Ký ức MIỀN CHÂN SÓNG – Tiểu thuyết , ch.11 & 12 – Hương Nhu & Tố Hoài

0
601

KY-UC-MIEN-CHAN-SONGKY-UC-MIEN-CHAN-SONGKý ức MIỀN CHÂN SÓNG

.            Tiểu thuyết  của
.        Hương Nhu & Tố Hoài

.            CHƯƠNG 11

ĐÊM TÂN HÔN VỤNG DẠI

     Sau đám cưới Thành và Mai ies ngày, đến đám cưới Quỳnh. Phía trước Quỳnh không phải chiếc xe hoa mà là chiếc hồ-lô đang nghiền lên đá sỏi với đám khói mù mịt tỏa ra đen ngòm phủ kín cả bầu trời trong sáng. Đêm hôm trước, Quỳnh đã khóc đến sưng vù cả mắt. Hai mí mắt mọng đỏ là hiện thân bầm dập cõi lòng. Mai đến, trong niềm vui tận hưởng hạnh phúc vừa giành được trọn vẹn:
– Này cô dâu mới ơi! Tươi lên một tí xem nào? Gớm ghiếc, khóc như cô gái khi đi chống lầy!
Thấy Mai đến, Quỳnh đã muốn khóc rồi. Nay lời Mai như mũi kim, chỉ cần khêu nhẹ đã òa vỡ nức nở:
– Mai ơi, hay là… thôi được hay không?
– Thôi thôi cái gì!? Cô dở hơi lắm cô ạ. Họ hàng cùng bá quan văn võ sắp ríu rít đến kia kìa. Mà cô lại nói thế thì làm sao họ dám bước đi?
– Nhưng…Quỳnh có lẽ không… bước được đâu!
– Đừng có mà trẻ con nữa. Người ta cười cho đấy. Phải quên đi. Quên đi tất cả vì ngày mới đã sang trang. Có thế, mới sống nổi với đời! Để Mai xóa cái vết mọng trên mắt kia đi. Nào, vào đây một tí nào…
Mai kéo tay Quỳnh như kéo nhợ trâu lì vào góc nhà vẫn làm buồng ngủ của mẹ con Quỳnh. Thành trông thấy mà thương Quỳnh quá. Thành đến gần Quỳnh, nói nhỏ:
– Vào đi Quỳnh ạ. Vào đi. Bà con sắp đến cả rồi đấy!
Lời Thành như lá bùa hộ mệnh làm Quỳnh khép nép đi vào buồng để cho Mai quẹt lên chút phấn hồng. Mai như họa sĩ không rõ học vẽ từ bao giờ. Cô quẹt quẹt, sơn sơn rồi ngắm nghía tự thưởng bản phác thảo của mình. Bỗng Mai như tức giận nhìn Quỳnh ra lệnh:
– Quỳnh! Có nín đi không! Công người ta quẹt suốt nãy giờ thành công cốc mất rồi.
Quỳnh cúi xuống như kẻ xấu hổ. Một câu ca dao ập vào cô như thác dữ: Trời mưa bong bóng phập phồng, Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? Tiếng thở dài đánh thượt buông thả cho nỗi ai oán trào dâng. Hình như nước mắt đang bị vắt kiệt nên chỉ ứa ra hai khóe mắt hai giọt quánh đọng long lanh trên nền giác mạc đang nhuộm đỏ nỗi đau. Quỳnh sờ cái trống trơn trên đầu khi cảm giác có vành khăn đang thít chặt, làm đầu Quỳnh u u, nằng nặng. Quỳnh sờ xoạng dưới đất như tìm kiếm vật gì. Cô lại sờ lên đầu, miệng kêu như vừa mất trộm:
– Cái khăn của tôi đâu rồi?
– Khăn nào? Đâu có? – Mai nhanh nhảu đáp.
– Một vành khăn tang trắng đang bó lấy đầu mình mà Mai.
Bỗng cánh màn gió kéo xoẹt nhẹ lộ một gương mặt ngây thơ:
– Cô Mai. Cô Mai làm gì mẹ cháu đấy?- Trường Sơn chạy ôm chầm lấy mẹ – Mẹ, mẹ! Làm sao mẹ khóc? Cô Mai! Sao mẹ cháu lại khóc?- Trường Sơn nhìn mẹ mếu máo vỡ òa ra cái giọng nức nở không kém mẹ nó chút nào – Mẹ, mẹ. Nín đi mẹ…
Mai bỏ hộp phấn xuống, thẫn thờ. Nước mắt Mai cũng chảy thành dòng từ bao giờ. Mai dằng Trường Sơn ra khỏi mẹ nó, ôm chặt vào lòng. Miệng Mai mếu máo nói lời dối lòng mình:
– Trường Sơn ngoan của cô Mai. Nín đi. Nín đi nghe. Trường Sơn để mẹ đi dự đám cưới ở xa rồi về ngay với Trường Sơn nhé.
– Ứ ừ! Cháu ứ cho mẹ đi đâu! Mẹ đi cháu ngủ với ai?
– Ngủ với bà ngoại. À ngủ với cô Mai. Trường Sơn ưng không?
– Không! Cháu ngủ với mẹ cơ. Mẹ ơi!
Quỳnh vội vàng ôm Trường Sơn vào lòng:
– Con! Trường Sơn rất đỗi quý yêu của mẹ. Mẹ yêu con mà!
– Mẹ đừng đi xa mẹ nhé. Mẹ đừng ở đêm mẹ nhé. Mẹ ở đêm con ma bắt mẹ đi đấy.
– Không đâu con.
– Nhất định ma bắt mẹ đi mà. Ma bắt mẹ, con ngủ với ai? Hu… hu…
Thành ở hội trường cưới về thấy cánh màn vẫn buông hờ và tiếng xụt xịt bên trong. Anh đoán ra sự tình nên muốn phá tan ảm đạm đang bao phủ ở góc nhà kia:
– Nào hai bạn xong chưa? Bên hội trường chuẩn bị xong xuôi cả rồi đó.
Quỳnh nói khe khẽ trong giọng buồn rười rượi:
– Cứ để vậy thôi Mai ạ. Để Quỳnh đi rửa mặt …
Cánh màn gió vắt lên. Thấy Trường Sơn mắt đỏ hoe. Thành vội ôm ra ngoài. Mai nói với Thành:
– Chờ Quỳnh rửa mặt một tí rồi ta đi…

