Tố Hoài – NGƯỜI CON GÁI MANG HAI MÀU ÁO – Truyện ngắn

0
2610

          NGƯỜI CON GÁI MANG HAI MÀU ÁO

.                                                    Truyện ngắn Tố Hoài
.                                                   
Báo VĂN NGHỆ Tp.HCM
.                                                  (Số 468 ngày 21-9-2017)

Ảnh phụ nữ đi trên cầu xứ Huế1. Những ngày tập kết hai miền, người ào ào về hai phía sông Bến Hải qua đi. Quốc lộ Một, hướng về phía nam không còn ì ạch những chiếc ô-tô cũ mèm ních người, cõng cả chổi cùn dế rách phì phạch thở khói bụi than nhèm cả mặt đường. Sự yên tĩnh trở lại như khoảng lặng oi ả giữa chiều giông gió.
Một người đàn ông tới nhà Chương xoè ra tờ giấy pơ-luya to hơn bàn tay đánh máy chữ màu xanh đưa cho ba cô:
– Thưa ông, tôi đại diện cho Ủy ban hành chính kháng chiến xã ta xin gửi giấy kết hôn của cô Chương.
Ba cô tròn mắt ngỡ ngàng:
– Răng có chuyện lạ ra ri? Nó lấy chồng khi mô mà có giấy ni?
Người đại diện vẻ nghiêm túc:
– Xin mời ông nhận cho. Anh trai cô ấy là người đại diện và chứng kiến trước Ủy ban xã, cho phép…
– Tôi là ba nó. Mẹ nó còn sống, mần răng anh được quyền huynh thế phụ?
Người đưa giấy có phần lúng túng. Anh giải thích bằng sự hiểu biết ít ỏi của mình:
– Thời đại tự do rồi thưa ông. Chỉ cần hai người đồng ý có đại diện chính quyền…
– Luật mô định rứa? Rứa là không đúng với điều tối thiểu tập tục thông thường!
– Chừ ông nhận cho. Uỷ ban kháng chiến tạm giải tán rồi. Xin ông hỏi thêm cô Chương.
Chương đã nghe hết. Cô chạy vào nhà ôm mặt khóc. Như hiện ra trước cô sự việc… Hôm ấy, cuộc họp chuẩn bị cho việc tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve-1954 về Đông Dương. Mọi người đã đến đông, ngồi quanh chiếc bàn kê ngay ngắn giữa đình làng nơi Ủy ban hành chính kháng chiến của xã làm trụ sở. Anh trai Chương ngồi bên ghé vào tai cô thông báo “ Bữa ni anh tuyên bố với mọi người ngày đính hôn của em nhé?” Chương bất ngờ, vì mấy nay chuyện chỉ dừng ở lời chọc ghẹo, chứ có chi mô nên cô ngúng nguẩy “Không mô anh”. “Anh thấy được với em đó. Để an tâm công tác, em đồng ý đi!” Chương thanh minh “Em không ưng người đó mô!”.“Người đó là đồng chí… đó ”. Chương kiên quyết “ Em không mô. Mần rứa tội em”. Người anh cố nài “Thì, đính hôn như là nhận lời yêu có chi mô?”. Chương hơi bực “ Nhưng tình yêu không là lắp ghép”. Vài lần anh trai nhấp nhổm, Chương cầm tà áo kéo xuống. Bỗng phía đối diện, một cán bộ Ủy ban nhắc “Đồng chí có chuyện chi thì nói lẹ đi để cuộc họp sắp bắt đầu”. Lần thứ ba, người anh mới đứng thẳng lên được. Chương run rẩy nắm vạt áo anh trai trong tay cô không còn chặt nữa. Người anh giọng rụt rè, dè dặt rằng anh chứng kiến việc đính hôn của em gái anh hôm nay với đồng chí T.”. Cả hội trường ran lên tiếng vỗ tay rộp rộp. Chân tay Chương như rụng rời. Đầu óc không nghĩ được. Cô muốn chạy khỏi phòng họp, nhưng không thể nào nhấc chân lên. Trong cô chỉ còn ý thức tổ chức với phần danh dự một giáo sinh. Chương ngồi chết trân. Ập vào tai âm thanh phào phào như mưa rào ào ạt trên mái tôn.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cô gái huếThế là nay mình đã có chồng, người chưa quá một lần rõ mặt”.
Chương cố hình dung, lần đầu người ấy qua bếp khi cô giúp nhà bếp chuẩn bị cho bữa liên hoan. Cô chỉ nhớ cái dáng lừ lừ như con gấu nhắm tới hũ mật với sự lặng thinh trùm kín. Rồi ai đó buông câu trêu chọc bâng quơ vô bổ thì gấu mới mở miệng như được nếm mật đúng lúc đói lòng. “Rồi sẽ biết!”. Cái âm thoát ra từ miệng người ấy không rõ vui buồn, thách đố hay tỏ rõ quyết tâm? Cô ngán ngấy lối xử sự ni. Chừ người ấy ra đi không lời từ biệt, không đoạn chia tay, thì tìm mô một ngày tình nghĩa?
