Ký ức MIỀN CHÂN SÓNG – Tiểu thuyết , ch.9 & 10 – Hương Nhu & Tố Hoài

0
596

         KY-UC-MIEN-CHAN-SONGKY-UC-MIEN-CHAN-SONG  Ký ức MIỀN CHÂN SÓNG

,                        Tiểu thuyết
.                               của
.                  Hương Nhu & Tố Hoài

 

    .                                                  CHƯƠNG 9

.                                 THƯƠNG CHỒNG PHẢI BỒNG CON GHẺ

.

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh tiễn bộ đội lên đương

Chiến cuộc ở Việt Nam đã được Mỹ hóa bằng phi cơ và hạm pháo. Nghĩa là Mỹ khai thác triệt để tính năng của bom đạn tối tân và hiện đai cho cuộc thử nghiệm này. Quân ngụy mở ra những cuộc hành quân đại quy mô như Lam Sơn 719. Hòng tiêu diệt lực lượng vận tải chi viện miền Nam từ việc xóa bỏ đường mòn Hồ Chí Minh, đến kho bãi, vật lực của ta. Cuộc hành quân  Lam Sơn 719. đại bại. Cho nên địch càng điên cuồng chống trả, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Song, ngay cả Mỹ dùng lực lượng cực mạnh bằng máy bay đánh vào thủ đô Hà Nội liên tục dài ngày thì chiến thắng lại thuộc về chính nghĩa. Trận chiến Điện Biên Phủ trên không càng củng cố niềm tin và ý chí kiên cường của dân tộc. Chiến trường càng ra sức đánh giặc. Nhân dân miền Bắc càng hăng hái đóng góp sức người sức của để đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ nhật. Trời đang mưa bỗng đột ngột tạnh ráo, cũng đột ngột như lúc đem mưa đến. Để lại trên bầu trời lóng lánh mống cầu vồng với bảy màu rực rỡ. Thành sang thăm Quỳnh. Thành dẫn Trường Sơn chơi đâu về mà chân tay lấm be lấm bét.
–    Chú cháu con ở đâu về mà lấm lem ướt át vậy?
–    Để chú rửa chân tay cho sạch sẽ, kẻo mẹ mắng. Nhân thể, Thành tắm cho Trường Sơn. Đưa Sơn vào nhà, Thành vừa mặc quần áo cho bé, vừa vui vẻ nói:
–    Hôm nay Thành mạnh dạn tuyên bố sẽ ở lại ăn cơm với hai mẹ con rồi ta chia tay nhau luôn một thể.
Quỳnh ngỡ ngàng:
–     Chia tay để đi đâu mà sao phải vội vã vậy?
–     Trai thời chiến mà! Có gì đáng ngạc nhiên đâu! Mình cầm giấy báo nhập ngũ rồi, nên sang báo cho Quỳnh biết đây!
Quỳnh ngớ ra. Cô thẩm thỉ, thế là lại một người nữa ra đi. Ra đi tất cả. Quỳnh lại xua đi ngay ý nghĩ mềm yếu của mình:
–    Mình nghe Đài phát thanh nói thanh niên cả nước lên đường đánh Mỹ mà mình nóng lòng nóng ruột. Trường Sơn lớn nhanh lên rồi cũng theo chân chú Thành, cô Mai vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ nhé.
Tiếng cười vang lên làm không khí bớt căng thẳng hơn. Bữa cơm trưa mang hương vị quê hương in đậm vào tâm trí Thành. Buổi chia tay với mẹ con Quỳnh đầy tình nghĩa:
–     Hai mẹ con nhớ giữ gìn sức khỏe. Không có người giúp đỡ thì khổ đấy Quỳnh a.
Quỳnh vừa gắp thức ăn cho Thành rồi gắp cho con. Quỳnh như nói thảy cả lòng mình:
–     Chú Thành đi nhớ giữ sức khỏe này. Gặp cô Mai, cho mẹ cháu chúc cô mọi điều may mắn này. Chú Thành gặp được bố Quang thì báo cho bố cháu biết là cháu Trường Sơn ngoãn ngoãn, chịu khó ăn cho mẹ Quỳnh vui và làm việc này. Chú báo hai mẹ con ở nhà đang mỏi mắt trông mong chờ đợi bố Quang này.
Vậy là, lại một cuộc chia xa để rồi chờ trông. ngày gặp lại. Quỳnh để lòng sống về thực tại. Tự nhiên một nỗi buồn mênh mang lan tỏa. Hai hàng lệ ứa ra thành giọt. Cô cứ để thế cho lòng buồn bã vơi đi.