.      Đêm tân hôn vụng dại đến với Quỳnh. Cô nằm xóng xoài trên giường như cái xác giá lạnh vừa hạ huyệt. Một cái xác không hồn thoi thóp thở dưới ánh sáng hoa chúc nhòe nhoẹt như một ngọn đèn dầu soi cái hồn đang lẩn khuất đâu đây. Đinh ào vào ngay sau tiếng kẹt cửa. Một mùi nước hoa thoảng xộc vào mũi Quỳnh như mùi địa liền của thày phù thủy rắc đuổi ma tà. Những nụ hôn giông bão đổ lên thân xác bất động. Bàn tay thô ráp như cơn gió xoáy lột hết tấm vỏ mỏng manh, để lộ tấm thân ngà ngọc nõn nà trước mắt quỷ thần. Quỳnh vẫn không động đậy. Đinh hỏi:
– Em sao vậy?
– …
– Làm sao mà có vẻ buồn?
– Em mệt!
– Thế à! Vậy thì yên tâm đi. Sẽ được đáp ứng tới tận cùng khoái cảm….
Một cảm giác như tấm thân hộ pháp sắp sửa đổ ập lên người. Quỳnh muốn chống đỡ lại như tự bảo vệ sự sống của mình. Nhưng một cảm giác của lý trí chống lại Quỳnh. Cô đã là vợ Đinh rồi. Biết làm sao được. Thế là Quỳnh thả lỏng người ra để mặc cho nanh vuốt phàm tục cấu xé, phanh phui. Bên tai Quỳnh rào rào những âm thanh rên rỉ hổn hển như kẻ vừa ráng sức chạy trốn hổ vồ. Chắc là đã thỏa mãn, cái thân xác kia rơi phịch xuống giường phờ phạc như kẻ chết trôi. Lát sau, những âm thanh rời rạc như tiếng búa chát chúa cố nhét vào lỗ tai Quỳnh:
– Thỏa mãn rồi chứ?
– ….
– Thích không?
– …
– Sao không nói?
Quỳnh miễn cưỡng dối lòng:
– … Thích(!)
.    Quỳnh nằm im thin thít giữa tiếng ngáy gỗ khò khò như ống thuốc lào rít tắc. Tấm thân Quỳnh như bị dính đét xuống giường. Cô muốn trở mình mà không thể nào nhấc mình lên được. Toàn thân nhức mỏi. Cô co một chân lên nhưng chuột rút làm Quỳnh co cứng lại trong cái đau như muốn xé cơ. Quỳnh ngiêng mình vào tường. Ôi từ đốt sống lưng quần xuống chân rần rần tê dại. Quỳnh xót xa nhận ra nơi đau rát phần cơ thể vừa bị tra tấn giày vò. Cô rúm người lại. Cảm giác sợ hãi trùm lên lan tỏa toàn thân. Quỳnh tự hỏi, làm sao phải lấy chồng? Chức phận đàn bà phải thế! Phải sinh con đẻ cái gìn giữ giống nòi. Nhưng sao phận mình lại bất hạnh thế này? Quỳnh chán ngán cái chức phận nặng nề đã phũ phàng đè nặng.
Quỳnh nhắm mắt lại. Quang hiển hiện ra một con người tệ bạc. Ôi sao Quang nỡ lòng nào đẩy mình vào đường cùng không lối thoát? Hay thằng đàn ông nào cũng chung cả lũ tham lam? Người ta bảo bản chất đàn ông cả thèm, chóng chán. Thì bên cạnh mình đây một minh chứng sự bạc bội của một loại giống đực khi đã đầy ắp những no nê. Trong thâm tâm ô uế trỗi lên thúc giục bản năng đi tìm đồ mới lạ.
Chỗ dựa của Quỳnh chỉ còn lại Trường Sơn. Mà Trường Sơn bé bỏng quá đi! Trường Sơn ơi giờ này con ở đâu? Con ngủ trong tiếng nấc xót xa cạn kiệt chờ đợi hay đằm trong nước mắt mong ngóng mẹ về? Trường Sơn ơi, con hãy tha thứ cho người mẹ độc địa tầm thường này! Nhưng con còn non nớt quá. Con chưa hiểu được nỗi khổ đàn bà. Chưa cảm thông được mẹ. Mẹ lỡ bước sang ngang làm nghĩa vụ cuộc đời. Có thể rồi mẹ sẽ đánh đổi cuộc đời này để giữ lại giọt máu của mẹ để không vuột khỏi tay mình.
Quỳnh cố nén lại nỗi đau dằn vặt trong bã bời chán ngán. Song từ trong bã bời ấy làm Quỳnh thiếp đi…

