Tố Hoài – GIẢI TRÌNH CỦA BIỂN – tiểu thuyết, chương 11 & 12

0
1409

.                                          GIẢI TRÌNH CỦA BIỂN

.                       .                              Chương 11

      Kết quả hình ảnh cho hình ảnh tàu vosco cập cảng sài gònCon tàu Mv Lạch Tray mang trong mình ngót 15.000 tấn than đá ra đi. Rời khỏi bến nó như đứa trẻ bị bệnh “chim cánh cụt”, rã cánh nên tấm thân cứ bị chao ngiêng. Mũi tàu bị chúi xuống như kẻ xấu hổ, không dám ngẩng đầu. Tại sao? Tại cái bến cảng Cửa Ông tất. Nó quá nông. Thủy triều rút đi, đáy tàu được nằm trên nền đất ngiêng ra biển. Sĩ quan boong không thiếu thông minh nhưng lỡ quên đây là vùng bán thủy triều nên đã mắc phải sai lầm mà đọc sai mớn nước. Hàng rót xuống một bên tàu. Nước dềnh lên ắt bị rã cánh là thế.
Thuyền trưởng Hạnh cho neo tàu lại. Dĩ nhiên phải bơm nước dồn từ két mũi sang két lái. Két nước trái sẽ dồn nước về két phải. Rồi hàng mấy chục con người lại phải hì hục đào đào bới bới chuyển dần trọng tải về phía lái. Than được bới tung về phía mạn phải con tàu, cân chỉnh khắc phục sự cố chim cánh cụt này!
Con tàu neo ngay trên Vịnh Hạ Long, lý do duy nhất chờ chỉnh cân tàu là chạy. Song Thư ký Công đoàn Quang Tiến muốn chuẩn bị thật chu đáo cho chuyến đi dài ngày. Anh hỏi quản trị tàu:
– Ta chuân bị thực phẩm cho chuyến đi dài ngày có cần thêm gì nữa, ta làm tiếp?
– Nói chung đã đủ.- Quản trị ca cẩm – Chỉ có là ngày tàu bị dừng lại, nhân công khắc phục sự cố, tàu chúi mũi ảnh hưởng tới vận tốc con tàu… thật khó lòng thực hiện quyết tâm của ban chỉ huy tàu nâng đồng lương thủy thủ. Cái ê-kíp mạnh là tạo ra năng suất cao và được đánh giá bằng đồng lương của người lao động…
– Đồng ý với bạn, trước hết phải đồng bộ chất lượng về tay nghề. Thứ hai là trách nhiệm về chức vụ nắm giữ. Mỗi người chỉ cần quên một ly thì đi một dặm.
– Ông tính cái ê-kíp bây giờ mà ta luôn trương lên đó, nó không vì năng suất lao động mà chỉ đơn thuần tình cảm tôi tựa vào anh, anh tựa vào thuộc cấp, chúng ta tựa vào nhau. Đó là cách nghĩ manh mún kiểu tiểu nông. Mà ta đang tiến tới thời đại công nghiệp.
– Khi tới, vào Chính phủ ta hãy bàn thêm. Còn giờ phải tính cho cái hôm nay, cơm áo của ta…
Quản trị vẫn chưa nguôi suy tư, anh vẫn nói bằng cái giọng nghề nghiệp:
– Ba dollars một ngày tựa như mỡ quệt miệng voi. Nay phải ăn dè để sẻn, tự bớt tiền ra đút túi là cách làm hà tiện cò con, bù sao kịp những lãng phí đang bày ra trước mắt?
Quang Tiến không muốn bàn chuyện ngoài lề. Anh nhằm vào việc đang quan tâm:
– Rau xanh thì sao? Ta có thể tìm cách nào giữ được lâu hơn?
Quản trị luôn ỷ vào phương tiện có sẵn:
– Điều đó là khó vì fi-gô tàu không chuyên dụng dự trữ rau xanh. Tới kênh Suéz ta sẽ mua tiếp.
Con tàu Lạch Tray tới châu Âu, sẽ vào mùa lạnh, giá rau rất đắt. Thông thường phải chuẩn bị thực phẩm từ trong nước. Nhưng rau xanh thật khó để giành. Tiến nhớ lại ngày chiến trường, khi cả bãi rau tàu bay cây non không lên kịp, những cây chuối già cũng bị hạ xuống làm thức ăn thì rau là nỗi nhớ thắc thỏm trong bữa ăn hàng ngày. Ở rừng về đồng bằng, bữa cơm những ngày đầu, bộ đội ăn rau như tằm ăn rỗi. Còn bây giờ, những đợt con tàu phải hành trình dài trên biển, từ thuyền trưởng đến thuyền viên, trước sau đôi môi ai cũng bị nứt nẻ sưng vều. Hễ đánh răng là bị chảy máu. Một số người thấy khó tiêu. Đó là những triệu chứng của bệnh thiếu rau. Song thủy thủ đã phải chịu chung một cảnh ngộ cho tới khi con tàu cập được vào bến nhà sau một tuần, cái đói rau nguôi ngoai, căn bệnh trên mới hết.
Mv Lạch Tray vẫn chúi mũi lầm lũi vượt qua Ấn Độ dương. Con tàu như đang trôi trên nồi nước sôi của vịnh Aden để vào biển Đỏ. Biển Đỏ chia cắt vùng cát trắng ra làm hai phía. Phía trái con tàu là Châu lục Đen mà ngọn lửa nồi da xáo thịt lúc nào cũng rừng rực dường như không có thời gian nguội. Bên phải là bán đảo Xinai ẩn chứa đầy trầm tích một thứ nước đen ngòm được quý như Vàng. Chính nó là chiếc bánh ga-tô dầu hỏa, kẻ nào cũng muốn chia phần. Quyền năng ấy nhiều lần đã chi phối được cả Tổng thống cường quốc Huê Kỳ. Song với thủy thủ điều đó không có gì quan trọng. Có nhiều câu hỏi quan tâm được đặt ra, mà không có câu hỏi nào thuộc về điều quan trọng ấy. Cả đám cứ xôn xao tại sao lại gọi là biển Đỏ? Con tàu đi và suy nghĩ đó vẫn đeo bám cho đến chỉ còn mươi tiếng đồng hồ nữa sẽ tới PortSaid, thì mặt biển Đỏ hiện ra một màu hồng tươi khả ái. Tiếng gọi của biển làm các chàng thủy thủ bất chấp bầu không khí oi nồng ngột ngạt, ùa nhau ra cả mạn tàu. Mọi người đang yên lặng ngắm nhìn thì phục vụ viên Cường lợn đã toe lên:
– Sao nó thế này?