.     Những ngày qua, Quỳnh sống trong trông mong và chờ đợi. Trong nỗi khát khao thực sự về một tổ ấm gia đình. Cái gia đình của Quỳnh mới chỉ là một nửa của khắc khoải yêu thương của đợi chờ thấp thỏm. Quỳnh nhớ Quang vô cùng. Quỳnh hy vong vô cùng. Niềm tin và niềm yêu đặt cả vào Quang. Bởi với cô, sự trở về của Quang còn có ý nghĩa lớn lao cho cả cuộc đời. Quỳnh nghĩ, mình sẽ làm đám cưới thật đàng hoàng. Lúc ấy mới mở mặt, mở mày ra được. Thực tế, Quang còn ở đẩu ở đâu và mịt mù tăm cá bóng chim. Song Quang vẫn là điểm tựa. Quỳnh bùi ngùi, nếu không có anh, mẹ con em sống ra sao trong những ngày qua. Anh đã xua đi nỗi trống trải. Anh đã giúp em thêm nghị lực để sống, để vươn lên, để vượt qua mọi gian nan. Quang ơi, giá có anh lúc này, em sung sướng biết bao. Em sẽ gục vào lòng anh khóc cho thỏa thích để tan đi bao nỗi đau buồn. Trường Sơn ơi! Bố của con sắp về rồi. Con sẽ được bố đèo xe đạp đi chơi. Hẳn bố sẽ tự hào thằng cu con đẹp trai ngoan ngoãn, thông minh của bố. Bỗng có tiếng ồn ào ngoài sân của mấy cô, chú giáo viên.
–    Chị Quỳnh ơi. Chị có nghe tin mừng chiến thắng không?
–    Chị cũng vừa nghe xong. Đài Tiếng nói Việt Nam vang vọng bài ca Trên đường chúng ta đi của Huy Du từ sớm.
Tiếng đùa vui của một giáo viên trẻ:
–   Lời ca vẫn giục ta đi! Chưa hết giặc là ta chưa về…
Quỳnh hưởng ứng:
–     Bây giờ chiến trường tạm ngừng bắn và tập kết về hai phía đường biên cài răng lược. Nghĩa là hòa bình chỉ tạm thời. Quân Giải phóng còn phải xóa bỏ ranh giới đó để đất nước ta hoàn toàn là một, không có vạch phân chia.
–    ,Chị Quỳnh nói đúng đấy. Nhưng dù sao miền Bắc có được ngày hòa bình, được ngày nào là quý ngày nấy.
–     Một ngày không máu đổ…
–    Một ngày sum họp nữa!
–    Đúng mà chưa hoàn toàn thế đâu. Thực tế hai phía cuộc chiến là dừng để lấy sức cho đợt quyết chiến sau. Chỉ là sự chuyển giao giai đoạn đấu tranh khác…
–     Vậy là chúng ta, những người gõ đầu trẻ trở thành tham mưu quân tất cả.
–     Đúng thôi. Đất nước có giặc, mỗi người dân hóa thành một chiến sĩ. Họ không là tham mưu cho binh đoàn thì là tham mưu của binh đoàn góp lại làm nên những chiến công!
–    Hoan hô nhà quân sự tương lai!
.     Bản ký tắt đình chiến Việt Nam tại Paris thực hiện vào 7 giờ sáng (tức 8 giờ sáng, giờ Sài Gòn) ngày 28 tháng Giêng, năm 1973 như sự chuẩn bị cho ngày Xuân ở Việt Nam sắp đến. Hình như sắc Xuân rộ lên thoải mái và rộng rãi hơn. Trời se lạnh, hợp với cái mơn man quen thuộc của không khí đón Xuân ở miền Bắc. Quỳnh lâng lâng trong cảm giác đi sắm Tết như vậy. Thực ra, những ngày thắt lưng buộc bụng, miếng ăn hàng ngày tùng tiệm với khoai sắn rau cỏ trong vườn. Tết đến là của hoa lá xanh tươi nên Quỳnh cố kiếm hoa. Với ngày Tết sau Đông tàng cho mùa Xuân nảy nở, những bông hoa vẫn tiềm ẩn trong các nụ mầm. Thay vào đó là những bông hoa giấy và những bức tranh truyền thống Đông Hồ. Trên bàn trưng bày ngày Tết của mẹ con Quỳnh là khẩu hiệu trang trọng: Tổ Quốc trên hết. Tiếp dưới là bức tranh Trường Sơn tô màu rất kỹ, khó phân biệt được bức tranh trẻ con hay người lớn. Thắp nén hương thơm sau buổi sáng Nguyên Đán, mẹ con Quỳnh trở về quê ngoại. Mới về đến đầu làng đã nghe tin Mai cũng được về ăn Tết. Ôi cái tin như thật như mơ đến với Quỳnh làm cô bỗng bãng cả người đến mức chân tay bủn rủn không thể nào bước được. Trường Sơn chạy lon ton trước mẹ. Thấy mẹ không đi, cu cậu như con Do tiến rồi lại lui, do dự: – Mẹ ơi, sao mẹ không đi? Quỳnh giật mình, trả lời quyết định của mình:
–   Mẹ con mình vào nhà cô Mai của chú Thành trước đã. Con có nhớ chú Thành không?
–   Con nhớ!
–   Vậy mẹ con mình tiếp tục đi nhé.
–   Vâng ạ.
Vừa tới ngõ thôi, Quỳnh đã gọi:
–    Mai ơi.
Không có tiếng Mai thưa. Cu Trường Sơn tụt khỏi vòng tay mẹ xuống chạy ùa lao đao về phía trước làm Quỳnh càng rảo bước. Như phát hiện ra Quỳnh, Mai ào ra:
–  Qu-uỳnh!
Hai người ôm nhau nức nở khóc mãi chẳng buông. Trường Sơn thấy mẹ khóc cũng khóc theo. Mai rời Quỳnh ra trỏ vào thằng bé đang nhè cái miệng, hỏi:
–    Bé nào đây?
–    Quang đấy! Sản phẩm của Quang đấy. Trước ngày Quang đi chiến trường mà!
Mai lè lưỡi hết nhìn Quỳnh rồi nhìn Trường Sơn. Rồi bỗng dưng òa khóc ôm lấy Trường Sơn chạy vào nhà như một kẻ điên dại. Quỳnh theo Mai vào nhà, lấy được bình tĩnh nói với Mai:
–   Thật vô lý. Hôm nay ngày vui mà nước mắt cứ ào ra.
Mẹ Mai đứng sững từ nãy đến giờ, vì phải nhường cho sự gặp mặt bất ngờ của hai đứa bạn. Bà nói:
–     Cứ khóc đi các con. Nước mắt giành cho ngày gặp mặt chứ còn để làm gì!
Hai người nhìn nhau lại nhoẻn cười. Quỳnh nói:
–    Mẹ nói chí lý đến thế mẹ ơi! Chúng con cám ơn mẹ và nhân dịp năm mới chúc sức khỏe mẹ, chúc mừng sự sum họp – Cô nói với con – Thế Trường Sơn chào bà chưa?
–   Cháu chào bà ạ.
–   Thế chào cô Mai của chú Thành chưa?
–    Cháu chào cô Mai của chú Thành ạ.
Cả nhà cười ầm ào. Ai cũng muốn tranh bồng bé Trường Sơn. Mai kể ra những ngày ở chiến trường, những ngày nằm viện. Bỗng cô nhớ ra một người đồng đội, tên Trọng, đi cùng Mai ở cùng đoàn. Nhà đâu như ở Nông trường Rạng Đông. Hình như có nằm trị bệnh ở Quân Y viện nơi Quang công tác. Và thế là ngay sau ngày còn lại nghỉ Tết, Quỳnh đã lặn lội đến thăm Trọng để hỏi về Quang. Nghe Quỳnh nói mục đích của mình, Trọng hồ hởi cặn kẽ từng lời:
–    Đúng rồi! Tôi đã suýt chết ở mặt trận Quảng Trị đấy. Và được cấp cứu ở Quân Y viện 19 đấy. Thế cô là vợ bác sĩ Quang à?
–   Vâng ạ.
–    Thế mà tôi không thấy bác sĩ Quang nói về gia đình nhỉ!? Mặc dù chúng tôi tâm sự nhiều điều. Lần ấy, sau đợt mê man vì vết thương quá nặng, tôi tỉnh dậy, thấy một bác sĩ trẻ ở viện, rất tận tình, đôn hậu, tôi mừng thầm găp may. Tình nghĩa cũng dần thân thiết. Nhưng chỉ biết hẹn gặp nhau vào ngày thống nhất – Trọng mở cánh tủ kinh ngay bên, lấy ra tờ giấy nhỏ đưa cho Quỳnh – Đây, địa chỉ anh ấy đây.
Cầm tờ giấy, Quỳnh vui mừng nghĩ. Đúng chữ của anh đây rồi! Cô hỏi trong, khi Trọng đang loay hoay pha trà mời khách:
– . Thế rồi anh Quang đi đâu? Tại sao anh ấy chưa về? – Quỳnh biết mình hỏi câu ngớ ngẩn, nên nói – Ôi anh Trọng tha lỗi cho nhé.
–    Thế này cô ạ. Sau tám mốt ngày giữ Cổ Thành thì bị rơi vào tay địch. Quân Y rút về hậu cứ. Cũng như các đơn vị Giải phóng quân rút sâu vào rừng, quán triệt tinh thần cho cuộc chiến tiếp theo. Tôi được lệnh chuyển ra Bắc. Không kịp đến tạm biệt bác sĩ Quang. Vậy là anh em tôi chia tay từ đó. Tôi cũng định, thu xếp rồi tìm qua thăm nhà bác sĩ Quang.
Quỳnh nghe tới đây thì ngao ngán cõi lòng. Uống xong chén nước rồi ra về, mặc cho Trọng giữ thế nào cũng không ở. Quang ơi bây giờ anh ở đâu? Có thấu hiểu lòng em đi tìm anh đã mấy tháng rồi không? Tìm anh như thể tìm chim! Em biết chim bay về đâu để đi tìm nữa? Mưa Xuân rắc nước trên mặt đường dầm dề, lầy lội. Quỳnh không để ý. Cô cứ mải miết đạp xe như người mất hồn. Có những lúc phải đẩy xe vượt qua những ổ nước sâu và những con lươn bố nằm ườn chắn ngang đường. Người Quỳnh nóng rực, bức bối. Quần áo thấm ướt. Không rõ nước mưa hay là mồ hôi đã chảy. Về được đến nhà, cô nằm vật ra giường. Nước mắt không còn để khóc. May mà gửi Trường Sơn bên ngoại chứ không, biết xoay xở ra sao. Rồi lại có người mách bảo cho địa chỉ Quang. So xét, tìm người, tìm lối. Quỳnh quyết đi Nam Trực, tuy cách nhà hàng mấy chục cây số mà phương tiện chỉ là cái xe đạp cọc cạch với sức vóc mảnh mai. Qua thôn Nam Giang, gần Ủy ban xã, Quỳnh tìm được đến nhà Nhàn. Chuyện rồi, Nhàn trả lời rất thực:
–   Bác sĩ Quang chuyên cầm dao kéo mà lại.
Quỳnh buột miệng quyết đoán:
–    Đúng anh Quang rồi! Vậy là chị Nhàn có điều trị ở đó?
–     Cũng là tình cờ thôi. Chả là thế này. Anh Tân ở viện mình có em gái nằm điều trị bên đó. Một lần tới thăm cô em ấy. Tình cờ thì gặp bác sĩ Quang. Trong chiến trường, gặp được người đồng hương, còn quý hơn cả được vàng được bạc nữa ấy, nên tình cảm dễ thành thân thiết. Rồi cô ấy chuyển đi tuyến sau và đến lượt mình. Đột ngột chuyển ra ngoài Bắc.Vậy đấy! Cái gì cũng đột ngột, cũng gấp gáp. Ấy là…chiến trường mà.
–    Còn chuyện bác sĩ Quang?
Quỳnh cứ níu hỏi về Quang đã thúc giục tính tò mò của Nhàn:
–    Nhưng Quỳnh là thế nào với bác sĩ Quang?
–     Là em gái của anh Quang ạ.
–    Thế thì Quỳnh chuẩn bị đón chị dâu hơi bị tuyệt vời đấy!
–   Chị dâu nào?
–    Vợ sắp cưới của bác sĩ Quang chứ còn ai! Lúc mình còn ở Quân Y viện đó, thấy bác sĩ Quang đi đâu cũng có một cô người yêu bên cạnh. Trông đến là đẹp đôi. Họ có vẻ quyến luyến lắm. Nghe đâu đợi dịp thuận là tổ chức…
Quỳnh như xụp xuống. Mặt tái mét. Mồ hôi vã ra. Lảo đảo. Nhàn hốt hoảng:
–    Ôi!Quỳnh làm sao vậy?
Phút lặng im trong bối rối. Quỳnh lấy lại được bình tĩnh:
–    Không sao đâu. Mình hay bị choáng thôi mà. Cho mình xin cốc nước lạnh.
Quỳnh ra về với tinh thần mệt mỏi. Nhiều câu hỏi tự đặt ra rồi lại tự giải đáp cho mình. Chẳng lẽ mình hết hy vọng rồi sao? Chẳng lẽ Quang đã thay lòng đổi dạ? Trăm lần không! Ngàn lần không. Quang của mình không phải là con người như thế.

