Ký ức MIỀN CHÂN SÓNG
. Tiểu thuyết
. của
. Hương Nhu & Tố Hoài
CHƯƠNG 15
. VẢI THƯA BỊT MẮT THỎ NON
. Quỳnh nhận chủ nhiệm một lớp cuối cấp nên rất bận rộn. Cô muốn chuẩn bị cho các em ngay từ đầu năm học phải ôn lại, bổ sung những khiếm khuyết về kiến thức cho từng học sinh. Cũng là để đạt chỉ tiêu 100% học sinh tốt nghiệp môn chính cô dậy năm nay. Vì vậy, hôm nào cô cũng phải về muộn.
Không khí về cuối năm se se lạnh. Bầu trời ảm đạm thấp dần kéo ban ngày ngắn lại. Màn đen buông nhanh như lật bàn tay. Thành ra bữa cơm chiều của Quỳnh vô tình chuyển sang đêm. Đang loay hoay nấu cơm thì người hàng xóm tới nói nhỏ:
– Tôi sang nhà cô. Thoáng thấy một người phụ nữ ở ngõ. Thấy tôi, cái bóng ấy trốn lép sau bụi cây hàng rào sau nhà. Tôi vờ ra ngoài. Chờ. Rồi vào. Lại thấy cái bóng ấy trốn… mất. Tôi nghi có gì gian gian. Tôi vào báo cô chú biết.
Quỳnh hốt hoảng:
– Anh chờ tí.
Quỳnh đến chỗ giường chồng đang nằm ềnh trên đó nói để ra ngoài theo dõi xem sao. Dạo này sức khỏe Đinh yếu đi. Ăn uống thất thường. Bệnh tiêu hóa nẩy sinh dây dưa mãi làm Đinh xục xoạng cả đêm. Vì có người hàng xóm sang báo nên Đinh mới uể oải ra phía hồi nhà xem sự thể. Anh hàng xóm men theo tường sang phía bên kia. Như một chiến sĩ trinh sát, lợi dụng góc tường khuất, nhanh như sóc, anh xông ra chộp lấy tay đối tượng. Bằng miếng võ thuần thục, anh bẻ quặt tay kẻ tình nghi ra phía sau lưng. Kẻ gian không hề chống cự. Nhưng vốn tinh thần cảnh giác cao, anh luồn bẻ nốt tay còn lại của kẻ gian quặt về sau một cách dễ dàng. Anh đẩy kẻ gian vào phía sân nhà Quỳnh. Người phụ nữ ngoài ba chục tuổi mặc áo veston nhung đỏ. Mái tóc sấy xoăn thả bông trước trán trông ra dáng con người tử tế, vẻ rụt rè. Trước mặt Quỳnh, anh tỏ rõ chiến công:
– Cô xem này. Người trông thì xinh xắn. Ăn mặc thì lịch sự. Mà lại giở trò ăn trộm.
Quỳnh thấy sự việc xẩy ra quá nhanh nên rất bỡ ngỡ, bán tín, bán nghi hành động của người phụ nữ:
– Mà sao lại ăn trộm? Trộm cắp cái gì?
Đinh lò dò ở góc nhà phía bên kia về. Anh ta đã nhận ra bóng dáng người phụ nữ này là ai nên lẻn ngay vào trong nhà. Vời Quỳnh vào nhà, Đinh tẩm giọng đường mật:
– Em dẫn cô này ra nhà bác Thúy cho cô ta ngủ nhờ đêm nay vì bác ấy ở nhà một mình. Sáng mai cô ta đi sớm. Bảo anh không có nhà.
Lời Đinh không khó nhận ra sự mờ ám từ lâu. Giờ mới lộ diện. Quỳnh không lạ lùng những việc Đinh đã làm tương tự. Lòa yếm thắm, sao lòa được trôn kim! Song, cô muốn xem lời thằng Cuội khôn đến chừng nào:
– Sao anh biết cô ta? Mà việc gì phải làm vậy?
Đinh hạ cái âm mềm như bún. Thả giọng cho hết sức thật thà tha thiết:
– Thề có trời đất biết. Lâu rồi, anh có quen cô ta trên chuyến tàu Nam Định-Hà Nội. Cô ấy nhờ anh mua mấy thứ. Chắc bây giờ đến để hỏi chăng?
Linh tính phụ nữ giúp Quỳnh phán đoán ra cả điều gì nữa. Cô ra sân đứng bên người phụ nữ. Còn anh hàng xóm ngoài sân cũng không ngớt lời tra hỏi, xoắn vặn. Đinh cũng nghe rõ mồn một lời oang oang của anh trinh sát trước tù binh của anh. Người phụ nữ xấu hổ. Mặt cứ cúi gằm. Nước mắt dàn dụa. Tiếng cô lí nhí, không của lời sám hối mà giọng mang sắc thái khổ đau hoạn nạn nhiều hơn. Có lẽ Đinh muốn bịt kín sự việc trước những câu trả lời khui ra sự thật sắp vỡ tanh bành. Đinh đành phải xuất đầu lộ diện mà bước ra sân. Như là giải thoát cho người phụ nữ, mà chính để giải thoát cho mình:
– Anh ạ. Đây là người quen của em. Anh để em nói chuyện với cô ta.
Người đàn ông òa vỡ nửa sự thật hiện diện. Anh ta ân hận trước hành động đã rồi của mình:
– Thế mà chú không bảo tôi từ trước. Thành thử tôi đã quá đà bẻ tay mấy cái… hơi đau.
Lời Quỳnh:
– Cám ơn bác. Xin bác thông cảm. Cũng là sự hiểu lầm.
Anh ta ra về. Chính anh xấu hổ với việc anh làm thì ít mà anh lại xấu hổ với thái độ xử sự của Đinh thì nhiều. Đinh vừa lộ ra chân tướng không đơn thuần thiếu minh bạch. Có thể Đinh đã mắc tội dụ con nhà lành vào vòng tội lỗi… Quỳnh cũng muốn biết sự việc rõ ràng. Song Đinh đã xui gửi cô gái này đi. Vô tình đã tạo cho Quỳnh có thể khui ra điều ám muội. Ra tới ngõ cô gái òa khóc, nức nở:
– Chị ơi, em đau khổ quá chị ơi!
– Ừ, tên em là gì nhỉ?
– Đào. Tên em là Đào chị ạ.
– Đào này. Có điều gì oan trái, em cứ kể chị nghe. Cùng cánh đàn bà mà. May ra chị có giúp được gì em không?
– Chị ơi, sao chị không tát vào mặt em mấy cái. Sao chị không nhổ nước bọt vào mặt em như người ta vẫn thường làm? Đằng này không những chị không làm như thế, lại còn tốt với em thế này, làm em xấu hổ quá. Em không xứng đáng để được chị quan tâm.
– Chị nói rồi. Chúng mình đều là phận đàn bà cả. Thế này đi. Hai chị em mình rẽ vào nhà mẫu giáo kia, tâm sự chốc lát nhé.
– Vâng ạ.
Tìm được chỗ kín đáo thoáng mát rồi, hai chị em ngồi xuống. Đào cứ nức nở mãi mới cất được tiếng, nghẹn ngào:
– Cách đây khoảng hơn năm. Em sang thăm người bạn bán thuốc ở cửa hàng dược của huyện. Vì trước đó em cũng là nhân viên bán thuốc ở đấy. Tình cờ gặp anh Đinh đến mua thuốc. Ít câu xã giao, anh Đinh mời em đi uống nước rồi vào ăn cơm ở một quán ăn được gọi là sang của huyện. Em nhận lời. Anh Đinh hẹn sáng mai ở nhà đón anh tới. Không ngờ anh ta tới thật. Suốt ngày hôm đó Đinh ở lại quanh quẩn, quấn quýt bên em và kế cho em nghe một chuyện đau lòng. Đinh thề với trời đất, vợ anh đi ngoại tình. Anh mới li dị cách đây ba tháng. Bây giờ anh đang làm nốt số thủ tục, giấy tờ để chuyển vào Vũng Tàu làm việc.
Quỳnh hỏi:
– Thế em ở nhà một mình à? Gia đình đi đâu hết cả?
– Bố mẹ em mất rồi. Các anh các chị ở riêng nên còn mỗi mình em thôi. Em chân thật trả lời anh Đinh như thế. Đinh hồ hởi bắt đúng nhịp đập tim em. Sao em kén thế, không chọn một người tâm đầu ý hợp? Biết sao được, số phận mà anh! Đinh ghé sát vào em giọng thật ngọt ngào âu yếm. Vậy thì anh may mắn rồi. Đúng là ông trời xui khiến cho anh được gặp em. Nếu em không chê anh thì thề có trời đất, nguyện suốt đời bên em để được hầu hạ, chăm sóc em tới khi đầu bạc răng long.
– Ôi em cũng cả tin mà không nhận ra những lời bán vịt trời ấy?
– Chị ơi nghe Đinh nói em cũng nửa tin nửa ngờ. Nhưng động tác thả bẫy chuyên nghiệp quá. Em dại khờ nên chỉ cần miếng vải thưa cũng dễ dàng che mắt thỏ non. Mù quáng tin ngay anh ta là người đàng hoàng tử tế. Hôm ấy ngay sau bữa cơm chiều, Đinh nói dẫn anh ta ra gặp Trưởng Công an xã để trình giấy chứng minh và giấy tờ tùy thân khác. Em ngỡ ngàng, để làm gì anh? Cứ đi với anh rồi khắc biết. Anh ta nói với công an xã rằng, tôi là Đinh, bạn thân của cô Đào. Hiện chúng tôi đang tìm hiểu nhau để đi đến kết hôn. Tối nay tôi ngủ tại nhà cô Đào nên ra báo cáo và trình giấy trước đồng chí. Trưởng Công an ngạc nhiên hỏi, có đúng thế không cô Đào? Em bị dồn vào thế đã rồi. Vì bảo vệ danh dự cho cả hai, nên đành liều lĩnh trả lời, vâng ạ. Và rồi tối hôm đó cùng nhiều tối hôm khác sau nữa, Đinh bám riết lấy em chung chạ như vợ chồng. Ít ngày nữa Đinh thề thốt: Thề có trời đất biết, anh hứa với em, anh sẽ vào Vũng Tàu trước, thu xếp việc làm, chỗ ăn chỗ ở ổn định rồi anh sẽ đón em vào ta ở với nhau. Tiếp đến là màn kịch mượn tiền. Đinh cố tạo ra vẻ ngần ngại, làm cao, khoét lòng tin của em. Nói ra ngại lắm vì anh chưa mượn tiền ai thế bao giờ. Phải bấu víu vào em, điều anh không muốn. Em thật thà, tiền mặt em gửi ngân hàng cả rồi. Muốn rút, phải báo trước thời gian mới rút được. Em chỉ còn khoảng một cây vàng, đang giữ đây. Anh cầm tạm mà lo công việc.
Quỳnh thăm dò:
– Vậy là em phải bớt một phần vốn của em ra rồi?
– Em dốc tất cả những gì đang có trong người. Đó là sự tằn tiện dành dụm suốt đời người của bố mẹ em. Là mồ hôi nước mắt nửa cuộc đời em, chị ạ. Từ đó Đinh mất hút con lươn đực. Em đã thăm dò manh mối, nhờ vả, nhắn tin. Nhưng bặt vô âm tín. Em cay đắng nhận ra sự thật. Mình quá dại khờ bị kẻ lưu manh lừa gạt. Như thế chỉ còn bắc thang lên hỏi ông trời…
Bỗng Đào rống lên tức tưởi ra chiều đau khổ lắm:
– Em thấy trong người nhiều sự khác lạ. Em ngỡ có thai với hắn. Khi đi thử máu mới phát hiện ra em bị nhiễm HIV. Lúc ấy em chỉ muốn gặp thằng khốn nạn ấy mà phỉ nhổ vào mặt nó, tát vào mặt nó cho hả dạ. Rồi em đã dồn tất cả tiền vào thuốc chữa trị. Nhưng chẳng thấm vào đâu. Giờ tiền hết, tật vẫn mang. Em phải ghìm nỗi ê chề đau khổ lại tìm đến hắn. Định nịnh nọt van nài hắn trả lại cho em được chút nào hay chút nấy để hòng còn chữa bệnh. Chị có cảm thông được em không hả chị?
– Sao em biết Đinh đổ bệnh cho em?
– Em thú tội với chị. Em chỉ quan hệ…với hắn mà thôi.
– HIV còn có thể lây bằng đường máu. Chẳng hạn tiếp xúc nhau vì xây xước hoặc tiêm truyền nữa mà Đào?
