành vi của Đinh. Cái hành vi lừa đảo đã thành máu thịt tâm can của Đinh rồi. Trước người anh trai, cô tự trách mình sao lại lấy một thằng đốn mạt tới mức lừa đảo cả người nhà! Cũng vì người trong nhà, vì cây dây cuốn, Đinh còn là chồng Quỳnh nên không ai nghĩ phải đưa ra pháp luật. Chỉ chờ đợi Đinh tự nghĩ mà thôi. Quỳnh khổ tâm lắm. Không biết nói với anh trai thế nào bây giờ? Quỳnh lại thấy râm ran rồi quặn đau trong bụng. Miệng buồn nôn. Từ trong cổ họng nhờn nhợn một thứ khó tả, đốc thúc đấu tranh nhau tạo ra một áp lực đè nén thốc vào cái bụng làm cô không thể nào không thả nó ra. “Ộc!”. Quỳnh quay đầu vội vừa ra tới được ngoài mép giường và mẹ cũng kịp kéo cái bô dưới gầm giường ra thì máu từ miệng Quỳnh cũng trào ngập đỏ đáy bô. Mẹ sợ hãi, mếu máo kêu:
– Quỳnh ơi sao con tôi lại thế này? Bác sĩ ơi cứu con tôi với.
Anh trai cô chạy tìm y tế trực. Y sĩ tới. Tiêm cầm máu và giảm cơn đau bụng. Đo mạch, huyết áp, khám tim phổi xong, y sĩ nói như giải thích với mẹ cô:
– Người nhà chuẩn bị đưa cô giáo Quỳnh đi bệnh viện huyện cấp cứu ngay. Ở đây cũng chỉ được giữ người bệnh vài ngày. Nặng là phải chuyển thôi bà ạ. Chúng tôi sẽ cho y tá hộ tống tới phòng cấp cứu của viện.
Quỳnh li bì trên giường cấp cứu hai ngày. Máu không thấy trào ra nữa. Cô được chuyển sang phòng hồi sức theo dõi và trị liệu tiếp. Hồng cầu trong công thức máu của Quỳnh quá thấp. Chỉ còn 1,6 triệu, so với 4-5 triệu cần có. Vì thế, thời gian điều trị bệnh không thể ngày một ngày hai. Quỳnh tỉnh hẳn nhưng thúc trạng cơ bị rệu rã ghê gớm. Quỳnh run run đứng dậy, bám vịn vào giường để gắng tự chủ mình. Những ngày này, không chỉ học trò lớp cô chủ nhiệm mà cả những lớp khác cũng kéo đến thăm quà cáp. Quỳnh thật cảm động mà cũng khó xử vô cùng. Một tốp học trò đại diên cho lớp cô chủ nhiệm, đến với cả chiếc phong bì dày cộp. Quỳnh hiểu ra, đó là những đồng tiền góp của các em chắt bóp, dè sẻn từ những tấm bánh, miếng quà sáng hàng ngày. Hoặc giả từ khoản tiền mua giấy bút… tự tay góp lại mà thành. Trước tấm lòng thơm thảo cô ứa nước mắt, với giọng còn run rẩy:
– Các em thân yêu của cô. Coi như cô đã nhận rồi. Sự hiện diện của các em làm cô cảm động lắm. Đó là món quà quý nhất đáng trân trọng đến với cô rồi. Cô rất vui và sẽ khỏe lên thôi. Khoản tiền này cô gửi các em về bổ sung vào quỹ lớp. Cuối năm cô cùng các em liên hoan thật vui, các em ạ. Bây giờ trời sắp tối. Các em nghe cô, về khỏi bị mưa. Nhớ đi đường, người nọ phải dắng người kia. Chờ nhau cùng đi, tránh xảy ra tai nạn.
– Vậng ạ. Nhưng nếu cô không nhận cho chúng em thì nhất định chúng em không về đâu.
– Ôi các em của cô.
Sự dùng dằng, Quỳnh sợ cho các em về nhà muộn sẽ gặp khó khăn trên con đường đất gập ghềnh lầy lội. Nhưng rồi các em quyết để chiếc phong bì đó ra về. Tiễn các em, lòng Quỳnh xốn xang niềm vui chia sẻ. Trở về buồng bệnh, tiếng bệnh nhân cùng phòng còn dư âm khắp gian buồng:
– Làm cô giáo thế mới là cô giáo chứ!
– Làm cái nghề nghiệp ấy sướng nhỉ.

Rồi một ngày, Đinh canh mãi, thấy không có ai là người nhà Quỳnh, mới len lén đến thăm cô. Giọng của Đinh như là của lời kịch thoại :
– Thề có trời đất biết. Anh hoàn toàn không muốn sự việc xảy ra. Những gì đã làm em đau khổ chỉ là trước khi lên công an huyện.
– …
– Đáng ra, anh phải có mặt lúc em ốm đau bệnh tật, góp vào việc nhanh chóng trả lại sức khỏe cho em… Mà anh thì bận quá. Cái mà anh ân hận đấy, anh sẽ cố gắng giải quyết khắc phục tất cả những hậu quả còn lại….
Quỳnh xót xa. Không khó nhận ra mùi đường mật bôi quệt phũ phàng lên cái vung nồi ủ đầy nguyên đắng chát. Chẳng ai lạ gì những lời ba-xí ba-tú, lôi đất trời vào làm chứng, biện bạch cho hành vi tội lỗi của mình. Nhưng Quỳnh vẫn gắng làm cho anh ta khỏi mất mặt giữa đám ba quân. Vả lại, dù sao Đinh vẫn là chồng cô không mấy người không biết:
– Thôi Đinh ạ. Em đã khỏe rồi. Tự mình lo toan sinh hoạt ở viện được rồi. Em cũng chuẩn bị ra viện. Anh ở nhà trông nom cửa nhà là đủ.
Nằm viện, xa nhà cũng cả tháng. Sức khỏe cũng có vẻ khá lên. Quỳnh xin ra viện. Từ ngoài cổng vào nhà không xa lắm. Quỳnh xuống đi bộ. Muốn thử sức mình. Nhưng người vẫn lảo đảo không chủ động giữ vững được thăng bằng. Chỉ tới nhà, cô đã phải ngồi xuống nghỉ. Nhìn căn nhà sạch sẽ, cô thấy vui lên. Nhất là khi thấy mảnh vườn bé tí của mình mà nhà trường chia cho mỗi gia đình giáo viên tăng gia rau xanh cải thiện bữa ăn, thì rau vẫn mơn mởn mà cỏ không còn.
Bỗng có tiếng ồn ào. Quỳnh vội nhìn ra. Rất đông học trò kéo đến. Cô hỏi:
– Đang giờ học mà các em bỏ ra đây à?
– Thưa cô thày Doanh dạy thể dục xong cho phép chúng em thăm cô thôi ạ.
– Chúng em đã xin phép thày rồi cô ạ.
Không thấy Đinh ở nhà. Song nhìn sự sắp xếp gọn gàng, nhà cửa bàn ghế như vừa mới lau chùi, Quỳnh rất hài lòng. Cô muốn thông báo với mọi người chia sẻ niềm vui của cô đang nhận được, nhân lên. Thâm tâm ngầm đánh tiếng rằng Đinh, chồng cô đã biết ăn năn trở về vun đắp tổ ấm gia đình. Quỳnh cười vui cao hứng:
– Thật là, chật nhà hơn chật lòng. Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Chỉ cần căn phòng gọn gàng sạch sẽ như thế này cùng với các em làm cô ấm lòng ấm dạ.
Một em học sinh gái lớn, ngây thơ chân thực, vội tồ tề:
– Nhà cô là do các bạn lớp A phân công trông nom quét dọn đấy. Không phải lớp em. Chứ lớp em chỉ phụ trách vườn rau của cô thôi cô ạ.
Quỳnh, giật mình ngạc nhiên. Vô tình khai thác ra sự thật này vì cô hoàn toàn nghĩ khác. Cô muốn tìm ra những điều hiểu chưa thật rõ để có thể hiệu chỉnh được mình:
– Vậy các em có thấy chú Đinh đi đâu không.
– Thưa cô lâu giờ chúng em không thấy chú ấy đâu a.
– Mấy hôm trước em trông thấy chú Đinh về qua. Thoáng một cái chú ấy lại đi ngay ạ.
Đồng chí Hiệu trưởng trường cô đã đứng ngay ở cửa. Đám học trò dãn ra nhường chỗ cho thầy. Thấy Quỳnh xanh mét như tàu lá chuối, thầy ái ngại chia sẻ quyết định của mình:
– Tôi sẽ làm thủ tục để cô đi điều dưỡng ở Viện Điều dưỡng tỉnh.
– Thưa, em xin nghỉ ít ngày cho chân tay cứng cáp, đi lại dễ dàng đôi chút thì xin đứng lại lớp thôi thầy…
Thầy Hiệu trưởng gạt ngay ý kiến của Quỳnh:
– Kết quả ra viện, hồng cầu vẫn triệu sáu như thế này, tôi không thể phân công cô làm bất cứ việc gì trong lúc này.
Quỳnh ngậm ngùi:
– Em xin cám ơn sự quan tâm giúp đỡ của thầy Hiệu trưởng và cả Hội đồng nhà trường. Các thầy các cô tạo điều kiện cho em đi điều dưỡng. Lòng biết ơn này em xin ghi lòng tạc dạ…
– Có gì đâu. Đây là quyền lợi của cô được hưởng mà!