       Mai, chuyển ra Bắc và cô đang theo học lớp Y sĩ. Chủ nhật Mai mới tranh thủ thăm Quỳnh. Tới đầu ngõ Mai đã réo:
–    Quỳnh đâu rồi. Ra đón khách quý này!
Quỳnh mừng rỡ chạy ra ôm chầm lấy Mai. Linh cảm lạ về một hình bóng Quỳnh, Mai lùi lại, nhìn Quỳnh từ đầu đến chân:
–    Quỳnh ơi, sao mày đến nông nỗi này? Mày đừng giận. Trông không khác một bà lão. Còn Quang, tin tức đến đâu rồi?
Quỳnh lắc đầu thay cho câu trả lời. Mai nghĩ, không nên để Quỳnh đau khổ thêm nữa. Sự đau khổ con người ta đều có giới hạn. Nếu không, Quỳnh sẽ khuỵu mất. Thế rồi Mai giốc bầu tâm sự, kể hết cho Quỳnh nghe. Không bỏ một chi tiết nhỏ nhặt nào mà câu chuyện Mai đã nghe khi cô ở Quân Y viện 19. Tuy nhiên, Quỳnh vẫn ngoan cố, mơn man vị ngọt tình yêu lý tưởng, về cái đêm bên miền chân sóng. Cô cố tình tìm những lời âu yếm luôn giữ bên mình để ngụp lặn trong đó. Rồi kéo tấm chăn tình yêu đã thêu dệt bấy lâu trùm kín để những cơn gió vô tình không thổi thêm giá lạnh. Nhưng lời của Nhàn lại là dấu ấn đóng chặt trong lòng cô. Nay lời của Mai như phá vỡ bức thành dày bít kín của cái nhà ngục hào hoa mà cô đã tự nguyện giam hãm cuộc đời mình. Quỳnh thực sự bị ngã gục. Song Quỳnh cố gượng dậy lật tẩy lần cuối để quên đi tất cả những gì bạc bẽo dối trá, đau đớn có thật trong cuộc đời. Mai thỏ thẻ tiếp tục rót vào Quỳnh. Gợi mở một niềm tin mới, một hy vọng mới làm thay đổi cuộc đời:
–    Quỳnh ạ. Mai có lỗi với Quỳnh nhiều lắm. Khi nhận được tin, biết chuyện Quang như thế, mình đã giấu Quỳnh. Nhưng bây giờ không thể giấu được nữa. Quỳnh có hiểu lòng Mai?
–     Mai ơi mình không có đủ nước mắt để khóc nữa. Mà khóc con người bội bạc ấy làm gì. Từ nay, mình cũng không tìm anh ta nữa. Mình sẽ cố gắng giữ sức khỏe nuôi Trường Sơn. Nó sẽ là chỗ dựa cho quãng đời còn lại của mình.
–   Mai biết nói thế nào đây. Đời là thế mà. Nhưng với quyết định của Quỳnh, Mai chỉ đồng ý một nửa thôi. Còn nửa nữa phải nghĩ đến mình. Đó là bổn phận của người phụ nữ. Quỳnh đã hy sinh nhiều rồi. Mình phải bù đắp lại những gì mình đã mất. Nghĩa là nếu có người nào đó yêu thương mình thực sự, thông cảm với hoàn cảnh của mình, thì chấp nhận để xây dựng gia đình thật. Rồi còn lo cho tương lai con cái sau này.
–     Ôi Mai nói chi tới chuyện vớ vẩn ấy nữa Mai ơi. Mình mất hết niềm tin vào tình yêu rồi. Một khi đã mất niềm tin thì đâu còn tình cảm để thương với yêu ai được nữa.
–    Biết là vậy. Nhưng Quỳnh cứ nghĩ kỹ lời Mai nói đi đã.
Mai về rồi, nhưng câu chuyện Mai còn ở lại. Nó đang mọc rễ lên mầm trong đầu Quỳnh. Cái mảnh vườn bé tí không thể chịu được sự nhân lên của nhánh mầm dù non nớt lên xanh. Đầu căng ra như muốn vỡ. Quỳnh tìm giải pháp tốt nhất để hóa giải nó. Phải về bên bà ngoại của Trường Sơn. Đó là buổi xế chiều Quỳnh không thể quên được trong đời. Mẹ thấy dáng Quỳnh mệt mỏi, mẹ hỏi ngay:
–     Con bị ốm thật rồi sao?
–     Con không ốm đâu mẹ.
–    Mẹ đã nấu cơm xong rồi. Ta đi ăn cơm. Mẹ gọi Trường Sơn chơi ở nhà văn hóa.
Cơm nước xong, vịn cớ đau đầu, Quỳnh đi nằm sớm. Nước mắt ướt cả mặt gối. Quang ơi, có thật như Nhàn nói vậy không? Tại sao anh không một chữ gửi về? Cả Thành cũng đã về rồi đấy, anh ạ. Thành và Mai sắp làm đám cưới với nhau. Còn anh? Sao số phận lại cay nghiệt với mình như thế này? Không thể tin được lại có một Quang thứ hai xuất hiện với bộ mặt bội bạc như thế. Quỳnh bơ phờ đứng lên. Uống một cốc nước lạnh. Khẽ mở cánh tủ, cô lấy tay móc sâu trong hộc ra hai quyển nhật ký và thơ anh viết cho Quỳnh. Cô ôm cuốn sổ vào ngực ngẹn ngào: Ôi Quang thân yêu của em. Những dòng chữ này, mới hôm nào khi đọc lại như nhảy nhót reo vui làm lòng em lâng lâng vui sướng, tự hào. Anh yêu em nhất trên đời. Em là nửa con tim anh, nửa cuộc đời anh. Dối trá! Dối trá! Không phải thế. Không phải thế! Quỳnh vất cuốn nhật ký xuống góc giường mà khuỵu xuống. Trời ơi! Bây giờ ta phải làm sao? Khoảng không gian tối đen. Không khí về đêm se lạnh, quánh đặc. Quỳnh cố thắng thân hình rã rời đứng dậy, cầm hai cuốn sổ ra góc vườn, thơ thẩn ngồi dưới gốc cây bưởi. Bỗng nhiên Quỳnh nảy ý nghĩ, thế là cô xăm xăm vào bếp lấy ra cái chép, bới đất. Mỗi nhát chép thấm những giọt nước mắt. Cho tới khi Quỳnh đặt hai cuốn sổ đã được bọc kỹ bẳng năm lớp nilon xuống và lấy đất lấp gần đầy thì cô dừng lại, ngửa mặt lên trời, mặc nước mắt lã chã: Trời đất hãy chứng giám cho cõi lòng con. Con đã nâng niu cất giữ hai cuốn sổ này như gìn giữ con tim mình đã gần chục năm rồi. Bây giờ nó không là của con nữa. Linh tâm nó đã thuộc về người con gái khác(!) Ôi Quang ơi sao anh tệ bạc với em thế nhỉ? Anh đã vội quên đi tình yêu nồng nàn cháy bỏng giữa chúng ta rồi sao? Ôi sao em khổ thế này! Quỳnh miên man tự chất vấn mình và tự biện bạch cho người cô yêu. Bỗng lao xao tiếng gà gáy. Canh ba? Quỳnh nức nở ngẹn ngào cho mối tình đầu đã chết. Đã đến lúc cô phải vĩnh biệt nó rồi. Ôi vậy là nó phải chết thật sao? Chỉ có cái gì chết mới phải chôn sâu vùi chặt chứ? Tay Quỳnh run lẩy bẩy. Lòng cô quặn lại. Giờ vĩnh biệt đã đến. Cô tiếp tục cuộn tròn lại cho vào chiếc lọ sành, đặt vào lòng hố. Không được! Không thể chôn. Nó có tội gì đâu! Quỳnh lại moi lên, lấy tay phủi đất cát. Đã ba lần đặt xuống lại đưa lên. Cô đau khổ khôn cùng như chôn đi người thân yêu nhất. Quỳnh lại đặt xuống. Cô khẽ khàng rắc đất như sợ những cuốn sổ bị đau. Đôi môi Quỳnh tê dại rung rẩy, lẩm bẩm những lời như vô thức:
–    Nằm yên các em nhé.
Văng vẳng bên tai:
–    Cô ơi, cô chôn chúng em thật à?
–    Chỉ tạm thời thôi các em ạ. Nếu một ngày kia, anh Quang của ta trở về, Ta sẽ cùng anh lại tìm tới các em. Các em sẽ được hồi sinh trở lại!
–     Ngày ấy chúng em có được về bên cô?
–   Ta nhớ. Ta không tệ bạc với các em đâu. Các em cố giữ gìn đừng để tổn thương đến da thịt mình. Vĩnh biệt các em.
Quỳnh òa khóc. Cô chạy nhanh về buồng như kẻ ăn trộm, sợ ai đó bắt quả tang. Nằm vật xuống giường. Không cả buông màn. Không rửa chân tay. Không tháo cả dép.