Chương trở về với trang giáo án. Hàng ngày cô đứng trước học trò mang thêm nỗi mông mang diệu vợi. Nhưng cô đặt niềm tin vào sự đợi chờ. Hiệp định Geneve 20-7-1954 quy định sau ba năm tạm thời chia cắt hai miền, sẽ tổng tuyển cử, đất nước thống nhất. Thời gian ấy với Chương không đáng bao lăm. Vì thế sự tận tuỵ với học trò là điểm tựa. Chương dồn thời gian công việc vào từng giờ đứng lớp, vào mỗi học trò bé bỏng kia. Nén lại gợn sóng lăn tăn nỗi u hoài, đã có chồng hay còn là con gái? Đôi lúc cảm thấy lang thang trong hàng rào vô hình. Có khi lại như bị trói chặt trong chiếc boong-ke kín mít.
Cảnh sát Quốc gia ập vào nhà đọc lệnh bắt Chương. Trại giam Thừa Phủ đã có tới hàng trăm gương mặt giáo giới cô quen. Có người mới gặp lần đầu ở hội nghị giáo giới tại Tân Thành do ngành giáo dục Thừa Thiên – Huế triệu tập trước khi tập kết ra Bắc. Cuộc thẩm vấn bắt đầu. Cảnh sát hỏi:
– Hãy chỉ tên người trong giáo giới theo Việt cộng?
– Tôi không biết người mô theo Việt cộng, chỉ biết tên người cùng đứng lớp.
– Trong cuộc họp Tân Thành họ nói những gì?
– Tôi chỉ là người tới dự họp ngành giáo giới, và chỉ biết nghe rồi về.
Trong số giáo chức bị bắt nhiều người đã bị đánh đập, tù đày. Có thể cô còn rất trẻ, chỉ biết những điều cô thấy mà không thể nào khác nên được thả về. Song điều thấm lớn nhất, từ ngày anh em ông Cẩn lên ngôi, không còn tự do dân chủ. Họ ra tay o ép những người kháng chiến cũ. Ai cũng bị theo dõi, lần lượt bị bắt bớ, tra khảo, tù đày. Cô cũng bị theo dõi. Danh dự giáo chức bị xúc phạm, cô xin rút khỏi ngành ra thành Huế mở lớp dạy nghề.
2. Đêm buông. Nỗi cô đơn ập xuống. Cánh cửa nhà ai cũng khép ngay từ sớm tránh súng nổ lạc vào. Mấy nay lính quốc gia lùng sục bắt bớ ráo riết làm xáo loạn thành phố vốn được coi là yên tĩnh.
Có lẽ cũng đã khuya, Chương chợt nhớ phía cổng vườn sau nhà hình như còn chưa khoá cửa. Vừa bước tới cửa sau, cô đã phát hiện như có người thoáng vụt núp vào bụi chuối. Cô giật mình nhưng cố lấy lại bình tĩnh:
– Trời! Con nhỏ để cửa ngỏ ra ri. Không coi thì có chết tui không?
Dò xét dữ lành, thấy yên tâm, Chương lại gần bụi chuối. Tiếng người:
– Chào cô Chương.
– Ai đó? – Chương nói rất khẽ.
– Chương đừng sợ. Tôi núp nhờ chút rồi đi.
Chương hạ giọng thận trọng:
– Đi mô răng vô chỗ ni?
– Tôi đây mà.
– Anh Tôn phải không? – Chừ, nhận ra tiếng quen – Anh đứng đó đi. Đừng có chạy mô cả hĩ!
Vô nhà vặn nhỏ ngọn đèn, Chương cầm chiếc đèn pin ra chỗ Tôn, thì thầm:
– Anh mô rồi?
– …
Hình ảnh có liên quan– Anh chạy giặc phải không?
– Có tiếng súng rượt, Chương nghe thấy không?
– Thấy! Chừ anh không đi được mô. Chúng có thể vây hãm suốt ngả kiệt ni!
– Chỗ ni, không tiện. Nhưng thừa cơ, tôi sẽ thoát ra.
– Nỏ được mô. Chừ anh vô trỏng, rồi Chương tính.
Nghĩ lối thoát hiểm, loay xoay, Chương chỉ vào cái giường của mình:
– Anh nghỉ cho lại sức chút chút đi.
– Anh nỏ mệt – Tôn ngần ngừ – Chờ thời cơ anh đi…
– Anh không nghe cam-nhông lính rầm rập ngoài đường răng?
– Nghe. Nhưng phải thoát ra ngoại thành đêm ni.
– Nghe em nói ri, chừ cái chi quan tâm đệ nhất? An toàn tuyệt đối phải không?
– Đúng. Mà răng em giỏi rứa. Em nói như …
– Như Việt cộng? Em chưa là Việt cộng mô nhưng em trộ rứa. Chừ ri, em quan sát, canh anh nghỉ. Khi mô thuận, anh đi!