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh anh bộ đội đeo ba lô thời chiếnQuang hoàn thành xong việc báo cáo mà Quân Y viện đã giao. Đó là tiếng nói kinh nghiệm chiến trường. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu đấu tranh dằn vặt… không dễ gì có được. Một điều sáng tỏ bổ sung cho những trang sách kinh điển đã ố vàng. Được sự ủng hộ nhiệt liệt của hội nghị, những trang bản thảo của Quang được in Ronéo thành nhiều bản trao tay cho mỗi đại biểu về dự hội nghị ngoại khoa. Tuy nhiên trong lòng Quang còn hối hả và cần kíp hơn là việc về gặp Quỳnh của anh sau bao ngày thăm thẳm cách xa. Quang nhanh chóng tìm cách ra bến ô tô Kim Liên để về nhà. Anh chỉ qua nhà một chút dù nỗi lòng thày, mẹ đã mòn mỏi trông chờ. Quang gò lưng đạp chiếc xe đạp cà tàng hướng thẳng nhà Quỳnh. Tới chỗ khúc quặt vào ngõ nhà Quỳnh thì dừng lại. Vẫn con đường quen thuộc chưa xa mấy năm mà nay rất lạ. Đơn sơ vài túp lều trống huênh hoang như chợ thời chiến tan tác trôi dạt về đây. Không rõ, họp chợ vào lúc nào? Bầu trời xụp xuống nhá nhem. Phá tan cái tưởng như là họp chợ ấy, bắt đầu là người phụ nữ đem tới túp lều đầu cùng, chiếc ấm dành tích nước chè xanh và ống điếu thuốc lào. Chị nhanh chóng thả chõng tre xuống, sắp ra mấy cái ghế đủ loại đặt xung quanh chõng làm bàn.
Quang như kẻ lạc đường đang phấp phỏng nỗi chờ đợi đắn đo. Quang vớ được chỗ để bấu víu giải tỏa nỗi lòng đang phân vân khó xử. Anh dựng xe đạp bên túp lều và xà ngay vào cái ghế, ngồi lặng im sau một tiếng chào. Chị hàng nước đon đả:
– Chú bộ đội dùng nước nhé? Nước chè xanh chị mới pha đây.
– Cám ơn chị. Mặc em.
Thấy Quang cứ ngồi thế, chị hàng nước gặng hỏi:
– Hay là chú uống trà tàu, chị pha?
Quang ngớ người:
– Ôi cám ơn chị ạ. Em uống trà xanh được mà.
Chị hàng nước rót ra cốc nước chè xanh một màu vàng trong, lóng lánh tinh khôi:
– Chú uống đi. Chè xanh quê, chị pha ngon lắm đấy. Chú đi chợ à? Trước đây xẩm tối chợ họp. Nhưng nay hòa bình rồi mà vẫn thói quen họp đêm nên chợ chiều vẫn muộn chú ạ. Thế chú ở gần đây hay đâu về?
Thấy chị hàng nước dễ mến, Quang muốn thăm dò ngay:
– Chị có biết cô Quỳnh người thôn…
– À… Quỳnh làm bí thư Đoàn ấy à? Cô ấy chăm chỉ đảm đang lắm. Kiện tướng bèo hoa dâu đấy!
Quang bỡ ngỡ vì đoan chắc Quỳnh này không phải là Quỳnh của mình nên mạnh dạn:
– Không, Quỳnh giáo viên cơ chị ạ.
Chị hàng nước vẫn mải mê sắp ra những lọ kẹo lạc, gói thuốc lào gói bằng lá chuối. Song vẫn tìm tòi trong bộ nhớ của mình:
– Quỳnh giáo viên? À, cô Quỳnh giáo viên ý à? Con cụ lang Tiến ấy phải không?
– Vâng ạ.
– Cô giáo Quỳnh dạy học giỏi lắm. Học trò đứa nào cũng thích học cô ấy. Chú là bạn cô ấy à? Chú đến thăm cô ấy?
Quang như mở tấm lòng, miệng cười tươi:
– Vâng ạ.
– Nhưng cô ấy có nhà đâu. Mấy hôm trước vợ chồng cô ấy qua đây. Lần nào qua chú ấy cũng vào rít thuốc. Chú ấy thích thuốc lào Tiên Lãng nên chị cứ phải mua dành đấy. Chú có biết hút thuốc lào không? Cầm mấy gói mà hút cho đã.
– Em không biết hút, chị ạ.
– Cái chú chồng cô giáo ý mà. Hay thơ đáo để. Chú ấy là nhà thơ sao ấy. Chú ấy còn đọc thơ rồi giảng giải cho mọi người nữa. Ai ai cũng xúm cả lại. À thế này, chị cũng bập bõm được đôi câu: Mùa xuân đó con chim én mới, Rộn đồng chiêm chấp chới trời xanh. Gì gì nữa nhỉ. À đời ta gương vỡ lại lành, Cây khô cây lại đâm cành nở hoa. Cây khô mà lại còn đâm cành nở hoa được thì chắc là hiếm hoi lắm, may mắn lắm. Chú nhà thơ ấy sao mà khéo ví von đến thế.
– Vợ chồng Quỳnh cưới lâu rồi hả chị?
– Chắc lâu rồi. Chú không dự à?
– Không được may mắn ấy. Thời chiến mà chị.
Có người khách nữa vào. Quang nhấp nhổm đứng dậy nhường chỗ. Chị hàng nước nhanh nhẩu:
– Chú cứ ngồi đi. Chị bạn ấy mà.- Chị giới thiệu với người bạn mới – Chú bộ đội đây là người quen của cô giáo Quỳnh đấy.
Chị bạn gật đầu:
– À, à…
– Đang kể chuyện về cô giáo cho chú ấy nghe. Gớm cái thằng cu con nhà cô giáo ý mà, nó kháu khỉnh nhanh nhẹn lắm cơ. Bố nó trông đen đủi vêu vao thế nhưng được cái nó giống nước da cô giáo, trắng trẻo lạ. Lúc nào cũng, không rời mẹ nửa bước.
Chị bạn cô hàng nước cũng khen lao:
– Như đâu, cô Quỳnh chuyển về dạy ở xa cơ mà? Hình như tháng nào vợ chồng con cái cũng kéo nhau sang thăm ông bà Lang đấy. Trông thật là hạnh phúc.
Quang cúi mặt để giấu nỗi buồn. Nhưng anh vẫn nói một câu giấu diếm dối lòng mà đang xé nát tâm can:
– Mừng cho cô ấy.
– Thế chú là gì?
Quang ngẩng lên cố ra vẻ bình thản:
– Bạn học cũ thôi chị.
Chị bạn giọng hồ hởi chia sẻ:
– Thế à. Cái tình bạn bè nó sâu đậm thế. Chiến tranh bận bịu mà còn nhớ đến nhau, thật là quý hóa. Vậy mà không gặp. Thôi, quả đất tròn. Hòa bình hoàn toàn rồi ta lại gặp nhau, chú ạ. Vậy chú được mấy cháu rồi?
– Một thôi chị. À, một rưỡi!
– Sắp nữa rồi đấy. Ừ, thời chiến thì thời chiến chứ. Cứ phải là sinh đẻ! Không thì lấy quân đâu mà đánh giặc.
Quang muốn hỏi nhiều chuyện về Quỳnh. Nhưng đầu Quang có còn minh mẫn nữa đâu. Nó mang mang một nỗi niềm, trà trộn sự buồn đau và tức giận. Quang móc túi trả tiền nước. Chị hàng nước như biết được nỗi thẫn thờ không gặp người quen nên nói:
– Thôi chú. Chẳng mấy khi chú về thăm bạn. Chú cứ uống nước tự nhiên. Chị như thay mặt cô giáo Quỳnh tiếp chú. Hôm nào vợ chồng cô giáo về đây chị kể chuyện cho cô ấy biết.
– Vâng ạ.
– Thế chú tên gì nhỉ?
Quang không quen nói dối. Nhưng tình thế này, buộc Quang đành phải dối lòng để giữ tròn hạnh phúc của người mình yêu. Quang ngần ngừ, chậm rãi:
– Em, Hùng, chị ạ.
– Vậy chú Hùng có nhắn gì không?
– Không chị ơi. Em có công chuyện đi qua. Tiện ghé vào thăm bạn cũ chứ không có ý định gì. Em về kẻo tối chị ạ.
– Ừ, chúc chú Hùng khỏe nhé. Khi nào qua đây, cứ ghé hàng chị cho vui.
– Vâng ạ.