Điều dưỡng được khoảng ngót một tháng da thịt Quỳnh trông đầy đặn hơn lên. Không khí trong lành của miền chân sóng giúp Quỳnh ngon thêm bữa ăn và sâu thêm giấc ngủ. Quỳnh cố tận dụng thời gian hiếm hoi như thế này để nhớ lại không khí vô tư những ngày trên ghế học trò phổ thông chưa thể trôi về dĩ vãng. Những quả bóng bàn vẫn lăn đều trong vòng xoáy cây vợt. Cả trái bóng chuyền cũng bay bổng trong đường bay định trước. Được luyện tập đều đặn, Quỳnh thấy khỏe khoắn thêm trông thấy từng ngày.
Ngày cuối tuần. Quỳnh được tin báo hai khách của phòng Giáo dục đến thăm. Chà! Sao hiếm hoi vậy đối với một giáo viên bình thường trong huyện. Quỳnh tới cửa phòng khách của viện Điều dưỡng. Hai vị khách chờ, đứng dậy bắt tay đon đả:
– Chào cô giáo. Cô đã bình phục chưa?
– Dạ. cám ơn các anh. Em lên hơn một ký rồi, các anh ạ.
– Chúng tôi xin chúc mừng. Phòng Giáo dục cũng có chút quà mừng cô đây.
Quỳnh hỏi cho vui mà cũng là sự thật:
– Ôi cảm ơn các anh. Ai cũng được hưởng quyền lợi thế này hay em được ưu tiên vậy?
Một chút ngần ngừ thoáng qua. Không có luật pháp nào trên thế giới đánh thuế kẻ biết nói dối làm đẹp lòng người. Trưởng phòng Giáo dục mạnh dạn, hồ hởi nói:
– Cả hai đều đúng – Anh vào đề ngay – Chả là thế này cô Quỳnh ạ. Đợt hội giảng ở tỉnh sắp tới, phòng ta lại được cử một tiết Sinh học-bảy, tham dự. Suy đi xét lại không thấy ai có thể thay thế được cô. Vì vậy chúng tôi ra đây, trước là thăm sức khỏe cô, sau là mời cô vì phong trào chung của phòng ta mà tham dự.
Quỳnh không ghìm nổi tự ái nên vội nói:
– Các anh không biết rằng em ốm đến nỗi không thể gượng đứng mà dạy học. Các đồng chí giáo viên của trường đã phải gánh vác hết các giờ của em để em được nghỉ ngơi an dưỡng hay sao?
Trưởng phòng hể hả cuời như thể được dịp báo công:
– Chúng tôi biết chứ! Chính tay tôi ký giấy để cô được đi điều dưỡng mà.
Quỳnh tự thấy mình tủi phận. Hình như con mắt có bừng lên một chút năng lượng dư thừa:
– Khi em thập tử nhất sinh, chẳng thấy các anh lại hỏi lấy một câu(!). Bây giờ vừa lò dò đi được, các anh đã lại phân công đi hội giảng. Ví như không khác vắt một quả chanh, hết nước rồi thì vất bẹt xuống đất.
Trưởng phòng ra sức xoa dịu:
– Cô Quỳnh ạ. Chúng tôi nhận khuyết điểm là không thăm hỏi kịp thời. Mong cô thông cảm vì công việc quá bận rộn. Còn bây giờ vì phong trào chung, chúng ta không thể không khắc phục nổi mà lại để phong trào giáo dục của huyện mình đi xuống. Suy xét kỹ rồi. Cô còn an dưỡng ba tuần nữa. Trong ba tuần ấy, phòng Giáo dục sẽ trích quỹ thăm hỏi bồi dưỡng giáo viên ra một khoản để bồi dưỡng thêm cho cô mau chóng hồi phục sức khỏe. Còn một vấn đề nữa. Trong mười ngày tham dự hội giảng, cô không phải ăn cơm độn ngô hoặc bo bo… – Trưởng phòng nhấn mạnh – Nghĩa là vẫn được hưởng chế độ an dưỡng như thường lệ.
Quỳnh có cảm tưởng chuyện hình như là rất sòng phẳng mang hơi hớm lời chiêu…dụ. Vì vậy cô muốn xóa cái tư duy của những con mắt nhìn đời thông qua những lỗ đồng xu:
– Các anh để em suy nghĩ thêm đã. Rồi sẽ trả lời các anh sau. Nhưng em cũng nói rõ. Nếu như em đi hội giảng lần này thì em nghĩ về phong trào chung chứ không phải hoàn toàn vì cái khoản ưu này ái nọ như các anh vừa hào phóng trưng ra…
Như tấm lưới hỉ xả vừa được tung, hai cán bộ nở một nụ cười thần thánh:
– Chúng tôi rất hiểu cô Quỳnh mà!

Sau điều dưỡng, sức khỏe Quỳnh đã trở lại. Cô lao vào chuẩn bị cho một cuộc đua. Nghiễm nhiên là một vận động viên nặng ký, lòng Quỳnh lâng lâng mỗi khi, việc làm thấy hòm hòm chu đáo. Vẽ xong những lớp sinh vật đại diện cho mỗi kỷ nguyên, cô đứng xa rồi lại đứng gần ngắm tác phẩm của mình. Bàn tay tài hoa lột tả những con cá vây tay trong đầm nước cạn nhoai trên nền đất cứng ở thời Đại Cổ sinh. Những con thằn lằn sấm khổng lồ với cái đầu bé xíu hiền lành lắc lư trước con bò sát răng thú nhe hàm răng dữ tợn. Cùng những chú thằn lằn uốn mình bay trong gió nắng đặc trưng của Đại Trung sinh. Vợ chồng chú khỉ đột của Đại Tân sinh co ro rét mướt vẫn âu yếm nâng niu truyền cho nhau sức manh tình yêu vươn về sự sống. Quỳnh ngắm nghía, sửa chữa đôi chỗ để lột tả hết tình yêu rất khỉ đâu có kém gì người. Cô dăng những bức tranh ấy lên dây căng sẵn trên tường cho ánh sáng lọt vào. Quả là ánh sáng làm tôn thêm sức sống của tranh. Quỳnh thu dọn bút vẽ, mực và dụng cụ lại gọn ghẽ. Xong, cô đi chợ chiều chuẩn bị cơm nước.