Tý liếc nhìn Cường lợn chọc ghẹo:
– Một câu hỏi cũ rích. Câu trả lời chính xác là trời sinh ra thế! Biển xanh kia, tại sao nó xanh? Đấy là màu của bầu trời phản chiếu. Màu hoàng hôn của trời chiều là màu đỏ hay xanh? Thì biển Đỏ cũng là màu của bầu trời, màu của hoàng hôn.
Chú Tư bếp tranh thủ ra hứng gió. Chú thấy bọn trẻ xúm xụm tranh luận nên chú cũng tham gia:
– Thằng cu Tý xuống tàu như nó khôn ra? Đúng đấy, mình thấy trong sách khoa học giải thích màu biển là màu phản ánh của bầu trời.
Quang Tiến nói:
– Hoan hô chú Tư. Đó là một ý kiến giải thích về biển. Còn ở biển Đỏ này, các nhà khoa học về biển họ tương đối nhất trí với lý giải này: Ở vùng biển Đỏ có một loại tảo rất nhỏ chứa loại sắc tố đỏ. Khi mùa tảo đó nở rộ thì cả một vùng biển dài hàng trăm dặm mang một màu đỏ là thế.
Cường lợn vểnh mặt trả đũa:
– Tý toe nghe rõ chưa?
– Rõ. Nhưng mình cũng phải được điểm 5. Chú Tư bếp sơ khảo nhất trí. Vòng chung khảo công nhận một nửa. Vậy là tốt hơn một câu hỏi cũ mèm.
– Thi mà đỗ vớt thì thà không thi, giữ lấy sách ôn cho nó giỏi! – Cường lợn cố cãi.
Con tàu đã tới đầu kênh và neo lại chờ để qua kênh. Những thương nhân cò con chở xuồng đeo bám quanh tàu bán hoa quả, rau rợ, quần áo bò… Cường lợn nhìn Quản trị nhắc nhở:
– Dạo tới Côte d’ Ivoire, xứ sở của rau xanh mà đặt mua qua cung ứng tàu biển ba dollars một chai ớt muối to bằng ngón chân cái, tương đương tiền ăn một ngày của thủy thủ. Thật là hết biết đường chê.
Quản trị thú nhận, mà lại là lời kết tội Cường:
– Đấy là thói quan liêu không cần kiểm trước khi nhận. Phải rút kinh ngiệm ngay với mấy bọ den-đa này. Các bọ ấy luôn treo đầu dê bán thịt chó.
– Em nhận khuyết điểm rồi. Thủ trưởng an tâm đi.- Cường lợn nhạy bén thú nhận.

Cường lợn vờ quanh quẩn rồi đưa hai người Egype da ngăm một râu dê bặm trợn một mập hú bè bè theo chân trở về buồng mình. Người Egype mập hú ôm gói đồ to tướng lặc lè từ buồng Cường đi xuống xuồng trước. Lát sau, bỗng cửa buồng Cường bật mở. Người Egype râu dê rậm vọt ra, một tay đút túi quần, dáng rất vội vã tẩu về phía mạn tàu nơi có chiếc thang dây thả sẵn. Bám được vào thang dây hắn như con sóc lao tụt xuống chiếc xuồng đang nổ máy chờ sẵn. Chiếc xuồng rồ máy lao vút rời xa tàu, khuất bóng sau những màn bụi cát mờ phía bờ xa tắp. Cường lợn mãi sau mới thấy ra khỏi buồng, da mặt còn tái mét, miệng im thin thít như ngậm tăm, tiu ngỉu, trốn vào phòng ăn thuyền viên lủi thủi dọn dẹp.
Chiếc tàu bắt đầu vào cửa kênh theo cửa PortSaid. Những chiếc thuyền máy của công nhân kênh theo cứu hộ tàu đeo bám tung dây ném leo lên khi tàu đang chạy, trông như những con khỉ leo cây. Khi tất cả thuyền, mủng và các phương tiện cứu hộ đặt gọn trên boong mạn tàu, mỗi người mang mảnh vải nhựa to bằng cái chiếu con, trải ra khắp hành lang ca-bin tàu giữ chỗ. Họ bày hàng ra bán như cái mẹt của các bà buôn thúng bán bưng ở vỉa hè, đủ các loại tầm tầm. Nào là tượng thiếu nữ cổ Ả-rập đi lấy nước, nào là người cá đầu sư tử, rồi những tranh ảnh Kim Tự tháp, những đoàn lạc đà hành trình trên sa mạc. Cả những hình ảnh thời nay playboy, playgirl và những đồ dân dụng đời thường xuất xứ từ Trung Hoa, Mỹ, Ấn… đều được bán chác tự do.
Đặc biệt có hai chàng thương gia Egype một béo, một gầy không biết lên tàu tự lúc nào. Chàng béo có cái đầu rất nhọn nhưng khuôn mặt to bè bè nối với thân bằng cái cổ ngấn thịt bự ra tới cằm khó lòng phân biệt đó là cằm hay cổ. Còn người thương gia gầy thì cao lêu nghêu, mắt hoắm, lông mày bự lỉa chỉa những sợi lông như hai con sâu róm cuộn khom trên mắt. Bộ ria mép rậm đen sì rẽ đôi, kéo dài tận tới măng tai. Trên đầu đều quấn khăn rằn như đánh dấu, đặc kiểu Egype. Tới buồng nào hai thương nhân cũng liên hồi gõ cửa, miệng khẩn khoản liến thoắng Cigarette-cigarette, Whisky-Whisky. Chắc họ là những thương gia giàu có. Hoặc ít ra là những người sành điệu muốn có một bộ sưu tập rượu từ năm châu bốn bể. Âm điệu kêu nài nỉ thiết tha làm Tý mủi lòng. Tý đoan chắc:
– Nó phải là nhà sưu tập mới tha thiết đến thế.
– Thì mày cho nó một chai – Cường lợn xúi.
Quang Tiến dè dặt dặn dò:
– Cẩn thận đấy. Cho, thì ít ra phải làm giấy cho, bắt nó ký vào, chứ nó nói bán rồi kêu cảnh sát tới phạt, thì không có đủ tiền nộp đâu.
Bỗng trong phòng ọ ẹ tiếng loa, tiếp tiếng của thủy thủ trực ca boong phát từ cái ampli chúa ở buồng lái truyền tới:
– A lố. A lờ… lệnh thuyền trưởng, cấm buôn bán rượu, thuốc lá trên tàu… – Lại ọ ẹ tiếng loa. Tới là cái âm rè rè khác hẳn. Nó ề à nhưng cố lấy vẻ ngiêm túc. Ai cũng dễ nhận ra tiếng của chính trị viên Chường – A lố à lồ xin thông báo mọi thuyền viên phải tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ quy định. Lệnh thuyền trưởng cấm mua bán đổi chác nhất là rượu, thuốc lá… Thuyền viên nào cố tình không chấp hành sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm… A lố.. xin nhắc lại…
Có lẽ cái tần số vượt ngưỡng bị lặp đi lặp lại nhiều lần như nhét vào lỗ nhĩ nên thuyền viên phải ùa ra phía mặt boong thoát cái tiếng ò e cho khỏi chối tai.