.    Quang ra về với đôi chân mệt mỏi. Hai bắp cơ cẳng chân đau như có ai dần. Quang ngồi trên xe, đạp ngoằn ngoèo như kẻ phân tâm rối trí. Nghĩ cái này lại xiên sang cái khác. Song những câu hỏi cứ hiện ra nhì nhoằng và bắt anh phải lý giải bằng được. Quang không có cơ sở tin cậy nào để trả lời thỏa mãn tất cả. Anh không nỡ lòng nào đổ tội cho Quỳnh phản bội anh. Bởi vì tình yêu của anh với Quỳnh cả bằng lý trí mà nỗi lòng yêu đã biến thành xương thành máu của anh rồi. Quang nhớ, Quỳnh cứ tranh luận, Quỳnh yêu anh hơn cả anh yêu Quỳnh. Quỳnh khẳng định: nhất định thế. Quang nói anh yêu em nhất thế gian này. Quỳnh bảo, có cái nhất nghĩa là còn có cái nhì… vậy thì làm sao mà bằng em yêu anh được. Giá tình yêu đem lên cân tiểu ly được, ắt cán cân sẽ ngiêng hẳn về em. Trong em chỉ có một anh. Tình yêu của em đã chiếm một tuyệt đối. Con số một tuyệt đối khởi đầu trong dãy số tự nhiên, không có thứ bậc thì không có gì sánh được. Quỳnh cười thỏa mãn về tình yêu tuyệt đối của mình “ Em đã chứng minh cho anh biết em yêu anh thế nào rồi đấy!” Bóng hình Quỳnh đang hiện ra trước mắt mình đây. Vậy mà nay Quỳnh lại đi lấy chồng? Bất đồ, chiếc xe đạp đã tuân theo mệnh lệnh người lính như tuân theo tình huống chiến trường. Quang đi trong màn đêm đen không trăng sao, không ánh đèn soi hướng về phía con tim Quỳnh đang cư ngụ, dù chưa xác định được tọa độ rõ ràng. Nhưng con tim Quang chỉ cho Quang, cứ mải miết đi thì ắt đến. Anh tới được bờ đê chắn ngang trước mặt. Quang leo lên mặt đê rồi theo lối mòn trên bãi hẹp triền sông. Ở đó gọi là bến đò. Quang hướng mặt ra phía sông định hình. Con sông trước mặt anh mênh mang chỉ nhận ra màu lấp lánh sóng qua vệt sáng sao băng vô tình, quá hiếm. Cơn gió ngược chiều hắt vào mặt anh rát rạt. Quang tự nhủ, ngủ bãi ở đây thì cũng vậy thôi. Đời bộ đội cũng đã ngủ bờ, ngủ bãi quen rồi. Vậy thì phải vượt sông đêm nay cho qua thời gian vô ích. Quang căng mắt lục tìm trên bãi ngô lưa thưa được một ít thân ngô khô bó lại làm phao. Quang nhìn về phía xa mông lung, lờ mờ bụi cây không rõ. Anh tới đó. Những chiếc lá bụi cây trước gió phành phạch kêu gọi. Quang lần lần bám vào cây, phát hiện ra bụi chuối lớn. Sờ mò, Quang bứt được nắm dây to. Bước thêm vài bước, Quang vấp phải thân cây chuối đã chặt buồng, nằm ềnh ngay dưới đất. Quang rất mừng. Anh luồn tay ôm thân chuối lấy sức như lực sĩ cử tạ, hất được cây chuối lên vai đưa ra bờ sông làm bè để vượt. Chiếc xe đạp bó chặt trên thân cây chuối. Quần áo gói trong tấm nilon thành bọc, làm phao. Quang bì bõm đẩy bè chuối men theo bờ sông, ngược dòng nước một đoạn dài rồi ráng sức bơi ra giữa sông. Gió vẫn ngược chiều. Nhiều lần chiếc phao khự lại như dạt ngược vào bờ. Hì hụi mãi, thấm mệt. Nhưng Quang phát hiện ra bè bị trôi vào dòng xoáy, nước quẩn chảy vòng. Anh dang tay bám dọc theo thân chuối, tránh vòng xoáy đang muốn lôi anh xuống đáy sông sâu thẳm. Lựa cho bè trôi ra phía bờ ngoài dòng xoáy, anh quẫy đạp đôi giò hết sức mạnh. Bè thoát được hoàn toàn ra khỏi vòng nước cuộn. Quang cũng đã mệt lắm. Song anh cố sức bơi đẩy cho bè cập vào bờ. Bè tới được bờ sông bên kia thì trời đã thuộc về sáng. Quang nằm ườn trên bãi cát lấy lại sức. Cho đến lúc phía xa xa có những bước chân rậm rịch, và tiếng trò truyện rì rầm Quang mới đứng dậy thay quần áo và đạp xe theo lối mòn lên phía bờ đê.
Quang hỏi đường đến được nơi Quỳnh dậy học. Lân la mãi mới có người biết Quỳnh. “ Nhưng vợ chồng cô giáo Quỳnh đều vắng nhà rồi chú ạ!”. Quang bần thần cả người. Anh nghĩ, đến ngay trước cổng trường là chắc ăn nhất. Tiếp cận với bác bảo vệ trường, bác cẩn thận coi giấy tờ rồi tặc lưỡi:
– Tiếc cho chú quá. Vợ chồng cô giáo Quỳnh mới về bên nội hôm qua. Nghe đâu như giỗ chạp gì.
Quang cố giữ vẻ bình thản:
– Thế cháu nhà chú Đinh lớn từng nào rồi bác?
– À, thằng cu kháu khỉnh lắm. Dễ nó học lớp một rồi.
– Vậy cũng là hạnh phúc! Chắc vợ chồng Đinh khấm khá?
– Vợ chồng cũng thấy hạnh phúc lắm. Nhưng thời buổi này đồng lương là nhất. Mà như chú ấy, thấy có làm gì đâu. Cô ấy giáo viên giỏi có khác. Đảm đang lắm. Bao nhiêu việc khó khăn, việc gì cô ấy cũng sắp xếp làm đâu ra đấy.
Quang đã gợi mở nhiều thông tin về Quỳnh. Nhưng bác bảo vệ cũng chỉ biết đến thế. Anh đành trở gót đạp xe.
Ôi sao lúc đi thì khỏe là vậy mà lúc về lại mệt nhọc thế này? Quang lê gót như một kẻ chiến bại hoàn toàn. Song những câu hỏi tại sao như ma quỷ bám riết lấy anh. Chiến tranh? Tình yêu phản bội? Vấn đề có là hai mặt đối lập đồng nhất? Chiến tranh có là nguyên nhân dẫn tới sự phản bội? Quang đưa ra nhiều giả định và cố nhét vào những cặp phạm trù, nhưng đều vênh váo cả. Quang nghĩ về Đinh. Anh ta đã ảo thuật với Quỳnh? Điểm tựa của ảo thuật ấy là gì? Có dựa trên sự khao khát của người đàn bà từng trải… mắc vào tròng? Hay là lời thật thà của Đinh đã bị mình hiểu lầm? Nếu vậy, Đinh ơi, hãy cho mình xin lỗi cậu. Cậu hiểu cho mình, chỉ vì mình quá yêu Quỳnh. Là vì mình trân trọng giữ gìn tình cảm với Quỳnh như giữ con tim mình bất khả xâm phạm. Là bởi vì một thời chưa qua, mình coi Quỳnh là nửa cuộc đời mình bất khả chia lìa.
Nhưng Quỳnh ơi, em có biết không, đến giờ, anh vẫn yêu em vô hạn, vẫn thương em vô cùng Quỳnh ạ. Em có nhớ những ngày cùng trên ghế nhà trường, những ngày chụm đầu giải những bài toán khó và ta đã giải mã con tim!? Em còn nhớ ngày biển ì oạp cùng phi lao rầm rì ngợi ca tình yêu của chúng mình bên miền chân sóng? Hay đó chỉ là những tích tụ của sự khổ đau dội vào lòng anh muối xát? Có thể nào Quỳnh đau khổ khi bước lên xe hoa rực rỡ ngày khai trương cho một cuộc đời? Anh không muốn cuộc đời em đau khổ. Anh có quyền nghi ngờ kẻ là chồng em kia, một kẻ phàm phu làm đời em đau khổ thêm ra.
Nhưng em đang hạnh phúc kia mà! Thằng cu con kháu khỉnh lanh lợi kia là giọt máu kết quả của tình yêu giữa em với Đinh mà! Anh không có quyền chia lìa hạnh phúc mà em đang có. Song vốn con người, cái ích kỷ tình yêu trỗi dậy, anh có quyền ghen tị với Đinh.