Đinh đi đâu đã mấy ngày, về nhà thấy cửa khóa. Đinh tra khóa, cửa mở. Lọt vào mắt Đinh là những bức tranh treo thành dãy. Ánh sáng òa vào, tương phản hình ảnh những bức tranh. Sự sống được mở ra vươn hết sức mình, phơi phới trước thiên nhiên hòa hợp. Ngó quanh, Đinh gọi dõng dạc:
– Qu-uỳnh!
– …
– Ơ-ơi Quỳnh!
– ….
– Không trả lời à? Bỏ đi à?
Đinh quay ngoắt hầm hầm tức giận đến nhìn những bức tranh. “À! Mày dồn tiền vào những cái này phải không?” Đinh giơ tay toan xé. Nhưng dán mắt nhìn một lần nữa, “Á à… Bức vẽ trên giấy croqui! Ra nó vẽ!”. Chính nét vẽ của Quỳnh làm Đinh tức điên hơn. “ Bao thời gian nó đổ hết vào đây! À, vì cái lời nịnh hót lên hiệu trưởng, hiệu phó mà mày bày cái trò này để mua chuộc phải không?”. Đinh ngó ngiêng tìm kiếm. “ Tao sẽ cho biết tay tao!”. Đinh cúi lấy lọ mực viết màu đen, mở nắp, vảy dài một mảng đen ngòm, ngoe ngoét suốt cả mấy bức tranh. “ Hiệu trưởng này! Hiệu phó này!”. Đinh nhìn vào lọ thấy cặn mực sền sệt còn dưới đáy lọ. Đinh kéo tranh ngang ra dốc hết vào những nét vẽ nào còn chưa được phủ. Xong, Đinh sập cửa bỏ đi.
Quỳnh về nhà. Cô giật mình thấy cánh cửa khép hờ mà không thấy khóa. Cô bước vào nhà. Những bức tranh của cô không còn là tranh nữa. Một mảng đen nhem nhúa, tướp phủ cả những bức tranh giáo cụ trực quan mà cô đã dày công đầu tư suy nghĩ rồi cặm cụi vẽ, lột tả sự tiến hóa của sinh vật từ những giọt cô-a-sec-va đầu tiên cho đến loài người.
Quỳnh ngồi xụp xuống khóc rống lên. Ma quỷ nào đã vào làm trò đố kỵ này? Vừa khóc Quỳnh vừa kiểm tra xem có mất đồ đạc gì không để loại trừ kẻ gian manh đã ám hại cô. Tất cả đồ đạc còn nguyên. Chiếc khoá cửa để ở góc bàn. Vậy thì còn bàn tay của ai vào đây nữa chứ? Nước mắt Quỳnh không chảy nữa. Trong Quỳnh trỗi lên sự căm thù. Nhưng Đinh vẫn còn là chồng! Quỳnh chuyển hướng một cảm tình thương hại kẻ lưu manh, mang hồn kẻ ngu si gia trưởng. Bỗng cánh cửa bật bung đánh sầm. Đinh hầm hầm từ cửa vào ghế ngồi. Quỳnh ra nhà ngoài hỏi Đinh:
– Anh Đinh về bao giờ vậy?
– …
– Anh trông kìa! Kẻ khốn nạn nào đổ hết mực vào những bức tranh giáo cụ thế kia.
Đinh giữ bản mặt tím lịm:
– Tao đấy!
– Sao anh nỡ lòng ác ý với cả lớp đàn em, đàn con bé bỏng vậy? Anh ghen tức với cả sự cầu tiến của các em nhỏ ấy sao?
– A, mày giỏi. Mày nghe lời nịnh nọt để hòng chức hiệu trưởng hiệu phó chứ gì? Ừ, thì tao là thằng côn đồ, thằng lưu manh đấy. Nhưng tao vẫn là thằng chồng mày. Vậy mà mày dám bỉ mặt tao. Thích đeo cái danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Thích làm chức này chức nọ… để ỉa vào mặt thằng tao chứ gì! Tao lạ gì cái trò băng nhăng, ba láp ấy.
– Anh nói xong chưa? Đây là giáo cụ trực quan cho kỳ hội giảng nên tôi phải chuẩn bị kỹ càng.
Đinh cướp lời:
– Không hội giảng hội hè gì hết. Tao lạ gì cái trò đó. Tâng bốc
nhau lên rồi hít thơm cả cái rắm thối! Được tiếng thành tích vượt chỉ tiêu, có phong trào mạnh. Bóng bẩy lắm. Vài đứa hí hửng dậy giỏi nhưng còn cả một mớ thầy bà cần gì dạy. Cứ cho điểm cao vào rồi cho lên lớp tuốt, cho được cái thành tích 100%. Nhưng rốt cuộc bọn trẻ được gì? Cả một đống trẻ ranh ậm ạch như con vịt còi. Học lớp sáu, lớp bảy mà đọc không thông viết không thạo. Thì hội họp làm qué gì cho nó mất thời giờ?
Đến vua cũng thua thằng liều. Quỳnh lặng im không phải lần này mà đã lặng im từ lâu lắm. Cô đã chọn nghề dạy học nên bất luận là gì cũng phải giữ lấy. Cô không muốn sống làm cánh bèo trôi. Cũng không muốn sống èo ọt như thân dây leo bám. Không được là cổ thụ thì cũng phải là thứ cây cứng cáp. Dù có rụng lá mùa Thu thì Đông tàng cho mùa Xuân hoa trái sinh sôi! Cuộc đời Quỳnh lúc này như giữa bão táp phong ba ngay dưới chân mềm. Nhiều lúc Quỳnh muốn thoát ra khỏi sự níu bám rêu rong. Song Đinh đã là chồng. Mình nỡ bỏ mặc cái thể xác vật vờ nửa sống, nửa chết kia để thoát mình sao? Phải giữ đạo làm vợ chứ! Xung quanh mình, cả một mối ràng rịt. Sống không chỉ miếng ăn hàng ngày mà còn bao nhiêu mối quan hệ thân yêu cha mẹ, anh em, tình làng nghĩa xóm, bạn bè…
Quỳnh thầm nghĩ, tại sao lại im lặng mà tiếng nói của lẽ phải vẫn là công cụ gọt dũa ra hình hài tượng Phật! Hội giảng sắp đến ngày khai mạc. Hãy tạm đắp cái mền mỏng cho con bệnh lộ nguyên hình để đối chứng hạ dược tiếp theo.

Quỳnh chuẩn bị lên đường dự hội giảng. Cô chọn bộ quần áo được coi là mới hơn cả. Là thẳng thớm rồi treo vào mắc áo trong buồng. Chiều, Quỳnh vào buồng thì không còn thấy bộ quần áo đâu. Cô thẩn thơ tìm hết chỗ này chỗ kia. Cả ngoài vườn, cả hố rác cũng chẳng thấy. À, có thể dưới manh chiếu trải giường mình quên chưa lật. Quỳnh đang lúi húi lật xem đám mực tím Đinh đổ ngoe ngoét ướt lên tấm áo trắng, thì Đinh đóng sập, khóa cửa buồng. Quỳnh lung bung trong màu tối đen như mực. Có lẽ tới hàng giờ mà Đinh không chịu mở cửa cho cô ra. Dù cô hết van xin, kêu gào mở cửa. Dù nói rằng cho ra để đi vệ sinh thì cũng chỉ có một sự im lặng trả lời. Cho mãi khi Quỳnh đã mệt lử và dọa không cho ra thì sẽ thiêu cháy nhà. Và cô đã làm thật. Quỳnh cầm một cuốn sách vo tròn lại. Lần sờ được hộp diêm, cô bật đánh xòe. Ngọn lửa sáng trưng. Châm lửa vào giấy. Giấy khô bén lửa bốc đùng đùng. Cô vội dập. Làn khói cháy dở ùn lên. Cô lùa làn khói ra khe hở cửa buồng. Cô khẽ thổi cho lửa cháy nhon nhen để khói bốc ra ngoài.
Đinh nghé mắt nhòm làn khói từ trong buồng bay ra. Mùi khét lẹt xộc vào mũi. Anh ta sợ cháy nhà này khi anh ta đang có mặt nên vội vàng mở cửa. Không khí ùa vào. Ngọn lửa bùng lên ngay dưới chân Quỳnh. Cô lẳng lặng bước ra ngoài. Tiếng đe dọa vuốt theo:
– Tao thách mày. Thề có trời đất…Mày đừng có hòng ra khỏi cái nhà này mà hội với hè.