.     Sau bao ngày tháng đấu tranh với chính bản thân mình, rất nhiều lúc gay cấn, căng thẳng. Bây giờ Quỳnh đã xác định cho mình phải đứng dậy bằng đôi chân mạnh mẽ của mình như ngày nào. Cô hăng say lao vào chuyên môn. Cô lại gần gũi giúp đỡ các em học sinh hơn hao giờ hết. Coi đó là niềm vui duy nhất cuả mình hiện nay. Trước đây có nhiều người manh mối giới thiệu cho Quỳnh người này người nọ, đám nọ, đám kia. Có những người tự đến đặt vấn đề. Quỳnh để ngoài tai hết. Bởi vì Quang vẫn sống trong tâm trí Quỳnh như cây cổ thụ cành lá xum xuê thâm căn cố đế. Nay Quỳnh suy tư moi từng rễ xét từng cành. Cô cũng đã so đo từng chi tiết như thẩm phán cố tìm ra chi tiết khoan hồng để quan tòa luôn sẵn lòng rộng lượng. Nhưng chắp mối lại những tình tiết mà nhân chứng sống đã mắt thấy tai nghe thì Quỳnh quyết tâm không nghĩ tới Quang nữa. Một tình yêu bị lý tưởng.hóa nên bị phản bội dễ dàng. Bây giờ, đến lúc phải nghĩ đến mình. Ôi thời buổi kinh tế khó khăn này làm sao để tồn tại? Lúc khỏe, còn lúc ốm đau? Làm sao để Trường Sơn không vuột khỏi sự học hành tu dưỡng thành người? Có khi phải có một bờ vai tựa thật!? Lời Mai nói đúng thế sao? Rồi Quỳnh như một nhà hiền triết đứng xa để thấu tận từng tâm hồn, phán quyết, loại bỏ từng kẻ, ngấp ngó muốn chạm tới cánh hồng đơn lẻ, kiêu sa. Đang miên man trong ngổn ngang chuyện đời chuyện mình thì Mai xuất hiện. Chưa thấy người đã thấy tiếng Mai như sức vóc của cô. Mai muốn mang đến cho Quỳnh một niềm vui nên bình tĩnh, chân thành cởi mở:
–    Quỳnh làm gì mà thẫn thờ vậy?
–     Mình đang ngồi nghĩ tới Mai đây. Mai thiêng thật đấy!
–    Mai không những thiêng mà còn là phù thủy nữa cơ mà! Quỳnh chẳng bảo thế là gì?
–    Ơi Mai, lúc nào cũng hồn nhiên vui vẻ. Sướng thật đấy! Chẳng bù cho Quỳnh!
–    Quỳnh này! Đã nghĩ kỹ những điều Mai nói chưa đấy?
–    Mình nghĩ kỹ cả rồi Mai ạ. Bây giờ Quỳnh không thể nào kén cá chọn canh như trước đây nữa. Hôm rồi có anh Đinh ở xã bên cạnh, sang chơi. Đinh học trước chúng ta một năm. Tuy học không đến đầu đến đũa, nhưng tiếp xúc thấy ăn nói cũng dễ nghe, niềm nở. Nhìn chung, bề ngoài tạm chấp nhận được. Mai chen vào:
–     Đinh nào nhỉ. Để Mai lục lọi trong trí nhớ xem nào. À à, Mai nhớ ra rồi. Có phải cái tay cù Đinh lêu đêu, đen đúa cái miệng vêu vao. Đã mấy lần… mang tiếng … ấy phải không?
Quỳnh liếc Mai cười:
–     Ôi Mai ơi! Bây giờ anh ấy không cù…đâu. Cũng có thể được gọi là… là bảnh nữa là khác!
–    Lại thế nữa cơ?
Cả hai khúc khích cười hồn nhiên chẳng khác ngày ngồi chung trên ghế nhà trường.
–     Mai hỏi thật nhé. Hiện Đinh không có nghề nghiệp ổn định thì Quỳnh tính sao?
–    Quỳnh cũng đã suy xét. Nhưng rồi nghĩ… anh ta cũng có học như là hết Phổ thông thì phải. Trước nay thỉnh thoảng có dạy Bổ túc văn hóa cho trung tâm của miền. Anh ta trông cũng khỏe khoắn. Cuộc đời Đinh cũng đã trải một thời cực khổ…
Quỳnh ngần ngừ. Mai giục:
–    Thì sao nữa chứ?
–    Chẳng hạn như nếu…
–    Lại còn nếu …. với chả nếu nữa!
–    Ừ, nếu có gia đình… ổn định. Sức vóc ấy, lại được người giúp đỡ cũng có thể Đinh sẽ dần dà biến đổi được thành người công dân bình thường….
Mai ngỡ ngàng hỏi:
–    Bình thường thôi? Tiếp đi!
–    Chỉ cần bình thường là được rồi. Vả lại Quỳnh cũng có chút kinh nghiệm trong việc giáo dục… qua những ngày giúp đỡ con em cá biệt.
Mai thẫn thờ như phải xỏ guốc để đi vào lòng mà moi ruột gan Quỳnh:
–    Nhưng Đinh không còn là cậu học sinh ngây thơ bé bỏng! Anh ta sắp là thằng đàn ông bảnh trai trong lòng cây si già bị cưa sắp đổ. Cái cây kia có biết mình đổ về hướng nào. Nhưng vẫn giả vờ kêu lên răng rắc như là tự ta thích thế chứ chẳng phải lâm tặc cưa nhầm!
.       Trong đầu Mai hiển hiện ra một thằng chính cống cù đinh. Lêu têu. Lười biếng. Ham chơi. Đã chạm vào ngưỡng cửa lưu manh. Khi cả nước thắt lưng buộc bụng cho chiến trường, tất cả cho đánh thắng giặc Mỹ, người lý lịch tốt lớp lớp ra đi để lại cái ghế trống hổng không học trò ở các trường Đại học to tổ bố. Nên họ phải nhét người vào cho đủ lớp. Giữa cái hỗn quân hỗn quan, cù Đinh được lọt vào trường học, mới chết chứ! Bản chất cù đinh lộ nguyên hình. Hắn ăn cắp của bạn cùng học. Bàn tay quen thói chất lên thành tội phạm nên trường đành lòng đuổi con cù đinh lọt lưới về vườn. Sau một hơi thở dài nén giữ, Mai nói giọng nghiêm túc: – Chả lẽ điều đơn giản thế Quỳnh chả thèm đếm xỉa đến ư…? Còn Quỳnh, cô mường tượng lại lời Đinh tâm sự. Quỳnh mơn man lấy lòng tin thần thánh linh thiêng làm điểm tựa vững chãi cho lời thề thốt đường mật: “ Anh thề có trời đất biết! Anh cảm thông và yêu em đến trọn đời!”. Lời Quỳnh trầm dịu xuống: – Mai à! Cuộc đời cực khổ của Đinh sẽ cho anh ta biết cảm thông, chia sẻ với người cùng cảnh ngộ, với cái mình cần cho cuộc đời còn lại. Cả hai lặng lẽ. Sự lặng lẽ như trong cơn mắt bão. Bỗng Quỳnh lên tiếng muốn phá tan sự trầm lắng ấy bằng cách đánh trống lảng. Nhưng vẫn cố vớt vát bao che:
–    Mai ạ, chẳng hiểu sao Trường Sơn với Đinh cứ quấn quít lấy nhau làm Quỳnh thấy chút vui vui.
Mai vờ cười sặc sụa. Trong lòng cô nhoi nhói trước nhận xét nông cạn của Quỳnh. Vừa thương Quỳnh sẽ bước tiếp vào vũng bùn lầy lội cuộc đời. Song lại muốn xua đi mọi ý kiến của riêng mình. Nó đã hình thành nỗi tức giận. Mai buột ra lời bỗ bã:
–     Ôi có thằng đực rựa nào muốn chị mà không quấn quít lấy em? Muốn mẹ mà không quấn lấy con? Các cụ xưa nói có sai bao giờ đâu: Thương chồng phải bồng con ghẻ. Lần đầu tiên từ hôm Mai về tới giờ, mới thấy tâm trạng Quỳnh vui vẻ như thế này!
Quỳnh thở dài:
–    Giày vò dằn vặt mãi, có đem lại kết quả gì đâu? Có chăng chỉ làm cho người mình gầy mòn héo hắt đi, phải không Mai?
–   Đúng rồi! Vì vậy Mai vui với quyết định của Quỳnh.
Quỳnh như thanh minh và cũng như là lời an ủi:
–    Cái nhà anh Đinh ấy, cũng mới chỉ xem hình bắt bóng chứ cứ phải là thực tế. Mai cũng tìm hiểu thêm hộ Quỳnh. Bởi biết nhiều về nhau có thừa đâu?