Mv Lạch Tray đi theo hướng dẫn của hoa tiêu kênh trong đoàn tàu nối tiếp nhau tít tắp dài không rõ tới bao nhiêu. Cái nóng vẫn hầm hập. Song thuyền viên vẫn thích quan sát hai bên bờ kênh. Kênh đào Suéz nối biển Đỏ với biển Địa Trung Hải, được đào từ tháng 11-1869, thông luồng ngày 29 tháng 10 năm 1888, dài 161,6km, rộng trên dưới 200 mét. Hai bên bờ là cát trắng, lưa thưa những làng mạc và những bóng cây. Ở trên đó, ta vẫn nhận ra ngổn ngang những xe Tank, đại bác, những bức tường đổ nát… chứng tích chiến tranh giữa Egype với Israel năm 1973. Càng ngược về phía đầu kênh ra Địa Trung Hải, càng thấy tính chất chiến tranh ác liệt hơn nhiều.
Gần giữa trưa, tàu neo ít giờ tại hồ Timsâh nằm giữa đoạn kênh, tránh đoàn tàu xuôi rồi lại tiếp tục hành trình.
Trời đã về chiều. Hoàng hôn cũng đã bớt đi ráng đỏ. Không khó nhận ra thành phố Suéz từ cái bảng quảng cáo thuốc lá to tổ bố của hãng Kent trưng lên chót vót trên nền trắng của tràng sa mà những ngôi nhà lụp tụp mới cất xen quanh những đống đổ nát do chiến tranh chỉ là điểm xuyết.
Bỗng nhiên trong cabin tàu, những bước chân rầm rập rảo lên tầng sĩ quan. Khi Quang Tiến đến thì đã thấy Hạnh lé bị cảnh sát Egype khóa tay bằng còng số tám ngay trước cửa buồng anh. Tuy nhiên trên tay Hạnh vẫn còn cầm tờ dollars mệnh giá một trăm mới coóng có thể cạo râu. Năm két rượu made in BÌNHĐÔNG, tem si nguyên vẹn xếp thành chồng tựa dưới chân Hạnh.
Sự hiện diện đồng thời của bốn kẻ lạ mặt, hai mặc đồng phục cảnh sát Egype, hai được gọi là thương nhân một béo một gầy, từ sớm từng gõ cửa mọi phòng, đã nói đủ rõ tại sao.
Cuộc mà cả từ lúc trưa giữa hai thương gia Egype với thuyền trưởng Hạnh từ một dollars tới một dollars rưỡi cho một chai rượu Bình Đông giờ này mới ngã ngũ.
Cảnh sát mặt lạnh như sắt giữa đông. Cái miệng chỉ động đậy bởi cái âm tiếng Anh nhát một đến khó nghe:
– Phạt mày mười lăm ngàn dollars theo luật Ai-Cập.
– Sao phạt?- Mặt Hạnh lé nhúm nhó.
– Buôn rượu lậu. Luật, nghe chưa?
– Sao nhiều thế? Bảy ngàn thôi!
– Không – Cảnh sát dứt khoát – Đúng mười lăm ngàn. Luật đấy!
– Bảy ngàn, Ok? – Hạnh nhún vai – Chúng tao còn nghèo mà.
– Tao không cần biết. Luật pháp không ban riêng cho kẻ nghèo quyền chỉ phạt ít tiền.
– Vậy mười ngàn, Ok nhé? – Hạnh dề môi xót xa, ngã giá – Tao hết tiền rồi.
– Không, không. Tao không cần biết mày có nhiều hay ít tiền. Mười lăm ngàn là mười lăm ngàn. Nếu không, mày bị nhốt đó con.
– Mười ngàn – Hạnh nheo mắt hy vọng – Ok nhé? Ok đi!
Cuộc trả giá bất thành. Quang Tiến có mặt chứng kiến cũng thấy không thể diễn giải gì hơn. Anh chỉ hiểu thêm được sự việc và cảm thấy Hạnh cũng đã nói đủ rồi.
Hạnh lé bị đẩy lưng trong hai bàn tay hộ pháp. Chàng bị áp giải xuống canot cảnh sát áp sát mạn tàu. Con tàu Mv Lạch Tray phải neo lại ngay đầu kênh. Thủy thủ bất ngờ quá, xôn xao ùa ra đứng cả trên thành tàu nhòm xuống, ngơ ngác không biết làm gì. Hạnh đứng dưới lòng canot nghển cổ lên dặn với:
– Mười ngàn, chỉ mười ngàn thôi đấy!
Trưởng Câu lạc bộ tàu, kẻ hay mủi lòng, tao tác:
– Ôi con tàu của tôi, vương quốc tự do của tôi, lãnh chúa của tôi, lòng tin của tôi đang bị cầm tù. Lãnh chúa ngồi xổm lên luật pháp thì tự do nhân quyền thành tiếng kêu của cái thùng rỗng, càng lớn tiếng kêu càng to.
Quản trị, kẻ nỏ mồm thấy thế cũng a dua:
– Lòng tin mù quáng thành nô lệ. Quyền bính giao cho kẻ tham lam lừa lọc, hỡi vương quốc sẽ trôi về đâu?
Chường chậc lưỡi nhăn nhó:
– Khổ lắm nói mãi….
Thấy việc lừng chừng, Quang Tiến đề xuất:
– Anh Chường ạ, chuyện đã rồi. Bây giờ làm sao có tiền chuộc anh Hạnh ra? Có thế tàu mới tiếp tục hành trình.
– Thì ông là Công đoàn đứng ra vay đi!
– Thế này anh Chường. Anh đứng ra vận động anh em thì tốt nhất.
– Tôi ý à? Ban chỉ huy có chủ trương đâu? Tôi mà vận động, anh em họ nghi tôi dính líu vào thì sao?
– Vậy thì thế này nhé, anh không làm thì tôi lấy danh nghĩa cá nhân vận động mượn anh em, kẻ ít người nhiều, cốt sao giải thoát con tàu ra khỏi nơi đây. Không có thuyền trưởng, con tàu đi sao được?
– Tùy ông.