– Gia đình, người thân em không có ai mắc cái bệnh hủi lậu này. Còn tiêm chích thì càng không. Vì lâu lắm rồi em có bị bệnh gì đâu mà chị.
Quỳnh ghìm nén lại nỗi bàng hoàng đến rùng mình. May mà cũng đã lâu rồi, mình không quan hệ…Quỳnh nói:
– Sự thể đã thế thì phải tìm cách chữa bệnh thôi em ạ. Giờ thì thế này. Tối nay, em không phải đi đâu cả. Cứ về nhà chị ngủ. Sáng mai, chị mượn cho em một ít tiền với số tiền chị cũng dành dụm được để em mua thuốc về trị bệnh đã, rồi hãy tính sau.
Thấy hai người về tới đầu ngõ, Đinh vội hỏi:
– Sao lại dẫn nhau về?
– Bác Thúy đi từ chiều không có nhà. Chờ mãi không được, phải về.
– Vậy phải tìm nhà khác chứ?
Một câu nói tệ bạc của Đinh thật vô lý. Nhưng Quỳnh cũng phải chiều lòng Đinh lúc này:
– Đêm hôm khuya khoắt. Ở làng quê có nhà trọ đâu mà tìm.
Thấy hai người không là tình địch của nhau, Đinh chột dạ, lật ngay thái độ, đe dọa:
– Chúng mày định vào hùa với nhau hại tao hả. Con Đào, mày vừa kể gì với con Quỳnh rồi hả? Chúng mày vểnh tai ra mà nghe tao nói đây. Cả cái làng Vũ Đại ngày xưa mà thằng Chí Phèo chẳng biết sợ là gì. Còn hai đứa nhãi ranh như chúng mày thì Chí Phèo thời hiện đại coi chỉ là con tép ươn.
Đào sợ nên cứ cúi gầm mặt xuống không dám nói năng gì. Còn Quỳnh hết sức mỏng mềm để tránh một cuộc ẩu đả xảy ra.
Quỳnh đưa Đào vào phòng mình cẩn thận giành riêng cho Đào chỗ ngủ an toàn. Quỳnh khóa trái cửa lả xong. Cô hỏi:
– Nhưng mà em. Ở đâu xác định em mắc HIV mà tin vậy?
Đào đưa giấy xét nghiệm của Viện Pasteur:
– Đây chị ạ. Chuyện đau khổ này em là giống người gì mà lại dám đi lừa chị.
Xem xong, Quỳnh thở dài. Trả giấy cho Đào:
– Chị tin ở em, Đào ạ.
– Em cám ơn chị. Trước khi đến đây em là kẻ chui lủi. Cũng là bước đường cùng phải đến. Em không nghĩ là chị lại tốt với em như vậy.
– Suy cho cùng em cũng chỉ là nạn nhân của những kẻ lừa đảo, trác trụy. lười biếng, lại thích tiêu tiền. Mình là phụ nữ với nhau không dắt nhau lên mà lại còn vùi dập xuống thì nỡ lòng nào?
Có lẽ Đào đã mệt bởi đi, đợi tàu xe gập ghềnh xa lắc mới đến được đây. Cộng với sự dằn vặt khổ đau tâm trí, làm cô thiếp đi. Nghe Đào thở đều đều êm dịu thì Quỳnh càng không ngủ được. Cô miên man nghĩ về cái bệnh thế kỷ quỷ quái lan khắp toàn cầu đã làm tan nát hạnh phúc, tan nát cuộc đời bao con người, bao gia đình. Mình sống với Đinh bao nhiêu năm biết đâu cũng đã bị mắc rồi thì sao? Trước hết phải xác định xem Đinh mắc từ bao giờ. Mình cứ ngỡ là anh ta chỉ rối loạn tiêu hóa sơ sơ. Đã chạy hết thuốc tây đến thuốc nam. Có lúc Đinh biết bệnh mình nên từ chối: Đây không uống thuốc nữa. Có khỏi đâu mà uống. Rồi Quỳnh cũng phải nặng nhẹ, ốm thì phải thuốc chứ, ốm mà uống rượu thì khỏi bệnh làm sao được. Nhưng hóa ra thuốc thang mãi mà vẫn cứ thế. Đinh phải tìm cách trị bệnh kiểu Đinh. Quỳnh làm sao biết được. Đinh gầy đi. Mấy nay anh ta chỉ mặc quần chùng áo dài mà xưa kia thì đến nỗi khách đến anh ta cũng chỉ đánh cái quần đùi và chiếc áo may ô để tiếp. Nhiều lúc Đinh trong hố xí cả tiếng đồng hồ. Khi anh ta ra rồi, ở trong đó chỉ còn lại mùi hôi, khai khó tả. Mọi dấu vết khác sạch trơn. Đinh gãi xoành xoạch. Da Đinh vốn khô khô. Nay bị mốc thếch. Mặt mũi khoang khủa trông đến ghê ghê. Quỳnh muốn dò xem tung tích ấy là gì thì vô tình, Đào gợi mở cho hướng đi tìm HIV ở Đinh có phải thế không. Nhân một lần, đem quần áo Đinh đi giặt, cô thấy còn vài viên thuốc sót trong túi áo, cô vội giấu đi.
Lấy lý do lên thành phố khám bệnh Quỳnh đã đến Viện Pasteur xét nghiệm tìm HIV. Cô đưa ra hai viên thuốc hỏi bác sĩ:
– Thưa bác sĩ. Tôi xin hỏi hai viên thuốc này chữa bệnh gì?
Bác sĩ nghi ngờ hỏi lại:
– Chị có thể nói thật hoàn cảnh liên quan tới việc chị đi xét nghiệm để chúng tôi sẵn sàng tư vấn giúp đỡ.
Quỳnh trình bày:
– Thưa bác sĩ. Đây là hai viên thuốc sót lại mà chồng tôi vẫn thường xuyên uống. Nhưng anh ấy lại giấu diếm. Tôi không muốn con cái và người trong nhà mắc thêm nên mới đến đây xác định bệnh của mình. Xin được tư vấn phòng chữa.
Lấy máu xét nghiệm xong, Quỳnh được mời sang phòng tư vấn. Quỳnh nói:
– Tôi rất muốn biết tình trạng nhiễm HIV của chồng tôi ạ.
– Anh ấy tên gì chị nhỉ?
– Thưa bác, là Lê Đinh ạ.
Bác sĩ ngồi vào máy vi tính, gõ vào máy mấy cái, hỏi:
– Quê ở đâu chị?
– Thưa ở xã….huyện…
Bác sĩ chậm rãi lẩm bẩm, …nhưng cũng đủ cho cô nghe thấy:
– À, vậy là… anh Lê Đinh xét nghiệm thấy kết quả dương tính HIV… Như thế là đã phát hiện ra tới năm nay rồi.
Quỳnh nhẩm, hơn năm rồi! Hơn năm ấy anh ta đi biền biệt thỉnh thoảng mới ngó qua nhà. Vốn sống bằng cuộc sống bờ bụi, bằng đồng tiền nhặt nhạnh từ lừa đảo, luôn luôn giữ khư khư tư cách một kẻ lưu manh thâm niên thì điều gì xảy ra ắt phải xảy ra thôi. Tuy nhiên mình vẫn giặt giũ quần áo, giường chiếu cho Đinh. Thì làm sao có thể thoát khỏi lây nhiễm? Hình như nỗi đau của Quỳnh đã vắt kiệt nước mắt cô. Cô không thể khóc. Thay vào đó, nỗi khổ hạnh tinh thần đã gậm nhấm từng miếng da, thịt, tâm, can. Tai Quỳnh nghe rất rõ lời bác sĩ tư vấn về bệnh HIV/AIDS nhiễm như thế nào, tiến triển ra sao, phòng chống như thế nào là hiệu quả nhất. Song đầu Quỳnh lại u u, bồng bềnh nỗi sợ, nỗi lo, phấp phỏng về sự thật có thể sẽ đổ ập vào cô, nên Quỳnh như người mộng du. Quỳnh hỏi như lấy lệ:
– Thưa bác sĩ. Kết quả xét nghiệm của tôi đến bao giờ thì có ạ?
– Khoảng một tuần. Có ngày hẹn trong phiếu đấy chị.
Quá chiều Quỳnh về tới nhà. Thời điểm suýt soát như mỗi lần cô đi dạy học về. Tất cả với Quỳnh lúc này, trong tâm can, cô chỉ muốn nói với Đinh những gì là sự thật. Cô không giấu nhẹm để đối phó. Quỳnh muốn trong mỗi động thái của cô hàng ngày phải giữ cho được mối quan hệ nhân ái, tình người. Vì vậy muốn thực hiện được thì sự thật vẫn là điều cốt lõi. Bấy lâu nay Đinh giấu diếm bệnh tật, giấu diếm điều trị. Điều đó càng làm cho Đinh đi vào vòng xoắn luẩn quẩn bó chặt sự sống để tới huyệt mộ tử thần. Đã đành Đinh là thế. Nhưng sự dối trá vì ngu dốt của Đinh còn tai hại hơn nhiều. Nó như chiếc cạm bẫy độc ác luôn dăng, để kẻ vô tình vướng phải. Trước hết là gia đình. Quỳnh lo cho Trường Sơn. Có lúc con đã nhận kẹo bánh từ bàn tay nhớp nhúa, toạc rách máu me kia. Quỳnh rùng mình mường tượng về hình hài một đứa trẻ thơ ngây mắc phải HIV. Thân hình tiều tụy đớn đau giãy dụa, tuyệt vọng…
Quỳnh nhắm mắt lại. Cô thét lên. Không! Không thể nào… Và cô mở mắt ra. Ánh sáng ùa ập vào cô. Hiển hiện ra trước Quỳnh cả một chân trời trong sáng, bình yên. Thở phào. Cô dắt xe vào nhà. Nhìn thấy Đinh lọ cọ từ trong hố xí đi ra. Một thoáng buồn ẩn hiện trong Quỳnh. Cô nén lại tất cả. Quỳnh lấy ra nắm nem và cút rượu, những thứ mà Đinh rất thích:
– Có thứ đồ nhắm cho anh đây này.
Đinh cười đon đả. Nụ cười lộ được cái thật trong Đinh:
– Em tốt với anh quá.
Không thấy Trường Sơn, Quỳnh buột miệng như là hỏi lấy lòng:
– Con đâu anh?
Đinh thoáng ngẩn người. Chợt nhớ. Anh cố trả lời như vẫn quan tâm:
– Cu cậu xin đi đá bóng. Để đấy. Anh đi gọi nó về.
Bỗng Trường Sơn ở đâu về. Nhìn dáng vẻ sạch sẽ của con, Quỳnh vui vẻ nói:
– Con rửa tay chân đi rồi ta chuẩn bị ăn cơm.
– Vậng ạ.
Trường Sơn giúp mẹ dọn bữa cơm chiều. Trải chiếu ra, sắp mâm bát. Hai mẹ con ngồi ăn cơm. Đinh vẫn ngồi riêng, nhắm rượu. Nhìn Trường Sơn vô tư chẳng hay biết từ sâu thẳm đang diễn quay trong lòng mẹ nó nên ăn trông thật ngon lành. Trường Sơn ăn xong bữa và vào góc học tập riêng của mình. Quỳnh dọn xong cả bát đĩa. Lựa được lúc Đinh vui, cô nói:
– Nhân hôm nay đi khám bệnh, em mua thuốc cho anh đây.
Nhận ra hình dạng, nhãn hiệu hộp thuốc mà Đinh vẫn uống, Đinh giật mình. Song lại cố tình lấp liếm, cau có, toan cả vú lấp miệng em:
– Thuốc gì? Ai bảo tôi phải uống thuốc ở đây.
Giọng Quỳnh nhỏ nhẹ, mềm mại:
– Đừng dối nhau. Đừng tự lừa dối mình Đinh ạ. Anh đã xét nghiệm HIV ở Viện Pasteur một năm nay rồi. Cũng đã uống thuốc cả năm nay rồi. Cơ thể anh kia là bệnh trạng HIV điển hình đang tiến triển. Nếu không được uống thuốc đầy đủ đều đặn, cứ giấu giấu, diếm diếm thì trước hết hại bản thân mình. Sau nữa, hại tới tất cả những người thân trong nhà, anh em. Có thể ra cả những người đã quan hệ với anh.
– Cô moi đâu ra những chuyện nhảm nhí thế? Thằng nào, con nào nói với cô? Tôi sẽ đến tận nơi xem chúng có dám nói nữa hay không? Đ. mẹ, tao vặn cổ chúng nó.