.                                       CHƯƠNG 10

.                                 NHÀ THƠ …CON NẠN

.     Kết quả hình ảnh cho hình ảnh tàu hỏa chở kháchChuyến tàu hỏa Vinh – Hà Nội không có gì đặc biệt. Có chăng là, Quang trên đó. Quang ở chiến trường ra. Anh đi theo chuyến xe tải thương quân đội về tới trạm trung chuyển Vinh rồi chuyển sang đi bằng tàu hỏa. Tàu hỏa thời chiến vẫn chậm như rùa. May mà lên từ ga đầu, nên Quang kiếm được chiếc ghế cứng để ngồi. Tàu thường, nên đỗ lại tất cả các ga. Sự chậm trễ làm Quang nóng ruột vì sợ lỡ dự Hội nghị Ngoại khoa toàn quân tổ chức ở Quân Y viện 112. Quang tham dự với đề tài như báo cáo một kinh nghiệm đóng kín vết thương ruột già. Quang nhớ lại bài viết của mình sẽ đọc trước hội nghị. Bài đọc, thực ra Quang đã thuộc làu. Anh soát xét lại, cách viết của mình đã xúc tích chưa? Mang được tính thuyết phục không? Từ ngữ nào cần sửa? Chỗ nào còn rườm rà? Bài thuyết trình chỉ gói gọn trong bốn trang giấy kẻ học sinh. Nhưng để viết ra được bốn trang nó đã phải trải qua bao khó khăn gian khổ. Trước hết phải vượt qua chính mình. Tiếp là vượt qua sự bảo thủ của tư tưởng trung thành với sách vở đã trở thành kinh điển. Thực hiện cas đầu tiên, lúc ấy Quang chỉ là bác sĩ nhân viên, mới ra trường. Dưới con mắt mọi người anh cũng không thoát khỏi lời thì thầm học trò mặt trắng. Song cổ thụ nào không bắt đầu như cỏ? Vươn lên thành cây lá là quá trình tự mình phải quang hợp và thời gian là người bạn đồng hành luôn luôn có ý thức nâng đỡ cho mình. Từ cas vết thương bụng nghi thủng đại tràng của một thương binh mới nhập viện và được cấp cứu ngay, Quang thấy rất áy náy trong lòng. Vết thương nhỏ và sạch, tại sao không đóng kín thành bụng? Đành rằng khi đưa ra ngoài, tránh nhiễm trùng ổ bụng là cần thiết và đã là bài bản từ xưa đến nay, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cũng bởi vì nhiễm trùng phúc mạc, do đại tràng một tiên lượng hơn chín mươi chín phần nằm trong bàn tay độc ác của tử thần, chỉ còn ngót một phần bé xíu mỏng tang của sự sống mong chờ vào hai chữ may mắn mà thôi. Ai dám đảm bảo rằng điều tai ác ấy không xảy ra sau bàn tay phẫu thuật? Có tay dao nào dám nghĩ đem một sinh linh cho cuộc thí nghiệm hành nghề mà người đó lại là thân nhân hoặc đồng đội của mình? Nhưng mà… – Quang nghĩ – Cả một vùng bụng sạch thế kia, cả một sức lực bao hàm một đội ngũ kháng thể mạnh mẽ thế kia lại đi làm cái nhiệm vụ của chàng tự vệ giản đơn chống những việc tạo ra lỗ hổng cho kẻ trộm đi vào rồi mình phải ra tay canh giữ? Quang không muốn đem cơ thể đồng đội mình ra làm thí nghiệm. Nhưng cái lý của anh, muốn cho đồng đội bớt đi cái đau của một vết thương mới, nếu như có thể loại trừ! Vậy là Quang đã thực hiện trong cas phẫu thuật đại tràng anh là phẫu thuật viên chính. Mở ổ bụng thương binh ra, không dễ dàng tìm thấy vết thương đã được che khuất bởi hàng mét ruột lùng bùng và áp lực ổ bụng lúc nào cũng như đẩy bàn tay phẫu thuật viên ra. Có một điều, dù vết thương quá nhỏ, thì tấm phúc mạc kỳ diệu của con người luôn có xu thế tự động hóa, đến bịt kín vết thương. Đó là phản xạ tự vệ tuyệt vời trong bảo vệ sinh tồn của sinh vật. Chính nó, xu thế như tấm chăn bị co kéo tạo ra cái nút đến đút vào chỗ rò rỉ ấy. Thì dù nó có cố tình giấu diếm vẫn khó lòng xóa đi dấu vết để lại. Sự hiện diện của dấu vết thật mờ ảo. Nhà phẫu thuật phải như một thám tử tài năng và kinh nghiệm với con mắt tinh tường cùng cái đầu nghề nghiệp mới phát hiện để tìm ra dấu vết. Lần phẫu thuật đầu tiên ấy, Quang đã như một trinh sát viên may mắn. Anh lần hồi không bỏ sót dấu vết nào. Vết thương như kẻ địch giấu mặt, đã phải nằm trọn trong lòng tay mà anh không mất mấy mồ hôi. Cả một điều may mắn! Ổ bụng sạch sẽ đến mức như là nguyên vẹn. Khâu vết thương, xử lý kỹ thuật xong, Quang quyết định đóng kín ổ bụng. Thời gian còn lại Quang dành cho hậu phẫu. Nhiều lúc Quang như kẻ ăn vụng biết sám hối, muốn làm tất cả để chuộc lại lỗi lầm. Trông đầu tóc anh bù xù, đến như y tá Phương Thảo, người rất biết cảm thông tha thứ (cho Quang) cũng phải lên tiếng xét nét tới bộ ria lởm chởm của anh:
–     Bác sĩ Quang! Em biếu bác sĩ cái dao cạo
–    Cám ơn đồng chí Thảo. Rừng sâu thế này mà kiếm được của quý này thì quả là tài ba lắm đấy!
–      Dao cạo chiến lợi phẩm ấy mà.
Quang cầm, thấy nó lạ lẫm quá. Toàn thân dao làm bằng inox. Phần thân ép lưỡi dao có thể mở ra để lắp lưỡi dao một cách dễ dàng, thuận lợi. Quang thích lắm nên cười vui:
–     Rồi! Cái dao cạo đẹp thế này tôi chỉ dám mượn cạo một lần rồi gửi ngay đồng chí thôi mà.
Lời Quang gợi lòng tự ái trong Thảo:
–    Thì bác sĩ cứ dùng đi. Đừng có thanh minh bóng gió lý do không đâu ấy mà làm gì.
–    Cho tôi xin lỗi nhé. Có điều gì đó sơ xuất làm Thảo không vui?
Thảo muốn xí xóa nên cười nói:
–     Không phải thế đâu. Đấy là Thảo nhìn thấy cổ áo của bác sĩ bị là cháy thế kia!
Quang thật thà:
–     Đồng chí Thảo văn nghệ thế! Ở xó rừng này, là với ủi làm gì. Mà bàn là lấy đâu ra dù bàn là than củi?
–     Thì bác sĩ thử coi lại đi!
Quang ngượng chín người khi kéo cổ áo mình xuống nhìn. Mồ hôi dính bám bụi đen sì. Thế mà Thảo cười rũ rượi. Thảo lau con mắt ướt đầy hai khóe rồi nói nhỏ:
–     Anh Quang, đưa Thảo giặt dùm cho.
Quang chậc lưỡi:
–    Ngại quá nhỉ?
–     Có gì mà ngại. Bác sĩ giúp nhân viên bao nhiêu thứ mà nhân viên không biết giúp bác sĩ được gì! Thôi đưa đây….
Khi áo của Quang đã khô và anh nhận áo về thì Thảo lại ra điều kiện:
–   Xấu chàng thì hổ… láng giềng! Trưởng ban mà luộm thuộm thì người ngoài người ta chê lính của thủ trưởng không biết chăm lo… Lúc ấy biết trốn vào đâu cho đỡ mệt!?
Quang đấu dịu:
–    Xin lỗi Thảo. Mình mắc vào mấy cas hậu phẫu. Chỉ sợ lỡ ra, có vấn đề gì thì không biết ăn nói thế nào.
–     Nhưng bây giờ, phẫu thuật viên cứ việc gối đầu cao mà ngủ khì. Có cas nào tiến triển không tốt nữa đâu?
–     Giờ thì có thể thở phào. Chứ mấy rồi, không còn đầu óc nào để nghĩ đến thứ gì.
–    Cái tính ôm đồm nó là thế. Thiếu lòng tin là mất đi tất cả. Thôi, thế này, việc hậu phẫu Thảo sẽ là người chịu trách nhiệm phát hiện sớm nhất các triệu chứng khác lạ, để báo cáo cho bác sĩ xử trí. Được không?
–    Cám ơn đồng chí Thảo nhiều lắm.
“ Gớm sao mà khô như củi ấy. Nghe ghét!”.  Nghĩ thầm, Thảo ngúng ngấy bỏ đi. Cứ tưởng đồng chí ấy sẽ từ bỏ tất cả, nhưng lời y tá Thảo đã thành thực. Thảo đã là trợ thủ đắc lực của mình. Qua được đến ba cas rồi thì Quang bị sự phản ứng. Đó là Phó Viện trưởng, trưởng ban cũ, đã làm trợ thủ thứ hai trong ca phẫu thuật ổ bụng. Tìm thấy vết thương nhỏ đại tràng, cầm máu bằng pinc Kocher xong, Quang cẩn thận nói với các trợ thủ của mình:
–   Các đồng chí kiểm tra ổ bụng có thật sạch không?
Trợ thủ thứ nhất:
–    Không có máu chảy ra ổ bụng. Không có dấu hiệu nhiễm trùng nào.
Bác sĩ viện phó:
–   Sạch lắm!
Quang kỳ hẹn:
–    Ta nhất trí thế nhé?
– ….
–    Vậy thì tôi khâu kín vết thương này!
Bác sĩ viện phó phản ứng:
–    Sao lại thế?
–    Thưa, ổ bụng sạch. Vết thương tịt…không có tổn thương khác đe dọa nhiễm trùng ổ bụng.
Viện phó dùng quyền lãnh đạo và kinh nghiệm của người đi trước:
–    Không đư-ược! Phải đưa ra ngoài. Tạo hậu môn… Kinh điển đấy!
Quang cố giữ ý kiến của mình:
–     Tiên lượng tốt, bác sĩ ạ. Tôi không muốn tạo thêm cái đau cho người bệnh khi thấy thật không cần…
–      Nhưng đây là sinh mệnh con người! Không phải là nơi thí nghiệm…
Chuyện đã đến lúc căng thẳng. Quang không cố chấp. Nhưng anh nghĩ xương thịt đồng đội như xương thịt mình. Tiết kiệm từng giọt máu, từng mẩu thịt dù rất nhỏ là bớt đi cái đau. Là nhanh chóng bù lại sức chiến đấu. Mình làm một việc không vụ lợi, không vì cá nhân mình. Một việc làm có cơ sở khoa học và đã có thực tế xác minh. Lẽ nào cứ dẫm lên cái đau xót một cách vô tình?
–      Xin lỗi bác sĩ! Cái cẩm nang chỉ ra rằng tùy cơ ứng biến nơi chiến trận, chứ không bắt buộc áp dụng một khuôn sáo cũ mòn…
–     …
Sự trầm lắng đè nặng lên cán dao mổ Quang đang cầm. Không có thời giờ tranh luận khi cái đau vẫn cấu xé người bệnh. Quang phải dùng ưu thế trách nhiệm tối đa của phẫu thuật viên đứng ở vị trí phẫu thuật chính:
–   Là phẫu thuật viên, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với lương tâm nghề nghiệp…
Quang cúi xuống nhìn cho rõ cái vũ đài anh đang dụng võ. Những mũi kim xuyên khâu thành ruột như mũi tên của Dưỡng Do Cơ(7) đã giương cung là trúng đích! Thoáng vết thương được khâu xong. Người trợ thủ thấm sát trùng vết thương. Không thấy còn máu chảy. Quang kiểm tra kỹ càng lần cuối rồi cho đóng kín thành bụng. Quang bước ra khỏi cửa hầm mổ. Ánh sáng ngày òa ập vào mắt làm anh lao đao. Quang cố lấy đà chống đỡ cho mình khỏi ngã. Nhưng đầu bỗng đau như búa bổ. Quang lấy hai tay ôm đầu. ngồi xuống. Thảo trông thấy liền chạy lại:
–     Bác sĩ Quang làm sao vậy?
–    Tôi bị đau đầu đột ngột nên khó chịu lắm đồng chí ạ.
–     Để Thảo đưa bác sĩ Quang về.
–   Cám ơn. Tôi chắc không sao. Đồng chí cứ làm việc đi. Ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng …
–     Để đưa đồng chí vào hầm, bác sĩ Quang ạ. Thảo dìu đồng chí về hầm nhé?
–    Tôi đi được mà!
Nói rồi Quang đứng dậy lững thững đi về hầm mình. Thảo vẫn đi theo sau. Tay cô cầm huyết áp kế.
–    Đồng chí nằm xuống đi. Thảo đo thử huyết áp xem có sao không?
Quang nằm xuống. Thảo đo xong, xướng:
–    90/60! Mạch nhanh. Hơi trầm.
Quang nghĩ, huyết áp mình vốn thấp. Nay thấp đến mức báo đông thế này, gây đau đầu là phải. Anh đồng ý để Thảo tiêm ống Natri Camphosulfonat tăng cường máu não. Một lát, Thảo hỏi:
–     Bác sĩ bớt đau đầu không.
–    Cảm ơn Thảo. Tôi thấy đỡ hơn.
Cô như con Ma Xó moi tất cả ruột gan Quang:
–    Bác sĩ Quang ạ. Ba cas vết thương đại tràng lần trước đã cho đồng chí kinh nghiệm. Nhưng Thảo nghĩ kinh nghiệm chưa được tổng kết nó chưa thể là kinh điển. Đồng chí đã bắn ba phát trúng hồng tâm, không có nghĩa phát thứ tư, thứ năm cũng trúng. Mình tạo mở được con đường mới, đó là sự sáng tạo cần thiết. Nhưng sự dè dặt để tránh những sai lầm và thất bại lại càng cần thiết hơn. Thảo nghĩ thế liệu có sai không bác sĩ? – Thảo vẫn mê mải nói – Ba cas vừa qua Thảo thấy bác sĩ quá vất vả. Quả là đơn thương độc mã! Nay lại vấp phải cas thứ tư này cả về tâm tư và ý chí quyết giành chiến thắng thì mệt mỏi là cái lẽ đương nhiên phải không bác sĩ Quang ơi? Ôi cái bộ tu mi kia sẽ tự do đua nhau xung trận mất thôi! Quang đang nghĩ suy theo lời Thảo nói. Anh mủm mỉm, nhớ lời nói của Thảo hôm xưa, đẹp cho cả ban là phải đẹp từ trưởng ban trở đi. Râu ít ỏi nhưng nó xồm xoàm mất trật tự. Người ta nhìn mình cứ như là ông già bất mãn.
.     Bất giác, Quang toét miệng cười cười:
–     Xin lỗi đồng chí Thảo nhé. Tôi sẽ rút kinh nghiệm.
Vậy rồi, Thảo đã tự nguyện theo dõi rất sát xao hậu phẫu ca khâu kín vết thương đại tràng ấy. Chưa được một ngày, bệnh nhân này sốt đùng đùng. Một biểu hiện nhiễm trùng rất rõ. Vậy là có vấn đề rồi? Thảo chạy vù về hầm Quang, thầm thì:
–    Anh Quang! Bệnh nhân sốt rất cao. Thảo mới dùng khăn ướt đắp trán.
Quang theo bước chân Phương Thảo đến hầm hậu phẫu. Thương binh của anh rét run. Quang cho đo huyết áp, mạch và khám bệnh. Lấy nhiệt kế nách ra: “ Hơn bốn chục độ (8) ! Bụng không trướng. Vết mổ khô. Mét dẫn lưu dịch ít, không hôi. Vậy thế là thế nào?” Quang nhìn ra, thấy Viện phó đi tới. Viện phó nhìn Quang hỏi:
–    Thương binh sao rồi? Sốt cao à? Đồng chí xử lý chưa?
–    Báo cáo đồng chí Viện phó. Bệnh nhân sốt hơn 40oC. Tôi tạm thời đã cho giảm sốt.
Bác sĩ Viện phó vào vạch bụng bệnh nhân và nắn, gõ. Xong, ra hỏi:
–     Đồng chí thấy sao? Tôi thấy bụng hơi trướng đấy!
–     Thưa, tôi không nghĩ tới sốt do nhiễm trùng vết mổ.
–     Vậy nó là cái gì?
–    Những dấu hiệu này, không đủ để chẩn đoán. Tôi đề nghị cho xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét.
Viện phó nói với giọng rất nghiêm túc:
–    Các đồng chí theo dõi thật sát xao ghi chép thật đầy đủ cas này. Có gì kịp thời báo cho tôi biết. Không thể coi thường. Khó có thể tiên lượng trước được điều gì xảy ra.
Viện phó đi rồi, Thảo nói với Quang:
–     Viện phó, cái giọng điệu căng căng thế nào ấy nhỉ? Anh sợ không?
–     Ôi sao lại sợ? Sợ thì không làm.
–    Nhưng thói đời này, không ưa thì dưa có dòi! Thảo thấy lo lo sao ấy.
–    Lo là Thảo lo cho cái gì cơ? Sợ liên lụy? Nhưng khoa học, vẫn phải là khoa học. Mà sở dĩ có bàn tay vàng bởi vì có cái nghĩa địa phía đằng sau. Nói thế thì đau lòng. Nhưng với cas này, tôi thấy vững lòng lắm. Đừng có suy diễn sai về nó nhé…
–   Thì Thảo thấy thế thì nói thế thôi mà!
–    Cám ơn Thảo nhiều lắm đấy.
Kết quả xét nghiệm, thương binh có ký sinh trùng sốt rét Plasmodium Falciparum. Quang chỉ định cho tiêm thuốc trị rốt rét hàng ngày. Đã qua ba ngày rồi, không thấy đồng chí Viện phó phụ trách chuyên môn có ý kiến nói năng gì. Nhưng không có nghĩa là mọi khuyết điểm và lỗi lầm kỹ thuật đang được bỏ qua. Cũng có thể con sóng ngầm ấy đang dâng chờ bùng nổ to hơn khi nó đã chín muồi. Cái ngày chín muồi ấy có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay của bác sĩ Quang. Nhưng điều tốt lành hình như đang ngiêng về bác sĩ Quang thì phải. Một tiên lượng tốt đang thành hiện thực. Phương Thảo rất vui: – Bác sĩ Quang ơi, cơn sốt cắt ba ngày rồi. Bệnh nhân tỉnh táo dần, trông thấy rõ. Vậy là kết quả khả quan đến với ta rồi. Chứ một chú ngựa đau cả tàu không ăn cỏ được. Quang cũng phấn khởi vui theo điều không ngờ con gái cái gì cũng giữ lâu đến thế:
–    Rồi! Giờ con ngựa kí (9) đã ăn cỏ ngon chưa?
Cả hai cùng cười. Thấy Quang vui, Thảo đưa cho Quang cái lưỡi dao cạo râu thường trang bị cho quân đội Mỹ:
–      Này, bộ râu của anh sắp sửa mất trật tự rồi. Anh làm đẹp một tí đi cho đồng đội được nhờ….

