TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ
VỀ CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH
Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (11-10-1995)
Bài phỏng vấn Trung tướng PGs NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC
PHÓNG VIÊN (P.V.)– Với tư cách là Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự, Trung tướng có nhận xét gì về cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh?
Trung tướng PGS NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC – Có câu chuyện ngụ ngôn rất bổ ích cho người ta trong cách xem xét một sự vật, một sự kiện: Một người mù khi sờ vào chân con voi thì tả voi như một cột nhà, người mù khác sờ vào tai con voi thì lại coi voi như một cái quạt, người mù nữa sờ vào ngà voi thì cho voi là chiếc đòn xóc. Rõ ràng là nếu không có tầm nhìn rộng thì tuy có sờ vào thực tế nhưng vẫn mô tả con voi khác xa với sự thật.
Về xem xét và mô tả một cuộc chiến tranh cũng vậy, nếu không có chỗ đứng để có tầm nhìn rộng thì có thể có phán xét trái ngược hẳn nhau.
Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, nhốt gần 10 triệu đồng bào ta vào gần 6 vạn “ấp chiến lược” thì lại cho đó là vì tôn trọng các “giá trị” của Hoa Kỳ, là đảm bảo quyền tự do dân chủ của con người. Mỹ đào tạo, nuôi dưỡng Ngô Đình Diệm đưa về làm tay sai để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, khi Diệm trái ý Mỹ, liền bị đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bật đèn xanh đảo chính, giết bỏ. Thân phận của kẻ làm tay sai cho Mỹ khác chi trâu ngựa. Ấy thế mà có người đến nay dám nói Hoa Kỳ chỉ giúp đỡ đồng minh.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với những phán xét đanh thép của lịch sử:
Mỹ là kẻ xâm lược.
Mỹ đã gây ra chiến tranh với những tội ác “trời không dung, đất không tha”, giết chóc, tàn phá Việt Nam. Mỹ đã thua trận, bọn tay sai sụp đổ tan tành.
Nước Mỹ chịu hậu quả “hội chứng Việt Nam”. Còn những người cam tâm suốt đời ăn theo Mỹ thì cũng nuốt theo hội chứng này, nên cứ u buồn, hậm hực.
Còn nhân dân Việt Nam phải trải qua muôn vàn hy sinh gian khổ để chiến thắng một siêu cường, đã lớn mạnh hẳn lên giành được thắng lợi vĩ đại. Đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất, đang tiến vào thời kỳ xây dựng và phát triển toàn diện, được cả loài người tiến bộ tin yêu, cảm phục vì Việt Nam đã đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quyết định làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân đã tồn tại hàng thế kỷ trên hành tinh.
Xem xét: được, mất của một cuộc chiến tranh mà không có tầm nhìn rộng, chỉ sa vào một thực tế nhỏ hẹp nào đó, để rồi gán cho cả cuộc chiến tranh một nỗi buồn, thì thật là sai trái. Cả đất nước đã đứng lên để có ngày toàn thắng, tươi sáng như ngày nay, làm sao tác giả tiểu thuyết này lại dám gieo rắc nỗi buồn u ám.
Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh chứa đựng sai trái như vậy.
P.V. – Vừa qua, một số nhà văn Việt Nam kể cả nhiều thành viên trong Ban Giám khảo xét trao giải thưởng văn học đã có bài viết nhìn nhận lại việc trao giải thưởng cho tác giả Nỗi buồn chiến tranh. Xin Trung tướng cho biết ý kiến về việc này?
Trung tướng PGS NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC – Sửa sai là đã thừa nhận sai lầm. Đó là thái độ đúng, đáng được hoan nghênh.
Tác giả cuốn tiểu thuyết có sai lầm, ta phê phán để sửa chữa và mong rằng Bảo Ninh tiến bộ. Song điều đáng quan tâm là sai lầm đó mở rộng là do nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in và phát hành rộng rãi. Sai lầm càng nghiêm trọng khi tác phẩm xấu độc này được một tập thể có trách nhiệm xét trao giải thưởng. Việc làm này chẳng những khuyến khích tác giả tiếp tục lao vào “sáng tạo” chất độc, mà còn cổ vũ nhiều người đọc, khác nào thổi mạnh luồng gió độc để tình trạng nhiễm độc lan tràn.
Nhưng sự thật là người đọc ở nước ta đã được tôi luyện, lớn lên trong đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nên đã có sức đề kháng, nhanh chóng phản đối việc làm sai trái này. Nhân dân là người trực tiếp làm nên lịch sử oanh liệt của dân tộc, nên rất nhạy bén vạch trần tội lỗi của những kẻ xuyên tạc lịch sử.
P.V. – Xin cám ơn đồng chí.
*
Bài phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ HUỲNH KHÁI VINH
Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh thời trẻ vốn là một người lính. Ông đã từng đi giảng dạy, nói chuyện, hội thảo về văn học tại nhiều trường Đại học trong nước và quốc tế (Liên Xô cũ, Cộng hòa Liên bang Đức, Áo, Thái Lan v.v…). Hiện ông là Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa – Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du. Giáo sư tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh đã dành cho phóng viên báo Công an thành phố ít phút trò chuyện.
Phóng viên (P.V.)– Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết ý kiến của mình sau khi dư luận phản ứng cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn 1991)?