Sớm tinh sương, Quang Tiến với phó nhất Đinh Bá đi đóng tiền nộp phạt. Thằng Cường lợn đưa cơm cho Hạnh, theo sau. Hạnh bị nhốt trong cái lô-cốt cũ tám mặt màu tro xám xịt trơ trọi bên bờ kênh. Nhòm qua lỗ châu mai hình chữ nhật lép xẹp bé tí ở mặt chính diện lô-cốt, mãi mới phát hiện ra cái bóng lờ mờ dính đét xuống nền gạch bẩn trong màn tối tù mù. Hạnh nằm co quắp như bóng một con chó mệt mỏi khoanh tròn đang ngủ sau một đêm dài mải mê canh thức. Quang Tiến ới lên một tiếng. Thằng cảnh sát ôm súng ngái ngủ đứng phía gần bót gác đằng kia như choàng tỉnh. Hắn giật mình, đi lại. Cường lợn chìa chiếc cà-mèn cơm ra hiệu kêu, chóp chóp. Thằng cảnh sát mở vung cơm, nhòm vào cà-mèn, tay cầm lấy rồi bêu vào đầu chiếc gậy, mở cửa châu mai đưa qua kẽ chắn song sắt, miệng thé lên tiếng A-rập, êu êu. Cái tiếng kêu tựa như cái âm êu êu, bé ơi ra mà ăn kẹo trong chuyện cổ tích làm Tiến và cả bọn phì cười. Thằng cảnh sát thấy tiếng cười ngộ ngĩnh cũng cười theo.
Ba người đến bót nộp tiền phạt. Đúng mười lăm ngàn dollars Mỹ. Tiến hỏi:
– Làm ơn cho một tờ hóa đơn tiền phạt này?
Cảnh sát đút tiền vào ngăn kéo, khóa lại, thản nhiên:
– No, no!
– Tại sao không? – Quang Tiến hỏi tiếp.
– No, no.
Thấy ồn ào, một cảnh sát có lẽ là sếp của bót từ phía trong bót đi ra. Hắn vừa nói bằng tiếng Ả-rập vừa phất tay cho Tiến về phía lô-côt. Cánh cửa lô-cốt được mở. Hạnh đứng dậy phủi quần áo, bẽn lẽn như chàng hoàng tử Ranaridh trở về vương quốc.
Con tàu Mv Lạch Tray lại có chúa. Mọi người thở phào sau một đêm căng thẳng. Đúng là một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, dù cỏ là những miếng cỏ non tơ thời nay được mã hóa bằng nhân bản rất ngon lành. Một hồi còi vẫn được kéo lên dù cái âm bẽn lẽn, để chào cái bến không hẹn mà đậu. Ra tới Địa Trung Hải, biển có ý bù đắp cho cơn biến cố bão lòng. Sóng lăn tăn dịu êm. Con tàu đi như dạo trong hồ nước mơn man, bằng phẳng một màu da trời thảm trải. Tàu dành hẳn một buổi vệ sinh tẩy xúi. Đã đến giờ trưa, tại câu lạc bộ, thủy thủ tự nhiên tụ lại chờ cơm. Chuyện bù khú ma mãnh ở đẩu đâu và không biết xếp thể loại nào đều được moi ra hết cả. Quang Tiến cũng tranh thủ xuống nhà bếp xem bữa cơm trưa anh đã ngỏ ý “ăn tươi”, nghe anh em cười nói rôm rả anh ngó vào. Thấy Tiến mọi người phá ra cười rộ. Không rõ chuyện gì nhưng anh không ngơ ngác. Tiến tỏ vẻ khoái chí, cười theo. Cu Tý bắt gặp niềm vui, hứng chí:
– Giá như anh Tiến làm thuyền trưởng con tàu…
Quản trị tàu đè luôn:
– Mày lại tếu rồi. Anh ấy có học boong đâu mà làm thuyền trưởng.
– Con người ta có số – Trưởng Câu lạc bộ tàu đủng đỉnh nhả từng lời – Nhân định thắng thiên không dễ. Anh Tiến là trường hợp điển hình ấy. Thi xong môn khoa học cơ bản, phòng Đào tạo xếp lầm anh vào khoa Điện chứ không vì nguyện vọng học khoa lái, mục đích vào trường.
– Sao lại vậy? Tại anh không đề nghị?
– Có chứ. – Quang Tiến cười.
Tý xít xoa:
– Tiếc quá nhỉ?
Một sĩ quan máy hỏi Tiến một cách thẳng thắn:
– Có phải anh lên đề nghị chuyển sang khoa lái thì trưởng phòng Đào tạo trả lời rằng, mục tiêu đào tạo của trường chỉ để vận hành tàu. Con tàu đi được là do cái máy. Vì thế Giám hiệu chủ trương ai học giỏi xếp khoa Điện. Học vừa vừa xếp khoa Máy. Còn lại dồn vào khoa boong tất. Boong là phải to con. Rồi anh đứng lên áp lưng sát vào tường đo luôn?
– Ừ , đo. – Tiến xác nhận.
– Mét mấy?
– Mét bảy!
– Sao không chuyển?
Tiến thở dài, dù anh cố nén lại nhưng vẫn không thể giấu được tiếc nuối:
– “Đã quá xếp rồi, anh thông cảm” chứ sao.
Kiệt là kẻ ngoại đạo, anh không học ở trường đó có thể thế nên cái phanh mồm thả hết cỡ:
– Cái lý của kẻ có quyền kiểu hổ chia phần cho cáo!
Chính trị viên Chường cố chấp theo kiểu khuyến cáo:
– Chủ trương của nhà trường thì học trò phải chấp hành. Không lẽ bỏ về nhà?
Quản trị dỡn vẻ tiếc rẻ:
– Tại anh thì anh phải chịu. Ai bảo thi đỗ điểm cao? Làng nhàng, vừa chơi vừa học, chỉ cần có kẻ kê cho cái ghế ngồi theo cơ chế cơ cấu thì tha hồ mà vung tay chỉ trỏ…
– Số rồi! – Trưởng Câu lạc bộ buông lửng – Học giỏi cũng là một cái tội.
Cu Tý lắp bắp cái lời người lớn, nó đã nghe lõm bõm:
– Trách nào, các cụ bảo thần thiêng tại bộ… hạ. Vua ngày xưa lên ngôi từ lúc dái bé bằng hạt mây, có biết đầu cua tai nheo là gì. Nên ai làm vua mà chẳng được? Giờ mà làm, có cả bầy trợ lý thì ai cũng làm được tất.
Trưởng Câu lạc bộ phản biện:
– Thế là cậu đã vô tình bước lầm vào con hẻm cụt rồi! Vừa rồi ông bộ trưởng nhà mình phải ký thêm một văn bản phủ nhận hai quyết định ổng vừa ký chưa ráo mực. Vậy hỏi, tự tay ông ấy có soạn thảo văn bản không?
– Không! Phải là trợ lý! – Cu Tý khẳng định.