Quỳnh thấy mình không thể yên thân đi dự hội giảng. mà ngày khai mạc tới gần. Cũng không thể ai thay thế kịp. Cô đành phải nhờ đến Trưởng phòng Giáo dục can thiệp. Trưởng phòng đến nhờ cậy bố đẻ Đinh. Đinh nói:
– Cô ấy còn ốm lè ốm lẹt ra đấy. Hội giảng là việc nặng nề mất thời gian tốn công sức. Đi rồi mang cái xác lê lết về thì ai hứng chịu? Tôi hay phòng Giáo dục? Cô ấy phải ở nhà. Tôi lo bồi dưỡng cho cô ấy đã. – Đinh chém tay khẳng khái – Không có đi đâu hết.
Ông bố nói lời rất nghiêm túc:
– Anh định dỡn tôi đấy phải không? Anh bảo anh nuôi vợ hay vợ nuôi anh?
– Tôi đâu dám dỡn. Nhưng tôi tin vào sức của tôi. Tôi có việc
của tôi. Phải làm những việc lớn …chứ!
– Vậy thì anh đã làm những việc đáng kể gì? Hay anh bỏ dạy học theo đòi làm thơ? Văn là nhân. Toàn công việc dành cho những con người có đức, có tài, có mô phạm. Anh đừng tự huyễn hoặc mình. Không có nghề ngỗng bằng cấp thì làm nghề nông. Không có nghề nào xấu. Chỉ có con người lông bông lười biếng mới xấu. Nhàn cư vi bất thiện. Anh xem mình có thuộc loại nhàn cư không?
Đinh xổ ra cái cách nghĩ của mình:
– Mỗi người có một cách sống. Cũng có cách kiếm tiền riêng. Miễn là phải có nhiều tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Tôi không phải hạng người đi gõ đầu trẻ để nhặt từng hào.
– Chính đồng tiền nhỏ nhoi gõ đầu trẻ của vợ anh đấy, đã nuôi anh đói no từ bấy tới nay. Vợ anh từng xin bảo lãnh cho anh khỏi tù tội, là nhờ danh dự gõ đầu trẻ đấy. Tư duy của người gõ đầu trẻ rạch ròi điều hơn lẽ thiệt. Khuyên lo cho anh học nghề học nghiệp, để có điều kiện làm người công dân có ích. Thế mà anh bỏ ngoài tai hết. Đồng tiền làm ra từ sức mình mới quý, mới bền. Chứ kiếm tiền như của vớ được, thì chỉ là phù vân, bèo bọt. Nay nghề nghiệp chính đáng của vợ anh có dịp bồi bổ, nâng tay thì anh toan cố kéo tụt xuống, dìm sâu…
Đinh cắt ngang:
– Thề có trời đất biết. Tôi chỉ muốn chăm lo cho cô ấy khỏe.
Đinh tưởng không ai nhận ra kịch bản cũ mèm của mình. Ông bố cũng đã từng đi guốc trong bụng con trai, cũng biết tỏng cái trò ấy là gì. Đã đến lúc không chịu được nữa, ông phải xổ toẹt:
– Hừ, vợ anh thổ ra huyết nằm viện, suốt cả tháng anh chỉ len lén đến như một kẻ vụng trộm mấy phút đồng hồ. Còn nó phải điều dưỡng hàng tháng thì mặt mũi anh cất ở đâu? Một phút cũng không thấy. Vậy thì làm sao có thể tin lời ba hoa chích chòe nhằm sự chăm lo? Chẳng qua tính đố kỵ nhỏ nhen mà sinh cái giọng con nít lòe người. Dân làng người ta tinh tường lắm. Chẳng ai tin cái miệng lưỡi nông cạn, hời hợt. Nói ra xấu hổ lắm.
Đinh trợn mắt ngước nhìn, vặn lại:
– Chẳng lẽ tôi là thằng chồng sờ sờ ra đấy mà chẳng có chút quyền gì hử? Hay là cứ để cho nó vênh cái mặt giáo giới dậy đời? Muốn ỉa lên mặt thằng chồng lúc nào cũng được hay sao?
Lời đường mật bịp bợm nhằm cho một ý đồ xấu đã bị lột bỏ. Ông bố tức giận quát Đinh:
– Tôi là bố anh. Nói với anh làm điều hay lẽ phải mà anh không nghe thì anh có còn là con người hay là súc vật?

Trưởng phòng Giáo dục đang vờ ngắm bonsai trước sân vườn nghe thấy, sợ lè lưỡi, nói với Quỳnh:
– Để tôi vào kéo anh ta lại xem. Chứ cứ để anh ta chuyển dạng sinh vật, thì phí cả đời người.
Trưởng phòng vào nhà nói trước mặt ba người:
– Việc đồng chí Quỳnh tham dự Hội giảng đến giờ phút này đã mang tính pháp lý rồi, anh Đinh ạ. Chúng ta, những người công dân phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình. Chống lại luật pháp, sẽ bị pháp luật trừng trị đích đáng đấy.
Như con chim bị thương sợ cành cây cong, Đinh im lặng. Có một câu bông đùa, im lặng là tỏ sự đồng ý. Câu ấy bắt gặp ở đây.

Lên trước kỳ hội giảng được có ba ngày, nhưng mọi chuyện rồi cũng qua đi. Quỳnh đã bình tĩnh lại. Cô cố gắng truyền lại những điều cô đam mê đã trở thành kiến thức nghề nghiệp dành cho kỳ Hội giảng. Kết quả hội giảng lần này không xếp loại giỏi. Loại khá mà Quỳnh đạt, được đánh giá xuất sắc trong loại khá ấy.