Quang về tới ngõ. Mẹ đã ra đầu ngõ chờ anh. Nhìn Quang, mẹ ái ngại, xót xa:
– Con về có được mấy ngày mà con cứ đi như vậy, trông phờ phạc lắm con.
Quang thả lời trầm buồn:
– Mai con phải đi rồi mẹ ạ.
Mẹ quá ngỡ ngàng. Lòng ước mong gặp con trai vừa bị đánh cắp trên tay:
– Không ở được ít ngày nữa sao con? Sao mà gấp gáp vậy?
Quang không nói dối mẹ bao giờ. Anh đưa ra lời giải thích vội vàng như đưa cho mẹ một công thức cứng đơ:
– Con phải đi. Lần này không phải là về phép mẹ a, mà chỉ là tranh thủ ghé thăm nhà. Con thấy thầy mẹ khỏe là con an tâm rồi.
Mẹ bằng lòng tin vớt vát:
– Con phải đi thật sao?
– Thật đấy mẹ. Thời chiến mà.
Mẹ gạt nước mắt:
– Cái gì cũng đổ cho thời chiến? Đất nước ngàn năm, có mấy hồi không có chiến tranh?
– Nhưng mà con phải đi thôi. Chiến tranh kết thúc rồi, con về luôn với mẹ.
Mẹ nén lòng thương nhớ như đã mấy lần tiễn con, cho lòng con thanh thản. Mẹ khe khẽ nhẹ nhàng:
– Thì con cứ đi. Nói thế, mẹ dám giữ con sao được(!)
Nước mắt Quang muốn ứa ra. Anh cũng cố giữ cái miệng cho khỏi mếu máo:
– Ôi lòng mẹ! Con thương mẹ lắm mẹ ơi!
Quang vội vã ra đi. Có thể Quang tránh nỗi buồn ly biệt. Nhưng chiến trường, tiếng súng chỉ thưa đi. Anh phải tới nơi còn máu đổ.

.                                CHƯƠNG 12

.                  NGƯỜI MỞ LÒNG BAO DUNG

.  Kết quả hình ảnh cho hình anh3 phụ nữ thôn quê đạp xe đạp    Quỳnh dạy học về muộn. Cô đang lúi húi cho bữa cơm chiều. Bỗng có người hớt hải chạy tới nhỏ, to, thì thào xem chừng quan trọng lắm:
– Cô giáo ơi! Ra mà xem. Ngoài đầu xã có cuộc ẩu đả. Em thấy anh Đinh dằng co chiếc xe đạp với mấy người rồi bị đẩy xuống sông.
– Cám ơn em. Một chút tôi sẽ ra ngay.
.   Quỳnh vội tắt lửa nồi cơm. Vùi xuống tro bếp xong, cô quáng quàng chạy ra hướng đầu xã. Người đã đứng kín đông xung quanh hiện trường sự việc xảy ra. Thấy Quỳnh đến, mọi người biết ý, trân trọng dãn ra. Tuy nhiên trong sự im lặng nặng nề vẫn có tiếng xì xào bâng quơ, đánh tiếng:
– Cuộc bắt nợ chứ còn gì!
– Thì cố tình lừa đảo. Ăn quịt mồ hôi nước mắt của người ta, ai mà chẳng của đau con xót.
– Cứ phải như thế nó mới chừa thói du côn.
– Họ là người xã Nghĩa Phong thì phải…
Dưới con sông bé nhỏ đục ngầu, Đinh lóp ngóp như con chuột lang ăn vụng bị bắt quả tang, không có đường chạy, bí thế phải nhảy xuống sông trốn lủi. Quần áo ướt sũng. Bùn đất bê bết dính sát thân Đinh. Quỳnh không nói được gì. Mặt tái mét, cắt không ra hột máu. Có ai biết được lòng Quỳnh lúc này? Tan nát! Quỳnh xấu hổ đến mức không biết lấy gì che mặt. Cô trách mình sao lại dại dột phơi mặt ra nơi này làm gì để rồi không tìm được lỗ nẻ dù rất nhỏ mà độn thổ. Hay có một lối rất hẹp chui vào mà thực hiện chước… chuồn(!). Quỳnh lủi thủi trốn về nhà như kẻ trộm đầy nhơ nhớp.

.    Đêm buông xuống sớm hơn và dài hơn mọi đêm. Quỳnh tự soát xét lại toàn bộ thời gian lấy Đinh làm chồng đến giờ. Nguyên nhân nào làm cho Đinh biến dạng? Hay chính là tái hiện hình hài?
Có phải từ đời sống vợ chồng? Mình cũng đã cố gắng hết mình thực hiện nghĩa vụ làm vợ mà chiều ý thỏa mãn của Đinh. Còn cách nào không thỏa mãn mà Đinh lao vào gái gú như điên qua những tin đồn đến tai mình, nửa đùa nửa thật?
Lợi dụng tình bạn bè, Đinh mượn tiền tiêu rồi vù luôn. Mình cứ nghĩ, lòng bao dung nhân ái sẽ cải thiện được tính nết con người. Cho nên vị tha, mình ngoan ngoãn trả nợ cho Đinh. Điều đó đã không cải tạo được lòng tham. Hóa ra nó phản tác dụng. Vô tình, mình đã làm kẻ nối giáo dài hơn cho kẻ xấu được thể, làm trò. Nay chứng nào, tật nấy. Hành động vừa qua diễn ra ngay trước mắt mình. Đấy chỉ là hoàn cảnh hay bản chất? Đinh vẫn khư khư làm kẻ nô lệ đồng tiền. Bất chấp liêm sỉ, lún sâu vào thói lừa đảo. Tuy mỗi lần như thế, chùi mép không được thì lại quỳ gối vờ xin tha thứ để nhanh trở về với trò diễn của mình.
Láng máng trong đầu Quỳnh âm thanh về tiền sự với mức án Đinh bị đuổi học, cô vô tình nghe được chưa xa. Tại sao lúc đó mình lại quá tin vào sự cải biến con người trong môi trường tốt, mới? Thì ra cái gian tham thường xuyên cư ngụ như con quỷ có sẵn to hoặc nhỏ, non nớt hay già đời trong con người ta. Tuy nhiên, nó luôn ẩn khuất và giấu diếm tính danh. Khi có thời cơ và hoàn cảnh thuận lợi thì tìm cách ngóc đầu dậy mà biến hiện nguyên hình!
Trời sáng. Xóm làng đã rậm rịch đi làm. Quỳnh không có xe đạp đi đến trường, buộc lòng cô phải hỏi Đinh về người lấy chiếc xe của mình để trong đơn trình bày xin lại xe cho rõ:
– Anh Đinh. Chiếc xe đạp hôm qua có biết người nào lấy?
Đinh tỉnh queo trả lời ngọt xớt:
– Mấy thằng ma-cô bờ biển chứ còn ai vào đấy. Tôi lạ gì chúng nó. Bọn chuyên ăn cướp. Tên nó là….
– Có đúng tên của họ vậy không?
– Thề có trời đất biết. Tôi không nói sai…
Quỳnh cố nhớ tên mấy người như Đinh kể. Cô đi thẳng tới trường cho kịp giờ lên lớp. Tan học, Quỳnh nhờ người chở sang Ủy ban Nhân dân xã bên, nộp đơn trình bày sự việc rồi cô hối hả về nhà. Trước cửa, trong nhà cô thấy bóng công an ở đó. Một đồng chí Công an đang đọc lệnh tống đạt:
.Lê Đinh đã phạm vào các tội danh sau:
1. Lợi dụng tín nhiệm của người khác để chiếm đoạt tài sản.
2. Đánh nhau, phá rối trật tự an ninh xã hội.
Nay quyết định lệnh tống đạt Lê Đinh, tạm giữ tại phòng tạm giam huyện để làm rõ sự việc. Lệnh được thi hành ngay…
Đinh cúi đầu đi trước hai đồng chí công an huyện.
Vậy là sự việc đã quá rõ ràng. Không còn nghi hoặc như những lời đồn đại ý tứ, xa xôi.