Thợ tiện Lê Thanh ít khi để ý chuyện tào lao. Nhưng bỗng nhiên anh cũng tham gia:
– Vậy thì cần đánh dấu hỏi vào năng lực của hệ thống soạn thảo văn bản!
Cường lợn tay chân ngọ ngoạy nôn nóng chờ chọc cu Tý:
– Cu Tý nghe rõ chưa? Như vậy nghĩa là làm vua cũng phải có cái đầu của vua. Bây giờ là học trò nhưng ngày mai sẽ là nhà quản lý! Xóm mít đặc thì còn có xã. Xã mít đặc còn có huyện…. Chứ đến vua mà mít đặc thì…
Cu Tý cắt ngang:
– Dĩ nhiên vua mà chột thì phải là nước mù…
Cường lợn cố một câu trước khi đi dọn tiếp cơm trưa:
– Đợt này cho mày về làm thủ tướng nhá!
– Tao ấy à? – Tý dẩu mỏ vươn cái cổ cò dõi theo hướng Cường, vớt vát – Cờ đến tay ai người nấy phất, nghe chưa.
Kiệt thích chí hùa theo:
– Thằng Tý luôn luôn chọn đúng. Tại sao nó chọn khoa boong? Các anh có biết sao không? Lỡ ra sau này cái bệ kê chân đặt dưới vô lăng buồng lái có bị sóng đánh rơi xuống biển thì cái chiều dài sẵn có ấy mới có cái tầm nhìn ra ngoài mũi con tàu mà không cần phải kiễng chân.
Thấy chuyện hơi đi hướng quá đà, Quang Tiến nhẹ nhàng lái sang chuyện khác:
– Thực ra đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng không khó. Ở đó mỗi một cá nhân thực hiện chưa đúng không sợ bằng sự yếu kém trong quá trình hoạch định chính sách, cao hơn là hoạch định thể chế. Nhưng thôi, chuyện xưa rồi. Nghe chuyện mới này. Mình trình bày ý định, Công đoàn sẽ tổ chức cuộc thi làm món ăn khác lạ ngon miệng nhất. Điều kiện một là chỉ dùng các loại thực phẩm hiện có trên tàu; hai là sẽ có sự trợ sức của nhà bếp để thực hiện theo chỉ đạo của người đăng ký. Ba là sẽ bỏ phiếu chọn, ai được phiếu cao nhất sẽ được thưởng. Quản trị thấy thế nào?
Mọi người vỗ tay râm ran. Quản trị cao hứng:
– Một ý kiến hay. Tôi xin ủng hộ. Có thể viết thông báo. Ai đăng ký, đề nghị viết yêu cầu thực phẩm để nhà bếp chuẩn bị sẵn.
– Thời gian đâu? – Thủy thủ phó lo lắng.
– Để chủ nhật đi! – Kiệt gợi ý.
Một thủy thủ vạch khó:
– Làm việc có ngày chủ nhật đâu mà thi với thố?
Chính trị viên Chường nghe cũng ngán ngẩm, vơ đũa:
– Các cậu chỉ rắc rối. Lo mà làm. Chưa có ý kiến thuyền trưởng đã vung tay quá trán!
Quang Tiến bổ sung:
– Công đoàn xin ý kiến thuyền trưởng và sẽ đề nghị các bộ phận sắp xếp người để lên lịch làm món ăn mới. Có thể đề nghị mỗi ngày một món, liên tiếp thi luôn một vài tuần -Tiến nhìn ra phía cửa phát hiện – À, có máy trưởng đây rồi. Có cả thuyền trưởng nữa.
Thư ký công đoàn Quang Tiến trình bày về nội dung thi làm món ăn mới. Thuyền trưởng Hạnh mặt tươi tỉnh :
– Xin hoan nghênh. Phát huy cải thiện được là rất tốt, có sao đâu.
Máy trưởng Vận nghe rồi, hồ hởi:
– Nhất trí. Ủng hộ cả hai tay. Bên máy sẽ sắp xếp ngay.
Phía hành lang nhà ăn, phục vụ viên Cường lợn cầm chuông lắc lắc một hồi báo giờ ăn đã đến. Mọi người vui vẻ tỏa về phòng ăn. Không khí bữa cơm hình như vui hẳn lên. Chủ đề bàn bạc hầu như tập trung vào các món ăn dân dã. Quang Tiến không bỏ lỡ thời cơ, anh đi tới từng người động viên đăng ký. Kết quả có bảy thuyền viên đăng ký làm món ăn. Không ngờ khởi đầu, món ăn của máy trưởng Vận được mọi người hoan ngênh nhiệt liệt. Đó là món ăn đọt khoai ngứa nấu canh cua. Nguyên liệu là cua có sẵn từng mảng đã dã nát dự trữ bảo quản trong fi-gô tàu. Đáng lẽ phải là đọt khoai còn gọi là mầm khoai, nhưng đọt quá ít, anh thay bằng những nhánh non của củ. Cái ngon có lẽ còn ở cái mùi vị thơm hăng của lá thìa là. Cái khéo léo ở chỗ chính bàn tay của Vận, tự anh pha mắm muối xào xáo chứ không cho nhà bếp tham gia. Con tàu rộn ràng khí thế hồ hởi, tự tin. Không gian trầm lắng, ảm đạm tan biến.
Hơn một tuần, kết quả đạt không ngờ. Những món ăn rất đơn giản của một vùng quê, thậm chí chỉ là thói quen của một gia đình cũng được trình diễn. Việc thay đổi món ăn làm ngon miệng, rộ lên lời bình lựng vui tươi, phấn chấn. Nhưng điều quan trọng hơn mà Quang Tiến mong muốn là, gỡ bỏ được nỗi lo lắng như thể lây lan và niềm tin mai một đã ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Nền nếp từ đó trở lại bình thường. Không ai nhắc tới chuyện cũ. Không khí buôn bán cò con như được một bài học nhớ đời nên lắng xuống.
Chính trị viên Chường nghe đâu đó nói có người đánh bài dạng xóc đĩa ăn tiền. Người chủ trương là Kiệt quái. Anh cũng đã nhắc nhở. Song thực ra cũng chỉ có vài nhân vật cay cú bài bạc chứ mỗi tối anh đi thăm, kiểm tra các buồng thấy thuyền viên đọc sách; hoặc dăm ba cái radio rỉ rả tiếng ca trong phòng riêng. Ngoài câu lạc bộ thuyền viên vẫn vui vẻ với chiếc Ti-vi dù những cái băng đã cũ, hình ảnh đã nhòe và âm thanh méo mó.