.                                     CHƯƠNG 14
.
.                        CÁNH CHIM NON THA RÁC LÀM TỔ

.    Chiến cuộc miền Nam không còn thế yên tĩnh cài răng lược như trong những ngày trao trả tù binh nữa. Đó là sự di động của những chiếc răng có sức mạnh lan tỏa mở rộng từng vùng. Có những vùng thành huyện thành tỉnh mà ưu thế thuộc về Giải phóng quân. Vùng giải phóng thông thương dọc phía tây miền Nam, từ mũi Cà Mau đến Quảng Trị. Và hai bên vĩ tuyến 17 đã thành một giải nối liền. Sự chi viện chiến trường như nước vỡ bờ chuẩn bị cho chiến dịch mới…
Về tổ chức, các Binh đoàn được thành lập từ các Sư đoàn và Trung đoàn độc lập mà không để đơn lẻ. Nó sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, chỉ huy thống nhất kịp thời toàn diện hơn.
Sức chi viện đã bổ sung được một loạt vũ khí, khí tài phong phú và đầy đủ. Tạo ra sức mạnh lòng tin vào chiến thuật, kỹ thuật. Nâng cao tinh thần quyết tâm chiến thắng.
Quân Y viện của Quang không còn trực thuộc Mặt trận B5. Nó đã thành Quân Y viện tuyến một của một binh đoàn. Quân Y viện tuyến một phải giữ được tính năng cơ động, gọn nhẹ. Từng ban hoặc viện phải luôn luôn sẵn sàng khi cần. Phải xé lẻ chi viện cho tuyến trước ngay tiền duyên mặt trận. Chính vì tính cơ động này một số chiến sĩ tuổi già, sức khỏe yếu và cả các chiến sĩ nữ đã tham gia thời gian dài trong chiến trường cũng được chuyển về tuyến sau điều trị an dưỡng. Quân Y viện của Quang cũng nằm trong chủ trương này. Công việc của người lính luôn sẵn sàng và có lệnh là đi ngay. Vì thế chuyến tải thương chuyển ra bắc đợt này có cả nữ Y tá Phương Thảo.
Phương Thảo rất bàng hoàng khi nhận tin cô phải theo chuyến tải thương ra Bắc. Chuyện ra Bắc hay ở lại chiến trường chưa bao giờ Thảo nghĩ tới. Bởi vì cô là người năng nổ, hoạt bát, được việc. Sức khỏe Thảo đâu có đến nỗi nào? Mà sao thời gian khắc nghiệt vậy? Vài ba tiếng đồng hồ cho một lần tạm biệt chia xa với cô quả là ngắn ngủi. Cô thật sự không biết làm cái gì trước, cái gì sau và đến mức lúng túng chẳng biết làm gì. Đành rằng đời lính chiến là vô sản trừ cái đầu mình! Thảo tự hỏi điều gì đáng làm nhất lúc này? Thảo không biết hỏi ai hơn là người đưa lệnh:
– Bác sĩ Quang ơi sao tôi ra Bắc đột ngột thế?
– Chuyện chiến trường mà! Có người lính nào biết trước được điều gì! Bảo đi là đi! Bảo đánh là đánh…
– Mà sao thời gian gấp gáp làm vậy?
– Thảo à, cảm thông đi. Chiến trường, mệnh lệnh nào cũng là mệnh lệnh. Chính việc Thảo được lệnh, tôi nhận thì thời gian không dừng lại ở chỗ tôi giây phút nào cả. Thảo nhận ngay đấy.
– Bác sĩ Quang à. Tôi hỏi thật Trưởng ban nhé. Tôi có khuyết điểm gì hay phẩm chất, năng lực có gì khiếm khuyết mà lại phải đưa ra lúc này?
– Thảo ơi, chỉ là theo một chủ trương chung thôi.
Bấy lâu nay Thảo rất quý bác sĩ Quang nhưng hình như chưa có lần nào ngồi nói chuyện lâu hơn lần Thảo bị chất độc màu cam dội thẳng lên đầu. Lúc ấy, Quang đến như là thủ trưởng trực tiếp quan tâm thăm hỏi chiến sĩ lúc ốm đau bệnh tật. Thà cứ như thế cho nó xong đi. Đằng này, anh ta lại thả ra lời sao mà tha thiết thế. Xa nhà, ta là anh em. Đùm bọc, thương yêu, đoàn kết. Vui cùng chia. Buồn cùng sẻ. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ…! Bây giờ đây có con ngựa không đau mà phải rời tàu! Liệu có con ngựa nào bỏ cỏ? Chỉ có con ngựa rời tàu buồn bỏ cỏ là đã thấy ngay. Những gì là kỷ niệm chiến trường bùng lên như lửa. Không có thể nói với Ngọc, cũng chẳng kể lể với ai. Song có một người thì phải hỏi cho đến đầu đến đũa! Thảo quay lại hầm Quang lần nữa. Không thấy Quang. Nhân lượt đi, Thảo về lán trực chào tất cả. Quang ở đó. Quang đứng dậy tiễn chân Thảo. Cô nói nhỏ:
– Em xin gặp anh ít phút được không?
– Được chứ? Vào đây đi!
– Không đâu. Chuyện nói ở đây không tiện.
– Ừ, thì mời Thảo về hầm.
Hai người ngồi nói chuyện trước cửa hầm, nơi được gọi là bàn tiếp khách của Quang:
– Anh Quang ạ. Thời gian không còn nhiều nữa, anh em mình phải xa nhau. Xa cách này không biết đến bao giờ gặp lại. Có khi chỉ là lần cuối…
Quang vội ngăn:
– Đừng, đừng, Thảo! Đừng nói thế! Độc đấy.
– Không đâu. Đừng che đậy nó. Hãy để cho hình hài sự thật giữ nguyên hình. Chiến tranh còn tiếp diễn. Biết cái gì ở phía trước có thể xảy ra…
– Nhưng quả đất tròn mà, Thảo.
Thảo thấy Quang không dùng từ đồng chí. Vậy là anh ta đã bóc đi một lớp màn mỏng che đậy bấy nay. Nhưng cái từ “Thảo ạ”, “Thào này” có từ lúc nào? Hình như sau khi anh ta đi dự Hội nghị Ngoại khoa toàn quân về thì phải. Với công việc thì lầm lũi, chăm chỉ. Tính tình bỗng trầm tư, đóng kín. Mà lời thì dịu ngọt! Thật là mâu thuẫn. Mọi sự gợi mở đều được trả lời một câu như là một công thức “có gì đâu”. Mình cũng đã từ bỏ những ý nghĩ đeo bám bởi nó chẳng là gì. Nhưng trỗi dậy lòng cảm thương có lúc rộ lên ý tứ như là thương hại. Nay thì…:
– Anh Quang này, sống với anh, Thảo có lỗi với anh nhiều. Thảo thấy anh buồn mà không chia sẻ được gì. Bởi nhiều khi anh đóng kín quá.
– Ôi thế à Thảo? Anh có gì đâu!
Anh ta toan đóng cánh cửa này lại mất rồi. Nhưng ta cứ khẽ mở cho nó toang dần:
– Đấy Quang. Xa nhà, ta là anh em. Đùm bọc, thương yêu, đoàn kết. Vui cùng chia. Buồn cùng sẻ. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ…! Bây giờ đây có con ngựa không đau mà phải rời tàu buồn bỏ cỏ thì sao con ngựa khác lại đóng kín lòng?
Quang giật thót. Thì ra cái cô y tá Thảo này ghê gớm thật. Một con người không chỉ sống bằng hành động. Nội tâm sâu đọng thế là cùng. Câu mình nói có sâu sắc gì đâu mà lại có con người thuộc làu từng chữ. Mình là thằng con trai hời hợt. Quả thế. Có cái biết sơ sơ mình lờ đến vô tình. Có cái biết, lại vô tình không lắng lại. Vậy còn ở Thảo là gì?
– Thảo ạ. Ban ta vẫn dùm bọc, thương yêu đoàn kết đấy thôi.
– Đừng dối lòng mình Quang ạ. Bây giờ là lúc không thể giấu nhau. Hãy buông tha những cánh màn che khi nó vẫn khổ tâm làm cái nhiệm vụ phũ phàng. Thì dù bên trong nó là màu hồng hay màu đen đi nữa cũng đều là màu thật cả. Em không muốn cái ảo. Mang tấm áo đen mà cứ tưởng màu hồng. Em nói thẳng nhé: Lòng tốt của Quang đối với em, phía đằng sau còn có gì không?
– Thảo ạ. Nếu nói rằng không thì anh xấu hổ với chính mình. Quả là những lúc rung động nhất của con tim anh trước Thảo là thật. Bức màn mỏng mảnh kia đã dệt bằng những sợi dọc lòng tin của một người con gái anh yêu cộng với những sợi ngang chiến trường khói lửa. Cũng đúng thôi, tấm màn ấy là lý trí một thời…
– Còn bây giờ, sau phũ phàng nào đã dẫn anh đến một miền không còn hoa thơm cỏ lạ? Anh giam hãm chính mình trong cái cũi tù ngục phũ phàng ấy?
– Có gì đâu em!
– Đừng đóng sập cửa lòng mình. Anh nói đi. Chúng ta thật lòng với nhau đi. Vài tiếng đồng hồ nữa, chúng ta đã phải chia tay nhau rồi. Còn gì nữa đâu mà phải dối nhau! Độc ác mà làm gì? Một kỷ niệm đầu đời em không muốn để nó chết trong tù ngục. Chia sẻ là chắp cánh cho nó sức sống mà bay để tìm nơi hạnh phúc…
Thảo đã chạm vào lòng tự ái của Quang. Lời như là con dao mổ bụng. Nó rạch hết lớp này đến lớp khác da thịt của Quang. Những đường rạch lúc đầu chỉ thấy ghê người. Nhưng rồi nó rung chuyển cả hồn Quang trở về những gì Quang đã gặp trong hạnh phúc với người anh yêu dấu nhất trên đời. Hình như là Thảo đã khơi đúng và dòng chảy đã thoát ra, tuy nó ngập ngừng:
– Có gì đâu Thảo. Chuyện cũng đã qua rồi. Anh đã yêu người con gái. Cô ấy là bạn học của anh. Bọn anh yêu rất thật lòng, Thảo ạ. Thề thốt. Bịn rịn… Như chiến tranh đã từng xé nát các cặp tình yêu. Dĩ nhiên thôi cái xuân người con gái chỉ có một thời. Bây giờ cô ấy đã có một con. Vợ chồng cô ấy hạnh phúc lắm. Cũng là điều đáng mừng cho cô ấy.
– Anh vui hay anh mừng?
Quang che chắn lòng mình bằng lời lẽ ngụy biện:
– Mình xót xa nhận về đau khổ. Nhưng người mà mình yêu thương bị dập vùi, đau khổ chẳng lẽ mình lại vui sao?
Không cần nghĩ ngợi vòng vo. Thảo đưa lời thẳng thắn:
– Em, thì thế này Quang ạ. Nếu là em, người mà em yêu bằng cả lòng mình sẽ nguyện đợi đến già, dù có phải ở giá một đời.
– Nếu có tin được, thì trên đời cũng chỉ đếm đủ đốt bàn tay.
– Vậy mà anh, Quang ạ, Em đã tự dày vò em bao đêm dài mất ngủ. Em thương anh lắm! Thương hơn cả thương nỗi lòng mình. Em quý anh lắm. Quý hơn mọi thứ trên đời. Và em đã yêu! Yêu hơn cả con tim khối óc của mình, dù một tình yêu đơn phương, quạnh quẽ.
– Không phải thế đâu Thảo. Những lúc nghĩ về em, anh phải ghìm lòng vì anh mắc cỡ với người con gái anh yêu. Những hình ảnh và tất cả những gì về người con gái ấy cứ hiện lên mồn một, kéo anh về vòng tay đang dang rộng đợi chờ. Bây giờ, anh không còn người con gái ấy nữa. Nhưng mỗi một kỷ niệm đã là những dấu đóng chặt trong lòng. Thật khó ngày một ngày hai phai nhạt. Đôi khi nghĩ về em, anh vẫn như người mắc cỡ với chính mình. Như một kẻ đang bám tay vào phản bội!
Y tá Ngọc đeo trên vai cái ba-lô của Phương Thảo đi hướng về phía hầm Quang. Tiếng của Ngọc ý ới:
– Chị Thảo ơi. Người ta đang điểm danh chị kia kìa. Ôi em biết ngay mà! Mọi sự thay đổi là một sự buồn. Nhưng quả đất tròn, chị ơi. Đôi chim dù kiếm mồi xa, có bao giờ quên tổ…Cái tổ ấm cùng nhau mới chỉ là tha rác thì dù có gặp bão tố phong ba, cái tổ ấy cũng sẽ thành tổ ấm thôi mà. Chị chuẩn bị xong cả ở đây rồi chứ? Em mang đỡ sang đây này.
Thảo như đang ở thế giới nào vừa bay tới tinh cầu này:
– Chuẩn bị cái gì cơ?
Quang vui đùa, nhại lời của Ngọc:
– Chuẩn bị tổ ấm…
Ngọc như được hưởng ứng:
– Chị Thảo nghe kìa. Bác sĩ Quang nói chị về dọn cái tổ đi để anh về cho nó ấm.
– Ôi cám ơn Ngọc quá. Ngọc đem ba-lô của Thảo đến đây rồi à?
Ngọc cố nhai lại:
– Chị nghe rõ lời anh dặn dò rồi chứ. Cứ an tâm mà về dọn tổ, chờ anh về cho ấm!
Thảo lấy khăn tay thấm nước mắt. Cô phủi nhẹ vào vai Ngọc, trách yêu:
– Ngọc chỉ có vớ vẩn. Thôi, anh Quang? Em đi nhé!
Quang nói:
– Ừ, ta cùng đi ra chỗ tập trung.