Buổi sáng tiếp theo. Quỳnh có giấy mời sang Nghĩa Phong giải quyết sự việc mất xe đạp. Dạy học xong, Quỳnh thu xếp nhanh chóng để chiều sang đó cho kịp giờ hành chính. Tới trụ sở Ủy ban Nhân dân xã cô đã thấy ba người dân ăn mặc chất phác ngồi ở trụ sở ngóng ra. Cô đoán chắc là những người lấy xe của cô. Nhìn những gương mặt dầu dãi nắng mưa, cô nhận ra ngay những dân lành, cả tin. Ông phó Chủ tịch phụ trách Tư pháp xã mời tất cả đối tượng lấy xe và Quỳnh vào bàn làm việc. Ông nói:
– Nguyên đơn là bà Phương Quỳnh giáo viên trường Phổ thông cấp hai xã Nghĩa Tân. Xin mời bà trình bày sự việc.
Quỳnh cầm tờ đơn đọc vừa xong, không đợi cho ông phó Chủ tịch cất lời, một người đã cãi lại:
– Thưa ông phó Chủ tịch. Chúng tôi không phải là người đi ăn cắp xe. Mà đây là chúng tôi bắt nợ.
Ông phó Chủ tịch nhắc nhở:
– Chúng tôi mời các anh lên đây là để làm rõ sự việc theo pháp luật. Vì vậy, khi tôi yêu cầu bên nào nói mới được nói. Kẻ nói phải có người nghe chứ? Bây giờ các anh trình bày lý do bắt nợ đi!
– Thưa ông phó Chủ tịch. Anh Đinh đã dụ dỗ chúng tôi. Anh ta nói quen biết nhà máy sản xuất lưới đánh cá. Vì thế trước hết mua được lưới, sau là giá rẻ hơn giá mua chui ngoài thị trường. Thời buổi khó khăn này, dân đánh cá chúng tôi có được tấm lưới là quý hơn cả vàng ròng. Nay có người nói thế ai chả muốn nhờ. Nếu mua được thôi, chứ không cần đắt rẻ, thì tấm lòng biết ơn đáng phải để đời. Chúng tôi không bao giờ để thiệt thòi cho anh Đinh. Anh Đinh yêu cầu đặt cọc trước. Mấy tháng trôi qua, anh lại đến nói khó khăn thời chiến. Nguyên vật liệu đang chờ vận chuyển. Rồi nhà máy thiếu nhân công sản xuất. Và tiền cọc phải đưa thêm. Mấy lần như thế. Cả mấy anh em này ăn sẻn để dành kế cả vay công mượn nợ, hùn nhau góp vốn, quyết tâm mua lưới về sản xuất… Song cả năm trời, rồi hết năm này sang năm khác, tiền mất. Đòi lại nhiều lần, Đinh cứ khất lần rồi trốn lủi. Thậm chí Đinh còn thách thức, tuyên bố không trả thì làm gì nhau… Chúng tôi đành rình, đón đường lấy lại chút đỉnh. Cái xe đạp này không đáng giá tiền chúng tôi đã đưa cho Đinh…
Ông phó Chủ tịch xã nói:
– Như vậy sự việc đã rõ. Nhưng các anh đi bắt nợ nhầm đối tượng rồi. Đơn này tố giác hành vi ăn cắp, cưỡng đoạt tài sản người khác là đúng sự thật. Không lẽ anh lừa gạt tôi, tôi trả thù lừa gạt lại anh thì còn gì là tôn ti, thể thống. Anh Đinh đã mượn chiếc xe đạp này của người khác đi trên đường, không nhằm mục đích gây tội, không có hành vi cấu thành tội phạm thì chiếc xe đạp này đương nhiên phải được trả về chính chủ. Vì vậy, các anh phải tự giác trả lại chiếc xe là đúng pháp luật. Hôm nay, tôi không xét đến các hành vi gây rối trật tự an ninh xã hội mà các anh đã gây ra. Bây giờ yêu cầu cô giáo đem tất cả giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu xe của cô, như giấy đăng ký xe, giấy chứng minh nhân dân… để xác nhận sự thật và lấy xe về. Các anh đã rõ chưa?
Tất cả ba người đồng thanh:
– Thưa rõ ạ.