Tàu qua Singapore được ngót ngày đường, thì Cường lợn phát hiện xuất cơm của Kiệt quái vẫn còn nguyên. Gõ cửa phòng Kiệt thấy cửa đóng im ỉm. Chiếc chìa khóa chúa của Cường ngoáy mở được cửa chỉ phát hiện chăn màn trên giường Kiệt vẫn còn nguyên nếp gấp. Cho tìm Kiệt không thấy đâu. Thuyền trưởng Hạnh thông báo toàn tàu và cho tàu vòng lại tìm kiếm. Anh cũng cho mở VHF thông báo cho những tàu xuôi ngược Singapore- Việt Nam – Singapore giúp đỡ tìm kiếm thuyền viên của tàu mình mất tích.
Mv Lạch Tray đã vòng lại quá nửa quãng đường ngược về Singapore. Cái khó là không xác định được Kiệt mất tích vào thời điểm nào nên cũng không xác định được vị trí rơi.
Lý do gì Kiệt mất tích? Ban ngày thủy thủ làm trên mặt boong, dù thế, Kiệt có bị rơi xuống biển cũng khó biết nếu không ai nhìn thấy. Còn ban đêm? Càng khó hơn, vì con tàu trong mênh mang đêm tối, khó phát hiện ra. Con tàu vòng quanh mấy lượt vào những điểm nghi ngờ, nhưng thật ra cũng rất mơ hồ. Biển vẫn êm và sóng vẫn du dương. Con tàu đi như lướt trên mặt ao. Cho nên, khó nghi ngờ do sóng. Thuyền trưởng cho kiểm tra, lập biên bản giữ nguyên hiện trường phòng Kiệt. Chường lấy băng keo dán niêm phong buồng để về đất liền nhờ công an giúp đỡ.
Nỗi ảm đạm lại bao trùm lên con tàu. Một chuyến đi gai góc, sóng lòng nhiều hơn sóng biển.
Cường lợn ca cẩm:
– Chuyến đi xúi thấy mồ. Muốn kiếm chác một chút bông hoa nhỏ mà cũng bị “phèo” luôn!
Cu Tý ghẹo:
– Đến tao đây cũng chẳng có gì mà tao có ta thán gì đâu? Tao phải nuôi mẹ già chứ bá mày làm Công an, kiếm tiền như nước, cho mày xuống tàu đi du lịch còn đòi kiếm tiền?
Quản trị kêu:
– Thôi thôi lạy các bố. Chuyến này cái túi các bố lép kẹp kia kìa. Hết bệnh nọ đến tật kia, sung sướng lắm đấy mà còn chọc ghẹo nhau.
Thằng Tý ghẹo lại :
– Vậy đố anh nhé, chẳng phải tù chẳng phải tu. Mà giống như tù giống cả tu! Là cái thằng gì hả anh?
– Là thằng con hư, bố đi tàu bảo bố đi tù!

.                  Chương 12

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh tàu vosco cập cảng sài gòn– Thôi anh! Để em đi đánh răng
– Thơm một lần nữa thôi, anh sẽ giành cho đến tối.
– Cái giống đàn ông, kẻ nào cũng tham lam. À anh nghe tin gì chưa?
– Tin gì?
– Điện trưởng tàu Mv Lạch Tray bị mất tích.
– Thật sao? Tin ở đâu vậy?
– Tin ban tối, phòng khai thác nhận.
– Trời ơi! Thằng bạn anh rồi!
– Nhưng sao mất tích?
– Ai biết. Chỉ biết tên Kiết hay Kiệt quái gì đó!
– Nếu vậy là Đài trưởng chứ không phải Điện trưởng.
– Ừ Đài trưởng. Đúng rồi đó.
– Em nhớ nhầm làm anh hết hồn. Anh bắt đền!
– Thôi…buông ra để em đi đánh răng. Đến giờ làm việc rồi còn gì?
– Mặc….! Ừ thì tối. Anh phải bắt đền lại cho coi…
Rời buồng Tuyết ra, Trần Lắm về ngồi yên chỗ cũ chờ đến giờ giao ban. Anh được thông báo chính thức Đài trưởng Mv Lạch Tray bị mất tích khi tàu đang hành trình trên biển từ Singapore về Việt Nam, cách Singapore một ngày đường. Nhiệm vụ của Trần Lắm là tìm người thay thế cho con tàu này được khai thác tiếp tục. Đã từng là thuyền trưởng nên câu hỏi lý do gì xảy ra tai nạn cứ lởn vởn trong anh. Trần Lắm thừa hiểu vùng biển ấy mùa này sóng rất êm đềm. Làm sao để có thể mất tích con người? Điều gì đã xẩy ra, sảy chân ngã xuống biển? Đánh nhau quá đà phải phi tang? Mâu thuẫn ấy do gì, cãi cọ hay tiền bạc? Nếu là tiền bạc thì do chia chác, buôn chung bán riêng hay cướp của? Trần Lắm đưa ra các tình huống của một người có thâm niên kinh nghiệm đi tàu. Song anh đang ngồi ở cái ghế này, chứ không trực triếp trên tàu nên không thể ngiêng về một tình huống nào khả dĩ. Tưởng không thoát khỏi suy tư. Ấy vậy mà sức hút của tình yêu mạnh hơn tất cả. Cái đầu của Trần Lắm xoay hướng về em một cách dễ dàng trước cự ly rất ngắn. Bởi em là niềm tin của anh. Là sự thành đạt anh mơ. Là hy vọng của ngày mai tươi sáng…
Bàn tay Trần Lắm, một thói quen định sẵn, mở quyển danh sách thuyền viên của công ty luôn thường trực trước mặt. Lật trang các đài viên, anh dò tên tuổi từng người. Xong, anh viết ra tên ba đài viên đđang dự trữ mà anh dự kiến vào cuốn sổ công việc hàng ngày đặt ngay sát người anh. Coi như công việc buổi sáng nay đã hoàn thành. Anh xoay người rất khéo, hướng về phía căn phòng Tài vụ, đúng chỗ em ngồi.
Em vẫn ngồi đó. Giác quan thứ sáu chỉ cho em một hành vi con mắt hướng nhìn. Và những tia hào quang có lửa anh tìm òa ap vao em. Em hồng lên da mặt. Lòng em rung lên một cảm giác đê mê lan tới tận cùng của cảm nhận tâm hồn làm em không thể cưỡng lại một nụ cười tự tại run rẩy trên môi. Em cố mím miệng và cúi xuống toan giấu đi thầm kín. Bàn tay phụ họa lật những trang giấy mỏng manh một cách vô thức khéo léo như một kẻ rất cần mẫn với công việc đang làm. Song sự đồng lõa gượng gạo ấy như ngòi châm vào cơ thể làm em có còn chủ động được đâu. Xốn xang không thể ngồi lặng yên một chỗ, em đành phải đứng dậy, được qua chỗ anh ngồi để đi ra cửa.