– Anh đừng làm thế, Đinh ạ. Đã đến lúc không thể cứ gào lên là virus nó hoảng sợ. Khoa học phải là khoa học. Không một ai dễ dàng bẻ cong nó được. Cần phải nhận ra sự thật. Bởi vì đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm với mình và cả với người ruột thịt của mình. Chớ có dỡn với nó. Cần phải trở về cái chân, thiện, mỹ. Vì tình máu mủ mà không chối bỏ. Mọi người đang đến với anh. Sẵn sàng giang bàn tay cưu mang anh. Chuyện này em cũng có lỗi. Là vợ mà không biết hết bệnh tật của chồng để chăm sóc thuốc men.
Đinh im lặng gục đầu xuống như kẻ nhận tội trước quan tòa. Không biết cái đầu Đinh đang nhận ra sự thật không thể dối trá được nữa mà hối lỗi. Hay Đinh định xuống nước nhỏ để được cầu cứu vì sức lực tàn tạ lúc này không cho phép làm gì khác được. Bởi vậy, Đinh lại sắm một vai diễn nữa với Quỳnh. Song vai diễn không mới mẻ gì hơn. Kịch bản vẫn từa tựa, ang áng cũ kỹ như nhau. Ai cũng đoán được diễn viên chuẩn bị nói gì. Đinh ngẩng mặt, đua đôi hàm răng vêu vao:
– Thề có trời đất biết. Anh rất yêu em nên không muốn cho em hay biết. Sợ em khinh anh, em bỏ anh. Nhưng bây giờ em biết rồi. Anh không giấu em nữa. Mà anh cũng không sợ chết nữa. Đằng nào mà chả chết.
– Đừng nói vậy anh. Còn nước còn tát. Biết đâu ông trời có mắt, thương tình cho anh khỏi bệnh. – Quỳnh đùa vui – Anh chả thường nói có trời đất biết là gì.
Đinh im lặng trầm tư. Anh ngửa cổ ra sau, há hốc miệng. Ngáp to hết cỡ. Cái âm phát ra ai oán kéo dài. Bỗng Đinh lò cò tới nằm ệch ra giường. Có chén rượu vào, cái ngủ đưa Đinh vào giấc ngon hơn. Tiếng ngáy gỗ khò khò sặc quánh đờm làm tiếng thở thật là khó chịu. Đinh trở mình. Tay gãi tứ tung, sồn sột. Tà áo hở ra. Dây quần tụt xuống lật hở một vùng da thịt bụng. Những nốt hồng nổi quá mặt da lốm đốm đỏ, khắp vùng. Bàn tay không cắt móng cứ cạo đi cạo lại hết nốt này đến nốt khác làm thịt da tươm tướp rách loang rơm rớm máu. Bàn tay xong việc rơi xuống giường như vất bỏ một vật không hồn.
. CHƯƠNG 16
ĐỨA CON NGOÀI GIÁ THÚ
. Quang chuyển về dân sự công tác tại miền Nam đã được ngót năm nay. Một năm với anh quả là ngắn ngủi. Dĩ nhiên thời gian dài ngắn tính bằng sự cảm nhận riêng tư của mỗi con người. Mà Quang, bây giờ nó còn ngắn hơn nhiều. Thoáng một cái hết buổi có khi hết cả một ngày. Có lúc, anh vừa cầm bút hí hoày với những trang sách anh đang ôn tập, khi ngẩng lên đã quá nửa đêm. Đấy là thời gian anh dành cho kỳ thi vào cao học. Vào học rồi, Quang vẫn lầm lũi như cậu học trò trường huyện ngày xưa hay tựa như anh công chức sáng cắp ô đi tối cắp về. Đầu tập trung hết cả vào việc học hành. Vài bóng hồng bè bạn và lớp đàn em đang theo học ở mấy trường đại học trong thành phố với Quang, có chăng chỉ là những giây phút so sánh thoáng qua. Có anh bạn cùng học rất thích tính Quang nên đã trở thành thân. Anh dò dẫm thế nào mà biết được Quang chưa có vợ. Thế là anh ta giới thiệu cho Quang cô em họ rất xinh đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm. Anh ấy nói thế nào mà dẫn được đứa em đến chỗ Quang ở:
– Đây là Minh em con chú mình đó.
– Chào anh Quang ạ.
Người anh đon đả:
– Minh học năm hai Đại học Sư phạm gần đây nè.
– Chào Minh. Em đến chơi à? Có chuyện gì không em?
– Anh hai bảo đi theo ảnh sắm đồ. Ảnh nói vô thăm anh Quang chút chút.
Quang nói như nói với đứa em gái quá bé bỏng:
– Thế thì em ngồi chơi đi.
– Dạ.
Minh ngồi mãi trước ly nước lọc với cục đá lạnh nổi lềnh bềnh trong đó. Minh ngắm nhìn cục đá cứ tan dần, tan dần và lớp mồ hôi của nước lấm tấm thành giọt bám chi chít ngoài thành ly. Không có lời nào cho Minh nữa. Quang dành cả lời cho người bạn. Cho đến khi người anh thấy em gái mình chắc nóng lòng, thổn thức mới bảo:
– Em ra tiệm trước đi. Chút, anh với Quang sang bển.
– Dạ.
Minh đi rồi, người bạn hỏi:
– Được hôn?
– …
– Nó lành lắm đó. Cũng đảm đang lắm đó.
Chuyện rồi Quang cũng bỏ đó. Không thấy Quang động tĩnh gì nên cũng qua đi.
Chủ nhật. Cũng đã lâu, nay Quang mới về Quân Y viện cũ. Thấy Quang, mọi người ào đến. Đồng chí Viện phó, đồng khoa với Quang, đưa cho anh bức thư phong kín:
– Thư của Thảo đây. Hình như nó buồn lắm. Chuyện gì phải không?
– Thảo về thăm đơn vị à? Lâu chưa?
Thấy Quang tỏ vẻ ngạc nhiên, Viện phó cũng ngạc nhiên luôn:
– Này, đừng có giấu nhau đấy nhé.
Thảo về thăm lúc Quân Y viện 19 cũ của cô đang triển khai điều trị số thương bệnh binh sau chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mà cũng phải sau hơn một năm giải phóng, khó khăn lắm cô mới xin được giấy phép và lựa được thời gian nghỉ hè vì cô đang theo học Đại học Y. Xin được giấy phép khó rồi, nhưng trên đường, từ xứ Xã hội chủ nghĩa vào Nam mà ô tô vẫn phải dừng lại từng trạm chắn đường. Biết bao nhiêu trạm của trung ương, của tỉnh, của huyện và cả của xã tùy tiện thích làm trạm kiểm tra tỏ rõ uy quyền. Hoặc giả có khi chơi để cho vui. Tuy nhiên đã có người phải quay về mà không qua lọt. Các thủ tục đã chiếm nửa thời gian của Thảo. Dự kiến của Thảo vào sẽ thăm lại đơn vị cho thỏa bao ngày mong nhớ. Mình sẽ nói hết với Quang về tâm tư của mình. Mình đã là sinh viên năm thứ ba. Nghĩa là mình xin ý kiến anh sẽ học chuyên khoa nào hợp lý… Cố gắng thuyết phục anh, nếu được, sẽ đòi hỏi anh, một kế hoạch nhỏ nhoi dễ dàng chấp nhận. Có điều kiện thì đi xuống biển thăm con sóng thầm thĩ Vũng Tàu. Còn thời gian nữa thì đi lên rừng thăm Đà Lạt bạt ngàn hoa lệ. Thảo háo hức với kế hoạch và mong chờ cho chuyến xe đi nhanh chóng, an toàn. Quả thế. Thấy Thảo, mọi người xúm lại reo vui như thể ăn mừng sống lại. Sống trong tình thương đầy đặn, Thảo nhớ những ngày đạn bom ác liệt, những lúc Thảo ốm đau, những lời bên tai Xa nhà, ta là anh em. Đùm bọc, thương yêu… Bỗng Thảo thừ mặt ra, bần thần. Có một tiếng ai đó, cứu rỗi tâm hồn Thảo:
– Ôi, có khi nhắn tin cho anh Quang, anh Bình… về dịp này cho vui nhỉ?
Thảo bừng tỉnh như thảng thốt:
– Ừ nhỉ, sáng kiến hay đấy. Mà anh Quang, anh Bình, các anh ấy đi khỏi đơn vị rồi à?
– Chuyển lung tung khắp cả.
Thảo đi thẳng vào trọng tâm:
– Anh Quang, trưởng ban cũ của Thảo đó. Anh ấy giờ ở đâu?
Một giọng nữ trêu đùa:
– Của Thảo giờ chuyển sang dân sự rồi. Về bệnh viện Bình Dân thì phải.
Thảo bước tới gần, đập vào vai người vừa nói:
– Nỡm ạ. Ngọc! Khỏe ra đấy. Không bụng ỏng đít vòn nữa đâu. Vậy mà suốt nãy giờ làm người ta không nhận ra. Già rồi, mắt mũi kẻm nhẻm. Tha cho nhé.
Được một số thông tin về Quang, ngay chiều ấy, Thảo tới bệnh viện Bình Dân. Về chiều, phòng Hành chính viện trống hươ, trống hoác. Những cô y tá trẻ măng, những bà già công vụ già khọm. Không ai biết Quang của Thảo là ai. Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba. Những tin tức về Quang tắc như trong hũ nút. Không dò ra được, Thảo vẫn nán lại ở phòng khách Quân Y viện 19. Y tá Ngọc dành nửa ngày nghỉ đến với Thảo. Trông thấy vẻ mặt buồn lửng lơ của Thảo, Ngọc rất mủi lòng.
– Chị Thảo ạ. Em biết chị không vui. Nhưng biết làm sao khi mấy ngày qua, em dò tin anh Quang, hình như anh ấy đang đi học cao học.
Thảo vội vàng:
– Học ở đâu?
– Em cũng không biết nữa. Ở đây có một trường Đại học Y khoa Sài Gòn cũ nằm trên đường Hồng Bàng. Nhưng trường ấy chỉ đào tạo bậc Đại học thôi mà. Có một trường ở đâu như Đà Lạt.
– Đà Lạt xưa nay đâu có đào tạo ngành Y. Chỉ có trường Võ bị.
Như một phát hiện, Ngọc nói:
– Á à… hay anh Quang ra Hà Nội học cũng nên.
Rồi Ngọc kể lại những ngày Quân Y viện hành quân theo chiến dịch. Ngọc nói:
– Khi vào tới Xuân Lộc, thì cường độ cuộc chiến ác liệt lắm. Bọn ngụy đẩy người dân ra làm lá chắn sống cho chúng. Anh Quang cứu một em bé giữa làn bọm đạn nên mới bị thương.
– Ôi vậy à? Anh ấy bị thương vào đâu, nặng lắm không?
– Cũng khá nặng nên mới nằm viện mấy tháng trời.
Thảo chăm chú từng lời với nhạy bén nghề nghiệp:
– Anh bị thương vào đâu? Tổn thương nặng không mà?
– Ở bộ phận vùng chậu thì phải. Cái quan trọng em thấy là sau khi nằm viện về, anh ấy vẫn gầy tong teo. Tính tình thay đổi hẳn. Trầm lắng. Suốt ngày như một nhà hiền triết suy tư về điều gì quan trọng lắm nên mang gương mặt buồn, chị ạ.
Thảo thở dài. Cô muốn chạy đến ngay với Quang cho rõ sự thể thế nào. Mà ngày trả phép tới rồi. Nếu như ngày mốt mà đi thì, nhỡ ô tô trục trặc trên dọc đường, mình nhập học sẽ bị muộn. Thảo quyết định không đi tìm Quang nữa. Ngọc về rồi, Thảo hí hoáy viết thư gửi lại cho Quang. Thảo viết dài lắm. Cô kể hành trình đi như thế nào. Khó khăn trên dọc đường ra sao. Công phu tìm Quang như thế nào….Thảo bỗng dừng bút. Đọc lại. Cô xé đi. Viết lại. Lần này Thảo viết ngắn hơn. Cô chỉ kể nỗi lòng cô rất vui khi gặp mặt các đồng chí, cũ mới của đơn vị và thời gian không cho cô ở lại. Cô hỏi nhiều về Quang hơn. Song, Thảo không đọc nữa mà cầm giấy lên, tay với hộp quẹt bật đánh xòe, hươ tờ thư viết dở vào ngọn lửa. Cô cứ cầm thế cho tàn rơi xuống đất mới thôi.
Đêm với Thảo quả là dài. Sắp đến giờ ra ô tô về Bắc. Thảo dậy trước đồng hồ đã chỉ kim báo thức. Cô bật đèn và cầm bút viết một mạch. Xong, bỏ phong bì dán kín, gửi lại đơn vị cho Quang.