.        Làm xong các thủ tục nhận xe về thì trời đã nhá nhem. Đêm nguyệt tận sao mà màn đêm sập nhanh đến vậy. Quỳnh ngẩng nhìn trời lờ mờ nhận ra cơn cúa tứ phương đang kéo đến dồn cả trên đầu. Bầu trời đen sì như trôn nồi rang. Những tưởng có thể với tay sờ được. Khi dắt xe lên được con đê biển với hàng phi lao chắn gió, thì bầu trời và mặt đất đồng nhất một màu đen quánh. Quỳnh như trong hũ nút không phân biệt được hướng đi. Những ngày qua, nỗi lo lắng buồn phiền đổ lên cô làm suy sụp tinh thần nên ám minh tâm. Quỳnh đâu có là kẻ nhút nhát. Thế mà mỗi khi gió thổi cành lá đung đưa đụng vào nhau hay tiếng chích chích của chuột chạy qua đường…cũng đủ làm cô giật bắn người. Tưởng như có ai vây đuổi theo mình. Ở phía trái con đê là cánh đồng cói bạt ngàn, cao lút đầu người. Bây giờ cũng chỉ một màu đen trước gió, lao xao phát ra cái âm rờn rợn. Bỗng Quỳnh phát hiện xa xa loáng thoáng vệt sáng lúc mờ lúc ảo. Quỳnh rợn toát lạnh người. Cô đạp xe chầm châm, chầm chậm, cảnh giác. Ôi thì ra ánh đèn chai có chụp chắn sáng phía trên, của người bắt cá đêm hươ hươ trên mặt nước. Chỉ đi được một đoạn ngắn, thì chao ôi cái gì nữa kia? Bóng đen to lù lù tiến về phía Quỳnh. Thần kinh Quỳnh căng như sợi dây đàn. Luồng nhiệt cơ thể dồn sức nóng bừng lên tận mặt. Tim như đã thoát khỏi lồng ngực thình thình. Sao trong màn đen đặc này lại có một thế giới riêng hoạt động ghê rợn đến thế! Thật không? Quỳnh nguyền rủa mình: Sao mi hèn nhát vậy! Lòng dũng cảm vứt bỏ hết đâu rồi? Quỳnh luôn dùng những câu trả lời phủ định và lấy sức bình sinh chống chọi những gì đang cố tình dỡn đùa đập vào tấm gan nhút nhát vừa bị hé lộ ra ngoài. Cô căng mắt nhìn, cho bớt đi sợ hãi. Nhưng bóng đen lù lù ấy cùng những tiếng lọc cọc, lọc cọc đâu có buông tha. Mỗi lúc cứ tiến sát về phía Quỳnh làm cô rợn tóc gáy. Đôi tay loạng choạng. Xe vấp phải mô đất cao làm chao đảo bánh xe. Chiếc xe cứ thế lao theo triền đê đánh oạch kéo dài. Quỳnh nằm xóng xoài trên cỏ dưới cái xe xoay bánh tít mù cười cợt đang ngự trị trên người. Chưa kịp bò dậy, bóng đen kia, chồm lên cùng tiếng lộc cộc của những cái lục lạc, lao qua trước mặt Quỳnh. Thì ra cú ngã của Quỳnh tạo ra âm vang đủ làm con trâu giật mình mà lồng tháo chạy. Ôi con trâu phải gió nhà ai bị đứt nhợ, xổng chuồng chạy rông thế này?
Thở phào. Nỗi sợ bớt đi. Song Quỳnh không xác định được tọa độ mình đang ở chỗ nào. Cô không nhận ra hướng đường về nhà. Nỗi nhớ Trường Sơn tự nhiên bùng dậy. Chắc giờ này con của mẹ đang khản tiếng chờ đón mẹ về? Quỳnh nảy ra ý nghĩ tìm điểm tựa an toàn. Cô xuống xe. Chắp tay, ngửa mặt lên trời cầu khẩn: Con xin trời, Phật cho con thêm sức mạnh niềm tin để con về với đứa con bé bỏng của con. Ý nghĩa ấy xâm lấn tâm hồn. Tiếng gió phào phào rất khẽ nói với Quỳnh: Con cứ yên tâm mà đi. Đã có ta bảo vệ đây rồi!
Miên man lặn ngụp trong đêm đen mông lung. Rồi Quỳnh cũng đã về tới đầu làng. Tiếng xe đạp cà tàng của ai đó đang ì ạch leo lên dốc đê. Nhận ra tiếng người quen. Chỉ thế, Quỳnh định thần lại được. Đôi chân guồng xe vững chãi hơn cho tới tận nhà.

Những ngày này Quỳnh không có cả thời giờ nấu cơm đúng bữa. Mỗi ngày chỉ một bữa ăn. Trong dạ dày không những không hề thấy tín hiệu kêu đói lúc nào, mà cái bụng mang mang cảm giác nê nê. Thế là Quỳnh bỏ cơm luôn. Cái mệt tinh thần đè lên thể xác cô. Nhiều lúc toàn thân cảm giác bí bách chật chội nặng nề, choáng váng lao đao. Cũng có thể cơn mưa ầm ào hôm trước làm Quỳnh lên cơn sốt. May là ngày chủ nhật qua đi. Quỳnh dự định sau giờ dạy buổi sáng, cô sẽ lên huyện theo lời hẹn của Công an về việc của Đinh. Nhưng cơn sốt lại ập đến. Quỳnh ra sức chống đỡ cơn sốt bằng đủ kinh nghiệm, uống thuốc tây, dùng thuốc nam, đánh gió, chườm khăn lạnh trên đầu…. Cơn sốt chưa hạ hẳn. Song chiếc kim đồng hồ đã chuyển về phía buổi chiều. Vừa xách nón ra ngõ thì gặp mẹ chồng cô gập gợi đi vào. Nhìn thấy Quỳnh, bà òa khóc:
– Con ôi, con ốm hay sao mà người không ra người, ngợm không ra ngợm thế này?
– Con chỉ quá mệt thôi mẹ ạ.
– Mẹ biết con mệt vì sao rồi. Chỉ vì cái thằng đốn mạt, con trai mẹ đã làm con tiều tụy thế này!
– Mẹ ơi, mẹ đừng nghĩ thế. Ai cũng có thể mắc khuyết điểm. Nhưng cái quý là nhận ra mà biết ăn năn sửa đổi thì vẫn có thể trở thành người có ích.
– Ôi con dâu mẹ! Mà mẹ thương như con gái vậy. Tấm lòng bao dung của con sẽ cứu vớt được con người sa đọa. Mẹ vô cùng xấu hổ…. Sinh con ai nỡ sinh lòng!
– Mẹ vào nhà đi mẹ. Con phải lên công an huyện ngay cho khỏi muộn giờ.