Chương đặt chiếc ghế bên cạnh cửa. Cô dán mắt vào lỗ thông sáng. Khuya, những bước chân rộn rịch xa xăm chốc chốc vẫn nện trên mặt đường. Cái ngủ gọi hồn, cô liu thiu như trong giấc mộng kê vàng. Đầu Chương hiện ngay ra một chàng Tôn, mẫu người cô từng phác thảo. Một Tôn rất đời thường, trí thức, thông minh và quyết đoán. Đôi lần chuyện với Tôn, lần mô cũng để lại ấn tượng. Hình như Tôn rất quí cô? Gặp nhau thân mật, chân tình. Là con gái, Chương giữ một khoảng cách riêng e lệ. Trân trọng Tôn, sự trân trọng làm khoảng cách như rộng ra. Tuy lòng chờ đợi và đón nhận sẵn có… Bỗng không thấy mà chừ, Tôn bằng da bằng thịt…
Không nhắm được mắt, Tôn rón rén ra cửa. Chương ngồi ngoẹo cổ bên song. Anh cứ để cho giấc ngủ ấy ngon lành. Những con muỗi vo ve như ong vỡ tổ làm cô giật mình. Lúc ấy Tôn mới nói:
– Chương à, để tôi quan sát, em vô nghỉ đi …
– Anh, răng em lại ngủ hĩ? – Chương rộn rã hẳn. Lần đầu cô bắt được lời “em” tha thiết và dịu hiền tựa như cô vẫn chờ mong. Cái âm gió ập ùa, da diết thành lúng túng vụng về – Rứa là chừ em thức tới sáng được rồi. Anh phải nằm nghỉ lấy sức, chứ em thức có răng mô! Muốn thì mai ngủ bù được mà…
– Không mô. Anh trả chỗ cho em đó. Anh cứ đứng chỗ ni cho tới bữa mô em không cho anh đứng nữa…
Không gian được mở ra phá vỡ cái im lặng vốn có của đêm. Âm điệu lời nói tự nó mất đi khô cứng. Thực tại trở về với nỗi lòng từng nén lại.
– Tôn nè, anh bướng quá hĩ? Không nhường em đặng chút mô răng?
– Anh thức quen rồi. Em có nghỉ anh mới yên tâm mới thực vui lòng…
– Vậy thế ni anh. Cho em cùng quan sát. Chứ anh thức, em ngủ răng được?
Tôn gật đầu. Anh nhoài người lên nhòm qua then hở phía cao. Tiếng súng không còn. Không thấy bóng người nhưng những âm thanh bước chân xa xăm vẫn len qua màn đêm đập vào tai anh. Tôn ghé sát Chương thì thầm:
– Yên rồi, anh đi. Ở đây không an toàn cho em. Chừ anh thoát phía sau nhà có lẽ kín đáo hơn…
– Với em, không sợ chi cả – Chương đưa cách giải thích – An toàn cho anh mới là điều em tính đến. Nhưng anh, anh đến cùng tiếng súng nổ từ kiệt đó, anh nghe rõ chứ? Lính ông Cẩn mần răng đã thu ngay lưới về? Chừ gần sáng rồi, sẽ có cách để anh đi an toàn.
Tôn lại thở dài. Chương phá thế lo lắng:
– Anh bỏ đi lâu rứa mà không nói một lời?
– Rất muốn nói em à, mà ngập ngừng…. rồi không thể.
– Chương hiểu– Ngước nhìn Tôn bằng con mắt mến mộ và yêu thương, cô muốn mở thêm chút cánh cửa tâm hồn – Răng anh chạy vô đây?
– Chạy giặc mà em! Vô tình gặp may! Mà răng em lại ở chỗ ni?
Chương vui hẳn lên. Giọng hớn hở:
– Biết răng anh cũng có lúc qua chỗ ni! Anh không hãi Chương chứ?
– Vì biết bà con mình đều tốt cả. Mà Chương đã đón trước rồi còn chi! Đón thì phải đến thôi. Vậy là em đã là người của cộng sản rồi đó!
– Em chưa thể là cộng sản. Tuy các anh trai em làm cộng sản. Ba em ủng hộ các anh ấy. Em chỉ là người yêu nước, yêu cách mạng thì có chi mô?
– Rứa địch biết anh chỗ ni thì em nói răng?
Mặt Chương như đỏ lửa, e dè:
– Nói là….
– Là bạn trai! – Tôn đón lời rồi như lại thanh minh – Cũng có chi mô?
Cả hai cùng cười. Chương bẽn lẽn. Cô nghĩ tới T, phân vân. T. chưa có lời hẹn ước. T. chưa phải là chồng. Song cái lời vô hình đính hôn kia đã che chắn bắt Chương giữ một khoảng cách xa hơn.
– Bí thì cũng phải khai rứa!
Lời Tôn chậm rãi mà da diết:
– Anh biết tình cảm của em Chương ạ. Mà anh phải nén lại lòng mình điều muốn nói. Nhiệm vụ của anh chừ gian khổ, có thể bị tù đày, cả hy sinh tính mệnh bất cứ lúc mô. Anh không muốn níu kéo… làm ai khác khổ theo. Trăn trở tự hỏi rứa có độc ác không…? Biết hy sinh trước dân tộc đang lầm than, đất nước đang nô lệ, thì có thể là không!? Anh luôn cầu mong người mình yêu quí có cuộc sống hạnh phúc; nghĩ lại mừng cho người ấy…
“Người ta có nhiều lý do biện minh cho lỗi của mình. Lời Tôn bồng bềnh mà vô tình lại như dao cắt. Song nếu đó là chí làm trai…? Mình muốn gục vào anh, người trong cảm nhận đã thành hình hài, khuôn mẫu. Đã có lúc nào đó mình dào dạt hy vọng như kẻ thoát khỏi riêng mình. Chừ, Tôn như cánh đại bàng đang bay. Bàn tay nhỏ bé và mềm yếu không thể níu kéo. Tôn ơi cứ cất cánh lý tưởng… Chương chẳng trách Tôn mô. Nhưng có điều mô thay đổi mà không man mác trong lòng? Khi mô nguôi ngoai cho đặng?”