Ở Quân Y viện 19 về tới nhà Quang mới bóc thư. Một tờ giấy trắng dầy gấp hoa bao bọc. Trong cùng là lá thư rất ngắn. Nét chữ của Thảo còn in rõ trong đầu Quang. Song ở đây, những dòng thư viết vội:
Anh Quang! Vào thăm anh, tìm anh nhưng bất hạnh. Em phải về trường cho kịp ngày vào học. Những gì cần nói như em đã nói hết với anh rồi. Bây giờ chỉ cầu mong anh thật khỏe, vạn sự bình an. Anh rất hạnh phúc, điều mà em hằng cầu chúc về anh.
Địa chỉ em: Phương Thảo, Y3A, Đại học Y – Hà Nội.
Thả thư xuống, Quang thẫn thờ. Vậy là Thảo vẫn khỏe và vẫn theo được nguyện vọng của mình. Sau khi Thảo rời đơn vị ra Bắc, Quang thấy như mình thiếu vắng thứ gì. Giờ đây, lại thấy trong mình nỗi bâng khuâng ập đến. Nỗi man mác trong dòng thư ngắn ngủi đủ rung động con tim với một tình thương trào dâng, làm Quang thật mủi lòng. Thảo đến, không được gặp là nỗi buồn lưu luyến. Nhưng gặp được Thảo thì mình sẽ nói được gì khi lòng mình đã đóng khung giam trong bóng hình Quỳnh. Cũng có lúc Thảo nhập cuộc như một mảnh đời song hành cùng Quang. Song như là Quang mệt mỏi không thể nào theo được nhịp bước khỏe khoắn vô tư của Thảo đã đi về phía trước, xa xa. Cũng có lúc Thảo sống trong lòng Quang một cách thành thật vô tư. Nhưng bóng hình Quỳnh quá đậm làm cho bóng Thảo mờ nhạt dần đi. Cứ thế trôi và trôi xa mãi.
Quỳnh yêu dấu của ta. Em bây giờ ở trong vòng tay thằng đàn ông khác! Hình bóng Quỳnh hiện ra như kẻ phản bội. Trên đầu mỗi sợi tóc là một gai nhọn phù thủy ghim vào. Gương mặt Quỳnh hiện ra, rằn ri, nhợt nhạt như kẻ chết trôi, sóng xoài trong nanh vuốt quỷ. Em đã đưa ta đến miền cực lạc cũng đưa ta đến tận cùng đau khổ ta phải nếm mùi. Nếu như em chối từ tình yêu của ta. Nếu như em từ chối niềm khát vọng ta. Nếu như em không neo trong lòng ta một Quỳnh của ngàn năm trầm tích. Để rồi ta ngộ nhận em là linh hồn ta, em là của ta mãi mãi. Thì ta đâu phải là kẻ trèo cao, ngã đau cho thân phận ta bị giày vò cấu xé thế này! Mất em, ta bao đêm mất ngủ. Mất em, vết thương ta như bị khoét sâu thêm. Cho đến hôm nay Quỳnh ạ, em còn là Quỳnh yêu thương hay là quỷ dữ? Có bao nhiêu người ta gặp sau em, liệu có là quỷ dữ như em? Ta không là kẻ dễ bị sa vào bẫy tình. Cả Thảo nữa? Cả Minh nữa? Và cả những người phụ nữ hào hoa bóng bẩy đang ngiêng ánh mắt hào phóng kia có là những chiếc bẫy dăng ra với cuộc đời ta? Hãy cảnh giác và phải cảnh tỉnh trước những cạm bẫy này.
Nhưng ta là đàn ông. Ta là một con người chính trực. Ta phải trở về với chính ta cho cuộc đời này hữu ích. Một phần máu ta đã đổ xuống đất này. Một phần cơ thể ta để lại đất này. Ta xin hiến dâng cho mảnh đất này tất cả. Thì Quang ơi, hãy quên đi những gì bội bạc. Quên đi những gì ảo tưởng đã xây thành quách nguy nga trong trái tim khờ khạo và chân thật của mi. Phải thoát ra những mộng tưởng hào hoa ấy mà trở về với chính mình. Trước mắt mi kia, bao nhiêu công việc còn thiếu vắng những bàn tay dù là bé nhỏ. Hãy đến đó mà tỏ rõ sức lực. Hãy vén tay áo lên. Bám vào công việc, mà nâng lên như chính nâng cuộc đời mình dậy!
Quang choàng tỉnh như vừa qua cuộc chạy đua nước rút giành chiếc thẻ quán quân. Quang mệt mỏi quá. Anh cầm cuốn sách toán thống kê y học. Từng hàng công thức khô khốc hiện ra như nói với Quang, hãy nhìn sát vào đây, gần thêm chút nữa, kỹ thêm chút nữa. Nó sẽ bật ra những tiếng nói diệu kỳ dẫn đường cho anh tới đích.
Vậy là từ nay, không phải là bóng hình Quỳnh, cũng không là Thảo. Quang độc lập với bóng lẻ riêng mình. Anh sẽ đi bằng đôi chân mình dù cõi lòng xa xót. Phía trước anh, một con đường không riêng lẻ, nhưng tới đích, Quang có cách đi riêng.
Học xong chuyên khoa cấp hai, Quang chuyển về Viện Chuyển giao Công nghệ Y học. Anh lại phải đi sang nhiều nước để được bồi dưỡng học hỏi thêm những kỹ thuật mới các nước đang áp dụng mang tính phổ biến. Xong, anh lại phổ biến lại mang tính phổ cập chuyên khoa cho các bệnh viện miền, bệnh viện các địa phương. Hết công việc lại đến công việc. Thỉnh thoảng anh mới tranh thủ về thăm Quân Y viện cũ. Viện phó, bạn anh, thấy là gợi ý:
– Quang! Chẳng lẽ cậu quên cả lập cái tổ ấm riêng rồi sao?
Quang toe toét cười:
– Khoan, để học xong cái đã. Vội gì.
– Học tập là quyển vở không có trang cuối cùng. Để học xong thì biết đến bao giờ?
Rồi lần này, Quang được phân công theo kế hoạch chuyển giao công nghệ mổ nội soi ở một tỉnh lẻ xa thành phố. Cũng đã mấy năm anh mải mê ở nước ngoài nay mới có dịp trở lại. Tỉnh lẻ, dạo chưa xa, anh xuống sau chiến tranh. Nó lèo tèo lắm. Nay thị xã được gọi là heo hút này đã hoàn toàn khác lạ. Một số vùng đất trống hoang hóa ngoại thành nhà cao tầng đang mọc. Buôn bán sầm uất. Xe cộ tấp nập. Đặc biệt những nhà hàng sang trọng mọc lên. Có cả vũ trường. Còn khách sạn thì như những ngọn nấm khổng lồ. Họ giành cho Quang một khách sạn sang trọng bậc nhất nằm trong nội thị.
Quang vui thấy lớp bác sĩ trẻ măng xưa, nay đều đã trưởng thành. Quang là người thày đã đành. Song đồng nghiệp coi anh thân thiết như người anh. Ngay sau buổi tổng kết khóa tập huấn, chiều có liên hoan nội bộ thày trò, trong khách sạn anh ở. Bữa tiệc được đặt ra khá sang trọng. Trên bàn đã bày sẵn những chai rượu Hennessy đắt tiền và bày biện theo phong cách rất tây. Tiệc chưa vào. Đồng chí phó Giám đốc Sở Y tế đến, nhìn thì lại lắc đầu:
– Này các cậu! Sai lầm to. Tớ hỏi, tiệc đây bày đãi khách hay đãi các cậu?
– Dạ, thưa sếp, đãi khách.
– Thế thì, dẹp. Khách có biết uống bia, rượu nào đâu! Các cậu không nhớ à? Champagne! Champagne Nga là đủ.
Đại diện ban tiếp tân liếm môi cười, vẻ thèm thuồng, tiếc rẻ:
– Nhưng Hennessy, chút chút thôi, sếp?
Phó Giám đốc phảy tay:
– Không nét-sy nét-siệc chi hết. Tất cả chỉ là vui. Tôi đã nói Champagne là Champagne tất. Thế mới quý chứ.
Thế là, trên bàn được bày những chai Champagne Nga chưa đến 12 độ cồn thay cho những chai rượu Hennessy 43%vol nặng ký. Lúc Quang đã ngà ngà rồi thì trong đám bác sĩ thực khách học trò vừa học có người đưa sáng kiến, thầm thì:
– Đưa thầy đi tăng-hai đi? Ôkê?
– Ôkê! Ôkê!
Thực khách thứ nhất đến:
– Thưa thầy. Em là học trò cũ của thầy. Nhờ có thầy truyền kỹ thuật đến nay tay nghề em đã vững. Lâu lắm rồi mong mỏi được thầy truyền tiếp cho chúng em mà nay mới may mắn được gặp lại. Em xin được chúc thầy, cô sức khỏe, hạnh phúc và xin phép được cụng với thầy một ly ạ.
– Cám ơn, xin chúc mừng anh.
Quang cụng ly. Mạnh dạn tợp hết nửa ly. Học sinh của anh chỉ ực một cái, ly cạn. Anh ta năn nỉ:
– Thưa thầy 100% chứ ạ. Em xin tiếp ly khác để thầy cạn ly ạ.
Champagne đầy ly rồi, anh ta hô:
– Một, hai, ba: Dzô!
– Dzô! – Đồng thanh hưởng ứng.
Lại một thực khách, học trò khác:
– Thưa thầy, em là học trò mới. Em rất vui mừng được học thầy. Tuy nhiên đã được biết tiếng thầy và mong mỏi gặp thầy từ lâu. Lần này nhận từ thầy kiến thức mới, em xin hứa sẽ cố gắng phát huy áp dụng trong trị liệu để xứng đáng là học trò của thầy. Em xin phép được cụng với thầy một ly.
– Cám ơn anh. Nhưng tôi cứ thế này thì chết mất. Tôi còn muốn gặp các anh nữa cơ mà!
– Dạ. Em chỉ dám xin thầy 50% thôi ạ.
Người thứ ba, rồi người thứ tư…Học trò nào cũng muốn cụng với thầy một ly mà Quang thì tửu lượng có được là bao. Thầy cả nể lắm. Rượu đã quá rồi, ngưỡng rượu trong người nào cũng bị xóa sổ. Phó Giám đốc Sở thấy con mắt thầy Quang lờ đờ nên bảo đám bác sĩ dưới quyền ông:
– Các cậu thế là được rồi đấy. Ép là hại nhau chứ chẳng ích gì. Để thầy tỉnh, mai còn biết đường về chứ phải nằm bệnh viện nữa hay sao?
Người chủ xị xun xoe:
– Dạ. thưa sếp. Có xí xị thôi. Chúng em đã chuẩn bị người phục vụ phòng rồi ạ.
Quang không tự về phòng được. Phải có người dìu anh. Phó Giám đốc Sở tiễn Quang đến tận phòng. Anh nắm tay Quang. Nhưng Quang chỉ giơ được bàn tay mềm nhũn cho phó Giám đốc đung đưa. Tửu lượng anh quá kém. Ngay cả Champagne đã được pha với soda rồi đấy mà cũng làm môi anh tê tê, bì bì. Không còn nhận biết cảm giác rượu hay là nước lã. Việc uống nữa hay thôi, rượu hay nước lã cũng như nhau cả. Bụng Quang xuất hiện những cơn quặn đầy hơi bí bách. Thức ăn trong bụng cứ muốn đòi vọt ra ngoài. Buồn nôn. Đầu nằng nặng, nhức. Vỏ não Quang trong tình trạng thoát ức chế. Có chăng Quang chỉ mơ màng một ý thức, cái mồm mình đừng có phát ra lời, vì nó bị rượu bóp méo mó, lè nhè, tiếng thầy sẽ biến ra thằng. Con mắt anh cố mở để gật đầu khi các thực khách trong bữa rượu đến chia tay.
Đêm. Phòng của Quang trong khách sạn còn có một cô gái được đám thực khách kia thuê phục vụ cho anh. Quang nằm vật vạ như kẻ chết trôi. Mệt lả. Bơ phờ. Cô gái được dăn dò nhiệm vụ giúp đỡ Quang khi anh cần uống nước. Hay nếu bị nôn ói gì thì thu dọn vệ sinh. Thay quần áo. Nếu có thấy bất trắc thì gọi SOS cho khách sạn. Hoặc giả giúp bất cứ điều gì Quang cần.
