Nhà văn Hải Hà với tiếu thuyết CÔ Y TÁ NHỎ

Nhà văn Hải Hà với tiếu thuyết CÔ Y TÁ NHỎ

0
892

Ký ức chiến tranh của một nữ nhà văn

Báo CÔNG AN NHÂN DÂN
10:53 07/05/2010
     Theo nghề y từ khi ở chiến khu cho tới thời bình, nên chị cầm bút rất muộn. Lúc đầu chỉ dự tính viết lại những kỷ niệm về cuộc chiến tranh mà chị là người trong cuộc, không ngờ đó là tác phẩm văn học đầu tay dẫn dắt chị đến với nghiệp văn và đã có ba tập tiểu thuyết “Cô y tá nhỏ”, “Nội tuyến”, “Sóng ngầm phố núi” và tập truyện ngắn “Điều kỳ diệu”.

Vốn sống những năm tháng ở chiến khu đã bồi đắp trang viết của chị đầy ắp hình ảnh đồng đội gắn với những câu chuyện đầy cảm động, sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng. Chị là nhà văn Nguyễn Thị Tuyết Sương ở TP  HCM – một cây bút có mặt trong nhiều trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. (Ảnh: Nhà văn Hải Hà bìa trái, cạnh nhà thơ Hữu Thỉnh)

Chị Tuyết Sương rời thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng thoát ly lên chiến khu làm giao liên năm 14 tuổi, sau đó học nghề y tá rồi về Bệnh xá dã chiến X3 và được đồng đội, anh em thường gọi là cô y tá nhỏ.

Mối tình đầu và cũng là người bạn đời sau này của chị là y sĩ quân y Lê Quang Quyết ở Đại đội 210 Tỉnh đội Lâm Đồng. Họ đến với nhau bằng tình yêu người lính, đẹp đẽ, chân thành và trong sáng. Trong một đêm trăng giữa rừng, họ ngồi bên nhau mơ tới ngày đất nước thống nhất với lời ước hẹn sẽ cùng viết tập sách về những câu chuyện có thật giữa cuộc chiến tranh đầy gian khổ và ác liệt mà họ và đồng đội đã trải qua.

Chiến tranh kết thúc, dù đã trở thành bạn đời của nhau, nhưng những lo toan tất bật đời thường giữa cuộc mưu sinh vất vả khiến cho vợ chồng cô y tá nhỏ chưa thực hiện được dự định trong đêm trăng năm xưa. Nỗi đau ập đến với chị khi người chồng mất đột ngột vào đầu năm 1999.

Chị tâm sự: “Suốt hai năm đầu gần như đêm nào tôi cũng khóc, nhưng không hiểu sao tôi lại sống trong cảm giác anh ấy vẫn còn trên cõi đời và đang bận công tác ở đâu đó rồi sẽ về với mẹ con tôi. Ký ức đẹp về người chồng cùng những đồng đội, đồng bào trong cuộc chiến năm xưa ở Lâm Đồng trỗi dậy, thôi thúc tôi cầm bút khởi thảo những trang viết đầu tiên vào một đêm cuối năm 2001. Khi viết, tôi không dám nghĩ tới chuyện trở thành nhà văn, mà viết để bày tỏ sự tri ân những đồng đội đã ngã xuống chiến trường miền Đông Nam Bộ, tri ân tấm lòng đồng bào đã yêu thương, đùm bọc chúng tôi từ nắm cơm, hạt muối”.

Tự thân những câu chuyện, con người bình dị mà hào hùng dồn vào bút lực, tái hiện sự thật trên trang viết không một tình tiết hư cấu đã giúp chị Tuyết Sương miệt mài hoàn thành tác phẩm “Cô y tá nhỏ” 498 trang in được ấn hành năm 2005. Dù “Cô y tá nhỏ” được thể hiện bằng hình thức tiểu thuyết, nhưng nội dung như một truyện ký về đề tài chiến tranh, với những vật gây xúc động lòng người.

Gặp nhà văn Tuyết Sương vào thời điểm kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Là người có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng thị xã Bảo Lộc ngày 28/3/1975, chị bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang công tác ở Tỉnh ủy Lâm Đồng. Đơn vị tôi hành quân từ chiến khu ra tới đường lộ 20, thì được lệnh quay trở lại nơi đóng quân gần nhất để chuyển tài liệu về thị xã. Khi đến con sông Kênh Đạ, chúng tôi thấy một nhóm quân giải phóng đã đón đầu cuộc tháo chạy của nhiều binh lính Sài Gòn, một anh cầm loa kêu gọi đám tàn quân đầu hàng, bỏ vũ khí, quân trang xuống trước khi lội qua sông để hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng, nếu ngoan cố chống trả sẽ bị xử lý nghiêm khắc.”