Anh sáng soi rõ mặt người. Từng tốp phu xe chở người đi chợ. Tôn thành thiếu phụ cắp dành vời đón xe đi. Chương theo sau dõi bóng Tôn hoà vào dòng người ngược xuôi tới thật an toàn cô mới bớt phấp phỏng, quay vô chợ sáng.
.                                                 3.  Sau ngày gặp Tôn, Chương như được hun đúc thêm nhiệt tình cách mạng. Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cô gái huếChế độ của anh em ông Diệm-Cẩn ngày càng siết chặt, đẩy cuộc sống người dân vào con đường bế tắc. Ngay cả việc hành đạo của các tôn giáo đều bị kiểm soát và cấm đoán trừ tôn giáo anh em ông theo. Có lúc Chương muốn thoát lên R, ở đó cô sẽ là người lính thật sự đối lập với kẻ thù. Cả sự phán xét hôn nhân minh bạch, cô sẽ thoát khỏi sự đợi chờ luôn nghiêng về phía vô vọng. Nghĩa là không phải mặc tấm áo hai màu…
Vì vậy, Chương muốn bớt sự dòm ngó cuộc sống cô đơn và khỏi bị bới tung các mối nghi ngờ sẵn có, cô nuôi thằng Bình, đứa cháu trai làm con.
Chương mở lớp học dậy nữ công gia chánh. Không dừng ở đó, cô trao cho các trò tình người, tình yêu Tổ quốc giống nòi. Trò của Chương mỗi ngày còn được mở mang góc nhìn mới về tình yêu đất nước, đồng bào với một tầm cách mạng, thực tế hơn nhiều. Vì thế lớp học ngày một đông, cơ sở ngày một bề thế. Bình lớn lên trong vòng tay của cô. Ngoài giờ đi học, Bình giúp cô quản lý. Nó hòa đồng vào ngay lớp học bé con của cô. Đôi khi cô ngạc nhiên trước tình yêu Tổ quốc, con người của đứa con trai. Bấy lâu nó kể những vụ xô xát giữa cảnh sát với dân. Nhưng chừ nó còn tỏ thái độ không đồng tình bằng những nhận xét có tình, có lý. Gần đây là việc chính quyền họ Ngô cấm không cho chùa chiền treo cờ Phật.
– Má à, ở chùa Thiên Mụ cũng không được treo cờ Phật mới vô lý làm sao! Con nhìn mấy ông cảnh sát trấn áp các tăng ni ở đó mà thấy đau lòng!
– Chuyện mới xảy ra răng con?
– Có từ lâu rồi. Nhưng liên tiếp hết vụ ni đến vụ tê. Rứa là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng đúng không má?
– Không chỉ là quyền có lòng tin, mà còn là quyền con người, con ạ!
– Sắp có cuộc biểu tình lớn má à!
– Biểu tình về cái chi?
– Vì những điều vừa nói đó má. Đòi tự do tín ngưỡng, trước hết đơn giản là đòi được treo cờ Phật.
– Nhưng ông Cẩn bất chấp máu đổ.
– Điều đó chỉ chứng tỏ ông ta là kẻ yếu hèn! Thời nay không phải của Lã Phá Luân cứ nã thẳng đại bác vô là họ chùn bước mô má!
Bữa ni mồng 8-5-1963, Bình vẫn đi học như thường lệ. Trên đường phố Huế, những chiếc xe jeep của lính ông Cẩn nháo nhác liên tục chạy. Mọi người nhận ra sự khác lạ và lắng tai nghe ngóng, lo lắng tại sao. Chương tuy đã trấn an lớp, nhưng trò của cô vẫn nói điều nóng lòng của họ. Bỗng người hàng phố hớt hải chạy tới:
– Có nghe thấy chi không? Ngoài cố đô cuộc biểu tình của Phật tử đã bị lính ông Cẩn bắn chết một số, có người thanh niên rất trẻ…
– Người chết nằm chỗ mô?
– Rải rác trên phố… Hình như có một học trò chết….
Chương linh cảm răng chừ chưa thấy Bình về? Chuyện chi răng? Như ngọn lửa bùng cháy hối thúc, Chương vời chiếc xich-lô chạy thẳng về hướng có người chết. Cô dừng lại ở một đám người gần thi thể đã được tập trung lại. Không có ai quen. Song điều đó không vợi đi lửa đốt trong cô.
– Thưa còn người chết ở mô? – Cô hỏi người canh xác.