.      Quang giật mình thoát ra khỏi những suy tư vừa hiện trong đầu vì con tàu xịch trước sân ga Nam Định. Ga Nam Định thời chiến sơ sài mái nhà đơn điệu trên nền nhà ga Đặng Xá đã bị giặc Mỹ đánh tan hoang chỉ cách thành phố hơn năm ki-lô-mét. Người đi Hà Nội từ ga này vẫn đông. Vẫn chen chúc, lộn xộn. Quang thoáng trông một người quen quen cao lêu nghêu, bộ mặt xương xẩu nên cái bộ nhai đã vẩu như đua ra làm con mắt trũng lại và nước da xam xám càng đen hơn. Quang đã nhận ra, rồi kêu to:
–    A! Đinh phải không?
Đinh quay mặt hướng vế phía người gọi tên mình. Đang ngáo nghến tìm mà chưa phát hiện ra ai thì Quang gọi tiếp:
–     Lại đây Đinh!
Thời chiến, chỗ ngồi không có số nên Quang xịch chỗ cho Đinh ngồi bên cạnh mình. Đinh cũng biết Quang. Nhưng Đinh học trước một lớp nên cũng biết vậy thôi chứ không thân. Và hai người huyên thuyên chuyện trên trời dưới đất.
–    Bây giờ Đinh có còn là học sinh nữa đâu? Là gì …gì nhỉ?
–    Nhà thơ!
Quang ngảnh người ra phía xa, ngắm Đinh từ đầu tới chân:
–    Nhà thơ?
Đinh gật đầu, khẳng định:
–    Ừ! Nhà thơ!
–     Ôi từ bao giờ thế?
–    Từ lúc theo học lớp bồi dưỡng viết văn ở Ba Sao ấy! Cậu có biết cái lớp ấy không?
–    Sao mà mình biết được. Khi mình ở mãi xó rừng…!
–    Nhà thơ rồi, thề có trời đất, tớ bỏ luôn cái nghề anh giáo quèn nhà quê, gõ dăm ba cái đầu nửa trắng nửa đen, nửa nạc nửa mỡ… chứa đầy cơm, áo, gạo, tiền… còn chỗ nào mà đựng chữ!
–     Vậy ra Đinh đã chuyên trách bổ túc à?
–    Ừ thế mới bỏ! Ngành phong trào là chính ý mà. Đã gọi bổ túc ở nông thôn, nó phải theo thời vụ. Mà thời chiến này, nó có thời vụ cho đâu! Thành ra ba cái anh mù chữ vốn lười học, nay trên bắt phải học để ký cho nó thạo. Nên bữa đực bữa cái. Hết vin bận họp cán bộ chủ chốt, đến lý do bận giải quyết việc quan trọng phục vụ chiến trường… Học cho nó có vì ý mà! Còn anh giáo viên thời vụ không sổ gạo, không tem thịt, không phiếu mua hàng cung cấp… Mấy đồng còm sống sao nổi? Tớ bỏ đi làm thơ là vậy.
–    Một nghề khó đấy. Ông Xuân Diệu chả nói cơm áo không đùa với khách thơ là gì?
–    Đúng rồi. Cổ kim, có nhà văn, nhà thơ nào giầu? Từ Gui de Maupassant, đến Tchekhov, Từ Tào Tuyết Cần đến Lỗ Tấn. Đến như Vũ Trong Phụng, Nguyên Hồng…có ai sống được bằng nghề văn? Song mỗi người có cách sống riêng. Quan trọng chính là họ sống mãi muôn đời!
–    Thế Đinh đã có bài nào được đăng chưa?
–   Sắp!
–   Vậy à? Người ta bảo làm thơ phải có kẻ tung người hứng, không thì có hay cũng vứt! Cậu có thế không?
–   Có chứ! Phải thế! Thằng Văn Tình ở lớp tớ, nhớ không? Nó đã trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp cỡ bự! Nó thích thì cái mùi như mùi hôi nách cũng thành thơm! Mà ghét kẻ nào thì đến như tinh chất hoa hồng cũng cũ khai như dấm thối. Cái cường hào của nó là nhờ nắm được cây bút và tờ lá cải. À mà này, sắp có bài viết về tớ trên báo Văn nghệ trung ương. Rồi cậu sẽ thấy! Đón đọc đi!
–  À hôm rồi mình đọc bài thơ của Vũ Thiệt trên báo Quân đội. Có phải thơ của Thiệt trường mình?
Đinh chột dạ. Nhưng anh ta lấy ngay lại được bình tĩnh:
–    Ừ. ừ… có thể. Tớ không thèm viết ba cái vụn vặt. Thề có trời đất! Tớ phải viết những vấn đề tầm cỡ. Phải có những dòng thơ để đời! Thơ của nó đấy. Nhưng có ra gì. Đăng mới một vài bài, đã vênh mặt lên vẻ thần thánh khinh đời! Nên tớ không thèm chơi với tụi nó. Phải thân với những nhà thơ như Xuân Diệu! À này, có nhớ câu Mặt trời đỏ rực như hòn lửa, Ngày đã cài then đêm sập cửa, là của ai không? Tuyệt! Của Huy Cận đấy. Nhà thơ đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Đại loại phải thân quen tầm cỡ bự…
–     Cậu giỏi thật! Cái gì cậu cũng làm được! Cậu đã có tác phẩm nào in chưa?
–    Sắp!
–     Cái gì Đinh cũng sắp?
–    Phải biết đầu tư cho cái lớn. Cái sắp ấy là phải biết lùi một bước để tiến ba bước tới điểm sắp, mình đến, cao hơn!
–     Vậy là Đinh đang làm theo triết lý cái còi?
–    Đúng đúng….! Đời là thế! Còi không kêu làm sao con tàu được chuyển bánh!?
–    Vậy thì cố lên. Mình chắc cậu sẽ làm được điều cậu muốn!
Quang chán ngấy những lời ba hoa chích chòe của Đinh. Quang cảm nhận hành khách đã nghe được hết chuyện Đinh nói. Anh cũng thấy người trẻ vờ ngó ngiêng nhìn nhà thơ cho thỏa chí tò mò. Người già như trầm lại để nghe cho rõ cái khuếch khoác của những tin vịt vỉa hè. Quang cũng đã lái Đinh sang chuyện khác. Nhưng bỗng nhiên. Đinh hỏi:
–    Vợ con chưa?
–   Ôi vợ con sao được? Thời chiến có về nhà được đâu mà lấy!
–   Trong đấy không có à?
–   Chiến trường, một cuộc chiến với chiến lược chiến tranh du kích. Bọn mình thì ở rừng rú…
–   Vậy à? Thế mà tớ cứ tưởng…
–    Đi du lịch phải không? Còn Đinh?
–   Tớ ấy à? Cái tình yêu của tớ nó lắt léo lắm – Gương mặt Đinh lạnh như tiền với giọng tỉnh bơ như là kể chuyện của người đời – Thời còn là sinh viên ấy, tớ có yêu một con bé. Nhưng sau đợt ốm kéo dài tớ bỏ về nhà. Mất liên lạc. Tình toi tớ cũng vù!
–   Mối tình đầu hay là mối tình học trò mà nó mau lẹ, nhẹ nhàng vậy?
–    Đầu sao được- Đinh toét miệng, tự đắc – Cái số đào hoa của thằng tớ mà bây giờ mới có được mẩu tình đầu thôi thì chỉ là thằng hèn. Nhưng kể là kể bé ấy, trang giấy trắng đầu tiên tự nguyện dâng cho tớ ký vào. Vậy thôi!
Nghe, cơ thể Quang một cảm giác tê lạnh, ghê ghê. Không tưởng tượng được ngồi trước mặt mình lại là một thằng tởm lợm đến thế. Anh chỉ muốn đấm vào cái bộ mặt khả ố của thằng họ Sở mà nói rằng mày chỉ là giống đực đểu cáng. Ôi mà sao lại có người con gái dễ dãi, dại khờ đến thế? – Quang nghĩ lại – Hay là cũng có khi hắn tô vẽ cho bài thơ của hắn sắp in ra? Quang mím môi lại, giấu đi sự bộc trực trong trắng dễ thoát trong anh:
–      Quả là cậu khá lắm Đinh. Mà số đào hoa luôn bị quỷ ám ma sầu!
–     Các cụ bảo, tớ có đào hoa chiếu mệnh. Hoa ở đó mà của cũng ở đó. Dại gì mà không biết khẳng định mình!
–    Nghĩa là gì?
–    Là cứ có tình ắt có tiền. Đã có tiền thì mua tiên cũng được. Đấy, cái tiên đề ở đời là như vậy. Nó đã được cụ Nguyễn Tiên Điền nhắc nhỏ, Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gi…ì!
Quang đã đến lúc buộc lòng phải xổ toẹt:
–    Chạy theo tình để làm tiền gọi là khoét mỏ đấy!
Không ngờ, Đinh trơ trẽn đến vậy. Cậu ta rất thú vị như được ngợi khen. Vì thế không ngần ngại bao che cho cái gọi là tài ba theo lý lẽ rất Đinh:
–    Khoét mỏ hay đào mỏ thì có gì xấu? Nó còn tốt hơn chán vạn kẻ lúc nào cũng mở mồm chí công mà cái bụng đầy rẫy vi tư!
–     Vậy thì cậu bao giờ mới lấy được người vợ theo ý cậu?
–     Lấy rồi!
–     Lấy rồi? Tuyệt! Nàng phải là tuyệt thế giai nhân, đáp đúng với tiêu chuẩn đề ra và mục tiêu của Đinh theo đuổi?
–     Tớ đang buồn! Đúng là ghét của nào trời trao của nấy!
–    Là sao?
–    Là tớ xác định vợ đẹp là vợ người ta. Tớ chỉ thích chơi hoa chứ kiên quyết không bao giờ trồng cấy. Biết đâu ngay trong đầu thằng hàng xóm tốt bụng cạnh nhà mình, luôn ngự trị tư tưởng thích bẻ trộm hoa nhà người khác! Mũi nó lúc nào cũng chúi vào ống khóa nhà mình như chuột chũi thì Đinh này làm sao chịu nổi? – Đinh ghé sát Quang nói nhỏ – Cậu còn nhớ Quỳnh không?
Cái âm Quỳnh chạm vào điểm cảnh tỉnh thường trực thoáng làm Quang run rấy. Song cũng làm anh thận trọng thăm dò:
–   Quỳnh nào? Nhiều người tên Quỳnh, biết ai?
–   Quỳnh học lớp… à lớp cậu ấy phải không?
Quang giật thót. Con tim Quang đập thình thình. Lẽ nào lại là Quỳnh của mình? Mấy năm, không nhận được tin gì về Quỳnh. Nhân đà này. mình sẽ lắng nghe một ý kiến khách quan. Dù đây chỉ là lời của kẻ ba hoa không đáng để tâm tin cậy:
–    Quỳnh hoa khôi ấy à?
–     Đúng đúng! – Cù Đinh vênh mặt lên như một kẻ đắc thắng – Chết là ở chỗ ấy. Bẫy cũng là ở chỗ ấy mà ra! Nên đã có bao nhiêu kẻ mắc…lừa! Cô ta chính là cái bông hoa …bẫy!
.     Trong Quang dâng trào tự ái. Tự ái cho mình, mà cũng tự ái thay cho nửa trái tim mình. Anh như đã lạc giọng. Cái âm hưởng lẫn lộn muốn bật bung đang cuộn lên trong cổ họng và ý chí bị ức chế nén ghìm tạo ra âm đứt đoạn, rè rè, nặng chịch:
–    Loại khoét mỏ như cậu thì ai mà lừa được?
–   Thế mới phải cao tay! Đưa vào cái thế đào tiên đã bén tay phàm – Đinh ghé sát vào tai Quang – Thề có trời đất biết, nếu không nắm hồi môn được tính giá vàng ròng thì đời nào tớ chịu…
“Bốp!”
Quang giơ bàn tay lực sĩ tát thẳng vào mặt Đinh:
–    Đồ bẩn thỉu! Kẻ nô lệ của đồng tiền! Mày không xứng đáng là chồng cô ấy.
Mọi người ngơ ngác nhìn hai kẻ đồng hành. Quang mặt đỏ lên. Tay anh kè kè đặt lên bao da, trong đó có khẩu súng sáu vẫn nằm im đợi lệnh sẵn sàng. Bỗng tiếng người xướng ga vang lên: Chuyến tàu Vinh – Hà Nội đang từ từ dừng ở ga Phú Lý. Hành khách xuống ga Phủ Lý hãy chuẩn bị…. Tiếng xịch của con tàu khự lại làm Đinh lắc ngiêng. Đinh vội lấy tay quệt miệng. Màu máu lẫn trong nước miếng rất rõ trên ba ngón tay. Đinh cố vớt vát danh dự, quay về phía Quang: – Mày hãy nhớ mà đợi đấy! Đinh xách túi, cúi mặt, lủi thủi lẫn trong đám hành khách chen nhau xuống ga…