Xe chuyển bánh rồi, Quang mới thấy lòng mình xao xác, chống chếnh thiếu đi cái gì đang có. Hơn là một sự chia tay, Quang man mác buồn. Một nỗi buồn không xác định. Quang chui vào hầm và nằm khườn trên sạp tre đâu khác nằm gai. Những chiếc lá khô làm chiếu rào rạo sực lên mùi đắng đót của rừng mỗi lúc trở mình gợi mở, thoáng nhắc về buồn, vui, đau, khổ. Hình ảnh Quỳnh trở về sao mà da diết thế, Quỳnh ơi! Em còn nhớ chúng ta, những ngày cùng mâm cơm đạm bạc, góp gạo thổi chung sau buổi học ôn mệt nhọc? Ngày chân trần cùng em trên đường lầy quanh huyện. Với cái bụng trong veo lép kẹp vẫn lê bước dạo tìm một dấu ấn ngọn nguồn trầm tích quê mình? Em có biết chăng anh đã đứng hàng giờ đợi em trước cổng trường em dậy, chỉ để được nhìn em, ngắm em sau giờ đứng trên bục giảng. Lúc ấy, anh thèm được nghe tiếng em, như thèm vị hương cam Hải Cát, Hải Đường! Những giờ phút thương yêu ở miền chân sóng có còn chút đượm lại trong em? Nhưng nay còn đâu? Đêm nay em ở đâu? Đang vui trong vòng tay cái thằng được gọi là chồng mà em yêu dấu?
Quang thở dài bần thần, chuyển sang miền anh vừa chợt đến, vào buổi sớm tinh sương thấm ướt. Một miền mà Thảo vừa thả anh ở đó, ra đi. À Thảo đã đến tới đâu rồi? Bánh xe đang gập ghềnh trên dốc đồi để về nơi em xuất phát….Ôi sao thật trớ trêu, cuộc đời này có thêm một người như Thảo. Thảo yêu mình như đến thế ư? Những sự giúp đỡ của Thảo với mình cứ tưởng như đã giúp bao nhiêu đồng đội tương tự trong lúc mình bận bịu không có thời gian. Đâu ngờ còn mang niềm riêng tư trong đó? Suốt cả những ngày chiến trường cùng Thảo, cô ta là trợ thủ đắc lực, giữ cho nhịp điệu cuộc mổ thực hiện trọn vẹn, tránh được bao sai sót có thể xảy ra. Thời chiến, công việc và công việc. Thời giờ dành cho riêng tư ít ỏi quá đi. Toàn viện chấp nhận nhịp điệu khẩn trương đó. Chấp nhận gian khổ thường xuyên đó. Tất cả hăm hở cuộc chiến chống Mỹ. Quên đi những gì gọi là của riêng mình được dùng bằng câu Tất cả hy sinh cho Tổ Quốc. Quang trong dòng chảy đó. Nhiều lúc anh quên chính mình. Quên cho công việc đã đành, nhưng quên đi cả những người, đáng ra Quang phải quan tâm. Nhiều lúc Quang chỉ biết huy động cho công việc mà anh quên đi điều đáng lẽ anh phải tạo cho sức lực để thực hiện công việc đang cần. Ừ thì bảo Quỳnh xa, anh không với tới. Nhưng chính người bên cạnh, anh đâu đã biết tâm tư tình cảm của họ là gì. Thảo đã là người bị anh quên trong cái quên chung ấy. Bây giờ thì, Thảo đã xa rồi…

Bánh xe chuyển thương trong đó có Phương Thảo từ từ dừng bên bờ thượng nguồn sông Bến Hải. Mọi người xuống xe hết. Chỉ có mình Thảo ngồi trên xe đuổi theo nghĩ suy của cô. Từ khi Thảo lên xe, đầu óc Thảo đặt hết cả vào Quang. À thì ra lớp vỏ bọc mỏng mảnh đã vén lên, sau lớp màn the ấy cũng sôi động lắm. Tình yêu của Quang với cô giáo Quỳnh nào ấy thật là sâu nặng. Cái sắc của Quỳnh được mệnh danh là hoa khôi ấy đủ thành sóng làm Quang đến mức khuynh thành, đau khổ. Đau đến mức tính tình anh ta thay đổi hẳn. Khi để vuột khỏi tay thì cũng là điều dễ hiểu thôi mà. Song Quang cũng đã vượt lên trên đau khổ bằng cách lao vào công việc. Anh quên đi chính mình thì đây có phải là chàng trai dũng cảm? Hay nó đã để lộ hoàn toàn bản năng yếu đuối của thằng con trai không tự mình đứng nổi, phải tìm điểm tựa mới được yên thân? Trên đời này có cái gì không tựa vào nhau để sống? Mỗi một sinh vật kia cũng phải cộng hưởng trong một môi trường sinh thái nhất định mà. Sự mất cân bằng sinh thái là khởi đầu cho một rối loạn và khởi sự chiến tranh là thế.
Những ngày sống bên Quang, làm trợ thủ cho Quang, mình rút ra một kết luận. Nếu mình đưa dụng cụ sai trình tự mổ thì quy trình thao tác ấy cũng sẽ lúng túng dễ chừng đến sai sót. Cho nên Quang luôn luôn chọn mình là vậy chăng? Mình thuộc từng thao tác của Quang mà thật sự không hiểu lòng anh ấy. Rõ ràng Quang đang cần mình và đang hướng về mình. Kíp mổ thiếu một sự vận hành đồng bộ như bước chân tập tễnh khó lòng đến đích an toàn. Thảo đi rồi, thì tay dao của anh sẽ ra sao? Đồng đội của anh đấy, đồng đội của chúng ta đấy sẽ bị đau đớn, thiệt thòi! Không! Không! Quang phải có được đường dao thẳng thớm, dứt khoát. Bàn tay anh phải nhẹ nhàng như bàn tay Bụt và mát lành như bàn tay Thánh Kitô trước mỗi sinh linh. Ta cũng phải vì mỗi sinh linh mà phải đến với kíp mổ. Mình phải đến cho bàn tay Quang vững vàng. Cho nỗi đau thương binh, những đồng đội dũng cảm của mình không phải chịu thêm đau đớn, không phải mất mát thêm máu, thêm da…

