TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ
VỀ CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH
Nguồn:
. Nhà thơ Vũ Quần Phương
h đã không tán thành xếp giải A cho– Năm ấy, tôi có tham gia Ban chung khảo Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn. Thơ chọn được hai tập, văn chọn 3 tiểu thuyết. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được bàn luận nhiều. Mọi người khen cách viết gọn, câu chuyện lôi cuốn, tốc độ nhanh, bút pháp có nét mới. Tôi cũng thấy thế. Và tôi đề nghị tặng giải B cho anh. Tôi không tán thành xếp giải A vì cuộc chiến tranh Bảo Ninh thể hiện không phải là cuộc chiến tranh ta đã trải qua. Tôi đã sống giai đoạn lịch sử này, tôi thấy cảnh ném bom của Bảo Ninh tả ở ga Thanh Hóa là không có ở thời chống chiến tranh phá hoại. Tôi nhớ một thành viên khác của Ban chung khảo giải thích: “Bảo Ninh không định phản ánh hiện thực, anh suy ngẫm hiện thực”. Tôi không tin lập luận ấy vì muốn suy ngẫm đúng thì phải dựa trên dữ kiện đúng. Thứ nữa, tác giả như muốn đứng cao hơn cả hai phía để phán xét cuộc chiến. Với anh, chiến tranh là chiến tranh, không có tính từ nào kèm theo. Đó là bộ máy hủy hoại – đi qua nó cái tốt đẹp bị tiêu diệt, cái còn lại thành thân tàn ma dại không thích hợp với thời bình. Tôi thấy cách nghĩ này e bất nghĩa với người đã hy sinh cho chiến thắng. Họ hy sinh có mục đích, có lý tưởng nhưng trong truyện họ chết tức tưởi như rơi vào tai vạ, chết mà chẳng hiểu vì sao. Nghĩ vậy nên tôi đề nghị: Chưa nên tặng giải cao (để viết bài báo này, tôi đã tới Hội Nhà văn xin Ban sáng tác cho chép lại bản giám định hồi đó của tôi, đồng chí phụ trách chưa tìm được, tòa báo giục, tôi đành viết theo tinh thần). Sau này ở Hội Văn học Hà Nội, chúng tôi có tổ chức tọa đàm về tác phẩm này, một nhà nghiên cứu giải thích cho riêng tôi: Bảo Ninh ra trận ở giai đoạn cuối cuộc chiến, sự trải nghiệm của anh có thể khác lúc tôi đi. Điều đó có thể như vậy. Tôi không đòi hỏi anh nhiều nhưng việc tặng giải cao thì vẫn không nên.
Khi báo Văn nghệ tổ chức hội thảo, tôi có nói cái ý bất nhẫn khi biến sự hy sinh có lý tưởng thành những cái chết tức tưởi vô nghĩa. Một thành viên khác phản bác tôi, cho rằng không thấy những cái chết đó mới là bất nhẫn, là vô ơn. Ý phản bác này không được thấy nói trong cuộc họp. Nhưng khi báo Văn nghệ đăng tường thuật thì có ý này. Tôi đoán chắc nhà văn kia khi về nhà mới thêm vào. Điều đó không sao nhưng ngụy biện. Tôi không có dịp nói lại nhưng tôi chắc rồi mọi người sẽ thấy tính ngụy biện trong lập luận ấy. Không khí đổi mới quá khích hồi ấy thật ra lại mất dân chủ. Có người tự nhận là đổi mới nhưng rất học phiệt, thấy ai có ý kiến khác là “tiêu diệt”. Chưa bao giờ tôi thấy tính văn hữu bị tàn phá như lúc ấy. Tự nhiên hình thành hai phe mà thật ra có phe phái nào đâu. Có bạn viết văn trẻ lo lắng khuyên tôi: “Anh không nên có ý kiến, họ đông lắm (!)”. Tôi không nghĩ đông đã là chân lý. Nhưng tôi không muốn bị xếp vào phe nào. Tôi yêu bút pháp Bảo Ninh. Vì vậy tôi đề nghị tặng giải, nhưng chỉ tặng giải B.
P.V. – Sau khi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn Nỗi buồn chiến tranh đã gây nhiều dư luận tranh cãi và bị phê phán. Anh có ý kiến gì về dư luận đó, nhất là đối với sự đề cao của một số báo chí của người Việt Nam ở nước ngoài?
Nhà thơ Vũ Quần Phương – Nỗi buồn chiến tranh sau này được đề cao trong một số báo chí của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Xét kỹ những cộng đồng này phần lớn trong quá khứ dính với bên kia cuộc chiến. Cuốn tiểu thuyết có an ủi và chiêu tuyết cho họ. Họ đề cao cũng là điều dễ hiểu. Điều khó hiểu là sau một thời gian thử thách, có hồi âm từ bạn đọc trong nước, sau cả những nhận định, đánh giá lại của Ban Giám khảo đối với Nỗi buồn chiến tranh, thì tác giả của nó, qua phát biểu đây đó, lại không thể hiện có chuyển biến gì, không thấy cái phần mà nó đã thiếu sót với xương máu đồng bào mình, không thể so với Rơmac, Rơmac ở phía chiến bại trong cuộc chiến tranh xâm lược của Hitler, Bảo Ninh ở phía người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh cứu nước. Lấy tư tưởng Rơmac làm chỗ tựa cho mình sẽ rất nhiều sai lệch. Dân ta thắng được Mỹ trong cuộc chiến tranh ác liệt ấy là một kỳ tích. Chiến tranh đã đi qua một phần tư thế kỷ, nhìn lại càng thấy kỳ vĩ. Với tâm lý chiến đấu như Nỗi buồn chiến tranh thể hiện thì không sao có kỳ tích ấy được và tất phải chiến bại như trong các tác phẩm của Rơmac. Một thời gian dài khi cuộc chiến đang tiếp diễn, chúng ta viết chiến tranh có chiều phiến diện (sự phiến diện cần thiết). Bây giờ đất nước yên hàn, chúng ta có điều kiện thể hiện toàn diện cuộc chiến, cả phần xót xa đắng đót nhất. Viết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh có thuận lợi ấy nhưng tác phẩm của anh lại phiến diện kiểu khác. Tiểu thuyết của anh thể hiện thiếu một yếu tố nào đó của cuộc chiến mà chính với yếu tố đó đồng bào ta đã lập nên kỳ tích. Với yếu tố đó, Nguyễn Văn Trỗi mới tìm ra một câu để nói với đồng bào trong giây phút cuối cùng: Hãy nhớ lấy lời tôi, yếu tố ấy chúng ta nhận thấy ở chị Út Tịch, Mẹ Suốt và biết bao Bà mẹ Anh hùng ở mọi nơi thôn cùng xóm vắng. Khám phá ra yếu tố ấy, Bảo Ninh viết sẽ sâu hơn, hay hơn.
. VQP
P.V. – Xin cám ơn nhà thơ Vũ Quần Phương.