.      Quang im lặng ngồi với bao nghĩ suy bộn chộn trong đầu. Có thật Quỳnh của mình lại phản bội mình như vậy ư? Tại sao từ dạo xa đến giờ Quỳnh không gửi cho mình một lá thư nào, mặc dù mình gửi về hàng trăm lá. Hay là có bàn tay nào nhúng vào ngăn cản, chia rẽ tình yêu của mình? Cũng có thể lắm. Quỳnh là hoa khôi trong con mắt mọi người. Những kẻ học hạnh khiêm nhường thì kính nhi viễn chi mà những loại phàm phu tục tử như cù Đinh, có thể loại trừ thứ gì nó không dám? Quang suy xét Quỳnh như người vợ có chồng đằng đẵng đi xa. Sự hiểu biết và từng trải của người đàn bà khao khát đã thúc giục lửa lòng …thì điều như cù Đinh nói có thể là đúng thật? Và khi chuyện gì đã xảy ra, điều tiếp theo nó phải vin cành quýt cho cam sự đời? Lời cù Đinh lại là sự thật nữa sao? Quỳnh tự giác hay bị cù Đinh dăng lưới mà vô tình mắc phải? Tàu đỗ ở ga Hà Nội tự bao giờ. Chỉ còn mình Quang lọt thỏm trong chiếc toa tàu cũ kỹ sứt sẹo, trống rỗng. Người nhà tàu cũng bắt đầu quét dọn, vệ sinh toa. Thấy Quang vẫn ngồi yên một chỗ nên nghi ngờ hỏi:
–    Chú là bộ đội à?
Quang giật mình:
–    Tàu đến ga Hà Nội rồi ạ?
–    Ga cuối cùng rồi. Chú về đâu, cần chúng tôi giúp đỡ gì không?
–     Thưa không ạ.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh bô đội đeo ba lô một mình trên phố hà nộiQuang đeo vội vàng chiếc ba lô lên vai, lững thững bước xuống sân ga. Có lẽ Quang cũng là người cuối cùng rời khỏi sân ga ra đường. Anh phân vân không biết về đâu. Đôi chân cứ bước trên đường phố như chiến binh mải miết quân hành mà đầu thì thật vô hướng. Lang thang mãi, quanh quẹo bước như một thói quen rồi cũng đến được con hẻm nhà chị gái bên gầm cầu xe lửa. Quang ngồi xịch ngay trước cửa nhà chị như kẻ xa lạ. Anh không gõ cửa vì sợ mất giấc ngủ lúc còn đêm. Đầu gục xuống chiếc ba lô ôm trong lòng. Tiếng còi tàu hét lên hồi dài lanh lảnh trên đầu. Quang giật mình nhoài người tránh bom rơi đợt tiếp. Chợt tỉnh. Anh nhận ra mình. À, đây là Hà Nội chứ không phải chiến trường. Tiếng kẹt cửa. Chị gái nhận ra Quang. Cuộc hội ngộ bất ngờ, đầm ấm. Nhưng Quang vẫn phải guồng xe đạp cho kịp tới đăng ký đề tài theo chương trình hội nghị đã quy định.

.                                                     TỐ HOÀI.HƯƠNG NHU

BÌNH LUẬN