Người chiến sĩ lái xe ô tô ngoái đầu ra ngoài cabin. Anh ta xuống xe vươn vai tìm sự thoải mái và ngước nhìn lên thùng xe:
– Đồng chí gì ơi xuống xe đi. Xuống đi cho xe chuẩn bị vượt sông.
– …
Thấy Thảo vẫn ngồi yên và cũng chẳng trả lời, đồng chí lái xe nhắc nhở:
– Này đồng chí gì không xuống thì ngồi yên mà bám cho chắc nhé. Qua suối, xe chòng chành lắm đấy.
Tiếng nói lần thứ hai, Thảo mới cảm nhận được đồng chí lái xe nhắc nhở mình nên Thảo cầm ba-lô đeo lên một vai và từ từ bước khỏi ô tô.
Con sông Bến Hải vùng thượng nguồn rất hẹp. Lòng suối chỉ một nền sỏi không rõ độ dày. Nước trong vắt có thể soi gương và dòng chảy mạnh đều như suối. Thảo cứ để quần thế lội xuống. Một cảm giác lạnh rờn rợn ập đến từ chân, lan tỏa khắp người và lan lên tận ót. Thảo không tiếp tục bước nữa dù suối chỉ sâu không thể ngập quá đầu gối. Chỉ mươi sải tay thôi là chạm vào phía bắc bờ sông, chạm vào mảnh đất Xã hội chủ nghĩa. Thảo đứng đấy như trời trồng. Xe cũng đã qua sông. Xa xa phía bắc bờ sông nối tiếp là con đường nhỏ rải đá, ô tô vẫn đi lại được. Đoàn quân đã đi xa bờ, chỉ còn lại vài người lẻ tẻ như có ý định chờ xe.
Thảo quyết định quay trở lại đơn vị, trở lại chiến trường. Thế là Thảo cứ lững thững quay ngược trở lại theo con đường mòn mà những vết xe vừa mới lăn qua.
Đoàn chiến sĩ quân Giải phóng ra Bắc trên chuyến này đã lên xe hết cả. Đồng chí lái xe nhắc nhở, như sau mỗi lần nghỉ:
– Các đồng chí kiểm xem có thiếu ai không?
Nói xong, đồng chí lái xe ập cửa cabin lại và xe tiếp tục chuyển bánh. Như vậy, danh nghĩa, xe đang lăn bánh trên mảnh đất Xã hội chủ nghĩa. Trong tâm tưởng mỗi người đều thấy an tâm hơn vì đi trên đất của mình. Tấm lòng họ cũng cởi mở hơn thì phải. Bùng lên tiếng reo hò. Và bùng lên tiếng hát trên thùng xe trần trụi. Bỗng có tiếng đập vào cabin xe, miệng toáng lên:
– Thiếu, thiếu người.
– Thiếu người rồi, đồng chí lái xe ơi!
Xe dừng lại. Đồng chí lái xe xuống khỏi cabin, cằn nhằn:
– Nhắc nhở rồi. Thiếu là sao?
Sau một lúc xôn xao kiểm người, đồng chí đoàn trưởng được giao trong chuyến đi, sờ tay vào túi đeo ngang trước bụng bằng vải bạt xanh lá cây, như chiếc túi đựng đồ của thương lái. Anh lấy ra tờ giấy, miệng nói:
– Có ai biết thiếu ai?
Một đồng chí ngồi bên lên tiếng:
– Có. Đồng chí nữ ngồi lỗ ni. Chừ nỏ trộ mô.
– Sao giờ mới nói?
– Nãy chừ mải vui. Quên!
– Tên đồng chí ấy là gì? Có biết ở đơn vị nào chuyển không?
– Nỏ biết.
– Vậy thì bây giờ các đồng chí chú ý yên lặng. Tôi điểm danh.
Điểm danh xong, đồng chí đoàn trưởng nói:
– Vậy ra… tên đồng chí ấy là Thảo. Phương Thảo. Người của Quân Y viện 19…Các đồng chí nhớ nhé!
– Rõ!
– Rõ!
Lái xe bổ sung thêm:
– Tôi thấy một đồng chí nữ ngồi mãi trên thùng trước khi vượt sông. Nhưng khi vượt thì không thấy đồng chí ấy đâu. Có thể vẫn còn ở vùng sông…
Đồng chí trưởng đoàn đề nghị
– Chúng ta quay xe lại khu vực sông Bến Hải để tìm. Có khả năng đồng chí ấy mắc vệ sinh chưa kịp lên. Cũng có thể lên cơn sốt mà ghé lại. Nhưng dù sao không thể để mất người mà không có lý do xác đáng.
Xe dừng ở bờ bắc sông Bến Hải. Các chiến sĩ trên xe, ai nấy đều lo lắng cho số phận của Thảo. Họ lang thang men theo cả các lối mòn vào rừng. Một toán có đồng chí trưởng đoàn cùng đi ngược mãi, ngược mãi theo trục đường họ đã đi. Cho tới gần trạm nghỉ dọc đường giao liên, mới thấy được bóng một nữ quân nhân ung dung đi hướng vào Nam. Tiếp cận, trưởng đoàn hồ hởi xác định:
– Đồng chí Thảo phải không? Không kịp xe à. Cho chúng tôi xin lỗi đồng chí nhá. Bây giờ may mắn quá rồi, vui quá rồi. Ta ngược ra về xe đi, đồng chí Thảo. Anh em đang chờ ở ngay bờ sông kia.
Dáng vẻ Phương Thảo không mệt mỏi lắm dù cô đi bộ dưới nắng khá lâu. Mặt đỏ cờ đỏ cẫng. Lời vẫn rắn rỏi:
– Tôi không có ra Bắc đâu. Tôi trở về đơn vị của tôi thôi.
– Ồ kìa, đồng chí Thảo. Đồng chí được đơn vị cử ra Bắc mà. Chúng tôi có bắt đồng chí ra đâu. Song bây giờ, người lính trong quân ngũ, phải chịu lệnh chỉ huy. Đó là mệnh lệnh chiến trường.
Thảo cố năn nỉ:
– Nhưng tôi xin ở lại chiến trường tiếp tục công tác. Tôi không là kẻ đào ngũ. Tôi không phải là kẻ phản bội Tổ Quốc, làm kẻ chiêu hồi…
– Nhưng thế này đồng chí ạ. Hiện đồng chí đang thuộc đường dây liên lạc chứ không còn là người của quân y viện. Lý lịch của đồng chí, chúng tôi giữ cả đây mà.
– Báo cáo đồng chí. Tôi đi vào Nam chiến đấu, cũng có cần chọn lý lịch gì đâu. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Tôi đi là như thế. Chiến tranh còn, tôi đi. Bây giờ, giữa đường, tôi mệt. Tôi xin ở lại tại trạm này rồi có xe vào, tôi tìm về đơn vị cũ của tôi.
– Họ không nhận lại đồng chí đâu.
– Quân Y viện tôi không nhận, tôi sẵn sàng đi sang đơn vị khác. Miễn là được chiến đấu, công tác ở nơi còn giặc!
Thuyết phục mãi, đồng chí trưởng đoàn đưa ra sáng kiến:
– Bây giờ thế này đồng chí Thảo ạ. Đồng chí an tâm đi. Ra binh trạm tới, tôi sẽ giao đồng chí lại để đồng chí trở lại chiến trường. Vì ở đây chỉ gọi là trạm tạm dừng chân, không có bếp nuôi quân, không có quân y chăm sóc sức khỏe, không cả chỗ ngủ. Trốn về Bắc mới khó, chứ xin trở lại chiến trường là điều đáng trân trọng. Quân đội giơ cả hai tay hoan ngênh, đồng chí..
– Nhưng tôi là chiến sĩ Giải phóng quân! Giường của tôi, mái nhà của tôi đều trong chiếc ba-lô trên vai này.
Nhìn Thảo, mồ hôi chảy ướt. Tóc bết lại trên trán. Mặt đã đỏ rảu, lộ rõ mệt nhọc. Trưởng đoàn thấy vậy nói:
– Đứng dưới nắng chang chang thế này đồng chí đã mệt rồi đấy. Tôi sẽ gọi quân y đến đưa thuốc tăng cường sức khỏe để đồng chí tiếp tục hành trình tốt hơn. Nếu ở đây lỡ gặp bất trắc gì thì lấy xe cứu thương ở đâu ra. Còn nếu đi được tới trạm thì sẽ có quân y đoàn. Đồng chí đồng ý chứ?
Lời Thảo thành khẩn, chân tình:
– Tôi không đến nỗi không đi được. Nhưng tôi có một lời đề nghị cuối cùng: Hãy để tôi lại. Tôi ở lại chiến trường miền Nam này, dù gian khổ, hy sinh. Nhưng đó là chỗ của tôi.