– Còn khoảng trên chục. Có một thiếu niên nằm vệ đường đằng tê…
Bàn chân rụng rời, không cất nổi, Chương đành ngồi xích-lô để tới. Xin lỗi mọi người, cô len vào bên người nằm đó. Sự thật không thể thay đổi được. Bình nằm thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu.
Hai hàm răng cắn chặt. Lòng quặn đau tê tái. Răng mà khóc được? Nhưng còn sức căm thù trào như bão lửa! Học trò tới quanh bên cô. Những dòng lệ tuôn rơi. Song có họ lúc này cô thấy vững vàng hơn. Cô nói:
– Thưa các quý vị, đây là xác con trai tôi, Nguyễn Khoa Bình! Cháu mới chỉ là một học trò. Gương mặt non trẻ của Bình đang nằm trước chúng ta đây chứng tỏ nó đã làm xong công việc.
Vị đại diện Phật tử tiến lại, gương mặt thống thiết với lời chân thành:
– Các Phật tử vô cùng phẫn uất trước hành động dã man mà họ đã gây ra. Song rất khâm phục trước sự hy sinh dũng cảm của Nguyễn Khoa Bình! Khi đoàn biểu tình của tăng ni Phật tử Thừa Thiên-Huế xuống đường đã cuốn hút hàng vạn người tham gia đòi tự do tín ngưỡng, đòi được thờ Phật, treo cờ. Yêu cầu nhỏ nhoi ấy chỉ là đạo lý thường ngày. Vậy mà ông Cẩn đã trả lời bằng dùi cui và đạn cay. Những người cầm cờ và biểu ngữ đi trước quyết không chùn bước trước hành động vô sỉ và dã man đó. Họ đã dấn thân vì nghĩa lớn. Họ dũng cảm phá cản nhiều lần, đè lên độc ác súng đạn mở đường để đoàn người vững vàng tiến bước tới cùng. Nguyễn Khoa Bình là một trong những con người quả cảm đó…. Chúng ta ghi nhớ và luôn biết ơn hành động dũng cảm của anh! Chúng tôi vẫn tiếp bước chân anh, đi tới cùng, đòi sự công bằng bác ái, dù còn phải mất mát hy sinh…
Từ nỗi đau, lời Chương đã thành ý chí:
– Thưa các Phật tử, thưa quý đồng bào, nỗi thống thiết ni không chỉ là nỗi đau riêng. Nó là nỗi đau của bất cứ ai quan tâm đến nỗi bất công và quyền được làm người. Chỉ tiếc là con trai tôi đã ra đi hơi sớm. Song cái chết mang hàm ý tồn tại sự bất công và bác ái bị đánh cắp… ta còn phải tiếp tục bước tiếp…
Đoàn người xếp thành hàng sau linh cữu. Người dân đổ xuống đường. Một cuộc biểu tình tiếp theo…
Máu đổ và lòng căm hờn bùng cháy thành ngọn lửa thiêng đất nước.
Đà Nẵng sục sôi!
Sài Gòn, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối Diệm! Hưởng ứng, ngày16-6-1963, 70 vạn người bất chấp dã man đạn lửa ào ào xuống đường, thành làn sóng rung chuyển đô thành!
Chương đi trong đoàn người biểu tình tại cố đô. Cô thầm cảm ơn những người chung ý nguyện của Bình, giành độc lập tự do cho đất nước, giành lại bình đẳng con người!
Hình ảnh có liên quan4. Các quý bà quý cô thích mốt quần áo cách tân. Cô nhớ lời Tôn khi anh nói về tư cách người cách mạng, về nếp sống chân thật giản dị hàng ngày. Chương nén lại. Đã nhiều lần phải thay đổi bảng hiệu, danh tính để giữ vững liên lạc với các cơ sở cách mạng. Để che mắt địch, cô phải thay đổi cả về nề nếp sinh hoạt mới hoà nhập gắn bó với những lớp người bên kia. Rất nhiều vợ của các đại gia, quan chức ra vào cửa tiệm thời trang của cô mua sắm. Họ muốn là khách quen của một cửa hàng thời trang bề thế, khi chính cô chủ tiệm may đo với trang phục modern bắt mắt. Nhiều bồ nhí của các quan chức gọi Chương là quý cô. Với những bậc mệnh phụ phu nhân sự chân tình chu đáo của cô, người ta thưa gửi cô là quý bà. Tiếng quý bà hình như chưa vinh hạnh đặt vào vị thế người con gái chưa một lần cầm tay một đấng nam nhi. Vì thế vô tình như chiếc gai đâm vào nỗi khắc khoải, éo le kia là ngọn nguồn vò xé tâm can. Có lúc nghĩ, mình mang tấm áo màu gì? Nguyên trinh hay đã nhuốm màu?
Ban ngày Chương thực sự là bà chủ tài năng hào hoa phúc hậu, một doanh nhân thành đạt đang gặp thời. Cô từ chối nhiều cuộc mối mai. Cuộc sống diễn ra hàng ngày như là một hạnh phúc không dễ gì ai cũng có được.