Giáo sư Tiến sĩ HUỲNH KHÁI VINH – Tôi thường suy ngẫm về chiến tranh trên một bình diện khác. Tôi còn nhớ những lần tôi đi giảng dạy hoặc nói chuyện ở một số trường Đại học tại Đức, Áo… các đồng nghiệp nước ngoài thường đặt câu hỏi: “Cái gì khiến dân tộc Việt Nam các ông chiến thắng được một cường quốc trên thế giới?”
Bạn nhìn nhận dân tộc ta, cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân ta với con mắt đầy kính phục. Với họ, con người Việt Nam ta, sức mạnh dân tộc ta thật kỳ diệu. Thậm chí, họ coi ta như một đấng thiên thần, một thần tượng của thế giới. Chẳng thế mà không ít người nước ngoài đã mơ ước “Sau một đêm đi vào giấc ngủ, sáng ra mở mắt đã trở thành người Việt Nam”. Ngẫm kỹ, thấy cũng lạ. Đất nước Việt Nam nhỏ bé, con người Việt Nam thật bé nhỏ, một đất nước nông nghiệp nghèo nàn, trí tuệ cũng không phải là siêu việt hơn các dân tộc khác… ấy vậy mà Việt Nam đã chiến thắng hết thảy các đế quốc hùng mạnh đến xâm lược. Những lần bạn hỏi câu hỏi trên, tôi đều trả lời đại ý: Bằng kinh nghiệm của mình, dân tộc Việt Nam chúng tôi rất trọng đạo lý “Thương nước, thương nhà, thương người, thương thân”. Đất nước, Tổ quốc bao giờ cũng được đặt lên trên hết. Và từ bao đời nay, con người Việt Nam với tinh thần giản dị “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”. Trong tình cảm và hành động, con người Việt Nam nhân hậu đến mức “Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành”… Dân tộc chúng ta nhân hậu, hiền lành nhưng đã buộc phải cầm gươm cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mỗi khi có nạn xâm lăng. Đó chính là nguồn lực nội sinh giúp ta làm nên chiến thắng trong tất cả các giai đoạn của lịch sử dân tộc.
Chiến tranh, hay bất kỳ một lĩnh vực, một đề tài nào khác, đều có mặt tiêu cực, mặt trái, mặt “râu ria” của nó. Viết về chiến tranh, nếu chỉ tập trung khai thác, mô tả những đau thương, mất mát, tiêu cực… thì sa vào phiến diện, thiếu chân thực. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh, thú thật, tôi chưa đọc hết vì không đủ can đảm. Một lần, tại giảng đường của một trường Đại học, tôi cũng đã phê phán cuốn sách này.
Nói chung, chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc giành độc lập tự do là chủ đạo, là bao trùm, thể hiện tính kiên cường và nhân văn cao cả của con người Việt Nam. Tất cả những tác giả, tác phẩm văn học nào thể hiện trái với chân lý trên đều là sai lầm và tất yếu bị dư luận phản đối.
P.V. – Thưa Giáo sư tiến sĩ, ông có suy nghĩ gì về sự phát triển của nền văn học nước nhà trong giai đoạn hiện nay?
Giáo sư Tiến sĩ HUỲNH KHÁI VINH – Về lý thuyết, mỗi giai đoạn hay mỗi nấc thang phát triển văn học, dù ít hay nhiều, thường diễn ra qua 3 bước với mối quan hệ liên tục và không liên tục:
1- Bước phủ nhận cái cũ (chủ yếu bằng những hình thức và thể loại mới)
2- Bước phát triển định tính.
3- Bước phát triển định lượng (hài hòa cả về lượng và chất).
Quá trình đổi mới nền văn học là nhằm đạt được nấc thang thứ ba của tiến trình phát triển. Nói như thế không có nghĩa là văn học giai đoạn trước 1943-1945 không có các yếu tố của nấc thang thứ hai; và văn học giai đoạn 1943-1945 cho đến gần đây, là không có yếu tố của nấc thang thứ ba, và ngược lại. Điều này thể hiện mối quan hệ tương tác của các nấc thang phát triển, và trong mỗi nấc thang lại có nhiều nấc thang nhỏ.
Sự phát triển liên tục và không liên tục của nền Văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, đã và sẽ làm cho tính chất dân tộc, tính cổ điển lấp lánh hơn, nhuần nhụy hơn.
Do xã hội và nền văn học có nhu cầu đổi mới, nên nó cũng đã tạo ra những tiền đề cho sự đổi mới. Đó là:
a- Các nhu cầu và yêu cầu đổi mới nhận thức và tình cảm của xã hội và của con người thuộc mọi tầng lớp xã hội.
b- Sự phát triển của bản thân nền văn học.
c- Đội ngũ các nhà văn nghệ, nhất là lớp trẻ, có nhiều dấu hiệu của văn sĩ – triết gia (thi sĩ – triết gia, kịch sĩ – triết gia…).
Ngày nay, nếu quả thật lịch sử văn học dân tộc cần đến một cuộc canh tân có tính cách mạng, thì nó cần phải có ý thức tạo ra những người “khổng lồ” (nói theo ý của F. Ăngghen) có tầm tư tưởng triết học, để mở đường cho sự tiến bộ và thúc đẩy sự tiến bộ của văn học khác với những năm 1920 – 1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có thể đào tạo được những người có khả năng mở đường cho sự tiến bộ, khai phá sự tiến bộ thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài từ nhà trường cho đến ngoài xã hội.
P.V. – Xin cám ơn Giáo sư.