Một buổi sáng trong lành trôi đi hiền hòa. Nhưng không có ai ngờ rằng ngay khoảng không gian bé nhỏ ấy lại có hai con tim luôn cháy lửa. Nhịp đập con tim cứ bùng lên vơi đầy, thổn thức. Không có lời. Những động tác đã xảy ra đủ để họ hiểu về nhau và hướng về cùng một tâm điểm. Cho mãi tới chiều, cái nắng xiên khoai đã phải đơn phương tự hạ mình trả về cho nửa hành tinh những giây phút dịu êm. Cái không gian ấy là thế giới mênh mông của tình yêu, của hai con tin chờ đợi.
Anh vẫn ngồi yên chỗ của anh như mọi lần anh bận mải. Em qua anh tưởng như một cái bóng thoáng qua. Nhưng không, ở đó chất chứa đầy ắp những tín hiệu thông tin giao nhau của hai con người đồng cảm. Mặt trời không còn nữa. Anh sáng cuối chiều mờ nhạt như bức màn the che chắn riêng cho những con tim chưa muốn xuất đầu lộ diện. Một thứ ánh sáng như là của riêng họ, thật vậy cả hai có ai muốn bật đèn đâu! Em đã trở về với hai suất ăn định sẵn. Dừng lại trước bàn anh, em khe khẽ:
– Anh ăn cho nóng nhá?
– Cám ơn em nhiều lắm! Anh tuân thủ lời em.
Những món ăn không thể là thịnh soạn, song chính nét dân dã này cho anh một cảm nhận thế nào là trái tim vàng trong túp lều rơm. Ấm cúng và thành thật.
Bỗng nhiên trong lòng anh bộn rộn chút mơ hồ. Hiển hiện ra trước anh một mái ấm, Thúy và con anh đang đứng cửa mong chờ. Thúy tươi cười, chân thật đến khạo khờ của một người vợ và ngô nghê tin cậy trong nhận cảm tình yêu. Đứa con gái bé bỏng chồm ra khỏi mẹ, bám víu vào anh như ước mong nghìn năm xa cách. Anh dang tay ra đón bé. Nó gắng sức cùng kiệt nhoài sang nhưng không bám được, bị rơi tọt xuống chiếc hố thẳm không cùng ngay dưới chân anh. Anh như choàng tỉnh, lắc lắc cái đầu rũ bỏ, vội cầm chiếc thìa lên. Bát phở đã nguội lạnh. Tuyết đến:
– Anh, anh ăn đi chứ, nguội hết cả rồi!
Nụ cười nhăn nhúm, gượng gạo, Trần Lắm giả ngơ:
– Ừ nhỉ. Suýt quên. Tại công việc.
– Không phải tại em là được rồi.
– Mà cũng tại em nữa! – Nhưng Trần Lắm vội phân bua vì sợ mếch lòng – Vì sao em biết không? Cứ gần em là quên hết mọi việc.
– Thì vì việc, khỏi gần luôn nhá?
– Anh có thể bỏ tất cả, khi có em.
– Có một câu châm ngôn, không có thằng đàn ông nào tốt cả.
– Em hơi vội nên vơ đũa cả nắm.
– Vội nên em mới sót một chiếc.
– Chiếc ấy…? – Trần Lắm đưa ngón tay trỏ vào mình..
– Tạm hiểu như thế.
– Em đừng để anh đứng ở ngã ba đường đấy nhé. Anh muốn đi về phía có em.
– Cầu được ước thấy. Phật tại tâm. Cái gì từ tâm, trước sau sẽ có.
Trần Lắm cầm tiếp đũa lên xêu một miếng bánh phở:
– Ngo…on!
– Để em đun nóng nước xáo lên chứ thế này còn gì ngon nữa?
– Ngon thật mà. Em cứ ngồi đây đi cái ngon tự đến. Nhà sạch thì mát. Bát sạch ngon cơm. Ngon từ tâm cứ gì phải nóng? Cái anh cần đơn giản thế, không có gì cầu kỳ phải không em?
– Dạ.
– Vì thế anh cần em. Cần có em trong cuộc đời còn lại. Anh giữ trọn vẹn mà không cần đòi hỏi gì thêm.
– Chị Thúy thì sao?
– Em đừng nhắc đến… làm anh… – Trần Lắm nhăn nhó muốn bỏ miếng ăn.
– Em xin lỗi. Nhưng anh phải ăn đi đã.
– Anh đủ rồi!
Gương mặt anh lộ nét đau buồn thê thảm. Tuyết ân hận. Cô đã chạm vào nỗi đau của anh. Điều cô không muốn chút nào. Nhưng nỗi lòng cô cũng chẳng an tâm, vì Thúy còn là rào cản không dễ ngày một ngày hai gỡ bỏ. Giá như Tuyết tháo bỏ được lời cô để khỏi làm anh đau lòng, nhưng trượt miệng nào có ai đỡ được? Muốn bù đắp cho anh. Tuyết nhìn ngắm anh với lòng thương vô bờ bến. Cô muốn cất lên lời nhưng nỗi ân hận thê lương dìm âm lượng xuống:
– Cho em… xin lỗi.
– Không, em không có lỗi gì đâu. Anh chỉ muốn nói chuyện với em để em có thể hiểu được lòng anh mà em có thể cảm thông sự thật phũ phàng. Anh hướng về em, về cuộc đời anh không thể thiếu… – Anh ngừng lại quan sát đón đợi. Anh tư lự một vẻ thiết tha – Vì thế ta có thể đến một chỗ nào có thể chuyện được mà không có kẻ nào chắn cản nỗi lòng. Em đồng ý không?
– Tùy anh.
– Vậy thì em – Anh chau mày nghĩ suy tìm kiếm – Em ra ngoài ngã tư Cầu Rào đứng đợi…

Cơn gió biển mát rượi thổi qua cửa sổ. Những tiếng sóng rào rạt theo gió bay vào. Nhưng Trần Lắm kép cửa lại. Anh sử dụng máy điều hòa nhiệt độ có sẵn trong phòng khách sạn. Tuyết bẽn lẽn thu mình quanh chiếc chăn mỏng. Làn da trắng mịn màng ẩn trong lớp vải tôn sự trắng trong của tiên nữ đồng trinh. Song sự ngất ngây của anh không hề lộ ra ngoài. Điềm tĩnh sẽ tỏ rõ sự chững chạc. Anh giấu được cả sự xếp đặt trong đầu. Lòng tin của em vào một cuộc nói chuyện thật kín đáo như là lời cầu hôn một tình yêu đích thực thời nay đám thanh niên thường chọn. Nhưng anh lại ngồi sát bên Tuyết, thản nhiên:
– Em ngả lưng đi. Suốt cả ngày ngồi mệt quá rồi!