Sau một đêm vật vã với tửu thần Lưu Linh, Quang tỉnh hẳn. Anh giật thót khi thấy mình nằm trên giường chỉ trơ cái quần lót và tấm chăn rất mỏng trên người. Hoảng vì sự khác lạ này, anh nhỏm dậy nhìn quanh. Ngay ở cuối giường nằm, một cô gái trẻ trung, chỉ che chiếc áo vú nhỏ xíu và thứ quần lót mỏng tang co ro ngủ. Thấy động, cô uể oải vặn mình mở mắt. Quang hỏi:
– Sao cô lại ở đây?
Cô gái nhoẻn cười, nói rất tự tin:
– Ủa, đêm qua em phục vụ anh suốt đêm mà! Mấy ảnh bạn anh nói em đến đó.
Quang ngáo nghến tìm quần áo. Không thấy đâu. Anh hỏi:
– Thế quần áo tôi mặc, ai để đâu mất rồi?
– Em treo trỏng. Toilet đó anh. Bữa đêm qua anh ói hết trọi ra giường chiếu, vô cả quần áo. Nhớp. Em lột bỏ đó. Mèng ơi! Đêm, cưng nóng lạnh quá chừng. Rung lên. Em phải nằm ủ ấm cho cưng đó. Lúc cưng ôm ghì lấy em. Eo ôi, mùi rượu vẫn còn sực vào mắt em cay sè à. Giờ em lấy đồ cưng thay nghen?
Cô gái vừa nói vừa mở tủ rất tự nhiên, đem chiếc Samsonite(10) của Quang ra. Cô lấy bộ áo quần nguyên nếp gấp, õng ẹo đưa trước mặt Quang:
– Bộ ni được không cưng?
Quang trố mắt ngạc nhiên trước những động tác lạ lẫm anh chưa bắt gặp bao giờ. Cô gái nói tiếp:
– Hay cưng!? Em đưa đi rửa chút chút cho đỡ dơ rồi em bận cho nghen.
Quang bẽn lẽn cầm lấy bộ quần áo của mình từ tay cô gái rồi tự vào trong phòng tắm. Tắm xong, anh ra ngoài thì có tiếng còi ô tô dưới sân vọng lên. Quang vội vàng hỏi cô gái:
– Trả tiền phòng sao nhỉ?
– Cưng có boa(11) cho em thì boa luôn đi. Chứ tiền phòng có người thanh toán rồi cưng.
Quang mở ví định trả công cô gái đã tự nguyện giúp anh đêm qua. Nhưng không thấy tiền. Tập danh thiếp trong ví như mỏng đi. Bàn tay Quang sờ hết túi áo ngực đến túi quần mà chẳng có hào nào đáng giá, rơi rớt trong đó cả. Vừa lúc ấy, người lái xe của Sở Y tế lên gõ cửa phòng mang đỡ đồ cho anh xuống xe. Quang nói với người phụ nữ lời trầm buồn:
– Cô tha lỗi cho tôi nhé. Tôi tìm tiền để boa mà không biết rơi hết ở chỗ nào rồi.
Cô gái hầu phòng giọng xởi lởi:
– Rồi! Lần sau cưng nhớ boa thêm cho em là được mà.
Quang bước ra cửa với gương mặt thườn thượt, nửa như mắc cỡ, nửa vương vấn nghi ngờ. Sao lại có chuyện tày trời xảy ra với mình như một trò ú tim vậy…?
Những chuyện tương tự, Quang được nghe người này người khác kể đã từ lâu. Nhưng anh đều không tham gia ý kiến vì mình chưa đụng tới bao giờ. Không ngờ, lại bắt gặp nó ở tỉnh lẻ như thần thoại chứ không phải ở nơi phồn hoa đô thị. Rồi chuyện đó cũng qua đi. Quang chỉ biết rút kinh nghiệm cho mình đừng cả nể mà quá chén. Dễ rơi vào những cái bẫy vô hồn đùa cợt. Đôi khi Quang cảm nhận như mình đang tu tới chín bậc thềm chính quả. Phật tại tâm. Với anh lòng từ bi hỉ xả đang ngấm vào máu thịt. Tuy nhiên muốn làm được, anh vẫn tâm niệm câu châm ngôn, hãy hoài nghi tất cả.
Quang đang chuẩn bị cho bài tham luận trong một hội nghị Chuyển giao Công nghệ mới về Y học mở ở Hà Nội cũng sắp tới gần. Vài hôm nay anh không đến Viện làm việc ở la-bô (laboratory).
Bữa nay anh đến Viện rất sớm. Người bảo vệ thấy Quang tới cổng, lựa lúc xuống xe tới gần:
– Bác sĩ có khách người nhà đến thăm đợi từ vài bữa trước.
– Họ đâu rồi?
– Dạ, ngồi trong phòng chờ.
Quang rất ngạc nhiên. Anh chưa bao giờ có khách tới thăm mà lại không biết nhà, phải chờ đợi cách ngày. Quang thong thả đưa xe vào nhà xe. Xong, anh ra ngay hỏi xem là ai mà lại xưng người nhà của mình? Quang bước vào cửa, nhòm thấy một phụ nữ vẫn còn trẻ trung lắm. Cô ta bồng đứa trẻ chắc chưa đầy năm, nhăn nheo lọt thỏm trong lòng với chiếc bình sữa cũ kỹ đang đút vào miệng đứa trẻ. Người mẹ cúi nhìn con chăm chú, nựng:
– Co-on… con ngoan của má. Bú đi con. Bú đi nào. Rồi ba về, con gặp ba con nghen. Ngoan nào, ngoan…
Những âm thanh thân thiết ập vào tai Quang. Anh thấy người lạ, đang định quay ra thì người phụ nữ ngẩng lên. Con mắt sản phụ như dán vào bóng người trước mặt mình để định hình. Hình như ngỡ ngàng, mất bình tĩnh, cô ta giọng run run, rất khẽ:
– Anh Quang.
Quang cứ đứng thế. Ngỡ ngàng không kém. Cũng chẳng nói năng gì. Người sản phụ lên tiếng tiếp:
– Anh Quang? Không nhận ra em ư?
Quang từ từ tiến vào hẳn trong phòng. Vẫn im lặng bởi anh chưa nhận ra đó là ai. Tiếng nói của người phụ nữ lại tiếp tục với giọng nghẹn ngào như khóc:
– Lẽ nào anh không nhận ra má con em? Em, Dung nè. Anh ngồi xuống đó rồi em nói nghe nè.- Quang ngồi xuống ghế nên giọng cô chủ động hơn – Anh Quang còn nhớ cái đêm em phục vụ anh bị xỉn ở khách sạn… dưới tỉnh… đó không?
Quang cố nhớ lại đêm say rượu duy nhất từ trước tới nay. Cái đêm để anh có lời thề với chính mình, không bao giờ bị say như thế nữa. Song sự gì đã sảy ra đêm hôm ấy thì Quang không hề biết. Ngay đến cả dược mặt người phụ nữ kia chỉ gặp trong chốc lát khoảng ba chục phút vào buổi sáng sớm trước khi xe đến đón anh, trở về thành phố, thì anh cũng không nhớ một tí nào. Hình như là, dạo ấy, cô ta mập hơn, trắng trẻo cơ. Còn bây giờ trước Quang là một phụ nữ có nước da xàm xạm, ôm ốm. Hay là cô ta mải nuôi con? Nhưng đang thời cho con bú mà bộ ngực lép kẹp thế, thì lấy sữa đâu ra? Cũng có thể là cô ta mất sữa ngay từ khi sinh nở? Nhưng đứa bé kia thì sao? Nó không chịu bú sữa bình? Nó ăn bằng gì? Chén cháo lỏng đối với nó hàng ngày đã quen với nó rồi ư? Sao trong lòng mẹ với tiếng ru ời mà nó cứ ưỡn người, khóc rên như người xa lạ, như đòi mẹ là sao? Bao nhiêu câu hỏi về hình hài sản phụ hiện trước nhà tâm lý y học, làm cho anh không khỏi suy nghĩ mông lung. Thấy Quang cứ trầm tư ngồi nhìn bé mà không nói năng gì như kẻ mộng du, Dung đã đánh thức anh dậy:
– Anh Quang nè.
Quang giật mình:
– Cô nói đi.
– Em nói nghen. Con anh đó. – Người phụ nữ nhìn Quang rồi lấy khăn lau chấm nước mắt. Giọng trầm nhẹ khàn khàn như vừa khóc – Đêm hôm đó, em tiếp anh rồi em về quê với má vì bả cũng yếu lắm rồi. Em bặt kinh từ đó. Em cũng không biết em có bầu. Nhưng khi biết thì bầu đã hơn ba tháng. Bác sĩ bệnh viện tỉnh từ chối đoạn sản. Em về sợ ấp, khóm rầy la. Nhưng má bảo thôi cứ để. Dù sao nó cũng là giọt máu của con. Em khổ sở lắm. Nhưng nghĩ anh là người đàng hoàng, nên em giữ cái bầu lại. May ra sau này gặp anh, còn nhớ tới em mà thương con thì hồng phúc nhà em to lớn lắm. Vì thế, em quên đi nhọc nhằn dư luận, miệng thế ì xèo, bôi bác. Em cố giữ bầu cho anh. Ở miệt quê hẻo lánh, anh biết rồi đó, không có cả cái ăn. Nhưng má vì cái bầu, bả đã dành cho em tất cả. Nay bé đã ra đời được như vầy cũng là may mắn lắm. Em không muốn phiền tới anh Quang đâu. Em chỉ muốn sau này con anh lớn lên em mới cho nhận. Lúc ấy anh giúp con được gì thì chắc cũng chưa muộn.
Quang nghĩ, mình cũng có con được sao? Điều mà đôi khi mình đã định đánh đổi cuộc đời. Song nghĩ cho cùng, con người là vốn quý. Mình thế vào đó là hãy quên đi tất cả cho công việc đã trở thành đam mê. Công việc đã bớt đi nỗi đau. Trả lại nguyên lành cho mỗi con người, trả nụ cười hạnh phúc cho mỗi một đời người. Và nhiều khi, thấy mình rất hạnh phúc. Bây giờ mình lại có con nữa ư? Nếu sự thật là vậy, thì đúng, hạnh phúc đã đến với mình. Nó bất ngờ quá. Nó vô tình quá.
Quang nghi ngờ chính mình. Bao nhiêu thứ trên đời này cứ tưởng có mà lại là không. Lại có thứ cứ tưởng không mà nó đến một cách ngẫu nhiên như có bàn tay diệu kỳ xếp đặt. Quang cố tưởng tượng đêm hôm ấy nó như thế nào? Sao lại không thể nào nhớ ra nữa nhỉ? Mình thiếp đi trong cái mệt bã bời vì thần men nhập vào quá chén. Mình không có một cảm giác gì về dấu ấn của tình dục là sao? Lúc tắm táp trước khi lên xe, hình như trong mình chỉ còn lại cảm giác xấu hổ bẽ bàng bởi tư duy cổ hủ cằn cỗi ngự trị. Rồi mình ra đi. Rồi mình quên hết. Rồi bây giờ… một đứa trẻ hiển hiện! Là con của thằng đàn ông trước tình huống vô tình như thế hay sao?
Quang nói với mẹ con Dung:
– Chờ tôi một tí.
– Dạ.
Quang đi vào phòng làm việc ở Viện. Sắp xếp công việc tạm rồi anh ra vời taxi. Mời hai mẹ con Dung lên xe.
– Ủa, anh Quang. Anh đưa hai má con em đi đâu vầy nè?
– Đi khám bệnh cho bé. Xong, ta đi ăn sáng luôn thể.
Taxi chở ba người đến phòng xét nghiệm ADN. Người bác sĩ phòng xét nghiệm nhận ra Quang. Song kinh nghiệm nghề nghiệp chỉ cho họ biết rằng, không nên hỏi han. Càng không tay bắt mặt mừng. Vì nhiều khi khách hàng mắc cỡ. Vì sự thật hiển nhiên của khoa học chứng minh. Quang nói tự nhiên:
– Đây là con tôi. Tôi muốn test ADN tìm mối quan hệ giữa tôi và bé. Thưa, kết quả bao giờ có thể nhận được?
– Sau khoảng nửa tháng. Chúng tôi sẽ ghi ngày tới nhận kết quả vào phiếu hẹn.
Xong, Quang đưa hai mẹ con Dung đi ăn sáng. Anh nói:
– Cô Dung ạ. Tôi hiện không có sẵn tiền trong túi. Vậy cô cầm tạm mươi triệu này tôi vừa giật nóng được. Cô đem về để mua sữa cho con. Nếu có thể được thì cô Dung dành ra một ít mua thức ăn bồi dưỡng cho mình. Tôi thấy cô ốm hơn ngày xưa thì phải?
– Dạ. Má con em cám ơn anh Quang. Em sẽ nghe lời anh dặn.