Đồng chí quân y hộ tống, đoàn tới hỏi Thảo:
– Đồng chí có sốt không?
– Không!
– Có đau bụng, đau đầu, ho hay có gì khác lạ trong người?
– Tôi nói là tôi chẳng sao cả.
Trưởng đoàn giải thích:
– Đồng chí thấy đấy. Ở đây mọi mệnh lệnh quân sự không có quyền quyết định cho đồng chí ở lại chiến trường. Quyền quyết định đó ít ra cũng phải là Binh Trạm. Vậy thì mời đồng chí lên xe ta tiếp tục hành quân về binh trạm mới ở Vĩnh Linh ngay kia thôi. Đồng chí lên cabin kia… Đừng làm khó cho chúng tôi, đồng chí ạ!
Ngần ngừ một lúc Thảo dõng dạc nghe lệnh:
– Rõ!
Sau năm 1973, Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam bằng ngụy quyền Sài Gòn cộng với vũ khí Mỹ tối tân và hiện đại. Song dù tối tân ghiện đại cũng không thể khuất phục được lòng người dân Việt Nam yêu Tổ Quốc. Sự hỗ trợ bằng máy bay phản lực hiện đại Mỹ và hạm pháo từ biển Thái Bình Dương chỉ chứng tỏ Mỹ không có khả năng giành ưu thế chiến trường. Trên thực tế, lực lượng quân ngụy mất dần từng phần đất lớn núi rừng. Bị co cụm lại ở từng chốt nhỏ nhoi chúng còn cố giữ.
Đột phá, giải phóng toàn tỉnh Phước Long ngày 6 tháng Giêng năm 1975. Và khi Buôn Mê Thuột thất thủ thì ngụy quyền lâm vào thế bị động hoàn toàn. Kế hoạch tùy nghi di tản là tối sách của ngụy quyền Sài Gòn lệnh cho quan lính thất trận vốn rệu rã càng hoảng sợ loang nhanh. Một làn sóng hoang mang thất trận như màn đen bao phủ lên binh lính Sài Gòn hoảng loạn, tùy nghi bỏ trốn. Thế giặc lung lay đến tận gốc. Tháng Ba với quân ngụy là tháng thảm bại với sự liên tiếp thất thủ thành Huế ngày hăm sáu và Đà Nẵng ngày hăm chín vừa rồi. Quân ngụy đành quyết tử thủ Sài Gòn. Một mặt điều binh tạo ra hàng rào thép từ xa. Cố lấy lại tư tưởng quyết chiến bằng cách tung ra dư luận về một cuộc tắm máu sẽ xảy ra tại thành đô, một khi cộng sản tràn vào.
Khí thế chiến thắng của ta, tạo ra một sức mạnh vô song. Từ ngày 28-1-1973 Quân Giải phóng có nửa đất nước phía tây. Nay lại bóc dần từng dải đất ngụy chiếm, tạo ra vùng giải phóng liền từ sông Bến Hải trở vào. Những cuộc quân hành thần tốc của các binh đoàn về phía nam ngày càng khẩn trương gấp gáp.
Quang cùng Quân Y viện của anh trong khí thế hành quân ấy. Những ngày vừa đi vừa đánh, từng vùng đất giải phóng được mở rộng dễ dàng. Nhưng ngay ở mặt trận Xuân Lộc, cửa ngõ Quốc lộ Một vào Sài Gòn như là hỏa lực cuộc chiến dồn vào đây. Theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy tiền phương, Quân Y viện của Quang phải cử kíp phẫu thuật bám sát ngay tiền duyên phục vụ cho chiến đấu. mà Quang là kíp trưởng. Mấy ngày qua, anh cùng kíp phẫu đã giải quyết nhanh chóng cấp cứu đầu tiên ngăn chặn cái chết của đồng đội có thể xảy ra để chuyển về tuyến sau.
Sự cố thủ của địch tạo ra huyết chiến ở đây không ngăn cản được sức vũ bão quân giải phóng. Chúng đã hùa dân ra tạo dựng hàng rào thịt để cản đường. Những người dân lành hôm trước bị thương cũng đã được cấp cứu tại trạm cấp cứu của Quang. Tuy vậy, bước tiến của Quân Giải phóng có bị chậm lại chứ không thể bị dừng. Hàng rào tử thủ bị phá toang. Chúng đã phải rút chạy. Kíp phẫu thuật của Quang cũng đã được lệnh xuất phát cùng binh đoàn chọc thẳng Sài thành.
Song để ngăn chặn bước tiến Quân giải phóng, ngụy quyền Sài Gòn đã cố tình tạo làn mưa bão pháo xuống vùng Xuân Lộc. Bỗng phía trước mắt Quang, qua khe cửa hầm chữ A, một em bé lơ ngơ đang bước chuệnh choạng trong khói lửa, khóc gào tìm mẹ. Xung quanh là vùng mênh mang chỉ có bão đạn, mưa bom. Tìm đâu ra mẹ của em? Hay chính làn pháo kia đã ghìm bước chân mẹ em lại vĩnh viễn chẳng bao giờ có thể đứng dậy trở về? Quang rất lo cho tính mạng của bé. Anh đã nhanh chóng nhoài người ra khỏi hầm và trườn lên mặt đường hào cứu bé. Ôm được trọn bé xuống hào, Quang xoay người để nhào tiếp xuống thì sức trái pháo nổ phía gần nơi bé khóc đã hất tung anh. Vết thương vào phần nửa người dưới của anh làm máu chảy bê bết áo, quần. Thế là nhiệm vụ của Quang phải dừng lại ở đây. Anh phải cấp cứu rồi chuyển vào một viện Quân Y để được điều trị tiếp. Vết thương mất nhiều máu làm Quang choáng váng sốt li bì. Khi mở mắt ra thì trước mặt anh cả một rừng cờ tung bay phấp phới. Sài Gòn giải phóng rồi!
Giữa niềm vui đất nước tràn ngập cờ hoa, tiếng hát tiếng cười, Quang lại nằm bẹp dí tại chỗ với những vết đau cơ thể. Hình như những lúc như thế này làm cho con người ta dễ mủi lòng thì phải. Quang nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ thày mẹ. Nhưng nỗi nhớ sâu thẳm luôn ập đến là Quỳnh. Quỳnh trong lòng Quang đã từng đâm chồi bám rễ tươi xanh. Quang đã từng tưới tắm và mong chờ cho ngày ra hoa kết trái. Nhưng bây giờ Quỳnh đang trong vòng tay hạnh phúc của người khác, thì Quang càng thấy mủi lòng hơn. Quang đã cố xua đi những hình ảnh Quỳnh khắc sâu trong con tim mình. Song thế, như lại càng khắc sâu hơn, tô cho cái sắc màu đen dù ở nhiều giác độ, vẫn đậm hơn mọi sắc màu sáng sủa. Nhiều lúc, Quang thay vào chỗ đó hình ảnh Thảo. Mà đáng tiếc, khuôn hình ấy không vừa. Quang cố ngắm nhìn, song càng nhìn càng thấy nó vênh váo. Một sắc màu bàng bạc không thể nào xóa mờ bóng hình Quỳnh lẩn vào trong máu, trong tim.
Xung quanh Quang, đồng đội đã có người được về nhà sau chiến tranh cách trở. Họ về với một cơ thể sống. Mặc dù ai đó, có người đã gửi lại chiến trường một phần xương thịt của mình. Song ở họ có nhiều hy vọng làm tiếp nhiệm vụ xây dựng gia đình, xây tổ ấm của những đôi chồng vợ và những chú chim non.
Nhưng vết thương ở Quang mới tai ác làm sao. Nó chạm vào và làm nát bộ phận không hề có một ai là không muốn tránh.
Quang trở về đơn vị của mình. Anh thấy gương mặt nào cũng thoải mái rạng rỡ sức sống tươi xanh sau một đợt về nhà. Nhưng với Quang thì câu trả lời còn nhẹ hơn cả lông hồng:
– Các đồng chí cứ về thăm gia đình. Tôi sẽ sẵn sàng thay thế giữ gôn cho.

TỐ HOÀI.HƯƠNG NHU

 

BÌNH LUẬN