Vậy mà mỗi khi màn đêm buông xuống, không mộng điệp Trang Chu, nhưng nhiều lúc không phân biệt nổi chừ là con gái hay goá phụ? Bù vào khoảng trống mênh mang dằng dặc, Chương nhận nuôi một bé gái làm con. Trước mọi người cô đã là một thiếu phụ. Cô dành thời gian tâm sức vào lớp dạy nghề với những học trò bé bỏng, với niềm vui nho nhỏ làm mẹ đong đầy!
Tới Tết Mậu Thân -1968, sáng mùng 2, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phần phật bay trên kỳ đài Phu Văn Lâu giữa cố đô. Nhưng Chương đã nghe thấy tiếng nổ ình oàng liên tiếp từ quá nửa đêm phía sân bay Tây Lộc. Tiếp là những tiếng súng trên khắp vùng Gia Hội, Cồn Hến, chợ Thông, Phú Thứ, Dạ Lệ, Vân Dương…Cả 13 quận của thành phố Huế đã nổi dậy. Quân Giải phóng đánh vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 bộ binh ngụy. Sư đoàn dù 1 Mỹ, Thiết đoàn 7 kỵ binh, và Thủy quân lục chiến. Mặt đất rầm rầm chuyển động. Khí thế Cách mạng rừng rực khắp đô thành. Quận Nhất, quận Nhì được giải phóng và chính quyền Cách mạng được thành lập. Bọn lính và viên chức chính quyền ngụy lục tục kéo nhau ra trình diện. Tuy nhiên tiếng súng vẫn râm ran nổ và đường đi của những viên đạn vẫn chiu chíu ngang đầu. Nhưng học trò của cô giáo Chương khí thế lắm. Trò nào cũng hào hứng bất chấp giữa hai làn đạn, đến từng gia đình người bị nạn để giúp đỡ băng bó, cấp cứu vận chuyển…Cô giáo của chúng vẫn điềm đạm, thận trọng đón nhận tin tức, bí mật đưa tin đến từng địa chỉ cách mạng…
25 ngày làm chủ đô thành, quân Giải phóng tạm thời rút ra ngoài. Cơ sở cách mạng sớm ra công khai bị bóc trắng. Sau ngày 25-2-1968, các vụ hành quyết bắt đầu. Chúng lập cái gọi là hội Gia đình nạn nhân cộng sản nhằm tuyên truyền, tố cáo bóc dỡ tiếp những cơ sở cách mạng còn lại.
Đến lượt Chương. Cô bị bắt lên đồn cảnh sát Huế và bị đưa ngay vào buồng tra hỏi. Trong buồng bày biện đủ các loại dụng cụ tra tấn. Một tập ảnh đặt sẵn trên chiếc bàn gỗ xuệch xoạc như chừng đã bị xô đẩy nhiều lần. Tên cảnh sát thẩm vấn mặc bộ đồ dân sự vênh bộ mặt lạnh như tiền, hất hàm hỏi:
– Cô liên lạc với cộng sản Bắc Việt từ bao giờ?
– Thưa ông tôi không có liên hệ với bất cứ ai!
– Tôi biết trước câu trả lời rất cộng sản đó mà! Nó thừa! Rất thừa! Không cần câu nói đó. Nên nhớ rằng sự thật đã có trong tay đây! Giờ chỉ có khai thật, khai hết mới có thể về với chồng, với con, rõ chứ? – Tay hắn đập bốp xuống bàn đầy uy lực – Suy nghĩ kỹ đi, rồi trả lời! – Một phút trôi qua, hắn quát – Kha-ai!
– Thưa tôi khai thiệt rồi!
– Đây không cần lời giả dối cộng sản. Cần biết điều và nên biết tính mạng mình đang đặt chỗ nào! Sự sống tự mình quyết định!
Quát nạt đã mỏi, tên cảnh sát bực tức quăng ra tập ảnh mờ, theo dõi từng động tác rồi liên tục dọa dẫm:
– Thế đứa nào đây? Nhìn kỹ đi! Đúng là một kẻ giả dối. Giờ thì rõ rồi chứ? Gặp nó khi nào? Nó về khi nào? Nó đã trao nhiệm vụ gì? No-ói!
Chương cầm những bức ảnh, phát hiện ra họ đã lén chụp từ phía sau. “ Người ấy khác đến thế này ư? Hơi thấp đi và mập lên? – Chương cố moi hết góc dữ liệu nhoà nhạt một lần cô thấy dáng người ấy đi ra khỏi bếp hồi xưa và để nhận ra dáng hình kẻ gian nào đóng kịch – Người ấy có mái tóc bờm xờm như tổ quạ trên cơ thể mảnh khảnh cơ mà? Có chăng cái còn lại là cặp kiếng dày xụ? Không! Không phải người ấy. Vậy là bọn chúng mới chỉ nghi ngờ? Nghĩa là cô đã bị theo dõi? Và chúng không có được bằng chứng nào!” Chương ngẩng đầu, dõng dạc:
– Thưa ông tôi không biết người ni là ai.
– Quái thật! Người tới liên lạc với cơ sở cách mạng mà người cách mạng phủi tay sao?
Lời Chương kiên quyết hơn:
– Tôi nói thiệt, người ni tôi không biết là ai. Chưa gặp khi mô.