– Cô Dung an tâm đi. Đừng nghĩ ngợi gì. Nhất định tôi sẽ tới thăm má con cô một ngày sớm nhất. Vậy địa chỉ của Dung thế nào?
– Dạ…
Không thấy Dung nói tiếp, Quang giục:
– Dạ là sao? Tôi hứa sẽ tới thăm gia đình và thăm má con Dung mà. Tôi phải có trách nhiệm gửi tiền…. Ở xóm, xã nào nhỉ? Tôi ghi đây này.
– Thưa ở khóm….
Ghi xong xuôi địa chỉ, Quang đưa hai mẹ con Dung ra bến xe mua vé ô tô. Xếp chỗ cho mẹ con trên xe. Anh dặn dò việc an toàn đi đứng, lên xuống xe rồi mới quay về cơ quan làm việc.
. CHƯƠNG 17
. BẢN PHOTOCOPY TÌM THẤY
. Hiến chương các nhà giáo, 2O tháng 11 ha2ng năm, ngày lễ chính thức, trân trọng nhớ ơn các thầy cô giáo. Với học sinh Phổ thông, đó cũng là ngày hội của các em. Các em mặc quần áo mới đẹp như ngày Tết. Phơi phới lòng tự hào đi chúc các thày cô. Cô giáo Phương Quỳnh cũng trong niềm vui ấy. Cô được dịp mặc bộ quần áo mới hơn. Cô là nếp cẩn thận để dự buổi lễ trọng thể phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho một số giáo chức trong huyện được vinh danh năm này.
Sáng sớm. Trước cổng nhà cô Phương Quỳnh, học trò đã tề tựu rất đông. Các em muốn đem hoa vào tặng cô giáo của mình. Nhưng chờ mãi. Đến gần trưa, khi những cánh hoa đã muốn héo, các em phải nhòm vào lỗ ống khóa trước cửa vẫn đóng kín im ỉm như cửa khóa nhà tù. Lũ học sinh buồn lắm. Vậy là không có dịp để tặng cô giáo của chúng, những bó hoa tươi thắm này. Nhiều con mắt khắc khoải trông ngóng cô về để chúng thỏa mãn lòng kính trọng. Có đứa đã muốn khóc vì không có được niềm vui gặp mặt. Có đứa đã chán nản đợi chờ nên bật ra sáng kiến:
– Hay chúng ta để hoa ngay trước cửa nhà cô rồi về đi.
– Ừ đúng đấy!
– Không được. Gặp mà tặng mới có ý nghĩa chứ có phải tặng hoa khoán đâu mà bỏ đó rồi về?
– Nhưng mà chiều nay, còn dự mít tinh và đón nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú nữa mà.
– Hay ta mang hoa đến đó tặng cô?
– Cũng không được đâu. Như thế thì các thày cô khác đứng đực ra đấy mà nhìn cô Quỳnh được tặng hoa à?
– Thôi ta cứ đem hoa vào đặt trước cửa, rồi thưa với cô sau.
– Được đấy!
– Ý kiến hay đấy!
Thế là cả bọn theo nhau cầm hoa kéo vào sân. Những bó hoa đặt thành hàng trước cửa nhà cô như đặt trước mộ đài tưởng niệm. Chúng không biết ngay trong cái nhà lạnh im ỉm khóa như nhà tù này có một nữ tù nhân bị nhốt từ sáng đến giờ. Tù nhân đó là cô giáo Phương Quỳnh, người cô kính yêu mà chúng đang háo hức kiếm tìm để chúng tặng hoa.
Từ sớm, Quỳnh chuẩn bị bộ áo quần đi dự buổi lễ chiều trước khi cô đi chợ. Nhưng Đinh đã nhòm thấy và đoán trước được sự việc. Đinh hỏi lời nặng chịch:
– Định bỏ đi đâu đấy?
– Sáng em đi chợ. Chiều em dự lễ Hiến chương các nhà giáo.
– Hừ! Ở nhà. Không đi đâu hết. Mày định bỏ tao ở cái xó này để đi hú hý với nhau hở?
– Sao anh lại nói thế được? Em đi chợ mua thức ăn bữa trưa. Chiều mới đi dự. Ngày này là ngày hội của giáo chức. Các em học sinh đến chúc mừng các thày cô.
Đinh cắt ngang lời, gạt phắt:
– Không lễ lọt gì hết. Không hoa hoét gì hết. Tao chẳng khác con chó giữ nhà cho mày hún hớn đi chuyện trò hết thằng này đứa khác phải không? Mày định ỉa vào mặt thằng này phải không?
Nói rồi, Đinh lừa khi Quỳnh lên gác xép thì khóa sập cửa lại. Quỳnh bị nhốt trên đó. Tiếng học trò í ới ngoài ngõ nhà cô. Các em vào cửa nhà. Có đứa nhòm qua khe cửa. Quỳnh quan sát được cả. Quỳnh toan gọi các em cầu cứu. Song Quỳnh sợ xấu hổ với học trò của mình. Cô cũng không biết giải thích cho các em thế nào nên đành ngậm đắng nuốt cay thui thủi lặng im.
Đinh khóa cửa nhốt Quỳnh xong, ra khóa cửa ngoài rồi vào nằm lép trên giường lấy chăn phủ kín. Thỉnh thoảng Đinh hé mắt nhìn lên phía có Quỳnh ngồi, xem có động tĩnh gì không. Hình như cũng đã quá trưa, phía ngoài ngõ không thấy có tiếng trẻ con lao xao như ban sáng, Đinh mới bò dậy cầm hộp sữa bò tu lấy tu để. Chắc đã no bụng. Đinh lại lên giường nằm khoèo. Trời se lạnh. Đinh kéo tấm chăn chiên đắp lút mặt. Đinh ló mặt ngước lên ống khóa cửa lần nữa. Sự yên tĩnh bao trùm ống khóa, bao trùm cả khoảng không gian xám xịt. Không thấy động tĩnh gì, Đinh yên trí ngủ. Được giấc dài, bỗng Đinh giật mình khi có tiếng lao xao phía sau nhà. Đinh bò dậy mở then cửa lách, ra phía hẻm. Ngước nhìn mái nhà bên, Quỳnh đang chênh vênh bên cạnh bức tường. Dưới mặt đất có người hướng dẫn chỉ lối cho cô trèo xuống. Quỳnh vừa ném được bọc nilon nhỏ đựng bộ quần áo cô sẽ mặc để đi dự lễ chiều nay. Hàng xóm nhà Quỳnh đã biết chuyện tương tự từ lâu. Thấy bóng cô ló ra cửa thoát trên cao, họ đã đoán ra sự việc nên sẵn sàng giúp Quỳnh thoát hiểm.
Đinh bước nhanh đến cây cột xi-măng có thang bậc. Đấy là cây cột dự trữ bắc đường dây điện cho xóm, dựng hờ ở bên tường. Đinh đoan chắc, đó là cái thang cho Quỳnh thoát xuống đất. Tới bên, Đinh mới ngẩng mặt lên mắng Quỳnh:
– Thề có trời đất. Mày đừng hòng thoát khỏi tay tao.
Một người hàng xóm khuyên can:
– Chú để cho cô ấy xuống. Cô ấy đứng mãi trên ấy, chú đành lòng được sao?
– Chuyện nhà bà đâu mà bà xía vào?
Một phụ nữ khác can:
– Thôi đi anh Đinh. Anh không biết xấu hổ với xóm làng về hành vi hành hạ vợ của anh hay sao? Nhốt vợ trong nhà là chứng tỏ một kẻ hèn. Lại còn cấm vợ đi dự ngày lễ hội nghề nghiệp chính đáng của vợ thì chứng tỏ hèn đớn nhỏ nhen đến chừng nào!
– Nghe tao nói này! Đừng có mà chọc mũi vào nhà người khác.
– Này anh Đinh. Ăn ở phải có xóm, có làng. Còn có lúc tối lửa tắt đèn. Đừng có mà phá rối trật tự an ninh…
Đinh bực tức, lộ nguyên hình một kẻ côn đồ:
– Đ. mẹ chúng mày. Chứ chúng mày về hùa với nhau để hại tao phải không. Tao thách con Quỳnh đấy. Mày mà đi được hôm nay thì tao chỉ là giống chó không hơn. – Đinh lấy chân đá vào cây cột xi-măng dựng đó. Không thấy di chuyển, Đinh ôm lấy chân cột, cố sức lay đổ, miệng rủa – Đ. mẹ, mày trốn này…
Cây cột xi-măng dựng bị lung lay và từ từ đổ ngiêng. Đinh cố buông ra cho nó tự đổ. Nhưng không kịp nữa rồi. Cây cột quệt ngang, chà xát, cứa vào bộ mặt cau có của Đinh. Anh nằm xóng xoài bên cột đổ. Mặt choe choét. Máu chảy ròng ròng. Miệng Đinh còn lẻm bẻm cái gì đó nhưng không thoát rõ thành lời. Người xúm đến mỗi lúc một đông. Người lấy thuốc lào rịt vào chỗ máu chảy. Người ba chân bốn cẳng chạy lấy bông, băng, băng bó. Rồi bà con lối xóm cũng chuẩn bị xong, cáng Đinh đi trạm xá xã.
Quỳnh cũng đã được công kênh xuống. Mặt Quỳnh tái mét. Tim cô đập thình thình. Nỗi lòng Quỳnh cứ ân hận việc cô trốn khỏi cái phòng tạm giam của Đinh nên mới xảy ra như thế. Quỳnh sờ túi áo Đinh lấy chùm chìa khóa về mở cửa để đem quần áo chăn chiếu, đồ đoàn cho Đinh nằm trạm xá… Cô cứ xuýt xoa cầu cho Đinh tai qua nạn khỏi. Cô sợ chuyện lan rộng. Người ta không hiểu rõ sự tình, sẽ mang tiếng với đời.
Mấy ngày điều trị ở Trạm xá xã, ưu tiên dùng cho Đinh những thuốc tốt nhất trạm theo đề nghị của Quỳnh. Nhưng những vết chà xát kia không thấy đỡ mà nhiễm trùng thấy rõ, nặng lên. Mặt Đinh sưng vù xám xịt như quả cà dái dê qua lửa. Đinh lên những cơn sốt dai dẳng li bì. Bệnh tình diễn biến xấu, quá tầm tay Trạm xá xã nên chuyển Đinh lên Bệnh viện huyện. Cũng chỉ được hơn ngày, bác sĩ Trưởng khoa mời Quỳnh tới phòng trưởng khoa giải thích bệnh tình của Đinh:
– Cô giáo ạ. Chúng tôi thông báo chuyện này. Cũng là thường tình thôi. Tình trạng của bệnh nhân Đinh là khá trầm trọng. Bởi vì…
Trưởng khoa đang đắn đo suy nghĩ. Dùng từ gì để diễn đạt cho Quỳnh đỡ bị sốc khi nhận tin sắp thông báo sau đây. Quỳnh cũng dự đoán được tiên lượng của bác sĩ nên nói:
– Thưa, bác sĩ. Cũng đừng lo khi tin đột ngột nào đó đến với gia đình. Vì chúng tôi cũng đã xác định được cái gì đến, nó phải đến .
– Vậy thì thế này cô giáo ạ. Như hồ sơ quản lý bệnh xã hội chúng tôi nắm được thì bệnh nhân Đinh mắc HIV thời kỳ cuối và đã chuyển sang AIDS. Việc vết thương mặt nặng lên là diễn biến tất yếu của một bệnh nhiễm trùng trên cơ thể đã nhiễm HIV/AIDS. Cơ thể người bệnh, không còn đủ sức đề kháng chống lại vi trùng…
– Thưa bác sĩ, chúng tôi rõ ạ.
– Vì thế, bệnh viện tuyến huyện không đủ cơ sở để điều trị bệnh cho anh Đinh. Điều đó cũng đồng nghĩa, không hội đủ chỉ định để gửi lên bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp. Cô giáo hiểu ý tôi chứ?
– Thưa, chúng tôi hiểu ạ.
Bác sĩ Trưởng khoa gợi ý:
– Ý gia đình ta thế nào?
– Các cụ xưa nói, còn nước còn tát. Nhưng ở đây, nước không còn thì biết tát làm sao….
– Đúng đúng, đúng thế.
– Gia đình chúng tôi xin về nhà.
– Vâng, cám ơn cô giáo. Ý chúng tôi cũng thế. Vậy mời cô tới buồng hành chính nhận các giấy tờ, thủ tục liên quan cô ạ.