– Mặc em.
– Thì anh ngả lưng tí vậy.
– Anh cứ ngả lưng đi, em không mỏi.
Trần Lắm ngả lưng xuống giường và con mắt lim dim ngái ngủ. Rồi tiếng thở đều đều nhẹ dần, êm dần như tắt hẳn. Tuyết lay:
– Anh! Anh nói gì đi chứ?
– Ôi anh mệt quá. – Anh vẫn nằm nhắm mắt, uể oải.
Tuyết vẫn ngồi đợi. Anh vẫn thế. Cô lại lay anh:
– Anh?
– Em nằm xuống nghỉ chút đi – Anh xoay người về phía Tuyết – Anh hơi mệt. Chắc giờ không nghĩ được gì nữa rồi.
Tuyết khẽ khàng nằm xuống. Anh kéo tấm chăn mỏng choàng chung cơ thể cô. Cánh tay tiện thể vắt ngang người Tuyết. Cô rón rén đưa tay anh ra. Anh nén thở đều đều và cái cánh tay kia đã thành thói quen cứ phải tựa ngang, cô đành lòng chấp nhận. Cơ thể Tuyết bừng bừng như người cảm lạnh, lên cơn. Song nó lại là nghìn vạn mũi kim vần vò trong tận cùng tế bào nhận cảm, tê mê. Cô như kẻ bị thông công, ma vầy quỷ ám rút hết vía hồn, chỉ để lại rào rạt bất tận của gió thoảng của sóng gợn của mưa phùn thấm tháp từ lòng chân cho tới tận chân mày. Ngôn từ của nụ hôn nồng nàn như gió táp. Lời của lòng tay âu yếm ào ạt mưa sa. Mái đầu vùi mơn rợn, bão giông. Tuyết rúm ró như con gà mắc bão. Cô muốn cưỡng lại. Cong người lên như một phản xạ chống trả, nhưng cơ thể dường như bất lực. Những động tác mạnh mẽ thường ngày đã tan biến. Tấm áo khoác vô hồn thụ động choàng lên cô. Bước chân Tuyết đang trên đường dài nước rút mở hết tốc lực vượt lên đích trước. Nhưng hai bắp chân tệ hại rã rời và mồ hôi thấm ướt. Lồng ngực hổn hển nóng cháy như thiêu. Ý chí cô phán rằng phải chiến thắng! Tuyết ráng sức dành thắng lợi cuối cùng. Cô khép chặt cặp dò ngăn chặn cơn sóng triều đổ ập lên cô. Sức căng mỏi qua đi.
Chới với. Sự hụt hẫng cho Tuyết định hình. Cô vùng người và chạy vào buồng tắm. Qua gương, cô nhận ra cơ thể một con người đang tắm dở. Cô lau cho khô mồ hôi rồi lấy nước ấm xối lên người.
Về tới văn phòng cơ quan chắc đã khuya lắm. Bảo vệ cơ quan thấy bóng Tuyết thấp thoáng chờ ngoài cổng, mở cửa cho cô. Người bảo vệ tươi cười, chia sẻ:
– Kara-Oke mùi lắm phải không cô?
– Vâng.

Tuyết nằm vật ra giường, không cả thay đồ. Cô thiếp đi suốt đêm không một giấc mơ. Khi tỉnh dậy, trời vừa sáng. Song cô giật mình phát hiện hình như trong người có điều khác lạ? Lúc ấy Tuyết mới nhận ra có khoảnh khắc lạ vừa đi qua cuộc đời mình. Tuyết phải tìm ra khoảng nghi ngờ đó. Lần hồi lại, cô tự trách, sao ta lại thật ngớ ngẩn đến thế? Cái khách sạn hiển hiện ra. Kẻ vô hình nào dắt mình vào nơi ấy? Một người đàn ông! Người ấy rất quen mà như là mới gặp?
Mọi sự bỡ ngỡ đến với cô. Anh! Anh đã hiện ra ngay trước mắt. Anh rất gần mà cũng rất xa. Anh nhìn mình với cái nhìn sâu thẳm và một nụ cười hồn nhiên nhẹ như một cơn gió mát lành chính anh mang tới!
Song chính sự hiện diện này đã cởi bỏ tất cả những gì thầm kín, bộc lộ một trò bỉ ổi nhất, cô không thể chấp nhận tha thứ cho mình.
Tuyết phải vào buồng tắm thay đồ. Cô vạch vòi từng ly từng tý áo quần. Nhưng không thấy gì khác lạ. Tuyết lại vạch vòi vần võ cơ thể mình. Cô lục lọi tất cả kiến thức về cơ thể học, cả về y học, cả những lời học lỏm được của mấy bà mẹ sề bạo miệng hay trêu chọc lẫn nhau. Cả một mớ hỗn độn đó cô bới tung ra hết. Dành một thời gian kỳ công, mà cũng không có gì khác hơn. Tuyết thở phào.
Một ngày đến như hoàn toàn mới lạ.
Dư âm vang vọng trong lòng. Tất cả những gì tốt đẹp diễn ra được tua lại và hiện lên rất chậm, rất thật trong đầu.
Tuyết hoàn hồn thấy mình về đích với sự cố gắng tuyệt vời và nguyên vẹn. Tuyết mỉm cười. Cô lấy một tờ giấy hồng nhỏ như chiếc danh thiếp, nắn nót viết như là sự biết ơn về một nghĩa cử cao đẹp:
“ Cám ơn anh dành sự nguyên vẹn để còn là trong trắng”.
Cô bỏ vào chiếc phong bì rồi đi ra cửa phòng.

Trần Lắm đến sớm hơn mọi hôm. Anh ngồi thừ trên chiếc ghế hàng ngày mang vẻ mặt ngái ngủ không thèm cả giấu diếm. Tuyết đi qua như người vô tình, nhưng bàn tay nõn nà lại đặt trên bàn anh chiếc phong bì:
– Thư của anh đây!
– Cám ơn em.
Con tim anh bỗng đập rộn ràng, hồi hộp. Anh sung sướng. Hai bàn tay run rẩy mở thư. Anh đọc tự nhiên như quên tất cả mọi người. Đặt lá thư cẩn thận vào chiếc ví da luôn được giữ kín trong túi áo. Anh muốn ra ngoài đi bộ một lát để xóa tan nỗi xúc động quá đáng vừa qua. Nhưng cũng sắp đến giờ làm việc nên anh chỉ chậm rãi bước quanh tòa nhà cơ quan, ngắm nghía như tìm điều mới lạ.
.                                Tố Hoài

BÌNH LUẬN