– Trước gặp chưa nhiều, nhưng nay gặp lại! Người mà cô năm chờ tháng đợi ở miền Bắc đã về rồi đó!– Tên thẩm vấn bắn tia tức giận vào cô, quát nạt – Chồng mình mà không dám nhận? Lạ thật!
Lời hắn bộc lộ sự mù mờ. Đây chỉ là sự nghi ngờ có chỉ điểm. Còn tất cả trò tra khảo vừa rồi chỉ là đòn tâm lý nghề nghiệp, vì thế Chương khẳng khái:
– Thưa ông, có thể các ông đã lầm! Tôi là người không có chồng!
Tiếng cười hềnh hệch đểu cáng cố kéo dài trên miệng kẻ thù của cô:
– Không phải chồng? Không dám nhận chồng thì là ai? Bồ hả?
– Thưa ông, tôi chưa bao giờ có chồng đó là sự thực. Còn nếu các ông biểu đó là chồng tôi thì xin các ông cho gặp để tôi đối chất với kẻ nớ!
Chương bị đưa về buồng giam. Những ngày tiếp, mỗi ngày một ngón đòn. Những cú đấm như búa bổ với đòn tâm lý xen nhau. Nhưng Chương đã nhận ra sự thật về cuộc tra khảo nên đó là một trợ lực cho cô. Tất cả chứng tỏ chúng chỉ đang mò mẫm trong hũ nút. Phía cô không là một đầu mối chúng tìm. Biết địch, biết mình Chương giữ vững lời khai, suy nghĩ và lập luận để tranh đấu. Không khai thác được gì, cảnh sát nhà lao Thừa Phủ phải thả cô về.
Nhất nhật tại tù! Chương nghiệm ra, bọn mật thám đã biết rất nhiều về cô. Ngay cả việc biết rõ nhân thân, một tấm chồng hờ! Không ngờ nó thâm căn cố đế đến rứa! Không! Chính trong cô vẫn giữ một nỗi niềm chờ đợi và hình như có lúc nhủ thầm chờ đón một ngày….!
Chương được ra tù. Học trò đến với cô như đến lớp. Chúng ríu rít quây quần, đứa xoa tay đứa nắn chân cô rồi chen nhau hỏi:
– Cô ơi bọn nó đánh cô đau, chúng con thương cô lắm!
– Cái đau qua rồi các con ạ.
– Từ nay chúng con chia nhau, ở bên cô phòng bất trắc và khỏi buồn cô nhé!
– Cám ơn các con! – Nén niềm xúc động, cô nói – Cô không buồn mô. Khi cần, cô gọi. Chừ cô tự mần được. Có điều ni cần phải hết sức cảnh giác. Luôn ngó mắt tới người qua lại. Đó là việc tự bảo vệ mình, bảo vệ lớp học. Bởi qua cuộc bắt bớ, chứng tỏ cửa hàng ta, lớp học ta đã bị theo dõi và ghi vào sổ đen của mật thám, các con có sợ không?
– Chúng con không sợ!
– Chúng con không có chi đáng sợ!
Chương được nhắc lại bài học cảnh giác ngay tết Mậu Thân, nên cửa hàng của cô, không bị bóc tung, đường dây liên lạc không bị gián đoạn.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh huế giải phóng 25-3-19755. Vận mệnh đất nước đã đến.
Cố đô Huế vĩnh viễn được giải phóng vào ngày 24-3-1975.
Sự đoàn tụ là những giọt nước mắt đọng niềm vui mong đợi nung nén hai chục năm ròng! Cái ngày chia xa ấy, Chương là giáo sinh mới ra trường phơi phới, trẻ trung. Cô bước vào đời như con chim ra ràng mang đầy niềm tin cuộc đời và hy vọng nhưng chấp chới trước ngàn giông vạn bão. Cô trải qua từng cung bậc âm thanh cuộc đời. Lúc đầu nghe lạ, cảm thấy chạnh lòng. Nhưng thời gian cứ lặp lại phủ lên, chai sạn, như là nó đã được sắp sẵn…!
Vô tình qua tấm gương, Chương giật mình, thoáng ai đó thiệt quen? Cái người trong gương ấy có thể là bậc chị mình từng trải qua suy tư, đắn đo, vượt qua nhiều biến cố gai góc cuộc đời! “Vậy là tuổi thơ của ta đã trôi đi tự lúc nào? Ừa, hai chục năm rồi? Cái xuân xanh trên gương mặt kia đang chuyển màu vàng úa?” Chương quay đi và bước ra cửa. Ánh sáng ngày đang dọi về phía cô. Bỗng cô lại nghĩ tới người ấy. “ Sao người ấy chưa về? Đã tới hơn nửa năm giải phóng, người người đã về, nhà nhà sum họp. Trường hợp không về cũng được xác định. Thế mà đằng này tuyệt vô âm tín? Hay là người ấy có sự chẳng lành? Người ấy có nghĩ cái ngày một thời hoang hoá đơn sơ. Người người đổ xô vào cái sống còn dân tộc. Mọi thứ được đơn giản hoá đến mức khó tin. Song dù sao, sự việc đã xảy ra. Chừ người ta tin vào sự ràng buộc ấy hay thời gian đã xoá nhoà đi tất cả?”