Những ngày Đinh về nằm ở nhà, Quỳnh rất bận bịu, vất vả. Cô đã phải xin nghỉ dạy để lo bữa ăn và thuốc thang cho người bệnh. Thể xác Đinh đau đớn, quằn quại. Miệng Đinh luôn phát ra thứ âm vẹo vọ, méo mó không rõ thành lời. Chỉ riêng tiếng chửi bới lung tung là còn rõ nhất. Người đến thăm có lẽ không ai thèm chấp. Ai cũng động viên, thôi cô giáo ạ, con bệnh nào cũng gây cho người ta khó nết. Nay anh Đinh đã gần đất xa trời…âu những lời đó là sự giải thoát cái đau mà không có thuốc men nào đạt tới.
Quỳnh nhớ lời bố dặn “ Quân tử cố cùng (12) ”. Ta đang gặp khó, nhưng phải giữ danh tiết đến cùng. Không được nhỏ nhen làm những điều phạm vào nhân đức. Song tội trời đày cho tới khi nào? Chẳng lẽ lấy thuyết luân hồi để an ủi? Kiếp trước mình ăn ở ác độc lắm sao mà kiếp này phải trả cho đến bây giờ chưa đủ? Hay ta, cánh hải âu như “mỗi lời là một vận vào” trước biển hôm nào, báo trong lời ước phũ phàng, phải chịu tấm thân khổ hạnh, lam lũ trên cánh sóng cuộc đời?
Quang hết sức cố gắng làm xong công việc đột xuất của viện dưới thành phố Cần Thơ để trở về ngay thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tuần. Tranh thủ, anh đến phòng xét nghiệm để lấy kết quả test nghiệm di truyền. Cầm phiếu trả lời xét nghiệm, xét phân tích gène ADN và phân tích Di truyền học, anh thở phào. Gấp tờ giấy làm ba nhét vào chiếc phong bì nguyên của nó và để ngay ngắn trong cặp.
Chủ nhật. Buổi sớm. Quang thuê một chiếc xe nhỏ. Anh tìm về quê Dung với địa chỉ như cô đã cho. Đường sá thật vòng vèo, khó đi. Nhất là con đường vào ấp. Những ổ gà to gập ghềnh. Chiếc xe lồng lên mệt nhọc. Quang mông lung trong lòng một suy nghĩ, mình cũng cả gan tin lời một người không quen biết. Với địa chỉ này, hỏi đường thì có khóm có ấp, lỡ tới nơi lại không có tên cô Dung cô diếc nào ở đó thì sao? Nghĩ thế nhưng tay lái Quang cứ cho xe lách lối mòn theo hướng chỉ. Tới trưa, Quang đã khoanh vùng được ấp định tới. Quang xuống xe. Những mái nhà lèo tèo nép bên quả đồi thấp. Lưa thưa những gốc mì trụi lá cành và khoang khủa màu đất đỏ như thể vùng cuối cùng bazan rơi sót lại. Khóa xe xong, anh cầm túi đi theo hướng chỉ tới căn nhà nhỏ mang tên Dung. Quang nhận ra ngay đứa bé mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi lem luốc lê la trên nền đất kia. Đúng là đứa bé hôm rồi đã gặp cùng mẹ nó trên thành phố hoa lệ. Thật đau lòng, tận mắt thấy đứa trẻ được chăm sóc quá sơ sài. Quang nẩy ra ý định, nếu có thể, anh sẽ đưa đứa bé về nuôi dưỡng, học hành cho nó nên người.
Bỗng có sự so sánh trong Quang. Ở nơi phồn hoa, thằng bạn cũng mới quen được mươi năm thôi, dịp anh tìm mua một mảnh đất nhỏ cho mình. Nguyên ủy, anh ta chỉ là kẻ xuất thân khố rách áo ôm. Nhờ buôn bán bất động sản thời mở cửa mà đã nên người. Lúc đầu anh ta chỉ mỗi việc chỉ trỏ. Rồi mua được những mảnh đất bằng nước bọt, chuyển tay, từ khách nọ sang khách kia mà phất lên. Thân rồi, mình đùa hỏi, cậu siêu đẳng đấy. Nó thật thà, có cái chó gì mà siêu. Chẳng qua nhờ cơ chế mở cửa. Đúng là đất…như bùn. Đất không là hàng hóa nên không bị đánh thuế. Ba cái dự án đất cát là miếng mồi béo bở. Quan chức bự gặm miếng to. Mình có hót đồ bỏ cũng nhặt được miếng bé. Vậy thôi. Mình bảo, cậu nhầm rồi, người buôn thúng bán bưng ở xó chợ kia, kiếm từng hào mà cũng phải nộp thuế từng đồng, thì làm sao khoản tiền to tổ bố từ đất những cái đầu óc vĩ đại chịu để cho cậu lọt? Anh ta cười toe toét, thỏa mãn: Cơ chế! Cám ơn cơ chế. Có thằng chó nào bây giờ không lợi ích nhóm? Thế, loại mình mới có miếng mà ăn chứ. Anh ta đâu có chỉ cần miếng ăn. Giờ, anh ta ra chỉ tiêu, mỗi tháng làm sao phải xài cho được trăm triệu. Chết không đem tiền đi được thì để làm cái cóc khô gì? Có tuổi rồi. Tay cầm thuổng, cầm dao đã quen. Nay cầm gậy gôn khó quá. Anh ta thuê huấn luyện viên người tây chỉ dậy từng góc độ đường đi của cây gậy. Từng cái gảy quả cầu vào lỗ sân gôn. Anh ta nhất định phải nâng bậc cuộc đời thỏa đáng. Bù cho lúc hàn vi khổ sở nhặt từng hòn phân trâu đi bán kiếm tiền.
Quang trở về với những gì đang hiển hiện trước mắt anh kia. Anh nhòm vào gian nhà lá trống huênh hoang, gọi:
– A lô! Có ai ở nhà không?
– ….
– Dạ. Có ai ở nhà không đó?
– …
Lúc lâu sau, một phụ nữ gầy gò, trông đến chừng năm chục tuổi có dư, tay cầm bó lá đủ loại, nào lá lạc tiên, nào lá vông nem…chậm chạp đi vào. Quang đon đả:
– Chào bác ạ.
– Dạ, chào chú. Chú cần chi?
– Thưa tôi muốn hỏi nhà cô Dung.
Người phụ nữ ngước nhìn Quang một cách chăm chú:
– Tui, Dung nè. Có chuyện chi chú?
Quang ngạc nhiên, song định thần ngay. Một thói quen địa phương gọi bố mẹ, thậm chí ông bà theo tên con cái. Anh tiếp:
– Bác ạ. Tôi muốn hỏi cô Dung là má cháu bé đây này.
Người phụ nữ ngỡ ngàng. Ngợ ngợ liên hệ tới chuyện liên quan tới đứa bé nên hỏi:
– Tui là Dung. Má của bé đó. À, à, chú có phải là… là trên thành phố đó không?
– Tôi, Quang, bác ạ.
– À, chú Quang. Má con tui cám ơn chú lắm.
– Không có gì đâu bác. Thế bác năm nay được bao tuổi rồi?
– Ba chục lận. Bịnh tựt, cái nghèo làm tui già thui phải hôn chú?
Có lẽ Quang phải tiếp tục xưng hô như thế để cho chuyện khỏi
ngượng ngùng, mắc cỡ vì tuổi tác. Quang hỏi:
– Bác bệnh gì vậy?
– Chất độc da cam. Vùng này xưa kia cận kề khu quân ta đi chống Mỹ rùi về ăn, ở đây. Tụi Mỹ đem chất độc da cam đến rải. Ba má tui sống ở đây mắc bịnh đó. Sanh tụi tui cũng bịnh da cam luôn. Tui ốm nhom. Bịnh tựt suốt. Liều sanh một đứa để mong sau già… Nhưng nó cũng bịnh luôn, chú. Èo ọt không lớn nổi.
– Thế ba má bác đâu rồi?
– Chết cả rùi.
Quang đã hiểu đôi chút về hoàn cảnh của Dung và tin rằng đã tìm đến đúng địa chỉ. Anh đi ngay vào đề:
– Bác Dung này. Cái cô mấy bữa trước bồng bé nhà bác lên thành phố, đâu rồi?
– Cái Thạch Thảo. Bạn tui đó. Nhờ nó mới biết được chú giúp cho khoản tiền, đỡ cho bé. Bữa ni, bịnh tựt hắn giảm rùi. Chứ hồi đó, chỉ còn nắm da, chắc chết. Ừa, để tui gọi nó sang.
Quang sợ Dung cho gọi, cô ấy mà biết chuyện có khi sợ lộ, mà không tới nên anh đã từ chối:
– Thôi bác Dung à. Bác trông bé đi. Để tôi sang thăm cô ấy một lát còn về thành phố cho kịp.
– Ủa! Chú phải ở chơi với tụi tui nữa chứ. Mấy khi tới được miệt ni? Nhà nó ở bển. Để tui, đi chú. Tui đi lẹ thôi mà.
Quang cố năn nỉ, Dung mới chỉ tay về phía đồi bên kia. Ngay dưới chân đồi những căn nhà lợp lá không to hơn cái nhà của mẹ con Dung là bao:
– Đó… Chú thấy ba cái nhà liền nhau đó. Nhà trển có cây xoài trước ngõ. Chú hỏi Thạch Thảo thì tới liền à.
Quang lấy trong cặp ra một cục hình khối chữ nhật được gói bằng giấy báo trong bao nilon mỏng:
– Tôi có chút quà cho bé đây. Bác cầm lấy để mua sữa cho bé.
Dung cầm bọc tiền, ngân ngấn lệ:
– Bữa trước chú đã cho nhiều lận. Má con tui cám ơn chú nhiều. Chú tốt với má con tui quá.
Tạm biệt mẹ con Dung. Quang men theo lối mòn ngoằn ngoèo có lẽ tới cây số mới đến được nhà Thạch Thảo vào lúc quá trưa. Thảo đi làm về. Cô nhận ra Quang nên sững sờ, cuống quýt. Tay Thảo ôm mớ cỏ tươi về cho bò. Những nạm cỏ trên tay Thảo bỗng rơi lả tả ngay dưới chân cô. Quang nhận ra sự sợ hãi mất bình tĩnh của Thạch Thảo, nên lời anh dịu ngọt, trấn an.
– Chào Thạch Thảo. Em đi làm về à? Khỏe chứ em?
– Dạ.
– Anh đã tới thăm má con cô Dung rồi. Anh cũng đã gửi má con cô ấy chút quà nhỏ để má con cô ấy đón Tết cho vui.
Thạch Thảo hoàn hồn. Cô bỏ nón xuống và lời rất tròn vành, rõ tiếng:
– Mời anh Quang vô nhà. Thảo rửa lẹ rồi vô liền. Anh Quang đã xuống được đây thì phải ở lại chơi với tụi em mới được về đó.
Thảo vào nhà. Cô loay hoay định chuẩn bị nước nôi mời khách. Quang đưa tay nhìn đồng hồ, nói:
– Thế này Thảo ạ. Tôi vội về thành phố nên chỉ tới thăm mẹ con Dung và Thảo rồi lại phải về ngay. Vì thế ta ngồi với nhau một chút thôi nghen.
– Dạ.
– Thạch Thảo này. Tôi không trách gì Thảo đâu. Việc làm của
Thảo là động tác hướng thiện giúp đỡ nhau trong lúc khốn khó. Tôi đánh giá đó là việc làm xuất phát từ lòng nhân ái đáng nể. Dù sao thì sự việc cũng đã qua rồi. Gặp trường hợp như thế, tôi cũng chẳng nỡ lòng nào làm ngơ cho được.
Thạch Thảo thanh minh:
– Dạ. Trước hết anh Quang hãy mở rộng lòng nhân mà tha lỗi cho Thảo vì những việc làm vừa qua. Thảo đã dối anh Quang để kiếm tiền cho bé nhà Dung…
Thạch thảo nói đến đây thì ngần ngừ định bỏ ngỏ. Giây phút im lặng chờ đợi qua đi. Quang lại muốn khơi gợi sự thật mà anh đang tìm đến. Quang động viên với lời rất thân thiết:
– Không có gì phải áy náy Thảo ạ. Chúng ta giờ đã quen biết nhau, dù giữa đường nên chuyện. Ta hãy đối với nhau như người bạn chân tình. Vì thế điều cần thiết là chân thực. Có thế mới có được một tình cảm lâu dài…
– Dạ. Anh Quang. Với người khác thì em đâu có dám. Nhưng em nhớ về đêm anh xỉn ở khách sạn sang trọng trển, em mới nảy ra ý định xin tiền cho bé nhà Dung.
– Đêm đó sao em?