“Trong cảnh hỗn loạn lúc đó, tôi nhìn thấy rất nhiều sĩ quan, binh lính trút bỏ quần áo, nón sắt, súng đạn xuống, chỉ mặc quần đùi, lội qua sông theo yêu cầu của quân giải phóng. Từ trên bờ, một số sĩ quan ngoan cố cầm súng nã đạn xuống sông để sát hại những người lính đầu hàng. Trong tình huống đó buộc thế quân giải phóng phải tiêu diệt những kẻ ngoan cố để bảo vệ sinh mệnh những người lính đầu hàng”.

Đó là hình ảnh chị Tuyết Sương đã chứng kiến và ghi lại trong tiểu thuyết “Sóng ngầm phố núi” 350 trang khi tham dự Trại sáng tác văn học tại Đà Lạt tháng 4/2009 về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

.                 Phan Thế Hữu Toàn
_______________________________________________________________

.

.              CÔ Y TÁ NHỎ  VIẾT CHUYỆN CHIẾN TRANH

TTCN – Vào một đêm trăng tại một khu rừng ở chiến khu Đông Nam bộ thời chống Mỹ, có cô y tá và anh y sĩ quân y nguyện ước đến ngày đất nước thống nhất sẽ cùng viết một cuốn sách..

Cuốn sách này như dự tính của họ, để kể về cuộc chiến tranh khốc liệt mà họ trải qua và về mối tình trong sáng của họ. Phải đến 30 năm sau ngày thống nhất, lời ước hẹn đó mới thành hiện thực.

Cuốn sách vừa bất ngờ lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên phối hợp với báo Văn Nghệ tổ chức. Nhưng bây giờ sách chỉ mang tên một tác giả, chính là cô y tá trong chiến khu năm xưa dù sau ngày đất nước thống nhất cô đã có được hạnh phúc lấy người mình yêu.

Thành lứa đôi, hai vợ chồng thỉnh thoảng nhắc nhau: “Chúng mình vẫn chưa viết được cuốn sách như dự định!”. Rồi họ quyết định mua bảo hiểm nhân thọ để đến tuổi nghỉ hưu sẽ cùng viết sách. Thế nhưng không bao lâu sau ngày thực hiện lời ước hẹn cũ, người chồng đột ngột qua đời.

Sống lại một thời hào hùng

Chị Nguyễn Thị Tuyết Sương kể rằng trong suốt hai năm sau ngày chồng mất, chị vẫn không tin đó là sự thật. “Thậm chí tới ngày sinh nhật, tôi vẫn có cảm giác mình đang ngồi chờ ảnh về tặng quà như hồi còn sống… Tôi đã khóc suốt trong hai năm đầu vắng ảnh”. Nhưng chị đã gượng dậy, quyết thực hiện cho bằng được cả ba nhiệm vụ mà chị đã nguyện trước vong linh của chồng: chăm sóc mẹ chồng, nuôi dưỡng các con và đặc biệt là phải viết xong cuốn sách của hai người.

Khi một nửa vầng trăng này vụt tắt cũng là lúc nửa vầng trăng kia ngời sáng lên, giúp rọi sáng một khoảng ký ức về cuộc chiến đã qua bên cạnh những đồng chí, đồng bào trên quê hương Lâm Đồng và về tình yêu sáng như vầng trăng giữa rừng của anh và chị. Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ năm 14 tuổi chị Sương đã thoát ly gia đình để làm giao liên, sau đó làm y tá cho những trạm xá dã chiến ở vùng mũi nhọn, và có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Bảo Lộc (28-3-1975).

Cô y tá nhỏ với tác giả là một lời đáp tạ, đáp tạ xương máu của những người đã nằm xuống, đáp tạ ân tình của biết bao người còn sống hay đã mất. Dù được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết nhưng Cô y tá nhỏ đúng hơn là một truyện ký chiến tranh.

Vào một buổi tối đầu năm 2001, đúng hai năm sau ngày chồng mất, chị Tuyết Sương đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn sách. Và cái tựa Cô y tá nhỏ xuất hiện ngay trong đầu chị mà không cần phải đắn đo suy nghĩ: “Hồi ấy, khi vào học và làm y tá tại trạm xá dã chiến X3 ở chiến khu Lâm Đồng, tôi mới 14 tuổi. Không hiểu sao hễ ai gặp tôi lần đầu cũng đều kêu là cô y tá nhỏ. Tôi thích nghe mọi người gọi bằng biệt danh đó và mãi đến sau này, khi tôi đã trưởng thành vẫn thích được gọi vậy!”.

Ngày từng ngày, chị đã âm thầm làm một công việc đầy nhọc nhằn nhưng cũng thật thú vị mà mình chưa từng trải qua bao giờ: viết văn! Ban đầu, chị viết ngay tại phòng mạch vào những lúc không có bệnh nhân. Cắm cúi ghi ghi chép chép hết cuốn tập học trò này đến cuốn tập khác, chị viết như là mê sảng. Trong khi chị lạc vào một thế giới khác, mọi người chung quanh vẫn không biết chị đang làm gì.