Nhưng, người ấy đã trở về!
Chương xao xuyến bồi hồi chào đón. Lần thứ hai được gặp lại anh, người mà cô lâu nay vẫn giành cho một góc nhớ thương, chắt chiu giữ gìn, chờ đợi. Anh vẫn như xưa trong dáng điệu lêu nghêu. Cái bờm tóc loà xoà có lẽ gọn ghẽ hơn, điểm lưa thưa vài sợi bạc. Những nét dăn deo hằn sâu trên gương mặt khắc khổ ghi nhận phôi pha của thời gian. Cặp kiếng cận ngả màu và hình như mỏng đi đôi chút.
Người phụ nữ trước mặt anh kia, là xác người gầy guộc không phấn son, sau ngày làm việc kiệt lực, hằn từng đường nét nắng gió gian truân. Chương hiện trong mắt anh không là cô giáo sinh trẻ trung, xinh xắn hồn nhiên giục lòng ao ước hơn hai mươi năm trước. Anh vun vén những mảnh vụn vỡ ngưỡng vọng còn sót ở trong đầu. Song lúc này nó chỉ như cánh én mỏng tang vụt chao đi trước mặt không thấy rõ hình hài. Cái ý chí con người anh trỗi dậy. Anh giương bàn tay nanh vuốt bóp ngẹt ngay bóng hình nhạt mờ thoi thóp chung chao muốn hồi sinh ấy. Anh bặm môi quyết định: “Không! Không! Không thể….”
Sau câu chào xã giao, anh lững thững vào ngồi ngay trên chiếc ghế mây vẫn đặt cạnh cửa nhà. Anh rút bao thuốc lá Trường Sơn đỏ, lấy một điếu quẹt lửa hút. Đoạn, anh đưa bao thuốc về phía Chương:
– Hút thuốc?
Chương hồi hộp đến run rẩy. Cái bỡ ngỡ ngày xưa tái hiện. Cô không dám nhìn anh. Bởi là lần đầu cô gặp người đàn ông có thể sẽ là chồng mình! Cô thèn lẹn nhìn vào những ngón tay cháy xém đen sì khói thuốc của anh. Cái bàn tay không còn căng đầy nhựa sống thanh xuân. Nó dăn deo rung rẩy thiếu sức năng động. Cô nhìn tay mình. Thời gian đã ghi nhận những vết hằn tương tự. Cô rụt tay lại, nhớ ra bàn tay kia đang nhắc nhở cô rằng bàn tay ấy đang chìa ra mời thuốc.
– Mời anh. Em có thuốc lá rê kia rồi!
Anh nghiêm trang níu bám vào cái phao cuối cùng làm lý do “chính đáng” với ngữ điệu nặng nề lạnh nhạt:
– Bé gái mô rồi!
– Con đang đi học, anh à!
– Con cô? Nó mấy tuổi?
Chương tưởng như đang trong buồng tra khảo của phòng nhì. Cô trấn an mình. Cô đưa ra âm lượng hồ hởi như trao một cảm tình thân ái:
– Em nuôi con từ trứng nước. Chừ, vậy là nó mười bảy tuổi rồi! Nó còn đang đi học.
Anh nhếch mép hé nụ cười thách đố thay vì lời dè sẻn vốn có ở anh.
Chuyện hai mươi năm hôm nay dồn lại vỏn vẹn chỉ có thế. Và anh lại ra đi như cái ngày xưa ấy.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cô gái huế buồn khócĐầu Chương chuếnh choáng một cảm giác tưởng như đang đà rơi xuống vực thẳm khôn cùng. Nhưng cô đã chạm đáy vực, khuỵu xuống. Một luồng khí lạnh giá buốt chạy dọc sống lưng. Chương như con gà tướp táp run rẩy vừa thoát ra khỏi lũ cuốn trôi. Con gà rùng rục đôi cánh đẫm nước. Mắt chớp chớp nhận luồng sáng oà ập tới. Chương vừa thoát ra cơn ngái ngủ.
Hai mươi năm! Hai mươi năm trôi như giấc kê vàng. Chừ cô mới cảm nhận được sự thể. Nó đơn giản đến sơ sài như một trò chơi ú tim con nít, vội vã và chóng vánh dễ cho qua để sang một trò chơi khác. Vậy mà, một thời cô trân trọng thờ phụng và từng quật quã giữ gìn.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh vợ chồng buồn chia tayThời gian lặng lẽ trôi như vốn nó. Chương loay hoay trong im lặng và đợi chờ. Thoáng thấp mơ hồ tựa như từ thế giới khác lạc vô đây. Ảo giác và đảo lộn.
Nhưng chính thời gian đã giúp đỡ Chương. Chuyện gì cũng có thể nguôi ngoai dần theo năm tháng. Những năm tháng chiến tranh người ta sống gấp gáp và đơn giản. Đơn giản đến tối đa ngay cả trong tình yêu và một đời sống gia đình.
Thật vĩ đại khi người ta hy sinh ngay cả chính nó cho một ngày hoà bình! Như chính Chương cũng đã từng hy sinh.
.                      Tố Hoài

 

BÌNH LUẬN