– Dạ. Anh Quang say mèm à. Có lẽ anh xỉn lần đầu thì phải. Anh ngủ vùi không biết trời đất ông địa là gì. Có lúc em lay anh dậy. Bồng anh vào lòng mà anh cũng không hay biết. Em thả anh xuống. Lục lọi bóp. Thấy thẻ ATM với một ít tiền. Em rút tờ mệnh giá lớn và mấy cái danh thiệp của anh. Khi anh mở bóp định boa cho em đó, em hãi lắm. Vậy mà anh không nói gì, lại còn xin lỗi nữa. Việc em mặc đồ lót bữa ấy cũng chỉ nhằm để kiếm chút tiền boa. Anh Quang có cảm thông cho em không? Anh có hận em không? Anh Quang có coi thường em không?
Quang chen lời:
– Không. Hoàn toàn không đâu, Thảo.
– Thế thì Thảo mừng rồi. Nói thiệt với anh Quang nghen. Cũng từ anh mà Thảo suy nghĩ, trên đời này vẫn còn người tốt, ngay thẳng thiệt thà và bao dung nữa. Từ bữa ấy, Thảo bỏ về nhà chăm sóc má, làm ra đồng tiền bằng chính sức lực của mình, anh Quang ạ. Còn việc Thảo xin tiền cho con nhà Dung thì…
Quang gạt đi.
– Không cần thanh minh chuyện đó nữa. Tôi không có suy nghĩ gì khác đâu. Bữa ấy tôi đưa bé đến thử ADN. Phiếu xét nghiệm cũng xác định rõ ràng tôi và bé con Dung không có liên quan huyết thống.
– Ủa, Thảo tưởng anh Quang đưa bé đi khám bệnh nên về nhà mới nghĩ ra, quên dặn anh Quang gửi kết quả về xem bé bệnh gì.
– Vậy là mọi chuyện đã rõ ràng. Hôm nào có điều kiện, Thạch Thảo nói Dung đưa bé lên thành phố khám bệnh. Có bệnh thì điều trị cho bé luôn thể. Còn bây giờ, tôi phải về thành phố cho kịp chứ tối trời, đường khó.
– Anh Quang không ở được sao? Vậy là phải bye-bye anh Quang rồi. Thảo chúc anh Quang thượng lộ bình an nghen.
– Cám ơn Thạch Thảo nhiều nha.
Thế là những gì cấn cái không ngờ mà tới trong đầu Quang đã được giải quyết thỏa đáng. Quang yên tâm đi Hà Nội dự hội nghị chuyên đề về công tác Chuyển giao Công nghệ Y học. Nhân dịp ra bắc đợt này, Quang xin nghỉ phép ít ngày cho khỏi cập rập, vội vàng. Ý định của Quang, sẽ phải gặp được Quỳnh để hỏi chuyện mà những câu trả lời vội vàng của cô không thể nào làm anh thỏa mãn.
Quang đã trải qua một thời cố tình xóa bóng hình Quỳnh trong anh bằng công việc mà nghề nghiệp anh luôn có thể lấp đầy. Anh cố gắng sắp xếp thời gian làm việc thật xít nhau, không có khoảng trống cho cô đơn trỗi dậy. Càng không có khoảng nhớ, khoảng suy nghĩ về Quỳnh. Song bóng hình Quỳnh đã được Quang tô vẽ đậm nét và nuôi dưỡng từ lâu. Bóng ấy chỉ như ngủ vùi chán chê thì thức dậy. Cái bóng quậy phá con tim khối óc Quang. Anh thương. Anh yêu. Anh nhớ. Bóng hình nổi rõ những đường nét mềm mại thuở học trò. Ngây thơ mởn mởn thuở sinh viên. Thiên thần trước biển rì rào. Và rực rỡ dưới ánh bình minh bên miền chân sóng. Có lúc Quang căm thù và ghét bỏ. Lúc này cái bóng trơ trơ như đá. Lặng im trong suy tư mặc cho thời gian bào mòn, gọt dũa để cho sự thật trở về trần trụi thô ráp với nguyên dạng ban đầu. Bóng hình ấy lại sống động quẫy đạp lớn dần xanh tươi sau những bầm dập đớn đau. Tất cả như một làn sóng hình sin lần lượt trôi theo cuộc đời Quang lầm lũi.
Bây giờ Quang trở về trên mảnh đất đã nuôi sống hai con tim đau khổ lớn lên. Những gì trên mặt đất này hiện ra rất thật. Dù thời gian có là sự lãng quên thì mặt đất vẫn là sự nhớ lại. Quang tìm tới nhà Quỳnh với chiếc xe đạp cũ kỹ vẹt mòn đã bao lần thay lốp.
. Ngày Valentine.
Quỳnh cắm bông hồng trắng vào chiếc bình thủy tinh trong vắt ngày xưa Quang vẫn đưa hoa hồng đến cắm đặt trên bàn học trước mặt cô. Đã hơn hai chục năm rồi. Nhân ngày Valentine, Quỳnh mới đem ra trưng để nhớ tới Quang. Cô đang ngắm nghía bông hoa cô đơn tự do giữa không gian tĩnh lặng. Cô thấy có bóng người vào. Cô đứng dậy làm thủ tục đón khách. Giật mình nhận ra Quang. Vẫn dáng đĩnh đạc, tươi tắn, có phần trẻ trung làm cô ngỡ ngàng khi trong đầu, thường trực gương mặt trầm buồn như vài lần gặp vội. Trên tay Quang, với bông hồng đỏ chói. Anh nói một cách rất tự tin, không lời đắn đo, dè dặt:
– Chúc em ngày Valentine thật tuyệt vời!… Em cho anh cắm bông hồng Valentine tặng em vào bình này nhé?
Quỳnh khẽ gật đầu.
– Em à. Con đi đâu rồi?
– Con anh vừa đi chúc Valentine. Con sẽ về ngay thôi anh ạ.
– Quỳnh! Trường Sơn là con anh à? Em nói thật đi!
– Thì em vừa trả lời anh rồi đấy!
Quang thẫn thờ nhìn Quỳnh. Bỗng anh ôm eo Quỳnh, nhấc bổng. Nước mắt dàn dụa. Giọng anh như ngẹn lại không giấu được xúc động sung sướng đến tột cùng: Anh nói như reo lên:
– Ôi Quỳnh của anh! Vậy là anh thật sự có con rồi. Anh không bị mất giống nữa rồi. Vậy là ông trời vẫn còn thương anh. Anh phải cảm ơn ông trời. Cho anh ngàn lần cảm ơn em đã không quản tất cả những gì đau khổ thể xác lẫn tinh thần. Đã đánh đổi cả một thời xuân sắc để nuôi giọt máu duy nhất của anh trưởng thành như ngày hôm nay.
Quang cứ nói như chưa bao giờ được nói. Quỳnh bồi hồi ngơ ngác trước câu nói của Quang. Cô vội ngắt lời anh:
– Tại sao anh nói anh không có con? Tại sao anh chịu cảnh cô đơn góa bụa cho đến bây giờ?
– Ôi em yêu! Chuyện đời người mà em. Rồi sẽ kể hết em nghe cả về chiến tranh, cả về cuộc đời. Anh càng yêu em nhiều em a.
Những nụ hôn thật lòng của hơn hai mươi năm dồn tụ ào ạt trở về. Quỳnh nói:
– Để em thắp cho Đinh nén hương anh ạ.
Quỳnh đốt hương đưa Quang một nén. Trước bàn thờ cô khấn:
– Anh Đinh ơi. Tôi thắp nén hương, xin anh tha thứ. Trước khi lấy anh, thực lòng, phần hồn tôi có người đã tham lam lấy hết cả, không mảy may sót lại một ly. Khi phần hồn rời khỏi thì thân phận cái xác chỉ như đống xương tàn dù cố tìm hạnh phúc. Xác càng quẫy, sợi dây huyễn hoặc càng thắt chặt đọa đày trong tù ngục tối tăm. Nay trời đã ban anh thanh thản tự do. Tôi xin anh trả cho tôi sống bằng cuộc đời thực của mình dù đói no, gian khổ.
Quang khấn:
– Anh Đinh ạ. Tôi là Quang đây. Bên bàn thờ anh có Quỳnh chứng kiến lời tôi. Anh hãy tha lỗi cho cái tát trên tàu xưa ấy. Tôi không kìm nổi. Chỉ vì một người tôi rất đỗi yêu thương. Chuyện như là thường nhật. Tuổi học trò cãi lộn trên sân cỏ vì một trái bóng lăn tròn mà anh. Cầu dưới suối vàng, anh luôn luôn mát mẻ.
Ngoài sân, tiếng ý ới của Mai. Thành cùng Mai đến. Quỳnh và Quang ra đón. Mai vẫn tí toét cái miệng:
– Quỳnh đâu? Không ra ngõ đón chúng ta sao? Phù thủy đây. Một lời ta phán ra chưa bao giờ trật cả – Mai nhìn thấy Quang nên nhớ ngay lời Quang đã nhắc hôm xưa – Phải đấy. Con đường nào rồi
cũng tới thành Rôm mà!
Quang nói vui:
– Cái tội của Mai là lúc nào cũng nhớ dai như đỉa đói. Phải không Thành?
Thành gật đầu, vui chẳng kém:
– Đàn bà là thế! Tội ấy như một bản năng rồi!
Quỳnh đem ra chai rượu Tết còn để dành:
– Bây giờ hội ngộ, anh em vui với nhau một chút đi.
– Sẵn sàng thôi – Giọng Mai xởi lởi.
Quỳnh vẫn ngạc nhiên trước sự hiện diện của Thành và Mai:
– Mà này! Sao hai bạn tới được đúng dịp thế này?
Mai cong cớn:
– Hư! Đã là phù thủy rồi thì biết làm sao. Từng bước chân Quang, từng bước chân Quỳnh đi đâu, tới đâu làm gì mà phù thủy này lại chẳng biết? Có điều là, hãy để đấy! Xem xem các ngươi có làm như đúng lòng mình không đã. Vậy hôm này là ngày gì? Cái ngày ai cũng đoan chắc họ phải đến với nhau, nữa là phù thủy!
Trường Sơn về, cầm bông hồng vàng. Khoanh tay trước ngực:
– Con chào mẹ ạ. Cháu chào chú Thành ạ. Cháu chào cô Mai của chú Thành ạ. Cháu chào chú đến chơi ạ. Mẹ ơi con xin tặng mẹ đóa hồng vàng.
– Cám ơn con. Con hãy cắm vào bình đi cho trọn vẹn.
Trường Sơn cầm bông hồng vàng từ tay mẹ, cắm tiếp vào bình.
Rồi ngắm nghía gia đình hoa nở. Mai nhìn Trường Sơn, nói:
– Cái thằng! Sinh viên rồi mà vẫn giữ cái thuở tí teo – Mai nhanh nhẹn gọi – Sơn! Lại đây cô bảo. Con có biết tại sao con tên là Trường Sơn không?
– Thưa cô cháu chưa biết ạ.
– Thế thì, con hãy khoanh tay lại chào bố con đi.- Mai chỉ tay về phía Quang – Bố con đó. Chào đi!
Trường Sơn lòng bỗng bừng thức khát khao mối tình phụ tử lâu nay. Mắt ngấn lệ. Song còn ngỡ ngàng, quay nhìn mẹ:
– Mẹ?
Quỳnh nhìn con, trào dâng xao xuyến. Cô òa nức nở:
– Đúng rồi đó. Con chào bố đi con. Người mà hồi bé con tô, con gọi, con ngóng con chờ, con gửi chú Thành lời thăm bố đấy…
Trường Sơn khoanh tay, vẻ ngượng ngịu. Lệ nhòe, nhìn mẹ rồi nhìn Mai, như cầu cứu. Sơn nhìn sang Quang, lời lí nhí:
– Con… chào…con chào.. bố ạ.
Nước mắt Quang đã chảy ròng ròng. Anh cứ để vậy. Quang ôm chầm lấy Trường Sơn:
– Co-on! Con Trường Sơn của bố. Bố của con đây mà. Bố con ta xa cách nhau hơn hai mươi năm rồi đấy, con ạ.
Mai nhí nháy Thành:
– Bản photocopy. Một cũ, một mới! – Mai gọi – Kìa Quỳnh!
Quang vời Trường Sơn chuyển chỗ, cùng ngồi sát lại bên Quỳnh:
– Cuộc đời Kiều cũng chỉ lưu lạc bằng nửa thời gian xa cách của chúng mình. Bây giờ mình được trở về sum họp. Bố con anh ngàn lần biết ơn em, Quỳnh ạ.
Ký ức hình như đang trôi về trên gương mặt mỗi người.
Hà Nội ngày 3-9- 2011
Tp Hồ Chí Minh 14-4-2012