.   Đưa mẹ chồng vào nhà, dân dò động viên một chút, Quỳnh gấp gáp đạp xe cho kịp hẹn. Tuy quá giờ, Quỳnh cũng không phải chờ lâu. Đồng chí huyện Trưởng Công an ở trong phòng làm việc trực tiếp, tiếp cô.
– Đồng chí Quỳnh ạ. Theo đơn tố giác của nhiều người mà chúng tôi đã nhận được thì Đinh chứng tỏ có hành động lưu manh. Tội của Đinh thứ nhất là lợi dụng lòng cả tin, lợi dụng lòng tốt của nhiều người để lấy tiền hoặc mượn tiền mà không trả. Thứ hai là lợi dụng sự kém hiểu biết của số ít người và khả năng dân trí chưa cao, để hù dọa, thách thức. Cả hành vi côn đồ, gây rối trật tự an ninh xã hội. Những ngày vừa qua, Đinh có tỏ ra ăn năn. Nhưng đó là lời nói. Còn về pháp luật, chúng tôi thấy cần phải đưa đi cải tạo ít nhất ba tháng đến sáu tháng…
Quỳnh đau xót lắm. Cái đau như cấu xé tấm lòng trong sạch của cô khi chính cái thằng được gọi là chồng ấy đã vấy lên những lớp bùn đen dơ dáy. Song hiện tại, Đinh là chồng cô. Dù sao, mối ràng rịt ấy không thể nào làm ngơ, dứt bỏ. Quỳnh nói trong nhòa lệ:
– Thưa đồng chí Huyện trưởng. Tôi thành thực cám ơn đồng chí đã thông tin mà quả là tôi chưa hề được biết tí nào. Song, tôi có suy nghĩ. Tôi là một giáo viên. Hàng ngày phải đứng trước lớp giảng cho các em đạo lý làm người, nghĩa vụ công dân tuân theo pháp luật, năm điều Bác Hồ dạy… Vậy mà có người chồng là thằng tù thì không biết còn mặt mũi nào có thể dạy ai nghe nữa… Chính vì vậy, nhờ các đồng chí có cách nào khác, chẳng hạn để cho gia đình cải tạo được không?
Câu nói của Quỳnh hình như khơi vào nỗi tức giận của đồng chí Trưởng Công an huyện trước thực tế nghịch, đảo cuộc đời:
– Cái thằng khốn ấy quan trọng với đời cô giáo vậy sao? Không thể thiếu nó trong cuộc sống của cô à?
– Thưa đồng chí. Tôi đau lòng lắm. Tôi xấu hổ lắm. Nhưng tôi thấy mình phải có trách nhiệm trong việc cải tạo con người này, một khi anh ta còn một tí tình người.
Đắn đo một chút. Đồng chí Trưởng Công an huyện mím môi, bật ra làn hơi dài rất nhẹ:
– Thôi được. Nếu anh ta thật sự quan trọng với cô, thì tôi chấp nhận lời đề nghị của cô. Có thể anh ta làm cô thấp hèn đi về danh dự. Nhưng cô, với lòng bao dung của người làm thầy, có thể nâng anh ta lên. Cô giáo hiểu ý tôi chứ?
– Vâng ạ.
– Xét về tôi danh, anh ta đáng phải cải tạo. Song sự thể này, luật pháp có thể mở rộng mà không hẹp hòi. Vậy cô giáo viết cho tôi tờ cam đoan, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cải tạo con người này.
– Tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí đã tạo cho tôi cơ hội. Nhưng tôi cũng có một đề đạt thành thật. Xin đồng chí Huyện trưởng dùng uy quyền pháp luật thật mạnh răn đe trước khi giao anh ta về gia đình…
Trưởng Công an huyện cầm máy điện thoại gọi cho phòng tạm giam dẫn Đinh lên. Sát sau Đinh là đồng chí công an hộ tống. Bước vào phòng, Đinh vẫn phải đứng chờ. Hình như bộ mặt trơ trẽn kia không còn biết xấu hổ là gì. Mà Quỳnh thì không còn mặt mũi nào dám ngẩng lên nhìn cái thần xác vô hồn kia nữa. Sự có mặt của Đinh làm Quỳnh vô cùng xấu hổ. Cô cúi gằm xuống đất như chỉ chờ cho đất nứt ra để mà chui xuống. Có lẽ hiểu được tâm trạng của Quỳnh lúc này, đồng chí Trưởng Công an huyện muốn giải tỏa giúp cô nên đã chỉ ghế cho Đinh:
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh công an lấy cung, thẩm vấn– Cho anh ngồi xuống!
Để cho Đinh ngồi xong, đồng chí Trưởng Công an tiếp tục:
– Anh phải biết rằng, chỉ kể những tội anh mới tự khai, gây cho bao người mắc nạn cũng đã đủ cấu thành tội phạm. Đây là tội có chủ ý, cố tình và lặp đi lặp lại thành hệ thống mang tính lưu manh chuyện nghiệp. Rõ không?
Đinh khép nép:
– Thưa, rõ ạ.
– Anh đã lợi dụng lòng tin của nhiều người, sự hiểu biết ít ỏi của họ để lừa dối móc tiền. Song khi họ nhận ra bộ mặt thật đảo điên thì lại dùng thói côn đồ để hù doạ, đánh trả, làm rối trật tự an ninh. Đã rõ rồi chứ?
– Thưa, rõ ạ.
– Pháp luật phải là pháp luật. Một công cụ mang tính xã hội đảm bảo cuộc sống trật tự, an lành cho mọi người. Nhưng đồng thời kiên quyết chuyên chính với bất cứ hành vi tội phạm nào. Vì vậy pháp luật luôn sẵn sàng loại bỏ bất cứ kẻ nào cố tình chống lại…Rõ chứ?
– Thưa, rõ ạ.
– Với tội trạng này, chiểu theo pháp luật quy định, anh phải đi tù. Phải học tập cải tạo ở trại Ba Sao sáu tháng. Chờ đợi điều tra xét xử mức án tội, dù đã thành khẩn nhận những tội trạng gây ra và đã nhận sự khoan hồng. Song luật pháp vẫn rộng cửa tạo cơ hội cho ai biết thực sự ăn năn hối lỗi, thực sự muốn quay về lương thiện. Điều chủ yếu ở đây là cô giáo Quỳnh, người vợ nhân ái của anh, xin bảo lãnh, cho về cải tạo ở địa phương. Có điều kiện giúp kẻ phạm tội, biết nhanh chóng hối cải. Để kẻ phạm tội từ bỏ tính cách lưu manh, côn đồ. Anh phải biết cám ơn vợ anh, người đã mở lòng bao dung mà nhận lấy trách nhiệm nặng nề đầy gai góc để kẻ tội phạm có thể trở thành người còn có ích cho xã hội. Bây giờ, đọc bản tự khai tội lỗi trước đại diện cơ quan pháp luật và đại diện gia đình cùng lời hứa sửa đổi, cải tạo đi.
Đinh cầm tờ giấy viết lời khai nhận tội lỗi trong hai bàn tay run cầy sấy. Đọc xong, đồng chí Huyện trưởng Công an nhắc tiếp:
– Đọc rồi, hãy nhớ lấy mà làm. Đừng có đóng kịch, hứa suông. Nếu tái phạm, luật pháp sẽ không tha tội cho đâu.
– Thưa vâng ạ. Em xin thề có trời đất….trước Huyện trưởng Công an chứng giám. Em sẽ làm như bản cam kết. đã viết. Nếu em mắc lại sai lầm thì em sẽ tự lấy khóa số 8 còng vào tay mình và nộp cho pháp luật.

.    Đạp xe về nhà, Quỳnh thanh thản được đôi chút. Một phần nào thỏa mãn niềm tin với sự răn đe của pháp luật hơn là muôn lời tình cảm nhẹ nhàng mà cô đã tốn bao nước bọt.
Hình như con bệnh ở Quỳnh thuyên giảm hẳn đi. Chiều tối, Quỳnh ngồi vào bàn soạn bài cho buổi lên lớp ngày mai chu đáo.
.                                            TỐ HOÀI . HƯƠNG NHU

BÌNH LUẬN