Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ trả lời phỏng vấn về cuốn NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

0
750

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ
VỀ CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH

Nhavan NguyenthiNgocTu.jpg

Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh
                           Tp.HCM, 4-10-1995

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là tác giả của nhiều tập trực tiểu thuyết, truyện ngắn… đứng được trong lòng độc giả. Trong thời điểm trao giải cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, Phó trưởng ban Công tác hội viên. Hiện chị là Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới.

Phóng viên (P..V.) – Thưa chị, là một trong 9 thành viên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, chị có thể cho biết suy nghĩ của mình sau khi dư luận phản ứng cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991?
Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ – Có 2 yếu tố để tôi góp một ý kiến của mình vào việc trao giải thưởng cho Nỗi buồn chiến tranh:
.    1- Là một người viết, tôi rất mừng và đón đọc những tác phẩm của các cây bút mới xuất hiện và luôn cởi mở trong việc đánh giá họ vì chặng đường văn học của họ còn dài, còn nhiều thử thách. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Hồ Anh Thái… là những tác phẩm tôi chú ý.
.    2- Giải thưởng Hội Nhà văn 1991 trao cho ba tác phẩm là Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã gây được sự chú ý của bạn đọc sau khi trao giải. Ý kiến tranh luận nhiều bởi cả ba cuốn tiểu thuyết đều có nhiều vấn đề phải tranh luận. Riêng Nỗi buồn chiến tranh, sau khi bàn bạc, cân nhắc những ưu điểm và nhược điểm của tiểu thuyết, tôi, với tư cách là một ủy viên Ban Chấp hành cũng đồng ý với nhận định và xếp giải của Ban chung khảo với đa số ý kiến là tiểu thuyết viết về chiến tranh u ám, nặng nề. Tác giả nhìn vào cuộc chiến, nhìn vào số phận những người lính trong chiến tranh bằng con mắt bi quan và không có tương lai.
Thực ra, tôi nghĩ, Bảo Ninh là một người lính, lại mới xuất hiện qua Nỗi buồn chiến tranh nên hy vọng sau đó sẽ viết nhiều và viết khác đi. Còn việc Bảo Ninh phát biểu ở đâu đó, trong hay ngoài nước hoặc ai đó phóng tác vì mục đích gì đó, lại không còn trong sự giới hạn của Nỗi buồn chiến tranh nữa. Và, Bảo Ninh phải tự chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

P.V.Theo chị, xu hướng của các cây bút trẻ trong thời kỳ nở rộ của văn học hiện nay là gì?
Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ – Quả thật văn học đang “được mùa”. Qua hàng loạt các cuộc thi của các tạp chí, tờ báo, nhà xuất bản khắp trên cả nước, nhiều tác giả được phát hiện, định hình và tạo ra một lớp trẻ, một thế hệ văn học mới. Điều đó thật sự đáng mừng và cần thiết vì nền văn học luôn phát triển. Đặc biệt là các sáng tác của lớp trẻ đã mang nhiều sắc thái khác nhau của sự tìm tòi và khẳng định phong cách. Các bạn trẻ ấy có may mắn sống trong thời bình, cuộc sống ổn định và có điều kiện tiếp nhận nhiều thông tin của thế giới hiện đại và các bạn mổ xẻ cuộc sống cũng như nhân vật bằng con mắt của thế hệ trẻ đó. Nhưng cũng chính sự bung ra đó đã gây ra tình trạng loạn sách bởi một số người coi việc viết văn quá dễ, quá đơn giản nên họ cứ phóng bút để rồi những gì họ ghi ra giấy chẳng tạo ra tác dụng gì và nhanh chóng chìm vào quên lãng.
.    Tôi nghĩ, để thành một nhà văn dù sống ở đâu, ở thời kỳ nào cũng cần phải có tính nhân bản ngoài cái tài năng có sẵn và không ngừng bồi bổ thêm cho mình tri thức văn hóa. Những con người đó sẽ tồn tại mãi cùng với tác phẩm của mình.

P.V. – Xin cảm ơn Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.

BÌNH LUẬN