Cho đến khi cảm thấy hứng thú của công việc đột xuất lấn át cả nghề chính, chị quyết định đóng cửa phòng mạch để toàn tâm viết văn. Chị viết cả ngày lẫn đêm. “Hồi ức giống như những thước phim chiếu chậm. Tôi hầu như chỉ nhìn vào đó mà tái hiện chứ không hư cấu gì, cũng không biết rồi nó sẽ đi về đâu chứ đừng nói là phân chương, phân đoạn. Có lẽ do viết lại hầu hết từ những chuyện có thật nên tôi viết khá liền mạch” – chị Tuyết Sương kể.

Và đêm nào cũng vậy, trước khi viết chị đều thắp hương và khấn nguyện trước bàn thờ chồng mong anh tiếp thêm nghị lực để mình có thể đi hết đoạn đường gian nan.

WxFq5fMk.jpg

Nhà văn Hải Hà  và tác phẩm

“Cô y tá nhỏ chính là tôi!”

Bản thảo viết tay của Cô y tá nhỏ ngay sau khi hoàn thành được chuyền tay cho những bạn thân của tác giả đọc. Một trong những người đầu tiên đọc nó là một họa sĩ ở Đà Lạt khẳng định rằng cuốn sách có thể dựng thành phim được, sau đó sách được chuyển đến cho một người cầm bút ở địa phương.

Sau khi đọc xong tập bản thảo, từ Đà Lạt nhà văn Chu Bá Nam đã sốt sắng gọi điện ngay cho tác giả mà ông chưa một lần gặp mặt với nhận định: “Những trang đầu thì bình thường nhưng càng về sau thì càng lôi cuốn”, sau đó ông còn gợi ý giúp tác giả từ cách phân chương, phân đoạn, thắt gút như thế nào đến cả việc chữa lỗi morasse.

Cũng theo ông, đây là một tác phẩm hiếm hoi viết về cuộc kháng chiến của quân và dân ở vùng chiến khu Lâm Đồng thời chống Mỹ. Ông giục chị Tuyết Sương đánh máy và gửi ngay ra Hà Nội tham dự cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ lúc cuộc thi này đã phát động được một năm.

Riêng người viết bài này được đọc câu chuyện kể về mối tình giữa cô y tá nhỏ và anh y sĩ quân y trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh – từ năm 1968 đến trước ngày giải phóng – từ bản đánh máy đầu tiên. Tâm tình mộc mạc, giản dị và tiếng cười trong trẻo của “cô y tá nhỏ” đã vang vọng suốt tác phẩm. Qua những trang sách mà tác giả đã rút ruột để viết, có thể hình dung được bức chân dung một thế hệ trẻ trong chiến tranh.

Ngày ấy, trong tiếng bom đạn rền vang, mỗi khoảnh khắc thương yêu nhau đều trở thành bất tử. Món quà họ tặng nhau chỉ là một đôi dép cao su tự chế thôi, nhưng đã được trân trọng giữ gìn bên mình suốt cả cuộc đời như giữ một vật thiêng khi người tặng dép đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên chiến trường.

Gần cuối cuốn sách, cô y tá nhỏ (Hà) sau khi chôn tạm một đồng đội không còn nguyên vẹn hình hài tại một góc rừng chưa được bao lâu thì đã lại tiếp tục tay không đào huyệt để chôn một đồng đội khác.

“… Đưa thi thể Khang xuống huyệt mới là khó khăn hơn nhiều. Người chết vốn đã nặng mà Khang lại to con… Hà còn nhớ câu Khang nói về anh Hào, và giờ đây, như đang văng vẳng bên tai cô: “Anh biết em đã làm được điều đó. Em có nhớ vuốt mắt cho anh Hào không?”. Hà tự nói thầm: “Vâng, em sẽ làm được anh à. Em đã vuốt mắt cho anh, giờ đây anh cho phép em đặt thi thể anh xuống huyệt. Hãy giúp em thêm sức mạnh”.

Rồi Hà cúi xuống bợ đầu anh nhích qua một chút về chỗ huyệt, xuống dưới chân anh bợ qua một chút, lại lên đầu, rồi xuống chân. Cứ thế không biết đến bao nhiêu bận. Cuối cùng cô cũng đưa được Khang xuống huyệt ngay ngắn. Song, bùn đất làm anh lem luốc.

Hà không đành lòng để như vậy, cô xé tiếp vạt áo bà ba còn lại, xuống xuối vò sạch, múc ca nước lên lau mặt cho anh, rồi lại giặt, vắt khô nước, đắp lên mặt anh. Cô nói: “Anh Khang ơi, chỉ có vậy thôi! Em không biết làm gì cho anh hơn nữa… Vĩnh biệt anh!”.

Khi sách chính thức đến tay bạn đọc, một trong những ước nguyện lớn nhất của tác giả là mong nó sẽ trở thành nhịp cầu hội ngộ với những đồng đội xưa đã mất liên lạc sau mấy thập kỷ: “Cô y tá nhỏ (Hà) trong sách chính là tôi! Đồng đội nào nếu đọc được cuốn sách này xin liên lạc lại với Tuyết Sương”.

.                                                                TRẦN VĂN THƯỞNG

 

BÌNH LUẬN